Sáng chế của bác sĩ thật tuyệt vời trong đại dịch ở TpHCM
Bác sĩ sáng chế bình oxy đặc biệt giúp hàng trăm F0 vượt cửa tử. Nhiều người nhiễm vượt cửa tử là niềm hạnh phúc ngất ngây của y bác sĩ lúc này.
"Do nhu cầu cấp thiết, bệnh nhân cần thở oxy quá nhiều nên chúng tôi tìm cách chế ra nhiều ống thở cho một bình oxy. Sáng chế này xuất phát từ việc chia oxy cho hồ nuôi cá tại nhà", bác sĩ Hiếu nói.
Theo bác sĩ Phan Trung Hiếu (Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM) đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 6, việc chế ra hệ thống cung cấp oxy cùng lúc cho nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 không phải vì bệnh viện thiếu oxy mà chỉ thiếu đồng hồ chia oxy. Mỗi bình oxy chỉ dùng cho 1 bệnh nhân, nhưng các bác sĩ chế ra một bình dùng từ 5 đến 6 bệnh nhân.
"Ban đầu chúng tôi gặp nhiều khó khăn do sử dụng đầu chia oxy bằng nhựa, các đầu nối với ống thở hở khiến oxy bị xì. Sau đó, chúng tôi lên mạng tìm hiểu và mua các đầu chia oxy bằng inox, có van đóng mở, nên công việc gặp rất nhiều thuận lợi", bác sĩ Hiếu cho biết.
Để đảm bảo cho việc cung cấp đầy đủ oxy cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến, hàng ngày các chuyến xe chở hàng trăm bình oxy tập kết ngay lối đi phía sau của bệnh viện, mỗi bình oxy có trọng lượng khoảng 60 kg (trong đó là 10 kg khí oxy).
Các bình oxy sau khi vận chuyển đến bệnh viện dã chiến được lực lượng hậu cần đưa lên từng phòng để kịp thời cung cấp cho bệnh nhân. Sau khi vận chuyển lên các phòng bệnh, lực lượng nhân viên hậu cần được phun khử khuẩn cẩn thận để tránh lây lan dịch bệnh.
"Thuận lợi của việc chia nhiều đầu dẫn thở oxy là giải quyết nhu cầu cấp thiết của bệnh nhân, bệnh nhân cần oxy là có thở liền. Nếu không chế ra như thế thì mỗi bệnh nhân phải dùng 1 bình, phòng 6 bệnh nhân thì dùng 6 bình, như thế sẽ mất nhiều nguồn nhân lực, mất thời gian và các bình oxy sẽ chiếm diện tích phòng của bệnh nhân", bác sĩ Hiếu chia sẻ.
Tại Bệnh viện dã chiến số 6, không riêng bác sĩ Hiếu mà hầu hết các y, bác sĩ khác ngoài nhiệm vụ chăm sóc và điều trị cho hàng nghìn F0, họ còn làm tất cả các việc như: bưng bê giường bệnh, sửa điện, nước... lo cho bệnh nhân từng miếng ăn đến giấc ngủ.
"Đối với các bệnh nhân nặng, bệnh nhân có triệu chứng thì oxy là vấn đề cực kỳ quan trọng, cấp thiết cho quá trình điều trị. Bệnh nhân không có oxy là rất khó, oxy được xem như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Nên khi có sự cố, chúng ta phải nhanh, không được chậm trễ", bác sĩ Hiếu đang trong phòng điều hành nhưng nhận được sự cố oxy cung cấp cho bệnh nhân, bác sĩ Hiếu tay cầm mỏ lết vội vã chạy lên tầng 4 khắc phục.
Một bình oxy, một đồng hồ áp lực dùng cho một bệnh nhân là tiêu chuẩn bình thường. Tuy nhiên, với số lượng bệnh nhân đông, cơ sở vật chất không đáp ứng kịp, nên các bác sĩ đã có những giải pháp tình thế, đó là dùng 1 bình oxy và 1 đồng hồ áp lực để chia ra nhiều đầu oxy cho các bệnh nhân cùng chia sẻ.
"Từ 1 bình oxy có thể thở được 5 đến 6 bệnh nhân, trước mắt là có thể duy trì sự sống cho bệnh nhân, có oxy kịp thời nên nhiều bệnh nhân từ nặng chuyển thành nhẹ, hoặc có nhiều bệnh nhân tuy chưa cải thiện, thậm chí tình trạng nặng hơn là do bệnh lý của họ chứ không phải do họ thiếu oxy, những trường hợp này chúng tôi đã chuyển xuống hồi sức cấp cứu để các bác sĩ tiếp tục điều trị và đã có một số bệnh nhân tiến triển tốt. Chưa có bệnh nhân nào cần oxy mà chúng tôi không cung cấp kịp thời", bác sĩ Võ Nguyên Bảo - (Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM), người cùng bác sĩ Hiếu sáng chế thành công hệ thống cung cấp oxy cùng lúc cho nhiều bệnh nhân Covid-19.
Theo bác sĩ Bảo, trong tình hình dã chiến chúng ta không nên đòi hỏi, những điều kiện tối ưu bình thường được thành ra khi có quá nhiều bệnh nhân, yêu cầu của bệnh nhân nhiều hơn cơ sở vật chất hiện tại thì chúng ta phải tìm ra phương pháp để đáp ứng, xoay sở cho bệnh viện dã chiến.
"Sáng bệnh nhân gặp mình, họ khỏe, họ vui vẻ, có thể đi tới đi lui được nếu thời điểm đó mình đo oxy có thể ở ngưỡng giữa bình thường và bất thường. Cho nên mình phải cực kỳ cảnh giác, chỉ cần đến chiều họ than mệt, hụt hơi, khó thở chứng tỏa oxy tuột xuống rất thấp, chỉ số SpO2 giảm. Nên chúng tôi dùng dụng cụ đo oxy, lâu lâu cặp SpO2 cho bệnh nhân, khi bệnh nhân có triệu chứng suy hô hấp thì đưa xuống phòng thở oxy, kích hoạt phát đồ điều trị Covid-19 cho bệnh nhân", bác sĩ Bảo nói.
Theo bác sĩ Bảo, việc thông khí và thiếu máu nó bất tương hợp dẫn đến việc oxy trong máu giảm. Đặc biệt, đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì tình trạng giảm oxy thầm lặng, thậm chí khi oxy giảm khá nhiều nhưng nhìn bề ngoài bệnh nhân chỉ có cảm giác hơi mệt nhẹ, hụt hơi nhưng thực sự oxy máu họ đã giảm khá nhiều. Trong giai đoạn đó nếu chúng ta cung cấp oxy kịp thời mới có cơ hội cứu mạng bệnh nhân.
"Vấn đề oxy là biện pháp đầu tay, sống còn nên việc đầu tiên là phải cho bệnh nhân thở oxy, để cải thiện hô hấp. Vì cơ chế của bệnh nhân mắc Covid-19 gây ra phản ứng viêm làm tổn thương màn phế nang mao mạch khiến cho việc trao đổi khí giảm dẫn đến giảm oxy trong máu. Nên hầu hết các phòng cấp cứu, những nơi điều trị, bình oxy luôn túc trực bệnh cạnh bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2", bác sĩ Võ Nguyên Bảo chia sẻ.
Ông Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng- Điều trị bệnh nghề nghiệp, phụ trách Bệnh viện Dã chiến số 6 (TP Thủ Đức), cho biết, Bệnh viện dã chiến số 6 từ tầng 1 được nâng lên tầng 3 (có khả năng tiếp nhận và điều trị những bệnh lý nhẹ và trung bình) làm giảm số lượng F0 quá nhiều ở các bệnh viện tuyến quận, huyện và làm giảm tải các bệnh viện tầng tháp cao.
"Không phải bệnh viện thiếu oxy mà là thay vì 10 người mang 10 bình oxy thì cần nhiều nhân lực, sau sáng chế bệnh viện chỉ cần mang 1 bình oxy có thể phục vụ từ 5 đến 10 người. Trong môi trường khó khăn và hạn chế trang thiết bị nhưng các bác sĩ luôn tìm tòi và sáng tạo những phương pháp tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19", ông Hoàng nói.
Tin và ảnh của Hữu Khoa (DT)
Bác sĩ Hiếu dùng bộ đàm thường xuyên nhắc nhở các nhân viên phòng điều hành kiểm tra và cung cấp đầy đủ bình oxy để phục vụ kịp thời bệnh nhân.
FB Minh Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét