24 thg 12, 2020

50 sự kiện bạn cần biết về Lịch Sử Thế Giới- Phần 7 (31....34 )-Nghiên Cứu Lich Sử

 Mời Xem Lại :

50 sự kiện bạn cần biết về Lịch Sử Thế Giới- Phần 6

https://nghiencuulichsu.com/2020/12/18/50-su-kien-ban-can-biet-ve-lich-su-the-gioi-phan-6/

Ian Crofton

Trần Quang Nghĩa dịch

31 CHỦ NGHĨA DÂN TỘC Ở CHÂU ÂU

Thế kỷ 19 chứng kiến những biến đổi lớn lao trên bản đồ chính trị châu Âu, có ý nghĩa không thua kém với biến đổi xã hội và kinh tế mà Cách Mạng Kỹ Nghệ mang lại. Ở vùng đông nam lục địa, một số quốc gia mới hình thành vốn trước đây thuộc đế quốc Thổ Ottoman đang bắt đầu tan rã (xem Đế chế Ottoman), trong khi đó ở trung tâm và phía nam châu Âu hai quốc gia mới hùng mạnh ra đời: Ý và Đức.

Những quốc gia mới này dựa trên sắc tộc, và vào thế kỷ 19 càng có nhiều người hơn tự xác định sắc tộc hoặc nguồn cội dân tộc mình, chủ yếu dựa vào ngôn ngữ họ nói. Để tô điểm cho nguồn cội này, nhiều nghệ sĩ có đầu óc sáng tạo trong thời kỳ này ca tụng một nguồn gốc thường được  thần thoại hóa và lấy cảm hứng phần lớn từ nhạc và truyện dân gian, nhờ đó giúp tạo ra điều thường được coi là “truyền thống” quốc gia mới.

Mặc dù ở Tây Âu, những nhà nước như Anh và Pháp đã hình thành từ lâu, ở nơi khác trên lục địa, bức tranh châu Âu, vào cuối Cuộc Chiến Napoleon năm 1815, lại rất khác. Đức là một bộ phận vá víu nhiều lãnh địa hầu hết là bé nhỏ của các ông hoàng, phần lớn nằm dưới ách thống trị của người Áo. Đế chế Áo bao gồm Ba Lan, Séc, Slovakia, Hungary, Slovenia, Croatia và Ý, cũng như người nói tiếng Đức. Ý, như Đức, không có tính thống nhất về mặt chính trị, mà chỉ – theo lời – của Hoàng thân Metternich, ngoại trưởng Áo – là “một thể hiện về mặt địa lý.”

Các cuộc Cách Mạng 1848

Sự thảm bại của Napoleon vào năm 1815, sự phục hồi các vương triều chuyên chế cũ, đặt dấu chấm hết vào hi vọng đã được Cách Mạng Pháp thắp lên. Tầng lớp trung lưu manh nha, tài sản của họ kiếm được từ thương mại và kỹ nghệ, đã mong ngóng một quyền lực chính trị lớn hơn trước bọn quý tộc địa chủ già cỗi, và do đó nhiều người kết với chủ nghĩa cấp tiến – theo đó quyền lực của quân chủ chuyên chế phải được thay thế bằng một hiến pháp và một hội đồng lập pháp có họ đại diện. Ở những vùng lãnh thổ châu Âu nơi dân chúng thấy mình bị cai trị bởi một người nước ngoài, liền kêu gọi cải cách lập hiến thường đi đôi với những yêu sách với quyền tự quyết dân tộc.

Sau một số cuộc khởi nghĩa chết yểu trong những thập niên trước, vào năm 1848 các cuộc cách mạng bùng nổ tại nhiều nơi ở châu Âu. Tình trạng bất ổn khởi đi từ Pháp, cũng như ở nơi khác, đều có liên quan đến yếu tố xã hội, vì giới nông dân và thợ thuyền đô thị bổng thấy mình không chỉ bị tước đi quyền công dân mà còn lâm vào cảnh đói rét và thất nghiệp. Vua Pháp bị hạ bệ, và nền Cộng Hòa Thứ Hai ra đời.

Những vụ nổi dậy bùng phát sau đó ở Đức, Bohemia nói tiếng Séc, Ba Lan, Ý, Hungary, Sicily và thậm chí ở chính Vienna. Trong Liên minh Đức dộdo Áo thống trị, những người quốc gia thành lập Nghị viện Frankfurt, kêu gọi cải cách tự do và thống nhất nước Đức. Ở Phổ, Vua Frederick William IV buộc phải chấp thuận soạn thảo hiến pháp và tổ chức hội đồng quốc gia, và hậu thuẫn cho mục tiêu thống nhất nước Đức, trong khi trên đế chế Áo, người Bohemia và Hungary đạt được giải pháp độc lập. Hiến pháp cũng được công nhận trong một vài thành bang ở Ý. Nhiều người cho rằng đó là “mùa xuân của các dân tộc.”

Nhưng nhiều thắng lợi này không thọ. Ở Pháp, Cộng Hòa Thứ Hai bị lật đổ vào năm 1851 trong một vụ đảo chính do cháu của Napoleon I, Louis-Napoleon Bonaparte, người tự xưng là Hoàng đế Napoleon III.

Frederick William khước từ giao vương miện cho một nước Đức thống nhất, và sự thống trị của Áo lên Liên minh Đức được phục hồi. Áo cũng đè bẹp những cuộc vùng dậy ở Bohemia. Hungary và bắc Ý, và nền cai trị chuyên chế được phục hồi.

Cuộc chiến của Bismarck

Phần lãnh thổ đầu tiên mà Bismarck chiếm được cho Phổ là Schleswig-Holstein, quyền kiểm soát nó từ lâu đã gây tranh cãi với Đan Mạch. Vào năm 1864 ông liên minh tạm thời với Áo và rồi tấn công và đánh bại Đan Mạch. Hai năm sau ông gây ra cuộc Chiến 7 Năm với Áo, và thắng lợi trước Áo khiến Phổ trở thành cường quốc hàng đầu ở bắc Đức. Bước đi cuối cùng của Bismarck là lợi dụng sự mất an ninh của những xứ độc lập ở miền nam Đức, vốn nơm nớp trở thành nạn nhân của chính sách phiêu lưu quân sự của Napoleon III.  Để kéo họ về phe mình, Bismarck khiêu khích Pháp phát động Cuộc Chiến Pháp-Phổ trong năm 1870-1, mà kết cục là sự thất trận của Pháp và kết cục là thành tựu việc thống nhất nước Đức.

Sự thống nhất của Ý và Đức

Sau năm 1848, hai diễn biến có ý nghĩa lớn nhất trong chủ nghĩa dân tộc Âu châu thế kỷ 19, việc thống nhất của Ý và Đức, phần lớn do sự sắp xếp của những thủ tướng của hai vương quốc, Piedmont và Phổ.

Piedmont, một vương triều theo hiến pháp ở tây bắc Ý, có nền kinh tế và kỹ nghệ phát triển hơn những thành bang Ý khác, và từ năm 1852 thủ tướng của nó, Camillo di Cavour, tiến hành thống nhất Ý dưới sự lãnh đạo của nó qua sự phối hợp ngoại giao lẫn chiến tranh. Vào năm 1859, đã hứa nhượng Nice và Savoy cho Pháp, Cavour tranh thủ được sự hậu thuẫn quân sự của Pháp trong việc đánh đuổi người Áo ra khỏi Lombardy. Vào năm 1860 lãnh đạo du kích Ý cấp tiến Giuseppe Garibaldi phát động một chiến dịch trong đó ông dẫn 1,000 quân tình nguyện Sơ mi Đỏ quét triều đại Tây Ban Nha ra khỏi Sicily và Naples mà họ đang cai trị. Quyết tâm duy trì quyền kiểm soát của Piedmont trong tiến trình giải phóng dân tộc, Cavour đem quân tiến vào các thành bang của Giáo Hoàng đế chặn đứng những tham vọng của Garibaldi tại đó. Vào năm 1861 vương quốc Ý được thiết lập, và Garibaldi nhìn nhận Victor Emmanuel II của Piedmont là vua một xứ sở thống nhất. Những mảnh ghép còn lại cuối cùng của trò ráp hình sẽ sớm đâu vào đấy. Sau khi Ý ủng hộ Phổ trong cuộc chiến thắng lợi vào năm 1866 chống Áo, Áo buộc phải trao trả Venetia ở vùng đông bắc, trong khi thủ đô lịch sử của Ý, La Mã, cuối cùng cũng lấy lại vào năm 1870.

“Chúng ta đã tạo nên nước Ý. Giờ chúng ta phải tạo nên người Ý.”

Massimo d’Azeglio, tại buổi họp đầu tiên của nghị viện Ý thống nhất vào năm 1861.

Ngoại giao, chiến tranh và chính sách thực dụng cũng đánh dấu lộ trình đưa đến sự thống nhất Đức, do Otto von Bismarck, thủ tướng Phổ, đạo diễn. Trái ngược với những nhà cách mạng 1848, Bismarck là một nhà bảo thủ quân phiệt, chủ trương chiến lược “sắt và máu” và đã bày ra ba cuộc chiến để mang tất cả các vùng lãnh thổ manh mún của Đức dưới sự thống trị của Phổ. Năm 1871 Vua William của Phổ được tuyên bố là Kaiser của một đế chế Đức mới – giờ bao gồm những tỉnh lỵ Pháp trước đây với nhiều tài nguyên là Alsace và Lorraine.

1

Otto von Bismarck, người khai sinh nước Đức

Từ đó ra đời một nhà nước Đức hùng mạnh mới – đông dân nhất và một trong những nền kỹ nghệ tiến bộ nhất châu Âu – đưa đến mối hiềm khích Pháp – Đức chua cay kéo dài ba phần tư thế kỷ, góp phần vào sự bùng phát hai cuộc thế chiến tàn khốc. Tuy nhiên, tia lửa làm bùng phát đám cháy lớn đầu tiên lóe lên ở rất xa biên giới Pháp-Đức. Nó bắn ra vào tháng 6 1914  ở phía bên kia châu Âu, tận Sarajevo.

TÓM TẮT

Sự tăng trưởng chủ nghĩa dân tộc góp phần làm bùng phát Thế Chiến I.

DÒNG THỜI GIAN 

1798Dân Ireland đoàn kết nổi dậy chống sự cai trị của Anh ở Ireland.
1804-13Serb nổi dậy thành công chống sự cai trị của Thổ
1814-15Hội nghị Vienna phục hồi các chế độ cũ trên khắp châu Âu
1820Nổi dậy vì dân tộc và tự do ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Naples
1821-9Chiến tranh giành độc lập từ tay người Thổ của dân Hy Lạp.
1825Cuộc nổi dậy Decembrist ở nước Nga
1830Cách Mạng Pháp tạo ra quân chủ theo hiến pháp bảo thủ dưới nhà vua Louis Philippe. Bỉ nổi dậy giành được độc lập từ tay Hà Lan. Ba Lan nổi dậy chống ách cai trị của Nga.
1831, 1834Những cuộc nổi dậy không thành công của phong trào “Nước Ý Trẻ” do Giuseppe Mazzini  cầm đầu
1832-4Các cuộc nổi dậy cánh tả bị dập tắt ở Pháp
1848-9Cách mạng nổi lên khắp châu Âu
1859Áo bị đánh bại tại Magenta và Solferino và bị đẩy lùi khỏi Lombardy.
1860Garibaldi giải phóng Sicily và Naples
1861Vương quốc Ý ra đời
1863Ba Lan và Lithuania nổi dậy chống ách cai trị của Nga
1864Phổ đánh bại Đan Mạch và chiếm Schleswig, trong khi Áo chiếm Holstein.
1866Phổ đánh bại Áo và xáp nhập Hà Lan, Nassau và Hesse-Casdel. Ý được Venetia từ Áo.
1867Thành lập Liên minh Bắc Đức do Phổ thống trị. Lập vương quốc kép Áo-Hung, với Hung nhận được nhiều quyền tự trị hơn. Cuộc nổi dậy người Fenia chống sự cai trị của người Anh ở Ireland.
1870Bùng nổ chiến tranh Pháp-Phổ . Ý chiếm La Mã từ tay giáo hoàng. Thành lập phong trào Home Rule ở Ireland.
1871Tuyên cáo đế chế Ducy
1878Hội nghị Berlin: Romania, Serbia và Montenegro nhận được độc lập từ Thổ; Bulgaria được tự trị.
1905Na Uy giành độc lập từ tay Thụy Điển
1908Áo xáp nhập Bosnia-Herzegovina
1919Tại Hội nghị Hòa Bình Paris, nhiều nhà nước được khai sinh hoặc làm sống lại, kể cả Ba Lan và Czechoslovakia. Alsace và Lorraine trả về cho Pháp.

32 CHẾ ĐỘ NÔ LỆ

Bộ tôi không phải là người và là anh em sao?” Câu này, khẩu hiệu của Ủy ban Bài Trừ Mua Bán Nô Lệ được thành lập ở Anh vào năm 1787, đã đúc kết sự chống đối đạo lý nền tảng và không thể trả lời được đối với chế độ nô lệ. Các phong trào bài trừ nô lệ Anh và Mỹ phần lớn xuất phát từ sự phục sinh phúc âm xảy ra vào cuối thế kỷ 18, trong khi ở những nơi như nước Pháp Cách Mạng, phong trào bài trừ nô lệ ra đời từ chủ nghĩa nhân đạo của cuộc Khai Sáng, và quan niệm của nó về quyền con người nền tảng.

Phe chống đối bài trừ nô lệ thấy thuận tiện khi khước từ tình anh em với người da đen, và lập luận rằng làm nô lệ cho ông chủ đã trắng tạo cơ hội cho người nô lệ tiếp cận với những giá trị văn minh mà nếu ở châu Phi họ mù tịt. Căn bản hơn nữa, những người chủ trương chế độ nô lệ lập luận – trong một thời kỳ khi quyền sở hữu tài sản được nhiều người xem là lấn át mọi quyền khác – thì bãi bỏ nô lệ không khác gì tội ăn cắp tài sản người khác.

Mậu dịch đại dương

Chế độ nô lệ đã tồn tại như một định chế trong hàng ngàn năm nay. Những nền kinh tế Hy Lạp, La Mã và những nền văn minh khác tất tật đều lệ thuộc vào sức lao động của nô lệ, và chế độ nô lệ cũng có vẻ được chấp thuận trong Kinh thánh. Ở châu Âu trung cổ chế độ nô lệ như thế thường hiếm; đúng là đã có nông nô, tức những nông dân bị trói buộc với mảnh đất của chúa đất, nhưng nông nô được hưởng một số quyền lợi nào đó khiến họ khác biệt với đám nô lệ. Vào đầu thời kỳ hiện đại thậm chí chế độ nông nô đã biến mất trên phần lớn miền tây châu Âu.

Người Ả Rập và sau đó người Ottoman sở hữu và buôn bán nô lệ, phần nhiều là người châu Phi. Cùng với ngà voi và vàng, nô lệ là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất lục địa đen. Người Ả Rập đã lập những người trạm buôn bán dọc theo bờ biển phía đông châu Phi, trong khi nô lệ từ tây Phi được chở về hướng bắc qua con đường vận tải xuyên Sahara. Các cướp biển Barbary từ Bắc Phi cũng cướp phá những tuyến chở hàng vào bờ biển châu Âu để cướp nô lệ (xem Thời kỳ Đế Quốc).

“Bãi bỏ chế độ nô lệ không chỉ phạm tội ăn cắp đối với vô số thần dân đồng bào chúng ta, mà còn cực kỳ tàn nhẫn đối với các người hoang dã Phí châu. . . “

 James Boswell, 23/9/1777, được ông ghi lại trong Cuộc Đời của Samuel Johnson (1791).

Việc buôn bán nô lệ Phi châu ở châu Âu do người Bồ Đào Nha khởi xướng vào thế kỷ 15, và nhu cầu lao động nô lệ gia tăng kinh khủng sau khi những đồn điền trồng mía đường và thuốc lá được hình thành ở Tân Thế Giới. Điều này làm xuất hiện đường dây “mậu dịch tam giác” siêu lợi nhuận và đầy tai tiếng (xem Cuộc Cách Mạng Khoa Học), trong đó, vào thế kỷ 18, Anh đóng vai trò chủ chốt, cưỡng bách tổng cộng khoảng 3.5 triệu người châu Phi làm nô lệ ở vùng Caribbean và các thuộc địa miền nam nước Mỹ, như Georgia, Virginia và Carolina. Số này bằng với tổng số nô lệ được các đối thủ cạnh tranh của Anh vận chuyển, như Bồ Đào Nha, Pháp và Hà Lan. Chính người Phi châu cũng tiếp tay cho việc mua bán nô lệ – các vương quốc như Benin và Ashanti phồn thịnh trên lưng các nô lệ do họ cung ứng cho những trại chủ Âu châu không hề chán chê. Tình cảnh trong đó người nô lệ bị chuyên chở qua Đại Tây Dương thật là khủng khiếp: bị ken cứng trong bầu không khí hôi thúi tanh tưởi dưới hầm tàu, một số lớn – có khi lên đến một phần năm – ngã bệnh và chết. Thi thể kẻ xấu số bị ném xuống biển cho cá mập ăn thịt.

Chiến dịch bài trừ nô lệ

Ngay từ đầu, một số người Âu châu đã nhìn ra sự nhẫn tâm của điều mà giờ đây người Phi gọi là Maafa, tiếng Swahili có nghĩa là “đại bi kịch”. “Trái tim nào có thể quá chai sạn,” một người dân Bồ Đào Nha từng chứng kiến một con tàu chở nô lệ Phi châu vừa cập bến vào năm 1445, “đến nỗi không cảm thấy như bị đâm đau nhói bởi cơn xúc động đầy trắc ẩn khi chứng kiến đám người này? Một số cúi gầm mặt xuống, gương mặt đầm đìa nước mắt, nhìn nhau, số khác đứng rên la. . . ” Nỗi thống khổ của họ càng tăng lên khi “đến giây phút phải tách riêng cha với con, chồng với vợ, anh với em. . . “

Những lời mô tả đau lòng như thế thật hiếm cho đến giữa thế kỷ 18, khi lời thuyết giảng Khai Sáng về quyền lợi và tự do bất đầu trùng hợp với lương tâm Cơ đốc đang sống lại. Ở Anh, điều này thể hiện trong việc ra đời của hội Giám Lý và những nhóm phúc âm khác như Giáo phái Clapham, trong khi ở Mỹ nổi lên phong trào Thức Tỉnh Cao Cả. Đối với những giáo dân này, sử dụng nô lệ là một hành động kinh tởm trước Chúa Trời.

                                          Mẹ con bị rao bán trong chợ nô lệ

Toussaint L’Ouverture

Một số nô lệ không chịu ngồi yên để người da trắng tốt bụng nổi lên hoạt động vì họ. Nhiều người bỏ trốn, lập ra những cộng đồng độc lập trong những khu hoang dã, nhưng rất ít người cầm vũ khí đứng lên chống lại kẻ áp bức. Chỉ trừ một cuộc vùng dậy đáng chú ý nổi lên trong thuộc địa Haiti của Pháp vào năm 1791, do một nô lệ Phi châu đã được trả tự do  có tên Toussaint L’Ouverture. Vào năm 1794, sau một loạt  thắng lợi quân sự, ông giảng hòa với người Pháp, vốn đã bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm đó, và được mẫu quốc bổ nhiệm làm phó thống đốc Haiti. Vào năm 1801, trái với ý muốn của Napoleon, Toussaint tràn qua thuộc địa Tây Ban Nha Santo Domingo gần đó, để giải phóng nô lệ tại đây, và tự xưng là thống đốc toàn đảo Hispaniola. Năm 1802 lực lượng Napoleon tấn công, Toussaint buông vũ khí để đổi lấy lời hứa là chế độ nô lệ sẽ không được áp dụng lại. Tuy nhiên, Napoleon không giữ lời hứa, và Toussaint bị bắt làm tù binh, chết trong chốn giam cầm vào năm sau đó. Cho dù là một nhân vật được yêu hay ghét, đối với nhiều người Toussaint là một thánh tử đạo cho tự do. “Bạn bè của anh,” Wordsworth viết trong một bài thơ gởi đến Toussaint, “là niềm hân hoan và nỗi thống khởi, / Và tình yêu, và tâm trí bất khuất của con người.”

Một thời khắc  chủ chốt xảy đến vào năm 1772, trong vụ án xử James Somersett, một nô lệ được người chủ mang đến Anh từ Massachusets. Lord Mansfield chủ trì Tòa án King’s Bench phán quyết chế độ nô lệ là trái với luật pháp nước Anh, và kết quả là Somersett và hàng ngàn nô lệ khác ở Anh được giải phóng. Phán quyết dựa trên lập luận pháp lý hơn là nhân đạo, và không mở rộng đến đế quốc Anh, nhưng nó cổ xúy lớn lao cho phong trào giải phóng nô lệ.

Phá bỏ xiềng xích

Của kiếp nô lệ làm tâm hồn hèn hạ; hãy mang cho con người,

Thuộc mọi màu da và mọi vùng miền,

Tự do, đóng dấu lên y hình ảnh Chúa Trời của y.”

James Grainger, Mía Đường, 1764, quyển 4

Ở Anh, người tiến hành chiến dịch lừng danh nhất là William Wilberforce, một nghị viên vùng Hull và là thành viên của Giáo phái Clapham. Wilberforce quyết tâm rằng mục tiêu đầu tiên phải là bãi bỏ việc buôn bán nô lệ, hơn là chế độ nô lệ, và để đạt được mục tiêu này, ông đấu tranh không mệt mỏi ở Nghị viện, trong khi các ủy ban được thành lập khắp nơi trong xứ để vận động cho việc bãi bỏ. Wilberforce lúc đầu gặp nhiều chống đối vì lý do kinh tế, nhưng khi mậu dịch về phía Tây Ấn (tức vùng châu Mỹ) có dấu hiệu giảm sút, sức chống đối teo tóp, và vào năm 1807 một đạo luật được thông qua ngăn cấm nhập khẩu nô lệ vào mọi thuộc địa Anh. Hoàng gia Anh được giao nhiệm vụ cưỡng chế luật cấm, nhưng chỉ đến năm 1833 một đạo luật mới được thông qua chấm dứt chế độ nô lệ trên khắp đế quốc Anh. Pháp theo chân vào năm 1848, nhưng việc  chế độ nô lệ tiếp tục tồn tại ở các bang miền nam Hoa Kỳ là một vết loét ung mủ chỉ có thể được mổ lành bằng một trận nội chiến đẫm máu (xem Nội Chiến Mỹ).

TÓM TẮT

Việc bãi bỏ chế độ nô lệ là một cột mốc quan trọng đánh dấu bước tiến bộ của chủ nghĩa nhân đạo.

DÒNG THỜI GIAN 

Thập niên 1440Bồ Đào Nha bắt đầu các chuyến đi Phi châu bắt nô lệ
Thế kỷ 16Các nhà thám hiểm Anh như Francis Drake dính líu vào việc buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương
1772Chế độ nô lệ được phép ở Anh
1780Pennsylvania thông qua “Đạo luật Bãi Bỏ Dần Chế độ Nô Lệ”; những bang phía Bắc khác của Hoa Kỳ cũng bắt chước làm theo.
1781Theo lệnh của thuyền trưởng, thủy thủ đoàn chở nô lệ Zong ném 183 người nô lệ Phi châu bị bệnh xuống biển; công ty bảo hiểm của họ không chịu bồi thường trường hợp chết vì bệnh mà chỉ bồi thường chết do đuối nước. Vụ án tạo động lực cho lý tưởng tranh đấu bài trừ nô lệ.
1787Thành lập ở Anh Ủy ban Bài trừ Buôn bán Nô Lệ
1791Bùng nổ cuộc vùng dậy của người nô lệ ở thuộc địa Haiti của Pháp
1794Hội đồng Quốc gia bãi bỏ chế độ nô lệ ở Pháp và các thuộc địa
1802Napoleon áp đặt lại chế độ nô lệ ở Pháp và các thuộc địa
1807Anh cấm buôn bán nô lệ trên đế quốc mình
1808Mỹ cấm nhập thêm nô lệ mặc dù trong xứ việc buôn bán vẫn tiếp tục.
1831Đàn áp vụ nổi dậy Nat Turner, vụ nổi dậy lớn nhất của người nô lệ trong lịch sử nước Mỹ.
1833Chế độ nô lệ bị cấm trên toàn đế quốc Anh.
1848Chế độ nô lệ bị bãi bỏ ở các thuộc địa Pháp
1861Giải phóng nông nô ở Nga
1861-5Nội chiến Mỹ giữa các bang miền Bắc và các bang miền Nam có chứa nô lệ, những bang miền Nam này lập thành Liên minh Miền Nam ly khai.
1863Tổng thống Lincoln ban hành Tuyên ngôn Giải Phóng, trả tự do cho những nô lệ trong các bang Liên minh Miền Nam.
1865Tu chính Án 13 của Hiến pháp Hoa Kỳ kết thúc chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ.
1869Bồ Đào Nha ngăn cấm chế độ nô lệ trong các thuộc địa Phi châu của mình.
1876Chế độ nô lệ chính thức kết thúc ở đế quốc Ottoman
1886Tây Ban Nha chấm dứt chế độ nô lệ ở Cuba
1888Brazil bãi bỏ chế độ nô lệ
1962Ả Rập Saudi bãi bỏ chế độ nô lệ
2003Chế độ nô lệ bị coi là phạm pháp ở Niger

33 SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA HOA KỲ

Khi các thuộc địa ở Mỹ tuyên bố độc lập vào năm 1776, nước Hoa Kỳ phôi thai chỉ gồm có đúng 13 tiểu bang nằm dọc theo bờ biển phía đông – một phần nhỏ so với diện tích lục địa Bắc Mỹ. Vào năm 1900 đất nước mới bắt đầu mở rộng ra từ Đại Tây Dương ở phía đông đến Caribbean ở phía nam và đến Thái Bình Dương ở phía tây.

Vào lúc này Hoa Kỳ cũng tự hình thành một cường quốc thống trị ở vùng tây bán cầu, và đã tạo được một đế chế ở nước ngoài. Nó cũng vươn mình biến thành một người khổng lồ kỹ nghệ sẽ xuất hiện như một siêu cường quốc dẫn đầu trong thế kỷ 20.

Sự bành trướng lãnh thổ của Hoa Kỳ một phần do dân số di cư ào ạt thúc đẩy: trong khoảng giữa những năm 1820 và 1900 dân số Mỹ tăng gấp tám lần, lên đến 76 triệu người, với làn sóng di cư này đến làn sóng khác từ Ireland, Đức, Scandinavia, Ý và đông Âu. Cũng vì lý do kinh tế: miền Tây dồi dào tài nguyên, từ đất đai thích hợp để nuôi gia súc hoặc trồng lúa mì hoặc cây ăn trái, đến vàng và lông thú và gỗ. Nhưng cũng có yếu tố ý thức hệ mạnh mẽ. Đây là ý tưởng của “chủ nghĩa khác biệt” đặc trưng Mỹ, niềm tin rằng Thượng đế đã tạo cảm hứng cho những dân lập nghiệp thuở ban đầu – chẳng hạn những Tổ phụ Pilgrim – đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, rằng Hoa Kỳ được hợp thành (theo lời tuyên thệ trung thành) như “một quốc gia dưới quyền Thượng đế,” và rằng đó là một phần trong kế hoạch của Ngài mà Hoa Kỳ nên mở rộng quyền cai trị “từ đại dương đến đại dương chói lóa”. Vào năm 1845 nhà báo kiêm ngoại giao John L. O’Sullivan đúc kết một cách xuất sắc ý tưởng khi ông nói về “vận mệnh an bày cho chúng ta là mở rộng lục địa đã được Ơn Trên chia phần cho dân số phát triển tự do mỗi năm hàng triệu người.”  Là người cầm ngọn đuốc của tự do (như biểu tượng khổng lồ Nữ Thần Tự Do giơ cao ngọn đuốc rọi đường cho người di cư tìm đến vùng đất ước mơ, do người Pháp đúc tặng, được dựng ở cảng New York: ND), Hoa Kỳ không phải là người cầm quyền mà là người cầm nắm nghĩa vụ được Ơn Trên giao phó để ban phát ánh sáng đi khắp mặt đất.

Sự chiếm đoạt đất thuộc địa

Khi người Âu đầu tiên đến Bắc Mỹ, lục địa đã có thổ dân Mỹ bản địa đủ loại sắc tộc sinh sống, với hàng loạt ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Trong những cánh rừng vùng đông bắc là dân săn bắn-hái lượm, trong châu thổ Sông Mississippi là những nông dân trồng bắp, trên vùng Đồng bằng Rộng lớn là những tay săn bò tót sống du cư, trên khu vực bán sa mạc miền tây nam là các nông dân da đỏ, trong khi ở vùng tây bắc Thái Bình Dương dân cư sống sung túc vì có thừa thãi sông và biển.

Thoạt đầu, các dân tộc bản địa dè dặt chào đón và tiếp xúc với người Âu, nhờ đó họ trao đổi những món hàng như súng ống và công cụ bằng sắt. Nhưng sự tiếp xúc với người lạ này cũng mang lại cho họ những bệnh tật mà họ không có hệ miễn dịch tự nhiên như người Âu. Khi dân số người lập nghiệp Âu châu tăng lên, cơn khát đất đai càng tăng lên, dẫn đến sự cưỡng đoạt những phần lãnh thổ bộ tộc truyền thống của dân bản địa, rồi xung đột và cướp đất nổ ra. Trong nhiều thập niên ở thế kỷ 18, Liên minh Iroquois gồm các bộ tộc da đỏ kháng cự thành công sự xâm nhập của dân định cư Âu châu, qua những vụ xung đột và ngoại giao, lợi dụng sự hiềm khích giữa Anh và Pháp, và sau đó mối thù địch giữa dân ở thuộc địa và đất mẹ trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

“Nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết, cuộc chiến của người Da Đỏ chúng ta xuất phát từ những lời hứa hẹn bị bội phản và những đối xử bất công về phía chúng ta.”

Tổng thống Rutherford B. Hayes, Thông điệp Hàng năm đọc trước Quốc hội ngày 3/12/1877.

“Tiến về Tây hành trình của đế chế bắt đầu” Câu nói nổi tiếng này của triết gia Ireland Giám mục George Berkeley, chấp bút vào năm 1752, chứng tỏ là một lời tiên tri. Sau khi đã lập quốc, lệnh cấm bị nguyền rủa nhiều nhất là không được định cư ở bờ tây dãy núi Appalachian do người Anh áp đặt vào năm 1763 liền bị hủy bỏ. Người Anh đã tính toán chính xác rằng mọi cuộc xâm chiếm phía tây sẽ dẫn đến chiến tranh với các dân tộc Da Đỏ, và họ không muốn phải bỏ tiền ra trang trải chi phí chiến tranh. Khi hàng rào ngăn cấm đó được dỡ bỏ, dân lập nghiệp ồ ạt tràn qua dãy Appalachian, cưỡng đoạt đất của người bản địa, và vào cuối thế kỷ 18 hai tiểu bang mới được nhận vào Liên bang: Kentucky và Tennessee.

Hiệp ước Paris 1783, theo đó Anh công nhận nền độc lập của Hoa Kỳ,  biên giới phía tây của xứ sở là Sông Mississippi, bên kia sông là lãnh địa Louisiana của Pháp – một lãnh địa còn rộng lớn hơn bang Louisiana hiện thời, trải dài từ xứ Canada thuộc Anh đến vùng Caribbean. Hiệp ước cũng ấn định biên giới phía nam ở vĩ tuyến 31, biên giới phía bắc của lãnh địa Florida của Tây Ban Nha. Hoa Kỳ tăng diện tích gấp đôi khi vào năm 1803 Tổng thống Thomas Jefferson mua lại Louisiana từ người Pháp với giá 15 triệu đô; và tiếp theo là hiệp ước 1819 mua lại Florida của Tây Ban Nha. Texas, phần lớn là người Mỹ gốc Anh lập nghiệp, chiến đấu giành độc lập từ tay Mexico vào năm 1836, và vào năm 1845 được xáp nhập vào Hoa Kỳ thành tiểu bang 28. Việc này làm nổ ra chiến tranh với Mexico. Thắng lợi của Mỹ trong cuộc chiến đó vào năm 1848 đưa đến nhiều vụ xáp nhập hơn nữa những vùng lãnh thổ của người Mễ – California, và tất cả hoặc một phần những bang hiện thời

New Mexico, Arizona, Nevada, Utah, Colorado và Wyoming. Người Mỹ cũng đôi lần tranh cãi về đường biên giới với Canada thuộc Anh, nhất là ở vùng tây bắc Thái Bình Dương, nhưng cuối cùng cũng được giải quyết vào năm 1846, khi Mỹ thu được phần đất bây giờ là bang Washington, Oregon và Idaho. Alaska mua lại từ Nga vào năm 1867, và Hawaii – được xáp nhập vào năm 1898 – trở thành bang thứ 50 của Hoa Kỳ vào năm 1959.

Chính quyền liên bang khuyến khích di cư về miền tây bằng cách bán đất với giá rẻ mạt – hoặc thậm chí, sau Đạo luật Khu Kinh Tế Mới năm 1862, cấp cho không. Việc lập nghiệp và thương mại được hậu thuẫn bởi một mạng lưới kênh rạch kết nối với các con sông lớn, và sau đó bằng những tuyến đường sắt; tuyến xuyên lục địa đầu tiên được hoàn thành vào năm 1869. Ở đây chính quyền cũng đóng một vai trò quan trọng, cho những khoản vay rộng rãi và cấp đất cho các công ty đường sắt tư nhân đặt đường ray. Tuy nhiên, việc bành trướng về phía tây này không phải là không mang lại nỗi đau. Vấn đề là nô lệ có được sử dụng trong những lãnh thổ mới này hay không là một nhân tố góp phần làm bùng phát Nội Chiến Hoa Kỳ (xem Nội Chiến Hoa Kỳ). Và cách xử sự bội bạc, xảo trá, tàn nhẫn ban phát cho những thổ dân, những chủ nhân của vùng đất bị ăn cướp này, là một trong những thảm kịch đáng hỗ thẹn nhất trong thế kỷ 19.

                                   Dân lập nghiệp da trắng đổ xô về miền Tây

Số phận của người Mỹ Da Đỏ

Việc cướp đất khốc liệt của những tên da trắng đói đất tham lam trong thế kỷ 19 chứng kiến sự tàn rụi nhanh chóng của người Mỹ Bản địa. “Năm Quốc gia Văn Minh” của vùng đông nam – Creek,  Cherokee, Seminole, Choctaw và Chicasaw – đã có hiến pháp riêng dựa trên hiến pháp của Hoa Kỳ. Một số thậm chí còn sở hữu đồn điền, với nô lệ da đen làm việc cho họ. Nhưng vào thập niên 1830 họ bị chính quyền Hoa Kỳ đuổi ra khỏi đất đai của mình và cưỡng bách phải tái định cư về phía tây sông Mississippi. Nhưng làn sóng càn lướt  của người da trắng không ngừng khốc liệt, và xung đột là không thể tránh khỏi. Vào năm 1900 nhiều thổ dân Mỹ buộc phải về sống trong những khu dành riêng bị giám sát trên những vùng đất xấu được chỉ định. Dù được chu cấp lương thực nay có mai không, nhưng sống không tự do, cách xa vùng đất tổ tiên, nền văn hóa phong phú của họ giờ chỉ còn là một đề tài bị khinh khi hay để mua vui cho khách du lịch tò mò.

Thời oanh liệt (Trận Little Big Horn lừng lẫy nhất của chiến binh Da Đỏ nơi Tướng Custer tử trận)

Chú thích: Muốn biết thêm về số phận đau thương và cuộc kháng cự đầy khí phách cùng sự man trá hèn hạ và tàn bạo của chính quyền Mỹ thời lập quốc, có thể xem Hãy Chôn Trái Tim Tôi Tại Wounded Knee trong trang Nghiên Cứu Lịch Sử này.

TÓM TẮT

 Sự tăng trưởng ngoạn mục của Hoa Kỳ thường trả giá bằng số phận của người dân bản xứ.

DÒNG THỜI GIAN 

1607Công ty Virginia thiết lập thuộc địa ở Jamestown, khu định cư vĩnh viễn đầu tiên của Anh ở Bắc Mỹ
1620Tổ phụ Pilgrim thiết lập khu định cư Anh đầu tiên ở New England, tại New Plymouth, Massachusets
1754-63Chiến tranh Pháp-Da Đỏ
1763Anh cấm định cư ở phía tây dãy Appalachian
1776Tuyên bố Độc Lập
1783Hiệp ước Paris công nhận nền độc lập của Hoa Kỳ, với biên cương mở rộng
1803Mua Louisiana: Mỹ có được lãnh thổ thuộc địa Pháp phía tây Misissippi
1811Liên minh các thổ dân Mỹ dưới sự cầm đầu của tù trưởng bộ tộc Shawnee Tecumseh bị lực lượng Mỹ đánh bại tại Tippecanoe Creek
1813-4Cuộc Chiến Creek kết thúc bằng việc nhượng đất cho Hoa Kỳ
1819Mỹ có được Tây và Đông Florida từ Tây Ban Nha
1823Học thuyết Monroe: Tổng thống James Monroe tuyên bố Hoa Kỳ sẽ chống lại bất cứ toan tính nào của các cường quốc Âu châu nhằm lấy thêm thuộc địa tại Mỹ.
1830Đạo luật Di Dời Da Đỏ cho phép trục xuất “Năm Quốc gia Văn Minh”.
1838Con Đường Nước Mắt: 15,000 dân Cherokee bị buộc phải lội bộ về tây đến Oklahoma; 3,000 người chết trên đường đi
1845Xáp nhập Texas. Cụm từ mới “số phận đã an bày.”
1846Mỹ được Lãnh địa Oregon từ Anh
1846-8Chiến tranh Mexico; Mỹ được những vùng đất mới rộng lớn ở phía tây
1848Phát hiện mỏ vàng ở California nổ ra sự kiện đổ xô đi tìm vàng
1861-5Nội Chiến Mỹ
1862Đạo luật Kinh tế Mới cấp đất miền tây miễn phí cho người lập cư mới
1867Mua Alaska của Nga
1869Hoàn thành tuyến đường sắt xuyên lục địa đầu tiên
1876Lakota và Cheyenne tàn sát Đoàn Kỵ binh Thứ 7 do Tướng Custer chỉ huy tại Little Big Horn
1889Đổ Xô Lấy Đất Oklahoma: chính quyền liên bang mở ngỏ vùng lãnh thổ Cherokee cho người da trắng lập trang trại.
1890Cuộc kháng cự cuối cùng của Da Đỏ bị dập tắt sau trận tàn sát bộ tộc Sioux tại Wounded Knee
1898Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ: Mỹ chiếm được Philippin, đảo Guam và Puerto Rico. Xáp nhập Hawaii.

34 NỘI CHIẾN MỸ

Các tổ phụ gầy dựng nên nước Mỹ ý thức được tình trạng mâu thuẫn của mình: vừa đấu tranh cho tự do của những anh em da trắng khỏi sự áp bức và độc tài nhưng lại đồng thời tiếp tục tước đoạt tự do của các nô lệ da đen.

Chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ phần lớn chỉ thịnh hành ở các bang miền Nam, trong khi một số lớn nô lệ Phi châu quần quật trên các đồn điền bông vải hoặc thuốc lá bát ngát mà nền kinh tế miền Nam phụ thuộc vào. Kinh tế miền Bắc chủ yếu dựa vào kỹ nghệ và canh tác qui mô nhỏ. Cho nên chính từ miền Bắc mà lời kêu gọi bãi bỏ chế độ nô lệ – thường thúc giục vì lý do tôn giáo – mới phát sinh. Khởi đi từ Pennsylvania vào năm 1780, các bang miền Bắc đưa vào bộ luật sẽ bãi bỏ dần dần chế độ nô lệ. Nhưng những lời kêu gọi ngăn cấm trên phạm vi liên bang trên khắp nước gặp phải sự chống đối của những người lập luận rằng Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ tình trạng sở hữu nô lệ: Tu chính án 5 ngăn cấm sự tước đoạt tài sản mà không bồi thường, trong khi Tu chính án 10 dành riêng cho các bang tất cả quyền hành không được ủy thác đặc biệt cho chính quyền liên bang. Do đó mỗi bang có quyền quyết định xem chế độ nô lệ có được cho phép trên lãnh thổ của mình hay không. Thậm chí có nhiều người chủ trương chống chế độ nô lệ ôn hoà còn cảm thấy rằng Quốc hội không có quyền trong vấn đề này.

Việc mở rộng chế độ nô lệ

Tuy nhiên, xung đột bộc phát khi đề cập đến vấn đề nô lệ ở những lãnh thổ mới. Bông vải đã trở thành ngành mũi nhọn có ý nghĩa kinh  tế nhiều hơn sau năm 1703, khi Eli Whitney đã cách tân máy tỉa hột, một thiết bị tách hột ra khỏi sợi bông, và tạo nên sức ép phải mở rộng các đồn điền bông vải dựa vào sức lao động nô lệ trong những lãnh thổ mới miền tây nam. Kết quả là ra đời Thỏa ước Missouri 1820, theo đó không các bang mới nào có sử dụng nô lệ ở phía trên vĩ tuyến 36 được nhận vào Liên bang, trừ Missouri. Căng thẳng giữa phe ủng hộ và chống đối chế độ nô lệ tăng cao sau khi Hoa Kỳ có thêm nhiều lãnh thổ bao la ở miền tây sau cuộc chiến với Mexico 1846-8. Thỏa ước 1850 nhắm đến việc tháo ngòi nổ cho tình hình, hạn chế chế độ nô lệ ở các lãnh thổ mới trong khi vẫn bảo vệ định chế nơi chế độ đã tồn tại lâu đời.

Tuy nhiên Thỏa ước 1850 bị lật ngược bởi Đạo luật Kansas – Nebraska 1854, cho phép dân cư tại những vùng lãnh thổ mới này tự quyết định có cho phép sử dụng nô lệ hay không. Bạo lực giữa phe ủng hộ sở hữu nô lệ và phe chống đối cấp tiến như John Brown tiếp diễn, và vào năm 1859 Brown và một số người hậu thuẫn chiếm kho vũ khí liên bang ở Harpers Ferry, hiện giờ là Tây Virginia, trong một nỗ lực non yểu là vực dậy cuộc nổi loạn cùng khắp của những người nô lệ miền Nam.

                        John Brown, thánh tử đạo của phong trào giải phóng nô lệ

“Nơi đâu có Chế độ Nô Lệ, nơi đó không thể có Tự Do; và nơi đâu có Tự Do, nơi đó không có Chế độ Nô Lệ.”

Charles Summer, thượng nghị sĩ, ngày 5/11/1864

Liên bang tan vỡ

John Brown bị treo cổ vì hành động cao thượng của mình, và chính nghĩa đã có một thánh tử đạo, và đồng thời khiến bọn địa chủ miền Nam thêm lo sợ hậu quả nếu bọn nô lệ của mình được giải phóng. Nỗi lo sợ càng tăng cao hơn khi vào năm 1860 ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa, Abraham Lincoln, được bầu vào chức vụ. Đảng Cộng Hòa mới có cảm tình với chính nghĩa giải phóng nhiều hơn bất cứ đảng phái nào trước đây, nhưng việc này không phải là ưu tiên hàng đầu đối với Lincoln, người mà, dù hậu thuẫn việc giải phóng, nhấn mạnh rằng Hiến pháp bảo vệ chế độ nô lệ ở nơi nào đã tồn tại, và người đã từng công khai tuyên bố rằng mình không chủ trương “mang lại bằng bất cứ cách nào sự bình đẳng về xã hội và chính trị của người da trắng và da đen”

Mặc dù có những đảm bảo như thế, thậm chí trước ngày Lincoln nhậm chức, các bang miền Nam bắt đầu rục rịch ly khai khỏi Liên bang, lập thành khối Liên minh các Bang Hoa Kỳ và bầu Jefferson Davis làm tổng thống của họ. Vào tháng 4 1861 các lực lượng Liên minh khai hỏa vào Đồn Sumter, một căn cứ của Liên bang ở Nam Carolina. Lincoln kêu gọi 75,000 quân tình nguyện để dập tắt cuộc nổi dậy. Thế là bùng phát cuộc Nội Chiến đắng cây kéo dài bốn năm, tiêu hao xương máu của gần hai phần ba triệu người.

“Trận chiến giữa các bang”

Mặc dù miền Bắc kỹ nghệ có tiềm lực kinh tế và nhân lực lớn hơn, thoạt đầu Lincoln vấp phải khó khăn vì tài cán hạn chế của các tướng lĩnh của mình, so sánh với sự tinh thông quân sự của các tư lệnh phe nổi dậy như Robert E. Lee và Thomas “Stonewall” Jackson. Thoạt đầu, Lincoln giữ im lặng về vấn đề nô lệ, vì sợ mất lòng các bang có sử dụng nô lệ như Maryland và Missouri vẫn còn theo Liên bang. Nhưng sức ép từ những đảng viên Cộng Hòa cấp tiến bắt buộc ông phải ban hành Tuyên ngôn Giải Phóng, có hiệu lực từ ngày 1/1/1863. Tuyên ngôn này giải phóng tất cả nô lệ trong những bang ly khai (nhưng không trong các bang còn ở lại Liên bang); mọi nô lệ được trả tự do, nếu có thể, phải đầu quân cho lực lượng Liên bang. Như vậy Lincoln ngụy trang cho việc bãi bỏ từng phần chế độ nô lệ như một “nhu cầu quân sự”, và đồng thời các người da đen miền Bắc, lần đầu tiên, được nhận vào lực lượng vũ trang, cho dù được phân vào các nhóm tách riêng do sĩ quan da trắng chỉ huy.

“Nếu tôi có thể cứu vớt Liên bang mà không giải phóng nô lệ nào, tôi cũng sẽ làm thế; và nếu tôi có thể cứu vớt nó bằng cách giải phóng tất cả nô lệ, tôi cũng sẽ làm thế. . .”

Tổng thống Abraham Lincoln, 22/8/1862

Năm đó chứng kiến một bước ngoặc có lợi cho miền Bắc. Vào tháng 7, Tướng George Meade đẩy lùi cuộc tiến công của tướng Lee vào Pennsylvania tại Gettysburg, và lực lượng Liên bang dưới quyền lãnh đạo của Ulysses S. Grant chiếm được căn cứ Vicksburg ở Misissippi của phe nổi dậy. Năm sau Grant được phong làm tổng tư lệnh, và bắt đầu chiến dịch tổng tấn công chống lại miền Nam, vốn đang bắt đầu suy kiệt tài nguyên. Vào ngày 9/4/1865 quân Lee đầu hàng Grant tại Pháp đình Appomattox.

                               Tướng Lee ký văn kiện đầu hàng

Lincoln đã được bầu lại chức tổng thống mùa thu trước, và trong bài diễn văn nhậm chức lần hai, ngày 4/3/1865, đã đưa ra lời hứa hòa giải với các bang miền Nam, lúc đó đang trên bờ vực của thảm bại. Trong những ngày chờ thắng lợi, vào ngày 15/4, Lincoln bị ám sát bởi một cảm tình viên miền Nam. Tu chính án 13 của Hiến pháp , bãi bỏ chế độ nô lệ trên khắp Liên bang, có hiệu lực từ 18/12/1865.

Sau Nội Chiến

Người kế vị Lincoln, Andrew Johnson, theo đuổi chính sách của người tiền nhiệm hoà giải với miền Nam, nhanh chóng cho nhận trở lại vào Liên bang những bang ly khai trước đây. Việc này khiến các người Cộng Hòa cực đoan trong Quốc hội, vốn muốn thấy trước tiên xã hội và chính trị miền Nam phải được “tái thiết” từ đầu đến đuôi, và gần như thành công trong việc truy tố Johnson, giờ bị coi như một nhà chính trị hết thời.

Sau đó những người cực đoan lãnh quyền Tái Thiết, đặt những bang Liên minh thua trận dưới quyền kiểm soát của quân đội, và sau đó mở những cuộc bầu cử trong đó những nô lệ vừa được tự do được phép đi bầu, nhưng những Liên minh trước đây lại bị cấm. Điều này dẫn đến việc thiết lập những chính quyền bang Cộng Hòa cực đoan và bạo lực dữ dội bùng lên từ những nhóm bạo lực phân biệt chủng tộc, bảo thủ như phong trào Klu Klux Klan. Theo thời gian, dân miền Bắc quay lưng lại với miền Nam, và những người Dân chủ miền Nam dần dần nắm lại quyền lực, đưa ra những đạo luật gọi là Jim Crow từ khước cho hầu hết người da đen những quyền dân sự, kể cả quyền được bầu. Các quyền lợi này chỉ được phục hồi sau những cuộc đấu tranh vĩ đại – do Martin Luther King cùng nhiều người khác cầm đầu – vào thập niên 1950 và 1960.

TÓM TẮT

Nội Chiến chấm dứt chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ

DÒNG THỜI GIAN

1791Tu chính án 10 của Hiến pháp trao quyền quyết định vấn đề nô lệ cho các tiểu bang hơn là chính quyền Liên bang.
1803Mua lại Louisiana
1820Thỏa ước Missouri: Missouri được nhận vào Hoa Kỳ như một bang có sử dụng nô lệ, trong khi Maine được nhận như một bang tự do.
1850Thỏa ước 1850: hạn chế nô lệ trên những lãnh thổ mới, nhưng chế độ nô lệ được bảo vệ ở nơi từng tồn tại.
1854Đạo luật Nô Lệ Bỏ Trốn: Các bang miền Bắc buộc phải trao trả lại nô lệ bỏ trốn cho chủ cũ. Đạo luật Kansas-Nebraska: các lãnh thổ mới được phép tự quyết về vấn đề nô lệ; bạo lực xuất phát. Thành lập Đảng Cộng Hòa.
1860Việc Lincoln thuộc Cộng Hòa được bầu làm tổng thống thúc đẩy các bang ly khai:  Alabama, Florida, Georgia, Louisiana, Mississippi và South Carolina.
1861THÁNG 2 Thành lập Lực lượng Liên minh miền Nam. THÁNG 4 Liên minh tấn công Đồn Sumter. Arkansas, North Carolina, Tennessee và Virginia gia nhập Liên minh. THÁNG 7 Liên minh chiến thắng tại Bull Run.
1862THÁNG 2 Lực lượng Liên bang chiếm Đồn  Donelson và Đồn Henry ở Tennessee. THÁNG 4 Grant đánh bại cuộc phản công của Liên minh tại Shiloh. THÁNG 5 Thủy chiến giữa tàu sắt Monitor và Virginia; Hải quân Hoa Kỳ đánh chiếm căn cứ hải quân ở Norfolk, Virginia. THÁNG 9 Cuộc  tiến công lên miền Bắc của Liên minh bị chận đứng ở Antietam. THÁNG 12 Liên bang bị đánh bại tại Fredericksburg.
1863THÁNG 1 Tuyên ngôn Giải Phóng. THÁNG 5 Liên bang bị đánh bại tại Chancellorsville. THÁNG 7 Thắng lợi quyết định của Liên bang tai Gettysburg. Grant đánh chiếm Vicksburg, Mississippi, cắt lực lượng Liên minh làm đôi.
1864THÁNG 9 Lực lượng Liên bang bắt đầu tiến hành chiến thuật vườn không nhà trống ở thung lũng Shenandoah, và đánh chiếm Atlanta, Georgia. THÁNG 11-12 Georgia bị làm cỏ bởi lực lượng Liên bang trong “Hành Quân Ra Biển”. THÁNG 11 Lincoln tái đắc cử tổng thống.
1865THÁNG 4 Liên minh đầu hàng. Lincoln bị ám sát; Phó Tổng thống Andrew Johnson lên kế vị.
1866Các dự luật cứu trợ và cấp quyền dân sự cho những nô lệ vừa được trả tự do được thông qua dù Johnson phủ quyết
1867Các Đạo luật Tái thiết đặt các bang Liên minh nắm dưới sự kiểm soát của chính quyền quân sự.
1868Tu chính án 14 bảo vệ bình đẳng theo luật cho người da trắng và da đen, và ngăn cấm những viên chức Liên minh trước đây làm việc lại ở văn phòng liên bang và tiểu bang.
1870Tu chính án 15 bảo đảm quyền bầu cử cho người nam Mỹ gốc Phi.
1872Đạo luật Khoan hồng phục hồi các quyền lợi của các viên chức Liên minh trước đây như đi bầu và làm công chức.

35 SỰ TRỖI DẬY CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ tạo ra một giai cấp mới gồm những nhà tư bản kỹ nghệ tư sản. Nó cũng tạo ra một giai cấp lao động đô thị đang manh nha, đó là những nhân công làm việc trong những điều kiện thường nguy hiểm với đồng lương chết đói và buộc phải sống chui rúc trong tình trạng bẩn thỉu và cực kỳ bấp bênh.

Một số người đứng lên đòi cải thiện tình cảnh bi áp bức, bóc lột và bần cùng hóa giai cấp lao động. Một số các mạnh thường quân thượng lưu và trung lưu mở chiến dịch nhằm luật hóa việc cải thiện điều kiện làm việc. Nhiều công nhân ra sức tổ chức các đoàn thể để lập nghiệp đoàn tranh đấu đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Những toan tính nhằm hạn chế quyền lực của phong trào lao động mới, hoặc tìm cách dập tắt nó hoàn toàn, thúc giục nhiều người kêu gọi một hành động chính trị, hoặc qua một tiến trình dân chủ, hoặc qua bạo lực cách mạng.

Tổ chức  nghiệp đoàn

Nghiệp đoàn có nguồn gốc từ phường hay làng nghề thủ công thời trung cổ. Những hiệp hội này qui định các điều kiện gia nhập và các tiêu chuẩn sản phẩm của những nghề thủ công mỹ nghệ khác nhau. Với sự xuất hiện lấn át của Cách Mạng Kỹ Nghệ nhiều nghệ nhân, không thể cạnh tranh nổi với qui mô lớn, buộc phải bỏ lối hoạt động độc lập của mình và vào làm việc trong các hãng xưởng. Khi họ ra sức lập nhóm để đòi tăng lương và cải thiện môi trường làm việc, họ gặp sự chống đối kịch liệt từ phía chủ. Chính quyền, cảnh giác vì học được những bất ổn đẫm máu của Cách Mạng Pháp, lý giải bất kỳ hành động nào giống như thế về phần giai cấp lao động đều mang tính đe doạ không chỉ đến quyền tài sản, mà còn sự an toàn của hoạt động kinh doanh. Kết quả là các nghiệp đoàn bị cấm hoạt động khắp nơi – ở Anh, chẳng hạn, bởi Đạo luật Phối hợp 1899 và 1800, và ở Pháp bởi các đạo luật dân sự và hình sự của Napoleon, vốn kềm hãm trở lại quyền con người đã được các nhà cách mạng Pháp xiển dương.

Chỉ từ từ qua hết thế kỷ 19 các qui định pháp lý chống tổ chức nghiệp đoàn mới lơi lỏng bớt trong một vài xứ, và việc thành lập các nghiệp đoàn thủ công mỹ nghệ được tiếp bước bằng những nghiệp đoàn mới tập họp một số đông các công nhân không có tay nghề. Tuy nhiên, chẳng hạn Nga, các nhà tổ chức nghiệp đoàn phải hoạt động lén lút, trong khi ở Hoa Kỳ các chủ nhân sử dụng toàn bộ sức mạnh của luật pháp, cộng với thuê mướn các tên du côn có vũ khí và thậm chí binh lính để đàn áp đình công.

 “Một sự phối hợp chính trị của những tầng lớp thấp kém như thế và cho mục tiêu riêng của họ, là cái ác thuộc loại lớn nhất.”

Walter Bagehot, Hiến Pháp Anh 1867

Dân chủ đấu với chủ nghĩa xã hội cách mạng

Khi các nghiệp đoàn đấu tranh để bảo vệ lợi ích của thành viên mình, nhiều nhà hoạt động nghiệp đoàn bắt đầu nghĩ rằng chỉ có sự biến đổi hoàn toàn xã hội mới có thể mang lại công lý và bình đẳng. Họ vạch ra những ý tưởng về chủ nghĩa xã hội, một từ đầu tiên được lý thuyết gia Pháp Henri de Saint Simon (1760-1825) đặt ra. Ông là người hình dung một nhà nước kỹ nghệ mà không có người nghèo khó, và trong đó khoa học có thể thay thế tôn giáo. Cũng gây ảnh hưởng là nhà nhân đạo Anh Robert Owen  (1771–1825), người lập ra một cộng đồng kỹ nghệ mẫu mực tại New Lanark ở Scotland, với chỗ ở được cải thiện và trường tiểu học đầu tiên ở Anh, và tiếp tục dựng lên một số những cộng đồng hợp tác tự túc, như cộng đồng ở New Harmony, Indiana vào năm 1825.

Tính nền tảng của tầm nhìn mang tính xã hội cho rằng xã hội và kinh tế nên được vận hành sao cho không để cá nhân tự do theo đuổi những mục tiêu của riêng mình mà phải vì lợi ích của tập thể. Trong khi phe cấp tiến chủ trương thị trường tự do tin tưởng rằng mỗi con người đều có sức mạnh tiềm tàng để cải thiện số phận mình, thì phe xã hội chủ nghĩa lại tin rằng số phận của cá nhân phần lớn bị định đoạt bởi môi trường của họ, và rằng nhà nước phải can thiệp để bảo đảm, ít nhất là, sự bình đẳng về cơ hội và tiêu chuẩn sống hợp lý, qua việc cung ứng giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đồng lương tối thiểu, trơ cấp thất nghiệp, lương hưu vân vân. . .

Cải thiện điều kiện làm việc

Khi chủ nghĩa tự do kinh tế – với khẩu hiệu tự do kinh doanh và tự do mậu dịch – lan rộng trong các tầng lớp trung lưu kỹ nghệ và thương mại, bất kỳ toan tính nào điều chỉnh hoạt động doanh nghiệp đều được nhiều ông chủ coi là sự can thiệp độc đoán của chính quyền. Dù sao đi nữa, trong một vài quốc gia pháp lý đã được đưa vào để chấm dứt những lạm dụng tệ hại nhất. Ở Anh, chẳng hạn, Đạo luật Nhà Máy 1802 qui định rằng buộc trẻ em dưới 14 tuổi làm việc hơn 8 tiếng mỗi ngày là vi phạm pháp luật. Tiếp theo là các đạo luật về số giờ làm việc và sức khỏe và sự an toàn trong môi trường lao động ở Anh và sau đó ở những nơi khác ở châu Âu (ở Pháp luật tối đa 12 tiếng mỗi ngày được ban hành vào 1848, chẳng hạn), tiến bộ tăng dần lên là kết quả các đấu tranh của nghiệp đoàn. Ở Hoa Kỳ, ngược lại, tồn tại một chống đối mang tính ý thức hệ mạnh mẽ đối với những qui định tiến bộ như thế, được đúc kết vào năm 1905 bởi một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, phát biểu rằng “giới hạn giờ làm việc tăng trưởng và những người thông minh muốn lao động để kiểm sống đơn giản chỉ là những can thiệp rối rắm vào quyền cá nhân.” Nhưng cũng có ngoại lệ: nhà chế tạo ô tô Henry Ford tình nguyện giảm giờ làm việc trong các nhà máy của mình, lập luận rằng nếu công nhân không có thời gian giải trí họ sẽ không mua sản phẩm của ông.

Những nhà xã hội chủ nghĩa cực đoan hơn, theo chân Karl Marx (1818–83) và Friedrich Engels (1820–95), những người sáng lập học thuyết cộng sản hiện đại, tin rằng công lý xã hội chỉ có thể được thành tựu bằng cách mang toàn bộ các phương tiện sản xuất – kỹ nghệ, đất đai, đường xây, đường ray – vào trong sở hữu tập thể. Marx và Engels, những người đã ra Tuyên ngôn Cộng Sản vào năm 1848, cho rằng lịch sử được định đoạt bằng những lực lượng kinh tế mù quáng và cuộc đấu tranh giữa các giai cấp. Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ đã chứng kiến sự lật đổ của chế độ phong kiến và quyền lực của giới quý tộc địa chủ. Đến lượt, họ dự báo, giới tư sản tư bản mới, vốn đạt được quyền lực sẽ bị lật đổ bằng bạo lực bởi giới vô sản thành thị bị áp bức, để lập ra chủ nghĩa xã hội như một giai đoạn quá độ trước khi nhà nước “tàn úa”, để được thay thế bằng chủ nghĩa cộng sản hoàn hảo. Xã hội lý tưởng này, nơi mỗi người sống chan hòa, theo tiên đề: “Đóng góp theo khả năng, hưởng thụ theo nhu cầu.”

                                     Marx và Engels, cha đẻ của phong trào cộng sản

Cách thức các phong trào xã hội chủ nghĩa phát triển trong những xứ sở khác nhau tùy thuộc phần lớn vào thái độ xử sự của chính quyền. Ở những quốc gia như Anh, nơi hoạt động nghiệp đoàn càng ngày càng được dễ chịu và nơi mà vào cuối thế kỷ 19 quyền bầu cử đã được mở rộng đến đa số nam công dân, những đảng xã hội chủ nghĩa – như Đảng Lao động Anh (được cho là nhờ công lao của Hội Giám Lý hơn Marx)- đã đạt được quyền đại diện trong nghị viện cho một phong trào lao động. Nhưng trong những xứ sở chịu nhiều áp bức như Nga thời Sa hoàng và Đế chế Đức, đối với nhiều người hình như giải pháp duy nhất là làm cách mạng Mác-xit.

Ngày nay, mặc dù ý thức hệ cộng sản đã từ lâu bị bãi bỏ ở Nga và nơi khác, những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội dân chủ vẫn còn có ảnh hưởng trên khắp thế giới. Thậm chí ở những nước có chính quyền trung hữu, nhà nước vẫn còn đặt cược lớn lao vào kinh tế và xã hội – trong mọi hoạt động từ việc bảo trì đường xá đến điều chỉnh giá tiêu dùng và điều hành hệ thống giáo dục – đến một mức độ cho dù cách đây hai thế kỷ chưa từng có ai mơ đến.

TÓM TẮT

Những ý tưởng của chủ nghĩa xã hội đã biến đổi đến cả những xã hội tư bản

DÒNG THỜI GIAN 

1799-1800Đạo luật Phối hợp ngăn cấm hoạt động nghiệp đoàn ở Anh
1802Đạo luật Nhà Máy Thứ Nhất ở Anh
1804Bộ Luật Napoleon cấm hoạt động nghiệp đoàn ở Pháp
1821Saint Simon phác họa tầm nhìn của mình về chủ nghĩa xã hội trong Du système industriel (Bàn về Hệ Thống Kỹ Nghệ)
1824-5Hủy bỏ Đạo luật Phối hợp Anh, cho phép các nghiệp đoàn vài ngành nghề hoạt động, nhưng đình công vẫn còn trái luật.
1838“Hiến chương Nhân dân” kêu gọi nghị viện cải cách ở Anh, bao gồm quyền đầu phiếu phổ thông cho nam công dân.
1844Thành lập phong trào hợp tác với sự khai trương cửa hàng hợp tác đầu tiên ở Rochdale, Anh.
1848Marx và Engels phát hành Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản
1848-9Các nhà xã hội chủ nghĩa bắt tay với các cuộc cách mạng dân tộc và tự do trên khắp châu Âu, cuối cùng tất cả đều thất bại.
1864Thành lập Đệ nhất Quốc tế, liên hiệp các tổ chức xã hội chủ nghĩa và lao động và Marx trở thành lãnh đạo.
1868Thành lập Đại hội Nghiệp đoàn ở Anh. Các công nhân Pháp được ban quyền giới hạn hoạt động nghiệp đoàn.
1871Các nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa và vô chính phủ thành lập Công xã Paris, và bị đàn áp tàn nhẫn sau hai tháng, khiến các nhà xã hội chủ nghĩa và nghiệp đoàn viên phải hoạt động chui. Nghiệp đoàn được hợp pháp hóa ở Anh.
1878Đảng Dân chủ Xã hội Đức bị cấm
1884Hoạt động nghiệp đoàn được hợp pháp hóa ở Pháp
1886Thành lập Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ phi-xã hội chủ nghĩa, liên đoàn lao động Hoa Kỳ duy nhất sống qua Thế Chiến I.
1889Thành lập Đệ nhị Quốc tế các đảng dân chủ xã hội, bị chia cắt bởi hai quan điểm giữa chủ chiến hoặc chủ hoà vào năm 1914.
1890Lệnh cấm Đảng Dân chủ Xã hội Đức được dỡ bỏ
1900Thành lập Ủy ban Đại diện Lao động ở Anh (sau đổi tên là Đảng Lao động vào năm 1906)
1905Cách mạng Nga non yểu
1917Cách mạng Bôn-se-vich thành công ở Nga
1918-19Những cuộc nổi dậy cộng sản non yểu ở Đức
1919Thành lập Đệ tam Quốc tế (Comintern) của những đảng cộng sản trên thế giới.
1924Chính quyền Lao động đầu tiên ở A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét