Nhìn vẻ mặt rầu rĩ, lo lắng của vợ chồng bạn, tôi sực nhớ những bài học đầu đời. Mà “thầy giáo” có phải ai xa lạ đâu, chính là người nhớn, người thân trong gia đình. Vậy mà thấm mà bền lâu, cực kỳ có ích trong cuộc sống sau này.
Hồi xưa, thày (bố) tôi luôn nhắc khi nhà có trẻ con phải hết sức thận trọng chuyện nước sôi, củi lửa. Đừng xách siêu nước sôi đi qua chỗ đông người, nhất là chỗ có trẻ con, bởi chúng hiếu động có thể nhào ra mà ta không tránh kịp. Phích nước sôi hoặc nồi canh nóng phải để xa tầm tay với của trẻ, vào chỗ thật chắc chắn, bởi trẻ có thế với lên làm đổ, ụp xuống người thì khổ. Có một lần, thấy bà xã nấu xong nồi canh mùng tơi, bắc ra để vào bàn ăn nhưng gần mép bàn, tôi nhớ tới lời dạy của tiền nhân và nhắc nhở. Bà xã cười, dào, nhà mình tinh người lớn, làm sao phải sợ. Đúng sau đó, đứa cháu họ nhà bên cạnh chạy ù vào, với tay ngay sát nồi canh. May người lớn chặn lại kịp. Cả nhà thở phào, hú vía.
Đồ thủy tinh cũng vậy, để xa trẻ, tránh chỗ trẻ hay chơi, chúng có thể làm rơi làm vỡ, mảnh sắc nhọn sẽ cứa vào chân tay chúng.
Có những điều chả bao giờ chúng ta nghĩ tới nhưng ít nhất cũng phải dè chừng với ai đó một lần. Thày tôi thường dặn nhớ nhắc nhở trẻ con đừng ngậm đũa, ngậm tăm, que nhọn, không may lúc chạy nhảy mà ngã sẽ bị đâm vào cổ, rất nguy hiểm.
Hồi tôi còn bé, nhà nghèo, quần áo chỉ bộ nghiêm bộ nghỉ. Nhớ có buổi trưa, tôi lấy vội bộ đồ đang phơi trên dây ngoài sân nắng vào định mặc ngay để kịp giờ đi học. Thày tôi ngăn lại, bảo quần áo đang nóng, cả chăn mền cũng vậy, mặc vào hoặc đắp vào người rất độc, dễ bị ốm (bệnh). Nhiều người bị cảm nắng là do vậy. Cụ khuyên lấy cái quạt nan quạt cho nguội rồi hãy mặc. Giờ nhìn tủ áo của ông con giai, quần áo chất đống, sực nhớ ngày xưa. Nó sẽ không rơi vào hoàn cảnh như mình nhưng những bài học đầu đời thì cứ nên truyền lại.
Nguyễn Thông
(Bài đăng trên báo Thanh Niên, chủ nhật 25.2.2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét