Stephen Hawking trên máy bay không trọng lực Wikipedia
Stephen Hawking, một trong những khoa học gia nổi tiếng nhất thế giới đương đại, được nhiều người trong giới chuyên môn coi như một siêu nhân, được các phương tiện truyền thông xếp vào hàng những thiên tài bất tử như Einstein, Newton, Galileo… Nhà bác học ngay từ thời thanh niên đã bị mắc một căn bệnh hiểm nghèo, khiến ông dần dần liệt toàn thân, chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn. Làm thế nào Stephan Hawking có thể làm việc trong điều kiện này ? Hawking có thực sự thiên tài ?
Trong công chúng phổ biến một niềm tin cho rằng
nhà bác học người Anh Stephen Hawking, sinh năm 1942, người kế nhiệm vị
trí của thiên tài Isaac Newton tại đại học Cambdrige, là hiện thân cho
sức sáng tạo phi thường của một bộ óc đơn độc, bất chấp tình trạng tật
nguyền của cơ thể, hoạt động không ngừng nghỉ để giải mã các bí ẩn lớn
của vũ trụ, viết sách phổ biến khoa học,
Giới nghiên cứu ghi nhận Hawking là tác giả của
một số công trình vật lý lý thuyết quan trọng, như lý thuyết kỳ dị hấp
dẫn và lý thuyết về hố đen phát ra bức xạ (được mệnh danh là « bức xạ Hawking »).
Stephen Hawking cũng được coi là người đi đầu trong việc khởi xướng cho
hướng nghiên cứu vũ trụ học có tham vọng thống nhất thuyết tương đối
tổng quát với cơ học lượng tử.
Nhà khoa học tàn tật tài danh Stephen Hawking
hoạt động như thế nào trong cuộc sống đời thường ? Đó là chủ đề của cuốn
sách do nhà xã hội học Pháp Hélène Mialet thực hiện. Công trình được in
bằng tiếng Anh năm 2012, bản tiếng Pháp vừa được ấn hành đầu năm nay.
Nhân dịp này, chương trình tạp chí Khoa học « Autour de la question » của RFI có cuộc tọa đàm cùng tác giả.
Mượn từ các nhà dân tộc học các công cụ nghiên
cứu và phân tích, Helène Mialet đã tiến hành một cuộc điều tra nhiều năm
để tìm hiểu về nhà bác học Stephen Hawking trong các hoạt động khoa học
thường ngày và tìm cách lý giải quá trình tạo dựng nên huyền thoại
Hawking.
Những phần « cơ thể nối dài » của Hawking
Năm 1962, chàng thanh niên Stephan Hawking xuất
chúng được bác sĩ chẩn đoán teo cơ bên và chỉ có hy vọng sống thêm hai
năm. Cho dù không hứng phải lưỡi hái của thần chết, nhưng kể từ đó,
chứng liệt dần dần chi phối gần như toàn bộ thân thể nhà bác học. Cho
đến năm 1985, sau một trận viêm phổi thập tử nhất sinh, khả năng phát âm
ít ỏi còn lại của ông cũng mất hẳn. Làm thế nào Stephan Hawking có thể
làm việc trong điều kiện này ? Nhà xã hội học Hélène Mialet mô tả :
« Nhờ một phần mềm tin học của Woltosz, ông
mới có thể giao tiếp, bằng cách lựa các chữ trên máy tính, để đặt thành
câu, và một giọng nói nhân tạo được lập trình để truyền đạt những điều
ông muốn diễn tả. Ngược hẳn lại với những gì nhiều người vẫn tin rằng
Hawking là một tinh thần thuần túy, là hiện thân cho một cá nhân hoạt
động độc lập, nghiên cứu mà tôi thực hiện cho thấy vai trò rất quan
trọng của máy móc, của các trợ lý, của các sinh viên, của tất cả những
người sống xung quanh ông, đã cho phép ông ấy tạo ra được các lý thuyết,
cho phép ông ấy giao tiếp, đặc biệt với giao tiếp thông qua điệu bộ cơ
thể. Khi các sinh viên, các trợ lý hỏi ông ấy một điều gì, ông đáp lại
bằng cách nhướn lông mày để biểu thị thái độ phủ nhận hay đồng ý. Các
trợ lý là những người thường xuyên làm công việc ‘‘phiên dịch’’ những
điều ông ấy muốn ‘‘nói’’ và sau đó chuyển những nội dung này thành những
hình thức cụ thể. Sau đó, những biểu hiện này được coi là của Stephen
Hawking. Câu hỏi khiến tôi quan tâm ở đây là thiên tài từ đâu mà tới,
những hành động được thực hiện là do ai, do ông ấy hay do những người
khác ? Trên thực tế, những người khác đã làm thay ông ấy rất nhiều ».
Trả lời câu hỏi của RFI, phải chăng bản thân
Hawking cũng tham gia vào việc tạo dựng nên huyền thoại về việc bộ não
ông hoàn toàn chủ động, hoàn toàn tự do.
« Hoàn toàn đúng như vậy. Đây là một khía
cạnh khác mà tôi muốn thể hiện trong cuốn sách. Stephen Hawking tham gia
như thế nào vào việc tạo thành huyền thoại về chính mình bằng việc biểu
lộ hay không biểu lộ sự tàn tật của mình. Và truyền thông đã tái sử
dụng điều này như thế nào, đặt lại các phát ngôn của ông ấy vào các bối
cảnh khác như thế nào, diễn giải lại các phát ngôn ấy như thế nào.
Ông ấy đã xây dựng cho mình những hình ảnh
của một thiên tài. Ở đây có một vấn đề trước đây không được đặt ra, mà
tôi cố gắng đề cập đến, cụ thể là : Chính ông ấy là người có ý tưởng,
rồi sau đó những người khác phiên dịch lại, hay là những người khác làm
rất nhiều thứ, đem lại cho ông ấy nhiều thứ (ví dụ như ông ấy được đọc
những gì người ta mang đến, tiếp thu chúng và sử dụng chúng theo ý mình)
? Ở đây có việc Stephen Hawking chú tâm vào việc tạo ra danh tiếng cho
mình. Nhưng thực ra đây cũng là cách làm việc của nhiều nhà khoa học
khác, và việc ông làm cũng không phải là một ngoại lệ ».
Trong cuốn « Đi tìm con người Stephen Hawking », Hélène Mialet đưa ra nhiều ví dụ cụ thể về các hoạt động mà tác giả gọi là « phần cánh tay nối dài »
của Hawking, tức các máy móc và tập thể con người xung quanh ông (bao
gồm các sinh viên, các trợ lý, y tá, những người túc trực 24 giờ/24 giờ
để chăm sóc và bảo đảm an toàn sinh mạng của nhà bác học). Thư ký riêng
lo việc tổ chức, hành chính và trợ lý nghiên cứu sinh được trường đai
học tài trợ để « giúp giáo sư khắc phục thể trạng khuyết tật »
trong những lần ông phải đi giảng dạy hay làm công vụ khác. Theo tác
giả, nhiều quan sát cho thấy Hawking vừa là người chỉ đạo, một cái
nhướng mày, một nụ cười của ông ấy trở thành mệnh lệnh, nhưng ngược lại,
các trợ lý và máy móc cũng giải thích các cử chỉ của ông tùy theo cách
hiểu của mình. Có khi họ giải thích đúng, có lúc giải thích sai, cũng có
khi bổ sung vào những khoảng lặng của ông là những hành động theo luận
giải của riêng họ… Những gì được coi là hành động của Hawking đều được
thực hiện thông qua thế giới trợ lý của ông.
Tuy nhiên, dù bại liệt toàn thân và không nói
được từ ba mươi năm nay, nhưng theo mô tả của nhà xã hội học, Hawking
hoàn toàn không phải là một con người thụ động. Tác giả cuốn sách chỉ ra
vài ví dụ : Tự Hawking chọn lựa người y tá nào sẽ đi cùng mình trên máy
bay, trả đũa một ai mà ông ghét bằng cách nghiến lên chân người đó bằng
chiếc xe lăn của ông, để cho sinh viên thông báo một công ty đang xây
dựng một phần mềm tiếng Anh giọng Anh để thay thế tiếng Anh giọng Mỹ mà
ông vẫn hay dùng (dù đó không phải là sự thực), hay chọc cười các nhà
báo và công chúng mỗi khi có dịp, sử dụng ngay cả sự chậm trễ trong phản
ứng của ông để gây cười…
« Những cộng sự thân cận nhất »
Nhà xã hội học Hélène Mialet đặc biệt chú ý đến quan hệ giữa Hawking và các sinh viên. Hawking dành rất nhiều thời gian để « đối thoại
» với sinh viên, tất nhiên là thông qua máy tính. Giống như nhiều nhà
giáo-nhà khoa học khác, Hawking có một mối quan hệ hợp tác hết sức mật
thiết với sinh viên, « các cộng tác viên thân cận nhất » như điều mà ông thường nhắc. Gần như không ngày nào mà Hawking không « làm việc
» với một nghiên cứu sinh. Mỗi khóa học nhà vật lý thiên văn nhận hướng
dẫn một nghiên cứu sinh, để ông liên tục có nghiên cứu sinh bên cạnh
mình. Người mà ông nhận thường là sinh viên xuất sắc nhất ngành toán
trong số hàng trăm sinh viên xuất sắc trên toàn thế giới. Để được phép
làm việc với người thừa kế Isaac Newton nghiên cứu sinh phải lọt qua ba
vòng thi tuyển
Nhiều cựu nghiên cứu sinh kể lại khi bắt đầu làm
việc với Stephen Hawking, ngay lập tức họ phải đối mặt với những vấn đề
hết sức phức tạp, như thể bị « thả vào giữa rừng hoang với bầy dã thú ». Một sinh viên cho biết « ông
ấy đã yêu cầu tôi thực hiện một công việc phi phàm, chính vì thế mà tôi
đã không hoàn thành và phần lớn các sinh viên của ông đều phải làm việc
như điên, về các vấn đề cơ bản, mà về nguyên tắc phải dành cho các nhà
nghiên cứu có tay nghề. Stephen yêu cầu chúng tôi thích ứng với các vấn
đề căn bản này các ý tưởng của ông và cách tư duy của ông ». Ví dụ như tất cả các sinh viên đều phải đọc cùng một cuốn « Hấp dẫn lượng tử Euclide»
của ông và người đồng nghiệp Gary Gibbon, để có cùng một cơ sở chung.
Để rồi sau đó, mỗi người được giao một hướng riêng hoàn toàn khác với
những người đồng môn, nhưng đều là những gì tiếp nối các nghiên cứu sinh
đi trước. Công việc của các nghiên cứu sinh là rút ra các hệ quả, thẩm
định các phát hiện hay các ý tưởng của Hawking.
Bị liệt toàn thân Hawking không thể tự mình làm
toán, phần việc này ông hoàn toàn ủy thác cho các sinh viên. Theo mô tả
của một cựu sinh viên, nhà vật lý lý thuyết chỉ đưa ra một ý tưởng mang
tính trực giác, các sinh viên có trách nhiệm thực hiện toàn bộ phần mô
tả toán học. Khi có một cuộc trao đổi với Hawking, người sinh viên phải
có một thái độ vô cùng kiên nhẫn, vì người hướng dẫn trả lời vô cùng
chậm chạp, không những do sự tàn tật, mà Hawking có thái độ hết sức tỉ
mỉ trong việc chọn từ, « ông ấy chọn ít từ nhất có thể » và vì
vậy những câu trả lời của Hawking trở nên bí hiểm. Một phần vì các lý
thuyết mà ông làm việc chưa được xác định rõ ràng, nên Hawking cũng
không thể đi vào chi tiết…
Bất chấp nhiều bất lợi khi làm việc với người
thầy tàn tật, thậm chí có khi tên mình không được ghi trong bài viết,
rất nhiều nghiên cứu sinh cảm thấy thỏa mãn khi được đào tạo với
Hawking, bởi họ tin rằng chắc chắn sẽ được làm việc với những gì « rất độc đáo », « rất thú vị», chứ không phải là tái chế một thứ gì đó, hay thêm thắt vào một thứ gì đó để thành cái của mình…
Tác giả cuộc nghiên cứu về hoạt động khoa học
thường ngày của nhà bác học lừng danh thế giới đặt câu hỏi : « Hawking »
thực sự là nhà nghiên cứu lớn hay chỉ là sản phẩm của những phần cơ thể
và tinh thần nối dài mà ông « điều hành » ?
Không thể làm toán, vì tay liệt, Stephan Hawking
chỉ còn cách duy nhất để tiếp tục con đường nghiên cứu vật lý thiên văn,
đó là sử dụng các đồ hình (diagramme), mà sự thể hiện đơn giản hơn
nhiều so với làm tính, nhưng lại không kém phần hiệu quả. Sự chuyển
hướng nghiên cứu để thích nghi với tình trạng bệnh tật này được nhiều
nhà nghiên cứu ca ngợi như một quyết định hết sức thông minh và dũng
cảm. Tuy nhiên, Hawking cũng không thể trực tiếp vẽ được các đồ hình.
Kết quả là các nghiên cứu sinh của ông đã làm toàn bộ công việc tính
toán và vẽ. Bản thân Stephen Hawking đã học hỏi được rất nhiều từ các
sinh viên của ông.
Đâu là đóng góp thực của Hawking ?
Trả lời RFI về vai trò của Stephen Hawking trong các phát kiến khoa học, nhà vật lý Jean-Marc Lévy-Leblond nhận xét :
« Trên thực tế, có hẳn một tập đoàn (khoa
học) Hawking. Xung quanh ông ta có cả một cỗ máy xã hội không thể tin
được, với các y tá, các nhà truyền thông… Không thể nói đây là một tập
đoàn vụ lợi có mưu đồ quyền lực. Huyền thoại tự nổi lên. Rồi một khi đã
phát triển rồi, thì nó phát tán và tự phát triển.
Rõ ràng là hiện nay, người ta cần đến những
huyền thoại như vậy, không chỉ trong khoa học, mà trong mọi lãnh vực.
Hình tượng Einstein đã đóng vai trò như vậy trong một thời gian dài,
hiện nay đã mất đi phần nào sức hấp dẫn. Hiện nay, người ta có xu hướng
nhận ra ông ấy dù là thật tuyệt vời, nhưng cũng chỉ là một người bình
thường như mọi người khác, với các giới hạn, khuyết điểm, thậm chí thói
tật. Và như vậy người ta cần đến một hình tượng hiện đại hơn. Người ta
lại càng cần hơn đến một huyền thoại cá nhân, khi mà thực tế lao động
khoa học cụ thể ngày càng ít tương ứng với các hoạt động cá nhân hơn là
một hiện thực mang tính tập thể trên quy mô lớn. Ví dụ như việc phát
hiện ra hạt Higgs đã cần đến sự tham gia của cả ngàn nhà nghiên cứu, con
số lớn hơn rất nhiều so với điều ta tưởng. Những huyền thoại như
Einstein trước kia, hay Hawking hiện nay phần nào có thể ví với hiện
tượng cái cây cá nhân che lấp khu rừng tập thể ».
Về nhận định này, nhà xã hội học Hélène Mialet
cho rằng có một sự giằng co giữa vai trò cá nhân với tập thể, đây chính
là điều bà muốn làm nổi rõ trong cuốn sách. Điều mà tác giả quan tâm
thông qua nghiên cứu về tập thể Hawking chính là tìm cách để trả lời cho
câu hỏi : những nhà khoa học hiện đại tạo ra « sự thật (khoa học) » như
thế nào ?
Điều có thể rút ra từ một nghiên cứu như thế này
là ngược hẳn với quan niệm thông thường cho rằng một cá nhân đơn độc có
thể làm được công việc khai mở các quy luật bí ẩn của vũ trụ. Thông qua
trường hợp Hawking, có thể thấy một điều thú vị là, không phải vì
Hawking không có một cơ thể bình thường, mà tất cả được coi là đến từ
cái đầu của ông. Ngược lại, chính vì không có được một cơ thể bình
thường, mà ông đã ủy nhiệm toàn bộ công việc cho xung quanh, cho máy
móc, cho các nhân viên, sinh viên…Chính vì thế mà chúng ta thấy được rõ
ràng hơn những gì được thực hiện nhân danh Hawking, do những « cánh tay », « cơ thể nối dài » của ông, khiến ông có thể làm được muôn việc, suy nghĩ, viết lách, thuyết trình…
Truyền thông đẻ ra huyền thoại
Cũng trong công trình nghiên cứu nói trên, nhà xã
hội học đã dành một chương để mô tả việc truyền thông, báo chí và điện
ảnh, hợp sức quảng bá cho hình ảnh của Stephen Hawking – một « nhà khoa học hoàn hảo », một « bộ não của tư duy thuần túy », « không giọng nói », « một cỗ máy », « một thiên thần
», bằng cách gạt hẳn sang một bên các hoạt động cộng tác, hỗ trợ với
sinh viên, với nhân viên, mà thiếu chúng, Hawking đã không thể thành
công, đặc biệt sau khi ông trở thành nạn nhân của một căn bệnh hết sức
hiểm nghèo, như chúng ta biết ở phần trên.
Trong khi nhiều nhà chuyên môn cho rằng, không có
lý gì để tôn sùng Stephen Hawking đến mức như một thiên tài, như người
kế tục Newton hay Einstein, khi các lý thuyết của ông chưa hề được kiểm
chứng bằng thực tế, thì trạng thái bệnh tật của Hawking đã được truyền
thông « khai thác như một lợi thế », « như nguồn gốc của sự sáng tạo và năng lực làm việc phi thường
». Được giải phóng khỏi những quan tâm đời thường và trần thế, nhà khoa
học có thể hiến mình hoàn toàn cho tư duy. Người ta so sánh Hawking với
một Mozart soạn giao hưởng trong đầu, một phóng viên thêm vào nhận xét «
ai từng thấy những đường đẳng thức toán học phức tạp phủ lên tấm bảng đen như một bản nhạc, sẽ cảm nhận được so sánh này
». Người ta hình dung trong đầu Hawking là tất cả những bộ não lớn nhất
hợp lại, trên nền của một thân thể nhỏ xíu, gần như không tồn tại. Đôi
mắt của ông trở thành biểu tượng của chính thiên tài của ông. Đẩy xa hơn
nữa, truyền thông ví ông với một « lỗ đen », đối tượng nghiên
cứu của nhà khoa học, khi cho rằng chính Hawking đã cảm nhận được sự
giãn ra của thời gian. Nhiều tâm sự, chia sẻ trước kia của Hawking bị
cắt gọt để chỉ còn lại những phần nào có thể làm nên sự tôn vinh hết mực
hình ảnh của nhà khoa học tài năng tật nguyền.
Hawking : Khi tỏ, khi mờ
Một trong những phần mang lại một cảm giác lạ lùng trong cuốn « Đi tìm Hawking »
của nhà xã hội học Pháp nói về cuộc làm việc trực tiếp với Hawking, mà
Hélène Mialet phải chờ đợi hai năm mới thực hiện được. Cuộc gặp gỡ đã
mang lại cho nhà nghiên cứu một cảm nhận bất ngờ : càng xa nhân vật,
hình ảnh về ông trong trí tưởng tượng càng rõ nét (như những gì mà các
phương tiện truyền thông xây dựng), thì khi có cơ hội được tiếp cận ông
thực sự, hình ảnh về ông trở nên mờ đi : một con người tàn tật bằng
xương bằng thịt, khuôn mặt gần như bất động, cuộc « đối thoại »
kéo dài đến mức khó tin, mọi đối thoại với khách đều thông qua một
tiếng nói nhân tạo đưa người đối diện vào trạng thái phân thân, bất cứ
trục trặc nhỏ nào của hệ thống máy móc cũng gây khó khăn, bất cứ bất ổn
nào trên cơ thể cũng cần sự can thiệp của các y tá, nhân viên…
Cuốn khảo cứu của nhà xã hội học Pháp về huyền
thoại vật lý thiên văn học Anh không làm công việc lật đổ huyền thoại,
như bà nhiều lần khẳng định. Mục tiêu thuật dựng những gì diễn ra trong
các hoạt động khoa học hàng ngày của Hawking cùng các cộng sự lột tả các
nỗ lực xây dựng một huyền thoại Hawking, từ phía truyền thông và từ
chính nhà khoa học, của Hélène Mialet không nhằm hạ bệ thần tượng (như
chỉ trích của dư luận nhiều nơi, đặc biệt ở nước Anh), mà quan trọng hơn
là thông qua việc tìm hiểu những gì thực sự diễn ra trong tập thể
Hawking, mà soi tỏ đời sống của một cộng đồng khoa học đương đại. Trong
hoạt động khoa học, bên cạnh những công việc mà ở đó phương tiện và công
cụ, sự hỗ trợ và cộng tác của cả một tập thể hay các mạng lưới rộng lớn
là điều tối quan trọng, nhà khoa học tiên phong nào chẳng phải đối diện
với nỗi cô đơn, với thế giới tưởng tượng của chính mình ? Cuối cuốn
sách, rất nhiều bí ẩn liên quan đến nhà khoa học tài năng tàn tật kiên
cường theo đuổi mục tiêu đến cùng, cùng với « công ty » của ông
và những nghiệp vụ quảng bá thần tượng, đã được vén mở, nhưng rất nhiều
bí ẩn khác vẫn còn nguyên. Chia tay với độc giả, sau khi để trí tưởng
tượng đón trước ngày Hawking qua đời, những di vật của nhà bác học đều
có nơi có chốn, nhà xã hội học một lần nữa thốt lên : « ta không thể ngăn mình sửng sốt : hỡi Hawking, ông đang ở đâu ? ».
Trong một cuộc tọa đàm do đài France Culture tổ chức đầu tháng 7 (trong chương trình mang tên « Lao động khoa học là gì ? Trường hợp Hawking »), với sự tham gia của tác giả cuốn « Đi tìm Stephen Hawking »,
hai nhà thiên văn học Pháp Marc Lachieze Rey và André Brahic (không kể
những nhìn nhận riêng của mỗi người về chuyên môn) cùng chia sẻ niềm
ngưỡng mộ trước người đồng nghiệp tàn tật, con người đầy cá tính, quyết
theo đuổi khát vọng làm khoa học đến cùng, cũng như quyết định chuyển
hướng kịp thời của ông. Nhắc đến Hawking, một nhà khoa học dấn thân, hay
huyền thoại về ông, cũng là dịp để nhắc đến truyền thống khoa học đích
thực xuyên qua các thời đại, dịp để đối diện với những thói tật của nền
khoa học đương đại, những hạn chế cần vượt qua để đưa ánh sáng khoa học
đến nhiều hơn với xã hội.
—
Hélène Mialet, tác giả cuốn « A la recherche de Stephen Hawking » (Đi tìm con người Stephen Hawking) (nxb Odile Jacob, 2014) (bản gốc tiếng Anh : « Hawking Incorporated: Stephen Hawking and the Anthropology of the Knowing Subject »,
2012) từng làm việc tại Viện Pasteur, đại học Cambridge, đại học
Oxford, viện Max Planck Berlin và đại học Cornell New York, rồi Harvard.
Hiện tại, Hélène Mialet giảng dạy tại khoa Sciences Studies, đại học
California, Berkeley. Tác giả cuốn « Đi tìm con người Stephen Hawking
» được đào tạo về xã hội học, triết học và nhân học. Đối tượng nghiên
cứu chính của bà là sáng tạo khoa học, mối quan hệ con người- máy móc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét