Hồ Hữu Tường: Kể chuyện Thuỷ Hoàng và thuốc trường sanh
Khi Tần Thủy Hoàng diệt xong lục quốc, tóm thâu cả đất trung
nguyên, thì lòng muốn hưởng tất cả cái khoái lạc của địa vị hoàng đế của
mình. Bèn cho xây dựng cung A phòng, rồi hạ lịnh truyền ba ngàn gái đẹp
hơn hết mà chứa vào cung ấy. Các nàng nầy, giữa tuổi xuân tình phát
động, mà bị ở vào cảnh ấy, thường suy nghĩ đến số phận hẩm hiu của mình,
oán trách trời xanh, cũng không giải khổ, cầu lòng từbí của ai, cũng
không bớt buồn tủi. Họ chỉ còn có một lối, là được ngày nào, thì tận
hưởng ngày ấy, biết đâu đi giáp ba ngàn cung nữ, Thuỷ Hoàng có thể trở
lại viếng mình sau gần mười năm xa cách chăng? Do sự đòi hỏi đó, mà
không bao lâu Thuỷ Hoàng suy nhược, thể xác mòn mỏi, lý trí rối beng…
Một hôm Thuỷ Hoàng mệt đừ, nằm nơi ghế ở ngự viên, thì mơ màng hồn
phách mà thấy một cơn ác mộng. Tỉnh giấc dậy, thì tay chân bủn rủn, mà
tâm hồn lại phảng phất, lòng lo sợ rằng mình sẽ chết nay mai, không được
hưởng những khoái lạc của đời, thêm cả sự nghiệp nhà Tần tan rã. Trọn
ngày buồn bực, bèn thương nghị với cận thần, để tìm kế hoạch nào để được
trường sanh bất tử, hầu làm hoàng đế đến muôn đời.
Thời ấy ở nước Yên có chàng thi sĩ họ Từ tên Phước, thơ đã hay và
vẽ rất khéo. Từ Phước nhà nghèo, học giỏi, vốn muốn dùng sở học để làm
kế tiến thân. Song đã là một thi sĩ, tâm hồn gởi theo gió thổi đi khắp
bốn phương, lòng mong mỏi một cái gì quang đãng, tốt tươi, êm dịu, thì
thi sĩ ấy đâu có chịu vì mấy đấu gạo, mấy đồng lương, chút quyền thế mà
gò bó bản thân mình trong một chế độ quá độc tài, quá khắt khe như chế
độ của Thuỷ Hoàng? Sanh kế đã giải quyết không xong, mà giấc mơ lòng
cũng tuyệt vọng. Chàng muốn phô trương văn tâm văn tài của mình để cảm
động lòng tuyết giá của một trang gái đẹp lẫn sắc lẫn tâm hồn, để rồi
một túp lều tranh, hai quả tim vàng, thơ chàng được giọng nàng ngâm lên,
ý nhạc, lời thơ, nung nấu một ái tình đầy thơ mộng. Chàng cũng đã để ý
đến một hai nàng quốc sắc, một vài đoá thiên hương, nhưng rủi thay, cuộc
tuyển chọn cung nữ vào A phòng, đã hốt tất cả hoa đẹp của trần gian về
trồng riêng cho Thuỷ Hoàng độc hưởng. Chàng vỡ mộng, như say, như tỉnh,
chán thế sự, chán tình đời. Từ sáng đến chiều chỉ uống rượu, vẽ các cô
đẹp lên tranh, rồi nhìn tranh ngâm thơ, đề vịnh, để hưởng khoái lạc với
người trong cảnh mộng… Chẳng bao lâu, sự nghiệp hết sạch, không kế sanh
nhai, cũng may là có vị quan già của nước Yên, tên là Vị Vô Kỵ, mến tài
vẽ, tài làm thơ của chàng, nên đem chàng về cho ở nơi thơ phòng, cấp
rượu, cho áo cơm, để mặc tình chàng sáng tác…
Vị Vô Kỵ không có con trai, chỉ sanh có một gái. Tuy nết na thuần
thục, trí tuệ thông minh, song tiểu thơ không có chút nhan sắc, thành ra
thiên hạ thường gọi nàng là Vị Vô Diệm, mặc dầu cha mẹ đã đặt cho nàng
một cái tên rất đẹp là Lệ Tiên. Vô Diệm sớm mồ côi mẹ, và cũng bởi buồn
về nhan sắc của mình, thành ra hay đọc sách để cho tâm hồn thoát cảnh
trần gian là cảnh khổ của mình và tách vào được cảnh tiên đầy thơ mộng.
Gặp hoa nói chuyện với hoa, gặp điểu nàng vui đùa với điểu, nàng lần lần
làm bạn với đủ mọi loài, che chở cho giống nầy, binh vực cho giống kia,
nàng trở thành nàng tiên của miếng vườn của mình… Một hôm, nàng thấy
một con ong mật vướng lưới, the thé gọi nàng cứu tử, vì một con nhện hùm
to tướng toan chạy lại để giết con ong. Nàng lật đật nhặt cành, khều
con ong thoát khỏi lưới nhện. Ong chưa chịu bay đi, còn lẩn quẩn bên tai
mà tạ ơn.
“Cảm ơn tiên nương đã cứu mạng, ngày sau tôi sẽ trả ơn! Tiên nương muốn điều chi, ngày mai xin cho tôi biết.”
Vô Diệm chưa biết đòi hỏi gì, thì ngẫu nhiên, bước thơ thẩn của
nàng đưa nàng đến bên cạnh cửa sổ của thư phòng Từ Phước đang ở. Từ
Phước đang chăm lo vẽ tranh, không để ý đến nàng. Nàng đứng nép một bên,
thấy tranh cũng gần xong, và vẽ một nàng tiên cực kỳ đẹp đẽ, áo xiêm
màu sắc lộng lẫy, má phấn ửng hồng môi son thắm nở, mũi thẳng mày cong,
dáng đứng rất yểu điệu, cầm cây quạt xoè mà che khuất chút cầm. Khi vẽ
xong Từ Phước mới lấy bút, chấm mực mà vẽ vào quạt, rồi đứng lui lại
ngắm nghía, và ngâm lên bài thơ vừa viết, như là niệm thần chú:
Chiêu dương cung tạm vắng một giờ,
Ngó ý, tơ lòng lựa phải mơ!
Trót đã yêu đương đừng ái ngại,
Cùng nhau ta sống một bài thơ.
Vô Diệm thấy nàng trong tranh nhích nụ cười duyên, cúi đầu như tỏ
vẻ ưng thuận, rồi bước ra khỏi tranh, đến trước Từ Phước mà hỏi:
“Chàng gọi thiếp đến có việc chi?”
“Cảnh đời buồn tẻ vắng kẻ tri âm. Bực tài hoa, trang quốc sắc,
không đâu tìm có, nên ta mời nàng đến, nhờ nàng đãi thi sĩ đôi giờ hạnh
phúc. Nàng có vui lòng chăng?”
“Thiếp là tiên trong mộng, chàng dạy sao, thiếp đâu có chối từ,
huống chi, không còn bao lâu, chàng sẽ gặp duyên lành, thì cái tình
chùng lén của đôi ta, biết chàng có nung nấu trong lòng hay chỉ mải vui
duyên mới.”
“Vội nói chi đến phút xa cách. Ta nên tận hưởng sự vui của hội ngộ. Vậy nhờnàng khiêu vũ để giúp vui.”
Nàng trong tranh vâng lời, nhún mình, vòng tay rồi múa, chậm chậm ngâm theo nhịp:
Nhẹ nhàng bước lụa nhịp lên nhung,
Nầy khúc nghê thường ở quảng cung…
Từ Phước nối lời ngâm theo cho hoà giọng:
Vóc liễu uốn cong, tà áo cuốn,
Má đào ẩn hiện giữa muôn hồng.
Chẳng nhịn được Vô Diệm khen lớn:
“Sắc đẹp thơ hay, múa dịu dàng, tiếng thanh tao! Ở trần thế làm gì có một nàng thứ hai như vậy?”
Nghe có tiếng người, nàng tiên lật đật chạy vào tranh, rồi đứng nghiêm, im bằt bặt. Từ Phước cũng bẽn lẽn chào Vô Diệm.
Về nhà trong, Vô Diệm cứ mơ mơ tưởng tưởng cảnh âu yếm mà nàng vừa
mục kích, chỉ tiếc sao mình quá xấu xí, không sánh được cùng Từ Phước
như nàng tiên. Song nàng nghĩ rằng Từ Phước đã có phép hoạ bức tranh
thành tiên được, thì chẳng lẽ nào chẳng biến mình ra đẹp được? Nàng tin
tưởng như thế, nên vào thưa với cha, thuật tất cả điều mình vừa mới thấy
và tỏ nỗi lòng tha thiết của mình. Vị Vô Kỵ, vốn thương con, nhơn ở
trào biết lòng mong mỏi của Thuỷ Hoàng, nên hỏi:
“Con có chắc Từ Phước có tài vời tiên đến chăng?”
“Con dám quả quyết như vậy.”
“Như vậy, thì cha có cách làm cho chàng phải bằng lòng cưới con.
Chớ cha e chàng chê con thô kịch mà từ chối, nếu cha ngỏ ý gả con cho
chàng. Cách ấy như thế nầy, là ngày mai, cha sẽ tâu với vua, là con có
biết một người có phép vời tiên đến. Nếu vua muốn tìm thuốc trường sanh,
thì không thể hỏi người phàm, mà chỉ hỏi tiên mới được. Nếu vua bằng
lòng tứ hôn, gả con cho Từ Phước thì chàng sẽ vời tiên đến cho vua hỏi.
Còn việc tiên sẽ ban cho cùng không, là việc riêng của tiên không can hệ
chi đến mình…”
Hôm sau, khi Vị Vô Kỵ vào chầu, thì Vô Diệm sống trong những phút
hồi hộp. Nàng không biết nhà vua có chấp thuận lời tâu của cha nàng
không? Nàng không biết Từ Phước có sợ oai vua mà cầu tiên đến chăng?
Bỗng nghe bên tai văng vẳng tiếng chào:
“Tiên nương chớ nên lo lắng lắm. Tôi đã biết rõ các chi tiết, tôi
đi hút trong một vườn hoa ngự, nghe trong cung bàn rằng, vua sẽ tứ hôn
mà gả tiên nương cho Từ công tử. Song muốn cho được tình duyên ép buộc
nầy được dẫy đầy hạnh phúc, thì xin cho tôi dâng kế mọn nầy, gọi là tạ
ơn cứu tử hôm qua.”
Vô Diệm hỏi:
“Kế chi?”
“Tiên nương hãy vào lấy cái ly thuỷ tinh có nắp, lấy sáp trây đầy
phía trong của ly lẫn nắp, rồi nhắc ghế cao mà để ly nơi giữa sân vườn.
Mọi mặt khác, tiên nương lấy giấy viết như vầy, như vầy…”
Vô Diệm y lời, đặt ly thuỷ tinh xong nơi giữa vườn, thì viết một cái thư cho Từ Phước.
Ngồi nơi thơ phòng đọc sách Từ Phước thấy hơn một trăm con ong ngậm một sợi tơ dài, bay đến, kéo theo một bức thơ. Thơ rằng:
“Thưa Từ công tử,
Công tử sẽ được thiên tử triệu vào chầu hỏi công tử có phép vời
tiên đến chăng? Thì công tử hãy đáp rằng các vị tiên đa đoan, không phải
lúc nào là vời cũng đặng. Nếu nhà vua muốn hỏi công tử tình nguyện đi
tìm mà hỏi thay cho. Nếu nhà vua ngỏ ý muốn có thuốc trường sanh, thì
công tử tâu rằng ngày trước tiên có ban cho công tử một ly, đủ cho một
người uống, và công tử có gởi cho Vị tiểu thư cất. Nếu nhà vua muốn
dùng, thì xin truyền lịnh cho Vị Tiểu thư dâng cho.”
Chàng lấy làm lạ, không biết thư từ ở đâu mà gởi đến. Còn đang suy
nghĩ, bỗng đâu cả trời vần vũ, mây che khuất bóng thái dương, tiếng ù ù
càng gần, rồi sát bên cạnh tai. Chàng thấy Vô Diệm đứng ngoài sân dường
như nói chuyện với người khuất mặt, bên cạnh một cái ghế có đặt một cái
ly thuỷ tinh. Hơn giờ sau, trời lần lần tỏ lại, mây đen tan rồi tiếng ù ù
bớt rồi im hẳn, vầng thái dương lại lộ ra. Vô Diệm lấy nắp đậy ly thuỷ
tinh, dùng sáp trét kín rồi bưng vào nhà. Từ Phước mới yên lòng, cho
rằng nàng đã có ly thuốc trường sanh thì đồng thời, bức thơ nấy đã có
linh nghiệm.
Còn về phần Vô Diệm, khi đứng ngoài sân, nàng đã nói chuyện với
ong, làm cho nàng lâng lâng trong lòng, tin rằng nàng cầm chắc hạnh phúc
của nàng trong tay. Con ong đã nói:
“Từ ngày Thuỷ Hoàng lập cung A phòng, dài rộng không kể được bao
nhiêu dặm thì đem hoa lạ cỏ thơm mà trồng khắp. Hoa đã đẹp thì mật ong
càng chứa nhiều chất hậu mật. Nên chi trong các tổ ong, chất hậu mật dồi
dào, thừa số cầu, chứa lâu không dùng, thì mất chất quí của nó. Nhờ ơn
tiên nương cứu tử tôi có đến các tổ mà hỏi vay đến các phong hậu, ít
nhiều hậu mật để đủ lượng mà cung cấp cho tiên nương. Đàn ong đến đây,
tức là đem hậu mật mà cho tôi đó! Sau nầy, nhà vua có hỏi thuốc trường
sanh, thì tiên nương hãy đem ly mật đó mà dâng. Nhà vua không dám dùng,
thì tiên nương tình nguyện mà uống để thí nghiệm. Tiên nương chỉ đóng
cửa mà ngủ ba ngày ba đêm, thì sẽ có hoàn toàn công hiệu…”
Ngày thứ hai Vô Diệm theo cha vào chầu, triều bái tung hô xong rồi
thì Thuỷ Hoàng ra lệnh gọi Vô Diệm đến quì trước sân chầu mà hỏi:
“Khanh có biết vị đạo sĩ biết vời tiên đến phải không? Nếu quả như
vậy khanh hãy giới thiệu cho trẫm biết. Trẫm tứ hôn ngay cho khanh, y
như theo lời xin của cha khanh.”
Vô Diệm tâu:
“Thần thiếp vô phúc, mà chẳng có nhan sắc, lại thầm yêu vị đạo sĩ
ấy. Nếu thiên tử tứ hôn, ấy là ban phúc lớn cho thiếp, vì thiếp sẽ nhờ
chàng vời tiên đến mà biến hình cải dạng cho thiếp thành tiên và hoá ra
bất tử nữa! Vị đạo sĩ ấy đang ở tại nhà cha thiếp, họ Từ tên Phước đó.
Chính thiếp đã chứng kiến thấy rõ chàng vời tiên đến, lại khiến tiên
múa, hát, ngâm thơ.”
Thuỷ Hoàng sai sứ đem kiệu vời Từ Phước đến ngay; khi chàng tung hô xong xa, thì Thuỷ Hoàng hỏi:
“Khanh có phép vời tiên đến được phải không?”
“Tâu bệ hạ, việc vời tiên đến, thì quả thật là có. Nhưng tiên đa
đoan, không phải lúc nào cũng vời đến được, hay có thể vời bất cứ hạng
nào cũng được. Bần đạo, nếu cần thì phải đi tìm tiên mà hỏi. Gần hay xa,
là tuỳ theo muốn hỏi vị tiên nào, tức là tuỳ câu hỏi vậy.”
“Trẫm muốn nhờ khanh tìm tiên để cầu thuốc trường sanh, phỏng có được không?”
“Thuốc trường sanh không phải dễ tìm. Nhưng nếu bệ hạ muốn dùng, hà
tất phải nhọc. Trước đây, tiên có ban cho bần đạo một ly thuốc trường
sanh, chỉ đủ cho một người như chúng ta uống vào, thì hoá ngay ra tiên,
thành trường sanh bất tử. Ly thuốc ấy, bần đạo chưa dùng, còn gởi cho Vị
tiểu thơ cất giữ giùm. Xin bệ hạ cho hỏi Vị tiểu thơ để coi ly thuốc
trường sanh hãy còn chăng?”
Tần Thuỷ Hoàng gọi Vô Diệm hỏi:
“Tiểu thơ có cất ly thuốc trường sanh chăng?”
“Tâu bệ hạ có! Xin cho thần thiếp về đem lại ngay.”
Nàng lên kiệu về, trong một khắc đem lại ly thuỷ tinh đầy mật quí mà dâng, và tâu rằng:
“Đây là ly thuốc trường sanh, xin kính dâng bệ hạ.”
Thuỷ Hoàng vừa muốn ra lịnh thâu nạp, thì thừa tướng Lý Tư quì xuống tâu rằng:
“Xin bệ hạ chớ vội. Phỏng đạo sĩ và Vị tiểu thơ toa rập mà dưng thuốc độc cho bệ hạ, thì giang sơn nầy sẽ ra sao?”
Thuỷ Hoàng nổi giận, truyền dẫn Từ Phước, Vị Vô Kỵ và Vị Lệ Tiên ra pháp trường chém ngay. Lệ Tiên quì lạy tâu rằng:
“Trước khi chịu tội chết, xin bệ hạ nghe thần thiếp tâu. Bệ hạ chưa
biết ly thuốc này là ly thuốc độc hay ly thuốc trường sanh. Vậy xin bệ
hạ cho thần thiếp uống ngay giữa triều. Thuốc trong ba ngày sẽ có công
hiệu. Nếu là thuốc độc, thần thiếp chết rồi, bệ hạ hành quyết cha thiếp
và Từ Phước sau cũng không muộn. Còn nếu quả là thuốc tiên, thì vợ chồng
thiếp tình nguyện đi cầu tiên mà xin thuốc khác cho bệ hạ dùng.”
Thuỷ Hoàng nghe tâu có lý, truyền giao ly mật cho Vô Diệm uống hết, lại gọi Từ Phước mà an ủi:
“Nay trẫm tứ hôn cho khanh và tiểu thơ. Việc bất thành thì vợ chồng
chịu chung chết. May mà vị tiểu thơ cởi lốt thành tiên, thì ta sẽ cho
hai vợ chồng cùng đi tìm tiên mà xin hai phần thuốc nữa. Để ta cùng
ngươi cùng uống, đặng đồng cởi lốt thành tiên, đồng hưởng phú quí đời
đời kiếp kiếp.”
Mãn chầu Từ Phước buồn bực hết sức, ăn ngủ không an. Phần bị bắt
buộc làm chồng của một nàng thô kệch, xấu xí, phần lo rằng thuốc không
công hiệu. Còn tiểu thơ thì khoá chặt phòng, ngủ thiêm thiếp, chẳng nghe
cựa quậy.
Vừa dứt ngày thứ ba, thì một bầy ong như cũ, đem lại cho chàng một bức thơ như lần trước. Thơ rằng:
“Thưa công tử,
Công việc đã thành. Vị tiểu thơ đã cởi lốt thành tiên. Nhưng hai vợ
chồng phải tìm kế mà thoát thân. Ở lại, mang hoạ lớn với tay bạo ngược.
Mà dâng thuốc trường sanh cho giống ác, thì công tử đời đời kiếp kiếp,
sẽ bị nguyền rủa của dân chúng bị áp bức và lầm than!
Vậy nên thừa lúc nó mong mỏi thuốc trường sanh, mà đòi mười chiếc
thuyền lớn, năm trăm gái đẹp, năm trăm trai tơ khoẻ, các thợ khéo đủ
nghề, hột giống đủ thứ của báu, gấm vóc đủ thức gọi là lễ cầu thuốc
tiên. Rồi ra Đông Hải, nhắm mặt trời mọc mà đi hoài, sẽ có chỗ gởi
thân.”
Đến ngày thứ ba, Vị Vô Kỵ, Vị Lệ Tiên và Từ Phước đồng đi vào chầu.
Thuỷ Hoàng gọi Lệ Tiên nàng thoát màn kiệu, bước ra sân chầu, thì quả
nhiên là một tuyệt sắc giai nhân, ngực vung, lưng eo như lưng ong, mông
tròn, chân dài, tay dịu, mặt như tranh vẽ, mày liễu, mắt ngời. Ba ngàn
cung nữ trong A phòng không ai sánh kịp, Tần Thuỷ Hoàng đã muốn đổi ý.
Từ Phước quì tâu để trình bày chương trình vượt Đông Hải tìm hiểu.
Không quên nhắc rằng Thuỷ Hoàng có thể cầu được thứ thuốc để biến thêm
người đẹp hơn Vị tiểu thư nữa… Thuỷ Hoàng y tấu, truyền chọn đúng tất cả
các món đã kể. Còn đưa thêm nhiều món quí để cầu xin nhiều thuốc, hầu
luôn dịp cải ít người cung nữ thành tiên một thể. Trong vài ngày dự bị
xong xuôi, vợ chồng Từ Phước xuống thuyền.
Mười chiếc thuyền, một buổi
tinh sương, tiến nhẹ trên biển đông êm lặng. Vừng thái dương vừa ló
dạng, nhuộm màu tươi cho nền trời… Để Thuỷ Hoàng vị độc tài khét tiếng
của thời xưa ở lại lãnh cái số phận thối tha là chết sình trên đường từ
Sa Châu về Hàm Dương, trên xe chở quan tài lại chở thêm cá ươn cho tiệp
mùi hôi.
Hồ Hửu Tường ( 1910-1980)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét