21 thg 8, 2021

Tiểu Sử Đào Trinh Nhất

 Dẫn nhập: Với cái nhìn chủ quan của người biên soạn, tuyển tập gần 500 tác giả và tác phẩm đơn thuần chỉ là công việc góp nhặt cát đá những tác phẩm tiêu biểu một thời của những tác giả tiền chiến, hậu chiến, trước hay sau 75 của hai miền Nam Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, già hay trẻ, cũ hoặc mới. Tác giả và tác phẩm được góp mặt mỗi hai tuần theo thứ tự họ với mẫu tự A, B, C Xin cám ơn những tác giả có mặt trong tuyển tập nhưng vì trở ngại thông tin, chúng tôi đã không thể xin phép quý vị trước khi đăng tải. – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


                                                                          ***


                                        Tác Giả và Tác Phẩm


Đào Trinh Nhất

(Phần 2)


Tiểu sử & Tác phẩm

(xem Vài hàng về tác giả)


 

Mục Lục


  Vài hàng về tác giả

Đào Trinh Nhất sinh năm Canh Tý (1900). Nguyên quán tại xã Thượng Phán, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình.

Ông là con trưởng Đình nguyên nhị giáp Tiến sĩ (tức Hoàng giápĐào Nguyên Phổ. Mẹ là Lương Thị Hòa, con gái Lương Ngọc Quyến và là cháu ngoại Lương Văn Can.

Thuở nhỏ, Đào Trinh Nhất theo học chữ Hán ở quê nhà, sau lên Hà Nội học chữ Pháp và chữ quốc ngữ.

 Từ năm 1921 – 1925, ông bước vào làng báo, làm biên tập Hữu thanh tạp chí và Thực nghiệp dân báo. Rồi viết bài cho các báo: Trung hòa nhật báo, báo Đông Pháp.

14 tháng 11 năm 1925, ông vào Sài Gòn, làm thư ký tại Chez Phan Chu Trinh, số 5 Catinat (nay là đường Đồng Khởi).

Năm 1926, ông sang Pháp du học. Ngày 15 tháng 4 năm đó, ông tới Paris, liên lạc với Nguyễn Thế TruyềnNguyễn Như Phong và viết cho báo Việt Nam Hồn.

Năm 1929, ông về nước, ở luôn trong Nam viết báo, viết sách cho đến bị trục xuất về Bắc vào ngày 25 tháng 7 năm 1939.

Trong khoảng 10 năm ấy, ở Sài Gòn, ông đã cộng tác với các báo: Phụ nữ tân văn, Công luận, Thần chung, Tân Văn, Việt Nam, Điểm tin. Và làm chủ bút báo Ðuốc Nhà Nam (Flambeau d'Annam) của Bùi Quang Chiêu (năm 1930-1931), tự xuất bản báo Mai (tháng 2 năm 1936-1938). Sau năm 1945-1947, chạy loạn về, tiên-sinh làm báo Ngày mới, báo Việt thanh (Bắc), và đến năm 1948 làm báo Cải-tạo, Phụ Nữ tân văn

 


 

Ra Hà Nội, ông viết cho tờ Trung Bắc Chủ nhật (1940-1945). báo Nước Nam (1944-1945).

Năm 1949-1950, ông vào Sài Gòn làm trong bộ Ngoại giao với Nguyễn Phan Long và viết cho báo Ánh sáng, Sài Gòn mới, Dân thanh cho đến ngày mất.

Ông mất trong một gian nhà nhỏ ở xóm Hòa Hưng (Sài Gòn) vào chiều thứ Sáu ngày 23 tháng 11 năm 1951, hưởng dương 52 tuổi, an táng tại nghĩa địa Hòa Hưng.

Được tin tiên-sinh mất, trong Nam ngoài Bắc làng báo, làng văn đều tỏ tình mến tiếc. Báo Tiếng-dội (Sài-gòn) chủ xướng việc xây mộ cho tiên-sinh.

Báo Cải-tạo (Hà-nội) tổ chức ngày lễ truy điệu long trọng và cho ra một số báo đặc biệt đầy đủ về tiên-sinh (Cải-tạo số 134 ngày 10-111(nc)-1951). Các báo đều có nói nhiều về thân thế, văn nghiệp tiên sinh, đăng đủ điếu từ, đối phúng, văn tế, thơ viếng.

Ngày ông nằm xuống, ở trong Nam (Sài Gòn) thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phác có câu đối viếng:

“Đàn Tân Văn nổi tiếng tài danh, ra Bắc vào Nam, giọt máu còn nơi dòng Nghĩa thục. Làng hãn mặc nhiều duyên tri kỷ, vàng rơi ngọc xót, nửa đời giờ tỉnh giấc Liêu trai.”

Còn ở ngoài Bắc, nhà văn Tam Lang Vũ Đình Chí có thơ khóc ông:

Tin về: anh mất buổi Xuân sang
Gang tấc, thương ôi! Mấy dặm đàng
Cán viết tự do treo sợi tóc
Cửa đàn ngôn luận rủ cờ tang
Mất anh, nước mất trang cao sĩ
Còn nước, anh còn tiếng đại lang
Đồng nghiệp xiết bao tình cảm kích
Khóc anh, đâu phải lệ đôi hàng!
(Tuần báo Cải Tạo, Hà Nội, số 134

ngày 10 Tháng Ba, 1951).

 

Tác phẩm

 Tiên-sinh vốn là nhà báo làm văn cho nên hầu hết các tác phẩm của tiên-sinh đều đăng từng kỳ một trong các báo rồi sau mới in sách.

 Thế lực khách trú (Thụy ký -  Hà-nội, 1924)

 

 Thần tiên kinh (Dịch của A lan Kardec, 1930)

Nước Nhựt bổn 30 năm duy tân (Đắc-lập - Huế, 1936)

 

 Cô Tư Hồng (1942)

 

 Kẻ bán trời, Con quỷ phong lưu, Bùi thị Xuân

Lê văn Khôi (1941-1945)

Việt sử giai thoại (1943)

 

 Vương An-Thạch (1943)

Con trời ngã xuống đất đen (1944)

Chu Trần tinh-hoa (1944)

Vương Dương Minh (1943-1945)

vân vân …

 

Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, ông mới dịch được nửa bộ, đang đăng báo thì từ trần (Bốn Phương xuất bản-Sài Gòn, 1950)

 Tiên-sinh có nhiều bút hiệu, tùy tính cách mục báo đang chủ biên, tùy tên báo đang biên tập. Tiên-sinh có tên tự là chính Quán-Chi. Chữ này xuất xứ ở sách tứ thư : Ngô đạo nhất dĩ Quán chi. Lại còn bút hiệu Tinh Vệ, Bất Nhị, V…v….


Nhận xét

Nhà văn Vũ Bằng

Anh em đều ngán vì ông nói khoan thai, chậm chạp, yếu ớt; đã thế có khi đến mươi, mười lăm phút mới nói một câu; xong, ngồi xì ra đấy. Trong suốt thời kỳ tôi ở Nam, nằm hút ở đường Lefèbvre, Nhất vẫn cứ xì ra như thế; mặt ông lúc nào cũng bệch bạc, lạnh lẽo...làm cho người đối thoại với ông lần đầu không thể có cảm tình ngay; nhưng biết Nhất lâu ngày, anh em thân đều nhận ông là một người chung thủy, trước sau như một và đối xử rất tận tình với bạn. Đối với làng báo, những bài sưu tầm, nghiên cứu của ông được người ta tìm đọc, một phần vì tài liệu súc tích, mà một phần cũng vì ông đã khéo làm những cái tít khiến cho độc giả giựt gân, muốn đọc xem trong bài ông nói gì. Độc giả Trung Bắc Chủ Nhật mê Đào Trinh Nhất là vào hồi ông viết tiểu thuyết dài như "Cô Tư Hồng", "Con Quỷ Phong Lưu"... khả dĩ đối địch được lại với những truyện dài của Lê Văn Trương lúc ấy đang làm mưa làm gió trong làng tiểu thuyết...Ông bị Tây trục xuất vì bị ngờ là chống lại họ và thân Nhật...[2]

 

Từ điển Văn học (bộ mới):

Khuynh hướng chủ yếu trong tác phẩm của ông là tiểu thuyết lịch sử, nhằm vun đắp cho "tòa nhà quốc học" mà các nhà văn hóa và yêu nước tiền bối đã cống hiến suốt đời...Bằng ngòi bút pha chất ký sự lịch sử, ông muốn khôi phục lại truyền thống vẻ vang, quật cường của nhân dân Việt nói riêng và tinh thần thâm thúy phương Đông nói chung...Về phương pháp, Đào Trinh Nhất có cách làm việc nghiêm túc, thận trọng, cho nên dù không rõ xuất xứ, ta vẫn có được một sự tin cậy. Nhìn ở cả hai phương diện: sáng tác và biên khảo, ông đều có những đóng góp nhất định. Cũng như Trúc Khê Ngô Văn Triện và Phan Trần Chúc, ông đã biết dùng ngòi bút nghệ thuật làm sống lại nhiều tư liệu đã mai một trong lịch sử cận đại Việt Nam [3].

 

Nhà văn Vũ Ngọc Phan:

Đọc những sách ký sự của Đào Trinh Nhất, người ta thấy ông là một nhà văn thận trọng: những việc ông thuật lại đều là những việc có căn cứ, không vu vơ, không tưởng tượng. Đó chính là những điều cốt yếu cho một quyển lịch sử ký sự[4].

 

Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam:

Ðào Trinh Nhất là một nhà nghiên cứu, một nhà văn sung sức của văn học Việt Nam hiện đại[6].

 

(nguồn: Trương Văn Thu & Phạm Vân Anh)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét