10 thg 8, 2021

TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 3 (Đỗ Chiêu Đức sưu tầm và diễn dịch)


TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 3 

 

 

                       
             Lộ diêu tri mã lực ,  Sự cữu kiến nhân tâm.


       LỘ DIÊU : Lộ là Đường, Diêu là Xa. LỘ DIÊU là Đường Xa. Vế nầy còn một dị bản nữa mà người Việt ta hay nói là: TRƯỜNG ĐỒ tri mã lực. Trường là Dài, Đồ là Đường. TRƯỜNG ĐỒ là Đường Dài. ĐƯỜNG DÀI và ĐƯỜNG XA nghĩa cũng tương cận như nhau mà thôi.
       MÃ LỰC: là Sức Ngựa. Ngựa là con vật được thuần hóa và sống gần gũi gắn bó với con người sớm nhất, trong tất cả các mặt vận chuyển, sản xuất, nhất là trong việc đi lại, giao thông. Từ xưa đã không thể thiếu bóng con ngựa, nên chi, ông cha ta mới lấy cái SỨC NGỰA làm tiêu chuẩn cho tốc độ giao thông, vì thế mà ta có xe SONG MÃ, TỨ MÃ... Ngựa càng nhiều thì MÃ LỰC càng mạnh càng nhanh càng dai.


   NGHĨA CẢ CÂU :
             Đường có xa có dài thì mới biết được sức ngựa có nhanh có bền hay không, Cũng như việc gì cũng phải cần có thời gian lâu dài mới thấy được lòng người như thế nào. (Tốt hay xấu, thiện hay ác). Câu nầy rất thường được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, để khuyên người khác chớ quá vội tin hoặc đánh giá ai tốt ai xấu trong buổi đầu gặp gỡ. Thời gian sẽ là Ông Thầy soi sáng tất cả! 

 

 

                     
      Lưỡng nhân nhất ban tâm, hữu tiền kham mãi câm (kim),
                    
         Nhất nhân nhất ban tâm, vô tiền kham mãi châm.


      NHẤT BAN: Khi là Mạo từ thì có nghĩa: Một số, Một nhóm. Vd: Nhất Ban Nhân  般 人  là Một Số người, Một nhóm người. Khi là Hình Dung Từ thì có nghĩa là Bình Thường. Vd : Ngận Nhất Ban :  có nghĩa là Rất Bình Thường. Trong Câu nói trên, NHẤT BAN có nghĩa là: Giống Nhau, Như Nhau, Cùng Một Thứ.
       KHAM : là Chịu đựng được, Chấp nhận được, Có thể được.

       CÂM : là Âm đọc trại của chữ KIM là Vàng, hoặc KIM là hiện nay, Vd: như CỔ KIM 古 今 đọc thành Cổ Câm, cho Nó Ăn Vận.


      NGHĨA CẢ CÂU :
            Hai người cùng một lòng, thì có tiền có thể mua vàng được. Còn mỗi người một lòng dạ riêng biệt, thì sẽ không có được tiền để mà mua cây kim nữa! Ý Câu nầy nói: Khi Hai Vợ chồng, hai Anh em, hai Người bạn... cùng chung lòng chung sức nhau để làm ăn, thì sẽ kiếm được nhiều tiền có thể mua vàng được. Còn như mỗi người một lòng dạ khác nhau, nghịch mười hai, không chịu hợp tác làm ăn, thì sẽ không có được tiền để mà mua cây kim nữa! Trong tiếng Việt ta cũng có câu nói tương đương là: Đồng vợ đồng chồng tác bể Đông cũng cạn!

 

 

                      
           Tương kiến dị đắc hảo, Cữu trú nan vi nhân.


     ĐẮC : là Được, DỊ ĐẮC là Dễ Được, Dễ dàng mà có được.
     TRÚ : là Ở. CỮU TRÚ là Ở Lâu, Nán lại lâu ngày.
     VI : là Làm. VI NHÂN là Làm Người. NAN VI NHÂN có 2 nghĩa tùy cách ngắt câu :
          1. NAN -  VI NHÂN : là Khó mà làm người, khó cư xử.
          2. NAN VI -  NHÂN : là Làm khó người ta, làm khó dễ người khác.


    NGHĨA CẢ CÂU :
           Gặp lại nhau (tay bắt mặt mừng) dễ tốt với nhau lắm, nhiệt tình lắm! Nhưng , nếu cùng ở chung với nhau lâu ngày thì sẽ rất khó làm người, mà cũng làm khó cho người nữa. 
           Hai người bạn thân lâu ngày gặp lại, nhất là ở trên đất Mỹ nầy, tha hương ngộ cố tri, vui biết bao nhiêu, rồi... người nầy mời người kia về ở chung nhà, rồi... ở chung lâu ngày đâm ra nhàm chán nhau, người nầy chỉ trích khuyết điểm của người kia, người kia phê bình thói xấu của người nầy, rồi... người nầy mát mẻ người kia, người kia xóc hông người nọ, thậm chí cải vả gấu ó nhau, rồi... chia tay nhau và không thèm nhìn mặt nhau nữa! Rồi.... và rồi... chưa nói đến chuyện là còn có một người đàn bà thứ 3 trong nhà nữa nhé!!!
            Cho nên, bạn bè thân thiết gặp nhau, tay bắt mặt mừng, cà phê cà pháo, hay chén chú chén anh xong là... ai về nhà nấy cho chắc ăn. Ngày xưa, khi còn là thanh niên, Ba tôi cũng thường nhắc nhở tôi câu nầy: " Bạn bè, đồng học ngày xưa tuy thân thiết đó, nhưng "Tương kiến (thì) dị đắc hảo, (còn) Cữu trú (sẽ) nan vi nhân" đó, nhớ nhen con!!!

 

 

                  
        Mã hành vô lực giai nhân xú, Nhân bất phong lưu chỉ vị bần.


         GIAI : là Đều. NHÂN : là Vì, Do. GIAI NHÂN : là Đều do, Đều vì. Khác với GIAI NHÂN 佳人 là Người đẹp.
         XÚ : là Ốm, là Gầy.
         PHONG LƯU: là Sự lưu động của gió làm cho mát mẻ dễ chịu, nên PHONG LƯU là Cái phong thái dễ mến, cái thái độ phóng khoáng, dễ chịu. Con người phong lưu: là con người có tác phong cởi mở, không gò bó, "chịu chơi", nên người ta cứ lầm tưởng là Con người ăn chơi. Cuộc sống phong lưu: là Cuộc sống dễ chịu, thoải mái, nên người ta cứ cho là cuộc sống giàu sang.
         BẦN : là nghèo. Bần Cùng là Nghèo khó.


 NGHĨA CẢ CÂU :
           Ngựa chạy không có sức, chạy không nổi đều do ngựa ốm yếu, còn con người không tỏ ra phong lưu được cũng chỉ vì nghèo mà thôi. Con ngựa thiếu ăn, ốm nhom ốm nhách làm sao chạy mau cho được?! Con người cũng thế, nghèo túng chạy lo ba bửa ăn còn khó, thì làm sao tỏ ra phong lưu thoải mái cho đựợc. Van tội bất ư "nghèo" mà! Nghèo là cái  "Tội" nặng nhất mà con người phải gánh chịu!

 

 

                     
          Nhiêu nhân bất thị si hán, Si hán bất hội nhiêu nhân.


      NHIÊU : là Tha Thứ, không chấp nê. Vd : Nhiêu dung.
      SI : là U mê, là Ngớ ngẩn, là Không ra gì, là Ngốc nghếch. Trong câu SI HÁN là Người đàn ông Khùng điên, ngốc nghếch. SI còn có nghĩa là MÊ MẨN. Vd : SI TÌNH là Mê mẩn vì tình.
      BẤT HỘI : là Không biết, Không có khả năng.


 NGHĨA CẢ CÂU :
           Không chấp nê, biết tha thứ cho người khác, thì đâu phải là người khùng điên gì, Vì nếu là người khùng điên chả ra gì thì sẽ không biết nhiêu dung tha thứ. Ở đời, nhiều khi tốt quá, nhân từ quá, rộng rãi quá... cũng bị người khác cho là "đồ điên"! 

 

 

                        
            Thị thân bất thị thân, Phi thân khước thị thân.


      THÂN : Tính từ là Thân thiết, Thân mật.
                 Danh từ là Người Thân thích ruột rà.
      KHƯỚC : là Liên từ có nghĩa là LẠI, MÀ LẠI.


 NGHĨA CỦA CÂU :
            Là người thân mà không phải là người thân. Không phải là người thân mà lại là người thân. Trong cuộc đời thường có nhiều cảnh tréo ngoe như thế. Bà con thân thích đó, nhưng vì một lý do nào đó, nên không có qua lại, rồi trở nên lạnh nhạt nhau như người dưng. Còn có nhiều người dưng nước lả, nhưng lại gần gũi qua lại, chăm lo săn sóc nhau như là người thân với nhau vậy. Đây là chuyện rất thường thấy trong cuộc sống hằng ngày!

 

 

                  
          Mỹ bất mỹ, hương trung thủy, thân bất thân, cố hương nhân.


        HƯƠNG TRUNG THỦY : là Dòng nước trong quê hương, tức là Dòng Sông của Quê Hương đó.


 NGHĨA CỦA CÂU :
            Đẹp hay không đẹp, thì cũng là dòng sông của quê hương, Thân hay không thân thì cũng là người của cố hương mà! Câu nói nầy rất thực tế và phù hợp với những người đang kiều cư ở nước ngoài. Dòng sông quê hương có thể không đẹp bằng sông Danube, sông Seine... nhưng nó luôn luôn rất đẹp trong lòng người xa quê, vì... nó là Dòng Sông Quê Hương! Con người cũng vậy, đang đi trên đường phố ở Mỹ, ở Úc, ở Pháp, ở Ý, ở Đức... mà gặp được một người VN, tự dưng ta cũng thấy thân thiện hơn, mặc dù trước đó chưa hề quen biết, vì đó là "Cố Hương Nhân" mà!

 

 

                
       Oanh hoa do phạ xuân quang lão, Khởi khả giáo nhân uổng độ xuân. 
                 
      Tương phùng bất ẩm không qui khứ, Động khẩu đào hoa dã tiếu nhân.

 

              OANH HOA : là Chim Hoàng oanh và Hoa cỏ.
              DO PHẠ : là Còn sợ, còn e.
              XUÂN QUANG : là Quang cảnh của mùa xuân.
              KHỞI KHẢ : là Làm sao mà có thể...
              GIÁO NHÂN : là Bảo người ta, Làm cho người ta.
              UỔNG ĐỘ : là Sống một cách oan uổng, lãng phí.
              KHÔNG QUY KHỨ : là Đi về không không có làm gì cả.


  NGHĨA BÀI THƠ TRÊN :
             Chim Hoàng oanh và Hoa cỏ còn lo sợ rằng mùa xuân sẽ già đi (nên tranh thủ hót và nở rộ trước khi xuân tàn), thì con người làm sao có thể dửng dưng mà để cho mùa xuân đi qua một cách oan uổng đáng tiếc thế kia. Cho nên, gặp nhau đây mà lại đi về không, không uống với nhau một ly nào, thì hoa đào trước cửa động cũng cười nhạo rằng sao con người lại vô tâm với mùa xuân đến như thế!?
            Trong quang cảnh của mùa xuân, bạn bè gặp gỡ nhau mà mời rượu nhau như thế nầy, thì dù không biết uống cũng phải ráng mà nhắm mắt ực đại một ly, để cho "Động khẩu đào hoa" khỏi phải "tiếu nhân" chứ nhỉ !!!

 

                  便 .
         Hồng phấn giai nhân hưu tiện lão, Phong lưu lãng tử mạc giáo bần.


               HỒNG PHẤN GIAI NHÂN : là Người đẹp mặt hoa da phấn.
               HƯU : là Nghỉ ngơi. Ở đây là Phó từ có nghĩa là: Đừng.
               MẠC GIÁO :  là Đừng để cho, đừng làm cho.


  NGHĨA 2 CÂU TRÊN :
            Người đẹp mặt hoa da phấn thì đừng để cho phải già cỗi bình thường (già sẽ hết đẹp đi), Cũng như kẻ lãng tử phong lưu thì đừng để cho phải nghèo (nghèo thì làm sao còn phong lưu cho được!) Đây là một ước vọng rất chân thành và thực tế, muốn cho người đẹp sẽ đẹp mãi và kẻ phong lưu lãng tử luôn luôn được "phong lưu" chớ không phải vướng cảnh túng nghèo! Ta cũng thường nghe câu: "Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu" là thế! (Bất Hứa là : KHÔNG CHO. nên câu trên có nghĩa là: Từ xưa đến nay, người đẹp cũng như là những Tướng giỏi, thường không để cho người đời thấy mình đầu bạc. Vì... Đầu Bạc thì người đẹp sẽ hết đẹp, và Tướng giỏi sẽ hết... gân, hết giỏi nữa!)


Còn tiếp


Đỗ Chiêu Đức

🌸🌸🌸🌸🌸


Mời Xem :TĂNG QUẢNG HIÊN VĂN 2


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét