18 thg 8, 2016

CHUYỆN VỀ MỘT TẤM GƯƠNG SOI ( Từ Tap Chí Da Màu)


Lẽ dĩ nhiên tôi cũng như bạn, chúng ta chưa hề bao giờ nghe những tấm gương soi cất tiếng nói bất cứ về điều gì. Nó luôn chỉ là một trong các tĩnh vật quen thuộc, và cần thiết hằng ngày trong mỗi gia đình. Ít nhất một lần trong ngày, bạn hay tôi từng đến đứng trước nó hầu soi lại mình. Đúng là nó chẳng thể nói được, nhưng vì lưu giữ quá nhiều loại hình ảnh soi vào nó, hay nó soi rọi mọi ngóc ngách của thiên hạ, ai có thể cấm nó cảm nghĩ? Có hôm tôi thấy nó u buồn, rất ư là u buồn, nó đứng đó như gượng gạo làm cho xong bổ phận. Cũng có hôm tôi lại thấy nó vui như đang muốn reo lên. Khi ấy khuôn mặt nó thật hồn nhiên khác nào như trẻ nít. Những lúc ấy tôi chỉ lo sợ nó càng cười vui nắc nẻ, tôi sẽ càng đến gần hơn với loại âm thanh loảng xoảng vỡ tan. Xưa nay, tôi vốn không bao giờ muốn mình là người chứng kiến bất kỳ sự vỡ tan nào. Cứ sau mỗi lần lo sợ viễn vông như vậy, tôi lại thấy người mình vã mồ hôi như tắm, toàn thân lạnh, và tôi dần dần tỉnh hẳn. Nhìn lại mình trong gương, tôi không khỏi thắc mắc, nó buồn hay mình buồn? Nó vui hay chính lúc ấy mình đang vui? Bất giác chợt nhớ rõ như in câu Kiều của cụ Nguyễn Du thời mình còn đi học vẫn hay ngâm nga:
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.“
Nhưng chỉ một thoáng vụt nhanh qua thôi, tôi thấy tôi tự có trách nhiệm phải kềm chế nó. Tôi lại đứng lên, bước đến bên cạnh, sờ nhẹ vào nó thật ân cần, và truyền dần ý thức đè nén qua tay tôi đến với nó, cho đến khi tôi có cảm giác như mặt gương đang nguội dần.
Có một chuyện tôi cũng như bạn biết rất rõ là các mặt gương không bao giờ ngủ. Nửa đêm, mỗi khi thức giấc đi tìm một ly nước lạnh, tôi vẫn thấy nó ở nguyên chỗ đó, vẫn mở hết tầm mắt soi rõ mọi vật, soi rõ tôi, nhưng hoàn toàn với dáng vẻ trầm mặc. Rồi có lúc tôi chợt bật cười lớn về chính mình. Rõ thật ngớ ngẩn ! Nó là gương nên nó phải phản ảnh lại mọi thứ trong khẩu kính của nó là chuyện đương nhiên . Khi đó chợt nhớ đến William Makepeace Thackeray, nhà văn người Anh ở thế kỷ 19 có để lại câu danh ngôn: “Life is a mirror: if you frown at it, it frowns back; if you smile, it returns the greeting“ (Cuộc sống như một tấm gương : nếu bạn cau mày với nó, nó cũng cau mày ; nếu bạn mỉm cười, nó sẽ cười chào bạn ). Cuộc sống trải qua rất nhiều hôm lòng bỗng dưng trống trải, ngồi thừ bên ly trà nóng nhìn sâu vào mặt gương. Bất ngờ loáng thoáng trong sâu thẳm ấy như có bóng người mịt mờ lần lượt bước qua. Bóng thì khá mờ, nhưng nhân dáng từng người thì lại khá quen thuộc. Bóng thằng Chiến, thằng Mỹ, thằng Nghiêm, mỗi đứa vẫn đang lố nhố nói cười. Tất cả lũ bạn tôi như vẫn quanh đây, như vẫn chưa thằng nào ra thiên cổ. Thằng Mỹ khoe sau chuyến hành quân nầy về sẽ lấy vợ ở Bà Rịa, thằng Nghiêm hứa sẽ dẫn tôi đi tắm hơi kiểu Turkish tuyệt cú mèo. Nhớ lúc thằng Chiến người Quãng Trị hái đâu được mấy trái mận rừng, bước qua chỗ tôi dúi cho hai trái, nó nói xong trận nầy về thế nào tau cũng chở vợ cho nó về thăm ông bố vợ. Nói xong, nó vừa quay về tới đơn vị nó thì ùm…ào…oành…oành thằng Chiến bị hất tung lên trời, rơi xuống đất nát thây. Xong chuyến đó trở về hậu cứ, bè bạn chẳng còn đứa nào, tôi may mắn còn sót lại nhưng đã trở thành thương phế binh, cái đầu quấn bao nhiêu lớp băng trắng toát. Về sau chỉ nghe kể lại lúc pháo như mưa trước khi địch xung phong lên đồi, cái nón sắt của tôi bị xé toạc như người ta lột vỏ quýt ra từng múi. Một múi sắt bén ngót đã cứa vào da đầu tôi, nó gọt ngọt sớt sát gáo như kiểu người ta gọt vỏ khoai tây , nhưng xuống đến chân mày thì dừng lại. Oh My God ! Nếu không có bàn tay Chúa ngăn lại, chỉ cần xuống thêm 2 phân nữa là tôi giống nghệ sĩ Văn Vĩ rồi. Từ dạo ấy thân xác mình bỗng mang thêm một con rít bò ngoằn ngoèo bên trên hộp sọ. Ở đây xin phép cho mở và đóng ngoặc cho mình lạc đề ra khỏi tấm gương một chút để nói đôi điều về hậu quả của chiến tranh Việt Nam ngay trên cơ thể nầy. Thân xác mình từ dạo ấy bỗng dưng chính xác hơn trung tâm dự báo thời tiết, ngoài trời lên độ là tôi đang ở trong nhà bỗng biết ngay. Ngoài trời dưới 0 độ F mình cũng biết tuốt. Chuyện buồn cười là qua xứ Mỹ già rồi, nhưng vì cuộc sống cũng phải bon chen thi vào college. Tự nhiên cái đầu bị gọt khoai tây của mình hóa ra lại thông minh . Hai môn của Entrance Exam là English và Maths trình độ 12. English thì không lo vì mình dạy liên tục môn nầy ở Việt Nam đến sát ngày lên máy bay. Chà ! Còn Maths hơi ớn nhe vì bỏ quá lâu rồi. Hôm mình ghi danh thi lại trễ rồi, sắp khai giảng nên phòng thi hôm đó chỉ có 5 ngoe và một ông coi thi. 5 đứa được chỉ định ngồi ở 5 góc khác nhau trong mênh mông lớp. Điểm tối đa của mỗi môn là 100. Chẳng hiểu bà độ hay sao, kết quả : English mình 98, Maths 99, phẻ re, văn phòng nhà trường nói mầy có credits rồi khỏi tốn tiền để học hai môn đó, khai giảng xong vô học thẳng luôn. Học theo lối Mỹ, mỗi ngày lượng sách mang theo phải dùng đến vali kéo, bảnh tỏn như đi du lịch vậy. Học theo lối Mỹ nghĩa là vài hôm thì thi, cuối tuần thì thi cuối tuần, hai tuần thì thi ôn phần, cuối tháng thì thi tổng kết học phần. Học theo lối Mỹ thì thầy cô giáo ít nói, sinh viên mới là kẻ nói nhiều. Học bài ở nhà, làm bài tập trong sách, làm research, vô lớp thầy cô chỉ mặt cái là bước lên bục , tay cầm que chỉ bảng ngó bộ rất hách xì xằng, dùng usb chiếu bài thuyết trình của mình lên tường, tay chỉ miệng nói. Nhưng phần ớn óc nhất là sau khi thuyết trình xong, thầy yêu cầu cả lớp đặt câu hỏi, mình phải lo trả lời để thầy cô còn cho điểm. Cái chi tiết chính khiến mình phải mở ngoặc đóng ngoặc ngang xương ở đây, lòng vòng lạc đề là khi học và thi về môn Anatomy (Cơ thể học ). Bực mình, cứ nghĩ mình học để ra nghề Chemical Massage Therapy thôi chứ có dám bon chen chi tới mấy ngài bác sĩ cao trọng đâu mà nó bắt mình học một bộ 2 quyển sách vác nặng chịch. Bà thầy còn hù các bác sĩ cũng học quyển nầy. Trong cơ thể mình nếu nói chuyện học, bộ phận nào mà nó có hơn 2 hay 3 là phải tìm cách nhớ rồi, nếu không già cả rồi nó sẽ lộn mất. Nhiều hơn nữa là cơ, xương, nhưng đáng sợ nhất là các bó sợi thần kinh. Giở sách ra tới đó là mặt mình xanh như sắp bị dẫn ra dựa cột. Ngồi nghĩ hoài, về sau may nhờ cái lú nó cú vô cái khôn. Trời sinh mình ra từ nhỏ đã cho mình biết làm thơ, tốt quá rồi, sao không dùng thơ để học bài. Thế là các sợi thần kinh nó có cả trăm tên khác nhau, trước tiên phải học thuộc nguyên tên dây thần kinh đó, khi thuộc lòng rồi, mình chỉ cần thuộc chữ đầu của dây thần kinh đó để nhắc nhớ đúng thứ tự khi thi. Thí dụ tên dây thần kinh bắt đầu bằng chữ th, mình làm câu thơ khởi đầu bằng th, nhưng dây thần kinh tên bắt đầu bằng tr, mình làm câu thơ với các con chữ đầu là tr. Thứ tự bao nhiêu tên sợi thần kinh làm thành một bài thơ tình. O.K, khi vô thi thấy đề yêu cầu ghi tên các dây thần kinh vận động chẳng hạn, ngoài giấy nháp, miệng đọc bài thơ, tay viết chữ đầu của mỗi câu thơ để sẵn đó, lát sẽ suy ra tên đầy đủ sau. Thi xong, điểm thuộc lòng mình cao nhất, tụi Mỹ trẻ bu lại thắc mắc hỏi :
– Mầy già rồi, mà mầy không phải sinh ở Mỹ, tại sao mầy nhớ quá hay hệ thần kinh đó vậy?
Được dịp mình ra vẻ quan trọng:
– Ồ đây là một chuyện lớn và quan trọng lắm không thể nói ngay được. Nếu có dịp sẽ kể sau.
Rồi đến kỳ thi các môn khác đều vậy. Tụi nó thắc mắc quá, theo hỏi hoài. Một hôm có giờ nghỉ nửa tiếng giữa lớp lý thuyết và thực hành, mình buộc phải kể cho tụi nó nghe, mấy đứa mới đậu xong 12 toàn bằng tuổi con cháu mình mà. Trước tiên mình cởi mũ ra, cúi đầu xuống, mình toàn húi cua chứ đâu bao giờ để tóc dài. Mình chỉ vào con rít chạy từ đỉnh đầu xuống trán hỏi tụi nó thấy gì không? Tất cả các khuôn mặt ngây thơ đều căng hết mức nghiêm trọng, chỉ thấy cả bọn gật đầu, không khí tự dưng lặng trang. Mình bắt đầu kể lại cuộc chiến thật đẫm máu buổi chiều hôm ấy ở An Lộc, nhất là lúc bom đạn đang vụt bay ầm ào tứ tung, bất ngờ mình cảm thấy như có cái gì đó che trước mặt mình. Thế là thò tay ra phía trước nắm giật, ai dè mình giật chính miếng da đầu đang lòng thòng của mình, bàn tay thì nhơm nhớp máu của chính mình. Thế là xỉu. Nhưng câu quan trọng nói với lũ nhóc Mỹ là :
– Từ cái ngày miếng rocket gõ cái cốc bễ cái nón sắt, và mảnh của nón sắt bắt đầu gọt da đầu tao sát gáo, tao bỗng thông minh ra, học đâu nhớ đó.
Nghĩ lại thật tội nghiệp những cái miệng lúc bấy giờ đang há hóc, những đôi mắt dễ thương đang tròn xoe.
Thôi, xin phép đóng dấu ngoặc về một mảnh đời thật của tác giả lại tại đây… Một đêm tôi vẫn còn thức khuya đọc sách, lúc ấy tôi hoàn toàn không chú ý gì đến tấm gương, nó vẫn ở phía bên trái chỗ tôi ngồi. Bất thần tôi nghe một tiếng gió và thoáng thấy bóng nó sụm xuống, tan ra từng mảnh vụn, nhưng không hề có bất cứ một âm thanh nứt vỡ nào của thủy tinh. Giật mình, tôi quay phắt lại nhìn nó. Nó vẫn đứng yên đó, bất giác nó cũng nhìn tôi với cặp mắt đầy ngạc nhiên. Mọi thứ trong căn phòng vẫn hoàn toàn yên vị và vẫn yên lặng như tờ. Tôi bước đến, đặt tay lên nó. Nó hoàn toàn lặng câm như một xác chết. Còn bên trong tấm gương giờ nầy? Kìa! khuôn mặt tôi sao tự nhiên tái xanh, thất thần? Một khuôn mặt buồn như đưa tang. Tôi úp quyển sách chỗ trang đang đọc dở xuống mặt bàn và đi vào phòng mình. Sáng hôm sau, khi tôi vẫn còn đang nướng trên giường bỗng giật mình vì tiếng vỡ loảng xoảng thật lớn và kết thúc thật nhanh. Bật ngồi dậy, chạy nhanh ra khỏi phòng. Bà vợ tôi chẳng hiểu loay hoay với cái máy hút bụi thế nào mà tấm gương vỡ tan. Nhìn đống mảnh thủy tinh dưới sàn nhà, vụt nhớ lại chuyện chỉ mới đêm qua. Tôi bước đến, hai tay bấu chặt vào cái khung vẫn đang đứng như bấu vào hai vai người thân, tôi nói thầm:
– “Well, have a good journey. Bye! “
Thất thần, tôi bước đến chiếc ghế nơi tôi đã ngồi đêm qua. Lật ngửa quyển sách chỗ đang đọc dở , dòng tiếp theo lại là câu nói của Yoko Ono : – “Smile in the mirror. Do that every morning and you’ll start to see a big difference in your life.“ (Hãy mỉm cười với tấm gương. Hãy làm điều đó mỗi buổi sáng và bạn sẽ bắt đầu thấy một sự khác biệt lớn lao trong cuộc sống của bạn).
Chu Thụy Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét