9 thg 3, 2018

#Metoo đã trở thành một phong trào đấu tranh toàn cầu như thế nào? (TC.Luật Khoa )

 
Ngày 15/10/2017, nữ diễn viên người Mỹ – Alyssa Milano – đã đăng tải một đoạn Tweet động viên phụ nữ hãy sử dụng câu nói “me too” (tôi cũng thế) để cùng lên tiếng về những trải nghiệm bị xâm hại tình dục và sách nhiễu. Chỉ qua một đêm, mạng xã hội bùng nổ với hashtag #MeToo xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới. Đến cuối ngày hôm đó, hàng loạt phong trào tương tự đã được hình thành với các ngôn ngữ khác nhau, từ tiếng Ả Rập, Farsi, đến tiếng Pháp, Hindi, và Tây Ban Nha.
Tính đến thời điểm hiện tại, phụ nữ ở 85 quốc gia đã sử dụng hashtag này để kêu gọi mọi người hãy quan tâm đến những sách nhiễu và cả bạo lực mà nữ giới phải gánh chịu mỗi ngày, cũng như đòi hỏi phải thay đổi thực trạng này.

Dòng Tweet của nữ diễn viên Alyssa Milano làm bùng nổ phong trào #MeToo tháng 10/2017.
Mặc dù nhà hoạt động dân quyền Tarana Burke đã bắt đầu phong trào “Me Too” hơn một thập kỷ trước, nhưng khi gặp phải phản ứng “dậy sóng” toàn cầu về dòng tweet của diễn viên Milano thì chính bà Burke – cũng như nhiều người khác – đã cảm thấy rất ngạc nhiên.
Điều gì đã khiến #MeToo trở nên thành công năm 2017 và tiếp sau đó?
Nhiều người liên tưởng ngay đến mạng xã hội, tuy nhiên đó chỉ là một phần của câu chuyện.
Chính vô số các phong trào nữ quyền trên khắp thế giới trong những thập niên vừa qua đã đặt nền móng cho những gì đang xảy ra ngày hôm nay. Bằng việc gầy dựng lực lượng cộng đồng, thiết lập các chiến lược đấu tranh, gia tăng nhận thức, và dẹp bỏ những định kiến vốn mang truyền thống dập tắt mọi nỗ lực đối thoại về quyền phụ nữ. Tất cả các phong trào đi trước đã giúp #MeToo trở thành một hiện tượng toàn cầu ngày nay.
Giai đoạn chuẩn bị
Trong vài năm vừa qua, nhiều phong trào nữ quyền trên toàn thế giới đã đạt được một số thắng lợi lịch sử trong các vấn đề về quyền bỏ phiếu, sức khỏe tình dục và quyền sinh sản (ND: bao gồm quyền phá và tránh thai), cũng như bình đẳng trước pháp luật.
Thế nhưng, chắc chắn là vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Phụ nữ ở Saudi Arabia vẫn phải sống trong một chế độ bảo hộ của nam giới, phụ nữ chưa chồng ở Iran vẫn không thể tiếp cận được các dịch vụ y khoa phụ sản, và phụ nữ toàn cầu vẫn phải đấu tranh đòi hỏi được trả lương ngang bằng với nam giới. Tuy nhiên, một số các tiến triển gần đây đã cổ võ nữ giới ở khắp nơi lạc quan hơn về những thay đổi đang trong tầm tay.
Thành công sẽ truyền cảm hứng cho những thành công tiếp theo.
Trong một thế giới đầy liên kết như ngày nay, phụ nữ có thể nhanh chóng và dễ dàng biết đến những tiến bộ mà các phụ nữ khác đạt được dù ở trong hay ngoài nước.
Nguồn cảm hứng là một thứ dễ lây lan – và sự thành công của một phong trào sẽ dẫn đến một sự thành công khác. Do vậy, điều quan trọng ở đây là chúng ta cần đặt đúng vị trí của #MeToo trong bối cảnh toàn cầu hóa và ghi nhận chính xác các nguyên nhân đã thổi bùng cơn bão này.
Trước tiên là câu chuyện ở Nigeria. Sau khi nhóm khủng bố cực đoan Boko Haram bắt cóc hơn 200 nữ sinh vào tháng 4/2014, các nhà hoạt động Nigeria đã lập tức sử dụng mạng xã hội để bắt đầu chiến dịch #BringBackOurGirls (Trả lại con/cháu gái cho chúng tôi) để kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về cảnh ngộ khốn khổ của các bé gái này, cũng như đòi trao trả họ về cho gia đình.
Chiến dịch này rất thành công vì đã khiến cho nhiều người ở khắp nơi trên thế giới hiểu biết thêm về vụ việc, bao gồm Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ khi ấy là bà Michelle Obama và Đức Giáo Hoàng – cả hai đều đã lên án hành vi bắt cóc của Boko Haram.
Phụ nữ Nigeria biểu tình trong Phong trào #BringBackOurGirls. Ảnh: Afolabi Sotunde/REUTERS.
Phong trào nói trên cũng giúp cho phụ nữ ở Nigeria gầy dựng được lực lượng. Khi Boko Haram chống lại việc nữ giới được đi học, thì các nhóm phụ nữ đã mở ra những địa điểm an toàn cho các bé gái có thể học hành.
Họ cũng tổ chức các cuộc biểu tình trước các tòa đại sứ quán nhằm gia tăng áp lực lên chính phủ Nigeria. Đến tháng 1/2018, có khoảng 140 em gái bị Boko Haram bắt giữ đã được giải cứu bằng đàm phát hoặc tự bỏ trốn. Tuy rằng vẫn còn một số lớn các em bị giam giữ, #BringBackOurGirls đã trở thành một chất xúc tác quan trọng trong việc tổ chức các phong trào quốc tế về những vấn đề liên quan đến phụ nữ.
Những nhà hoạt động tham gia vào #BringBackOurGirls đã mở ra một cuộc đối thoại toàn cầu, và giúp cho các đối tác ở khắp nơi trên thế giới cất chung tiếng nói chống lại bạo hành phụ nữ và tệ nạn buôn người. Phong trào này là một bước ngoặt, đánh dấu việc mạng xã hội có thể được dùng để kêu gọi nâng cao nhận thức về các vấn đề nữ quyền.
Cùng lúc, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các phong trào nữ quyền ở Guatemala và Chile cũng đạt được một số dấu mốc quan trọng trong hai năm vừa qua.
Vào tháng 2/2016, một tòa án ở Guatemala đã khởi tố hai cựu quân nhân với các tội danh liên quan đến những hành vi bạo hành tình dục mà họ đã gây ra trong cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1960 đến năm 1996. Trong một án lệ lịch sử đối với những nạn nhân bị hãm hiếp ở Guatemala, tòa án đã tuyên phán là các bị cáo đã làm ra những tội ác chống lại nhân loại (crimes against humanity) khi hiếp dâm 15 phụ nữ bản địa, đồng thời tuyên án 360 năm tù giam.
Chiến thắng ở tòa án đã khuyến khích những nữ nạn nhân trong các vụ bạo hành khác đứng ra chỉ chứng những người đã xâm hại họ. Giờ đây, vô số nhóm làm việc của phụ nữ đang cùng nhau phá vỡ sự im lặng về bạo hành tình dục và cổ xúy cho những thay đổi pháp lý ở Guatemala.
Tháng 8/2017, phong trào nữ quyền Mujeres en Marcha Chile đã giúp thúc đẩy việc thông qua một đạo luật hợp pháp hóa phá thai (trong một số hoàn cảnh đặc biệt) tại Chile. Tại một đất nước mà phụ nữ đã đấu tranh cho quyền được phá thai hàng chục thập niên, thì đây là một chiến thắng quan trọng đánh dấu ngày mà cánh cửa dành cho những cải cách khác trong tương lai đã được mở ra.
Được truyền cảm hứng bởi những thành công ngay tại chính đất nước của mình, một số nhóm phụ nữ ở Chile còn mạnh dạn tấn công vào những vấn đề xuyên quốc gia.
Ví dụ như, sau khi Tổng thống Donald Trump tái thiết lập “đạo luật bịt miệng toàn cầu” (global gag rule), thì các tổ chức nước ngoài nhận tài trợ từ chính phủ Hoa Kỳ về các vấn đề kế hoạch hóa gia đình không còn được phép cung cấp tài liệu, giấy giới thiệu hay dịch vụ có liên quan đến phá thai hợp pháp, và cũng không được cổ xúy cho việc tiếp cận các dịch vụ phá thai. Đáp trả lại, tổ chức Mujeres en Marcha Chile đã tiến hành các biện pháp giúp giải quyết các tác hại mà chính sách này gây ra, bằng việc đảm bảo phụ nữ vẫn có thể tiếp cận các dịch vụ y tế về sinh lý và phụ sản.
Cuộc Tuần hành của phụ nữ (Women’s March) – vốn bắt nguồn từ một phản ứng đáp trả của người Mỹ đối với việc Trump đắc cử tổng thống – đã nhận được nguồn cảm hứng từ các phong trào nữ quyền xuyên quốc gia, và đồng thời chính họ cũng truyền cảm hứng ngược lại.
Trong tháng 1/2017, hàng triệu phụ nữ đã tuần hành ở rất nhiều thành phố lớn khắp nơi trên thế giới. Tháng 1/2018 vừa qua, dịp kỷ niệm một năm lại kéo hàng triệu phụ nữ khắp nơi xuống đường. Những cuộc tuần hành đó đã thu hút được những người phụ nữ trước đây vốn không nguyện ý hoặc cảm thấy bản thân không thể tham gia vào các hoạt động mang tính chính trị. Chính điều này đã giúp công cuộc đấu tranh vì nữ quyền ghi thêm một dấu ấn sâu đậm.
Cuộc Tuần hành của phụ nữ (Women’s March) tại Washington D.C. tháng 1/2017. Ảnh: Shannon S tapleton/ REUTERS.
 
Phong trào #MeToo
Tại một số nơi trên thế giới, Phong trào #MeToo được xây dựng trên nền tảng những cuộc đối thoại vốn có trong xã hội về nữ quyền.
Ví dụ như tại Iran, phong trào nữ quyền vốn đã ghi dấu rõ nét trong xã hội từ cuộc cách mạng Hiến pháp năm 1905-1911. Đó là khi phụ nữ tập hợp lực lượng và đòi hỏi quyền được tiếp cận giáo dục và các quyền chính trị. Suốt cuộc Cách mạng Iran 1979, phụ nữ đã rất tích cực chỉ trích những tham nhũng trong chính phủ quân chủ – Shah. Mặc dù sau đó phụ nữ đã bị chính quyền mới đàn áp, họ vẫn đấu tranh chống lại – bằng báo chí và chính trị.
Vào năm 2009, họ đã là những nhân tố đi đầu trong Phong trào Xanh (Green Movement), đòi hỏi Tổng thống lúc đó là Mahmoud Ahmadinejad phải từ chức. Hình ảnh biểu tượng của Neda Agha-Soltan – một cô gái trẻ bị bắn chết trong một cuộc xuống đường đã trở thành lời hiệu triệu cho phụ nữ khắp vùng Trung Đông.
Để rồi vào năm 2014, Phong trào #My Stealthy Freedom (Quyền Tự do dè dặt của tôi) nổi lên khi phụ nữ Iran đã chụp ảnh không mang khăn trùm đầu (hijab) của mình ở các địa điểm công cộng như là một hành động phản kháng, đặt dấu hỏi về các giá trị đạo đức mà chính quyền dùng để cai trị.
Có nhiều nhận xét đánh giá phong trào này đã đặt nền tảng cho các cuộc biểu tình phản đối chính phủ khiến toàn đất nước Iran rung chuyển vào tháng 12/2014 và tháng 1/2015. Mặt khác, nó chắc chắn đã giúp cho phong trào nữ quyền đạt được thỏa thuận về việc gỡ bỏ một số điều luật về khăn trùm đầu sau đó.
#MeToo đã xới lên cuộc đối thoại vốn đã bắt đầu từ #MystealthyFreedom và những hình thức tổ chức khác ở Iran.
Đáp lại lời kêu gọi của diễn viên Milano vào tháng 10/2017, các nữ diễn viên, nhà hoạt động và các liên minh ở Iran đã bắt đầu thảo luận #MeToo trên các mạng xã hội, lên tiếng vạch trần những kẻ đã từng xâm hại họ, đăng ảnh họ với khăn trùm đầu màu trắng – là biểu tượng kêu gọi hòa bình. Tất cả các việc làm này đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến chính phủ Iran về sự kiên trì trong công cuộc đấu tranh của nữ giới tại đây.
Tại Ai Cập, rất nhiều phụ nữ đã từng là nạn nhân của bạo hành thể lý và bạo hành tình dục, bắt bớ và thậm chí là bị trục xuất khỏi quê hương vì đã tham gia vào Mùa Xuân Ả Rập. Mặc dù là vậy, họ vẫn bền bỉ theo đuổi và mở ra một cuộc đối thoại mới về nữ quyền.
Ví dụ như vào năm 2011, các cô gái trẻ đã tiến hành chiến dịch #NudePhotoRevolutionary (Cách mạng ảnh nuy) và đăng tải các bức ảnh của họ như là một quan điểm chính trị về quyền tự quyết, giá trị đạo đức, và quyền tự chủ.
Ngày nay, #MeToo đang đóng vai trò của một lời kêu gọi mạnh mẽ đến từ những người phụ nữ đã từng đứng hàng đầu ở Quảng trường Tahrir năm nào trong công cuộc đấu tranh tiếp tục đòi hỏi quyền tình dục và quyền sinh sản của họ.
Phong trào #MeToo cũng đã bùng nổ ở Ấn Độ – đất nước vẫn đang bị cuốn chặt vào những hình ảnh rùng rợn trong vụ hãm hiếp tập thể một phụ nữ trẻ – cô Jyoti Sing – trên xe buýt ở New Delhi năm 2012. Sau khi vụ việc này xảy ra, thì ngay lập tức đã có rất nhiều nhóm hoạt động của nữ giới tổ chức các cuộc biểu tình đòi hỏi cải cách luật pháp về tấn công tình dục. Những nhóm này đã thành công trong việc tăng tốc các thay đổi pháp lý ở tòa án. Tuy nhiên, phụ nữ Ấn Độ vẫn cho rằng những cải cách này là chưa đủ.
Một trong các cuộc biểu tình của phụ nữ Ấn Độ phản đối bạo hành tình dục sau vụ việc của cô Jyoti Sing. Ảnh: AFP/Getty.
 
Dưới ngọn cờ của #MeToo, các nhà hoạt động hiện đang kêu gọi những cải cách pháp lý sâu rộng hơn nữa để có thể vừa bảo vệ những ai dám lên tiếng tố cáo, vừa trừng phạt những kẻ gây ra tội ác một cách nặng nề hơn.
Các nhà hoạt động Ấn Độ nhận xét, việc sử dụng #MeToo trên diện rộng đã giúp soi rọi được thực trạng đau xót về bạo hành tình dục trên diện rộng ở đất nước họ. Một số nhóm hoạt động còn dùng #MeToo để vạch trần các chính khách, diễn viên và những kẻ có quyền lực khác đã từng có một quá khứ dài bạo hành tình dục phụ nữ như thế nào.
Những tiếng nói thay đổi xã hội
Như rất nhiều nhà quan sát đã chỉ ra, #MeToo được cho là gắn bó với những gì đã và đang xảy ra ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém đó là, có rất nhiều phong trào khác đã mở đường cho #MeToo, cũng như mang thông điệp của nó tiến càng xa hơn.
Những phong trào này được xây dựng qua nhiều giai đoạn và đã băng qua các rào cản biên giới. Đó là nhờ những nỗ lực được phối hợp chặt chẽ của các nhà hoạt động toàn cầu nhằm đảm bảo những thay đổi bền vững có thể được thực thi.
Cuộc thảo luận giờ đây bắt đầu có những chuyển biến mới, khi mà người trẻ ngày nay dám cất tiếng chống lại đàn áp và ôm ấp các giá trị mới về giới tính và tính dục.
Sự thành công của #MeToo trên toàn thế giới cho thấy rằng, các nhóm hoạt động của nữ giới rất có tổ chức, có tính liên kết, và họ đặt nền tảng dựa trên nỗ lực và thành công của những người đi trước. Khi phụ nữ cùng cất tiếng, thì những câu chuyện kinh hoàng mà họ đã trải qua – cho dù là từng bị nhấn chìm sâu đến đâu đi nữa – sẽ ngày càng trở thành những tiếng nói mạch lạc và kiên định cho một sự thay đổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét