13 thg 2, 2022

Ý NGHĨA TIẾNG CHÀO CỦA VIỆT NAM.- BS.Nguyễn Xuân Quang


Tiếng Chào trong tiếng Việt có nguồn gốc và nghĩa ngữ như thế nào?

Trước hết Chào hiện nay có nghĩa là gì?

Chào có mục đích để tỏ lòng kính trọng, tình thân, thăm hỏi sức khỏe, đón tiếp hay từ giã… một người khác hay tôn kính một vật thiêng liêng (chào cơ), mời mọc (chào hàng)…

Chào tổng quát được diễn tả bằng lời nói hay ngôn ngữ thân người hoặc các động tác, cử chỉ thân người (như cúi đầu, gập người xuống kiểu Nhật Bản, giơ bàn tay ngang mang tai kiểu chào kính quân đội, giơ cả cánh tay xiên lên như kiểu Đức Quốc Xã) hay ngay cả dùng một vật biểu như cổng chào, bảng hiệu, chữ viết, khí giới, súng ống (chào súng, bắn súng cà nông)…

Bài viết này chỉ nói giới hạn về tiếng chào bằng lời nói trong tiếng Việt.

Trong mọi ngôn ngữ thế giới đều có những từ chào hỏi riêng của tộc người nói ngôn ngữ đó.

Ví dụ trong tiếng Anh: hello, hey, howdy…

Ngoài ra hiện đại hơn còn có những tiếng thăm chào thường liên quan tới sức khỏe: Việt Nam: anh (ông, bà, cô, chú…) khỏe không? Anh Mỹ: How are you?… Pháp: comment allez-vous? Trung Quốc: Nị hảo ma? …

Tiếng chào trong Việt ngữ có nguồn gốc từ đâu? Có nghĩa là gì?

Những Giải Thích Hiện Nay Về Nguồn Gốc Tiếng Chào.

+ Nguồn Gốc Từ Hán Ngữ.

Giới học thức Việt mỗi khi đi tìm hiểu một vấn đề gì về con người, văn hóa Việt thường hướng về Trung Quốc. Điều này dễ hiểu vì Việt Nam bị nô lệ Tầu một ngàn năm.

Có giả thuyết cho rầng chữ chào trong tiếng Việt bắt nguồn từ Hán ngữ 朝 (triều). Chữ này còn có nhiều âm tiếng Hán Việt khác như triêu hay trào. Chữ chào này liên quan đến chầu, triều kiến một hoàng đế, vua quan.

Giả thuyết này không vững. Chào với nghĩa triều, trào này là một thứ chào có vào thời phong kiến rất muộn. Chỉ xin nêu ra một bằng chứng nhỏ là Chào bằng tiếng kêu hay bằng “ngôn ngữ thân người” (‘body language”) đã thấy có ở loài vật với nhau hay giữa người và vật (như loài chó) không phải chờ tới thời có vua quan ngự triều, bái triều… mới có sự chào kính. Con người từ thời ăn lông ở lỗ cũng đã… chào nhau. Người Việt đã có tiếng chào riêng không phải chờ tới khi bị ảnh hưởng, bị đô hộ mới lấy tiếng triều, trao của vương quyền Hán tộc dùng làm tiếng chào.

Chào của Bách Việt theo văn hóa nông nghiệp khác hẳn cách chào, tiếng chào du mục, võ biền của vua quan Hán tộc vào thời phong kiến.

+ Nguồn Gốc Từ Tiếng Ý.

Có một số người cho rằng chữ chào trong tiếng Việt có liên quan đến tiếng ciao… trong tiếng Ý.

Thật ra theo La Gazzetta Italiana, “từ Ciao phát gốc từ thổ ngữ Venice s’ciàvo (nô lệ hay đầy tớ). Nguồn gốc từ này diễn đạt cách một người hầu, tôi tớ chào kính chủ: ‘s’ciàvo vostro, he meant “I am your slave”, “I am your servant” ‘ (‘con là tôi tớ của ngài’). Tới cuối thể kỷ 19 ciao loại bỏ nghĩa tôi tớ, nô lệ trở thành tiếng chào đón tổng quát cho toàn dân Ý với nghĩa “Tôi giúp gì được cho ông (bà, anh, chị…) ”? “Hầu ông (…) muốn gì”? không còn ranh giới gia cấp xã hội hay giống phái. Rồi ciao trở thành quốc tế hóa nhất là ở Âu châu.

Cách chào kiểu hạ thấp mình xuống trước một người có địa vị cao hay có ý tâng bốc, nâng cao kẻ đối diện này cũng thấy trong nhiều ngôn ngữ tộc người khác. Ví dụ Việt Nam: Hầu ông, hầu bà, hầu ngài. Shan ngữ: mày sǔng khaa = hello [mày = to be new, sǔng = to be high, to be tall. Mày sǔng = Good day! Hello! Lit. “(may you be) renewed and prosperous”]. Thái ngữ là mài. sǔung ใหม่สูง. Khaa = một từ tôn kính có nghĩa đen là “slave, servant” (nô lệ, tôi tớ) đối nghĩa với Anh ngữ sir, ma’am“. Mày sǔng khaa có nghĩa gốc “good day, servant” (kính Chào, tôi tớ của ông bà, ngài) (Shan Phrases: Greetings).


Mày sǔng khaa hiểu theo nghĩa thanh cao hiện nay là “Good day, sir/ma’am” nhưng có nghĩa gốc là “good day, servant”.

Như thế Ciao với nghĩa tôi tớ giống như Thái (mày sǔng) khaa và Việt ngữ hầu (ngài)….

Như vậy, chữ “Chào” trong Việt ngữ nếu có dính dáng gì với tiếng Ý Ciao thì chỉ là hai tiếng đồng âm liên hệ với nhau qua ý nghĩa tôi tớ, hầu hạ của sự chào kính mang tính cận đại.

Ciao của Ý khác hẳn với Chào Việt Nam.

+ Nguồn Gốc Việt.

.Chào là một từ thuần Việt.

Từ chào trong tiếng Việt đã có từ lâu. Trong Mường ngữ, tiếng thuần Việt cổ và các tộc Bách Việt khác và các tộc liên hệ với với Bách Việt cũng đã có từ chào (xem dưới).

Chào là một từ nôm thuần Việt đã thấy ghi lại trong truyện Kiều (cuối thế kỷ 18):

“Chàng Vương quen mặt ra chào,

Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”. 

Chữ Nôm của chào là 嘲, gồm có chữ khẩu đằng trước và chữ 朝 (triều). Đây chỉ là cách cấu tạo chữ nôm mượn âm triều chữ Hán mà thôi.

Nguồn Gốc Chào Từ Trầu.

Có tác giả cho rằng Chào có gốc liên hệ với Việt ngữ ‘Trầu’. Người Nam Á, có tục ăn trầu, thường dùng Trầu để chào-hỏi nhau: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”.

Giả thuyết này không bao quát.

Tục ăn trầu chỉ mang tính các cục bộ từng vùng.

Nhai trầu chỉ là một thú tiêu khiển, trầu không phải là một món ăn chủ yếu của sự sống con người. Có những tộc Bách Việt không ăn trầu nhưng vẫn có tiếng chào. Có những tộc chào nhau bằng cách mời nhau nhai cây cỏ có chất ma túy hay uống các chất say ghiền như nước vắt cây cỏ ma túy hay rượu. Giả thuyết này rất lung lay, không vững.

Một Hướng Nhìn Khác của Riêng Tôi Về Nguồn Gốc Từ Chào.

-Tiếng Chào Hàm Ý Hỏi Thăm Về Sự Sống, Sức Khỏe.

Sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất của sự sống an vui, hạnh phúc. Vì vậy ngày nay trong tiếng chào trên khắp thế giới đều có câu hỏi thăm về tình trạng sống hay sức khỏe. Hiện nay người Việt khi gặp nhau cũng chào bằng câu “khỏe không?”, “thế nào?”, “ra sao”? tương đương với Anh ngữ “how are you?” và Pháp ngữ “comment allez vous?”, Hán ngữ “Nị hảo ma?”

Chào hỏi thăm về sự sống, sức khỏe có cội rễ từ một nguồn gốc nào từ thời xa xưa?

-Chào có Nguồn Gốc Xa Xưa Từ Ăn.

Câu chào hỏi thăm về đời sống, sức khỏe bắt nguồn từ ăn.

Ăn đã là một yếu tố chủ yếu để sống còn, sinh tồn của tất cả sinh vật từ sâu bọ cho tới con người. Ăn là nguồn sống. Ăn để sống, không có ăn là chết đói, thiếu ăn là bị bệnh. Có ăn mới có sức khỏe, sống vui, hạnh phúc và mới làm việc được. Có thực mới vực được đạo.

Người Việt khi gặp nhau ngày nay cũng còn chào bằng cách hỏi về ăn: “ăn chưa”?

Và cũng thấy trong nhiều ngôn ngữ khác ở Á châu như: Đài Loan: jia˘ bà bua i? Mã Lai: sudah makan? Malayalam: cho rrun. t.o? Tagalog (Phi Luật Tân): kumain ka na ba? Mayanmar (Burma) (ở đây có tộc người Shan): sa: pi: bi: la:? Khmer: nham bay howie nov? Đại Hàn: bap meogeosseoyo? Sinhalese: bath kavatha)

Chào liên hệ với ăn cũng thấy qua câu “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”.

Câu chào Ăn Chưa cùng nghĩa và tương đương với: có khỏe không?”, thế nào? ra sao?

Như thế tiến hóa theo thời gian, ta thấy các câu chào hỏi ngày nay thường chuyển qua nghĩa hỏi thăm sức khỏe thay vì hỏi về ăn. Chào hỏi sức khỏe là dạng biến hóa theo dòng thời gian của chào hỏi ăn. Ý niệm ăn để sống còn có trong các di thể (gen) của con người từ thời thượng cổ, di truyền lại từ nhu cầu ăn để sống còn, từ khi còn là sinh vật, động vật, dã nhân. Trong khi chào với ý niệm sức khỏe có muộn sau này.

Tóm lại chào với nghĩa sức khỏe có nguồn gốc ăn và cho thấy vững chắc chào có gốc nguyên thủy liên hệ với ăn.

-Ăn Có Một Nghĩa là Cơm.

Cơm là thức ăn chính (staple food) của người Việt. Cơm là gạo nấu chín. Cơm gần cận với Phạn ngữ soma: rice-water (nước gạo), rice gruel (hồ, cháo).

Tiếng chào “ăn chưa?” ăn gì? trong văn hóa Việt, nói rõ ra ăn là ăn cơm chưa? Ăn, bữa ăn có nghĩa là cơm (ăn cơm) cũng thấy ở các tộc người, quốc gia thuộc Bách Việt hay bị ảnh hưởng văn hóa Đông Sơn có trống ếch, trống mưa, cầu mưa trồng lúa nước có gạo cơm là thực phẩm chủ yếu. Ăn là ăn cơm.

Cơm gạo là món ăn chính, căn bản hàng ngày của chúng ta nên cơm cũng dùng với nghĩa ăn, bữa ăn như ta thường nghe mời bác ở lại dùng cơm hay mời bác ở lại dùng bữa với gia đình chúng tôi. Nhiều khi khách ở lại ăn cơm mà chỉ toàn là những thứ cao lương mỹ vị không có một hột cơm nào cả.

Như thế cơm còn có nghĩa là thực phẩm, một bữa ăn, một thứ ăn được và ngay cả tiệc tùng giỗ, tết.

Việt ngữ có từ khao như ăn khao (thi đậu, nhà mới, lên chức), khao quân có một nghĩa là thết đãi, đãi tiêc. Thái khao: thết đãi trả công ơn, Khmer khao: khao quân (Nguyễn Hy Vọng, TĐ Nguồn Gốc Tiếng Việt).

Khao ruột thịt với khảo, gạo (xem dưới).

Khi du lịch tới Nam Dương, chúng tôi đi ăn cỗ, ăn tiệc kiểu đặc thù Nam Dương. Nam Dương ngữ có từ ăn cỗ, ăn tiệc mà người Hòa Lan (mẫu quốc thuộc địa của một vài vùng ở Indonesia) dịch ra là rijsttafel có rijst= gạo, tafel = bàn. “Bàn cơm” hay “ăn cơm trên bàn”, chính là Việt ngữ bàn cỗ, cỗ bàn, bàn tiệc. “Bàn cơm” rijsttafel hôm đó có đến trên sáu chục món ăn. Ăn cỗ bàn rijsttafel cũng chỉ là một hình thức của cỗ bàn kiểu Việt Nam.

Theo c = g Việt ngữ cỗ bàn có cỗ = gỗ và bàn biến âm mẹ con với bản (tấm) với Anh ngữ paneau (pan- = bàn). Bàn biến âm với Anh ngữ plank (tấm gỗ), plane (bằng, mặt bằng) và với Việt ngữ bằng (phẳng). Cỗ bàn nghĩa đen là tấm gỗ bằng dùng bàn (table). Bàn nguyên thủy chỉ là một tấm gỗ bằng kê cao lên. Theo b = m ta có tab(le) = tấm (gỗ). Ta cũng thấy cỗ biến âm với giỗ (c = gi như căng = giăng; cắt = giác (lể), cả = giá (giá cả: Alexandre de Rhodes khảo cả = khảo giá), cả = già (già cả). . .). Vì thế ăn cỗ và ăn giỗ nhiều khi dùng trùng nhau. Ta cũng thấy ngày xưa chỉ khi nào có lễ lạc, giỗ tết mới làm cỗ, mới ăn cỗ, ăn bàn, còn thường ngày ăn đất, ngồi dưới đất ăn.

Từ đôi Việt ngữ cỗ bàn với cỗ = bàn. Ăn cỗ là ngồi bàn ăn một cách thịnh soạn. Ăn ngồi bàn là ăn cỗ, ăn tiệc.

Anh ngữ có từ banquet: tiệc, tiệc tùng, cỗ, cỗ bàn. Các nhà tầm nguyên ngữ học Tây phương cho là có gốc từ Latin bancus, bench (băng, ghế dài), Pháp ngữ banquette (ghế dài nhỏ), banc (ghế dài lớn).

Nếu hiểu như thế thì banquet có gốc banc- (ghế) là ngồi ghế ăn. Chúng ta thường nói ‘hôm nay bọn mình đi kéo ghế’ có nghĩa là đi ăm tiệm.

Tóm lại Việt ngữ cỗ bàn, ritsttafel, banquet là ăn cỗ, ăn tiệc, tiệc tùng, ăn ngồi bàn ghế.

Và ta thấy rõ rijstafel có rijst- có nghĩa là gạo nấu ra cơm. Trong các cỗ bàn tiệc tùng cơm là món phụ hay không có cơm. Rõ ràng Cơm trong cỗ bàn có nghĩa là Ăn (ngồi bàn ghế). Cơm có nghĩa là ăn, thức ăn.

Như thế đối với người Việt ăn, bữa ăn tổng quát có một nghĩa là Cơm.

Câu chào ‘ăn chưa?’ đồng nghĩa với câu “ăn cơm chưa?” hay ‘mời ở lại ăm cơm’ (với chúng tôi) = ‘mời ở lại dùng bữa’ (với chúng tôi).

Như vậy chào với nghĩa ăn là ăn cơm, dùng bữa, giỗ, tiệc.

-Gạo.

Gạo Anh ngữ là rice: “vào giữa thế kỷ 13, ris: ‘hạt (mễ cốc) ăn được của cây lúa, một thứ hạt thực phẩm chính yếu của thế giới”. Cổ ngữ Pháp ris, Latin oriza, Hy Lạp ngữ oryza, Phạn ngữ vrihi-s “rice.” (Etymyology dictionary Online).

Ta có rice, ris với /ri/ = li = ló (Mường Việt ngữ), la, lá (Tầy Thái) [xứ Lana Thai (Rice Field Country) ở Chiang Mai (Giềng Mới), Thái Lan có La là lúa và na ruột thịt với Mường ngữ nà là ruộng nước trồng lúa) = Việt hiện kim lúa (r = l).

Gạo là thực phẩm chủ yếu, căn bản dùng hàng ngày thấy nhiều ở đại tộc Bách Việt ở địa bàn Đông Nam Á, vùng lân cận và trong các tộc bị ảnh hưởng của văn hóa trồng lúa nước. Đối chiếu với văn hóa trống đồng Đông Sơn, đây là các tộc người có nền văn hóa trống đồng Đông Sơn thờ trống ếch, trống mưa, trống cầu mưa cho được mùa lúa gạo.

Như thế các tộc trong liên bang Bách Việt và các tộc liên hệ với Bách Việt có văn hóa trống ếch Đông Sơn trồng lúa nước đều có tiếng Chào có gốc và nghĩa từ Gạo, Cơm (với cả hàm nghĩa bao quát là ăn, bữa ăn).

Hãy lấy một vài ví dụ để soi sáng, minh chứng.

Tương đương giữa câu chào hỏi “ăn chưa” và “ăn cơm chưa” thấy trong văn hóa gạo cơm ở các tộc người:

.Người Việt : “…. ăn cơm chưa? ăn chưa?

.Mường: ăn cơm jua?

.Thái: thaan khâo láew re¯u yang? (như đã biết thaan khảo là ăn gạo, ăn cơm).

.Người Quảng Đông (một trong hai tỉnh Lưỡng Việt) như ở Hongkong có câu chào:

sihk jó faahn meih a? 食咗飯未呀? (‘Have you eaten rice yet?’) (sực phàn là ăn cơm).

Quảng Đông phàn, phạn liên hệ với paddy, cây lúa phát xuất từ gốc tái tạo Ấn-Âu ngữ PIE *pat, *pa- “to feed”, cho ăn, nuôi ăn…

….

Như vậy tới đây ta có: chào = sự sống¸ sức khỏe = ăn, bữa ăn = cơm = gạo.

-Gạo có Nghĩa là Chào.

Hãy lấy một hai ví dụ điển hình qua tiếng chào của người Việt, Shan và Thái có nghĩa là ăn gạo, cơm.

.Người Việt chúng ta cũng chào hỏi: anh (ông, bà, chị, cô…) ăn cơm chưa?

.Ngôn ngữ Shan được xếp vào họ Tầy-Thái (Tai-Kadai), nhánh ngôn ngữ Lạc Việt đất liền. Ví dụ người Shan nói “Yin lii nam nam” (“thank you very much”) ta thấy rõ hai từ ‘nam nam’ là Việt ngữ ‘lắm lắm’ [âm N là âm thuộc phía nòng âm, âm L là âm thuộc phía nọc dương. Ví dụ nàng phía âm và lang phía dương (Tiếng Việt Huyền Diệu)]

Ở vùng quê người Shan chào nhau thường nói ‘Kin khao yao ha’? có nghĩa là anh (ông, bà, chị, cô…) ăn gạo (cơm) chưa?’

Phân tích câu chào này ta thấy:

-Shan ngữ kǐn là ăn ruột thịt với Thái ngữ kin (กิน), Lào kìn (ກິນ), Thái Lự hay Lũ (Tai Lue) ngữ kín là ăn. Kin họ hàng gần với Việt ngữ cắn hàm nghĩa ăn như cá cắn mồi = cá ăn mồi.

-Shan ngữ khao là gạo. Shan ngữ khao niv, Thái ngữ khâo niaw, (gạo dính, sticky rice) chính là Việt ngữ gạo nếp (nếp là nhép, dính nhem nhép. Nếp có gốc na-, nước thấy rõ qua Neptune, Thần Biển, gốc nephro-, thận (cơ quan làm nước tiểu). Gạo nếp có nhiều nhựa, nhiều nước dính. Thái Lan ngữ khâu là gạo, Mường ngữ cảo, khảo là gạo, Việt ngữ khảo (bánh khảo, bánh đậu) là bánh bột gạo và cháo là gạo nấu với nhiều nước.

Kin khao: ăn gạo (gạo chín = cơm).

–yao: tôi cố gắng tìm nguyên nghĩa ngữ của yao trong tiếng Shan nhưng chưa thấy. Có lẽ yao ruột thịt với Mường ngữ da (đại danh từ ngôi thứ hai) là anh (chị, bác, em, mày…) gần cận với Anh ngữ you.

–ha: một từ nghi vấn ruột thịt với Thái Lự haa.

Ha = hả.

Tóm lại câu chào kin khao yao ha? Có nghĩa là anh (chị, em, ông, bà, cô, mày…) ăn gạo chưa hả? giống người Thái nói thaan khâo láew re¯u yang? Và người Việt nói ăn cơm chưa hả? 

.Người Thái nói: thaan khâo láew re¯u yang? (Thái ngữ thaan, ăn). Theo biến âm kiểu than thở ta có thaan = thời (tiếng Miền Trung là ăn: thời cơm). Thaan có nghĩa là ăn như kin và khâu là gạo (cơm).

Như thế tiếng Chào Việt ruột thịt với Shan, Thái ngữ Khan bắt nguồn nguyên khởi từ gốc từ ngữ Gạo (Cơm)

Không còn cần nói gì dài dòng thêm nữa.

Ta có Chào = Mường Cảo, Khảo = Thái Khâu = Shan Khao… = Việt Khảo, Gạo.

Có một điểm lý thú dù cho có là trùng hợp đi nữa là tiếng chào của người Shan ‘kin khao’ (ăn gạo) cùng âm với ‘kính chào’ của Việt ngữ.

Tóm lại

Từ Chào của tiếng Việt Lạc Hồng sống bằng lúa gạo (có một nhánh Lạc Việt làm ruộng nước Lạc Điền trồng lúa nước) có nguồn gốc và nghĩa ngữ từ Việt ngữ khảo (bánh khảo), Mường ngữ cảo, khảo giống hệt như tiếng Thái, Shan khao, chao, khảo có nghĩa là gạo, cơm, ăn…, (lưu ý Shan, Thái, Tầy Thái thuộc nhánh Lạc Việt) và từ chào biến âm mẹ con với chao, khao, khảo của các ngôn ngữ khác của Bách Việt và của các tộc khác trồng lúa nước có văn hóa hay bị ảnh hưởng của văn hóa lúa nước, có văn hóa trống ếch Đông Sơn, trống cầu mưa đều có tiếng Chào có gốc và nghĩa từ gạo, cơm, lúa hàm nghĩa ăn, bữa ăn.

Nguồn gốc và nghĩa ngữ của tiếng Chào trong Việt ngữ của người Việt nhất là ở ngành Lạc Việt Lạc Điền trồng lúa nước có trống đồng cóc/ếch Đông Sơn cầu mưa là Khảo, Khâu, Cảo, Chao, Cháo, Khao, Gạo.

Dĩ nhiên khác với nghĩa với chào mang tính tôi tớ, tôn kính của tiếng Hán Triều, Trào, của tiếng Ý Ciao và cũng khác với từ Trầu (cau), một thứ nhai tiêu khiển, không phải là thứ thực phẩm căn bản của sự sống của người Việt.

Chào năm mới, Tết của người Việt bao giờ cũng có bánh chưng, bánh dầy làm từ gạo nếp. Chào năm mới vì vậy mới nói là ĂN Tết.

(Đầu năm khai bút Chào Năm Mới Nhâm Dần 2022).

 
H.Phi chuyển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét