16 thg 12, 2020

NICE - Fb Nguyễn Quyết


 Ảnh: Ngày nay

Nhà báo Đinh Đức Hoàng- KOLs Hoàng Hối Hận- Phụ trách biên tập mục Góc nhìn của VnExpress rất quen thuộc với cộng đồng Facebook cho đến khi Hoàng tự đóng tài khoản một thời gian để tĩnh lại và làm những việc mà bạn ấy cho là có ích hơn, sâu sắc hơn.

Bất ngờ, Hoàng nghỉ VnEpress và xuất hiện trở lại trong vai trò mới, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin UNESCO. Hoàng giới thiệu một dự án với cái tên không thể Đẹp hơn: NICE – Mạng lưới Sáng kiến Phát triển vì Cộng đồng - là nền tảng hỗ trợ các sáng kiến xã hội thông qua kết nối truyền thông.

Hoàng là người thông minh, trong đầu có vạn cuốn sách, viết hay đến từng chữ (Bởi thế mới nổi tiếng, thành viên “Tổ ngàn lai”, không có gì là ngẫu nhiên cả!). Nhưng, mình thích nhất là ở cách bạn ấy khả năng lắng nghe, nắm bắt và giải quyết vấn đề với tư duy luôn khác biệt.

Đôi khi, để đánh giá một con người, không hẳn chỉ bằng lời nói, hành động, mà chính là bởi khả năng lắng nghe và thấu hiểu của người đó ở mức độ như thế nào!

Đăng lại bài phát biểu của Hoàng thay cho lời giới thiệu về NICE, dù dài nhưng rất đáng đọc từ đầu đến cuối:

“Kính chào các vị khách quý,

Tôi là Đức Hoàng. Rất cảm ơn quý vị đã có mặt ở đây ngày hôm nay. Chúng ta có mặt ở đây để chứng kiến sự ra đời của Mạng lưới Sáng kiến Phát triển vì Cộng đồng. Nhưng trước hết, tôi cần trình bày lý do, tại sao chúng ta cần một mạng lưới như thế.

Trong Hội đồng giám tuyển của NICE, có một người bạn của tôi, Vũ Ngọc Anh. Ngọc Anh mắc bệnh xương thủy tinh và di chuyển bằng xe lăn. Anh ấy đang trả góp căn hộ thứ hai tại Hà Nội. Nhưng hầu như lần nào gặp nhau ở các địa điểm công cộng, Ngọc Anh cũng khoe là, có người vừa cho tôi 50 nghìn, đi uống cà phê thôi.

Người ta cho tiền Ngọc Anh ở mọi nơi, Bờ Hồ Hoàn Kiếm, ở quảng trường Nhà thờ Sapa – chúng tôi thực sự đã uống cà phê ở Sapa cùng nhau bằng tiền được cho.

Như một thái độ trào phúng, lần nào có người cho tiền, Ngọc Anh cũng cầm. Cậu ấy đã quá chán với việc từ chối xong rồi bị người ta nài ngược lại là cầm đi cầm đi. Thậm chí là khi chúng tôi đến một trong những địa phương nghèo nhất nước, thị trấn Vinh Quang của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, có hai đồng bào đã phóng xe máy đuổi theo chúng tôi, rất quyết liệt, giữa đêm về tận cổng nhà khách, dúi vào tay chúng tôi hai mươi nghìn, khẩn nài tôi nhận bằng được.

Ngọc Anh có lẽ là một nhân chứng, như rất nhiều người khuyết tật có mặt trong khán phòng hôm nay, về những định kiến của xã hội. Và đó là lý do tôi mời Ngọc Anh vào hội đồng giám tuyển của NICE.

Quý vị vừa xem một clip về tiệm giặt là của người Điếc. Họ cần gì? Cần tiền? Ai chẳng cần tiền. Nhưng họ sẽ không xin tiền quý vị tại đây. Họ dự định sẽ kiếm tiền bằng mô hình kinh doanh của mình. Thậm chí, với tất cả những khó khăn trong giao tiếp, họ đã tiếp cận được một chuỗi giặt là rất lớn tại Hà Nội. Họ đã vay được vốn cho tiệm giặt của mình rồi. Hai trăm triệu cho một tiệm giặt như thế, đã có người cho vay.

Một mô hình kinh doanh như vậy – một doanh nghiệp xã hội – sẽ cần nhiều thứ hơn là chỉ có tiền. Họ cần người mách cho họ mặt bằng tốt, để thuê. Họ cần khách hàng biết tới. Họ cần nhân rộng mô hình của mình cho những Điếc khác. Bởi vì lợi nhuận của chuỗi tiệm giặt là này sẽ được dùng để tổ chức các lớp học kỹ năng cho người Điếc, nên điều cuối cùng họ cần, là sáng kiến của mình được lan tỏa. Mơ ước của họ, là nhân rộng mô hình phi lợi nhuận này, giúp đỡ được nhiều người đồng cảnh ngộ.

Đã có thời, chúng ta gắn chữ “tình thương” vào sau các sản phẩm của người khuyết tật. Nhưng ngay trong khán phòng lúc này, đã có đến 5 dự án sử dụng lao động khuyết tật cho một mô hình kinh doanh bền vững. Những sáng kiến hỗ trợ nhóm yếu thế ra đời liên tục và ngày càng sáng tạo. Họ cần những sự hỗ trợ khác, tinh tế hơn, chuyên biệt hơn. Nhưng tiếc rằng giống như ẩn dụ trong câu chuyện của Ngọc Anh, định kiến về hỗ trợ các nhóm yếu thế trong xã hội vẫn rất nặng nề.

Ở nhiều cơ quan, tổ chức, chúng tôi vẫn bắt gặp cách định nghĩa về trách nhiệm xã hội rất cơ bản và phổ thông, gọi nôm na là “cho tiền”.

Cốt lõi của các hoạt động vì cộng đồng, vẫn sẽ là các dự án từ thiện, hay là “cho tiền” theo nghĩa đen. Chúng ta vẫn cung cấp bữa ăn cho trẻ em, chúng ta xây trường, chúng ta xây nhà. Bản thân tôi cũng đã từng huy động rất nhiều bữa ăn, nhiều tấn gạo, xây nhiều ngôi trường. Mỗi ngôi trường mới được xây, tôi đều cảm thấy tự hào và hy vọng. Nhưng đó có phải là tất cả bức tranh hay không? Các vấn đề cộng đồng liệu có thể được giải quyết triệt để bằng một vài cách làm từ thiện phổ biến như hiện nay không?

Chúng ta hãy nhìn những đứa trẻ này. Đây là những trẻ em lưu lạc theo gia đình về từ Biển Hồ Tonle Sap, Campuchia, xuôi theo dòng Mekong để đi vào lãnh thổ Việt Nam. Họ không có một manh giấy tùy thân, không được thừa nhận bởi quốc gia nào. Họ sống dưới lòng sông, hoặc ở một vài địa phương, được tạo điều kiện lên những mảnh đất trống dựng vài chái nhà tạm.

Điều kỳ dị là, những đứa trẻ này, ngay cả khi bạn có xây lên một ngôi trường khang trang trước mặt chúng; cũng không có cách nào để chúng bước vào. Có hàng nghìn đứa trẻ như thế đang vất vưởng ở các tỉnh ĐBSCL. Không có giấy khai sinh, chúng cũng sẽ không có chứng minh thư, không được tham gia vào thị trường lao động, và trở thành một vấn đề xã hội khi lớn lên.

Hai tuần sau khi kêu gọi các sáng kiến xã hội, NICE nhận được hồ sơ của một dự án về những đứa trẻ này, từ một nhóm thanh niên tại TP.HCM. Họ muốn can thiệp vào dinh dưỡng, muốn mở các lớp học cho bọn trẻ, và tìm cách làm giấy tờ cho chúng. Đó là dự án Vì giấc mơ em, mà các bạn có thể đọc mô tả trên website nicevietnam.vn ngay lúc này.

Có ai đó ở ngoài kia, với tinh thần tình nguyện của mình, đang quan tâm đến những vấn đề đa dạng của xã hội. Họ đề xuất các sáng kiến, thành lập các dự án giải quyết những vấn đề đó. Hàng nghìn sáng kiến như thế đang tồn tại. Và chúng tôi, Trung tâm thông tin UNESCO, tư duy rất ngây thơ như thế này: đầu tiên, họ cần được biết tới.

Như vậy, Mạng lưới Sáng kiến phát triển vì cộng đồng ra đời vì 4 lý do:

- Đầu tiên, các vấn đề của xã hội là rất đa dạng và cần những cách giải quyết khác nhau.

- Thứ hai, ngay lúc này, đang có rất nhiều sáng kiến vì cộng đồng đã quan tâm và mong muốn giải quyết những vấn đề đa dạng đó.

- Thứ ba, rất nhiều trong số những sáng kiến đó không được biết tới và không nhận được sự quan tâm, hay sự hỗ trợ nguồn lực như chúng xứng đáng.

- Cuối cùng, chúng tôi tin rằng truyền thông có thể giải quyết được một phần vấn đề.

Chúng tôi tập hợp các sáng kiến xã hội lại thành một nền tảng. Hàng chục, hàng trăm sáng kiến khác nhau, sau xét duyệt của Hội đồng giám tuyển, sẽ xuất hiện trên nền tảng đó.

Trên nền tảng này, rất nhiều dạng kết nối có thể được tạo ra. Nếu mỗi dự án cộng đồng là một nghệ sĩ, thì NICE sẽ trở thành một gallery khổng lồ.

Những nhà tài trợ có thể tìm thấy những dự án xã hội phù hợp với quan niệm của họ, mà họ chưa từng biết có tồn tại.

Những tình nguyện viên – các bạn thanh niên, sinh viên, giới trí thức hay bất kỳ ai – có thêm lựa chọn về phương án đóng góp cho cộng đồng.

Bản thân các sáng kiến trong mạng lưới cũng có thể hỗ trợ lẫn nhau, bằng kiến thức, bằng nguồn vốn con người hay tài chính. Người đi trước dìu dắt người đi sau.

Báo chí, hay giới truyền thông nói chung, có thể tìm thấy trong mạng lưới những câu chuyện nhân văn – mà thường ngày họ phải vất vả tự đi săn lùng.

Rất nhiều dạng kết nối khác có thể được tạo ra.

Đến nay, sau một thời gian ngắn kêu gọi và xét duyệt, NICE đã trở thành nơi tụ hội của nhiều sáng kiến.

Tại Sài Gòn, chúng tôi có một dàn nhạc giao hưởng của người khuyết tật. Những nhạc công chuyên nghiệp, của một dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp đang dàn dựng các tiết mục cùng các nhạc công đường phố. Các tiết mục này đạt tiêu chuẩn để biểu diễn trong thính phòng. Họ sẽ bán vé, gây quỹ cho người khuyết tật. Một lần nữa, những người này không xin tiền. Chúng ta không gọi họ là “giao hưởng tình thương”.

Tại Tây Ninh, chúng ta có sáng kiến Vì giấc mơ em cho các trẻ em phiêu dạt từ Campuchia.

Tại Huế, tổ chức CODES đang nghĩ tới việc cho vay vốn phục hồi sinh kế sau bão lũ. Rất nhiều người mang nợ sau lũ; và họ không đủ tiêu chuẩn để vay vốn ngân hàng nữa. Làm thế nào để cho vay tới những người không có tài sản thế chấp, mà không bị mất vốn? Bạn có thể đọc kỹ hơn về giải pháp của CODES trên website của chúng tôi.

Tại Hà Nội, chúng tôi có những doanh nghiệp xã hội đã đi rất xa. KymViet sử dụng lợi nhuận của mình để xây lên một không gian kết nối – một thứ gần như là studio trải nghiệm để cộng đồng cảm nhận được cuộc sống của người khuyết tật. Chúng tôi có Salon Thành Nguyễn của người Điếc đã nổi tiếng vì tay nghề. Chúng tôi có Vụn Art sử dụng vải vụn tái chế và lao động yếu thế để tạo ra sản phẩm thủ công tinh xảo.

Và tất nhiên, chúng ta có các dự án về môi trường. Trên sân khấu lúc này là một mô hình cá EcoFish, một dự án lai giữa nghệ thuật sắp đặt, truyền thông và giải pháp tiện ích. Một chiếc thùng rác có thông điệp, về phân loại rác thải, mà các nhà sáng lập hy vọng đặt ở nhiều điểm công cộng trong cả nước. Chúng ta có Lagom, những người đã thiết lập hàng nghìn điểm thu gom rác thải, tái chế hộp sữa thành các sản phẩm mỹ thuật mà các bạn có thể tham quan ở bàn tiếp khách ngoài kia.

Còn rất nhiều dự án thú vị nữa, mà có thể bạn không biết rằng chúng có tồn tại. Hay thậm chí, bạn không biết rằng vấn đề đó có tồn tại.

Một lát nữa, trên sân khấu này, bà Trần Mai Anh, một thành viên của Hội đồng giám tuyển NICE, sẽ nói về hành trình mười năm của mình. Chị là người sáng lập quỹ Thiện Nhân và những người bạn, một quỹ chỉ tập trung cho một sứ mệnh, là phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhi bị khuyết tật cơ quan sinh dục.

Khi Mai Anh khởi đầu dự án, thậm chí xã hội còn không nhận thức rằng loại khuyết tật ấy phổ biến đến thế. Cho đến tận nhiều năm sau, chúng tôi vẫn phải giải thích cho các nhà tài trợ, rằng có loại khuyết tật như thế, rất phổ biến và rất khốn khó với cuộc đời những đứa trẻ.

Nếu quỹ Thiện Nhân và các bạn không bước ra ánh sáng, không nhận được những bàn tay vào đúng lúc nó cần, có lẽ là hàng chục nghìn con người đã lớn lên với một loại tổn thương không thể chữa lành cả trên thể xác lẫn tinh thần.

Hoặc là họ sẽ được nhận bữa ăn từ thiện, thậm chí là học bổng, nhưng vẫn lớn lên cùng tổn thương.

Đó có lẽ là câu chuyện tiêu biểu nhất cho một sáng kiến xã hội – khác lạ, nhỏ bé, hướng tới một vấn đề không được nhận thức phổ biến – nhưng cuối cùng đã giúp đỡ được rất nhiều người. Đó là câu chuyện truyền cảm hứng để NICE ra đời.

Tôi xin tuyên bố ra mắt Mạng lưới Sáng kiến Phát triển vì Cộng đồng. Chúng tôi hy vọng rằng với chương trình nhỏ bé này, mình có thể giúp cho những sáng kiến tiếp cận nhiều cơ hội thành công hơn. Chúng tôi tất nhiên không thể hứa rằng ai tham gia vào NICE cũng thành công. NICE chỉ là nền tảng kết nối, việc quyết định trao cơ hội cho ai vẫn là của xã hội. Nhưng tôi nói với các đồng sự, rằng nếu sự ra đời của NICE, giảm tỷ lệ thất bại của các dự án cộng đồng từ 75 xuống thành 57 phần trăm, chúng tôi đã có thể nở nụ cười.

Tôi xin cảm ơn các nhà tài trợ Vingroup và Masan, đã trao sự tin tưởng cho một chương trình chưa từng có tiền lệ. Tôi cũng dành lời cảm ơn đến các chuyên gia, các thành viên hội đồng giám tuyển, và lãnh đạo Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đã thúc đẩy để chương trình được ra đời.

Lời cuối, tôi xin dành lời cảm ơn chân thành đến những người đã có mặt ở đây cùng NICE hôm nay.

Cùng nhau, chúng ta sẽ tạo được ra những điều khiến bản thân mỉm cười nhiều năm về sau.

Tôi xin cảm ơn!”

N.Q.

Nguồn: Fb Nguyễn Quyết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét