Nhân ngày Nước Thế giới 22 tháng 3, Liên Minh Cứu Sông Mekong cùng các đối tác xã hội dân sự tại Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam ra bản tuyên bố nhằm tiếp tục bày tỏ quan ngại đối với dòng sông Mekong và các cộng đồng đang sinh sống dựa vào dòng sông này.
Loạt 11 dự án thủy điện lớn trên dòng chính sông Mekong cùng với hơn 100 con đập được lên kế hoạch xây dựng ở các dòng nhánh đang gây nên mối nguy lớn đối với hệ sinh thái và tính bền vững của kinh tế.
Bản tuyên bố cũng nhắc đến việc thiếu sự tham gia của công chúng, thiếu minh bạch, cũng như trách nhiệm giải trình. Điển hình là việc xây dựng đập Xayaburi và Don Sahong trên dòng chính hạ nguồn sông Mê kông hiện đã gần hoàn tất, nhưng các thông tin đầy đủ về các dự án này vẫn chưa được công bố, bất chấp các đề nghị liên tiếp từ cộng đồng, tổ chức xã hội dân sự và các bên liên quan khác.
Ngoài ra, bản tuyên bố cũng yêu cầu chính quyền các nước hạ nguồn sông Mekong và Ủy hội sông Mekong phải đảm bảo rằng các dự án xây dựng đập trên sông Mekong phải tuân thủ các nghiên cứu đánh giá về mặt tổn thất cũng như những đánh đổi trước khi ra quyết định xây dựng.
Bản tuyên bố cũng đưa ra nghi ngờ về sự cần thiết của việc phát triển các dự án thủy điện có tác động tiêu cực này trên lưu vực sông Mekong với lý do nhằm đảm bảo năng lượng và nhu cầu phát triển của khu vực.
Bên cạnh đó, những đề xuất mua bán điện từ thủy điện không thể triển khai mà không tính đến thực tế rằng các giải pháp an toàn và trách nhiệm giải trình đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng còn thiếu.
Bản tuyên bố cho rằng khu vực sông Mekong cần có tư duy lãnh đạo và tầm nhìn giúp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong khi vẫn bảo tồn được nguồn thủy sản giàu có của khu vực và nguồn nước, là những nguồn tài nguyên quan trọng để giảm nghèo và phát triển vì các thế hệ hiện tại và tương lai.
Liên Hiệp Quốc ước tính đến năm 2025, sẽ có khoảng 5 tỷ người trên thế giới sẽ phải chịu tình trạng thiếu nước, trong đó 74% số này là người sống ở Châu Á.
Sự khan hiếm nước sạch sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất lương thực và nông dân Châu Á hiện cho biết đang gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nước sạch.
Ngoài ra, Châu Á cũng là một trong những khu vực đối mặt với nguy cơ lũ lụt và những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão tố.
Ngân hàng Phát triển Châu Á ước tính rằng cần đầu tư ít nhất 59 tỷ đôla Mỹ cho cơ sở hạ tầng về nước và 71 tỷ đôla Mỹ để cải thiện vệ sinh nhằm đảm bảo cho những nhu cầu cơ bản ở Châu Á.
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét