13 thg 8, 2021

TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 6 (Đỗ Chiêu Đức sưu tầm và diễn dịch)

 


 TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN  6

                      

           Trách nhân chi tâm trách kỷ, Thứ kỷ chi tâm thứ nhân.
                TRÁCH : là Trách móc, Rầy rà.
                THỨ : là Tha thứ, Xí xóa.

                CHI : là Liên Quan Đại Từ (Relative Pronoun), có nghĩa là CÁI... MÀ, như câu nói trên "Trách nhân CHI tâm " là "Cái lòng MÀ ta trách người (khác).
                CHI : là Phiếm Chỉ Đại Từ ( Indefinite Pronoun ), có nghĩa NÀO, ĐÓ. Vd :..." Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa CHI" là Người của thuở xưa đã ngồi ĐÓ (nơi ĐÓ ĐÓ) trước ta rồi. (chữ CHI màu đỏ là Sở hữu Tính Từ)
                CHI : là Sở Hữu Tính Từ (Adjective Posessive), có nghĩa là CỦA, Vd : Câu ... "Cổ CHI nhân" ở trên là "Người CỦA thời xưa". Tương tự : "Ngã CHI huynh đệ" là "Anh em CỦA tôi". 
                CHI : là Động Từ (Verb), có nghĩa là ĐI, ĐẾN, VỀ , Vd :..."đào hoa lưu thủy tử hà CHI? " là... Hoa trôi nước cuốn bác VỀ đâu?


  NGHĨA CÂU TRÊN :
       Lấy cái lòng mà mình trách người ta để trách mình, và hãy lấy cái lòng mà mình tha thứ mình để tha thứ cho người khác.
       Thường thì người ta làm điều sai quấy, hoặc có lỗi với mình, thì mình hay trách móc, giận hờn, thậm chí còn muốn trả thù, trả đủa lại..., nhưng đến khi mình lầm lỗi hay sai quấy, thì mình chỉ tự nhủ lần sau nhớ để ý để khỏi làm sai, rồi mình tha thứ... mình! Chớ không có giận hờn trừng phạt gì cả!
       Sao ta không lấy cái lòng tha thứ mình để tha thứ cho người khác, cho... thế giới đại đồng, cho... cõi lòng mở rộng, cho... xóa bỏ hận thù, và cho... tình người được nồng thắm hơn lên!?

 

 

                       
              Thủ khẩu như bình, phòng ý như thành.


               THỦ : là Giữ, là Canh chừng.
               BÌNH : là Cái Bình (bằng gốm sứ, pha lê...)
               PHÒNG : là Hờ, là Phòng thủ, là Đề phòng.
               THÀNH : Thành nầy có bộ Thổ một bên, là Thành được xây đắp bằng đất, là Thành Trì. Ta phân biệt với 2 chữ Thành sau đây:
               THÀNH : có bộ Ngôn, là lời nói Thật, là Thành Thật.
               THÀNH : là Đạt được, là Thành Công.


 NGHĨA CỦA CÂU :
              Giữ cái miệng của mình như giữ cái bình quý, coi chừng bể (cần thiết lắm mới nói), và phải luôn luôn có ý đề phòng bất trắc, thì sẽ vững chải như là thành trì. Vế sau nầy còn có nghĩa là phải luôn luôn có ý đề phòng như đang thủ thành vậy (lúc nào cũng phải đề phòng kẻ địch tấn công).
               Câu nói trên hình thành một thành ngữ rất thông dụng "THỦ KHẨU NHƯ BÌNH" với nghĩa rộng rãi ngoài nghĩa giữ mồm miệng cho cẩn thận, còn để chỉ những ai ít nói. Vd: Họp mặt suốt buổi không thấy chị nói gì hết, sao hôm nay lại "Thủ khẩu như bình" vậy? Tới đây làm cho ta lại nhớ đến một câu trong Truyện Kiều, tả lúc Thúc Sinh về gặp Hoạn Thư theo lời khuyên của cô Kiều là:
                    ... Nghĩ đà BƯNG KÍN MIỆNG BÌNH,
                        Nào ai có khảo mà mình lại cung !?.
               Theo quyển Minh Tâm Bửu Giám mà tôi học hồi nhỏ, thì sau 2 câu trên còn có 2 câu nữa, như thế nầy :
                  Thủ khẩu như bình, Phòng ý như thành,

                         
                        Thị phi chỉ vị đa khai khẩu,

                             口,
                        Phiền não giai nhân cưởng xuất đầu.

                                       頭。
Có nghĩa :
                Giữ miệng như giữ bình quý, Giữ ý đề phòng như đang thủ thành. Chuyện thị phi mà có được là do nói quá nhiều (đa khai khẩu), và phiền não mà có được đều do (giai nhân 皆 因) đòi hỏi quá đáng, bướng bỉnh quá lố (cưởng xuất đầu).

 

 

                          
           Ninh khả nhân phụ ngã, Thiết mạc ngã phụ nhân.


                   NINH KHẢ : là Thà rằng, Thà là.
                   PHỤ : là Cỏng trên lưng, là Quay lưng lại với ai đó. (để cỏng), nhưng lâu dần đựợc sử dụng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nên nghĩa phát sinh là: Phụ rãy ai đó, vì vậy ta có thành ngữ:
       "Phụ Tâm Nhân 心人" là Kẻ phụ tình, Kẻ bạc tình.
                   THIẾT MẠC : là Đừng bao giờ, là Chớ nên.


  NGHĨA CẢ CÂU :

                Thà là để người ta phụ mình, chớ mình đừng bao giờ phụ người. Nói thì nghe dễ, nhưng thực tế lại rất khó. Đức tính nhẫn nhục, cam chịu thật cao quý vô cùng, nhưng cũng thiệt thòi vô cùng và cũng dễ làm xúc động, cảm hóa đối phương... vô cùng!  Câu nói nầy ngược hẵn lại với câu nói của Tào Tháo khi giết Lã Bá Xa là người ơn nghĩa của mình, bị Trần Cung trách vấn tại sao, thì Tào Tháo bảo rằng: "Thà là mình phụ người ta, chớ không để cho người ta phụ mình, Thà rằng mình phụ thiên hạ, chớ không để thiên hạ phụ mình." Quả là tay gian hùng và là tay thủ đoạn chính trị tầm cỡ, và cũng chính vì vậy mà Tào Tháo mới soán ngôi nhà Hán để lập nên nhà Ngụy của riêng mình!
              Câu nói nầy còn được nói gọn lại như sau :
         NINH KHẢ PHỤ NGÃ, THIẾT MẠC PHỤ NHÂN.

                              


 

                    事,
              Tái tam tu trọng sự, Đệ nhất mạc khi tâm.


                 TÁI TAM : Tái là Lần nữa, Lần thứ 2. Tam là Lần thứ 3. Tái Tam : là cân nhắc hai ba lần, lấy ý của một câu trong Luận Ngữ: "Tam tư nhi hành, Tái tư khả hỉ! 三 思 而 行,再 思 可 矣" (Suy nghĩ ba lần trước khi muốn làm một việc gì đó, đến khi muốn bắt đầu làm còn có thể suy nghĩ lại một lần nữa cho chắc ăn!) Chỉ sự cẩn thận, Cân nhắc.
                  TU : là Phải, Nên. Khác với Tu : là Sửa.
                  TRỌNG SỰ : là Xem trọng sự việc.
                  MẠC : là Đừng, là Chớ.
                  KHI TÂM : là Lòng khinh rẻ, Xem nhẹ hoặc hời hợt với chuyện gì, điều gì đó.


   NGHĨA CẢ CÂU :
                 Muốn làm hoặc quyết định một việc gì đó, phải xem trọng việc đó và phải suy nghĩ cân nhắc tới lui 2, 3 lần rồi mới làm hoặc quyết định, Hạng nhất là không được có lòng khinh rẻ hoặc xem thường việc đó. Câu nầy khuyên ta không nên quyết định vội vàng hấp tấp bất cứ một sự việc nào đó, để khỏi phải hối tiếc hoặc ân hận về sau.

 

 

                   
           Hổ sanh do khả cận, nhân thục bất kham thân.


               DO KHẢ : là Còn có thể, Vẫn có thể.
               THỤC : là Quen biết. Thục còn có nghĩa Chín (trái với Sống).
               BẤT KHAM : là không nên, Không ổn, Không Kham.


    NGHĨA CÂU :
                   Con cọp đẻ (hay bất cứ con thú nào đẻ đều rất dữ dằn, do bản năng làm mẹ để bảo vệ các con của chúng), vẫn còn có thể gần gũi được, chớ những người mà ta quen biết thì không nên gần gũi thân thiết bao giờ! Tại sao? Sao lại phải bi quan thế kia? Đây chỉ là lời khuyên nên cẩn thận đề phòng lòng người nham hiểm vô chừng mà thôi! Những người mà ta quen biết thân thiết với họ, kể hết cho họ nghe những ưu khuyết điểm, những thói hư tật xấu, những bí ẩn đời tư với họ, đến khi có chuyện không hay xảy ra, thì chính họ sẽ là những người tố cáo ta mạnh mẽ nhất, chính xác nhất mà ta vô phương chạy chối, chừng đó ta sẽ thấy họ còn dữ hơn là con cọp đang đẻ nữa! Câu nói tuy bi quan nhưng rất thực tế: "Nhân thục bất kham thân" là thế!

 

 

                             便
                      Lai thuyết thị phi giả, Tiện thị thị phi nhân.


                THỊ PHI : Thị là Đúng, Phi là Sai. Thị là Phải, Phi là Trái, Nên THỊ PHI là những Đúng sai, phải trái, tốt xấu... ở đời.
                GIẢ : là Người, dùng để đối với chữ NHÂN ở phía sau.
                TIỆN THỊ : là Chính là, Tức là.


   NGHĨA CÂU :
                 Cái người đến nói chuyện Thị Phi, chính là con người Thị Phi đó. Câu nầy muốn thức tĩnh ta về nhân cách của những người hay nói về người nầy, người khác, chuyện nầy chuyện nọ... Đó không phải là những người tốt, đó chính là những con Người Thị Phi đó. Rất nhiều chuyện mích lòng nhau, nghi ngờ nhau, ghét bỏ nhau... đều là do NHỮNG CON NGƯỜI THỊ PHI nầy mà ra cả! Trong cuộc sống ta gặp rất nhiều người như thế nầy, nên chuyện THỊ PHI chỉ nghe chơi rồi bỏ, là chắc ăn nhất!

 

 

                 
      Viễn thuỷ nan cứu cận hỏa, Viễn thân bất như cận lân.


             NGHĨA CỦA CÂU :

                       Nước xa khó cứu được lửa gần, Bà con xa không bằng xóm giềng gần. Câu nói nêu lên tầm quan trọng của bà con chòm xóm khi tắt lửa tối đèn, người láng giềng gần sẽ là người thân cùng chia sẻ với ta tất cả những không may khi xảy đến. Nhưng câu nói nầy chỉ đúng với chòm xóm ở VN ta mà thôi, còn ở Mỹ thì... nhà hàng xóm người Việt ngang mặt nhà tôi đã 10 năm nay, ông ta đâu có biết tôi là ai, và tôi cũng không biết ông ta... tên là gì nữa! Một chiếc xe trước cửa nhà ông ta "de" như thế nào đó mà đụng xập thùng thơ xây bằng gạch trước cửa nhà tôi. Ông Mỹ ở kế nhà tôi kêu và mách cho tôi biết, tôi sang tìm hỏi ông ta, thầm tính sẵn dịp để làm quen, chớ cũng chả cần phải thường bồi gì cả. Nhưng khi gặp mặt hỏi thăm, thì ông ta chối bây bẩy, bảo là thằng Mỹ nói bậy... thế là... hòa cả làng, và tôi với ông ta lại tiếp tục... không biết nhau luôn! Thật chán thay "láng giềng gần"... ở Mỹ !!!

 

                         

 
    Hữu trà hữu tửu đa huynh đệ, Cấp nạn hà tằng kiến nhất nhân.


               CẤP : là Gấp rút. Mau lẹ, Vội vàng.
               NẠN : là Danh Từ chỉ Tai nạn, Hoạn nạn. Khi đọc là NAN (không có dấu nặng) thì là Hình Dung Từ chỉ Khó, khó khăn.
               HÀ TẰNG : là Chẳng từng, Chẳng hề.


 NGHĨA CÂU :
             Khi có trà có rượu thì nhiều anh nhiều em lắm (anh em ở đây chỉ Bạn bè của "Trà Tam Tửu Tứ"), nhưng đến khi gặp nạn gấp rút cần người giúp đở, thì chẳng hề thấy người nào vác mặt đến để giúp đở cả! Lúc hoạn nạn, người nào "mò" đến, người đó mới chính là "Bạn bè" thực sự !

 

 

                  
           Nhân tình tự chỉ trương trương bạc, Thế sự như kỳ cuộc cuộc tân.


               TRƯƠNG : Ta đọc trại thành Trang, là Mạo từ: TRANG giấy. Họ Trương cũng chữ Trương nầy. Gốc của chữ nầy do bộ Cung lấy Ý, và chữ Trường lấy Âm, ghép lại mà thành, nên nghĩa chính là GIƯƠNG. Trương Cung là Giương Cung đó. KHAI TRƯƠNG : là Mở rộng cửa ra để đón khách vào.
               CUỘC : Còn đọc là CỤC , cũng là Mạo từ, Một Cuộc Cờ là Một ván cờ. Danh từ chỉ: Một đơn vị hành chánh, như Cảnh Sát Cuộc, Cục An Ninh...


NGHĨA CÂU :
             Tình người như giấy, tờ nào tờ nấy mỏng te. Còn chuyện đời thì như cờ vậy, mỗi ván một mới thay đổi luôn luôn. Ta cũng có câu: "Nghĩa nhân mỏng vánh tợ cánh con chuồn chuồn, khi vui nó đậu khi buồn nó bay!" Thế thôi!

 

 

               

          Sơn trung dã hữu thiên niên thọ, Thế thượng nan phùng bá tuế nhân. 


              DÃ HỮU : là Cũng có, Còn có.
              NAN PHÙNG : là Khó gặp.


NGHĨA CÂU :
            Trong núi còn có cây sống cả ngàn năm, chớ trên đời rất khó mà gặp được người sống đến một trăm tuổi. Câu nói nầy bị "phá sản" hoàn toàn trong xã hội ngày nay! Nạn phá rừng tràn lan, muốn kiếm cây sống trăm năm còn khó, nói gì đến ngàn năm. Còn con người , thì ôi thôi, Y học, khoa học tiến bộ, nhan nhản khắp mọi nơi trên trái đất ở đâu cũng có người sống hơn một trăm tuổi cả!


Còn tiếp

Đỗ Chiêu Đức


Mời Xem : TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 5



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét