26 thg 3, 2018

Mối đe dọa tiềm ẩn từ đồng Bitcoin (Từ NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ )

http://nghiencuuquocte.org/2018/03/26/moi-de-doa-tiem-an-tu-dong-bitcoin/


Nguồn: Harold James, The Bitcoin Threat”, Project Syndicate, 02/02/2018.
Biên dịch: Trịnh Ngọc Thao | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Tính chất cực kỳ thiếu ổn định của đồng Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác đã trở thành mối đe dọa không chỉ với hệ thống tài chính quốc tế mà còn cả trật tự chính trị. Công nghệ chuỗi khối (blockchain) mà các đồng tiền ảo đang dựa vào hứa hẹn một giải pháp thanh toán tốt hơn và an toàn hơn các phương pháp trước đây, và một số người tin rằng tiền mã hóa sẽ thay thế tiền điện tử trong các tài khoản ngân hàng truyền thống, cũng giống như việc chuyển tiền điện tử thay thế tiền giấy, hay tiền giấy thay thế vàng và bạc trong giao dịch trước đây.
Tuy nhiên những người khác thể hiện sự nghi ngại khá hợp lý rằng công nghệ mới này có thể bị thao túng hoặc lạm dụng. Tiền là một phần trong cơ cấu xã hội. Trong hầu hết lịch sử văn minh nhân loại, nó đã mang lại nền tảng cho sự tin tưởng giữa người dân với các chính phủ, và giữa các cá nhân thông qua việc trao đổi mua bán. Nó cũng gần như là một biểu hiện của chủ quyền, và các đồng tiền do các cá nhân phát hành là cực kỳ hiếm.
Với tiền kim loại, các đồng xu thường mang theo biểu tượng của bản sắc nhà nước, một trong những ví dụ sớm nhất là hình con cú tượng trưng cho thành phố Athens. Tuy nhiên, thường có vài điều không rõ ràng về việc các biểu tượng trên đồng xu đại diện cho chủ quyền hay thánh thần. Hình của ai sẽ được khắc lên đồng xu? Phải chăng là Philip xứ Macedon hay Alexander Đại đế, hay là thần Hercules? Sau này, các hoàng đế La Mã đã khai thác tính mập mờ này bằng cách khắc lên đồng xu nét mặt “thánh thần” của chính họ. Và thậm chí đến ngày nay, các đồng xu của Anh vẫn khắc dòng chữ liên hệ nền quân chủ của họ với Chúa trời.
Trong mọi trường hợp, có một khuôn mẫu xuyên suốt lịch sử: các đất nước yếu kém phát hành ra những đồng tiền yếu, và những đồng tiền yếu dẫn tới sự thất bại của nhà nước. Trong suốt thời kỳ lạm phát hoặc siêu lạm phát, sự phá giá tiền tệ mạnh sẽ phá hủy nền tảng của trật tự chính trị. Chẳng hạn, cuộc Chiến tranh 30 năm ở Trung Âu trong thế kỷ 17 đã bị thúc đẩy phần lớn do sự tan rã xã hội theo sau một thời kỳ bất ổn tiền tệ.
Tương tự, trong cuộc Cách mạng Pháp, việc đầu cơ tiền giấy được gắn với tài sản “quốc gia” vốn đã bị tịch thu khỏi tay các nhà quý tộc và nhà thờ đã hủy hoại tính chính danh của phe Jacobin (Gia-cô-banh). Trong thế kỷ 20, các thời kỳ lạm phát trong và sau hai cuộc chiến tranh thế giới đã phá tan các thể chế chính trị ở Châu Âu và thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa cực đoan. Thực tế, Vladimir Lenin đánh giá sức ép tiền tệ như là “con đường đơn giản nhất để tiêu diệt tinh thần của chủ nghĩa tư bản” và nền dân chủ tư sản.
Ngoài việc là một trong những nhân tố chính đằng sau sự tan rã của các nhà nước, đồng tiền yếu kém còn là nguyên nhân chính trong các vụ xung đột giữa các quốc gia. Với những nước tham chiến, tạo ra hay lợi dụng các bất ổn tiền tệ là một hình thức đỡ tốn kém nhất nhằm hủy diệt đối thủ. Thậm chí trong thời bình, vài nước đã đáp trả các mối quan hệ thù địch bằng việc tạo ra tiền giả để gây hỗn loạn cho đối thủ.
Ví dụ nổi tiếng nhất về kiểu chiến tranh tiền tệ như vậy là kế hoạch của phát-xít Đức nhằm in tiền của các nước phe Đồng minh trong Thế chiến II. Tiền giả đó dĩ nhiên có thể được dùng để mua các tài nguyên hiếm hoặc chi trả cho các điệp viên. Đức cũng dự định dùng máy bay ném nom tầm xa để thả tiền giả xuống nước Anh. Thử tưởng tượng sự suy đồi và hỗn loạn sau đó. Bất kỳ ai có một lượng tiền lớn sẽ ngay lập tức bị nghi ngờ, và niềm tin của công chúng sẽ nhanh chóng biến mất. Việc thả tiền có thể gây tác động tàn phá hơn cả việc thả bom.
Tiền còn dễ bị thao túng hơn khi nó được quốc tế hóa. Trong kỷ nguyên hiện đại, các quốc gia bất hảo như Triều Tiên thường in tiền giả, đặc biệt là của Mỹ. Và việc chuyển tiền điện tử xuyên biên giới giữa các ngân hàng thường được sử dụng cho các ý đồ xấu và tội phạm. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có cuộc tấn công tiền tệ gây tác động tàn phá toàn cầu nào ngoài lĩnh vực phim ảnh.
Tất nhiên là đã có các nỗ lực chính trị để làm suy yếu hoặc thay thế đồng đô la Mỹ trong vai trò đồng tiền thống trị toàn cầu. Sự thay thế hấp dẫn nhất dường như là vàng. Các nhà lý luận về chủ nghĩa “Á-Âu” của Nga thường ca ngợi truyền thống sử dụng vàng của Nga. Hồi năm 2001, Thủ tướng Malaysia khi đó, ông Mahathir Mohamad, cố gắng giới thiệu “đồng dina vàng” như là phương án đáp trả đối với hệ thống tiền tệ dựa trên đồng đô la Mỹ. Và vào năm 2005, thủ lĩnh an ninh của tổ chức al-Qaeda, Saif al-Adl, đã đề nghị sử dụng vàng để lật đổ đồng đô la.
Bitcoin trông giống như phiên bản thế kỷ 21 của vàng, và những người tạo ra nó thậm chí rất thích sự so sánh đó. Nó được sản xuất – hoặc “đào” – thông qua nỗ lực khai thác. Và cũng như giá trị của vàng đã từng phản ánh sự khó nhọc của con người trong việc khai thác từ lòng đất ở những vùng hẻo lánh, khai thác Bitcoin tiêu tốn một lượng lớn năng lực máy tính được thúc đẩy bởi năng lượng giá rẻ ở các vùng “xa xôi” của Châu Á và Iceland.
Nhưng sự nổi lên của đồng Bitcoin cho thấy sự thay đổi trong cách xã hội nhận thức về giá trị nền tảng. Trong khi các đồng tiền kim loại thời cận đại dựa trên nền tảng về lý thuyết giá trị sức lao động – tức hàng hóa và dịch vụ phản ánh công sức con người bỏ vào đó – thì công nghệ blockchain xác định giá trị dựa trên năng lực máy tính và năng lượng được sử dụng, không phản dính dáng con người.
Cùng với đó, các đồng tiền mã hóa như Bitcoin gần như không thể phân biệt giữa việc phạm tội của nhà nước và khu vực tư nhân. Triều Tiên đã bị nghi vấn tiếp tục các nỗ lực thao túng tiền tệ bằng việc khai thác và tạo ra đồng Bitcoin, dẫn tới việc Trung Quốc và Hàn Quốc bắt đầu đóng cửa các sàn giao dịch Bitcoin. Các nền tảng giao dịch tiền mã hóa lớn như Coincheck tại Nhật Bản cũng đã tạm dừng giao dịch.
Nhưng chúng ta chưa đạt tới thời điểm mà sự sụp đổ của đồng Bitcoin có thể dẫn tới các hệ lụy toàn cầu nghiêm trọng. Ảnh hưởng tiêu cực của tiền mã hóa tới các thể chế tài chính vẫn chưa rõ ràng, và có lẽ sẽ không được thể hiện đầy đủ cho tới khi có một thảm họa tài chính. Điều này tạo ra một sự hồi tưởng đáng sợ tới thời điểm năm 2007 và 2008, khi mà không ai thực sự biết tác động của nợ thế chấp dưới chuẩn thực sự nằm ở đâu. Cho tới trước khi xảy ra khủng hoảng, mọi người vẫn còn đồn đoán không biết thể chế tài chính nào sẽ vỡ nợ.
Cũng như không thể ngay lập tức xác định được một bản tin là “tin giả” hay không, người ta cũng không thể ngay lập tức xác định được giá trị của các loại hình tiền tệ mới. Trừ khi một đồng tiền đã được công nhận bởi một chính phủ, nó sẽ không thể được tin tưởng hoàn toàn. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thể trở thành một món “đồ chơi” cho những người nhẹ dạ và cả tin, hoặc là một vũ khí hủy diệt hàng loạt về tài chính cho các tác nhân chính trị trên toàn thế giới.
Harold James là Giáo sư Sử học và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Princeton và là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (CIGI). Là chuyên gia về lịch sử kinh tế Đức và toàn cầu hoá, ông là đồng tác giả của cuốn sách mới xuất bản The Euro and the Battle of Ideas, và là tác giả của các cuốn sách The Creation and Destruction of Value: The Globalisation CycleKrupp: A History of the Legendary German Firm, và Making the European Monetary Union.
Copyright: Project Syndicate 2018 – The Bitcoin Threat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét