22 thg 3, 2018

Tia Sáng Rọi Vào Quá Khứ Bị Lãng Quên (kỳ 1/2) - TC.DA MÀU



LTS: Bài viết này của Tíến Sĩ WILHELM G SOLHEIM II, Giáo Sư Nhân Chủng Học Đại Học Hawaii, đăng lần đầu tiên trên tạp chí National Geographic, Vol. 139, No. 3, tháng 3 năm 1971
 
clip_image002 Hình 1: Trống đồng Đông Sơn
Trong thập niên qua, cả thế giới đang hướng sự chý ý về vùng Đông Nam Á là vì cuộc chiến đang diễn ra tại đây. Những hoạt động quân sự ào ạt đã lấn át các khám phá mới đầy thú vị liên quan đến lịch sử và con người tiền sử từng sinh sống tại vùng này. Tuy nhiên, về lâu về dài thì những khám phá này sẽ có ảnh hưởng sâu đậm hơn hẳn các hoạt động quân sự vừa nói, đặc biệt về khía cạnh khảo cổ học – theo cách chúng tôi nghĩ về vùng này và con người sống tại đó, cũng như về lối suy nghĩ của chính họ.
Thậm chí các khám phá này cũng ảnh hưởng đến vị thế của người phương Tây và vai trò của họ trong sự tiến hoá của văn hoá thế giới. Các chỉ dấu rõ ràng và hùng hồn đang trỗi dậy cho thấy những bước đầu tiên của nền văn minh nhân loại hẳn đã bắt nguồn từ vùng Đông Nam Á.
Người vùng nào biết trồng lúa và đúc đồng đầu tiên?
Các nhà sử học Châu Âu và Châu Mỹ thường đưa ra lý thuyết cho rằng nền văn minh đầu tiên xuất phát tại Vùng Khuyết Phì Nhiêu (Fertile Crescent) ở Cận Đông, hoặc trên vùng đồi hai bên sườn của vùng này. Đã từ lâu chúng ta cứ tin rằng, ngay tại đó loài người nguyên thuỷ đã phát triển nghề nông, biết làm đồ gốm và đồ đồng. Cả ngành khảo cổ học cũng cho rằng tin như vậy là đúng, một phần vì tại Vùng Khuyết này các nhà khảo cổ đã đào được vô số những di vật.
Tuy nhiên, nay các khám phá tại vùng Đông Nam Á (ĐNÁ) bắt chúng ta phải tái xét lối suy nghĩ và niềm tin cũ. Các di vật đào được và phân tích trong vòng năm năm qua cho thấy người ở vùng này đã biết trồng trọt, làm đồ gốm, đúc đồng và sử dụng đồ đồng sớm hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Bằng chứng là những khai quật tại các địa điểm khảo cổ trong vùng đông bắc và tây bắc Thái Lan, cùng với các cuộc đào bới tại Đài Loan, miền Bắc và Nam Việt Nam, cũng như tại các vùng khác của Thái Lan, Mã Lai, và Phi Luật Tân, kể cả tại miền bắc Úc Đại Lợi.
clip_image004hình 2: đồ đồng được đúc bằng khuôn đôi
Các vật dụng được tìm thấy và định tuổi niên đại qua Carbon 14 là những vết tích văn hoá của người sống trong vùng có tổ tiên đã biết trồng trọt và chế tạo đồ đồng và đồ gốm hàng ngàn năm trước các dân tộc ở các vùng khác như Cận Đông, Ấn Độ, hay Tàu.
Tại một địa điểm khảo cổ ở bắc Thái Lan, đồ đồng được đúc bằng khuôn đôi (hình 2) rất lâu trước năm 2300 trước công nguyên (tcn) – Chắc chắn các vật này xuất hiện sớm hơn các vật dụng tìm thấy tại Ấn Độ hay Tàu, và cũng có thể sớm hơn những món đồ đồng đầu tiên tìm thấy tại vùng Cận Đông; nơi mà cho đến bây giờ các chuyên gia vẫn còn tin rằng nghề kim loại đồng khởi phát từ đó.
Có người có thể đặt câu hỏi: Nếu vai trò của vùng ĐNÁ quan trọng như vậy, tại sao đến mãi hôm nay người ta mới biết?
Có nhiều cách giải thích, nhưng lý do đơn giản nhất là trước 1950 rất ít nghiên cứu về khảo cổ về vùng này. Thậm chí đến hôm nay, việc nghiên mới vừa bắt đầu. Các viên chức trong chính quyền thực dân không hề đặt nặng việc nghiên cứu về thời kỳ tiền sử của vùng này, và có vài người làm nghiên cứu thì chuyên môn họ không cao. Trước thập kỷ 1950, không có một báo cáo nào chính thức được chấp nhận dựa theo tiêu chuẩn hiện hành.
Thứ đến, những gì tìm thấy do khám phá đều được diễn dịch rằng đó là cái ngọn của dòng chảy văn hoá hướng về đông hay nam. Nền văn minh, theo họ, bắt nguồn từ vùng Cận Đông, phát triển mạnh mẽ tại Mesopotamia và Ai-cập, sau đó đến Hy-lạp và rồi La-mã. Giòng chảy này lan đến Ấn-độ rồi Tàu. Vùng Đông Nam Á, tính từ điểm xuất phát, là ngọn của dòng chảy đó.
Người Châu Âu tìm thấy các nền văn minh tiên tiến phát xuất tại Ấn-độ và Tàu. Khi họ thấy lối kiến trúc và nếp sống trưởng giả tại các nước này tương tự như những gì tìm thấy tại vùng ĐNÁ thì họ lại cho rằng vùng ĐNÁ chịu ảnh hưởng của Ấn và Tàu. Thậm chí họ đặt tên cho vùng ĐNÁ là Ấn-Tàu – phản ảnh rõ nét về quan niệm đó.
Dân di cư và “Các Đợt Sóng Văn Hoá”
Với mục đích nghiên cứu về thời tiền sử, việc khảo cứu vùng Đông Nam Á cần sự mở rộng tầm nhìn đến các nền văn hoá khác. Tôi sử dụng cách nói, Thời Tiền Sử Vùng Đông Nam Á, là có ý nhắc đến hai phần. Phần đầu là “toàn vùng Đông Nam Á” chạy dài từ dãy núi Ch’in Ling, phía bắc sông Yangtze bên Tàu, sang đến Tân-gia-ba, và cả vùng biến Nam Hải, sang phía tây đến Burna (Mymmar/Miến Điện) đến tận Assam. Phần hai là “Ốc đảo Đông Nam Á” bao gồm quần đảo Andaman, nam Burma, vòng qua Taiwan, kể cả Indonesia (Nam Dương) và Philippines (Phi-luật-tân) (Vui lòng xem phụ bản về Á Châu Các Dân Tộc trong toàn vùng ĐNÁ đính kèm theo bài này)
Năm 1932, Robert Heine-Geldern, nhà nghiên cứu nhân chủng học người Áo cho xuất bản tập đề cương về thời tiền sử Vùng Đông Nam Á. Trong đó ông đưa ra một loạt các “đợt sóng văn hoá” –tức là những đợt di dân – của các dân tộc chính đang sinh sống hiện nay tại vùng Đông Nam Á.
Theo ông, đợt di dân quan trọng nhất là những người biết chế dụng cụ bằng đá hình chữ nhật, gọi là “rìu” – từ vùng bắc nước Tàu xuống ĐNÁ, và sau đó tản mát đến bán đảo Mã Lai, vùng Sumatra và Java, rồi Borneo, Phi Luật Tân, Đại Loan, và Nhật.
Về sau, Heine-Geldern bắt gặp đồ đồng khai quật ở ĐNA, lại cho rằng nguồn gốc của Thời Đồ Đồng ở ĐNÁ là từ miền Đông Âu du nhập sang khoảng 1000 năm trước công nguyên. Ông cho rằng những người này di dân theo hướng tiến sang đông và đi xuống nam, vào nước Tàu trong thời Tây Chu (1122-771 tcn). Họ mang theo kiến thức về đồ đồng lẫn hình thái nghệ thuật mới. Nhờ đó họ mới biết trang hoàng trên đồ đồng những hình kỷ hà, hình xoắn ốc, tam giác, và hình chữ nhật cùng các bức hình về người và thú.
clip_image005 Hình 3: Trống đồng Đông Sơn clip_image007 Hình 4: Tác phẩm nghệ thuật bằng đồng ở Đông Sơn
Khi áp dụng vào trường hợp ở ĐNÁ, cả Heine-Geldern lẫn Bernhard Karlgren, một học giả người Thuỵ Sĩ đều gọi đây là văn hoá Đông Sơn; cách đặt tên này dựa theo một địa điểm tại Bắc Việt Nam có tên là Đông Sơn, nằm về phía nam của Hà Nội, nơi có các trống đồng thật lớn (hình 3) và các di tích nghệ thuật khác (hình 4) được tìm thấy do khai quật. Hai vị này cho rằng người Đông Sơn đã mang kỹ thuật đúc đồng và nghệ thuật hình kỷ hà vào vùng ĐNÁ (hình 1).
Các nhà nghiên cứu về tiền sử phần lớn đi theo lối tái tạo lịch sử kiểu truyền thống, dầu vậy có nhiều sự kiện không khớp nhau. Một số nhà thực vật học nghiên cứu về nguồn gốc của các cây trồng thì cho rằng vùng ĐNÁ, chẳng hạn, từng là trung tâm điểm của các loại cây trồng từ rất sớm.
Năm 1952 Carl Sauer, nhà nghiên cứu về địa lý, đi một bước xa hơn. Ông đặt giả thuyết rằng những loại cây trồng đầu tiên trên thế giới xuất hiện tại vùng ĐNÁ. Ông nghĩ rằng việc trồng cây do các người sinh sống tại chỗ thực hiện rất sớm, trước cả thời kỳ Đông Sơn. Đó là người Hoà Bình. Lúc ấy các nhà khảo cổ đều không để tâm đến lý thuyết của Sauer.
Đê Điều thêm vào yếu tố Khẩn cấp
Sự hiện hữu của văn hoá Hoà Bình được đề cập đến vào thập kỷ 1920 là do nhà thực vật học người Pháp, bà Madeleine Colani, sau trở thành nhà cổ sinh vật học và khảo cổ học. Bà dựa trên các di vật được đào lên tại nhiều hang động và các địa điểm nhà đá tại Bắc Việt Nam, và nơi gần nhất là làng Hoà Bình.
Các di vật nghệ thuật tiêu biểu tìm thấy tại các địa điểm này gồm có những vật dùng bằng đá phiến hình bầu dục, tròn và hình tam giác thô sơ được gọt phẳng một bên, còn mặt kia thì giữ nguyên hình dáng. Trong hầu hết các địa điểm khai quật, có nhiều vật bằng đá mài cùng với các món bằng đá phiến như vậy. Ở tầng khai quật cao hơn, thường là đồ gốm và một vài dụng cụ bằng đá trông hơi khác, công phu với cạnh bén. Xương súc vật và khá lớn vỏ sò cũng được tìm thấy tại các nơi ấy.
Các nhà khảo cổ nghĩ rằng chỉ là một sự ngẫu nhiên mà các món đồ gốm kể trên được tìm thấy cạnh các dụng cụ ở Hoà Bình. Họ cho rằng đồ gốm đã được các người sống gần khu vực có trình độ văn minh hơn chế tạo. Có thể họ là các nhà nông di cư từ miền bắc xuống. Các nhà khảo cổ còn nghĩ rằng cạnh đá mài của các dụng cụ bằng đá cũng là do học hỏi từ những người ở ngoài. Vậy mà không có nơi nào ở vùng phía bắc có những thứ dụng cụ này.
Năm 1963 tôi tổ chức một cuộc thám hiểm liên hợp của Khoa Mỹ Thuật tại Thái Lan và Đại Học Hawaii để thực hiện cuộc khảo cứu cổ vật tại các vùng sẽ bị lụt do phong trào xây đập mới trên sông Mê-kông và các phụ lưu. Điểm xuất phát là vùng bắc Thái Lan, nơi các đập đầu tiên được xây.
Không có cuộc nghiên cứu có hệ thống nào được thực hiện trước đó để tìm hiểu về thời tiền sử của vùng này. Tôi thấy rất cần phải gấp rút đào xới trước khi cả vùng này chìm ngập trong nước.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét