Tháng 1: Đại dịch Corona khởi phát, Cháy rừng ở Úc và Brexit
Một loại virus mới bắt đầu lây lan ở Vũ Hán, Trung Quốc. Tháng 12 năm 2019, nhà chức trách thông báo có những ca nhiễm đầu tiên cùng lúc với căn bệnh phổi mà nguyên nhân chưa được xác minh. Ngày 6 tháng 1, có 59 trường hợp mắc bệnh, sau này gọi chung là Covid-19 được công bố chính thức.
Lần đầu tiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo đối phó với loại virus mới Corona, SarsCoV-2. Từ giữa tháng Giêng, các quốc gia khác cũng biết các trường hợp đầu tiên. Đức xác nhận trường hợp Covid-19 đầu tiên vào ngày 28 tháng 1.
Theo bản tin của Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, kể từ khi đại dịch bắt đầu cho đến ngày 25/12, số lượng các ca lây nhiễm virus corona trên toàn thế giới lên đến hơn 80 triệu người, số người chết ước khoảng 1,75 triệu. Số liệu này tương đối vì có các trường hợp không được báo cáo hoặc cập nhật thường xuyên. Với gần 20 triệu người nhiễm và hơn 340.000 người chết, Hoa Kỳ là bị ảnh hưởng trầm trọng nhất.
Cháy rừng ở Úc
Cháy rừng là tai hoạ thường xuyên trong mùa hè. Trong tháng Giêng và tháng Hai, các đám cháy bùng phát nghiêm trọng đặc biệt. Tháng 3, ngọn lửa làm 33 người thiệt mạng và tàn phá tổng cộng hơn 12 triệu ha đất. Các chuyên gia ước tính, hơn một tỷ động vật đã chết, trong đó có nhiều loài sinh vật đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Brexit
Sau một thời gian dài tranh chấp, Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 31/1. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp, tư cách thành viên của Anh trong Liên minh Châu Âu vẫn có hiệu lực cho đến cuối năm. Vì vậy, Vương quốc Anh vẫn hoạt động trong thị trường chung và liên minh thuế quan.
Nhưng mọi vấn đề sẽ được chung quyết như thế nào từ năm 2021 trở đi vẫn chưa rõ ràng. Các cuộc đàm phán về các điều khoản kế tục đã nhiều lần thất bại, đặc biệt là một hiệp định thương mại tự do, bao gồm vấn đề về cách giải quyết biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland và quyền đánh bắt hải sản.
Tháng 2: Giết người nhập cư ở TP Hanau, Đức
Ngày 19/2, một người Đức cực đoan theo cánh hữu đã bắn chết 9 người nhập cư trong hai quán ở thành phố Hanau, tiểu bang Hessen. Sau đó, hung thủ giết mẹ và tự sát. Trong một lá thư thú tội và một đoạn video mà hung thủ 43 tuổi để lại đã tiết lộ động cơ thúc đẩy là phân biệt chủng tộc và tin theo thuyết âm mưu.
Về sau, theo một chuyên gia chẩn đoán là hung thủ bị hoang tưởng do bệnh tâm thần phân liệt. Để bày tỏ cảm thông đối với tang quyến, nhiều người tham gia cầu nguyện trong các buổi tưởng niệm. Trong các cuộc biểu tình, dân chúng lên tiếng yêu cầu chính quyền phải có các phản ứng mạnh bạo trước mối đe dọa do cánh hữu ở Đức.
Tháng 3: Biện pháp Lockdown đầu tiên
Từ giữa tháng Ba, phần lớn các sinh hoạt công cộng ở khắp nơi trên thế giới bị tê liệt do sự lây lan trầm trọng của Covid-19. Các quốc gia áp đặt các hạn chế đi lại và gặp gỡ. Các trường học, nhà trẻ và hầu hết các cửa hàng phải đóng cửa.
Nội biên và ngoại biên của Liên minh châu Âu bị đóng một phần hoặc hoàn toàn trong vài tuần. Quyền tự do đi lại giữa các nước bị hạn chế. Chính phủ đã công bố một gói viện trợ trị giá hàng tỷ đồng dành cho những cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng Corona.
Tháng 4: Số ca nhiễm mới giảm
Số người chết vẫn còn cao. Nhiều người bệnh chỉ chết sau khi nhập viện vì không có thuốc và không còn sức đề kháng với virus. Các chuyên gia lo rằng khi đóng cửa các trường học, xáo trộn giáo dục sẽ xảy ra, khi sinh hoạt công cộng bị tê liệt, nền kinh tế bị ảnh hưởng, đặc biệt nhất là các nhà hàng, quán ăn nhanh, các cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, ngoại thương và du lịch.
Trong khi đó, ở một số thành phố, dân chúng biểu tình chống lại các biện pháp hạn chế tự do khi chính quyền nhân danh việc tìm cách ngăn chận Corona. Cuối tháng Tư, chính phủ các nơi bắt đầu cho nới lỏng các việc hạn chế, phát triển một ứng dụng cảnh báo Corona trên điện thoại (Warn- App), nhằm tạo điều kiện thông báo nhanh về tinh trạng những người tiếp xúc với người bị nhiễm.
Tháng 5: 75 năm ngày Thế chiến thứ hai kết thúc, vụ George Floyd ở Mỹ và thảm họa nhân đạo ở Yemen
Ngày 8 tháng 5 năm 1945, Thế chiến thứ hai ở Châu Âu kết thúc với sự đầu hàng vô điều kiện của quân đội Đức. Trên toàn thế giới, ngày 2 tháng 9 cũng được tưởng niệm là ngày kết thúc Thế chiến thứ hai, khi Đế quốc Nhật Bản đầu hàng. Hơn 60 triệu người đã trở thành nạn nhân của chiến tranh, riêng sáu triệu người Do Thái ở châu Âu đã bị Đức Quốc Xã sát hại.
Do trận đại dịch đang hoành hành, nhiều buổi lễ tưởng niệm phải bị hủy bỏ.Tuy nhiên, ở rất nhiều nơi, các nạn nhân được tưởng nhớ. Trong buổi lễ chính thức ở Berlin,Tổng thống Liên bang Đức FrankWalter Steinmeier nói: “Việc tưởng niệm không kết thúc. Không có sự cứu chuộc nào từ lịch sử của chúng ta”.
Vụ thảm sát George Floyd
Ngày 25 tháng 5, George Floyd, người Mỹ gốc Phi bị bắt ở Minneapolis và bị viên cảnh sát Derek Chauvin giết chết một cách dã man. Chauvin dùng đầu gối ép vào cổ của Floyd trong nhiều phút, mặc dù Floyd kêu la liên tục là không thở được. Các phim video ghi lại hành động này được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Nhiều năm qua, đó không phải là một trường hợp cá biệt, nhiều người Mỹ da đen chết trong các vụ bạo hành của cảnh sát.
Từ tháng 5 năm 2020, hàng triệu người trên thế giới tham gia các cuộc biểu tình của phong trào dân quyền “Black Lives Matter” đòi chấm dứt bạo lực cảnh sát, phân biệt chủng tộc. Trong những tháng tiếp theo, châu Âu cũng hưởng ứng trào lưu này và có tranh luận về vấn đề này khá gay gặt.
Thảm họa nhân đạo ở Yemen
Do chiến tranh diễn ra tại Yemen, nên nguồn cung ứng thực phẩm càng trở nên nguy cấp hơn. Theo tường trình của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), có hơn ba triệu người ở Yemen đứng trước nạn đói nghiêm trọng.
Kể từ năm 2015, nội chiến xảy ra ở Yemen, được hỗ trợ bởi Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, quân đội của Tổng thống Abd Rabbo Mansur Hadi chiến đấu chống lại phiến quân Houthi thuộc tông phái Shiit do Iran hỗ trợ.
Phần lớn các cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy, và các nỗ lực ngoại giao để giải quyết xung đột hầu như không có triển vọng. Do lũ lụt tái diễn, dịch châu chấu và đại dịch Corona, thảm họa nhân đạo ở Yemen trở nên trầm trọng hơn.
Tháng 6: Vụ Wirecard, Đức trợ giúp kích thích kinh tế và Luật An ninh Hồng Kông
Đầu tháng 6, Cơ quan Giám sát Tài chính Bafin, Đức, tố cáo Hội đồng Quản trị Wirecard có dấu hiệu nghi ngờ thao túng thị trường tài chính. Wirecard là doanh nghiệp được niêm yết ở thị trường chứng khoán, chuyên cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế.
Sau cuộc đột kích vào trụ sở chính của doanh nghiệp Wirecard ở Munich, các Kiểm toán viên pháp định từ chối chứng nhận bảng cân đối kế toán năm 2019 là trung thực. Cho đến nay, vấn đề chính là không ai tìm ra được dấu tích của 1,9 tỷ euro trong tài khoản ký thác ở Philippines.
Văn phòng Công tố Munich tiến hành điều tra các tài khoản giả mạo. Ảnh hưởng của vụ việc là nhiều người từ chức và bị bắt giữ và Cơ quan Giám sát Bafin cũng bị chỉ trích gắt gao. Một cựu thành viên của Hội đồng Quản trị Wirecard bị truy nã với lệnh truy nã quốc tế. Trong khi chờ đợi, một Ủy ban Điều tra sẽ làm sáng tỏ sự thất bại của các nhà chức trách.
Đức trợ giúp kích thích kinh tế
Ngày 29/6 chính phủ liên bang Đức đưa ra gói kích thích kinh tế với khối lượng 130 tỷ euro để "đảm bảo việc làm và đưa nền kinh tế phát triển trở lại". Các điểm quan trọng được Hạ viện và Thượng viện thông qua là cắt giảm thuế VAT tạm thời cho đến cuối năm, chu cấp đặc biệt cho trẻ em và tài trợ cho chương trình khuyến khích mua ô tô điện.
Chính phủ cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, các ngành công nghiệp và giao thông công cộng địa phương, nơi đang phải hứng chịu khủng hoảng Corona.
Luật An ninh Hồng Kông
Ngày 30 tháng 6, Trung Quốc đã thông qua Luật An ninh Quốc gia cho Hồng Kông. Đây là một bước thụt lùi đối với phong trào dân chủ, khi phản đối ảnh hưởng của Trung Quốc. Luật cho phép các nhà chức trách hành động chống lại phe đối lập, chẳng hạn khi Trung Quốc coi các hoạt động là lật đổ hoặc ly khai.
Josua Wang, nhà đấu tranh nổi danh nhất của phong trào bị kết án 3 năm rưởi tù vì phạm luật và bắt đầu thi hành án vào đầu tháng 12 trong khi các người cộng tác khác đang lần lượt tìm cách ra nước ngoài. Mỹ tìm cách áp lực về ngoại thương, trong khi Anh cáo buộc Trung Quốc là vi phạm luật quốc tế khi bội ước. Các tiếng nói đối lập chính thức tại Quốc hội Hồng Kông bị dập tắt.
Việc bắt giử các nhà đấu tranh cho phong trào dân chủ vẫn còn tiếp diền, gần đây nhất là Jimmy Lai, một đại doanh gia trong ngành xuất bản và truyền thông. Ngày 25/12 ông được đổi thành quy chế quản thúc tại gia sau khi đóng tiền bảo chứng cho toà án. Tình hình còn biến chuyển không thuận lợi cho giới đấu tranh. Trung Quồc càng ngày tỏ ra quyết liệt hơn và cộng động quốc tế ít quan tâm ủng hộ. vì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Corona.
Tháng 7: Nga trưng cầu dân ý, Liên minh Châu Âu cấp viện và Đức biểu quyết ngưng sản xuất than
Ngày 1/7, Nga bỏ phiếu về tu chỉnh hiến pháp. Theo Ủy ban Bầu cử Nga, 78% cử tri ủng hộ Hiến pháp mới, mục đích chính là hạn chế quyền của phe đối lập và mở rộng quyền lực của Tổng thống Vladimir Putin.
Theo kết quả của cuộc cải cách hiến pháp, Putin không phải rời nhiệm sở vào năm 2024 và có thể - giả sử hai lần thắng trong cuộc bầu cử - tiếp tục cầm quyền cho đến năm 2036. Ngoài ra, trong tương lai các cựu tổng thống sẽ được cấp một chức vụ suốt đời trong Hội đồng Liên bang, có nghĩa là, Putin sẽ tiếp tục được hưởng quyền đặc miễn trừ sau khi hết nhiệm kỳ.
Liên minh Châu Âu cấp viện
Ngày 20/7, theo quy định tuần tự, Đức sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu trong sáu tháng kể từ ngày 1/7. Cũng trong tháng này, 27 nguyên thủ quốc gia và chính phủ của Liên minh châu Âu quyết định thành lập Quỹ phát triển trị giá 750 tỷ euro để chống lại những hậu quả kinh tế của trận đại dịch Corona. Trong tổng số tiền tài trợ gồm có 390 tỷ euro tiền trợ cấp.
Trước đó, chính giới đã tranh cãi về việc liệu khoản viện trợ có nên được hoàn trả toàn bộ hay một phần không. Theo thỏa thuận cuối cùng, chỉ một phần phải được hoàn trả.
Đức biểu quyết ngưng sản xuất than
Tháng 7, sau Hạ viện, đến lượt Thương Viện Đức thông qua luật loại bỏ sản xuất nhiệt điện than, chậm nhất vào năm 2038. Trước hết, các nhà máy điện than non lâu đời nhất sẽ phải ngưng hoạt động. Các tiểu bang hiện vẫn đang khai thác than sẽ nhận được một khoản chu cấp đặc biệt tổng cộng 40 tỷ Euro để có thể đối phó với sự thay đổi cấu trúc trong những năm tới. Các nhà nhà máy điện nhận được hơn bốn tỷ Euro tiền bồi thường.
Tháng 8: Nổ ở Beirut và biểu tình ở Belarus
Ngày 4 tháng 8, một vụ nổ dữ dội đã xảy ra ở cảng Beirut, thủ đô Lebanon. Hơn 2.700 tấn amonium nitrate đã được lưu trữ ở đó trong khoảng thời gian sáu năm, mà không được bảo đảm an ninh đầy đủ và có lẽ là ngay gần với kho chứa pháo hoa hoặc đạn dược.
Vụ nổ đã phá hủy nhiều khu vực lớn của thành phố, khiến ít nhất 190 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương. Kết quả là, có một số nhân viên cảng và hải quan bị bắt để điều tra và có nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ. Vài ngày sau, chính phủ từ chức và công bố các cuộc bầu cử mới. Tình hình chính trị ở Lebanon vốn đã bất ổn, cho dù cộng đồng quốc tế có những biện pháp viện trợ nhân đạo kịp thời.
Biểu tình ở Belarus
Ngày 9/8, Tổng thống đương nhiệm Aljaksandr Lukashenka thắng cử tổng thống ở Belarus. Đa số dân chúng và các nhà quan sát quốc tế nghi ngờ về kết quả dành cho Lukashenka. Liên minh châu Âu và Đức cũng không công nhận cuộc bầu cử vì gian lận rõ ràng.
Các cuộc biểu tình quần chúng chống lại chế độ vẫn tiếp tục. Chính quyền Lukashenka phản ứng bằng các vụ bắt giữ ồ ạt và táo bạo. Tính đến nay, trên toàn quốc, Cảnh sát giam giữ trái phép hơn 30.000 người chống đối.
Nguyện vọng chính của dân chúng là tổng thống phải từ chức, cho phép bầu cử tự do và thả hết các người còn bị giam giử. Nga công khai hổ trợ cho Lukashenka, nhưng thực tế cho thấy là có quá nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nên tình hình chung rất khó ổn định.
Tháng 9: Trại tị nạn ở Moria bốc cháy và thỏa thuận ở Trung Đông
Ngày 9/ 9, trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp đột nhiên bốc cháy. Nguyên nhân của việc đốt phá được nghi ngờ là do hàng ngàn người xin tị nạn không có quyền lưu trú. Sau đó, Đức thông báo muốn tiếp nhận hơn 1.500 người.
Vào cuối tháng 9, Ủy ban châu Âu trình bày một giải pháp mới cho vấn đề người tị nạn nhằm mang lại các cơ chế viện trợ chung trong Liên minh châu Âu, nhưng cũng để thống nhất các biện pháp trục xuất. Trong khi đó, trong năm nay, nhiều thuyền nhân từ Tây Phi cố gắng vượt bao nguy hiểm qua tuyến đường Địa Trung Hải để đến quần đảo Canary.
Theo một ước tình, trước khi đến cảng Lampedusa, có khoảng trên 12.000 người chết trên biển. Thực tế con số phải cao hơn. Vì nhiều lý do khác nhau, chính sách của Lịên Âu không hữu hiệu và không quyết tâm. lòng từ tâm của thế giới không còn như xưa và các tàu cứu vớt không hoạt động. Bi kịch tỵ nạn còn kéo dài.
Thỏa thuận hòa bình với Israel
Ngày 15/9, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain trở thành các quốc gia đầu tiên trong vùng vịnh ký hòa ước với Israel. Các bên kết ước cũng tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cuối cùng, vào tháng 10, các chính phủ ở Washington, Jerusalem và Khartoum đã tuyên bố cần có một hòa ước bình và bình thường hóa quan hệ giữa Sudan và Israel. Trước đây, Ai Cập và Jordan là các quốc gia Ả Rập duy nhất đã ký hòa ước với Israel.
Tháng 10: Đức kỷ niệm 30 năm thống nhất và khủng bố ở Pháp
Ngày 3/10, Đức kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước. Trong các cuộc thăm dò dư luận, đa số dân Đức đồng ý là có những lợi thế của việc thống nhất và sự chuyển đổi cấu trúc kể từ năm 1989/90. Những thách thức trong tương lai cũng còn là những đề tài được công luẩn thảo luận khá gay gắt.
Tại buổi lễ kỷ niệm ngày thống nhất được tổ chức ở Potsdam, Frank-Walter Steinmeier,Tổng thống Liên bang Đức, đã gợi ý xây một đài tưởng niệm cho cuộc cách mạng ôn hòa năm 1989.
Khủng bố ở Pháp
Ngày 16/10, một thanh niên 18 tuổi theo đạo Hồi chặt đầu giáo viên Samuel Paty trên đường phố tại Paris, Pháp. Trong giờ dạy về chủ đề tự do ngôn luận, Samuel Paty đã cho học sinh xem hình biếm hoạ của Đấng Mohammed. Sau khi án mạng xảy ra, khắp nước Pháp đã có nhiều cuộc biểu tình đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí và chống khủng bố Hồi giáo.
Trong khi đó, ở các nước Hồi giáo diễn ra các cuộc biểu tình phản đối hình biếm hoạ của tạp chí “Charlie Hebdo” vẽ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan. Các hành động khủng bố có động cơ Hồi giáo còn tiềp tục diễn ra. Ngày 29/10 một người Tunisia đã giết chết ba người trong một thánh lễ tại một nhà thờ ở Nice.
Tháng 11: Nhiều sự kiện xảy ra, đáng chú ý là bầu cử ở Mỹ
Ngày 3/11, Hoa Kỳ bầu tổng thống mới. Phải mất nhiều ngày để xác định Joe Biden và ứng cử viên Phó tổng thống Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ thắng cử, không chỉ có được đa số phiếu bầu phổ thông mà còn của cử tri đoàn.
Tổng thống đương nhiệm Donald Trump từ chối thừa nhận kết quả và cáo buộc gian lận bầu cử. Trump kiện ở một số tiểu bang, tất cả đều không thành công vì không trưng dẫn được bằng chứng. Tại Hạ viện, đảng Dân chủ có được đa số trong khi tương lai của Thượng viện sẽ được quyết định trong ngày 5/1, vì phải chờ một cuộc bầu cử diễn ra ở Georgia.
Biện pháp Lockdown
Từ ngày 3/11, do số ca lây nhiễm tăng mạnh, Đức đóng cửa các khu vực sinh hoạt công cộng. Trên nguyên tắc, các cửa hàng, nhà trẻ và trường học vẫn mở cửa, nhưng các nhà hàng và cơ sở văn hóa phải đóng cửa.
Vào đầu tháng 12 có thêm các biện pháp hạn chế việc đi lại và gặp gỡ. Hàng ngàn người biểu tình chống lại các quyết định giới hạn này. Những người theo thuyết âm mưu và cực đoan cánh hữu cũng tham gia, đôi khi xảy ra bạo loạn trong các cuộc biểu tình vì người tham gia không tuân thủ các quy tắc cách ly và đeo khẩu trang.
Vắc xin ngăn ngừa virus corona
Ngày 9/11, doanh nghiệp dược BioNtech có trụ sở tại Mainz, Đức, thông báo rằng họ đã phối hợp với Pfizer của Mỹ, chết tạo được một loại vắc xin có hiệu quả ngăn ngừa virus corona lên đến 90%.
Trong thời gian sau đó, các hãng dược khác sẽ giới thiệu các loại vắc xin khác và lần lượt làm thủ thục xin phép đưa ra thị trường.
Đình chiến Nagorny-Karabakh
Ngày 10/11, tại khu vực Nagorny-Karabakh, một vùng núi ở Nam Caucasus, một cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan đã âm ỉ từ năm 1994 leo thang thành một cuộc chiến mở rộng, khiến cho khoảng 4.000 người thiệt mạng.
Dù là xung đột địa phương, nhưng ảnh hương có tầm quan trọng quốc tế: Theo báo chí, quân đội Azerbaijan đượcThổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ trong khi Nga, Pháp và Mỹ vận động cho một cuộc đình chiến.
Sau sáu tuần giao tranh, cả hai bên đồng ý ngừng bắn vào đêm 10/ 11. Theo thỏa thuận, Armenia mất quyền kiểm soát phần lớn các khu vực tranh chấp và hàng ngàn người phải di dời.
Ký kết RCEP
Sau tám năm đàm phán, ngày 15/11, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, (RCEP, Regional Comprehensive Economic Partnership) được ký kết. Đây là một loại hiệp định thương mại theo sáng kiến của Trung Quốc.
Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, còn có mười nước ASEAN tham gia. Tổng cộng hiệp định bao gồm khoảng hai tỷ người và chiếm một dung lượng khoảng một phần ba thương mại thế giới. Các nước tham gia cần có hai năm để phê chuẩn hiệp định.
Tranh chấp ngân sách Liên Âu - Ba Lan và Hungary
Tháng 11, Nghị viện châu Âu và hầu hết các quốc gia thành viên đồng ý về một cơ chế mới cho phép đình chỉ các khoản chi ngân sách cho các quốc gia thành viên, nếu vi phạm nguyên tắc nhà nước pháp quyền.
Ba Lan và Hungary đã phản ứng bằng cách phủ quyết chống lại kế hoạch tài chính của Liên minh châu Âu và gói viện trợ chống virus corona. Cuối cùng, vào ngày 10 tháng 12, một hội nghị thượng đỉnh chung quyết các tranh chấp tại Brussels.
Tháng 12: Biện pháp Lockdown mạnh hơn và chung quyết Brexit
Ngày 16/12, biện pháp Lockdown mạnh tay hơn được ban hành để ứng phó trước tình hình nghiêm trọng do số lượng bệnh nhiễm tăng lên. Chính quyền Đức quyết định phong toả các khu sinh hoạt công cộng, như các nhà hàng, quán ăn... bị đóng cửa, ngoại trừ các siêu thị và các tiệm thuốc vẫn mở cửa.
Các hạn chế tiếp xúc đối với các thành viên trong gia đình sẽ được nới lỏng trong kỳ nghỉ Giáng Sinh: Tối đa năm người từ hai hộ gia đình được phép gặp nhau tại các không gian công cộng. Lệnh cấm tụ tập được áp dụng trên toàn quốc tại một số nước châu Âu, trong đêm giao thừa và đầu năm mới. Ngày 10 /1 sẽ có các biện pháp mới.
Chung quyết Brexit
Sau bốn năm thương thuyết với quá nhiều khó khăn, cuối cùng, ngày 25/12 Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh đã đạt đuợc thỏa thuận qua một văn kiện dài 1250 trang, đang trình cho Quốc hội Anh và Liên Âu phê chuẩn.
Các thoả thuận chính về nguyên tắc là: Thương mại hàng hóa Anh sẽ vẫn được miễn thuế, nhưng kể từ đầu năm, các nhà xuất khẩu Anh phải chứng minh xuất xứ là các sản phẩm được sản xuất tại Anh và phải chứng minh về việc tuân thủ các quy tắc của Liên minh châu Âu về an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn sản phẩm.
Vương quốc Anh không phải áp dụng các tiêu chuẩn xã hội hoặc môi trường mới mà Liên minh châu Âu sẽ biểu quyết trong tương lai. Tuy nhiên, nếu Anh đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua các tiêu chuẩn thấp hơn, Anh có thể có các biện pháp đối phó.
Đánh bắt thủy sản là một trong những vấn đề lớn nhất rong các cuộc đàm phán. Brussels và London đồng ý cắt giảm 25% quyền đánh bắt của ngư dân Liên minh châu Âu trong vòng 5 năm. Từ tháng 6 năm 2026, các cuộc đàm phán hàng năm về hạn ngạch khai thác sẽ được tổ chức.
Vương quốc Anh sẽ không còn tham gia chương trình trao đổi sinh viên Erasmus sau gần 34 năm.
Công dân Liên minh châu Âu muốn làm việc và sinh sống lâu dài tại Vương quốc Anh trong tương lai đều phải xin thị thực; ngược lại, quy định này cũng áp dụng với người dân Anh ở Liên minh châu Âu. Hai bên có thể xét đến việc xin phép lưu trú lâu hơn 90 ngày.
Tiêm chủng
Ngày 26/12, Liên Âu cho phép sử dụng vaccine do BioNTech và Pfizer của Đức và Mỹ bào chế, ngoài ra còn có AstraZeneca của Anh, Moderna của Mỹ. Liên Âu cần có 2 tỷ liều để tiêm chủng cho toàn dân trong năm 2021.
Ngày 11/12, Mỹ chấp thuận cho loại vaccine Pfizer & BioNTech đuợc đưa vào sử dụng và ngày 18/12/2020 vaccine Moderna cũng đuợc cấp phép. Tính đến ngày 27/12/, ước lượng có gần 2 triệu người Mỹ được tiêm chủng.
Vấn đề tiêm chủng cho những nước nghèo trên thế giới là một thách thức hầu như nan giải, vì hiện nay vẫn chưa có kế hoạch hay phương tiện tài chính nào để giải quyết.
❤❤❤❤❤
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét