Ngày xưa, có đôi vợ chồng trẻ tuổi cùng sống êm đềm trong khu Matsuyama, thuộc tỉnh Echigo. Chồng là một chàng trai vạm vỡ vốn dòng hiệp sĩ Samurai, vợ anh ta thì rất hiền lành và lại nhút nhát quá chừng. Không ai biết tên tuổi của họ là gì. Xóm giềng chỉ biết đó là một gia đình hạnh phúc, tuy nghèo khó và chỉ có mỗi một mụn con gái. Người vợ tính điềm đạm, không ưa giao thiệp rộng. Đồ đạc trong nhà rất ít, chỉ đủ dùng, chẳng có vật gì gọi là quí giá, lộng lẫy.
Một ngày nọ, người chồng đi hộ tống vị lãnh chúa về kinh đô Kyoto có việc. Chàng ta chỉ mong cho mau hết công việc, để trở về nhà với vợ hiền, con yêu. Trước khi rời kinh thành, chàng đi tìm mua cho con gái một con búp bê thật đẹp, và mua một cái gương soi bằng đồng mạ bạc, đem về tặng vợ, làm quà.
Tặng phẩm mới lạ này thật là một báu vật đối với người vợ trẻ chất phác suốt đời chỉ sống đơn giản ở quê nhà, chẳng hề biết gương soi là gì. Nàng ngắm nghía vật lạ đó, nghĩ bụng đây là một cái gì rất linh thiêng. Trong khi đang quan sát tấm gương, nàng chợt nhận thấy nét mặt thật xinh đẹp của ai hiện ra trong mảnh đồng hình tròn bóng láng và sáng chói, nhìn nàng mỉm cười tươi thắm có duyên lạ thường.
Nàng thực thà quê mùa đến nỗi không biết đó chính là nét mặt của mình. Nàng vội chạy đi tìm chồng để hỏi cho ra lẽ. Người chồng nghe vợ mình hỏi ngớ ngẩn như vậy thì mỉm cười trả lời: “Ồ! Thế ra em không biết nét mặt duyên dáng trong tấm gương soi đó chính là mặt em sao? Em tôi khờ khạo lắm, lẽ ra em phải đoán được điều ấy chứ”.
Từ đó, nàng e thẹn chẳng dám hỏi chồng thêm điều gì nữa, mà chỉ biết một điều mới lạ là tấm gương soi có thể phản chiếu nét mặt mình một cách kỳ ảo như vậy. Và nàng cẩn thận đem cất kỹ tấm gương đồng, như người ta cất giấu vật gì quý giá và linh diệu. Nàng cất kỹ tấm gương ấy thực lâu, đã nhiều năm qua vẫn chẳng thấy nàng lấy ra soi. Tại sao vậy? Điều đó không ai hay biết. Có lẽ vì đó là một tặng phẩm do người yêu trao tặng nên bất cứ món quà nhỏ mọn nào cũng trở nên linh thiêng, vì đó là một bằng chứng của tình yêu.
Cuộc sống thanh khiết và hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ này không được lâu dài. Người vợ hiền chẳng may chết sớm. Trước khi tắt hơi, nàng lấy tấm gương soi cầm nơi tay, lúc ấy bàn tay đã lạnh và ngón tay đã cứng, nàng tự biết mình chẳng còn sống với chồng con bao nhiêu nữa, nên nàng ra dấu cho con gái lại gần giường bịnh và nói nhỏ:
“Con ơi, mẹ sắp phải xa lìa con gái yêu của mẹ, nhưng con chớ lo phiền làm chi, ngày ngày con hãy ngó vào tấm gương soi này thì sẽ thấy mặt mẹ”. Nói rồi, nàng buông tấm gương soi, và trút hơi thở sau cùng.
Từ đó về sau, đứa con gái nhớ lời mẹ dặn dò, ngày nào nó cũng lấy tấm gương soi ra để được thấy mặt mẹ nó. Hai mẹ con giống nhau cả người lẫn nết, nó cũng một vẻ chất phác như người mẹ, vì vậy nó cũng lầm tưởng nét mặt của nó trong gương là mẹ nó. Đứa con gái cứ lấy gương ra soi, và nói chuyện với chính hình bóng nó, mà bụng thì đinh ninh là đang trò chuyện với mẹ. Nó coi tấm gương soi ấy là vật quý giá nhất trên đời.
Bố nó thấy ngày nào con cũng soi gương, nên một ngày kia chàng hỏi con mình cho rõ sự tình. Đứa nhỏ hồn nhiên trả lời bố:
“Thưa cha, con soi gương để gặp mẹ con, để nói chuyện cho đỡ nhớ. Cha à! Mẹ con bây giờ không xanh xao yếu mệt như hồi đau nặng trước khi chết, mẹ con hãy còn trẻ đẹp lắm. Vật quí này vẫn giúp con được gặp mẹ hàng ngày, con không bao giờ xa rời nó”.
Người cha nghe con gái nói như vậy, lòng thương vợ khiến chàng không muốn nói rõ sự thực, chàng bật khóc vì nỗi nhớ vợ thương con động tới cõi sâu đáy lòng nát tan của người hiệp sĩ chung tình. Chàng đành nghẹn ngào an ủi đứa con nhỏ tội nghiệp, mà chẳng cầm được những giọt nước mắt đau xót:
“Phải đó con à, mẹ con vẫn gặp gỡ con trong tấm gương soi. Còn ba, mỗi khi ba nhìn thấy dáng con là ba lại nhớ tới mẹ con”.
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 39, ra ngày 15-2-1966)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét