TRẺ Magazine, số 1223, ngày 24/12/2020
Tan lễ, anh chị bước ra cửa nhà thờ, theo sau là hai thằng con, đứa 15, đứa 16 tuổi. Chỉ còn có ba ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh rồi. Cả nhà đã lo xong quà cáp cho thân nhân và bạn bè, đã giăng đèn trước nhà và trang hoàng hang đá, cây Noël. Hôm nay, như thường lệ, gia đình anh chị sẽ ghé nhà hàng nào đó để ăn trưa trước khi về nhà. Thằng con đầu lòng của anh chị muốn ăn phở; thằng em nó thì thích hamburger. Chị bảo, hai đứa chọn đi. Già đầu rồi mà còn như con nít, hai thằng đưa tay oản tù tỉ. Thằng em thắng nên cả nhà sẽ ghé tiệm Burger King.
Hôm ấy, trời trong xanh, nắng trong vắt như pha lê nhưng thật lạnh, trừ hai độ F. Xa lộ có rải cát và muối nên không chút trơn trợt, hai bên lề tuyết phủ trắng tinh. Anh lái xe ra khỏi xa lộ để đến tiệm Burger King, nhưng nhìn đồng hồ xe, thấy gần cạn nhiên liệu nên anh ghé vào trạm xăng Mobil. Anh vừa đậu xe thì hai thằng con vội vàng mở cửa bước xuống, thằng anh bơm xăng, thằng em lau kiếng. Phải công nhận rằng hai đứa con của anh chị thật là ngoan. Mới có mười mấy tuổi đầu mà chúng nó đã biết lo giúp cha mẹ, từ việc phụ dọn bàn ăn, rửa chén bát, đến chuyện hút bụi trong nhà, cắt cỏ ngoài sân. Ba bốn mùa đông vừa qua, đêm nào có tuyết đổ là hai thằng thức dậy sớm, phụ cha xúc tuyết trước nhà để lái xe đi làm. Anh nhìn chị, ánh mắt hân hoan, miệng mỉm cười. Chị hiểu ánh mắt ấy muốn nói gì nên nắm lấy tay anh, bóp nhẹ.
Sau khi hai thằng con đổ xăng và lau kiếng xe xong, anh đi vào trong trạm để trả tiền. Nơi đây cũng có bán thức ăn và các vật dụng cần thiết hàng ngày nên khá đông khách. Anh phải chờ đến năm bảy phút mới đến phiên mình. Trả tiền xong, anh bước ra cửa, thấy thằng con lớn đang trò chuyện cùng một chàng thanh niên ăn mặc lôi thôi, có vẻ là một tay bụi đời, rồi nó móc bóp đưa tiền cho anh ta. Vì thế, khi hai đứa vừa bước lên xe, anh hỏi ngay:
"Ai vậy con? Bạn học, người quen hay sao mà con trò chuyện và đưa tiền vậy?"
"Dạ, con đâu có quen ảnh. Ảnh hỏi mượn con 20 đô la để đổ xăng đi Des Moines thăm má của ảnh bị bệnh nặng phải nằm nhà thương. Ảnh nói chạy đến đây thì xe bị hư... sửa hết tiền mà xăng cũng gần cạn."
Nghe thằng con kể đến đó, anh kêu lên:
"Oh my God! Con bị tay đó gạt rồi! Nhìn bộ vó của hắn, chín mươi chín phần trăm là dân bụi đời, không nghiện rượu thì cũng chơi ma tuý. Sao con không hỏi ý kiến của ba má trước khi đưa tiền cho hắn?"
Thằng con ngây ngô trả lời:
"Dạ con cũng tính như vậy nhưng ảnh nói cần tiền để đổ xăng, để đi... đi liền. Ảnh có xin địa chỉ để gởi lại... gởi trả tiền cho con mà!"
Anh lắc đầu, giọng ngao ngán:
"Tin ba đi! Hắn đi luôn rồi, không bao giờ gởi tiền trả lại cho con đâu."
"Nhưng...nhưng con... con không thể... I had to give him the benefit of the doubt."
Nghe thằng con nói vậy, anh đành im lặng. Mùa hè vừa qua, vài ngày sau khi ăn sinh nhật 16 tuổi, nó xin cha mẹ cho phép đi làm ở sở thú gần nhà, mỗi tuần tám tiếng đồng hồ vào ngày thứ bảy. Anh chị đồng ý, muốn thằng con của mình có dịp học hỏi khi đụng chạm với đời, với thực tế thay vì ngồi nhà chơi trò chơi điện tử. Anh ngẫm nghĩ, mất 20 đô la, gần ba giờ làm việc của nó, bài học này cho thằng con của mình không đắt giá lắm đâu. Nhưng, chiếc nơ màu đỏ nằm trên vòng hoa Giáng Sinh với những hộp quà nho nhỏ trang hoàng trước cửa trạm xăng đưa tâm trí anh về một kỷ niệm xa xưa...
... Năm ấy, năm 1959, anh mới có chín tuổi rưỡi, cha mẹ gởi anh đi học nội trú ở một trường dòng. Noël, lòng anh nôn nức được nghỉ lễ một tuần, gặp lại ông bà, cha mẹ và anh chị em sau hơn ba tháng xa nhà. Hạnh phúc hơn nữa là trong đêm văn nghệ Giáng Sinh ở trường trước ngày về nhà nghỉ lễ, anh bắt số trúng được một món đồ chơi thật đặc biệt. Đó là một ông hề gánh xiệc mang giày patin trượt băng, cao khoảng một gang tay, chạy bằng pin, kết nối với hộp đựng pin có nút bấm điều khiển bằng một sợi dây điện dài khoảng nửa thước. Khi anh bấm nút, ông hề trượt vòng tròn, chân này trượt thật nhanh, chân kia đưa lên đưa xuống, trên đầu có ngọn đèn chớp tắt trông rất hấp dẫn. Vào cuối thập niên 1950 có thể nói đây là một món đồ chơi tân tiến.
Trưa hôm ấy, anh ngồi bên túi xách đựng quần áo, tay cầm món đồ chơi, chờ cha mẹ đến đón như các bạn cùng trường. Bỗng có một bạn đến ngồi kế bên. Đó là Nhân, một bạn học trên anh hai lớp. Nhân gợi chuyện, mầy hên quá, trúng được một món đồ chơi chạy bằng pin, nhưng ông hề trượt patin này là một món đồ chơi cho con nít. Rồi Nhân đưa ra hộp đồ chơi anh ta bắt số trúng được. Đó là một chiếc xe hơi dài gấp đôi chiều cao của ông hề, không chạy bằng pin, phải đẩy bằng tay vài cái rồi buông ra nó mới chạy thật lẹ được một đoạn đường. Anh ta nói, tao thích nó lắm, nhưng tao có một thằng em bốn tuổi đang mang bệnh nằm nhà thương, nên tao muốn đổi lấy ông hề trượt patin của mầy để mang về tặng cho nó vui trong dịp lễ Noël này. Nghe bạn Nhân nói vậy, thật sự anh có động lòng thương đứa bé em của bạn, nhưng nghĩ lại anh cũng có mấy đứa em. Chúng nó cũng sẽ rất vui khi chơi món đồ chơi tân tiến này thay vì chiếc xe hơi tầm thường ấy. Vì thế anh từ chối, không chịu đổi. Thật vậy, mấy đứa em của anh đứa nào cũng thích ông hề trượt patin, chơi mãi không chán, cha anh phải mua pin thay ba bốn lần.
Sau một tuần nghỉ lễ với gia đình, anh trở về trường nội trú. Mỗi lần anh thấy bạn Nhân là anh mang mặc cảm tội lỗi vì anh chỉ nghĩ đến mình, không biết thương người như lời Chúa dạy trong Phúc Âm. Cho đến một hôm anh tiết lộ chuyện này với một bạn thân học cùng lớp. Bạn này nghe xong cười thật to và nói: "Chúa ơi, tao học trường này từ lớp chót nên tao biết anh chàng Nhân này lắm. Anh ta là con một, làm sao mà có thằng em bị bệnh!"
... Kỷ niệm xưa, anh nhớ đến đó, chưa kịp vặn khoá nổ máy xe thì thằng con ngồi ở băng sau lên tiếng:
"Dạ, con xin... xin lỗi ba, con lại nói tiếng Mỹ với ba, nhưng...nhưng con không biết nói... nói sao bằng tiếng Việt của mình. Ở trong đầu con... con nghĩ như vầy... nếu anh đó gạt con thà... thà rằng con mất 20 đô la chứ... chứ nếu đúng là ảnh cần tiền để đi thăm má ảnh mà con không cho ảnh mượn thì con thấy đau... đau trong... trong tim lắm!"
Nghe thằng con 16 tuổi đầu ngập ngừng xin lỗi mình và giải thích câu tiếng Anh nó vừa nói, bằng tiếng mẹ đẻ, anh cảm thấy thương và tội nghiệp nó quá. Nhưng, dù sao đi nữa, nó cũng biết nói ra tấm lòng của mình; để đó rồi từ từ anh sẽ chỉ cho anh em chúng nó thấy những mặt trái của cuộc đời và dạy cho chúng nó biết thêm những từ ngữ Việt. Anh trả lời nó:
"Không, con không có lỗi gì đâu. Việc con làm rất đúng với tâm hồn của con và đúng theo lời Chúa dạy. Nếu anh chàng đó quên, không gởi tiền trả lại cho con thì..."
"Thì anh hai nên coi đó như là một món quà Christmas, phải không ba?"
"Đúng vậy!" Anh trả lời thằng con 15 tuổi. Nó chưa đến tuổi được phép đi làm nhưng đã có vẻ hiểu đời rồi. Anh nói tiếp: "Ba có một câu chuyện muốn kể cho hai đứa nghe." và anh vừa lái xe, vừa kể lại câu chuyện món đồ chơi ông hề trượt patin năm xưa anh bắt số trúng được.
Anh kể đến đoạn mình hối hận vì không biết thương đứa em của người bạn học cùng trường thì thằng con la lên:
"Ba ơi, ba chạy xe qua khỏi tiệm Burger King rồi!"
"Không sao đâu!" Anh trả lời thằng con và quay sang hỏi chị:
"Vậy thì hôm nay mình ghé Mr. Steak thưởng anh em tụi nó món bò bí tết nhen em? Hai đứa có thích không?"
Hai thằng con đồng lên tiếng: "Hooray! Hoan hô ba!" Đưa mắt nhìn chị, anh bắt gặp một ánh mắt trìu mến, yêu thương. Anh tìm lấy bàn tay của chị, bóp nhẹ và tiếp tục lái xe.
Ánh nắng pha lê của mùa đông miền Bắc xứ Mỹ bỗng nhiên dịu ngọt, ấm áp vô biên...
Đào Anh Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét