Nhắc đến Nhật Bản, người ta sẽ nghĩ ngay đến sự cần cù, tinh thần samurai và những điều “thần kỳ” mà người dân nước này đã làm được. Tuy cực kỳ nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên, lại thường xuyên phải hứng chịu những cơn địa chấn, sóng thần kinh hoàng, nhưng những con người bán mạng làm việc ở đất nước mặt trời mọc đã thành công trong việc đưa quốc gia của mình trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Chắc hẳn trong mắt nhiều người, nước Nhật chỉ toàn những điều tốt đẹp và “phủ kín màu hồng”. Thế nhưng, cũng giống như bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, ở Nhật cũng tồn tại những mặt tối mà chính phủ nước này chẳng bao giờ muốn tiết lộ ra bên ngoài. Và khu dân cư nghèo khó nhất Nhật Bản dưới đây chính là một ví dụ điển hình.
Nishinari là một trong 24 khu thuộc thành phố Osaka, phủ Osaka, vùng Kinki trên đảo Honshū, Nhật Bản. Bạn sẽ khó lòng tìm ra khu vực này trên bản đồ, mặc dù có tới hàng chục nghìn người đang sinh sống tại đây. Cư dân chủ yếu ở Nishinari là người già, thanh niên thất nghiệp, người vô gia cư, tội phạm đang lẩn trốn, thành viên của các băng nhóm xã hội đen, kẻ trốn nợ hay những người làm thuê tạm bợ…
Nhiều người gọi Nishinari là “Vương quốc lưu lạc”, nguyên nhân vì nơi đây được hình thành bởi những con người khốn khổ không chốn dung thân. Ngay từ đầu thế kỷ 20, họ đã tới đây định cư rồi dần “mở rộng địa bàn”, tạo nên một khu dân cư biệt lập trong khoảng không gian tồi tàn, cũ nát.
Trải qua một thời gian dài không được các nhà chức trách quan tâm giải quyết triệt để, điều kiện sống và sức khỏe của đa phần dân chúng ở Nishinari đang ngày một đi xuống. Bên cạnh đó, các băng nhóm xã hội đen cũng tận dụng nơi đây làm địa bàn hoạt động và tiến hành các cuộc giao dịch phi pháp. Hầu hết người dân ở Osaka đều không dám đến gần khu vực Nishinari, thậm chí họ cũng ngại nhắc đến cái tên này.
Rất nhiều cư dân ở Nishinari không muốn đến các trung tâm cứu trợ xã hội, bởi họ cho rằng nơi đó chật hẹp nên không đủ chỗ chứa chấp hết mớ “tài sản” hỗn độn của mình. Họ thích ở bên ngoài dựng “nhà” từ bìa cứng hay những chiếc ô hỏng hơn.
Những người thường xuyên đến các trung tâm cứu trợ xã hội được chia làm 3 dạng: Dạng “một mình một kiểu” gồm những người đến đây cả ngày chỉ để đọc sách, nằm ngủ, hoặc… chỉ đứng yên một chỗ không làm gì hết; dạng “ham chơi” gồm những người chỉ thích cắm rễ trong phòng sinh hoạt tập thể để tham gia các trò chơi và dạng “người nhà” gồm những người ưa náo nhiệt, họ rất thích đứng bên cạnh “game thủ” trong các trò chơi để vừa được ăn quà vặt lại vừa được nói cười. Các trung tâm này thường mở cửa vào lúc 5 giờ sáng và đóng cửa vào đúng 4 chiều hàng ngày.
Nhiếp ảnh gia người Mỹ Andrew Houston đã từng đến Nishinari nhiều lần để thực hiện một số bộ ảnh về cuộc sống của người dân nơi đây. Vị nhiếp ảnh gia cho biết, tuy cuộc sống vô cùng khó khăn và nghèo khổ, nhưng người dân Nishinari vẫn khiến cho anh cảm thấy vô cùng kinh ngạc.
Có nhiều người sống trong “căn nhà giấy” tồi tàn làm từ những tấm bìa các-tông cũ nát nhưng không bao giờ quên xếp giày dép gọn gàng ở bên ngoài “cửa nhà” mỗi khi đi ngủ. Và cho dù là người vô gia cư thì mỗi ngày họ cũng đều đi tắm rất đúng giờ ở những nhà tắm công cộng gần đó…
Đúng 5 giờ sáng, người dân Nishinari xếp hàng ngay ngắn đi vào trong trung tâm cứu trợ.
Theo trithuctre
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét