Trước khi đi vào vấn đề Lục ngôn thể, tôi xin nhắc lại hai định nghĩa: Đường luật và Đường thi.
1. Thơ Đường (tức là Đường Thi): là những bài thơ của các thi gia Trung hoa sáng tác trong khoảng từ thế kỉ 7 - 10 (618 - 907) vào thời đại nhà Đường , nổi tiếng nhất là 300 bài được gọi là Đường thi tam bách thủ (唐诗三百首). Trong số đó có một số được làm theo thể thơ Đường luật, số còn lại làm theo các thể thơ khác, phần lớn là thơ cổ phong ( hay cổ thể, là loại thơ có trước đời nhà Đường, không theo niêm luật nhất định). Cho nên gọi là Đường Thi hay Thơ Đường thì phải là những bài thơ được sáng tác vào thời đại nhà Đường bên Trung hoa nhưng không nhất thiết làm theo luật của Thơ Đường Luật.
2. Thơ Đường Luật: là thơ làm theo Thi luật đặt ra từ đời nhà Đường bên Trung Hoa, có luật lệ nghiêm nhặt. Sang Việt Nam, Thi luật được gọi là thể thơ Đường luật, còn gọi là thơ cận thể (để phân biệt với cổ phong là thơ cổ thể) phải tuân theo các qui tắc bắt buộc, rất nghiêm nhặt, gò bó . Có hai thể là thất ngôn và ngũ ngôn .
2.1 Về hình thức
a. Theo số chữ trong câu:
- Ngũ ngôn, mỗi câu 5 chữ.
- Thất ngôn, mỗi câu 7 chữ.
b. Theo số câu trong bài:
-Tứ Tuyệt hay Tuyệt Cú: mỗi bài bốn câu.
- Bát Cú: mỗi bài tám câu.
Như vậy Thơ Đường Luật có 4 dạng là: Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt, Ngũ Ngôn Bát Cú, Thất Ngôn Tứ Tuyệt và Thất Ngôn Bát Cú.
Trong bài nầy xin bàn về Đường thi và thể lục ngôn trong thi ca cổ điển và hiện đại Việt Nam.
Đường Thi: gồm thơ 5 chữ, 6 chữ và 7 chữ : Ngũ ngôn Cổ Phong, Ngũ ngôn Tứ tuyệt, Ngũ ngôn Bát cú, Thất ngôn Cổ phong, Thất ngôn Tứ tuyệt, Thất ngôn bát cú, Lục ngôn thi.
LỤC NGÔN THỂ LÀ GÌ ?
Dựa vào hai định nghĩa trên ta có thể nói thể lục ngôn không phải là thể thơ Đừơng luật chính thống, vậy nó có thể là cổ phong hay một biến thể đặc biệt của thơ Đường luật. Sang Việt Nam nó không còn giữ nguyên chính gốc .
Có hai loại là cổ điển và hiện đại.
A. LỤC NGÔN THỂ CỔ ĐIỂN :
Lục ngôn bát cú thể (cổ điển) : là bài thơ có 8 câu mỗi câu 6 chữ ( nhưng không phải tuyệt đối đúng 6 chữ), một BIẾN THỂ củaThất ngôn Bát cú Đường Luật, có thể xem như một thể loại thơ hoàn toàn Việt Nam, xuất hiện trong Thi ca VN từ thế kỷ thứ 15, qua các bài thơ của Nguyễn Trãi và sau đó là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng nhiều thi nhân khác nữa.
Thí dụ :
THỦ VỸ NGÂM
Góc thành Nam, lều một gian
No nước uống, thiếu cơm ăn
Con đòi trốn dễ ai quyến
Bầy ngựa gầy thiếu kẻ chăn
Ao bởi hẹp hòi, khôn thả cá
Nhà quen xuế xóa, ngại nuôi vằn
Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải
Góc thành Nam, lều một gian.
Nguyễn Trãi
1-Nhận xét về đặc điểm bài thơ này như sau :
-Về bố cụ: Bài thơ gồm 8 câu giống như TNBCDL, nhưng số chữ trong câu được phép linh động : Khi thì 7 chữ, khi thì 6 chữ . Trong bài này có 3 câu 7 chữ và 5 câu 6 chữ. Nói là lục ngôn nhưng số câu không cố định 6 chữ ( khác với lục ngôn thể 6 chữ đời nhà Đường, Trung Quốc).
-Về đối: các câu 3-4 và 5-6 vẫn tuân thủ nghiêm ngặt luật ĐỐI NGẪU của TNBCDL . Đôi khi có tiểu đối ở câu lục đầu .
-Về vần : Vần gieo độc vận ở cuối câu 1,2,4,6,8 giống hệt như TNBCDL.
-Về niêm : Có niêm nhưng không chặt chẽ .
-Về luật : Luật Nhị Tứ Lục đảo thanh trong TNBCDL cũng được áp dụng một cách tương đối, không theo đúng trật tự Bằng -trắc- bằng hoặc Trấc-bằng -trắc ở các chữ thứ 2,4,6 như trong TNBCDL, hơn nữa lại xen câu 7 chữ nên không áp dụng nghiêm nhặt luật nầy .
-Câu 1 và 8 giống nhau nên gọi là thủ vỹ ngâm ( nhưng không bắt buộc).
Lục ngôn thể có nhiều biến thể mang tính tự do, phóng khoáng hơn, thích hợp với tâm hồn bay bổng của người VN hơn.
2-Khuyết điểm của Lục ngôn thể (cổ điển) là :
-Vì xuất hiện từ thế kỷ thứ 15, mà phương tiện thông tin còn rất hạn chế, nên thể thơ này không được phổ biến rộng rãi nên ít người biết.
-Ngôn từ thời ấy đến nay đã trở thành quá cổ xưa, thậm chí đã mất hẳn trong tiếng Việt hiện đại .
-Thời nay, Lục ngôn thể (cổ điển) trở nên khá xa lạ, bí hiểm, khó gây được sự cuốn hút, hấp dẫn.
-Không có Mỹ từ pháp, hậu quả là bài thơ thiếu hẳn những nét đan thanh, nhịp nhàng hay dồn dập .
Những lý do trên dẫn đến sự xuất hiện của Lục ngôn thể hiện đại.
Tham khảo bài thơ lục ngôn của Nguyễn Bỉnh Khiêm ( cổ điển):
VÔ ĐỀ
Rất nhân sinh bẩy tám mươi,
Làm chi lảo đảo nhọc lòng người.
Bạch Vân am vắng chim kêu muộn,
Kim Tuyết dòng thanh cá mát tươi.
Ưu ái một niềm hằng nhớ chúa,
Công danh hai chữ đã nhường người.
Giầu lẫn khó, yên đòi phận,
Rất nhân sinh bẩy tám mươi.
Thanh nhàn dưỡng được tính tự nhiên,
Non nước cùng ta đã có duyên.
Dắng dỏi bên tai cầm suối,
Dập dìu trước mặt tán sen.
Xuân về, hoa nở mùi hương nức,
Khách đến, chim mừng dáng mặt quen.
Chốn ấy thanh nhàn được thú,
Lọ là Bồng đảo mới tiên.
Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nhận xét: Bài thơ gồm 2 bài lục ngôn xếp liên tiếp. Bài đầu: thủ vỹ ngâm. Các cặp 3-4 và 5-6 đều 7 chử, tạo thành những cặp đối ngẫu ( giống TN BCDL) .Trong bài thứ hai, cặp 3-4 có 6 chữ: đối ngẫu , cặp 5-6 có 7 chữ: đối ngẫu.
B. LỤC NGÔN THỂ HIỆN ĐẠI :
Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, Lục ngôn thể hiện đại ra đời , với những đặc điểm như sau :
1-Thơ Lục ngôn thể hiện đại mang tinh thần tự do, phóng khoáng :
-Tuân thủ chặt chẽ vần và đối của TNBCDL mà thôi, còn Bố cục, Niêm và Luật được hoàn toàn linh động trong phạm vi TÁM câu. Cụ thể là:
-Về bố cục : Trong bài thơ lục ngôn thi ít nhất phải có 1 câu 6 chữ, nhiều nhất là 7 câu 6 chữ . những câu còn lại 7 chữ .
-Về Luật : Tôn trọng luật "Nhị Tứ Lục đảo thanh" một cách tương đối mà thôi . Không bắt buộc phải là T-B-T hoặc B-T-B như TNBCĐL .
-Về Niêm, Niêm được càng tốt, không niêm cũng chẳng sao .
2-Không dùng những hình thức ngôn từ quá cổ xưa nữa.
3-Sử dụng nhiều thuật ngữ Mỹ từ pháp, đặc trưng của thơ Lục Bát như:
-Ngắt mạch 2/2/2 (Đoạn cú), Tiểu đối 3/3, Tiểu đồng dạng 3/3, Điệp ngữ Tiền hậu song trùng, Điệp ngữ Lưỡng đầu xà, v.v... Đây cũng chính là đặc điểm phân biệt Lục ngôn thể hiện đại với Lục ngôn thể cổ điển vậy.
Ví dụ 1:
BÊN SÔNG
Trời trong xanh, nước trong xanh
Một chiếc thuyền câu lướt thật nhanh
Ngư phủ thả mồi chống sào đợi
Sương giăng mờ mắt khói xây thành
Tiếng hò xa vắng hồn lây lất,
Giọng hát mênh mang sóng bập bềnh
Bến cũ, mưa bay, thuyền nhỏ
Chập chùng mây nước phận lênh đênh.
Nhận xét:
Câu 1: tiểu đồng dạng 3/3.
Cặp 5&6: đối ngẫu
Câu 7: đoạn cú 2/2/2
Ví dụ 2: (mỗi câu đều 6 chữ):
THAO THỨC
Nhà cũ rêu phong góc tường
Nghe lòng man mác sầu vương
Ra đi lỗi hẹn đò nhỏ
Bỏ lại tang thương má hường
Năm tháng ngược xuôi đất hứa
Đến giờ vẫn nhớ quê hương
Mong sao gặp người xưa cũ
Thao thức năm canh đoạn trường !
NC
I. LỤC NGÔN TỨ TUYỆT
Lục ngôn tứ tuyệt là bài thơ có 4 câu mỗi câu 6 chữ.
CÁCH GIEO VẦN THỂ LỤC NGÔN TỨ TUYỆT:
1.Vần tréo
Ghi chú : B : phải là bằng
T : phải là trắc
b : nên là bằng, nhưng không bắt buộc
t : nên là trắc, nhưng không bắt buộc
x : bằng hoặc trắc đều được
a.Nếu bắt đầu là vần bằng (thì trấc gieo với trắc):
Bảng luật:
x x x T x B
x x x B x T (vần với câu 4)
x x x T x B
x x x B x T (vần với câu 2)
Ví dụ:
Mùa hè đã đến thật gần
Tiếng ve gọi đàn inh ỏi
Nhìn những cánh phượng bâng khuâng
Muốn tỏ lòng nhưng ngại nói.
b.Nếu bắt đầu là vần trắc: ( vần bằng gieo với bằng)
Bảng luật:
x x x B x T
x x x T x B (vần với câu 4)
x x x B x T
x x x T x B (vần với câu 2)
Ví dụ1: (vần bằng gieo với bằng)
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay.
Đỗ Trung Quân
Ví dụ 2:
Điền viên lạc (kỳ 4)
Thê thê phương thảo xuân lục
Lạc lạc trường tùng hạ hàn.
Ngưu dương tự quy lậu hạng,
Đồng trĩ bất thức y quan.
Vương Duy
Tạm dịch:
Cỏ xuân thơm màu xanh biếc
Tiết hè lạnh bóng thông dài
Trâu dê thuộc đường về xóm
Trẻ con dốt chuyện cân đai
( Bản dịch của Giản Chi)
Cách gieo vần khác:
Nếu 2 vần chéo bắt đầu là trắc:
Bảng luật:
x x x B x T (vần với câu 3)
x x x T x B (vần với câu 4)
x x x B x T (vần với cầu 1)
x x x T x B (vần với câu 2)
Bằng gieo với bằng, trắc gieo với trắc:
Ví dụ 1:
Đã qua mấy mùa chinh chiến
Mình xa từ độ thu nào
Ngậi ngùng anh lên tiếng
Bao giờ mới hết khổ đau?
Ví dụ 2:
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều
Đỗ Trung Quân
Nếu 2 vần chéo bắt đầu là vần bằng:
Bảng luật:
x x x T x B (vần với câu 3)
x x x B x T (vần với câu 4)
x x x T x B (vần với câu 1)
x x x B x T (vần với câu 2)
Ví dụ (bằng gieo với bằng, trắc gieo với trắc):
Rừng sâu núi thẳm chập chùng
Chân đi mà lòng nhung nhớ
Sông dài sương khói mênh mông
Hắt hiu trong chiều bỡ ngỡ.
2.Vần ôm
bắt đầu vần trắc:
Bảng Luật :
x t x B x T (vần câu 4)
x b x T x B (vần câu 3)
x b x T x B (vần câu 2)
x t x B x T (vần câu 1)
VD:
Nếu bước chân ngà có mỏi
Xin em tựa sát lòng anh
Ta đi vào tận rừng xanh
Vớt cánh vông vàng bên suối
Đinh Hùng
Bắt đầu bằng vần bằng:
Bảng luật:
x b x T x B (vần câu 4)
x t x B x T (vần câu 3)
x t x B x T (vần câu 2)
x b x T x B (vần câu 1)
Ví dụ:
Gió thu về bạt lối quen
Xào xạc đường xưa lá đổ
Hạt sương treo mình trên cỏ
Giấu gì mà nhớ lại quên?
3.Ba vần
Nếu bắt đầu là vần bằng :
Bảng luật:
x x x T x B (vần)
x x x T x B (vần)
x x x B x T
x x x T x B (vần )
Ví dụ:
Tạ ơn ngày trước còn nhau
không thèm tạ ơn ngày sau
ngày sau em đi đâu mất
cho ta buồn lớn sông sâu.
Nếu bắt đầu là vần trắc :
Bảng luật:
x x x B x T (vần)
x x x B x T (vần)
x x x T x B
x x x B x T (vần)
VD:
Tình đầu gửi cho anh đó
Chờ hồi âm mà chẳng có
Thôi đành gỡ bỏ tình xưa
Chia tay anh cho đỡ khổ.
Ghi chú:
Người ta có thể làm một bài thơ lục ngôn trường thiên bằng cách nối nhiều đoạn lục ngôn tứ tuyệt liên tiếp cho tới hết bài.
Ví dụ:
Tình sầu
Xuân hồng có chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu ?
Chị tôi tóc xoã ngang đầu
Đi bắt bướm vàng ngoài nội
Hạ đỏ vẫn chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu ?
Chị tôi hoa trắng cài đầu
Đi giặt tơ vàng bên suối
Thu biếc cũng chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu ?
Chị tôi khăn trắng ngang đầu
Đi hát tình sầu trong núi
Đông xám lại chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu ?
Chị tôi hoa phủ đầy đầu
Đã ngủ trong lòng mộ tối.
Huyền Kiêu (1938)
Tổng hợp, biên soạn : Nguyễn Cang )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét