Vanvn- Gần 5 năm làm nghiên cứu sinh tại Đại học Cambridge, Kim Dung sống chung với các sinh viên khác trong trường, dùng bữa chung với họ ở phòng ăn, mỗi tuần đều dự buổi thảo luận giữa các nghiên cứu sinh, có tính cách thân thiết, gần gũi với các bạn đồng môn trẻ hơn ông hơn nửa thế kỷ…
Tôi về thăm lại Đại học Cambridge (Anh), nơi tôi đã từng theo học. Ở đây, tôi “gặp” một Kim Dung “thượng thừa” trong mọi mặt, đặc biệt về ý chí học tập. Đây đúng là tấm gương hiếu học xứng đáng được cả thế giới ngưỡng mộ.
“Tôi học vì kiến thức chứ không vì bằng cấp”. Kim Dung tiên sinh đã phát biểu như thế với báo giới khi ông nhận văn bằng tiến sĩ của Đại học Cambridge lúc đã ngoài 80 tuổi đã gợi cho tôi nhiều suy nghĩ.
Phiến đá của Kim Dung
… Trên đường rời St John’s để sang thăm một college khác, tôi thấy tiếc tiếc trong bụng. Tình cờ đọc trên mạng trước khi đi, tôi được biết là vào đúng năm ngoái, đầu tháng 7.2012, có buổi lễ vén màn phiến đá lưu niệm của nhà văn Kim Dung (Jin Yong) trang trọng ở trong Rose Garden (Vườn Hồng) nằm gần Scholars’ Garden (Vườn các Học giả ) của Trường St John’s, và hai vườn này thì du khách ngày thường không được phép vào.
Buổi lễ đó có sự hiện diện của ông Vice-Chancellor (Viện trưởng) của Đại học Cambridge và ông Master (Hiệu trưởng) của St John’s College cũng như một số giáo sư và sinh viên. Theo chỗ tôi biết, đó là một vinh dự hiếm có đối với bất cứ nhà văn nào trên thế giới. Dĩ nhiên, ai cũng biết là những nhà văn có thực tài thì họ đâu có viết vì giải thưởng này hay vinh dự kia, nhưng không ai cản xã hội công nhận tài năng và sự đóng góp của họ cho đời sống tinh thần và tình cảm của nó.
Xin ghi lại đây vài chi tiết mà tôi đọc được về sự kiện trên:
Trên phiến đá cao 1,5 mét này (do phu nhân Kim Dung, Mrs May Cha tặng) có khắc hai câu thơ mà nhà văn viết tiểu thuyết kiếm hiệp lừng danh này làm tặng Trường St John’s năm 2005 khi ông, ở tuổi 81, trở thành sinh viên của trường. Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung (Cha Liang-Yong hay Louis Cha, sinh năm 1924), nên người Anh gọi phiến đá lưu niệm này là “Cha Stone”.
Hai câu thơ bằng chữ Hán đó được dịch sang tiếng Anh như sau:
The scent of flowers, the scent of books clings to the College paths;
The sound of oars, the sound of song drifts through the Bridge of Sighs(1).
(Signed) A student, Jinyong.
(Hương hoa, hương sách vương vấn mãi các lối đi trong trường,
Tiếng chèo, tiếng hát vẳng ngân qua cầu Than thở)
(Ký tên) Kim Dung, một sinh viên.
(Tôi cũng xin nói ngay là vì không thể đọc hai câu thơ chữ Hán qua bức ảnh trên nên tôi đành phải dịch từ tiếng Anh nên nguy cơ sai lạc với nguyên tác có thể khá cao. Tôi rất ý thức là dịch xong thì chỉ còn ý chính và xác chữ, chứ hồn thơ thì không biết ở đâu! Khi nào tìm đọc được chúng, tôi sẽ bổ khuyết và dịch lại sau)
Tới đây, tôi không thể không bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước sự khiêm cung sâu sắc của Kim Dung đại hiệp khi ông chỉ ghi đơn giản “một sinh viên” cạnh tên mình bên hai câu thơ khắc trên đá đó, tức là một sự việc có thể sẽ trường tồn với thời gian trong một ngôi trường có tuổi đời hơn 5 thế kỷ này (được thành lập năm 1511).
Trước khi cắp sách đi học lại vào cuối năm 2005, ông đã nhận biết bao nhiêu vinh dự từ nhiều trường đại học trên thế giới, kể cả Đại học Cambridge này, tức là trước đó vài tháng – tháng 6.2005 – ông đã tới đây nhận bằng Tiến sĩ Văn chương danh dự (Honorary Doctorate of Letters) của trường đại học này rồi.
Tôi nghĩ ông hẳn đã có thể cho khắc trên đá vào năm 2012 đó, thay vì “một sinh viên” cực kỳ khiêm tốn như vậy, hàng chữ “Honorary Fellow, St John’s College” hay thậm chí “Honorary Doctor, University of Cambridge” bên cạnh tên ông thì không ai thấy có gì là quá lố. Thậm chí, không cho khắc thêm gì cả, chỉ tên Kim Dung thôi cũng được. Nhưng mà đơn giản: “một sinh viên” thì đúng là “độc cô cầu bại”!
Ngoài sự khiêm cung ra, tôi đoán ông cũng muốn bày tỏ lòng yêu mến ngôi trường mà ông đã sống trong đó gần 5 năm như một sinh viên bình thường. Ông David McMullen, giáo sư hướng dẫn của ông, khi trả lời báo chí sau buổi bảo vệ luận án tiến sĩ (ngày 12.9.2010), nói rằng Kim Dung sống chung với các sinh viên khác trong trường, dùng bữa chung với họ ở phòng ăn, mỗi tuần đều dự buổi thảo luận giữa các nghiên cứu sinh, có tính cách thân thiết, gần gũi với các bạn đồng môn trẻ hơn ông hơn nửa thế kỷ.
Vì sao Kim Dung đi học khi đã 81 tuổi?
Nhưng tại sao Kim Dung tiên sinh lại xách cặp đi học khi tuổi đã “đại thọ bát tuần”; Khổng Tử từng viết: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” mà tuổi đến trường lần này Kim Dung đã vượt xa “thất thập”, nhất là khi ông đã không thiếu danh?
Trước khi ông ghi tên học ở St John’s College, ông đã được trao tặng, không kể Đại học Cambridge, những vinh dự sau đây: Honorary Fellow ở St Antony’s College, và Wynflete Fellow ở Magdalen College, cả hai thuộc Đại học Oxford, và Honorary Fellow ở Robinson College, thuộc Đại học Cambridge.
Ở Trung Quốc thì ông được phong Giáo sư danh dự (Honorary Professor) ở các Trường Đại học Bắc Kinh, Triết Giang, Nam Khai, Tô Châu, Thanh Hoa, Hongkong và Tứ Xuyên… dẫu hồi thập niên 70 của thế kỷ trước, truyện kiếm hiệp của ông được cho là độc hại và bị cấm ở Trung Quốc.
Chính trong buổi lễ nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Cambridge trang trọng nói trên (tháng 6.2005), trước một cử tọa gồm hàng chục người từng đoạt Giải Nobel và giáo sư hàng đầu thế giới, ông đã bày tỏ ý nguyện muốn đi học lại ở chính Đại học Cambridge này để trở thành một tiến sĩ thực sự chứ không chỉ “danh dự” thôi, tức ông biết mình sẽ phải mất 4 hay 5 năm cật lực làm nghiên cứu sâu về một đề tài nào đó cho luận án tiến sĩ của mình theo những tiêu chí học thuật khắt khe.
Đây là lời ông nói trước báo chí: “Tôi học vì kiến thức chứ không vì bằng cấp…”, và ông muốn nêu gương để chứng minh rằng câu tục ngữ “Không bao giờ là quá già để học” là đúng(2).
Hoàn thành chương trình cao học, ông tiếp tục làm luận án tiến sĩ (Ph.D.) sử học, chú tâm nghiên cứu về sự nối ngôi của các Đông cung Thái tử thời Thịnh Đường và bảo vệ nó thành công ở tuổi 86 (tháng 9.2010). Sau đó ít lâu, ông Hiệu trưởng St John’s College đến Hong Kong để trao ông quyết định phong ông làm Honorary Fellow của trường.
Thế là từ rày về sau Kim Dung đại hiệp được phép đi trên cỏ!(3).
Qua vài sự việc kể trên, Kim Dung đáng để cho tôi nhớ và học tập, nhưng chắc không học được bao nhiêu, bởi tôi là tôi mà Kim Dung là Kim Dung. Nói như người xưa, những người như Kim Dung thân vẫn mà đạo tồn.
QUẾ SƠN/ NGƯỜI ĐÔ THỊ
______________
(1)Cầu Than thở (Bridge of Sighs): Thật ra, chiếc cầu bằng đá này còn có tên chính thức là Wren Bridge (đặt theo tên một kiến trúc sư danh tiếng trong lịch sử kiến trúc của nước Anh là Christopher Wren, 1632-1723, người đã thiết kế nó) nhưng ít ai dùng tên này.
(2) Nguồn: zaobao.comhttp://web.archive.org/web/20100913211327/http:/zaobao.com/zg/zg100912_001.shtml
Dĩ Thịnh Đường hoàng vị chế độ tác luận văn, Kim đại hiệp khảo hoạch Kiếm Đại bác sĩ học vị”. Nghĩa là: Lấy chế độ địa vị của hoàng đế đời Thịnh Đường để làm luận văn (luận án tiến sĩ), đại hiệp họ Kim (tức Kim Dung) thi đậu văn bằng tiến sĩ của Đại học Kiếm Kiều (tức Cambridge, Cầu trên sông Cam chảy qua thành phố; và học vị bác sĩ tức là tiến sĩ). Xin cám ơn anh Nguyễn Tiến Văn đã bỏ công dịch sang tiếng Việt, không những nhan đề trên mà còn cả bài báo dài để cho tôi hiểu đầy đủ nội dung.
(3) Bên trong các college xưa cổ có các bãi cỏ vuông vắn, xanh, đẹp, và chỉ có fellow của college mới được phép đi xuyên qua nó, còn sinh viên phải đi vòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét