Tác Giả: Dong Trinh
Bài số 5335-19-31177-vb2031218
Tác
giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017.
Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương.
Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự
Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và
cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới
viết mới, về chương trình Hospice cung cấp cho người bệnh trong tình
trạng chờ mãn phần, không phân biệt tuổi tác, tình trạng gia đình hay
lợi tức.
Một
ngày nọ, má tôi nghe trong người không khỏe , than mệt, khó thở...tôi
đưa má vô bệnh viện. Sau khi làm đủ các xét nghiệm, bác sĩ cho biết má
tôi không có bệnh gì cả, chỉ là tuổi già vậy thôi. Như những lần trước,
ngày đêm tôi túc trực bên má tôi vì người không nói được tiếng Anh, hai
mắt bị mù vì tiểu đường. Bác sĩ lẫn y tá nơi đây thương má tôi lắm. Má
không bao giờ phàn nàn hay rên la như những bệnh nhân khác, đến nỗi có
lần, một cô y tá nói với tôi:
-Ước gì tất cả bệnh nhân đều như má cô. Bà thật là dễ thương!
Đúng
vậy đó, má tôi, một người đàn bà nhân hậu, một người nội trợ đảm đang
và là một bà mẹ hiền hết lòng lo cho con cái từng miếng ăn giấc ngủ. Cả
đời, má chưa bao giờ mích lòng với bà con chòm xóm.
Theo
luật của Medicare, má tôi cũng như những người đang hưởng quyền lợi này
của chính phủ, không được nằm bệnh viện quá hai tuần trừ trường hợp đặc
biệt có bác sĩ xác nhận. Các bệnh nhân sau hai tuần sẽ được cho về nhà
và nếu tình trạng sức khỏe đòi hỏi phải được chăm sóc tiếp tục thì họ sẽ
quay trở lại điều trị.
Bác
sĩ cho tôi biết sức khỏe má tôi yếu lắm, ở đó không làm gì được nữa,
họ sẽ cho má tôi xuất viện và chuyển qua chương trình Hospice.
Hospice
là một chương trình do tiểu bang thành lập bao gồm một số dịch vụ cũng
cấp cho những người bị bệnh nặng, đang trong tình trạng hấp hối, không
phân biệt tuổi tác, tình trạng gia đình và lợi tức.
Hospice
dành cho những người bệnh trong giai đoạn được bác sĩ thẩm định là chỉ
còn kéo dài đến sáu tháng hay ít hơn, hoặc cũng có trường hợp kéo dài
hơn cả năm. Người bệnh và gia đình đều giữ vai trò quan trọng trong
chương trình Hospice. Nhóm chuyên viên liên hệ gồm có bác sĩ, dược sĩ, y
tá, cán sự xã hội, cố vấn tâm lý, chuyên viên vật lý trị liệu.
Chương trình này còn bao gồm việc chăm sóc ở nhà cho người bệnh, chăm sóc ngắn hạn cho những người đang ở bệnh viện.
Dù
có bác sĩ của Hospice nhưng mình vẫn có thể yêu cầu bác sĩ gia đình
tiếp tục chăm sóc cho thân nhân của mình. Các bác sĩ và y tá luôn nghe
điện thoại 24/24, bảy ngày một tuần để sẵn sàng giúp đỡ cho bệnh nhân
khi cần thiết.
Mục
đích của chương trình Hospice là để săn sóc, xoa dịu tinh thần cũng như
thể xác của người bệnh lúc cuối đời. Họ không có trách nhiệm chữa bệnh,
mà chỉ làm cho thời gian còn lại của bệnh nhân được thoải mái hơn
thôi.Vì vậy, cho đến nay, rất nhiều người Việt Nam vẫn còn bỡ ngỡ với
chương trình này vì họ vẫn luôn nghĩ rằng ‘còn nước, còn tát’. Đưa người
nhà cho Hospice chăm sóc tức là chấp nhận người thân của họ sẽ ra đi
vĩnh viễn trong một ngày rất gần mà họ không nghĩ ra rằng người nhà đang
đau đớn từ thể xác đến tinh thần đó căn bệnh đưa đến.
Trước
khi cho má tôi về nhà, nhân viên của Hospice đến gặp tôi để cho biết họ
sẽ mang một cái giường giống như giường bệnh viên, có nút để điều khiển
đầu và cuối giường cao thấp, có hàng rào hai bên để đề phòng bệnh nhân
có thể té. Người ta còn mang tả, giấy lót cho bệnh nhân, xe lăn, ghế đặc
biệt để cho bệnh nhân ngồi tắm, morphine để làm dịu cơn đau, khi cần.
Những món này, nếu mua ở ngoài rất mắc tiền.
Khi
xe đưa má tôi về, có nhân viên của Hospice đi cùng. Đầu tiên, cô y tá
đo huyết áp, nghe tim, thử lượng đường trong máu cho má tôi. Kế đến, cô
lấy dây và một bịch nhựa để dẫn nước tiểu vô đó. Thấy vậy, tôi lập tức
ngăn cô y tá lại. Cô hỏi tại sao? Tôi nói với cô là những ngày ở bệnh
viện người ta cũng dặt ống cho má tôi đi tiểu nhưng được ba ngày sau thì
tôi thấy có chút máu trong bịch, má tôi cũng than đau. Tôi vội gọi y
tá nói. Sau khi xem xét, cô y tá cho biết má tôi bị nhiễm trùng nên họ
lấy ra và cho má tôi mang tả.
Nghe tôi nói vậy, người nhân viên Hospice cảm ơn tôi đã cẩn thận cho cô biết và cô không chuyền dây cho má tôi.
Cô
nói mỗi ngày sẽ có người đến tắm cho má tôi, mỗi tuần y tá đến chăm sóc
một lần. Thuốc uống hằng ngày của má tôi không phải đi mua nữa mà họ sẽ
mang tới. Người ta còn đem cho má tôi sửa Ensure, một loại sửa đầy đủ
chất dinh dưỡng mua rất mắc ở các nhà thuốc Tây.
Ngoài
ra, mỗi ngày sẽ có xe giao thức ăn nóng cho má tôi với đầy đủ bánh mì,
thịt, cá, rau, trứng, sửa và món tráng miệng thay đỗi hàng ngày, chương
trình này được gọi là meals on wheels.
Tôi
nghe cô nói về những việc trên,trong lòng vô cùng cảm kích chánh sách
nhân đạo của chính phủ dành cho bệnh nhân lúc cuối đời, không phân biệt
màu da, chủng tộc. Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra rằng mặc dù sức khỏe má
tôi đang rất kém, người có thể xa lìa chúng tôi bất kỳ lúc nào nhưng má
vẫn còn cảm nhận được sự yêu thương của con cái dành cho má. Thế nên,
tôi nói với cô y tá là tôi chỉ cần cô thỉnh thoảng đến để theo dõi sức
khỏe của má tôi thôi, ngoài ra tôi sẽ đảm nhận hết mọi việc, tắm rửa,
thức ăn..cô y tá nghe qua rất ngạc nhiên vì hầu hết nhiều người nhà của
những bệnh nhân khác họ còn đòi hỏi nhiều hơn những gì mà chương trình
này quy định, trong khi tôi lại từ chối hết. Chắc cô nghĩ tôi không hiểu
rõ, hay cô cho tôi điên chăng?
Cô
cứ hỏi đi hỏi lại tôi nhiều lần là có chắc chắn tôi không cần người tắm
rửa, không cần thức ăn mang tới không và tôi cứ phải lập đi lập lại là
tôi lo được hết cho má tôi.
Trước
khi ra về, cô căn dặn nếu thình lình má tôi có gì như là bệnh trở
nặng...thì gọi cho Hospice chứ không thể chở vô bệnh viện hoặc không gọi
911. Họ sẽ làm việc 24/24. Cô cẩn thận dán một miếng giấy lên đầu
giường, trên đó có địa chỉ, số điện thoại, tên y tá phụ trách chăm sóc
sức khỏe cho má tôi.
Trong
những lần theo má về ngoại, nhìn cậu Ba tôi tắm cho bà, đút bà từng
muỗng cơm, tôi nhìn thấy nét mặt bà tôi rất vui, rất hạnh phúc vì đến
tuổi gần đất xa trời mà vẫn có con cái ngày đêm bên cạnh. Lúc đó, tôi
chợt nghĩ đến bài học về Nhị Thập tứ hiếu bên Tàu với những tấm gương
hiếu thảo như Ngu Thuấn, Lưu Hằng, Trọng Do...trong lòng tôi, Cậu Ba tôi
cũng là tấm gương hiếu thảo đáng để con cháu nói theo. Má tôi kể, dù đã
có vợ con nhưng khi cậu tôi lỡ làm điều gì trái ý, bà tôi bắt cậu cúi
xuống ván để đánh đòn, cậu vẫn râm rấp nghe lời mà không hề than van.
Giờ
đây, những ngày còn lại của má, tôi cũng muốn tự tay mình chăm sóc cho
người. Mỗi sáng thức dậy, tôi ẩm má vô phòng tắm. Lúc bấy giờ, má tôi ốm
lắm, dường như chỉ còn da bọc xương nên rất nhẹ, tôi ẩm má thật dễ
dàng. Má tôi bây giờ yếu quá, ngồi cũng không vững, tôi để má dựa vô
thành ghế, rồi xối nước kỳ cọ nhẹ nhàng cho má. Xong tôi lại ẩm má vô
giường rồi lo nấu thức ăn. Má tôi không còn răng thiệt, găn răng giả thì
khó nhai nên tôi nấu cháo với thịt và các loại rau củ xong đem xay
nhuyễn bằng máy xay sinh tố như thức ăn của trẻ con. Má tôi bấy giờ ăn
dễ lắm, mỗi bữa ăn hết một chén lớn và không kêu ca là ngán hay dở gì
hết. Tôi nhớ khi má còn khỏe mạnh, cuối tuần tôi hay nấu mì, phở ăn thay
cơm. Sau khi ăn tô phở độ một tiếng, má tôi hỏi:
-Sao không cho má ăn?
Tôi nói:
-Ủa, má quên rồi hả? Mới vừa ăn phở đó!
Má tôi cười nói:
-Nhưng mà chưa có ăn cơm!
À, thì ra là vậy. Má tôi vốn sanh ra ở chốn ruộng đồng, cơm là chánh trong bữa ăn. Do đó, dù ăn gì đi nữa, má vẫn nhớ đến cơm!
Vậy
mà, giờ đây, má không còn ý thức được ngon dở, không biết đói no. Tới
bữa, tôi đem cháo vô phòng đỡ dậy cho ăn thì ăn, vậy thôi chứ chẳng
nói năng gì hết. Nhìn má hả miệng ăn từng muỗng cháo, tôi nghĩ đến mười
hai anh chị em chúng tôi do một tay má chăm sóc. Thời đó không có tả
giấy, không có bếp điện, không máy giặt ...Má phải giặt giũ áo quần đầy
phân, đầy nước tiểu cho đàn con, đêm hôm phải ngồi dậy pha cho con bình
sửa nóng, mỗi ngày, đi chợ cố nghĩ ra những món ngon cho con cái. Vậy mà
cả đời, má có hề kêu ca gì đâu?
Giờ
đây, với nền văn minh phát triển, trong nhà đầy đủ tiện nghi, sự chăm
sóc của tôi đối với má chỉ là hạt cát trên sa mạc mà thôi.
Ngày
qua ngày, má tôi như ngọn đèn treo trước gió, không biết sẽ bị tắt lúc
nào. Y tá Hospice vẫn đến đều đặn, cô ấy nói tôi chăm sóc má tôi còn kỹ
hơn để ở bệnh viện nữa. Cô nói nhiều người già khi nằm một chỗ thường bị
lỡ dưới lưng, riêng má tôi thì hoàn toàn sạch sẽ. Tôi cho cô biết là má
tôi lúc khỏe mạnh rất chú trọng tới vấn đề vệ sinh, do đó, cứ một hai
tiếng là tôi thăm chừng thay tả cho má.Tôi không dùng giấy ướt của người
ta mang tới vì có alcohol, dễ làm khô da, ngứa ngáy khó chịu. Tôi lấy
khăn nhúng nước ấm lau cho má tôi vừa sạch vừa ngừa bị lỡ . Cô nói phải
chi những người già đều có thân nhân như tôi thì hạnh phúc biết bao! Tôi
cảm ơn cô đã khen nhưng trong lòng thì buồn vô hạn! Khi mà đến nước này
rồi thì tôi hiểu ngày bên má tôi cũng không còn bao lâu nữa!
Và
rồi chuyện chẳng mong cũng phải đến. Vào một sáng mùa đông, bên ngoài
tuyết rơi trắng xoá, má tôi đã bình thản theo về với ba tôi ở phương
trời xa nào đó, bỏ lại chúng tôi, những đứa con giờ đây tóc đã hai màu,
cùng đàn cháu nhỏ dại. Tôi gọi Hospice trong tiếng nấc. Cô y tá an ủi
tôi và đến thật nhanh trong vòng năm phút . Sau khi nghe tim, cô xác
nhận má tôi đã qua đời. Tai tôi lùng bùng, tôi cứ mong cô khám lầm, tôi
cứ mong đó không phải là sự thật. Má ơi! Sao má lại bỏ chúng con rồi!
Ngoài trời tuyết vẫn rơi, vành khăn trắng chúng tôi đau đớn đeo vội lên
đầu để tiễn đưa má tôi. Tuyết rơi...vẫn cứ rơi!
Fort Smith, Feb 06-2018
Dong Trinh
(Từ Cảnh chuyển)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét