Sống tuổi già ở Mỹ
Tôi đọc nhiều bài viết về tuổi già ở Mỹ, làm tôi sợ.
Nhiều người nói về sự khác biệt giữa Việt Nam và Mỹ. Sống tuổi già theo lối Việt Nam, tức là dọn nhà về sống chung với con cháu, vui hơn. Sống tuổi già ở Mỹ cô đơn, nhiều bạn viết bài như vậy, làm tôi sợ.
Quan sát các viện dưỡng lão ở Mỹ, tôi thấy họ tổ chức chu đáo lắm, đáp ứng được nhu cầu tinh thần, và vật chất của người già. Chi phí càng mắc, đời sống càng dễ chịu hơn. Ở đây có tổ chức giải trí, ca nhạc, khiêu vũ, có phòng săn sóc sắc đẹp, có tổ chức ngao du, đi ăn nhà hàng bên ngoài, du lịch, v.v.. , giúp các bạn sống tuổi già đáng sống, và chết trong phẩm cách con người.
Một nhà văn viết về tuổi già ở Mỹ như sau, làm tôi sợ: “…Vào những buổi chiều mùa đông, tôi ngồi nhìn những hàng cây trơ trụi lá, tâm hồn lạc lõng. Tôi nghĩ về cái thế giới mà tôi đã biết, nay đã bay xa, như làn khói hương trầm. Tôi nghĩ đến cố hương, đến những mùa lễ Tết ở Saigon, đến những đám cưới, đám hỏi, đến những chuyến du lịch, những lần tíu tít họp mặt gia đình, ai ai cũng có mặt, con nít chạy quanh, người lớn ngồi nói chuyện đời chuyện gẫu, đàn bà con gái quây quần chung lo việc bếp nước. Và tôi cảm thấy rất khao khát những ngày quá khứ xa xưa.” (Andrew Lam, do Nguyễn Đức Nguyên dịch)
Đọc kỹ bài này, tôi thấy họ nói về tâm trạng người già nói chung. Lúc về thăm quê hương, tôi đã thăm viếng những người già bệnh hoạn, nằm cô đơn ở nhà, con cháu đều đi làm. Tâm trạng họ cũng giống vậy.
Đó là tâm trạng cô đơn của người già nói chung, ở đâu cũng cô đơn như nhau, ở đâu cũng luyến tiếc thời quá khứ tuổi trẻ vui tươi, như nhau. Bài này không so sánh sự khác biệt trong tổ chức nuôi dưỡng, và săn sóc sức khỏe tinh thần và thể xác của người già.
Quan sát tuổi già ở Việt Nam, và Mỹ, tôi thấy ở Mỹ người ta tổ chức chu đáo hơn, đặc biệt cho những người già liệt giường liệt chiếu, chờ chết.
Quan sát hai xã hội Việt Nam và Mỹ, tôi nghĩ ở đời ai cũng già, yếu, và chết. Sống ở Việt Nam chung với con cháu, con đi làm, cháu đi học, ai cũng bận rộn, người già không có ai săn sóc đàng hoàng. Những lúc đau yếu, mất khả năng tự lo, con cháu mướn người làm giúp chăm lo, người làm không được huấn luyện chuyên môn, không đủ khả năng chăm sóc người già chu đáo. Ở Mỹ người già được săn sóc chu đáo, do người chuyên môn săn sóc, và được chết “with dignity”, chết trong phẩm cách con người.
Năm nay tôi 84 tuổi. Nhìn lại đời mình thấy các bạn chết từ từ, vợ chồng càng ngày càng cô đơn, tôi sực tỉnh. Mấy tháng nay tôi thăm viếng nhiều viện dưỡng lão ở Mỹ. Tổ chức xã hội ở Mỹ cũng được lắm. Tôi hết sợ sống tuổi già ở đây.
Phật giáo nói đúng. Không ai thoát khỏi sanh, bệnh, lão và tử. Tuy nhiên ở Mỹ, chúng ta có thể già, bệnh và chết "with dignity", với đầy đủ phẩm cách con người. Đời sống ở đây vui lắm. Người già có thể tự do sinh hoạt, sống cuộc đời êm đềm.
Tại sao vô viện dưỡng lão? Khi các bạn không tự lo cho mình được, như không tự mình nấu nướng, giặt giũ, đi đứng, v.v.., đó là lúc vô đây sống.
Nếu các bạn có tiền, các bạn phải tự trả chi phí. Nếu các bạn nghèo không có tiền, chánh phủ cho $3,000 USD một tháng để đóng viện phí. Muốn ở chổ tốt giá mắc, con cháu phải phụ thêm.
Nếu các bạn có nhiều tiền, muốn bảo vệ tài sản của mình, các bạn có thể mua bảo hiểm gọi là “long term care” (Săn sóc sức khỏe dài hạn). Với bảo hiểm này, lúc các bạn không tự lo liệu được, hãng bảo hiểm sẽ trả tiền viện phí Viện Dưỡng Lão dài hạn cho các bạn, đến khi chết. Mua bảo hiểm này, các bạn được bảo đảm lúc hữu sự không phải bán nhà để vô Viện Dưỡng Lão, và chết ở đây.
Người già mất đi khả năng của mình từ từ. Có người vô đây, vì ở nhà buồn, vô đây sống chung với người đồng cảnh ngộ (già), vui hơn.
Đa số vô đây vì không tự lo cho mình được, như không tắm rửa được, quên uống thuốc, cần bác sĩ đến thăm viếng thường xuyên, cần người lo cho ăn, tắm, giặt giũ, quét dọn nhà, cần người giúp khi có sự cố, như gọi bác sĩ, đi mua thuốc, chở vô nhà thương v.v..."
MỜI XEM : HỒ THANH NHÃ - Xuân trên tường nhà dưỡng lão
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét