Để khám phá hệ thống hang động Tú Làn nằm sâu trong núi rừng ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình), phải trải qua 5 ngày băng rừng, lội suối, bơi qua sông ngầm, leo vách đá cao, để chạm vào các thạch nhũ triệu năm tuyệt đẹp, chưa từng được công bố ở Việt Nam.
Nằm sâu trong núi rừng Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình, hệ thống hang động Tú Làn có tuổi từ 2 đến 5 triệu năm được xem như kỳ quan của tạo hóa ban tặng. Không phải là hang động lớn nhất, nhưng về vẻ đẹp, các chuyên gia đánh giá nơi đây không thua kém hang Sơn Đoòng là bao. Ngoài Tú Làn, hệ thống hang động còn các hang phụ như Song, Ươi, Chuột, Hung Ton, Kim, Ken, Tổ Mộ...
Đây là hang động mới chưa từng được công bố hay khai thác du lịch. Đồng hành cùng chúng tôi có bà Deb Limbert - vợ của ông Howard Limbert - thuộc đội thám hiểm hang động hoàng gia Anh. Cả hai vợ chồng bà đã có hơn 26 năm gắn bó với Việt Nam, in dấu chân hơn tại 300 hang động ở Quảng Bình và gần 200 hang động trên khắp cả nước.
Một người bạn đồng hành thú vị khác là Ryan Deboodt nhiếp ảnh gia hang động người Mỹ nổi tiếng thế giới. Anh từng chụp hình các hang Sơn Đoòng, hang Én, hang Va, Tú Làn... xuất hiện dày đặc trên các tạp chí danh tiếng như National Geographic, National Geographic Traveller, Smithsonian, The Guardian, The Telegraph...
Theo kế hoạch, dự kiến chúng tôi sẽ đi 5 trong 12 hang của hệ thống hang động Tú Làn: hang Tiên 1 (2314 m), hang Tiên 2 (2519 m), hang mới Sơng 2 (639 m), hang Tú Làn (2226 m), và hang Kim (829 m).
Việc quan trọng đầu tiên là chuẩn bị trang phục sao cho phù hợp từng hành trình. Đầu tiên, đoàn sẽ tập trung khám phá các hang động khô. Sau đó, đoàn sẽ tiếp tục đến các hang động có nước. Việc phân chia như vậy giúp chúng tôi giảm khối lượng hành lý khuân vác và thuận tiện khi chuẩn bị trang phục.
Với hệ thống hang động khô, chúng tôi sử dụng giày vải cổ cao với đế nhiều gai để bám tốt, tất dùng loại dày cao qua bắp chân đế tránh côn trùng cắn. Quần có độ co giãn tốt cùng áo thun và một áo khoác chống thấm phòng trời mưa. Chúng tôi sử dụng loại găng tay có gai giúp tăng độ bám khi leo núi, bảo vệ đầu bằng mũ bảo hiểm chuyên dụng có đèn để thuận tiện di chuyển. Hầu hết trang thiết bị tôi đều nhờ các porter khuân vác giúp và chỉ mang theo máy ảnh có hai ống kính chuyên dụng cùng chân máy.
Lên non lạc lối hang Tiên
Đoàn lên đường với 15 người trong đó có đội khảo sát thu thập thông tin và 6 anh em porter nhiều kinh nghiệm đi rừng và chiếu sáng. Chuyến xe băng qua những xóm làng rồi thẳng tiến vào rừng. Con đường càng lúc càng lầy lội, đến chỗ gặp vũng lầy quá to, bánh xe quay tít đành phải dừng lại. Chúng tôi bắt đầu phải đi bộ.Nơi đầu tiên chúng tôi khám phá là hang Tiên 1, hết những con dốc lên cao thăm thẳm rồi lại đến những dốc sâu hun hút. Càng đi, chúng tôi càng thấm mệt và sự im lặng kéo dài bởi thở không ra hơi. Tiếp tục băng qua những bãi đá to dài hàng trăm mét, con đường càng lúc càng dốc, nhưng khi ngẩng đầu lên, ai nấy đều sửng sốt, ngỡ ngàng...
Đêm giữa rừng núi hoang vu
Ở trong hang mải miết, chúng tôi quên cả thời gian, thoáng chốc trời đã về chiều. Chúng tôi vội quay ra để kịp về điểm cắm trại trước khi trời sập tối. Trại được hạ bên bờ suối. Buổi tối là lúc những con người xa lạ trong đoàn quây quần trò chuyện bên bữa tối. Không còn khoảng cách vùng miền hay quốc tịch, không còn rào cản ngôn ngữ.Hang Sơng - thạch nhũ chưa từng thấy ở Việt Nam
Việc tìm ra hang Sơng cũng hết sức tình cờ. Trung - người dân bản địa - kể một lần lên núi tìm mật ong, anh nhìn thấy có bầy ong bay vờn trên đỉnh núi cao nên đã leo lên theo. Khi tới đỉnh, Trung bất ngờ phát hiện một miệng hang khổng lồ bèn tò mò đi vào sâu, nhưng chỉ một đoạn thì thấy vách đá giăng kín chỉ có một cái lỗ nhỏ vừa một người lách qua. Lấy cục đá ném thử, không nghe tiếng động dội lại, đoán hang rất sâu, Trung quay về rủ một số người có kinh nghiệm cùng trang thiết bị đầy đủ quay lại khám phá ra hang động này.Đi tiếp khoảng 50 m, lách mình chui qua một lỗ hổng nhỏ, tôi như rơi vào trạng thái mất tự chủ trước tòa lâu đài đá lộng lẫy hiện ra trước mắt. Những cột thạch nhũ cao hơn 20 m óng ánh muôn sắc màu, không xếp thành những trụ đơn lẻ mà như bức rèm đá khổng lồ quyến rũ.
Càng tiến vào sâu khung cảnh lại càng biến đổi ngoạn mục. Trần hang bắt đầu thấp dần, những cột nhũ bắt đầu tách rời nhau thành trăm nghìn cột nhỏ nhưng sắp xếp theo một trật tự hoàn hảo, ngọc động bắt đầu xuất hiện trên mặt đất. Những viên đá tròn xoe xếp cạnh nhau đều đặn, nằm trong những đường vân đá triệu năm mà thành hình.
Tú Làn - hang Ken, vượt sông ngầm, leo vách cao
Những ngày sau chúng tôi lại tiếp tục hành trình khám phá hang động Tú Làn và hang Ken.Tú Làn là hệ thống hang động ướt và khô giao nhau nên hành trình vất vả hơn rất nhiều. Chúng tôi phải vừa bơi vượt hàng trăm mét sông ngầm và leo vách đá. Vất vả và mệt mỏi là vậy nhưng cứ mỗi khi dừng lại để ngắm vẻ đẹp của các khối nhũ muôn sắc muôn dạng thì bao nhiêu mệt mỏi lại tan biến hết.
Tôi vẫn khắc sâu hình ảnh tuyệt đẹp tại hang Ken khi đứng từ trên cao, trước mắt là cột thạch nhũ khổng lồ, sâu bên dưới, hai chiếc thuyền nhỏ in bóng trên mặt nước xanh kỳ ảo.
Gian nan để chụp ảnh
Chuyến đi này, Ryan được mời để chụp ảnh hang động mới. Máy ảnh của anh thuộc loại chuyên dụng để chụp được không khí ẩm ướt trong hang. Ngoài ra, anh cần có sự trợ giúp của hệ thống 6 đèn chuyên dụng, mỗi chiếc trị giá hơn 6.000 USD. Thiết bị đầy đủ nhưng việc vận chuyển và bảo quản cũng vô cùng cực nhọc. Tất cả máy móc đều được Ryan gói bọc cẩn thận sau đó cho vào hộp khô để chống nước, rồi cuốn thêm hai lớp nylon dày trước khi cho vào trong túi khô.Sắp đặt ánh sáng phù hợp là thử thách khó khăn nhất đối với Ryan. Tại mỗi địa điểm, đoàn chỉ dừng khoảng 10-15 phút đề chuẩn bị, và thời gian bấm máy chỉ trong 1-2 phút. Vì vậy, người chụp phải am hiểu rất sâu sắc và có kinh nghiệm chụp hang động.
Tôi vẫn nhớ trong hang Ken cần có một cảnh quay cuối. Lúc đó pin flycam chỉ còn 8% nhưng Ryan vẫn quyết định bay vì không có cơ hội nào khác để quay lại. Chúng tôi ngồi trên chiếc bè nhỏ, Ryan cầm điều khiển flycam bay mù trong hang. Rất may, cảnh quay hoàn thành khi pin báo còn 2%.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét