Rút từ facebook của Mặc Lâm)
Điều đầu tiên cô nghĩ tới là những đứa con mình.
Chúng đang nhìn trân trối vào hai đầu gối của cô và tự hỏi không biết mẹ
có đau không. Cô thầm thì: mẹ đau, nhưng các con đừng đau nỗi đau của
mẹ vì nếu không mẹ con mình sẽ không thể sống trong xã hội này.
Cô quỳ
Cô nghĩ tới chồng. Giờ này anh ấy chắc đang cặm
cụi ngồi chấm từng bài viết của học sinh. Anh không biết cô đang quỳ,
nếu biết chắc anh sẽ giận cô lắm. Anh sẽ trách cô không làm tròn bổn
phận một cô giáo, và cô lo sợ nếu anh lên án cô vì đã làm cho anh mất cơ
hội thăng tiến.
Cô quỳ
Cô nghĩ tới kỳ lương sắp tới. Không biết chúng có
bị khấu trừ vì việc cô bắt học sinh quỳ trong giờ học hay không. Cô lo
lắng cho chiếc bếp nhà mình không còn ấm lửa như những ngày trước. Vừa
quỳ cô vừa run vì mỏi.
Cô quỳ
Cô nhìn đám người bắt cô quỳ. Họ như một bầy quạ.
Cô không đủ lời lẽ biện minh hành động của mình dù yếu ớt. Cô nghĩ tới
đứa bé mà cô bắt nó quỳ hôm qua. Cô thấy tội nghiệp cho nó, tội nghiệp
cho cô, vì bắt đầu từ ngày mai nó sẽ trở thành một đứa trẻ con hư hỏng
bởi cha mẹ ông bà của nó. Bắt đầu từ ngày mai cô cũng như nó trở thành
một cô giáo không chỗ đứng trong bất cứ ngôi trường nào của đất nước
Việt Nam, bởi vì cô trót dại bắt học trò quỳ gối. Cô giận ông bà, cha mẹ
của cô đã từng tự hào khi bị phạt quỳ gối mà không hề trách móc thầy cô
giáo của họ.
Cô quỳ
Nhìn xuống nền gạch của ngôi trường xã hội chủ
nghĩa cô tự hỏi: thầy cô giáo như cô có nên đứng trên bục giảng nữa
không? Chỗ của cô ở đâu sau khi quỳ gối trước những con người này?
Cô quỳ
Cô không giận mình, giận đời. Cô chỉ tiếc tại sao
mình lại chọn nghề giáo, một nghề mà giáo viên bị cả xã hội khinh
thường đến độ sẵn sàng phun nước bọt vào mặt khi mắc sai lầm.
Cô quỳ
Và cuối cùng, cô khóc
*Viết nhân vụ một nhóm phụ huynh học sinh tại Long An bắt cô giáo quỳ vì đã phạt con của họ quỳ gối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét