Có đến hàng chục miệng giếng lớn nhỏ khác nhau, nhưng cách đây hàng trăm năm trở về trước, những chiếc giếng ấy đã trở thành nỗi sợ hãi của người trong Cố Cung.
Ngày nay, Cố Cung là một trong những điểm tham quan du lịch đông khách
nhất tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Sức hấp dẫn của di tích này không
chỉ nằm ở chỗ nơi đây từng là chỗ ở của Hoàng đế và các phi tần, mà còn
bởi đó là nơi xảy ra rất nhiều câu chuyện ly kỳ, bí ẩn.
Một trong số những giai thoại hấp dẫn về Cố Cung chính là câu chuyện
xoay quanh việc không một ai dám uống nước từ các miệng giếng trong chốn
hoàng cung này.
Vậy vì sao Cố Cung có tới gần trăm miệng giếng, nhưng người trong cung
hàng thế kỷ qua không một ai dám uống nước, thậm chí còn không dám "bén
mảng" tới nơi có giếng? Phải chăng những miệng giếng trong hoàng cung
còn tồn tại một bí mật sâu xa nào khác?
Giếng trong cung - một trong những công cụ để hạ độc trả thù
Theo lời kể của một thái giám cuối thời nhà Thanh, Cố Cung có tới gần 80
miệng giếng lớn nhỏ khác nhau, vì vậy có thể nói nơi đây vốn là chốn
chẳng thiếu nguồn nước.
Thế nhưng, số nước dùng để cung cấp cho các hoạt động sinh hoạt hàng
ngày của người trong hoàng cung lại không đến từ những chiếc giếng này.
Nói cách khác, người trong Tử Cấm Thành từ cung nữ cho tới phi tần,
Hoàng đế đều không dám uống nước từ giếng trong thành. Mỗi ngày, Hoàng
đế đều sai người lấy nước từ nơi có tên là "Ngọc Tuyền viên" ở ngoài
cung, sau đó chuyển vào phía Tây của Di Hòa Viên.
Cung nhân nơi này sẽ kiểm tra và nấu số nước được chuyển vào rồi đem đi
phân bổ khắp hoàng cung. Thói quen kiêng kỵ nước giếng và chỉ lấy nước ở
bên ngoài để dùng từ lâu đã trở thành luật bất thành văn nơi Tử Cấm
Thành.
Kỳ thực, nước giếng trong cung bị hạn chế sử dụng đã bắt đầu có từ khi
Hoàng đế thứ ba của nhà Minh là Chu Đệ lên ngôi. Nguyên nhân về nỗi sợ
nước giếng của người trong cung lại bắt nguồn từ chính những mưu kế
tranh đấu ở nơi này.
Bên trong Tử Cấm Thành luôn tồn tại những cuộc tranh đấu âm thầm nhưng
tàn độc giữa các thế lực khác nhau. Đó có thể là những cuộc tranh sủng
của các phi tần chốn hậu cung, cũng có thể là những phi vụ trả thù của
các cung nữ, thái giám bị chèn ép.
Trong những cuộc tranh đấu tàn nhẫn ấy, miệng giếng nơi hoàng cung đã
trở thành một công cụ để trả thù với nhiều thủ đoạn khác nhau.
Nhẹ thì sẽ lén bỏ thuốc xuống giếng để khiến kẻ thù đau bụng, tiêu chảy.
Nặng thì sẽ đem thuốc độc thả vào nước giếng để khiến tình địch mất khả
năng mang thai, thậm chí còn có thể đầu độc chết người.
Trước vô số những sự vụ lớn bé có đủ liên quan tới nước giếng trong
hoàng cung, các vị Hoàng đế nhiều lần đã hạ lệnh điều tra. Nhưng suy cho
cùng, dù điều tra tới đâu cũng chỉ bắt được vài người ít ỏi.
Hậu cung vốn là nơi người cũ ra đi người mới đến, ai cũng có thể bị biến
chất vì sức hấp dẫn từ quyền lực và tiền bạc ở chốn xa hoa này. Những
chiếc giếng trong Tử Cấm Thành cũng vì vậy mà trở thành công cụ "mượn
dao giết người" hết đời này qua đời khác.
Mặc dù việc hạ độc bằng nước giếng luôn được thực hiện một cách lén lút,
nhưng giấy vốn không gói được lửa, dần dần người trong hậu cung từ tần
phi đến cung nữ, thái giám chẳng ai dám động đến nước ở những miệng
giếng này.
Hơn nữa, lịch sử Trung Hoa từng ghi nhận không ít vị Hoàng đế qua đời vì
bị hạ độc. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhà vua là người
buộc phải đề phòng, cảnh giác nhất với nguồn nước trong cung của mình.
Cứ như vậy, nước giếng trong Tử Cấm Thành đã trở thành nỗi sợ, là điều
cấm kỵ bất thành văn chốn cung cấm. Thói quen sử dụng nguồn nước từ bên
ngoài của người trong cung thời Minh – Thanh cũng vì vậy mà hình thành.
Những "nấm mồ nước" cho các phi vụ tự vẫn, giết người nơi hậu cung
Ngoài nguyên nhân sợ bị hạ độc, một trong những lý do khiến người trong
cung không dám dùng nước ở các miệng giếng nơi này còn bắt nguồn từ
nguyên do khác.
Đó là bởi hàng chục miệng giếng trong Tử Cấm Thành đều trở thành "nấm mồ nước" của không ít cung nữ, thái giám và cả phi tần.
Theo hồi tưởng của một thái giám cuối thời nhà Thanh, miệng giếng trong cung từng là nơi kết thúc sinh mệnh của vô số cung nữ.
Người này kể rằng, hầu hết các cung nữ năm xưa đều có xuất thân nghèo
khổ, không nhà cửa. Vào hoàng cung đối với họ chính là con đường mưu
sinh duy nhất, nhưng cũng là lồng giam không có đường ra.
Nếu may mắn sở hữu vóc dáng đẹp, dung nhan thanh tú và may mắn, một vài
cung nữ có thể được Hoàng đế ân sủng, thậm chí còn đổi đời nếu mang long
chủng. Nhưng cơ hội ấy quả thực quá đỗi mong manh.
Cho nên, đại đa số các cung nữ đều làm công việc tạp dịch vất vả, thường
xuyên bị tần phi trách mắng, bị nữ quan chèn ép. Có không ít người vì
không chịu nổi đã tìm cách trốn ra ngoài, một số khác thì quá bế tắc mà
nhảy giếng tự vẫn.
Các miệng giếng trong hoàng cung không chỉ là nơi kết liễu sinh mạng của
cung nữ, mà còn là chốn cho các cung phi bị thất sủng gieo mình xuống
để chấm dứt một phận đời bạc bẽo.
Chưa dừng lại ở đó, giếng trong cung còn là một địa điểm hoàn hảo để giết người diệt khẩu, phi tang thi thể.
Điều này hoàn toàn không phải phóng đại, bởi hậu thế từ lâu đã nghe đến
câu chuyện Từ Hy đẩy Trân Phi xuống giếng để thanh trừng người con dâu
mà bà từ lâu đã chướng tai gai mắt.
Chính bởi những nguyên nhân này, mà người xưa dù sống trong cung nhưng
chẳng dám uống nước giếng, thậm chí còn không dám bén mảng tới những
miệng giếng vì sợ bản thân sẽ "mất tích" lúc nào không hay.
Cho tới ngày nay, hàng chục miệng giếng trong Cố Cung, trong đó có chiếc
giếng Trân Phi (nơi Từ Hy hãm hại đệ nhất ái phi Thanh triều) đã trở
thành các địa điểm tham quan hút khách tại Tử Cấm Thành.
Những câu chuyện bí ẩn xung quanh các miệng giếng ấy khiến cho chốn
hoàng cung nguy nga năm nào giờ đây bị bao phủ lên bởi một màn sương
thần bí…
Theo Thời Đại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét