21 thg 8, 2021

THẤY CHUYỆN NGƯỜI, CẢM KHÁI VIỆC CỦA MÌNH (NSH )

  QUAN TRỌNG CỦA KẾT HỢP VĂN & VÕ ‒

Nguyễn Sơn Hùng



Sau khi ở Nhật Bản nhiều năm người viết thường lấy làm lạ tại sao người Nhật Bản thường muốn đạt được hạng nhất của thế giới! Trong khi chúng ta có thể cho đó là “hiếu thắng”, “hiếu chiến” với ý nghĩa xấu!

Khuynh hướng nói trên không những có trong giới thể thao mà cả trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, nghệ thuật. Tuy nhiên trong giới thể thao là rõ ràng và dễ hiểu nhất vì các đài truyền hình Nhật Bản thường trực tiếp phỏng vấn các tuyển thủ thể thao, ai cũng đều cho biết mục tiêu của họ là đứng đầu thế giới, hình như chưa bao giờ nghe mục tiêu của họ là thứ hai hoặc thứ ba. Ngay cả trẻ em cũng thế, khi hỏi các em muốn trở thành người thế nào trong tương lai. Và nhiều người Nhật Bản đạt được mục tiêu này, đôi khi làm cho người viết cảm thấy việc được hạng nhất trên thế giới không phải là khó nếu trì chí cố gắng tập luyện không ngừng!

Người viết có hứng thú và quan tâm tìm hiểu tại sao người Nhật Bản có khuynh hướng này và có phải đây là một trong những yếu tố đã giúp dân tộc họ thành công?

Hơn một tháng gần đây người viết đọc sách và tìm hiểu tinh thần võ sĩ đạo của Nhật Bản và có cảm tưởng tinh thần võ sĩ đạo của họ là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến khuynh hướng muốn đạt được đỉnh cao trong ngành nghề của mình.


Một đặc điểm rõ ràng nhất của võ sĩ đạo là “cả văn lẫn võ (1), một đặc điểm rất khác biệt với tinh thần kẻ sĩ hoặc của các nho gia ở Việt Nam (2), Trung Quốc (3) và Triều Tiên thời xưa. Nên lưu ý rằng trong thời kỳ Edo (1603~1868) nước Nhật hòa bình nên có nhiều võ sĩ Nhật Bản đã thay từ “võ sĩ đạo” bằng “sĩ đạo”. Nhưng trong sĩ đạo, họ cũng vẫn chủ trương “cả văn lẫn võ” vì họ nhận thức rằng có lúc nào đó võ sẽ cần tới và chủ trương ngay lúc thời bình cũng không được quên chuẩn bị khi có chiến tranh.

Điểm khác biệt lớn giữa văn và võ là võ lúc nào cũng đối mặt, trực diện với nguy hiểm gồm cả mất mạng sống của mình. Do đó, người viết cho rằng trong việc tập luyện võ thuật hoặc thể thao giúp cho con người có tinh thần thực tế, thực dụng và mài giũa càng ngày càng nhọn bén qua tập luyện.

Nếu có dịp tìm hiểu về võ sĩ đạo thật sự của Nhật Bản sẽ thấy rằng mục tiêu của người võ sĩ Nhật Bản là chiến thắng. Đặc biệt trong thời chiến, chiến bại có nghĩa mất tất cả, không những sinh mạng của bản thân mà cả gia đình, thân thuộc, xứ sở của mình. Có nghĩ như vậy thì sẽ hiểu dễ dàng chiến thắng đối với người võ sĩ Nhật Bản quan trọng như thế nào!

Làm thế nào để có xác suất chiến thắng cao? Lúc chưa gặp phía địch cần phải chiến thắng các đồng bạn của mình. Còn thua kém đồng bạn có nghĩa là xác suất thua địch thủ còn cao, muốn nâng cao xác suất chiến thắng không gì ngoài đạt đến cực điểm trong lĩnh vực sở trường của mình.

Một điều rất quan trọng để đạt được cực điểm là phải tập luyện và mài giũa phải đúng cách, có khoa học. Do đó không những võ mà cần phải có văn. Văn ở đây là lý thuyết hay triết lý nền tảng của thao tác võ thuật.

Muốn đạt tới cực điểm của một việc gì là không ngừng tập luyện trau dồi, mài giũa và muốn được như vậy phải chiến thắng bản thân để khắc phục những cám dỗ khác hầu có thể đem hết tâm sức và thời giờ cho việc đạt được mục tiêu. Do đó, đối với người võ sĩ Nhật Bản để có chiến thắng cuối cùng họ phải chiến thắng bản thân, chiến thắng đồng bạn. Tuy nhiên ở đây nên chú ý cạnh tranh để hơn đồng bạn với tinh thần thượng võ chớ không phải hèn hạ hãm hại hoặc ganh ghét. Trong thời Chiến Quốc của Nhật Bản (1467~1590) các đối thủ vẫn khen ngợi và học hỏi các điểm hay của đối thủ.


Trong tục ngữ của nước ta có câu nhập từ Trung Quốc: nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Người Nhật cũng có câu gần giống, tạm dịch: “Nghề gì cũng được, hãy giỏi hơn người!” Theo người viết điểm khác biệt của 2 câu này ở 2 điểm sau:

‒ Câu sau không đề cập đến việc “vinh thân” mà nói rõ cụ thể mục tiêu “giỏi hơn người”.

‒ Câu đầu chỉ nói đến việc “vinh thân” mà không đề cập gì đến mục tiêu cụ thể cần phải đạt được chỉ nói là “tinh”. Thế nào là tinh? Nếu không khách quan, nhiều lúc chưa thật tinh mà đã sớm tự mãn!

Chỉ qua so sánh 2 câu trên cũng có thể cho thấy được ưu khuyết giữa người và ta! Nếu không biết tu sửa thì e rằng không bao giờ bằng người được!

Ngoài ra, người Nhật Bản còn quan niệm rằng một khi đã đạt được cực điểm của một lĩnh vực chuyên môn thì những gì họ đã giác ngộ hiểu ra trong lĩnh vực đó có thể dùng để thông hiểu các lĩnh vực khác.

Tóm lại theo thiển nghĩ của người viết lấy “đạt được hạng nhất của thế giới” để làm mục tiêu cụ thể khách quan để phấn đấu nhằm đạt được “đạo”, cực điểm trong lĩnh vực, ngành nghề chuyên môn là việc tốt đáng quý, có hiếu thắng, hiếu chiến hay không là do tư tưởng của con người đó. Lời nói của vị võ tướng nổi tiếng kiếm pháp Yagyu Munenori (Liễu Sinh Tông Củ, 1571 ~1646) “Tôi không biết đạo thắng người, tôi chỉ biết được đạo thắng bản thân (4). Tinh thần võ sĩ đạo của Nhật Bản có nhiều điểm để chúng ta học tập.

Viết ngày 30/7/2021 vào dịp Olympics 2020 tại Nhật Bản

Nguyễn Sơn Hùng

Ghi chú


(1) Thí dụ, Miyamoto Musashi (1645): Ngũ Luân Thư (tiếng Nhật)

    Yamaga Sokô (1663): Sơn Lộc Ngữ Loại (tiếng Nhật)

(2) Thí dụ, Nguyễn Trường Tộ (1868): Di thảo số 27 Tám việc cần làm gấp (Tế cấp bát điều) được biên soạn trong sách sau:

    Trương Bá Cần (2000): Nguyễn Trường Tộ-Con người và di thảo, nxb TP. Hồ Chí Minh.

    https://www.quansuvn.net/index.php/topic,13703.110.html

(3) Thí dụ, Ôkuma Shigenobu (1915): Luận về dân tộc tính của Nhật Bản và Trung Quốc (tiếng Nhật).

(4) Yamamoto Jyôchyô (1716): Diệp Ẩn (tiếng Nhật).


Bài Đã Đăng Trên Diễn Đàn Forum 19/8/2021


https://www.hidemyass-freeproxy.com/proxy/vi-vn/aHR0cHM6Ly93d3cuZGllbmRhbi5vcmcvdGhlLWdpb2kvdGhheS1jaHV5ZW4tbmd1b2ktY2FtLWtoYWktdmllYy1jdWEtbWluaA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét