17 thg 2, 2022

LƯỢC KHẢO VỀ THƠ MỚI VÀ PHONG TRÀO THƠ MỚI - Nguyễn Cang

 
A. Thơ mới
Thơ mới là cách gọi trào lưu sáng tác phi cổ điển, chịu ảnh hưởng các phép tu từ, thanh vận của thơ hiện đại Tây phương, trở thành một hiện tượng chung cho khu vực các nước đồng văn châu Á. Thơ mới ra đời đáp ứng yêu cầu cấp thiết của của cuộc đổi mới làm hiện đại hóa nền thi ca truyền thống.
 
I. Đặc điểm thơ mới
1. Thơ mới là một cuộc cách mạng về hình thức nghệ thuật, giải phóng triệt để các phép tắc tu từ, thanh vận, niêm luật chặt chẽ của loại thơ truyền thống đưa tới sự ra đời và phát triễn thơ tự do, thơ không vần, thơ có cấu trúc bậc thang. Cuộc cách mạng nầy có nguồn gốc từ cách mạng tư tưởng kết hợp với sự giải phóng của cái tôi cá nhân khỏi ràng buộc của sự tự ty mặc cảm . Hoài Thanh cho rằng thơ mới là sản phẩm của "khát vọng thành thật" nó đặt tự do cá nhân và tính chủ quan vào trọng tâm thi ca, nó cho phép biểu đạt mọi cung bậc cảm xúc, tư tưởng cá nhân .
 
2. Số câu trong bài không giới hạn như như trong thơ cũ .
 
3. Ngôn ngữ bình thường trong đời sống được nâng lên thành trau chuốc, thành ngôn từ nghệ thuật thi ca không bị lệ thuộc vào việc sử dụng thành ngữ điển tích như thường thấy trước kia.
 
4. Nội dung thì đa diện, phức tạp, sâu sắc, không bị giới hạn trong những đề tài mẫu mực về phong hoa tuyết nguyệt, tài tử giai nhân, sắc nước hương trời, kinh điển.
 
5. Chịu ảnh hửơng của trào lưu thi ca hiện đại Tây phương về chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa duy mỹ, chủ nghĩa siêu thực...làm thay đổi tính bảo thủ trong thi ca Việt Nam. Nó là bước tiến mới trong việc tổng hợp giá trị văn hóa Đông- Tây với truyền thống hiện đại. Bước tổng hợp đó xảy ra trên mọi cấp bậc văn hóa, nghệ thuật, tư duy, thể loại, ngôn ngữ, thi liệu.
Cụ thể, cuộc cách mạng Thơ mới được biểu hiện ở một số phương diện như sau :
II. Thơ mới về mặt nghệ thuật.
Như đã trình bày ở trên, Thơ mới là một cuộc tổng hợp những truyền thống thơ ca phương Đông và phương Tây, truyền thống cổ điển, và hiện đại. Cuộc tổng hợp đó trước hết thể hiện dưới hình thức nghệ thuật:
1.Về thể loại: dù những xung đột giữa Thơ mới và Thơ cũ trước hết diễn ra trên bình diện thể loại, nhưng có thể nói Thơ mới là một bước kế thừa những thể loại đã ổn định của Thơ ca Việt Nam thời Trung đại.
- So với thơ ca truyền thống, Thơ mới nói chung được tự do hơn, số câu trong một bài thơ thường không hạn định, chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây, một bài thơ mới thường được chia thành khổ, số lượng khổ thường không giới hạn, tùy thuộc vào sự dài ngắn của bài thơ.
- Mặc dù hướng đến sự tự do hình thức nhưng thơ phá thể và thơ tự do không phải là những hình thức phổ biến của thơ mới. Thơ mới thường hướng đến sự ổn định về số âm tiết trong câu thơ, có thể từ 2 đến trên 10 âm tiết nhưng phổ biến là thơ 5, 7 và 8 chữ. Về mặt thể loại, Thơ mới không chống thơ Đường luật mà chỉ chống lại đối ngẫu trong thơ Đường luật. Thể loại 5 và 7 chữ của Thơ mới là sự kế thừa câu thơ Đường luật, thơ song thất lục bát bị giải thể, hát nói trở thành thơ 8 chữ và thơ lục bát được duy trì, có những nhà thơ gần như chuyên sáng tác thơ lục bát (Nguyễn Bính).
 
III. Các hình thức hiệp vần của Thơ mới: khá phong phú, mang dấu vết của những lối gieo vần của thơ truyền thống :
1. Vần chéo: là lối 4 câu 2 vần ( trắc vần với trắc, bằng với bằng). Ví dụ:
Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá,
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi.
Tôi với người yêu qua nhẹ nhẹ...
Im lìm, không dám nói năng chi.
(Trăng/ Xuân Diệu)
1a. Vần ba chữ ( vần gieo chữ cuối các cấu 1,2,4) . Ví dụ:
Em đẹp bàn tay ngón ngón thon;
Em duyên đôi má nắng hoe tròn.
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non.
(Áo trắng/ Huy Cận)
2. Vần liền: với từng cặp đôi bằng trắc, cứ hai vần bằng rồi đến hai vần trắc hoặc ngựơc lại, thực chất là lối vần liền trong vè, nói lối, hát nói, Ví dụ:
Ve kêu ve ve
Suốt cả mùa hè
Kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn bối rối ?
Một miếng chẳng còn
Ruồi bọ một con
( Bài dịch "con ve và con kiến" của Nguyễn Văn Vĩnh)
3. Vần ôm: thường chỉ là hai vần trắc ôm giữa hai vần bằng hay ngựơc lại. Ví dụ:
Khi biết lòng anh như đã chết,
Mây thôi hồng mà lá cũng thôi xanh.
Màu hoa tươi cũng héo ở trên cành.
Và vũ trụ thãy một màu đen tối.
(Dang dở/Thâm Tâm)
4. Một nguyên tắc được chú trọng trong thơ mới là luật điều hoán âm thanh trong câu thơ ( Hoài Thanh): Nếu một câu thơ được chia thành ba hay bốn đoạn thì những chữ cuối mỗi đoạn phải có sự thay đổi bằng trắc – luật đổi thanh. Ví dụ:
Ta cùng Nàng nhìn nhau không tiếng nói
Sợ lời than lay đổ cả đêm sâu
Đôi hơi thở tìm nhau trong bóng tối
Đôi linh hồn chìm đắm bể U Sầu .
Chiêm nương ơi, cười lên đi, em hỡi !
Cho lòng anh quên một phút buồn lo !
Nhìn chi em chân trời xa vòi vọi
Nhớ chi em sầu hận nước Chàm ta ?
(Đêm tàn / Chế Lan Viên)
5. Một hiện tượng đáng lưu ý của Thơ mới, đó là cái mà Hoài Thanh gọi là “sự xâm nhập của văn xuôi vào địa hạt của thơ”. Hiện tượng này được thể hiện trên mấy dạng thức sau :
- Sự xuất hiện dày đặc của các hư từ, đại từ trong câu thơ. Ví dụ:
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi!
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi...
( Tống biệt / Tản Đà)
- Sự xuất hiện câu thơ vắt dòng, bằng cách đem xuống đầu câu dưới một vài chữ làm lọn nghĩa câu trên khiến người ta phải chú ý đến những chữ nầy đồng thời làm thay đổi hẳn bản chất quan hệ giữa các câu thơ trong một khổ thơ (điều khác với phép đối của thơ Đường luật). Ví dụ:
Bấy lâu nay xuôi ngược trên đường đời.
Anh thấy chăng? Tôi chỉ hát, chỉ cười
Như vui sống mãi trong vòng sung sướng.
Vì tôi muốn để cho lòng tôi tưởng
Không bao giờ còn có vết thương đau,
Không bao giờ còn thấy bóng mây sầu
Vương vít nữa. — Bạn ơi nào có được!
(Bóng mây chiều / Thế Lữ)
- Sự xuất hiện của những dạng câu có tính suy luận, cầu khiến. Ví dụ:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.
(Tống biệt hành / Thâm Tâm)
hoặc:
Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói?
Gió trăng có sẵn làm sao ăn?
Làm sao giết được người trong mộng?
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng?
(Xuân Như Ý/ Hàn Mặc Tử)
- Thơ mới đã vận dụng ngôn ngữ thơ trở về gần với ngôn ngữ đời thường trong cuộc sống, là sự thể hiện của “khát vọng thành thật” diễn tả mọi cung bậc ngõ ngách của cảm xúc, suy nghĩ, diễn ra trong tâm hồn chủ thể trữ tình của cái tôi, đối lập lại với sự cô đọng, hàm xúc, duy lý của thơ ca cổ điển.
6. Thơ mới một phương thức cảm thụ thế giới mới
Thơ mới biểu hiện một cuộc cách mạng của tư duy: đặt cái tôi cá nhân ở trung tâm cảm thụ. Trong Thơ mới, có một sự giao hòa giữa thế giới nội tâm (cảm xúc, cảm giác, tâm trạng) của chủ thể trữ tình với thế giới ngoại cảnh, có sự nới rộng biên độ cảm thụ thế giới bằng việc kết hợp các giác quan một cách nhuần nhuyễn lạ kỳ. Điều này được thể hiện ở một số hình thức như sau :
- Hiện tượng nhân hóa, nội cảm hóa ngoại cảnh, làm cho ngoại cảnh nhuốm màu cảm xúc con người. Ví dụ:
Nắng chia nửa bãi, chiều rồi...
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau,
Em ơi! Hãy ngủ... anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này,
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ...
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ...
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...
(Ngậm ngùi, Huy Cận)
Hay:
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
(Đây thôn Vỹ Dạ / Hàn Mặc Tử)
-Thiên nhiên trong thơ mới là một thứ thiên nhiên rạo rực những cảm giác của con người, những bâng khuâng thương nhớ hay những nức nở nghẹn ngào. Ví dụ :
Người ở bên trời ta ở đây;
Chờ mong phương nọ, ngóng phương này.
Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm,
Vạn lý sầu lên núi tiếp mây.
Nắng đã xế về bên xứ bạn;
Chiều mưa trên bãi nước sông đầy.
Trông vời bốn phía không nguôi nhớ,
Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay.
Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt,
Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày.
Chiếu chăn không ấm người nằm một -
Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay.
(Vạn lý tình / Huy Cận)
- Ngược lại, cũng có hiện tượng ngoại cảnh hóa tâm hồn, khiến con người trở nên buồn vui hay chán nản thất vọng.
Ví dụ:
Hôm nay xác pháo đầy đường
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây
Rượu hồng em uống cho say
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng
Rồi đây sóng gió ngang sông
Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ.
(Lỡ bước sang ngang / Nguyễn Bính)
- Có những ẩn dụ kỳ lạ nối liền thế giới ngoại cảnh trăng sao, thế giới trừu tượng, huyễn hoặc với thế giới con người. Ví dụ:
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
Bao giờ đậu trạng vinh quy đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.
(Trăng vàng trăng ngọc / Hàn Mặc Tử)
Hay:
Trăng, vú mộng của muôn đời thi sĩ
Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy,
Trăng, hoa vàng lay lắt cạnh bờ mây;
Trăng, đĩa ngọc giữa mâm trời huyền bí;
Trăng, vú mộng của muôn đời thi sĩ
Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy.
Trăng, nguồn sương làm ướt cả Gió hây,
Trăng, võng rượu khiến Đêm mờ chuếnh choáng,
(Ca tụng / Xuân Diệu)
- những tập hợp từ ngữ mới lạ hòa trộn các giác quan đến mức kì dị : Nhạc thơm, gió thơm, hương mến yêu, uống hồn, tháng giêng ngon như một cặp môi gần. Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi; Trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ...
- Đặc biệt là hiện tượng hòa trộn các giác quan để cảm thụ niềm vui nỗi khổ của mình và tha nhân ( chịu ảnh hưởng của thơ ca tượng trưng phương Tây). Điển hình xuất sắc là Nguyệt Cầm của Xuân Diệu:
 
Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh,
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần.
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm!
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.
Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh;
Lung linh bóng sáng bỗng rung mình
Vì nghe nương tử trong câu hát
Đã chết đêm rằm theo nước xanh.
 
7. Thơ mới – Bảng ghi chân thực hiện tượng tinh thần của cá nhân trước cuộc sống.
Trong thời điểm khởi đầu của phong trào Thơ mới, Thế Lữ viết tuyên ngôn cho một cuộc cách mạng thơ ca :
 
Tôi là kẻ bộ hành phiêu lãng
Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi
Tìm cảm giác hay trong tiếng khóc câu cười,
Trong lúc gian lao trong giờ sung sướng,
Khi phấn đấu cũng như hồi mơ tưởng
Tôi yêu đời cùng với cảnh lầm than,
Cảnh thương tâm , ghê gớm hay dịu dàng,
Cảnh rực rỡ ái ân hay dữ dội.
(Cây đàn muôn điệu / Thế Lữ)
 
Thơ mới là tiếng nói của tâm hồn rộng mở với thế giới bên ngoài, một tâm hồn được cởi bỏ khỏi mọi ràng buộc của lể giáo, vì vậy, từ góc độ loại hình, Thơ mới tiến tới thể loại trữ tình, lấy thiên nhiên và tình yêu làm đề tài phản ánh, nó đối lập với thơ ca tuyên truyền cổ động, thơ ca chính luận. Thơ mới mang dòng cảm xúc, biểu lộ mạch sống nội tâm của chủ thể trữ tình.
8. Nỗi buồn, sắc thái thẩm mỹ đậm nét của thơ mới :
Xuất phát từ những nguyên nhân có tính lịch sử, văn hóa và xã hội (một thời đại đau khổ của dân tộc, một giai đoạn tan vỡ của hệ thống giá trị luân lý đạo đức cổ truyền, một thế hệ thanh niên đang mất phương hướng).
– bi kịch “thiếu niềm tin", (nói như Hoài Thanh) mà nỗi buồn trở thành tâm trạng phổ biến bao trùm lên toàn bộ Thơ mới. Có nhiều sắc thái của nỗi buồn được biểu hiện trong Thơ mới:
 
Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm;
Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em.
Không gì buồn bằng những buổi chiều êm.
Mà ánh sáng đều hoà cùng bóng tối.
Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối;
Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành;
Mây theo chim về dãy núi xa xanh
Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ
Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ.
(Tương tư chiều / Xuân Diệu)
 
- Có cái buồn thê thiết, ảo não, trở thành một thứ ám ảnh, thấm đẫm trong thế giới quan, một thứ “sầu vạn cổ” thuộc về bản chất của thân phận con người như trong thơ Huy Cận:
 
Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...
(Buồn đêm mưa / Huy Cận)
 
- Hay cái buồn tuyệt vọng như trong thơ Hàn Mặc Tử:
Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì,
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si?
(Những giọt lệ / Hàn Mặc Tử)
 
- Và cũng có khi cái buồn nhuốm màu bi quan, bế tắc, rã rời suy sụp, nhuốm màu sắc sa đọa như trong thơ Vũ Hoàng Chương:
Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt!
Rượu, rượu nữa! và quên, quên hết!
Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi...
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa .
(Say đi em/ Vũ Hoàng Chương)
 
-Tuy nhiên, trong Thơ mới cũng có những màu sắc trong sáng, êm nhẹ, vui tươi khi cá nhân tìm về với thực tại, với thế giới con người, với quê hương đất nước (Thơ duyên, Xuân Diệu; Thơ của Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ; Quê hương của Tế Hanh). Ví dụ bài "Thơ duyên" của Xuân Diệu:
Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền.
Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu,
Lả lả cành hoang nắng trở chiều.
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,
Lần đầu rung động nỗi thương yêu.
 
9. Gắn liền với nỗi buồn là sự cô đơn lạc lõng, sự bé nhỏ và cảm giác bất mãn, thậm chí đến mức đối lập gay gắt giữa con người với thế giới hiện tại.
- Nội tâm bao trùm Thơ mới là một sự bất bình sâu xa với thực tại. Tâm trạng bi quan luôn ám ảnh bởi cái nhìn ngờ vực về thân phận con người và cuộc sống hiện thực:
Trời hỡi trời! Hôm nay ta chán hết
Những sắc màu hình ảnh của Trần Gian!
Thịt bại rồi, nhãn quan đà lả mệt
Thú điên cuồng ao ước vẫn khôn ngăn!
Ta nhắm mắt mặc yên cho Hiện Tại
Biến dần ra Dĩ Vãng ở trên mi
Thay đổi rồi vẫn còn thay đổi mãi
Không gian kia còn lúc chuyển thiên đi!
(Tạo lập / Chế Lan Viên)
- Cảm giác cô đơn trở thành nỗi ám ảnh trong Thơ mới. Nó bộc lộ sự bi quan yếu đuối nhỏ bé của con người, tâm hồn lạc loài đơn chiếc. Ví dụ bài "Buồn đêm mưa" của Huy Cận:
Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...
 
- Sự cô đơn còn xuất hiện ngay trong cả những giây phút yêu đương:
Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ,
Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ.
Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!
Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ.
(Trăng / Xuân Diệu)
- Cô đơn thăm thẳm từ tâm hồn lẫn thể xác, trong bệnh hoạn cô đơn càng khủng khiếp như trong thơ Hàn Mặc Tử, bài "Những giọt lệ":
Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì,
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si?
 
Hoặc trong bài "Uống trăng" của cùng tác giả (Hàn Mặc Tử):
Bóng Hằng trong chén nằm nghiêng
Lả lơi, tắm mát, làm duyên gợi tình
Sóng xao mặt nước rung rinh
Lòng ta khát miếng chung tình từ lâu
Uống đi cho đỡ khô hầu
Uống đi cho bớt cái sầu mênh mang
Có ai nuốt ảnh trăng vàng
Có ai nuốt cả bóng nàng Tiên Nga
Đã thèm cái giấc mơ hoa.
 
Những cảm giác cô đơn đó trở thành mẫu số chung cho những cuộc tình chia tay, tiễn biệt trên sân ga, bến đò, trở thành một môtíp phổ biến của Thơ mới. Ví dụ bài thơ:
"Những bóng người trên sân ga" của Nguyễn Bính:
Những cuộc chia lìa khởi từ đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt, thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tháng ngày
Có lần tôi thấy hai cô gái
Sát má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
Đường về nhà chị chắc xa xôi?
 
10. Vì Thơ mới đã biểu lộ tính đối lập giữa tâm hồn cá nhân với thế giới hiện tại, từ đó hình thành trong thơ mới một thứ khát vọng "giải thoát". Ví dụ bài "Những sợi tơ lòng" của Chế Lan Viên:
Tôi không muốn đất trời xoay chuyển nữa
Với tháng ngày biền biệt đuổi nhau trôi
Xuân đừng về! Hè đừng gieo ánh lửa!
Thu thôi sang! Ðông thôi lại não lòng tôi!
- Có nhiều ngả đường thoát ly khỏi thế giới thực tại : tìm về quá khứ, những giấc “mơ xưa” ( những giấc “mơ xưa” trong thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên...), có cuộc trở về với thiên nhiên đất nước, những sinh hoạt phong tục tập quán êm đềm của cộng đồng (Thơ Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Tế Hanh), có sự tiếc nuối những giá trị văn hóa, tập quán, đã qua ( Ông đồ – Vũ Đình Liên, Nhớ rừng – Thế Lữ, Con voi già - Huy Thông...) và có cả những ngả đường tìm đến với tôn giáo để an ủi, chở che (Hàn Mặc Tử) hoặc, tiêu cực hơn cả, tìm đến nơi ăn chơi truỵ lạc để lãng quên (Vũ Hoàng Chương)
11. Và không thể phủ nhận trong Thơ mới có một tình yêu thiết tha đối với cuộc sống, một khát vọng thay đổi. Tình cảm đó được biểu hiện dưới hai hình thức:
- Nỗi khát khao đam mê tận hưởng tình yêu và hạnh phúc hiện tại (Vội vàng, Giục giã - Xuân Diệu)
- Hình ảnh khách chinh phu, khát vọng lên đường:
Mây trắng ngang trời bay vẩn vơ
Đời anh lưu lạc tự bao giờ
Đi đi... đi mãi nơi vô định
Tìm cái phi thường cái ước mơ.
Ở chốn xa xôi em có hay
Nắng mưa đã trải biết bao ngày
Nụ cười ý vị như mai mỉa
Mỉa cái nhân tình lúc đổi thay.
(Đời phiêu lãng/ Hàn Mặc Tử)
 
B. Phong trào thơ mới
Thơ mới xuất hiện trên văn đàn bắt đầu từ những bài thơ mang tính khác biệt về âm thanh, màu sắc, thanh vận, phức điệu...với thơ văn truyền thống cổ điển. Được sự ủng hộ của các bạn trẻ, họ tung ra nhiều bài thơ mới sáng tác phi cổ điển. Đồng thời có những bài viết cổ động cho loại thơ mới nầy bằng những lý luận vững chắc về nghệ thuật sáng tác. Dần dần thơ mới phát triển và đối đầu gay gắt với khuynh hướng thơ cũ trong những cuộc tranh luận nẫy lửa. Sau cùng là sự thắng thế của phong trào thơ mới khi trên văn đàn không còn ai đặt vấn đề khái niệm thơ mới nữa, tức sự tranh luận đã chấm dứt ( kéo dài gần 10 năm, 1932-1941). Từ cuối thế kỷ thứ 19 đầu thế kỷ thứ 20, thơ mới đã trở thành hiện tượng chung cho khu vực Đông Nam Á trong đó Nhật Bản là nước đi đầu trong phong trào thơ mới bằng sự xuất hiện của trường phái Tân Thể Thi.
I.Khái quát về lịch sử và diễn tiến phong trào thơ mới.
Trong quá khứ những dấu hiệu diễn tiến của cuộc cách mạng thi ca để thoát ra ngoài những khuôn khổ, phép tắc thơ cũ của thời trung đại lấy thơ chữ Hán làm tiêu chuẩn, rất chậm chạp. Hiện tượng đổi mới được diễn ra trên hai bình diện nội dung và hình thức. Về nội dung thì trong suốt hành trình thi ca thời trung đại, có những nhà thơ xuất sắc như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, hay khác biệt như Hồ Xuân Hương, đã xuất hiện những khuynh hướng phi cổ điển ra ngoài những khuôn khổ đạo lý thánh hiền, duy lý của nho giáo để biểu đạt những tình cảm chân thật, những ước vọng cao sang, những niềm thương nỗi nhớ rạt rào, những đau khổ triền miên, những lạc thú trên trần thế v.v. Đặc biệt là những khát vọng chân chính về tình yêu nóng bỏng ngọt ngào hay đau khổ triền miên trong cuộc sống hằng ngày. Về hình thức ta thấy cũng có những hoạt động sôi nổi để cải cách thể thơ : thơ thất ngôn xen lẫn thơ lục ngôn của Nguyễn Trãi, thơ chữ nôm sử dụng ngôn ngữ dân tộc của Hồ Xuân Hương, dùng phép ẩn dụ, đa nghĩa, nói lái rất linh động. Tuy nhiên sự cải cách cũng gặp nhiều trở ngại nên diễn tiến xảy ra chậm chạp do sự thống trị dai dẳng của học thuyết nho giáo, mỹ học nho giáo, của bảo thủ trong hệ thống cầm quyền của chế độ phong kiến, tuyển chọn nhân tài bằng thơ phú văn chương cổ điển kiểu cũ, chỉ biết ca ngợi chế độ đương thời dù chế độ có thế nào !
Đầu thế kỷ thứ XX bắt đầu xuất hiện nhũng nhà thơ nổi tiếng đứng ra cổ vũ cho thơ mới, đại diện là nhà thơ cũ xuất sắc Tản Đà sáng tác thơ ca bằng những bài thơ mang màu sắc mới về thể loại, ngôn ngữ, lẫn nội dung cảm xúc. Một số người khác dịch thơ văn phương Tây ra tiếng Việt bằng một thể loại và ngôn từ khác hẳn, điển hình là ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine "con ve và con kiến". Một số nhà trí thức khác có tiếng là bảo thủ như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi nay lên án thơ ca truyền thống đã kiềm hãm dòng tư tưởng mới bằng những quy luật khắc khe về niêm luật nên giết chết niềm cảm xúc tự nhiên của con người. Năm 1917 Phạm Quỳnh trên báo Nam Phong (số 5), nổi tiếng là người bảo thủ, cũng phải thú nhận sự gò bó của các luật thơ cũ:
"Người ta nói tiếng thơ là tiếng kêu của con tim. Người Tàu định luật nghiêm cho người làm thơ thực là muốn chữa lại, sửa lại tiếng kêu ấy cho nó hay hơn nhưng cũng nhân đó mà làm mất đi cái giọng tự nhiên vậy."
Sau đó, Phan Khôi cũng viết nhiều bài báo chỉ trích những trói buộc của thơ văn cũ và đòi hỏi cởi trói cho sáng tác thơ ca.
Trong khoảng 1924-1925, cuốn tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Phách kể về mối tình Đạm Thủy-Tố Tâm đã gây sóng gió trong giới học sinh sinh viên bằng những tình yêu lãng mạn đưa tới cái chết của vài học sinh và thanh niên thành thị, dù tình yêu ấy chưa vượt qua được rào cản của đại gia đình phong kiến. Tiếp theo đó, năm 1928, Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã phá vỡ vần điệu niêm luật, số câu, số chữ của "thơ cũ" khi dịch bài La cigale et la fourmi (Con ve và con kiến) của La Fontaine sang tiếng Việt. Năm 1929, Trịnh Đình Rư tiếp tục viết trên báo Phụ nữ tân văn (số 26):
"Cái nghề thơ Đường luật khó đến như thế, khó cho đến đỗi kẻ muốn làm thơ, mỗi khi có nhiều tư tưởng mới lạ muốn phát ra lời, song vì khó tìm chữ đối, khó chọn vần gieo, nên ý tưởng dầu hay cũng đành bỏ bớt. Cái phạm vi của thơ Đường luật thật là hẹp hòi, cái qui củ của thơ Đường luật thật là tẩn mẩn. Ta nếu còn ưa chuộng mà theo lối thơ này mãi, thì nghề thơ văn của ta chắc không có bao giờ mong phát đạt được vậy."
Ngày 10 tháng 3 năm 1932, bài thơ Tình già của Phan Khôi ra mắt bạn đọc trên báo Phụ nữ tân văn số 122 cùng với bài giới thiệu mang tên Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ, đã có tiếng vang mạnh mẽ, được xem là bài thơ mở đầu cho phong trào Thơ mới. Ngay sau đó, cuộc tranh luận giữa lối thơ mới và thơ cũ diễn ra vô cùng gay gắt. Mãi đến năm 1941, cuộc tranh chấp mới chấm dứt do sự thắng thế của lối thơ mới, khép lại mấy trăm năm thống lĩnh của thơ Đường. Một thời kỳ vàng son mới của văn học Việt Nam đã diễn ra với tên gọi quen thuộc là phong trào Thơ mới.
II. Cuộc tranh luận giữa thơ cũ và mới.
Ngày 10/3/1932 ông Phan Khôi đã trình làng bài thơ mới Tình Già trên tờ Nữ Tân Văn, bài thơ mới đầu tiên, tiên phong cho cuộc cách mạng thi ca. Bài thơ đã gây một cơn bão trên thi đàn Việt nam, được hoan nghênh và ủng hộ công cuộc đổi mới của giới trí thức và thanh niên. Tiếp theo tờ Phụ Nữ Tân Văn lại đăng bài thơ mới của Nguyễn Thị Manh Manh ( Nguyễn Thị Kiêm) và Hồ Văn Hảo. Còn ngoài Bắc tờ Phong Hóa vừa mới thành lập cũng lên tiếng đã kích những người làm thơ theo lối cũ mà đại diện là Tản Đà. Chưa hết, trong số báo Tết năm 1933, Phong Hóa cho đăng một loạt bài thơ mới của các cây viết trẻ thật đăc sắc như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nhất Linh, Vũ Đình Liên, Đoàn Phú Tứ, Huy Thông v.v. Tiếp đến là các nhà văn nhà báo, nhà xuất bản, từ Nam chí Bắc đều cho đăng nhiều bài thơ mới cổ động tuyên truyền cho thơ mới. Song song với những hoạt động sáng tác và xuất bản, nhiều cuộc đăng đàn diễn thuyết, tranh luận giữa thơ cũ và mới. Nhóm đại diện cho thơ mới có Lưu Trọng Lư, Nguyễn Thị Kiêm, tranh luận với nhóm thơ cũ là Nguyễn Văn Hanh, Vũ Đình Liên, Trương Tửu. Cuộc tranh luận diễn ra rất sôi nổi, hào hứng!
Riêng nhà thơ cũ xuất sắc Tản Đà bị rơi vào khủng hoảng sáng tạo, tạm thời đứng yên một chỗ. Báo chí đã góp phần rất lớn vào bút chiến giữa thơ cũ và thơ mới, giúp xã hội hóa văn học cho đến gần với quần chúng, và tạo điều kiện để các nhà thơ nhà văn bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về văn chương nghệ thuật. Cuộc bút chiến giữa thơ cũ và mới khởi đầu trên báo chí và tiếp nhiên liệu cho tranh luận. Tản Đà được xếp vào tuyến đầu phòng thủ của nhóm thơ cũ. Lúc đầu ông rất thận trọng không dùng tờ báo của mình là An Nam tạp chí để tấn công thơ mới. Nhưng đến cuối năm 1932, thấy tờ Phong Hóa làm quá ông mới đăng trên tờ An Nam tạp chí, số 6, một bài thơ đáp trả mà không đề cập tới thơ mới chỉ muốn chứng tỏ có ta đây! Lời bài thơ như sau:
Mấy lời nhắn bảo anh Phong Hóa
Báo đến như anh thật láo quá
Từ tháng đến năm không ngớt mồm
Sang năm Kỷ Dậu (1933) phải kiềm khóa
Ông nỉnh ông ninh có liệu mà!
Tái tứ tái tam đừng trách nhá
Chút tình đồng nghiệp bảo cho nhau!
Gặp dịp tốt, tờ Phong Hóa số 28 ngày 31/12/1932 phản ứng tức khắc bằng cách đăng một bài thơ họa nguyên vận, đả kích Tản Đà:
Anh lên giọng rượu khuyên Phong hóa
Sặc sụa hơi men khó ngửi quá
Đã dạy bao lần tai chẳng nghe
Hẳn còn nhiều phen mồm bị khóa
Thân mềm chưa chắc đứng ngay đâu!
Lưỡi ngắn thì nên co lại nhá
Phong Hóa mà không hóa nổi anh
Tuy nhân quả thật là nan hóa...
Sau đó Phong Hóa còn đăng nhiều bài đả kích Tản Đà, vì họ cho ông là lãnh tụ phái thơ cũ. Có thể nói sự sôi động trong tranh luận trên báo chí khiến cho những ngươì yêu thơ, những người có tâm huyết với nền văn hóa dân tộc không thể đứng ngoài cuộc. Các nhà thơ cũ cũng không kém, họ đáp trả bằng những lời lẽ mạt sát thậm tệ.Tùng Thành đã gọi đích danh Phan Khôi và những nhà thơ mới ra trách móc chê bai:
 
Trách bác Phan Khôi khá rắc rối
Noi gương Hồ Thích làm thơ mới
Câu dài câu ngắn chẳng ra sao
Vần đụp vần đơn nghe thật chối
Hăng hái Thị Kiêm diễn thuyết khen
Nhiệt tình Thế Lữ lao công mãi...
Trong bài Phong trào thơ mới dăng trên tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 27 ngày 1/12/1934, Lưu Trọng Lư, đại diện phái thơ mới, kịch liệt đả kích lối thơ cũ vì cho rằng họ có một lối đối đáp thật buồn cười là hễ khi tôi thấy "con chó đi ra" thì thế nào tôi cũng phải nghĩ đến "con mèo chạy vô" dù bấy giờ trứơc mắt tôi thấy chỉ có lá rụng. Qua những lời lẽ võ đoán và liều lĩnh không khỏi làm cho các nhà thơ cũ bất bình.
Đến năm 1941 thì thơ mới hoàn toàn thắng thế. Tuy vậy vẫn còn nhiều người ủng hộ thơ cũ như Nguyễn Văn Hanh, Thái Phỉ, Huỳnh Thúc Kháng và đặc biệt là Tản Đà. Điều đáng nói là chỉ trong thời gian ngắn lại xuất hiện nhiều nhà thơ trẻ, tài năng như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp được nhiều người ái mộ.
 
III.Các tác giả tiêu biểu trong phong trào thơ mới
Ta có thể chia thơ mới làm hai thời kỳ, trước 1939 và sau 1939.
1.Thời kỳ thứ nhất trước 1939 ( từ 1930-1935) : Những nhà thơ biểu lộ tình cảm , tình yêu một cách tự nhiên, cái tôi được bộc lộ rõ nét, gồm các tác giả tiên phong trong phong trào thơ mới: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Nguyễn Nhược Phạp, Vũ Đình Liên, Thái Can, và các tác giả xuất hiện sau 1935 ( từ 1936-1939) như: Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tịnh, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Nguyễn Bính, Anh Thơ…
2. Thời kỳ thứ hai sau 1939 : Các nhà thơ đi tìm tòi khám phá mới về triết luận, về bản thể con ngươi...nhưng họ lại biểu hiện những bế tắc trong lý luận và trong cuộc sống. Thậm chí có một số tác giả, tác phẩm đi vào khuynh hướng sa đọa hưởng lạc, trữ tình lãng mạn, lạc lõng vong thân, điển hình là Vũ Hoàng Chương có khuynh hướng sa dọa rõ nét (Thơ say, Mây), Hàn Mặc Tử (Thượng thanh khí), Chế Lan Viên (Vàng sao), Huy Cận ( Kinh cầu tự, Vũ trụ ca), nhóm Xuân Thu Nhã Tập, nhóm Dạ đài. Đặc diểm đáng lưu ý trong phong trào thơ mới nầy là tính không thuần nhất, do mỗi tác giả chịu ảnh hưởng của nguồn tư tưởng khác nhau nên thường thay đổi phương pháp sang tác.
Nhà thơ Xuân Diệu trong giai đoạn đầu thơ mang màu sắc lãng mạn mà chủ nghĩa lãng mạn được biểu lộ khá rõ nét với những tác phẩm xuất sắc (Nguyệt cầm) nhưng về sau lại chuyển sang khuynh hướng tựơng trưng. Với Hàn Mặc Tử thì lúc đầu thơ ông mang vẻ đẹp tự nhiên của miền thôn dã, mộc mạc bình dân, gần gũi với thôn quê, điệu thơ như giọng ca dao mộc mạc đậm đà tình yêu quê hương ( Tập thơ Gái quê, 1936), nhưng đến khi tập thơ Đau thương, Thơ điên thì lại mang màu sắc siêu thực ( ám ảnh điên loạn, mê sảng, chết chóc, kinh dị, ma quái) rồi chịu ảnh hưởng tôn giáo lại tìm an ủi trong tôn giáo nhất là Thiên chúa giáo ( Xuân như ý, Ma sơ).
Do sự thay đổi trong sáng tác nên việc phân chia khuynh hướng phong trào thơ mới rất khó khăn, có người phân chia theo nguồn ảnh hưởng, có người theo phương thức sáng tác, có người theo thể loại... Theo cách nào cũng thấy bất cập. Thử điểm qua vài tác giả:
Tác giả Hoài Thanh phân chia theo nguồn ảnh hưởng, ông xếp các tác giả sau đây vào nguồn ảnh hưởng thơ Pháp: Thế Lũ, Huy Thông, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tủ, Chế Lan Viên...
Theo nguồn ảnh hưởng của thơ Đường: Thái Can, Thâm Tâm, Quâch Tấn, Đinh Hừng, Vũ Hoàng Chương... và dòng thuần túy Việt Nam: Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương. Có tác giả phân chia theo phương thức lãng mạn, siêu thực, tượng trưng v.v. Nhìn chung có nhiều khuynh hứơng thi ca trong sáng tác ở giai đoạn nầy mà không có một đường lối chung nhất định. Hoài Thanh nhận xét trong giai đoạn từ 1932 đến 1942 là giai đoạn bùng nổ trong thi ca Việt Nam với sự mở rộng sáng tác như các tác giả: bi hùng như Thế Lữ; mơ màng như Lưu Trọng Lư; hùng tráng như Huy Thông, Thế Lữ; trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp ( đi Chùa Hương); ảo não như Huy Cận; quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử; thiết tha rạo rực như Xuân Diệu và hoài cổ như Vũ Đình Liên (bài Ông đồ).
 
IV.. Nội dung khuynh hướng sáng tác
Khuynh hướng chung của thời kỳ Thơ mới những năm 1932-1945 là khuynh hướng lãng mạn, ca ngợi cái đẹp "tôi" của tác giả ( cái tôi không còn đáng ghét ), thi vị hóa cuộc sống rối ren, bon chen, đau khổ tơi bời, trước bế tắc của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến đưa đến tâm trạng buồn sầu, ưu uất, lạc lõng giữa dòng đời.
Khuynh hướng lãng mạn rất đa dạng, có khi lãng mạn mộng mơ, lâng lâng hạnh phúc hay đau khổ, thần bí, triết học, cũng có khi lãng mạn anh hùng, lãng mạn cá nhân hay lãng mạn xã hội,... Nét chính bao trùm chủ nghĩa lãng mạn là mộng mơ. Các nhà thơ muốn thoát khỏi những điều kiện sống ngột ngạt của xã hội bảo hộ, người ta đi tìm chỗ dựa an ủi bằng cách tưởng tượng, trốn vào trong cái thế giới vô cùng lý tưởng ấy. Đối với chủ nghĩa lãng mạn, chỉ có cái gì khác thường, khác người, khác đời, và sự đối lập giữa mộng và thực là đáng kể, đáng ca ngợi. Trong hoàn cảnh mất nước, sống giữa xã hội hủ lậu, ngột ngạt ấy thì sự đối lập là dễ hiểu.
Trong văn học thời kỳ này, thơ cũng như văn xuôi, cá nhân tự khẳng định vị trí của mình, tự biểu hiện niềm vui, mơ ước, khát vọng. Cảm hứng sáng tác gắn liền với ý thức cá nhân; thơ mới là thơ của cái "tôi", một cái "tôi" chưa bao giờ được biết đến trong thơ cổ điển. Cái "tôi" bấy giờ không làm việc "tải đạo" nữa mà vượt lên những công thức ước lệ, khuôn khổ quy định, để khẳng định vai trò của mình.
Ở Thế Lữ, là một "Ta", một "Tôi" giãi bày tâm sự . Đến Xuân Diệu, cái tôi này luôn hiện diện, luôn xưng danh. Chỉ bài "Dối trá" mà có đến 32 lần "tôi" xuất hiện. Việc xuất hiện đại từ nhân xưng là do cách thức chuyển từ thơ trữ tình điệu ngâm sang thơ trữ tình điệu nói. Thơ cũ chủ yếu là thơ trữ tình điệu ngâm, nên chủ thể trữ tình hoặc không tự xưng, hoặc ẩn mình sau những Tùng Mai, Trúc, Cúc.. ..Trong Thơ mới - thơ trữ tình điệu nói, cùng lúc càng nhiều cái tôi phô diễn ra giữa trang thơ một cách mạnh dạn không cần che giấu:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
(Vội vàng / Xuân Diệu)
Hay:
Ngập lòng tôi-Mà ai ngó tới đâu :
Tôi điên cuồng, tất nhiên phải khổ đau,
Tôi biết lắm, trời ơi, tôi biết lắm !
Vậy, trót lỡ, tôi sẽ đành lẳng lặng.
(Dối trá / Xuân Diệu)
Từ 1936, Thơ mới đi sâu hơn vào cái tôi, những câu thơ định nghĩa xuất hiện nhiều ở Xuân Diệu rồi đến Hàn Mặc Tử.
- Buồn, cô đơn là tâm trạng của một cá nhân nhưng lại là nét chung của các nhà thơ trong trường phái này. Đây không phải là một hiện tượng lạ mà do những nguyên nhân khách quan chung. Họ không biết phải làm gì, phải đi theo hướng nào giữa cái xã hội tan tác rối ren ấy. Họ cũng không chấp nhận cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt như người xung quanh. Do đó, họ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ giữa xã hội.
Trong thơ mới có nhiều rạo rực, âu lo, nhiều khát vọng xa vời trong tâm trạng vội vã, căng thẳng, chính cái mới này đã quyết định sự ra đời của thơ mới.
Nói tóm lại, phong trào thơ mới đã vứt đi nhiều khuôn phép xưa, đồng thời hình thành nhiều khuôn phép mới càng ngày càng vững chắc. Nó đã qua được một cơn sóng gió dữ dội bằng những cuộc tranh luận gay gắt kéo dài gần 10 năm, giữa một bên là nhóm đại diện cho thơ cũ một bên là nhóm đại diện cho thơ mới. Nhiều khuôn phép mới xuất hiện một cách thái quá đều bị tiêu trầm như: thơ tự 10 chữ, thơ 12 chữ, hay sắp sửa tiêu trầm như những cách gieo vần phỏng theo thơ Pháp .
Mặc dầu các lối thơ thông dụng đời nay chỉ là những lối thơ xưa phục hưng, nhưng nó vẫn mới như thường vì khi phục hưng nó cũng có biến thể ít nhiều. Nó êm dịu hơn, nhạc điệu cũng du dương trầm bổng do những chỗ ngắt hơi không nhất định. Nhất là cái lối dùng "chữ rớt" đã được nhập tịch từ lâu và được ưa chuộng:
Và một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
Những cô áo đỏ sang nhà khác
Gió hỡì làm sao lạnh rất nhiều .
( Bài thơ thứ nhất / TTKH)
Hoặc:
"Hôm nay tôi đã chết trong người
Xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi"
(Xuân Diệu)
Theo quan điểm của những người theo chủ nghĩa Marxit ( tham khảo trên net để rộng đường dư luận) thì:
“ Nhân vật trữ tình của "thơ mới" là cái "tôi" tiểu tư sản... Do bản chất yếu đuối, người trí thức tiểu tư sản không dám đi theo con đường đấu tranh cách mạng mà bị lôi cuốn theo con đường cải lương, cá nhân chủ nghĩa. Lảng tránh chính trị, họ tìm đến và nắm lấy văn thơ, vì văn, thơ – nhất là thơ - là nơi cái "tôi" có thể thể hiện đầy đủ những khát vọng, những giấc mơ thoát ly của nó, như vậy "thơ mới" ra đời do sự thôi thúc của hai nhu cầu khẩn thiết của lớp thanh niên tiểu tư sản bấy giờ: nhu cầu khẳng định cái "tôi" và nhu cầu thoát ly của cái "tôi" ấy. ”
 
V. Vài lời chê Thơ Mới lúc đầu:
Những tác phẩm ra đời đầu tiên được chính nhóm Tự lực văn đoàn chê là "đọc lên nó lủng củng, trục trặc, lại có vẻ ngơ ngẩn" và giáo sư Hoàng Như Mai cho rằng "bây giờ không ai kể nó ra nữa, không phải vì bội bạc mà vì nó dở" . Sau đây là các bài bị chê:
1. Một đoạn trong bài "Tình già" của Phan Khôi viết:
... Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn là không đặng,
Để đến nỗi, tình trước phụ sau,
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau.
2. Bài "Tráng sĩ " của Lưu Trọng Lư :
Đã trong tư thế nghê kình
Dám cầm gương, tự sửa mình trước gương
Lại vì hai tiếng "yêu thương"
Gian nan trăm trận phá đường mà lên
Tự mình đóng lại yên cương
Ngọn roi tráng sỹ dặm trường đã quen...
3. Một đoạn trong bài "Thơ gởi cho tất cả ai thương hay ghét thơ mới" của Nguyễn Thị Manh Manh:
Phải tôi đấy, Manh Manh, mấy bạn à!
Lâu quá không làm thơ, mấy bạn cũng “nột dạ”?
Phải, tôi đây Manh Manh, mấy ông à!
Lâu quá không làm thơ, mấy ông lấy làm lạ?...
Bạn yêu tựu hỏi nhỏ: “E... chỉ sợ?
Tội nghiệp chớ! Người thì trẻ nên có hơi khờ”...
Bạn ghét xúm hét to: “Á! nó sợ!
Đáng khiếp chửa! Người thì đẹt mà muốn vát cờ”.
-----------------------------------
( Tháng 1/ 2022)
Tổng hợp biên soạn: Nguyễn Cang
Tài liệu tham khảo:
1. Bàng Lược Đồ Văn Học Việt Nam, quyển hạ, Thanh Lãng, nhà xuất bản Trình Bày, Sài Gòn 1966.
2. Văn Học Việt Nam, giáo sư Dương Quảng Hàm, Xuân Thu xuất bản.
3. Việt Nam Thi Văn Giảng Luận Toàn Tập, Hà Như Chi, nhà xuất bản Sống Mới.
4. Tài liệu văn học trên net.

Mời Xem Thi Ca Cổ Điển Việt Nam: Lục Ngôn Thể - Nguyễn Cang
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét