4 thg 2, 2022

Những điều chưa biết về nhà viết kịch đầu tiên của Việt Nam

Nhắc đến tên tuổi nhà văn, nhà viết kịch Vũ Đình Long, người ta thường liên tưởng ngay tới cái tên Nhà xuất bản Tân Dân và những tờ báo đã góp phần làm nên diện mạo văn học và báo chí nước nhà trước 1945 như "Tiểu thuyết thứ bảy", "Ích Hữu", "Tao đàn", "Phổ thông bán nguyệt san", "Truyền bá"... Ngoài ra, ông còn được người đời nhớ tới với vở "Chén thuốc độc" được công diễn tại "Nhà hát Tây" đêm 22-1-1921 và trở thành nhà viết kịch hiện đại đầu tiên của Việt Nam... 

Ngày 21-10-2021, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã công diễn vở "Chén thuộc độc" - một trong các hoạt động kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển của sân khấu kịch nói Việt Nam. Đối với gia đình cố nhà văn Vũ Đình Long, đây là một sự kiện quan trọng đầy xúc động, đặc biệt là với người vợ của ông - bà Mai Ngọc Hà - năm nay đã ở tuổi thượng thọ 94.

Từ khi chồng là nhà viết kịch Vũ Đình Long qua đời đến nay đã hơn 60 năm, bà Mai Ngọc Hà sống một cuộc đời khá lặng lẽ bên hai người con của mình. Chồng mất, bà mới là một thiếu phụ ngoài 30 tuổi với 2 người con một trai, một gái đều đang ở tuổi hoa niên. Bà ở vậy lặng lẽ bươn chải với đồng lương công nhân sắp chữ của Nhà máy in Thống Nhất nuôi 2 con ăn học nên người.

Khi vở diễn "Chén thuốc độc" được công diễn, bà đã đi xem tại Nhà hát Lớn, được gặp gỡ, giao lưu với các nghệ sĩ là thế hệ trẻ, bà thực sự cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện và xúc động. Bởi vì bà cảm thấy những đóng góp to lớn của người chồng mà bà rất mực yêu thương, tôn trọng đã được ghi nhận bằng hoạt động văn hóa tôn vinh xứng đáng.

Nhà văn, nhà biên kịch Vũ Đình Long (1896-1960).

Cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, 100 năm về trước, vở diễn "Chén thuốc độc" của tác giả Vũ Đình Long - lúc ấy còn là chàng trai trẻ 25 tuổi, là "ông giáo học" của trường Pháp - Việt Hà Đông, đã gây tiếng vang trong giới trí thức tại Hà Nội lúc bấy giờ. Theo một số ghi chép, vở kịch được dàn dựng và biểu diễn một số buổi tại các địa điểm khác như Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An nhưng không bán vé mà được diễn với mục đích quyên góp từ thiện ủng hộ đồng bào gặp hoàn cảnh khó khăn, thiên tai, lũ lụt…

Vở kịch "Chén thuốc độc" của Vũ Đình Long sau khi ra đời đã được xuất bản lần đầu trên "Hữu Thanh tạp chí" do nhà thơ Tản Đà làm chủ bút với lời "giới thiệu đầy e dè" (được đăng làm 3 kỳ, tương ứng với 3 hồi trong kịch).

Sau sự kiện Nhà hát Lớn Hà Nội được khánh thành năm 1911, những vở kịch nói đầu tiên của Molière do dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch như "Bệnh tưởng", "Trưởng giả học làm sang", "Lão hà tiện" bắt đầu được dàn dựng và biểu diễn. Đến năm 1921, "Chén thuốc độc" chính là vở kịch nói thuần Việt đầu tiên được biểu diễn trong Nhà hát Lớn (thời đó gọi là Nhà hát Tây).

Trong bài giới thiệu cuốn "Tuyển tập kịch Vũ Đình Long", Tiến sĩ - dịch giả Ngô Tự Lập đã trích lời ông Dương Nhữ Tiếp, hội trưởng hội đồng diễn kịch nói trong buổi công diễn vở kịch "Chén thuốc độc" của Vũ Đình Long: "Cái sự thực trong nghề diễn kịch ấy, ở nước ta chưa từng có bao giờ, cái bước thí nghiệm này của chúng tôi mới là bước thứ nhất, nghĩa là chưa bao giờ có bản tuồng tả phong tục An Nam diễn theo đúng thể cách An Nam, như bản kịch "Chén thuốc độc" của ông Vũ Đình Long mà chúng tôi diễn ngày hôm nay…".

Với sự mở màn vở "Chén thuốc độc" của Vũ Đình Long, những năm sau đó, một số báo - tạp chí đã đăng tải những tác phẩm kịch nói như: tờ "Phong hóa" đăng kịch dài "Kinh Kha" của Vi Huyền Đắc; trên mục "Xem Văn" tờ Ngày Nay số 10-2-1935 có bài "Một vở kịch, một chủ ý" giới thiệu vở kịch "Không một tiếng vang" của Vũ Trọng Phụng. Với sự ra đời của ban kịch Tinh Hoa của Đoàn Phú Tứ, ban kịch Thế Lữ… đã đem đến một không khí kịch nghệ mới mẻ, đặc biệt là vở diễn "Ông Ký Cóp" của Vi Huyền Đắc diễn vào tối 19-11-1938 và được quảng bá trên tờ Ngày nay số ra ngày 12-11-1938.

Sau vở kịch "Chén thuốc độc", Vũ Đình Long viết một số vở kịch như "Tây Sương tân kịch" (1922), "Tòa án lương tâm" (1923) và đến 20 năm sau, ông mới qua lại với việc viết kịch bản với vở "Đàn bà mới" (1943). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, với vốn ngoại ngữ tinh anh của mình, ông đã Việt hóa nhiều vở kịch như: "Thờ nước" (Việt hóa vở "Servir" của Henri Lavedan, 1947); "Công Tôn Nữ Ngọc Dung" (Việt hóa vở "L'aventurière" của Emile Augier, 1947); "Tổ quốc trên hết" (Việt hóa vở "Horace" của Corneille, 1949); "Gia tài" (Việt hóa vở "Le Lègataire universel" của Reganard, 1958)…

Ông còn dịch nhiều truyện thơ ngụ ngôn của La Fonten từ nguyên bản tiếng Pháp như một món quà tặng cho con trai Vũ Dân Tân và con gái Vũ Mai Hương của mình. Ông trở thành một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957) và là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa I. Có một điều đáng tiếc là, cho đến tận khi ông mất, có nhiều vở diễn của ông chưa một lần được được công diễn và một số kịch bản vẫn đang ở dạng bản thảo…

\Vở kịch "Chén thuốc độc" của Vũ Đình Long được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội sau 100 năm.

Nhà viết kịch Vũ Đình Long từng tâm sự: "Bấy lâu tôi nghỉ viết không phải vì tôi lười biếng hay thờ ơ lãnh đạm với văn chương. Tôi đã nghỉ viết để có thể chuyên tâm chú ý vào công cuộc xuất bản. Công cuộc ấy, theo ý tôi rất cần cho sự chấn hưng văn chương…". Điều đó cho thấy, nhà viết kịch, doanh nhân Vũ Đình Long khi đó đã có ý thức rất cao về vai trò của xuất bản trong việc hình thành và phát triển của văn hóa Việt Nam thông qua văn chương nghệ thuật.

Từ một hiệu sách Tân Dân nhỏ bé do ông mở năm 1924 khi mới 28 tuổi có tên "Tân Dân thư quán", sau này đã trở thành Nhà xuất bản Tân Dân tại số 93 Hàng Bông. Đây trở thành địa chỉ sinh hoạt văn chương học thuật, là "chốn đi về" của nhiều nhà văn Việt Nam thành danh trước Cách mạng tháng Tám như Nguyễn Công Hoan, Thâm Tâm, Tô Hoài, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Thanh Châu, Vũ Bằng…

Trong 20 năm tồn tại và phát triển của mình (1924-1954), nhờ có nhà in, nhà xuất bản Tân Dân và tài kinh doanh của ông Vũ Đình Long, nhiều nhà văn thời bấy giờ có điều kiện để in ấn tác phẩm, phát triển tài năng nhờ sự "hậu thuẫn", khích lệ của ông chủ nhà in Tân Dân bằng cách đặt hàng, "cấp vốn" cho họ để ra sách báo, tiểu thuyết. Nhờ sự thông minh nhạy bén, thức thời trong kinh doanh và con mắt tinh đời trong việc nhìn nhận, đánh giá, "đón lõng" thị hiếu người đọc để phát triển những ấn phẩm do Tân Dân in ấn, phát hành. Điều này không chỉ làm cho ông trở thành một ông chủ giàu có mà còn phát triển văn hóa đại chúng, góp phần không nhỏ trong việc hình thành nên diện mạo văn học - báo chí đa dạng, nhiều sắc màu của Việt Nam thời bấy giờ.

Trong những năm tháng chiến tranh, ông chuyển nhà xuất bản và nhà in về quê nhà Mục Xá và tiếp tục hoạt động xuất bản đều đặn: Hàng ngày xe ngựa chở ấn phẩm ra Hà Nội để bán và chở giấy in từ Hà Nội về. Do có nhiều công lao giúp cho sự phát triển của văn học nước nhà và ưa giúp đỡ người dân nghèo túng khó khăn, nên ông từng được triều đình nhà Nguyễn phong tặng tước "Hồng Lô Tự thiếu khanh" là một vinh dự lớn đối với gia đình và người dân làng Mục Xá (xã Cao Dương, Thanh Oai, Hà Tây) quê ông.

Cố nhà văn Băng Sơn trong bài "Nhớ ông chủ nhà xuất bản Tân Dân, một thời…" viết: "Đã có một thời văn học Việt Nam phát triển mạnh mẽ và rực rỡ do công sức của rất nhiều văn nghệ sĩ, nhà xuất bản. Không thể nào không nhắc đến một người góp phần đáng kể vào công việc đó, đó là ông Vũ Đình Long, chủ Nhà xuất bản Tân Dân ở phố Hàng Bông. Nhiều nhà văn thành danh sau này nhờ con mắt xanh tinh đời của ông Vũ phát hiện. Suốt mấy chục năm ông Vũ đã in ra một khối lượng sách đồ sộ mà nhiều nhà xuất bản sách sau này từ tư nhân đến nhà nước khó so được…".

Còn theo nhận định của Tiến sĩ, nhà văn Ngô Tự Lập thì: "Vũ Đình Long, không còn nghi ngờ gì nữa, là một trong những nhà hoạt động văn hóa độc đáo và có nhiều ảnh hưởng nhất của nước ta trong thế kỷ XX..".

Nguyệt Hà

                                                                                             Báo Văn Nghệ CôngAn 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét