23 thg 12, 2020

Ý Cha Thể Hiện- Chuyện Ngắn của Đào Anh Dũng

 Ý Cha Thể Hiện

đào anh dũng
Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 409, tháng 9/2020

Hôm ấy là lần đầu tiên Xuân và Hoàng cùng nhau tham dự buổi tĩnh tâm Mùa Vọng của giáo xứ Thánh Phaolô. Anh chị học cùng trường, quen nhau rồi tha thiết yêu nhau gần hai năm nay, nhưng Hoàng mới ngỏ lời xin cưới Xuân cách nay ba tháng thôi. Lý do là hai người không cùng tôn giáo. Gia đình Hoàng theo đạo thờ cúng Tổ Tiên, còn gia đình Xuân thì gốc đạo Công Giáo.
Tánh tình của Hoàng rất cởi mở, anh sống hoà đồng với bạn bè và luôn tôn trọng tính ngưỡng của mọi người. Nói vậy chứ thật ra Hoàng cũng có chút ngại ngùng trước khi bước vào nhà Xuân trong lần đầu tiên anh đến gặp cha mẹ, người anh và hai người em của chị. Tuy nhiên, khi Hoàng nhìn bàn thờ Thánh Gia ở phòng khách, kế bên là bàn thờ Ông Bà của chị với hình ảnh, chiếc lư hương và cặp chân đèn, anh cảm thấy lòng mình thật ấm cúng. Sống ở xứ lạ quê người mà khi ấy Hoàng tưởng như anh đang ở trong ngôi nhà của cha mẹ mình. Trong dịp gặp gỡ đầu tiên ấy, Hoàng trò chuyện thật tình, lễ phép, không chút khách sáo với cha mẹ và anh em của Xuân nên hình như anh chiếm được cảm tình của mọi người.
Hoàng đến Mỹ gần bốn năm nay với tính cách sinh viên du học. Gia đình anh không thuộc giới cách mạng hay liệt sĩ cộng sản. Cha anh làm phụ hồ từ lúc ông còn mài đủng quần trên ghế nhà trường. Ông nội của anh là một thiếu uý 'nguỵ', ở tù 'cải tạo' có hai năm nên không đủ điều kiện định cư ở Mỹ. Xong trung học, vì là con của 'nguỵ' nên cha của Hoàng không được phép vào đại học, ông phải làm thợ hồ để kiếm sống. Từ lúc có chính sách cởi mở của nhà nước, ngày qua ngày, nghề dạy nghề, cần cù làm việc ông trở thành một nhà thầu xây cất, từ những ngôi nhà nhỏ bé đến khá nhiều công trình to lớn. Nhờ vậy mà cha mẹ của Hoàng mới có tiền cho anh đi du học. Trường hợp của Xuân thì hơi khác: ông nội của chị ở tù 'cải tạo' đến cả 10 năm nên ông bà và các người con dưới 21 tuổi, chưa lập gia đình được định cư ở Mỹ qua chương trình HO. Khi ấy, cha của Xuân đã có gia đình, vợ con đùm đề nên cả nhà phải ở lại Việt Nam. Mười lăm năm sau, ông nội và các chú của Xuân bảo lãnh cha mẹ và anh em của chị sang Mỹ.
Ngoài trở ngại bất đồng tôn giáo, Xuân và Hoàng còn phải chịu đựng tiếng đời dị nghị. Người này mỉa mai nói rằng Hoàng theo đuổi Xuân và lẽ dĩ nhiên là anh sẽ vô đạo, xin cưới chị để ở lại Mỹ, rồi thành công dân Mỹ, rước cha mẹ sang chứ có yêu thương gì đâu; kẻ kia chắc lưỡi, tiếc cho Xuân ngu muội yêu lầm một tay lợi dụng. Hoàng rất thẳng thắng, không hề giấu giếm chuyện mình muốn ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học vì anh tin tưởng rằng tương lai của anh chắc chắn sẽ tươi sáng hơn. Không phải là con ông cháu cha, tốt nghiệp đại học xong, về quê hương để chạy xe ôm à! Hoàng thường hay nhủ lòng mình như vậy. Anh theo ngành Hoá học và mùa hè vừa qua anh tìm được một việc làm tập sự (intership) cho một đại công ty. Hoàng rất tận tâm trong công việc và anh đạt được lòng tin cẩn của bà trưởng ban và các đồng nghiệp. Vì thế, công ty hứa sẽ cho anh làm tập sự thêm ba tháng nữa sau khi Hoàng đạt được mảnh bằng cử nhân. Nếu mọi sự tiến hành tốt đẹp, công ty sẽ tuyển chọn anh làm nhân viên và nộp giấy tờ bảo lãnh, xin chính phủ cho phép anh trở thành một thường trú nhân. Vì thế, Hoàng và Xuân không cảm thấy phiền lòng mỗi khi nghe những lời dị nghị của thiên hạ, hai anh chị chỉ có chút khó chịu mà thôi.
Nhưng, phải đợi đến hôm đám giỗ ông ngoại của Xuân, Hoàng mới nhận ra gia đình của Xuân sẽ là tổ ấm của mình nơi xứ người. Trước đó vài hôm, khi Xuân mời Hoàng đến nhà ăn giỗ ông ngoại của chị, anh ngạc nhiên hỏi chị vì, theo sự hiểu biết của anh, đạo Công Giáo không cho phép giáo dân cúng tế Tổ Tiên. Xuân trả lời rằng hằng năm cha mẹ chị đều tổ chức lễ giỗ cho ông ngoại của chị bằng cách nấu các món ăn ông ưa thích để tưởng nhớ đến ông. Đó cũng là một dịp gia đình và bà con thân thuộc tề tựu đông đủ, đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn của ông rồi cùng nhau ăn uống, trò chuyện, kể cho nhau nghe những kỷ niệm, những điều hay, lẽ phải ông để lại cho con cháu. Ngoài lễ giỗ ở nhà, cha mẹ chị cũng có xin lễ ở nhà thờ, cầu nguyện xin Chúa ban ơn cho linh hồn ông được sớm hưởng phước thiên đàng. Nghe Xuân giải thích như vậy Hoàng cảm thấy mình càng thêm gần gủi với gia đình chị.
Thật vậy, lễ giỗ của ông ngoại Xuân cũng giống như đám giỗ ông bà của Hoàng, cũng có mâm cơm với các món ăn thịnh soạn, cũng có nhan đèn và bình bông ở đầu bàn cùng với hai ly rượu và hai tách trà. Có khác chăng là sau khi cha của Xuân đốt nhan đèn và rót rượu, cả gia đình đứng chung quanh bàn cơm, làm dấu Thánh Giá và cùng nhau đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn ông ngoại của chị và thân nhân đã qua đời. Vào những buổi giỗ ở nhà cha mẹ Hoàng, mẹ anh luôn bận rộn ở bếp nên chỉ có cha anh đốt nhan đèn và khấn vái, xá lạy trước mâm cơm cúng ông bà mà thôi. Anh chị em của Hoàng chỉ biết đứng sau lưng cha để xá và lạy. Năm Hoàng 18 tuổi anh mới dám hỏi cha mình về việc thờ cúng Tổ Tiên. Cha anh giải thích đây là một phong tục của ông bà để lại cho con cháu có dịp họp mặt, yêu thương nhau với tình máu mủ, tỏ lòng biết ơn, báo hiếu cùng các đấng sinh thành hay thân nhân ruột thịt đã mãn phần. Đó là điều mà mọi người, theo tín ngưỡng nào cũng vậy, rất mong muốn. Nghe cha giải thích tới đó, Hoàng nêu thêm một thắc mắc: "Hôm trước, Thành, bạn của con mời con và vài người bạn đến nhà ăn đám giỗ ông nội của Thành. Ba của Thành khấn vái rất lớn tiếng, kính mời ông nội của Thành và tất cả ông bà cô bác đã qua đời về ăn cơm. Con thấy lạ quá, chết rồi, thân xác còn đâu mà ăn với uống hả ba?"
Cha của Hoàng trả lời anh, thoạt tiên miệng ông mỉm cười nhưng sau đó giọng nói của ông nghe rất nghiêm chỉnh: "Con nói đúng lắm, cha cũng nghĩ như vậy. Nhưng mình không nên phê phán, chỉ trích ai về lòng tin của họ. Ba tin có linh hồn, có đời sau và ba tin theo triết lý luân hồi của Nhà Phật. Trước mâm cơm cúng giỗ, ba chỉ lâm râm cầu nguyện linh hồn của ông bà, của thân nhân đã quá cố được sớm siêu thoát mà thôi. Lớn lên, các con cần phải tìm tòi và học hỏi các tôn giáo rồi quyết định chọn một tôn giáo cho đời mình. Có người nói rằng 'Khi tôi làm việc gì tốt đẹp tôi cảm thấy hạnh phúc, khi tôi làm việc gì tồi bại, tội lỗi tôi cảm thấy hối hận, xấu hổ, đó là tôn giáo của tôi.' Ba không nói họ sai, nhưng ba thấy mình cần có một tôn giáo để được hướng dẫn sống tử tế, thánh thiện, đạo đức ở đời này, dọn đường cho đời sau đó con."
Nghe theo lời chỉ dạy của cha, mấy tháng qua không Hoàng có chút ngại ngùng khi đưa Xuân đi xem lễ ở nhà thờ giáo xứ. Vì thế, khi Xuân đề nghị Hoàng cùng chị ghi danh tham dự buổi tĩnh tâm, anh đồng ý ngay. Đó không phải vì Hoàng chỉ muốn làm đẹp lòng Xuân, thật ra anh luôn có ý định tìm hiểu đạo Chúa khi có cơ hội. Hoàng tin Thượng Đế là đấng tạo hoá vũ trụ, muôn loài, vạn vật. Tuy nhiên, chuyện con của Thượng Đế giáng thế cứu rỗi loài người vẫn là một câu hỏi to lớn trong tâm trí của anh. Phải chăng Đức Chúa Giêsu, cũng như Đức Phật Thích Ca, chỉ là một người phàm được Ơn Trên soi sáng mới ngộ ra triết lý và rao giảng cùng thế nhân?
o O o
Có khoảng 20 người tham dự buổi tĩnh tâm với chủ đề "Ý Cha Thể Hiện" dài bốn tiếng đồng hồ, hai tiếng vào buổi sáng, mở đầu bằng thánh lễ Misa và hai tiếng nữa vào buổi trưa. Giữa hai buổi tĩnh tâm, mọi người sẽ có dịp tham gia công tác thiện nguyện, giúp giáo xứ đãi buổi ăn trưa miễn phí cho các cụ già cô đơn và những người nghèo hay vô gia cư.
Sau khi dâng lễ Misa, cha linh hướng mở đầu buổi tĩnh tâm ngay trong nhà nguyện bằng một câu chuyện do ông ký giả Paul Harvey kể trên đài phát thanh ABC cách nay khá lâu, tựa đề là The Man and the Birds (Người Đàn Ông và Đàn Chim). Câu chuyện ấy như sau:
Ông là một người lương thiện, đáng kính, ngay thẳng, rộng rãi với gia đình và mọi người. Nhưng, ông không tin chuyện Thiên Chúa hoá thân làm người, giáng thế để cứu rỗi nhân loại. Vào đêm Giáng Sinh năm ấy, ông thành thật xin lỗi và nói với vợ con rằng ông không thể dối lòng mình, cùng mọi người đến nhà thờ dâng lễ nửa đêm như mọi năm nữa. Ông sẽ ở nhà, chờ gia đình trở về sau lễ.
Sau khi vợ con ông rời nhà, tuyết bắt đầu rơi. Ông bước đến bên cửa sổ, nhìn cảnh tuyết rơi, mỗi lúc một nhiều hơn và ông trở lại chiếc ghế cạnh lò sưởi, ngồi đọc báo. Vài phút sau ông giật nẩy người vì một tiếng động mạnh đập vào cửa sổ kiếng nhà mình... rồi thêm một tiếng động nữa... tiếp tục dồn dập đập vào cửa sổ... Ông nghĩ rằng ai đó nghịch ngợm chọi những quả banh tuyết vào cửa sổ, nhưng khi mở cửa nhà để tìm hiểu sự thật ông thấy một đàn chim đang bay loạn xạ trong cơn mưa tuyết. Thì ra những con chim đáng thương ấy đang tìm nơi trú ẩn. Chúng nhận ra khung cảnh ấm cúng của ngôi nhà và chúng không ngần ngại bay vào, đập đầu vào cửa sổ.
Không, ông không thể bỏ mặc những con chim khốn khổ này chết cứng trong giá lạnh, ông phải ra tay cứu chúng. Ông chợt nghĩ đến cái chuồng ngựa kế bên nhà mình. Đây sẽ là một nơi tạm trú ấm áp cho đàn chim, nếu ông có thể dụ chúng bay vào.
Ông vội vàng mặc áo tơi, mang giày, lội tuyết đến chuồng ngựa, mở cửa, bật đèn lên, chờ đợi nhưng không có con chim nào chịu bay vào. Mình phải làm cách nào để dụ dỗ chúng đây? Ông tự hỏi và nhớ đến cảnh quý cụ già bẻ bánh mì cho chim ăn trong các công viên. Ông bèn chạy vào nhà, lấy ổ bánh mì, bẻ vụn và mang ra ngoài, rải thành một lối đi dẫn đến cửa chuồng ngựa. Nhưng, tiếc thay đàn chim không chú ý đến, chúng vẫn đập cánh một cách vô vọng trong mưa tuyết. Ông đi vòng quanh, đưa tay xua đàn chim bay vào chuồng ngựa nhưng chúng bay đi tán loạn, không con nào bay vào nơi ấm áp, có ánh đèn ấy.
Khi ấy, ông mới nhận ra rằng đàn chim sợ ông, một con người với hình dáng xa lạ, đáng ngại đối với chúng. Làm cách nào để chúng tin tưởng rằng ông không làm hại mà chỉ muốn giúp đỡ chúng mà thôi? Cách nào đây? Cử động nào của ông cũng làm chúng sợ hãi, rối loạn tinh thần thay vì nghe lời ông.
Ông thầm nghĩ, "Nếu mình là một cánh chim như chúng, mình sẽ trà trộn vào bầy, nói bằng ngôn ngữ của chúng, mình sẽ không làm chúng lo sợ, mình sẽ có thể chỉ dẫn chúng bay vào một nơi an toàn, ấm áp như chuồng ngựa này. Đúng rồi, mình phải là một cánh chim như chúng để chúng có thể nhận ra mình là một đồng loại biết nghe và hiểu được tiếng nói của chúng..."
Khi ấy, tiếng chuông nhà thờ bắt đầu vang lên, lướt trên tiếng gió reo, dội vào tai ông. Và ông đứng yên, tâm trí ông chìm đắm trong tiếng chuông, lời ca, tiếng nhạc của bài thánh ca mừng Chúa Giáng Sinh... Và đôi chân chùng xuống, ông quỳ gối trên đống tuyết lạnh giá nhưng cảm thấy lòng mình ấm áp khôn cùng.
Cha linh hướng chấm dứt câu chuyện, chưa kịp nói thêm lời nào thì Hoàng đưa mắt ngó Xuân rồi anh nắm tay chị, siết nhẹ, đoạn anh rời tay chị, đưa tay kéo chiếc băng quỳ, gây một tiếng động, tiếp theo là một loạt tiếng lộp độp khác nổi lên. Hoàng và Xuân quỳ xuống cùng lúc với các bạn tham dự buổi tĩnh tâm. Anh chắp tay, mắt nhìn tượng Chúa Giêsu Kitô trên Thập Tự và anh làm dấu Thánh Giá. Nhà nguyện yên lặng, khi ấy còn là Mùa Vọng nhưng tai Hoàng nghe văng vẵng đâu đó lời ca, tiếng nhạc của bài thánh ca mừng Chúa Giáng Sinh...
đào anh dũng
Riverview, Florida
Tháng tám, 2020
Ảnh từ FB


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét