15 thg 8, 2016

Chữ Nho Dễ Hoc....Mà Hoc Không Dễ (Bài 17 -Đỗ Chiêu Đức )

   Các bộ 5 nét (tt)
                                  
                                    
       Trước khi đọc bài mới, ta giải đáp câu đố của bài đọc trước nhé !
             一邊綠,一邊紅。      Nhất biên lục, nhất biên hồng,
             一邊喜雨,一邊喜風。Nhất biên hỉ vũ, nhất biên hỉ phong.
             喜風就怕雨,            Hỉ phong tựu phạ vũ,
             喜雨就怕蟲 !             Hỉ vũ tựu phạ trùng !
Có nghĩa :
        Một bên màu xanh, một bên màu đỏ.
        Một bên thích mưa, một bên thích gió. Nhưng...
        Bên thích gió thì sợ mưa,
        Bên thích mưa thì sợ bọ !
GIẢI ĐÁP :
        Bên màu xanh là bộ HOÀ 禾, Bên màu đỏ là bộ HỎA 火.
        Bên thích mưa là CÂY LÚA, Bên thích gió là LỬA.
        LỬA thích gió nhưng sợ mưa, còn ... 
        CÂY LÚA thích mưa thì sợ bọ !
     Ghép bộ HÒA là Cây Lúa với bộ HỎA là Lửa lại với nhau, thì ta có chữ THU 秋 là Mùa Thu. Mùa Lúa Chín, mùa của Thu Hoạch, mùa của hoa Cúc nở vàng cả núi đồi, mùa của Rượu Cúc với " Thu ẩm hoàng hoa tửu 秋飲黃花酒 " và vui với niềm vui ở ẩn của ĐàoTiềm để cùng nhau :
                    採菊東籬下,    Thái cúc đông ly hạ,
                    悠然見南山。    Du nhiên kiến nam sơn.
Có nghĩa :
       Hái hoa cúc ở bờ rào phía đông, và xa xa thấy ngọn núi phía nam mờ mờ như ẩn như hiện ở chân trời.
        Image result for 採菊東籬下 悠然見南山Image result for 採菊東籬下 悠然見南山
                                Thái cúc đông ly hạ
9. BỘ MẪU  :
    MẪU  : là Mẹ. MẪU là chữ dùng Tượng Hình để Chỉ Sự theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :

     Từ Giáp Cốt Văn đến Kim Văn đều là hình tượng ẻo lả của một cô gái Tượng Hình của chữ NỮ 女 được chấm thêm 2 chấm ở phía trên tượng trưng cho 2 cái vú để nuôi con, nên NỮ 女 bây giờ đã thành MẪU 母 là Mẹ. Từ Đại Triện đến Tiểu Triện dần dần hình thành chữ viết cho đến Lệ Thư thì như chữ viết của ngày hôm nay : 母.

      MẪU 母 là MẸ, là MẪU THÂN 母親, là HIỀN MẪU 賢母, là TỪ MẪU 慈母, là HUYÊN ĐƯỜNG 萱堂 ...

      MẪU còn dùng để gọi những Nữ Trưởng Bối như : THÚC MẪU 叔母 ( Thiếm ), BÁ MẪU 伯母 ( Bác Gái ), CÔ MẪU 姑母 ( Chị em gái của Ba ), DI MẪU 姨母 ( Chị em gái của Má ) , CỬU MẪU 舅母 ( Mợ : Vợ của Cậu ) ...

      MẪU còn dùng để chỉ con Cái, con Mái, như : MẪU KÊ 母雞 : là Con Gà Mái, MẪU TRƯ 母豬 : là con Heo Nái...

      MẪU còn dùng để chỉ những sự vật sự việc gốc, như : MẪU SỐ 母數 ( Số gốc của một Phân số ), MẪU HIỆU 母校 ( là Trường Mẹ, Trường gốc ), MẪU QUỐC 母國 ( Nước Mẹ, là Tổ Quốc ), HÀNG KHÔNG MẪU HẠM 航空母艦 (Chiến Hạm Mẹ có cả sân bay trên đó)...

      MẪU HỆ 母系 : là Theo cái hệ thống gia phả của dòng họ bên mẹ. Chế Độ Mẫu Hệ là Chế Độ lấy dòng họ Mẹ làm dòng chính.

      MẪU LÃO HỔ 母老虎 : Ta không gọi là Con Cọp Mẹ, mà gọi là Con Cọp CÁI. Từ dùng để chỉ những người đàn bà hung dữ.

      MẪU DẠ XOA 母夜叉 : Chỉ những người đàn bà xấu xa dữ dằn, cũng dùng để chỉ những người đàn bà bản lãnh nhưng hung ác.

      MẪU TẠI NHẤT TỬ HÀN, MẪU KHỨ TAM TỬ ĐƠN 母在一子寒,母去三子單 : là "Mẹ ở, thì chỉ có một đứa con bị lạnh, nhưng mẹ đi rồi, thì ba đứa đều phải chịu cô đơn lạnh lẽo." Đó là lời nói của Mẫn Tử Khiên, một trong "Nhị Thập Tứ Hiếu" mà Cụ Lý Văn Phức đã diễn nôm rất hay là :

                       Mẹ còn chịu một thân đơn,

                       Mẹ đi luống để cơ hàn cả ba!

      





               Quyển ĐỆ TỬ QUY và MẪN TỬ KHIÊN



     MẪN TỬ KHIÊN là người nước Lỗ thời Xuân Thu (770-476 TCN), là học trò của đức Khổng Tử, rất nổi tiếng vì đức hạnh hơn người. Khổng Tử từng ngợi khen ông rằng: "Mẫn Tử Khiên, thật hiếu thảo lắm!" Tích của ông có ghi trong quyển "ĐỆ TỬ QUY" do Khổng Tử biên soạn.
     Mẹ Mẫn Tử Khiên chết sớm. Cha ông đi bước nữa và sinh thêm được 2 người con trai. Ông rất kính trọng và chăm sóc cha cùng người mẹ kế, nhưng mẹ kế không thương yêu, còn thường xuyên ngược đãi ông. Mùa đông gía rét, bà ta cho 2 người em trai ông mặc áo bông dày ấm áp, còn ông chỉ được mặc mỗi chiếc áo khoác dồn bằng hoa lau vốn không cách nào giữ ấm được.

     Một ngày đông nọ, cha Tử Khiên có việc đi ra ngoài, sai ông đẩy xe. Nhưng vì rét run, tay không cầm nổi càng xe, nên để xe bị ngã. Cha ông giận, tưởng ông biếng nhác, trách mắng và lấy roi đánh ông. Lúc ấy chiếc áo khoác bị rách, hoa lau bên trong bay ra, đến khi đó người cha mới biết rằng Tử Khiên đã bị mẹ kế ngược đãi.

     Cha Tử Khiên quay về nhà, muốn đuổi người mẹ kế đi vì cho là bà ta quá tàn nhẫn. Mẫn Tử Khiên quỳ xuống cầu xin cha tha thứ cho kế mẫu. Ông bật khóc và nói: "Mẹ ở lại thì chỉ mình con chịu lạnh, nhưng nếu mẹ đi rồi, thì cả 3 đứa con đều sẽ phải cô đơn lạnh lẽo cả!". Cha ông vô cùng cảm động và nghe theo lời thỉnh cầu của ông, không đuổi người mẹ kế đi nữa. Người mẹ kế nghe ông nói thế, hết sức hối hận và cảm động. Thế là từ đó về sau bà cũng thương yêu ông như thương yêu con ruột của mình vậy.
      Có tất cả 5 chữ được ghép bởi bộ MẪU, tiêu biểu nhất là chữ :

    DỤC 毓 : Đây cũng là chữ dùng Tượng Hình để Hội Ý theo diễn tiến của chữ viết,

Ta thấy :

     Giáp Cốt Văn bên trái là hình tượng của một người đang đứng đưa mông về phía bên phải, bên phải là hình của một đứa bé lộn ngược đầu như vừa mới được sinh ra. Đến Kim Văn thì hình người bên trái được đổi thành chữ MẪU 母. Nên DỤC 毓 là Sinh Dục 生毓, là được sinh ra. Đến Tiểu Triện thì chữ TỬ 子 được nâng cao lên ngang tầm với chữ MẪU 母 và bên dưới lại có thêm 3 vạch tượng trưng cho thực phẩm của mẹ đút cho ăn. Nên DỤC là Dưỡng Dục 養毓, là Nuôi Nấng. Một hình thức khác thông dụng hơn của chữ DỤC nầy là .

        Ta thường gặp chữ DỤC 育 với hình thức thông dụng nầy hơn, như : GIÁO DỤC 教育, THỂ DỤC 體育, ĐỨC DỤC 德育, TRÍ DỤC 智育, MỸ DỤC 美育 ...



10. BỘ MỤC  :

    MỤC  : là Con MẮT. Đây cũng là chữ Tượng Hình tiêu biểu nhất của chữ Nho,

Ta thấy :

     Từ Giáp Cốt Văn cho đến Kim Văn Đại Triện đều là hình tượng tiêu biểu của con Mắt. Đến Tiểu Triện thì hình Con Mắt được xoay đứng lên cho giống chữ viết và đến Lệ Thư thì chữ MỤC 目 đã hoàn chỉnh cho đến hiện nay.

     MỤC 目 là mắt, là "Cửa sổ của Tâm hồn", là điểm thu hút nhất trên khuôn mặt, nên nghĩa phát sinh của MỤC 目 là Cái Điểm Ngắm mà ta nhắm đến, Cái hồng tâm ở trên bia bắn, từ đó ta có từ MỤC  ĐÍCH 目的, MỤC TIÊU 目標 ...

     MỤC còn là Cái Tiêu Đề giúp người ta tìm kiếm cho dễ, như: MỤC LỤC 目錄, DANH MỤC 名目, ĐIỀU MỤC 條目 ...

     MỤC Còn chỉ người đứng đầu, thủ lĩnh, như ĐẦU MỤC 頭目

     Hai người bạn thân, hai vợ chồng... bất hòa, trở nên thù nghịch nhau, ta gọi là "Trở Mặt với nhau", nhưng người Hoa gọi là "Trở Mắt nhau" với từ PHẢN MỤC 反目, và thành ngữ: PHẢN MỤC VÔ TÌNH 反目無情 : là Trở mặt nhau rồi không còn tình nghĩa nữa!

      Có tất cả 238 chữ được ghép bởi bộ MỤC 目, tiêu biểu có :

   MANH 盲 : là MÙ. Đây là chữ Hội Ý gồm có bộ VONG 亡 là Chết ở trên, MỤC là Mắt ở dưới, với ý là: CON MẮT CHẾT. Nên, MANH là Không thấy đường. Từ kép là MANH MỤC 盲目 là Mù mắt, Mù lòa.

   MANH TÒNG 盲從 : là Đi theo ai, làm theo ai một cách Mù Quáng.

   MANH ĐỘNG 盲動 : là Hành động một cách Mù Quáng. Thấy người khác làm thì làm theo mà không biết tại sao phải làm như thế.

   VĂN MANH 文盲 : là Mù về Văn tự, ta nói là Mù Chữ, là Dốt.

        Ta có các thành ngữ sau :

   MANH NHÂN MÔ TƯỢNG 盲人摸象 : Ta nói là Người Mù Sờ Voi.

   MANH MỤC TUYỂN TRẠCH 盲目選擇 : là Chọn lựa một cách Mù Quáng, nên MANH HÔN 盲婚 : là Hôn nhân mù quáng.

        Tiêu biểu cho bộ MỤC còn có chữ :

   HẠT 瞎 : là ĐUI. Cũng là chữ Hội Ý, được ghép bởi bộ MỤC 目 là Mắt ở bên trái và chữ HẠI 害 ở bên phải, với Hội Ý là CON MẮT BỊ HẠI, Nên HẠT 瞎 là Con Mắt ĐUI. Ta có từ :

   HẠT TỬ 瞎子 : là Thằng Đui.

   HẠT THUYẾT 瞎說 : là Nói Càn, nói mà không có căn cứ.

   HẠT XUY 瞎吹 : là Nói dóc mà không có căn. Dóc tổ!

   HẠT CUỒNG 瞎逛 : là Đi lòng vòng không có mục đích.

   MANH NHÂN HẠT MÃ 盲人瞎馬 : là Người thì Mù còn Ngựa thì Đui. Thành ngữ có xuất xứ từ "Thế Thuyết Tân Ngữ" của Lưu Nghĩa Khánh đời Nam Tống, khi bàn về những tình huống nguy hiểm nhất mà con người có thể gặp phải, với câu nói: "Manh nhân kỵ hạt mã, Dạ bán lâm thâm trì. 盲人騎瞎馬,夜半臨深池." Có nghĩa: "Người mù cởi ngựa đui, nửa đêm đi đến bên ao nước sâu", là tình huống vô cùng nguy hiểm, có thể chết người trong nháy mắt!


                           Người mù sờ voi 




     

                       Người mù cởi ngựa đui



11. BỘ TẬT  : Bộ này còn được đọc là NẠCH.

      TẬT  : là BỆNH. Động từ có nghĩa là Dựa Dẵm. Ta có chữ TẬT 疾 đủ nét và chữ BỆNH đủ nét như thế này 病. Từ TẬT BỆNH 疾病 là chỉ chung tất cả những Bệnh Tật mà con người mắc phải.

     Có tất cả 228 chữ thuộc bộ TẬT nầy, tiêu biểu là:

   DỊCH 疫 : Bệnh Truyền nhiễn cấp tính lây lan nhanh. Như : Ôn Dịch 瘟疫 (Dịch Tả), Thử Dịch 鼠疫 (Dịch chuột)...

   NGÂN 痕 : là Sẹo, là Thẹo. Trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu:

            Lợi đao cát nhục NGÂN dị hợp,       利刀割肉痕易合,

            Ác ngữ thương nhân hận bất tiêu.   惡語傷人恨不消。

Có nghĩa :

     Dao bén cắt sâu vào thịt, nhưng THẸO cũng dễ lành lại, còn...

     Những lời nói ác độc hạ nhục và làm tổn thương người khác, thì cái hận trong lòng người ta khó mà tiêu tan cho được!

    NGÂN 痕 còn có nghĩa là cái VỆT, cái Dấu Vết, như trong bài thơ "XUÂN OÁN" của Lưu Phương Bình đời Đường sau đây:

             紗窗日落漸黃昏,  Sa song nhựt lạc tiệm hoàng hôn,

             金屋無人見淚痕。  Kim ốc vô nhân kiến LỆ NGÂN.
             寂寞空庭春晚,  Tịch mịch không đình xuân dục vãn,

             梨花滿地不開門。  Lê hoa mãn địa bất khai môn.

   Diễn Nôm :

                      Rèm the chiều xuống buổi hoàng hôn,

                      Ai đó nhà vàng NGẤN LỆ tuôn.

                      Vắng vẻ sân vườn xuân sắp hết,

                      Hoa lê đầy đất ngẩn ngơ hồn !   

LỆ NGÂN 淚痕 : là Cái Vệt nước mắt, cái Dấu nước mắt đã khô còn lưu lại ở trên mặt.








                      Image result for 金屋無人見淚痕
                        Ai đó nhà vàng NGẤN LỆ tuôn.



    THỐNG 痛 : là Đau, Nhức. như ĐỔ THỐNG 肚痛 là Đau Bụng, ĐẦU THỐNG 頭痛 là Nhức Đầu, CỐT THỐNG 骨痛 là Nhức Xương ...

    THỐNG 痛 : là Tận tình, là Triệt để, từ ta thường gặp nhất là THỐNG KHOÁI 痛快 là Hết Cở, là Đã Thèm... Như Uống Rượu mà uống cho Thống Khoái, là Uống cho thoải mái đã thèm! Chưởi Một trận Thống Khoái là Chưởi hết cở nói , chưởi đã thèm luôn! Ta có thành ngữ: THỐNG CẢI TIỀN PHI 痛改前非 là Sửa đổi một cách Triệt Đễ những sai lầm trước đây.

     THỐNG 痛 : còn có nghĩa là Thương, như BI THỐNG 悲痛 là Buồn Thương, THỐNG HẬN 痛恨 là Thương Hận, THỐNG TÍCH 痛惜 là Thương Tiếc ... Trong Giai Thoại Văn Chương Việt Nam có một câu chuyện kể rằng .... 

          Năm 1900, nhân một người làng có cha vợ chết, Cụ Phan Bội Châu rất thương xót cho hoàn cảnh của anh ta, vì nhà đó không có con trai chống gậy tang, nên con rể phải gánh trọng trách đó, ông bèn làm giúp cho người này đôi câu đối để điếu Nhạc Trượng như sau:

             Nữ tắc viết vô, thiên lý khởi ưng vô THỐNG TÍCH;

              女  則   曰  無,  天   理  豈    應   無    痛       惜;

             Tế tuy vân bán, nhân tình  thùy khả bán ai tư. 

              婿  雖   云  半,   人    情     誰     可  半   哀  思。 

Có nghĩa :

     Có con gái thì bảo là không có con, nhưng theo lý trời thì làm sao mà không thương tiếc cho được?

     Rể tuy bảo là bằng một nửa đứa con thôi, nhưng về tình người thì ai mà có thể buồn nhớ có một nửa thôi chứ!?  

         Muốn thưởng thức được cái hay của câu đối trên, thì phải biết được ý nghĩa của 2 câu nói sau đây:

    * NHẤT NAM VIẾT HỮU, THẬP NỮ VIẾT VÔ 一男曰有,十女曰無 : Có một đứa con trai, thì nói là CÓ MỘT ĐỨA CON, còn có 10 đứa con gái thì nói là : KHÔNG CÓ ĐỨA CON NÀO! Vế đối đầu ở trên hay ở chỗ vừa Chân Thành vừa Mĩa Mai : "Con gái thì bảo là KHÔNG, nhưng Cha chết, làm sao KHÔNG thương tiếc cho được?!".

    * NỮ TẾ VÂN BÁN TỬ 女婿云半子 : Chồng của con gái thì gọi là NỬA ĐỨA CON TRAI! Nên vế đối phía dưới cũng rất hay: "Là Thằng rể, ông coi tôi là NỬA đứa con trai thôi, nhưng ông chết, tôi đâu thể buồn nhớ có một NỬA cho được?!"



        Image result for phan bội châu   




               Chân dung và bia mộ của cụ Phan Bội Châu                     


12. BỘ VÕNG  (网) :

      VÕNG  (网) : là LƯỚI. Là chữ Tượng Hình theo diễn tiến hình thành của chữ viết,
 Ta thấy :

     Từ Giáp Cốt Văn đến Kim Văn Đại Triện đều là hình vẽ đơn giản hóa của Cái Lưới, đến Tiểu Triện mới thêm phần bộ MỊCH 糸 là Sợi Tơ vào phía dưới trái, cho đến chữ LỆ thì bộ MỊCH 糸 được bỏ hẵn ra ngoài phía trái và hình thành chữ viết như ngày nay 網 .
     Có tất cả 5 hình thức của Bộ và Chữ VÕNG như sau :
                      罓,   罒,   网,   罔,   網 . 
     Ngoài VÕNG 網 ra, LA 羅 cũng là Lưới dùng để bắt chim, bắt cá, săn bắn. Ta có từ kép của Mạng Lưới là  LA VÕNG 羅網. Thành ngữ thường gặp là :
     THIÊN LA ĐỊA VÕNG  天羅地網 : Trời đất trên dưới đều có lưới bủa vây. Nhớ hồi mới mò mẫm học chữ Nho, trong Minh Tâm Bửu Giám 明心寶鑑 có câu :
                    Chủng qua đắc qua,      種瓜得瓜,
                    Chủng đậu đắc đậu.      種豆得豆.
                    Thiên võng khôi khôi,    天網恢恢,
                    Sơ nhi bất lậu !            疏而不漏!
Có nghĩa :
       Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu,
       Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà không lọt !
          Có tất cả 51 chữ được ghép bởi bộ VÕNG nầy, tiêu biểu có các chữ sau đây :
     PHẠT 罰 : Đây là chữ Hội Ý, được ghép bởi chữ LỆ 詈 là Trách Mắng và bộ ĐAO刂 là chỉ Hình Phạt nên PHẠT là Xử lý những người có tội. Từ kép là TRỪNG PHẠT 懲罰. Ta có thành ngữ THƯỞNG PHẠT PHÂN MINH 賞罰分明 : Khen thưởng và trừng phạt đều rõ ràng.

     MẠ 罵 ( 駡 ) : là Mắng, Chưởi. Từ kép là CỨU MẠ 咒罵 : Chưởi Rủa. Ta có thành ngữ MẠ THIÊN CỨU ĐỊA 罵天咒地 : là Chưởi trời rủa đất, là Mắng chưởi lung tung, cũng có ý là Than trời trách đất.

     CHỈ TANG MẠ HOÀI 指桑罵槐 : Chỉ cây dâu mà mắng cây hòe, chỉ người nầy nhưng cố ý mắng người kia, chỉ Chó nhưng mắng Mèo!



                            Image result for 指桑罵槐   





                     CHỈ TANG MẠ HOÀI 指桑罵槐  



      Tăng Quảng Hiền Văn có câu :

               Mạc ẩm mão thời tửu, hôn hôn túy đáo dậu,

                 莫   飲   卯    時   酒,  昏   昏   醉   到   酉,

               Mạc MẠ dậu thời thê, nhất dạ thụ cô thê.
                 莫  罵   酉    時   妻,  一   夜   受  孤  悽。

Có nghĩa :

     Đừng uống rượu vào giờ Mão (5-7 giờ sáng), vì sẽ bị gật gà gật gưỡng say cho đến giờ Dậu (5-7 giờ chiều). Như vậy thì suốt ngày sẽ không làm ăn gì được cả!

     Đừng MẮNG vợ vào giờ Dậu, vì mắng vợ vào giờ nầy thì vợ chồng giận nhau, nên suốt đêm sẽ chịu cô đơn lạnh lẽo, cũng "không làm ăn gì được cả!"

            Image result for 莫   飲   卯    時   酒,  昏   昏   醉   到   酉,
13. BỘ BÌ   :

      BÌ   : là DA. BÌ là chữ Hội Ý, theo diễn tiến hình thành của chữ viết,

Ta thấy :

     Theo hình tượng của Kim Văn và Đại Triện : Phần trên là chữ KHẨU 口, biểu tượng cho cái đầu thú vật; Một gạch thẳng phía dưới là Mình thú; Phần nhô lên như nửa vòng tròn bên phải là phần DA đã được lột ra; Dưới cùng bên phải là hình cái Tay. Hội Ý tất cả các phần trên lại là: Dùng tay để lột da thú nên BÌ 皮 có nghĩa là DA, là lớp bên ngoài nhất của Động vật và Thực vật. Ta có các từ :

     BIỂU BÌ 表皮 : là Lớp DA ở ngoài cùng nhất.

     THÚ BÌ  獸皮 : là DA của thú vật.

     THỌ BÌ  樹皮 : là VỎ của cây cối.

     THƯ BÌ  書皮 : là BÌA để bọc quyển sách lại.

     PHONG BÌ 封皮 : là BAO THƠ. là Cái Túi được dán kín.

     BÌ HÀI 皮鞋 : là Giày DA; BÌ CẦU 皮球 : là Trái banh DA; BÌ TIÊN皮鞭 : là Roi DA. Khi cô Kiều vừa vào đến lầu xanh, mụ Tú Bà đã phủ đầu bằng một trận ROI DA...

                    ... Phải làm cho biết phép tao,

                    Chập BÌ TIÊN rắp sấn vào ra tay!

     BÌ MAO 皮毛 : Da và Lông, chỉ bề mặt, bên ngoài.

     LƯỢC TRI BÌ MAO 略知皮毛 : Chỉ biết sơ về bề mặt bên ngoài, chưa đi sâu vào tìm hiểu bên trong. Chỉ biết sơ lược.

      TRỪU CÂN BÁT BÌ 抽筋剥皮 : là Rút Gân Lột Da; chỉ hình phạt tàn khốc ngày xưa; chỉ lòng căm thù sâu sắc, chỉ sự oán hận tột cùng.

      HẠC PHÁT KÊ BÌ 鶴髮雞皮 : Tóc trắng như lông chim hạc; da thì xù xì như da gà. Ta nói là " TÓC BẠC DA MỒI ".

        Có tất cả 18 chữ được ghép bởi bộ BÌ , tiêu biểu là chữ :

   CỔ 皷 ( 鼓 ) : là Cái Trống được bịt bằng DA Trâu từ ngàn xưa cho đến hiện nay, là một Nhạc Khí không thể thiếu trong các lễ hội dân gian của rất nhiều sắc dân của Châu Á, nhất là ở Trung Hoa và Việt Nam; Tiếng Trống Chầu không thể không có trong các buổi Tế Lễ, Hội Hè.

   CỔ 皷 (鼓) : là một chữ kết hợp vừa Tượng Hình, vừa Chỉ Sự và Hội Ý theo diễn tiến của chữ viết,


Ta thấy :

     Giáp Cốt Văn bên trái là hình cái trống được đặt trên cái gía hẵn hoi; bên phải là hình tượng của một người đang cầm vùi giơ cao để đánh trống; Hội các Ý nầy lại với nhau ta có CỔ là một Nhạc Khí được gỏ bằng dùi; Các loại trống lớn đánh lên tiếng vang như sấm, dùng để thị uy và để thúc quân, được dùng trong chiến trận, gọi là CHIẾN CỔ 戰鼓; BỀ CỔ 鼙鼓. Trong Trường Hận Ca, tả lúc An Lộc Sơn nổi loạn, Bạch Cư Dị đã viết:



             漁陽鼙鼓動地來,  Ngư Dương BỀ CỔ động địa lai,

             驚破霓裳羽衣曲.    Kinh phá Nghê Thường vũ y khúc!

Có nghĩa :

     Trống trận ở Ngư Dương rung chuyển cả mặt đất truyền đến...

     Làm kinh động vỡ tan cả khúc hát và điệu múa Nghê Thường!

                        Ầm ầm trống trận Ngư Dương,

                    Vỡ tan điệu múa Nghê Thường vũ y!

                       
         Image result for 漁陽鼙鼓動地來 驚破霓裳羽衣曲 Image result for 漁陽鼙鼓動地來 驚破霓裳羽衣曲    Image result for 漁陽鼙鼓動地來 驚破霓裳羽衣曲
            Trống trận Ngư Dương và Điệu múa Nghê Thường

   CỔ XUÝ 鼓吹 : Đánh trống thúc giục và hô hào, nên Cổ Xuý có nghĩa là Khuyến Khích, xúi giục. Người Hoa nói là CỔ LỆ 鼓勵, ta nói là CỔ VÕ 鼓舞 (hay CỔ VŨ) cũng thế.

    ĐẠI TRƯƠNG KỲ CỔ 大張旗鼓 : Mở lớn cờ và trống, ta nói là "Phất Cờ Gióng Trống."  Ý là: Bày ra trận thế lớn để Biểu dương thanh thế. Như khi cho cung nga thể nữ và mười vị tướng quân đi đón Kiều, Từ Hải đã ra lệnh cho ba quân:


                  Dựng cờ, gióng trống lên đàng,
                 Trúc tơ nổi trước, kiệu vàng theo sau.

    CHUNG CỔ LẠC CHI 鐘鼓樂之 : là Chuông trống làm vui, Chuông Trống ở đây là nhạc lễ khi cử hành hôn lễ, nên 4 chữ CHUNG CỔ LẠC CHI thường được dùng làm lời chúc cho người gả con gái, hoặc chúc cho các cô lấy chồng, theo Điển lấy trong Kinh Thi, chương Quan Thư bài thứ 5 như sau :

                    參差荇菜,     Sâm si hạnh thái,

                    左右芼之。     Tả hữu mạo chi.

                    窈窕淑女,     Yểu điệu thục nữ,

                    鐘鼓樂之。     Chung cổ lạc chi!  

Tạm diễn nôm :

                        So le rau hạnh trong ao,

                     Hai tay bẻ lấy ấp vào lòng ta.

                        Yêu kiều thục nữ như hoa,

                 Trống chuông lễ nhạc giao hòa sánh đôi.
                Image result for 鐘鼓樂之  Image result for 鐘鼓樂之  Image result for 鐘鼓樂之      
                   Yểu điệu thục nữ, Chung cổ lạc chi!  


14. BỘ SANH  : Còn đọc là SINH.

      SANH   : là SỐNG. SANH là chữ Hội Ý theo diễn tiến của chữ viết,

Ta thấy :

     Theo Giáp Cốt Văn, phần trên là hình tượng của cây cỏ mới mọc, phần dưới là mặt đất. với Hội Ý là Cây cỏ sinh sôi nẩy nở trên mặt đất nên SINH 生 là SỐNG, là Đang Sống, trái với TỬ 死 là CHẾT.

     Ngoài nghĩa SINH là SỐNG ra, SINH còn có nghĩa là được SANH RA, như SINH SẢN 生產 (được Làm ra), SINH DỤC 生育 (được Đẻ ra)...

     Chỉ tồn tại hiện hữu như SINH HOẠT 生活 (Sống động, Hoạt động), SINH TRƯỞNG 生長, SINH TỒN 生存, SINH ĐỘNG 生動 ...

     Chỉ mạng sống của người, vật, như SINH MỆNH 生命, CHÚNG SINH 眾生, VỆ SINH 衛生 (Bảo vệ cuộc sống)...

     Chỉ cả một cuộc đời người, như BÌNH SINH 平生, NHẤT SINH 一生 (Cả đời), KIM SINH 今生 (Cuộc đời nầy, Kiếp nầy). Ta nhớ lại một câu kệ trong kinh Phật là :

              Dục tri tiền thế nhân, KIM SINH thụ giả thị;

                欲  知  前   世   因,    今    生    受   者   是;

              Dục tri lai thế qủa, KIM SINH tác giả thị.

                欲  知  來  世  果,  今    生    作   者   是 .

Có nghĩa :

      Muốn biết cái nhân của kiếp trước, thì hãy xem sự thụ hưởng của KIẾP NẦY; Muốn biết cái hậu qủa của kiếp sau, thì hãy xem việc làm của KIẾP NẦY.

           Image result for 欲知來世果,今生作者是;  Image result for 欲知來世果,今生作者是;
     SINH 生 còn chỉ những hoạt động để duy trì cuộc sống, như SINH KẾ 生計 là Cái Kế sách, nghề nghiệp, việc làm để duy trì cuộc sống; SINH Ý 生意 là Làm ăn Buôn Bán.
     SINH 生 còn có nghĩa là xảy ra, là PHÁT SINH 發生, như SINH BỆNH 生病 là Mắc bệnh, là Bị Bịnh. SINH KHÍ 生氣 : Có 2 nghĩa :
               a). Không khí sống động, vui tươi.
               b). Nổi giận, Hờn dỗi.
     SINH 生 còn chỉ Cây trái còn xanh, chưa chín, chưa tinh luyện, như : SINH QỦA 生果 là Trái cây còn sống. SINH NHỤC 生肉 là Thịt chưa nấu chín. SINH THIẾT 生鐵 là Sắt Thô chưa được tinh luyện.
     SINH 生 là LẠ, Chưa Quen, như SINH KHÁCH 生客 là Người Khách Lạ, MẠCH SINH 陌生 là Lạ Hoắc, SINH SƠ 生疏 là Lạ Lẫm, ta có thành ngữ: NHÂN ĐỊA SINH SƠ 人地生疏 là Đến xứ người nên đâm ra lạ lẫm ngỡ ngàng.
      SINH 生 là Học Trò, như HỌC SINH 學生, THƯ SINH 書生, NHO SINH 儒生 ... Người được sinh ra trước Học Trò, gọi là TIÊN SINH, nên TIÊN SINH 先生 là Ông Thầy, là Cô Giáo. Trong phép lịch sự xã giao hàng ngày, thì TIÊN SINH có nghĩa là ÔNG, là NGÀI.
      SINH 生 là Vai Kép Trẻ trong hát Bội ( Bộ ), thường được gọi là TIỂU SINH 小生, Vai gìa thì gọi là LÃO SINH 老生.
      TIỂU SINH 小生 : Còn có nghĩa là Tên học trò nhỏ, như trong câu đối của quan Đốc Học ra cho chàng thư sinh cao ngạo Cao Bá Quát như sau :
      Nhĩ TIỂU SINH hà xứ đắc lai, cảm thuyết Trình Chu sự nghiệp ?
        爾   小     生   何  處  得   來, 敢    說       程     朱   事    業?
Có nghĩa :
      Ngươi là tên Học Trò Nhỏ ở đâu đến đây, mà dám nói đến sự nghiệp của Trình Y Xuyên và Chu Hy chứ?!
       Thấy giọng điệu sấc láo của quan Đốc Học, Cao Bá Quát đã đối lại với thái độ cũng không kém phần sấc láo :
       Ngã quân tử kiến cơ nhi tác, dục vi Nghiêu Thuấn quân dân!
         我   君   子   見   機  而   作, 欲  為    堯       舜     君      民  !
Có nghĩa :
       Ta là người quân tử tùy thời cơ mà làm, muốn cho vua và dân  đều như ở dưới thời Nghiêu Thuấn! 
                         Cao Bá Quát                                       
                Image result for 程伊川 朱子
             Trình Y Xuyên  Chu Hy 
      Cuối cùng SINH 生 cũng là một trong Bách Gia Tính (trăm họ): Họ SINH. Như SINH DỤNG HÒA 生用和 tri huyện huyện Đồng Hương tỉnh Chiết Giang đời Minh. SINH TÁC MAI 生作梅 là danh y đời Khang Hy, nổi tiếng với thuốc cao tiếp xương cốt bị gãy.
      Có tất cả 9 chữ được ghép bởi bộ SINH 生, tiêu biểu là chữ :
     SẢN 産 : là Làm ra, Trồng ra, như SẢN XUẤT 產出(người Hoa gọi là XUẤT SẢN 出產 hay SINH SẢN 生產).
     SẢN 産 : là Sinh ra, Đẻ ra. SẢN KHOA 產科 :là Khoa Sinh Đẻ; SẢN PHỤ 產婦 : là Đàn bà Đẻ.
     SẢN 産 : là Tài vật, Của cải, như GIA SẢN 家產; ĐIỀN SẢN 田產; TÀI SẢN 財產; SẢN NGHIỆP 產業 ...
15. BỘ THẠCH  :
      THẠCH  : là ĐÁ. THẠCH là chữ dung Tượng Hình để Chỉ Sự theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :
     Giáp Cốt Văn bên phải như hình gốc đá từ một vách núi, bên trái là Kim Văn Đại Triện lại giống như hình một cục đá tách rời ra từ vách núi. Nên THẠCH 石 là Đá của Núi.
     THẠCH 石 còn là đơn vị đo lường ngày xưa : Cứ 10 đấu (táo)  thì vào một THẠCH. Ngày xưa, phát lương cũng tính theo đơn vị nầy, như chức Lang Trung ở Việt Nam ta ngày xưa lãnh mỗi năm được tới 2.000 (hai ngàn) THẠCH lương thực, theo câu đối của Trạng Nguyên Nguyễn Hiền (thế kỷ XIII) mà ta thường gọi là Trạng Hiền, sinh năm 1235 tại làng Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực. Nhưng có người lại cho là của Trạng Vũ Công Duệ (1468-1522), người làng Trình Xá, tỉnh Sơn Tây. Vũ Công Duệ 22 tuổi đã đỗ Trạng Nguyên làm quan đến chức Đô Ngự Sử cuối đời nhà Lê. Trạng tính khí rất cương trực khiến các quan văn võ đều nể sợ. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, Trạng cương quyết không theo phe nghịch thần, còn mắng chửi Mạc Đăng Dung thậm tệ rồi ôm ấn nhảy xuống cửa Thần Phù tự tử mà chết.
      Thuở nhỏ Công Duệ nhà rất nghèo, một hôm cùng mấy bạn đồng lớp trên đường đi học, Công Duệ lấy đất sét nặn thành con voi, bắt bốn con cua làm chân, bắt hai con bướm làm tai, bắt một con đỉa làm vòi. Thành ra con voi bằng đất sét biết đi, biết vẫy tai và co vòi lên xuống.
      Lúc đó một vị quan đang cưỡi ngựa đi qua thấy lạ liền dừng ngựa lại xem. Sau khi hỏi Công Duệ một vài câu, thấy Công Duệ đối đáp trôi chảy chứng tỏ là một đứa bé có học và thông minh nên vị quan muốn thử tài mới bảo:
- Mày đã đi học rồi, vậy ta ra cho câu đối,nếu mày đối được ta sẽ thưởng tiền cho.
     Công Duệ đồng ý và vị quan ra câu đối như sau:
- Đồng tử lục thất nhân, vô như nhĩ xảo.
     童   子  六  七     人,  無  如   爾   巧;
      (Trẻ nít sáu bảy đứa, không ai khéo hơn mày )
Trước khi đối, Công Duệ hỏi vị quan:
- Thế ông là gì đã?
      Vị quan trả lời:
-Ta là Lang Trung, mỗi năm lãnh hai ngàn THẠCH lúa.
      Quan nói xong, Công Duệ liền ứng khẩu đối:
-Lang Trung nhị thiên THẠCH, mạc nhược công...
    郎    中     二    千      石,     莫     若      公 ....!
     (Quan Lang Trung hai ngàn thạch, không ai bằng ông...)
     Nghe Công Duệ đối như thế, vị quan ngạc nhiên mới hỏi :
-Tại sao mày đối thiếu một chữ?
     Cậu bé Công Duệ mỉm cười, trả lời một cách  hóm hỉnh:
- Còn một chữ nữa tôi để dành, hễ quan lớn thưởng tiền thật thì tôi đối là "Liêm 廉 ", bằng không thì tôi đối là "Tham 貪".
     Vị quan nghe nói phải phục tài, bèn móc túi thưởng tiền cho cậu bé Công Duệ để lấy được chữ "Liêm", nên câu đối thành:
        Lang Trung nhị thiên THẠCH, mạc nhược công liêm!
          郎     中     二    千       石,    莫     若      公     廉!
(Lang Trung hai ngàn thạch, không ai thanh liêm bằng ông).
             

                 Trạng   Nguyễn Hiền  


                  và   Vũ Công Duệ  
     THẠCH 石 còn là đơn vị đo diện tích tương đương với Mẫu: Hữu nhị THẠCH điền 有二石田 : là Có 2 MẪU ruộng.
     THẠCH 石 còn là dụng cụ châm cứu để trị bệnh ngày xưa, nên từ kép Thuốc Men gọi là DƯỢC THẠCH 藥石.
     THẠCH CAO 石膏 : khoáng chất thường dùng có công thức ký hiệu là : CaSO4·2H2O . Dùng trong nghệ thuật điêu khắc đắp tượng, trong kiến trúc, trong Y dược ...
     THẠCH BI 石碑 là Bia Đá; THẠCH CỔ 石鼓 là Cái Trống bằng Đá; THẠCH CUNG 石弓 là Cây cung dùng để bắn Đá; THẠCH ĐẦU 石頭 là Cục Đá; THẠCH ĐẦU KÝ 石頭記 là Tên riêng của Hồng Lâu Mộng; quyển tiểu thuyết nổi tiếng của Tào Tuyết Cần đời Minh Thanh.
     THẠCH TRẦM ĐẠI HẢI 石沉大海 : là Đá chìm biển lớn; ta nói là " Đá chìm đáy biển " Chỉ việc gì đó bặt vô âm tín, lặng thinh luôn, chìm lĩm không có tin tức hồi âm gì cả !
    THÂN MẠO THỈ THẠCH 身冒矢石 : là Thân mình mạo hiễm trong vòng tên đá. Ta nói là " Đem thân vào vòng lửa đạn ". Khi biết được tin của cô Kiều, Kim Trọng đã muốn treo ấn từ quan để :
                      Dấn mình trong án can qua,
                   Vào sinh ra tử họa là thấy nhau!

    KIM THẠCH CHI NGÔN 金石之言 : là Những lời Vàng Đá. Những lời nói chắc chắn không hề phai như Vàng và vững chắc như Đá. Cũng trong lúc trở lại tìm Kiều, Kim Trọng đã bày tỏ nỗi lòng với ông bà viên ngoại :
                       Cùng nhau thề thốt đã nhiều,
                Những điều VÀNG ĐÁ phải điều nói không!
     HẢI KHÔ THẠCH LẠN 海枯石爛 : là " Biển cạn đá mòn " hay " Sông cạn đá mòn " hoặc " Bể cạn non mòn "... đều như nhau. Khi lén đến Quan Âm Các để thăm Kiều, Thúc Sinh đã than thở với nàng như sau :
                       Dẫu rằng SÔNG CẠN ĐÁ MÒN,
                  Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ !
      THẠCH 石 cũng là một Họ trong Bách gia tính, làm ta nhớ đến thằng "Cẩu tạp chủng" Thạch Trung Ngọc và Thạch Phá Thiên trong Hiệp Khách Hành 俠客行 của nhà văn Kim Dung hồi thập niên 60 của Thế kỷ trước. Hiệp Khách Hành 俠客行 là tựa của một bài thơ Ngụ Ngôn Cổ Phong của Thi Tiên LÝ BẠCH được Kim Dung chẳng những lấy tựa bài thơ làm tựa cho quyển tiểu thuyết võ hiệp của mình mà còn lấy cả nội dung của bài thơ giảng giải như là một Bí Kíp Võ Công, nhưng lại rất thú vị và mĩa mai, vì chỉ có người "dốt" như "Cẩu tạp chủng Thạch Phá Thiên mới "ngộ" được cái tuyệt kỹ võ công nầy qua những nét viết "khoa đẩu" của hình con nòng nọc mà thôi!  
     Image result for 俠客行 Image result for 俠客行 
    Tiểu Thuyết,   Phim Truyện 


                         và Bài thơ HIỆP KHÁCH HÀNH
 
        Có tất cả 327 chữ được ghép bởi bộ THẠCH 石, tiêu biểu có chữ :
      NGHIÊN 研 : là Nghiền (trên cối đá), nên NGHIÊN CỨU 研究 : là Nghiền ngẫm một cách Thấu đáo vấn đề gì đó.
      MA 磨 : là Mài, là Cọ Sát, gọi là MA SÁT 摩擦. Tăng Quảng Hiền Văn có câu :
                  MA đao hận bất lợi, Đao lợi thương nhân chỉ;
                   磨  刀   恨   不   利, 刀   利    傷     人     指;
                  Cầu tài hận bất đa, Tài đa hại tự kỷ!
                   求   財   恨   不  多, 財 多  害  自  己!
Có nghĩa :
     Mài dao thì sợ dao không bén, nhưng dao bén thì dễ đứt tay;
     Cầu tài thì lo không được nhiều, nhưng tiền nhiều thì dễ có hại cho bản thân mình. ( Đâm ra ăn chơi đàng điếm, cờ bạc phóng đảng, hoặc bị kẻ xấu dòm ngó cướp bóc...)
      Chữ MA 磨 lại làm cho ta nhớ đến 2 câu thơ cuối trong bài thơ CẢM HOÀI Mài Kiếm Dưới Trăng của Thi sĩ Danh Tướng ĐẶNG DUNG đời Trần là:
              國讎未報頭先白,    Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
              幾度龍泉帶月磨 !   Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt MA!
Có nghĩa:
     Thù nước chưa trả xong mà đầu đà bạc trắng cả rồi,
     Đã mấy lần mài kiếm Long Tuyền dưới trăng ( mà có được dùng đến đâu!)
         


                   Đặng Dung và bài thơ Cảm Hoài

 16. BỘ THỈ  :

       THỈ   : là Mũi TÊN. THỈ thuộc chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết,

Ta thấy :

     Giáp Cốt Văn, Kim Văn, Đại Triện đều là hình tượng của một Mũi Tên vừa bắn ra khỏi cung. Nên THỈ 矢 là Mũi Tên, mà Mũi Tên thì luôn Đi Thẳng một đường không đổi hướng, nên THỈ cũng có nghĩa là Thẳng một lèo không thay đổi, như :

     THỈ CHÍ BẤT CẢI 矢志不改 : Giữ vững chí hướng quyết không đổi dời. Lời thề nguyền, lời ước hẹn, mãi mãi vẫn không thay đổi !
     THỈ 矢 là TÊN làm bằng cây. Còn TIỄN 箭 là TÊN làm bằng tre.

     HỒ 弧 là CUNG làm bằng cây; Còn CUNG 弓 được uốn bằng tre.

Nên :

       CUNG TIỄN là Cung Tên, mà HỒ THỈ cũng là Cung Tên nữa!

     HỒ 弧 là Cung thường được làm bằng cành cây Dâu tằm ăn, gọi là cây TANG 桑, nên gọi là TANG HỒ 桑弧. Còn THỈ 矢 là Tên thường được làm bằng xương sống của cỏ Bồng 蓬, gọi là BỒNG THỈ 蓬矢, nên ta có thành ngữ TANG HỒ BỒNG THỈ 桑弧蓬矢. Ta hay nói thành TANG BỒNG HỒ THỈ hay HỒ THỈ TANG BỒNG gì cũng thế. Ngày xưa  sanh con trai thì khi làm lễ tế cáo trời đất tổ tiên, người cha mới dùng Cung bằng cành Dâu và Tên bằng cỏ Bồng bắn ra bốn phương tám hướng Đông Tây Nam Bắc, ý là muốn cho con trai sau nầy lớn lên có chí hướng vẫy vùng và lập nghiệp ở khắp bốn phương, ta gọi đó là Chí Tang Bồng Hồ Thỉ, nghĩa là có chí lớn. Trong bản nhạc Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ, nhạc sĩ Minh Kỳ Hoài Linh đã viết :

                  Tám hướng bốn phương trời mây ...

                  Thôi nhé, anh đi từ đây!...

       Cụ Nguyễn Công Trứ mở đầu cho bài hát nói "Nợ Nam Nhi" của mình bằng 2 câu :

                   Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái
                   Cái công danh là cái nợ lần
!

               


                      TANG HỒ BỒNG THỈ 


    THỈ TẬN BINH CÙNG 矢盡兵窮 : là Tên hết lính cũng không còn. Chỉ sự quyết tâm chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhiều đơn vị của quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu đến THỈ TẬN BINH CÙNG mới chịu buông xuôi.

    THÂN ĐƯƠNG THỈ THẠCH 身當矢石 : là Lấy thân mình mà đương cự lại tên đá. Bây giờ thì ta nói là " Trong vòng Lửa Đạn ", còn ngày xưa thì chỉ có " Tên và Đá " mà thôi. Khi bị Hồ Tôn Hiến lừa, Từ Hải thất trận, chết đứng ở cửa thành. Lúc loạn quân dắt Thuý Kiều tới thì chỉ thấy :

                       Trong vòng TÊN ĐÁ bời bời,
                   Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ !
      Có tất cả 17 chữ được ghép bởi bộ THỈ 矢 nầy, tiêu biểu có :

   TRI 知 : là Hiểu, là Biết. Như TRI THỨC 知識 là Sự Hiểu biết. THÔNG TRI 通知 là Thông báo cho biết. ÔN CỐ TRI TÂN 温故知新 là Ôn lại truyện cũ để biết được truyện mới.

   TRI 知 còn chỉ do Cảm giác mà Ý thức được, như TRI GIÁC 知覺, LƯƠNG TRI 良知 ....

   TRI 知 là người quen biết, thân thiết, như CỐ TRI 故知 là Người quen biết cũ, là Bạn Cũ. TRI ÂM TRI KỶ 知音知己 là Người bạn hiểu mình nhất, thân thiết nhất. TRI ÂM do tích của Bá Nha và Tử Kỳ mà ra; còn TRI KỶ là do tích Dương Giốc Ai và Tả Bá Đào mà ra. (Mời đọc bài "Năm Mùi Nói Chuyện Dê" của Đỗ Chiêu Đức sẽ rõ).

       Image result for 羊角哀和左伯桃 
       Image result for 羊角哀和左伯桃
        TRI ÂM TRI KỶ   知音知己

       Tiêu biểu cho bộ THỈ còn có chữ :

    CỦ 矩 : là Cây Thước Vuông Góc (carpenter’s square) Hồi nhỏ đi học trong trường gọi là cái Ê-Ke (carré de charpentier). Không có CỦ 矩 thì không kẻ được Góc Vuông, và sẽ không vẽ được Hình Vuông, Hình Chữ Nhật. Sẵn nhắc luôn chữ :

    QUY 規 : là Dụng cụ dùng để kẻ Đường Tròn (compasses). Là cái Com-pa (Le compas). Không có QUY 規 thì không kẻ được đường tròn, và vẽ Vòng Tròn sẽ dễ bị méo mó.

       Không có CỦ 矩 thì vẽ không VUÔNG, không có QUY 規 thì kẻ không TRÒN nên...

     QUY CỦ 規矩 : là Những nguyên tắc, những quy định, những nề nếp bắt buộc phải tuân hành, nếu làm sai thì sẽ không ra làm sao cả! QUY CỦ là Phép tắc mà ta phải tuân theo.
       





           Nên...

      Tổ chức, cơ quan, hội đoàn nào cũng có cái QUY CỦ riêng của mình. Cái QUY CỦ đó thường được viết thành một Bảng NỘI QUY của riêng tổ chức cơ quan hay hội đoàn đó, mà tất cả những thành viên đều phải nghiêm chỉnh chấp hành.



    Như thường lệ...

       Trước khi kết thúc bài viết nầy, xin mời tất cả cùng đoán một chữ cho vui :

                Thử tự duy tứ bút,              此字唯四筆,

                Vô hoành vô trực khúc.       無橫無直曲。

                Hoàng đế kiến khởi thân,     皇帝見起身,

                Thánh nhân hành lễ phục.    聖人行禮伏。

Có nghĩa :

              Chữ nầy chỉ có 4 nét bút,

              Không ngang không dọc không uốn khúc.

              Hoàng đế trông thấy đứng dậy chào,

              Thánh nhân cúi mình làm lễ chúc.

      Bốn câu trên gợi ý để đoán một chữ đã có đề cập ở các bài viết trước, mời tất cả cùng ra tay !



      Hẹn bài viết tới, các bộ 5 nét : Tiếp theo và hết.
                  Đỗ Chiêu Đức

Mời xem :Chữ Nho Dễ Hoc....Mà Học Không Dễ - Đỗ Chiêu Đức (Bài 16)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét