Chúc Mừng Năm Mới Nhâm Dần 2022.
DA TRẮNG VỖ BÌ BẠCH.
Nguyễn Xuân Quang.
Trong lịch sử chơi câu đối có lẽ câu nổi tiếng hay và khó nhất là câu Da Trắng Vỗ Bì Bạch của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1749). Đã hơn ba trăm năm rồi mà chưa có ai đối lại được hoàn chỉnh trăm phần trăm. Câu này bà ra trong lúc đang tắm cho Trạng Quỳnh khi ông đòi vào tắm chung.
Các Qui Luật Chính Về Câu Đối.
Câu đối có những qui luật về đối ý (nội dung), đối từ, đối vần hay thanh (luật bằng trắc)… (hình thức). Vân vân…
Tôi xin tóm tắt gom các qui luật chính về câu đối vào Mười Điểm Căn Bản Chính của Câu Đối sau đây, xếp theo thứ tự quan trọng từ trên xuống dưới, dựa theo câu Da Trắng Vỗ Bì Bạch cho dễ hiểu và dễ nhớ:
1. Tộc ngôn ngữ.
Vế đối ra thuộc tộc ngôn ngữ nào? Tiếng Nôm/Thuần Việt hay Hán Việt hoặc Hán Nôm Hóa.
Tất cả các từ trong Da Trắng Vỗ Bì Bạch đều là chữ nôm thuần Việt (kể cả Bì Bạch khi chúng là tiếng tượng thanh). Như thế câu đối lại phải hoàn toàn gồm các từ thuần Việt.
Tuy nhiên từ đôi Bì Bạch là cặp từ thuần Việt nhưng cũng là cặp từ Hán Việt Nôm Hóa.
Bì Bạch có hai từ Hán Việt Bì và Bạch nhưng thật sự không phải là hai từ Hán Việt đúng nghĩa. Hán Việt đúng nghĩa phải viết tính từ trước danh từ: Bạch Bì. Ở đây đã nôm hóa viết theo ngữ pháp Việt ngữ nghĩa là tính từ để sau danh từ: Bì Bạch.
Đối lại Bì Bạch phải tìm một cặp từ vừa thuần Việt vừa là tiếng Hán Việt nôm hóa.
2. Tính chất của Từ.
Từ mang tính thông dụng hay là tiếng tượng hình, tượng thanh, ‘tượng sắc’ (biểu hiện mầu sắc), biểu hiện tình cảm, cảnh vật…
Hai từ Bì Bạch vừa là từ tượng thanh (tiếng vỗ) vừa là từ tượng hình (da có mầu) vừa là từ tượng sắc (trắng).
Phải tìm một cặp từ vừa tượng thanh vừa tượng hình vừa tượng sắc đối lại Bì Bạch.
3. Chơi chữ.
Các đoạn hay các từ trong vế đối có cùng nghĩa (điệp nghĩa) hay là tiếng nói lái của nhau. Vân vân…
Bì Bạch có cùng nghĩa với Da Trắng ở đoạn trước của vế đối. Bì Bạch ở dạng chơi chữ.
4. Thanh hay Tục.
Thanh hoàn toàn hay thanh mà tục hoặc thanh hàm ẩn ý tục. Tương tự tục cũng vậy. Phải đối từng loại với nhau cho chỉnh.
Câu Da Trắng Vỗ Bì Bạch tuy thanh nhưng hàm nghĩa cợt tình, khêu gợi tình, đùa ghẹo. Thậm chí tiến xa nữa có nghĩa tục. Như đã nói ở trên Trạng Quỳnh đòi vào tắm chung với Bà Đoàn. Vì thế vỗ Bì Bạch có ngầm ý là vỗ vào chỗ da trắng nhất, chỉ để hở ra khi tắm, chỗ không bị ánh nắng chiếu tới, không bị rám nắng, là chỗ kín rất trắng tức chỗ nường trắng nõn.
Ta có từ nõn nường hàm nghĩa chỉ bộ phận sinh dục nữ trắng nõn trắng nà:
Ba mươi sáu cái nõn nường,
Cái để đầu giường, cái gối đầu tay.
(ca dao).
Nõn nường chỉ bộ phận sinh dục gái tơ với nõn là non, trẻ như nõn khoai (đọt khoai), mượt mà như vải phin nõn trắng nõn mượt mà. Từ nõn nà với nà có một nghĩa là ná, nạ là mẹ (Chờ được nạ, thì má đã sưng), là nàng, nương, nường. Nõn nà là nường non, gái tơ, cái nường trắng nõn, trắng nà. Nõn nà là nàng đẹp chính là Mã Lai-Java ngữ nona, nàng (Ý Nghĩa Những Từ Thô Tục Trong Tiếng Việt).
Cũng đồng tình với bà Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương trong bài Dệt Cửi Đêm cũng đã dùng “trắng phau” chỉ nường trắng nõn: “Đốt đèn lên thấy trắng phau”. Nguyễn Khuyến cũng vậy. Trong bài Chỗ Lội Làng Ngang cũng viết: “Cái gì trăng trắng như con cúi” (cúi là cuộn tơ vải còn sống chưa kéo thành sợi). Rõ ràng như dưới ánh đèn sáng chỗ ‘trắng phau’, “trăng trắng”, chỗ da trắng”, chỗ “bì bạch” là chỗ nường trắng nõn.
Vỗ chỗ da trắng nõn Bì Bạch là vỗ nõn nường.
Như vậy Bì Bạch hàm nghĩa tục. Đối lại Bì Bạch nõn nường thì phải có cặp từ hàm ý cợt tình, ghẹo tỉnh hay tục, liên hệ với nõ nọc.
5. Đối Thanh (hay Vần).
Đối phải đúng theo luật bằng trắc tức là thanh (hay vần). Theo đúng nghĩa của từ Đối nghĩa là Ngược (Đối Ngược) thì vần Bằng phải đối với vần Trắc và Trắc đối với Bằng.
Tính bằng trắc phải đối ngược với nhau.
6. Thể loại từ.
Danh từ đối với danh từ, tính từ với tính từ, phụ từ với phụ từ. Ví dụ động từ vỗ (bì bạch) thì phải tìm một động từ đối lại.
Hai từ Bì Bạch dùng như một trạng từ (phụ từ, phó từ) tượng thanh.
7. Cấu trúc của câu.
Đối theo chức vụ chữ trong câu.
Chủ từ đối với chủ từ, động từ đối với động từ, túc từ với túc từ…
8. Số từ
Dĩ nhiên hai vế phải có cùng số từ như nhau.
9. Thể loại Nội Dung.
Vế đối đưa ra nói về động vật, thực vật, vật hay cảnh… thì đối lại động vật với động vật, thực vật với thực vật, vật với vật và cảnh với cảnh là chuẩn nhất.
Câu Da Trắng Vỗ Bì Bạch nói về người, một loài động vật có thể đối lại bằng người với người hay động vật với người.
10. Hành văn.
Tính chất của câu đối lại phải trong sáng, văn vẻ, hàm súc, dễ hiểu, không gò ép nghĩa cũng như từ. Tự nhiên như câu nói đối đáp lại.
….
Định Giá Vế Đối.
Dựa vào 10 điểm căn bản nêu trên ta có thể định giá, cho điểm câu đối lại xem được hoàn chỉnh tới mức độ nào, được xếp vào hạng nào.
.Sai lệch 1 điểm trong 10 điểm nêu trên bị trừ 1 điểm. Đối chỉnh cả 10 điểm, được 10 điểm coi như vế đối lại được hoàn chỉnh hoàn toàn, được xếp vào hạng Ưu. Ưu = 10 điểm.
.Sai ¼ hay ½ còn 9.75 hay 9.5 điểm: hạng Bình.
.Sai 1 điểm còn 9 điểm = Bình thứ.
.Sai 2 điểm còn 8 điểm: hạng thứ.
Dưới 8 điểm coi như tồi. Hỏng.
Một Vài Câu Đối Được Nhắc Nhở Nhiều Từ Trước Tới Giờ.
Xin duyệt xét lại một vài câu đối lại câu Da Trắng Vỗ Bì Bạch từ xưa và một số thấy trên mạng bây giờ.
Lời Tác Giả: Thành thật xin lỗi các tác giả có vế đối nêu ra dưới đây, mục đích là học hỏi không hề có ẩn ý gì.
+ Trạng Quỳnh?
*Trời xanh màu thiên thanh..
Có tác giả cho là câu này do Trạng Quỳnh làm ra.
Có những lỗi lầm như sau: 1.Vật đối với người, 2. Qui luật bằng trắc không ổn như vần bằng Trời đối với vần bằng Da, 3. Vần bằng Thiên đối với vần bằng Bì, 4. Mầu không phải là động từ hành động như vỗ, 5. Thiên Thanh không phải là tiếng tượng thanh, 6. Cả câu không hàm nghĩa cợt tình hay tục.
Vân vân.
Câu này chỉ được 4 điểm. Hỏng.
+Tác giả không rõ.
*Cô Miên ngủ một mình.
Có những lỗi lầm như sau: 1. Bằng trắc không ổn: vần bằng Cô không thể đối với vần bằng Da được, 2. Vần trắc Ngủ không thể đối với vần trắc Vỗ được, 3. “Cô” là phụ từ không đối được với danh từ Da, 4. Miên, tên người là nhân sinh đại danh từ không thể đối với tính từ Trắng, 5. Một Mình không phải là tiếng tượng thanh…, 6. Cả câu không hàm nghĩa cợt tình, tục.
Vân vân.
Câu này chỉ được 4 điểm. Hỏng.
+ Tác giả không rõ:
*Bảy tiếng kêu thất thanh.
Hay
*Bẩy Xanh kêu thất thanh.
Có những lỗi lầm như sau:
1. Bảy là con số không phải là danh từ không thể đối với danh từ Da, 2. Tiếng là vần trắc không thể đối vần trắc Trắng, 3. Thất Thanh tượng thanh nhưng không tượng hình kèm theo, 4. Thất Thanh diễn đạt hoảng sợ đối không chỉnh với Bì Bạch nõn nường.…
Vân vân.
Câu này chỉ được 6 điểm. Hỏng.
Nếu đổi thành Bẩy Xanh (có tác giả cho là tên của Trạng Quỳnh) cho hợp đối theo vần bằng trắc thì tên Xanh là tên người không hợp với mầu Trắng…
+Nguyễn tài Cẩn:
*Rừng sâu mưa lâm thâm.
Có những lỗi lầm như sau:
1. Vật đối với người: Rừng là vật thể không thể đối với Da người thuộc động vật, 2. Qui luật bằng trắc không ổn: vần bằng Rừng không thể đối với vần bằng Da, 3. Vần bằng Lâm không thể đối với vần bằng Bì, 4. Lâm Thâm không phải là tiếng tượng thanh mà là tượng hình, thường nói là mưa lâm râm dễ hiểu hơn [râm, dâm cũng có nghĩa đen (kính dâm) với thâm], 5. Lâm Thâm không hàm nghĩa cợt tình đối không chỉnh với Bì Bạch nõn nường.…
Vân vân.
Câu này chỉ được 5 điểm. Hỏng.
+Tác giả Lê Anh Chí
(http://www.leanhchi.com/VanHoc/DaTrangBB.html).
đưa ra các câu đối sau:
*Mập phù thở phì phò.
Có những lỗi lầm như sau:
1. Mập Phù với Phù là Hán Việt không phải thuần Việt không đối được với thuần Việt Da Trắng, 2. Vần trắc Thở không đối được với vần trắc Vỗ, 3. Vần bằng Phì không đối được với vần bằng Bì, 4. Phì Phò không phải là tiếng tượng hình, 5. Cả câu không hàm ý cợt tình, tục…
Năm điểm. Hỏng.
*Áo xanh lay lục phục.
Có những lỗi lầm như sau:
1. Lục là mầu xanh không đối được với Bì là da, 2. Vần trắc Phục không đối được với vần trắc Bạch,
3. Lục Phục là từ Hán Việt thứ thiệt đối không chỉnh với Bì Bạch là từ Hán Việt nôm hóa, 4. Cả câu không có hàm ý tục…
Sáu điểm. Hỏng.
*Quần áo vung phùng phục.
Có những lỗi lầm như sau:
1. Quần là vật không thể đối với da người động vật, 2. Vần bằng Quần không thể đối với vần bằng Da, 3. Vần trắc Áo không đối được với vần trắc Trắng, 4. Vần bằng Phùng không đối được với vần bằng Bì, 5. Phùng Phục là từ Hán Việt thứ thiệt không đối chỉnh với Bì Bạch là từ Hán Việt nôm hóa, 6. Cả câu không có hàm ý tục…
Bốn điểm. Hỏng.
*Đá chàm sờ lam nham.
Có những lỗi lầm như sau:
1. Đá là vật không thể đối với Da người động vật, 2. Vần bằng Lam không đối được với vần bằng Bì, 3. Lam Nham không phải là tiếng tượng thanh, 4. Cả câu không hàm ý tục…
Sáu điểm. Hỏng.
+Tác giả Hàn sĩ Nguyên:
*Giếng cạn phơi tỉnh khô.
[Cái giếng cạn (của ai) phơi (ra) tỉnh queo!]
(https://www.daovien.net/t12956-topic).
Có những lỗi lầm như sau:
1. Giếng là vật không thể đối với da người động vật, 2. Vần trắc Cạn không thể đối với vần trắc Trắng, 3. Tỉnh khô không phải là tiếng tượng thanh,
Bẩy Điểm. Hỏng.
+Bs Phan Thượng Hải:
*Vợ buồn than thê thảm.
(Thê thảm là vợ buồn). Bs Hải (nhận là mình chủ quan cho rằng câu này là do thân phụ ông là thi sĩ Lãng Ba Phan Văn Bộ ở Cần Thơ làm ra).
(https://khoa1hocviencsqg.com/2021/11/25/ban-ve-cau-doi-da-trang-vo%CC%83-bi- ba%CC%A3ch/).
Có những lỗi lầm như sau: 1. Vần bằng Thê không thể đối với vần bằng Bì, 2. Thảm vần trắc không thể đối với vần trắc Bạch, 3. Thê thảm không phải là tiếng tượng thanh, 4. Thê thảm diễn đạt buồn rầu đối không chỉnh với bì bạch nõn nường.…
Sáu điểm. Hỏng.
Dĩ nhiên còn rất nhiều nữa…
VÀI CÂU ĐỐI CỦA TÔI, NGUYỄN XUÂN QUANG.
Sau đây là hai câu đối của tôi xếp theo thể loại.
A. Đối Động Vật Với Động Vật.
+Người với Người.
Lý tưởng nhất là người đối với người.
*Nái Tơ Than Tỉ Ti.
Sau đây là bảng tóm lược 4 tử điểm, 4 mấu chốt hay 4 điểm đặc thù của Tỉ Ti để đối lại Bì Bạch cũng có bốn tính chất nảy.
Bây giờ đi vào chi tiết.
Vế đối gồm hai đoạn: Nái Tơ và Tỉ Ti.
a. Nái tơ
Gồm nái và tơ.
-Nái
Nái (quần nái đen, nái sề, heo nái) là Cái, Gái, Nàng, Nường, phái nòng âm.Mường ngữ Da là Bà. Dạ là Mẹ như thế Nái, Gái, đàn bà trong đó có Da, Dạ là Người đối được với Da người. Da, bà, Dạ, mẹ có nghĩa là bao, bọc, túi, nang (dạ con) ruột thịt với Da (skin) (cũng có nghĩa là bao, túi, nang bọc thân người). Thái ngữ nang là da (skin). Nang là túi bọc, ví (túi đựng) có một nghĩa là nàng, nường (bộ phận sinh dục nữ) thấy rõ qua Anh ngữ vagina. Vagina có vag- = bag, bao, túi, nang. Nàng có nang, có nường.
Nái có cùng nghĩa với Hán Việt Tỉ, có nghĩa chung chỉ đàn bà (xem dưới). Rõ ràng da, bì = tỉ, nái (nang, nàng, nường).
Như vậy Nái (có Mường ngữ Da là bà) đối với Da (bì) rất chỉnh.
-Tơ (tính từ)
Có một nghĩa non, trẻ như gái tơ, trai tơ, gà mái tơ.
Ta có phần Nái Tơ hiểu theo nghĩa khái quát là Nái tơ, Nàng tơ, Nường tơ (non trẻ).
b. Đoạn thứ hai Tỉ Ti.
Tỉ Ti có hai bộ mặt giống như Bì Bạch vừa là thuần Việt vừa là Hán Việt Nôm Hóa.
– Tỉ Ti là từ nôm thuần Việt.
Tỉ ti hiểu theo tiếng khóc tượng thanh là một từ thuần Việt:
Tò vò mà nuôi con nhện,
Đến khi nó lớn nó quện nhau đi,
Tò vò ngồi khóc tỉ ti,
Nhện ơi nhện hỡi mày đi đằng nào.
(ca dao).
–Tỉ ti là hai từ Hán Việt Nôm Hóa
-Tỉ
+ Hiểu theo nghĩa chung chỉ phái nữ.
Tỉ là chị gái 姊 /tỉ/, tiếng gọi mẹ đã mất 妣 (Thiều Chửu Hán Việt Từ Điển). Tỉ biến âm mẹ con với Tì: nô tì là tớ gái, bé gái nhỏ, gái tơ hầu hạ. Tỉ là Chị. Chị biến âm với chế (thím), với Anh ngữ she (nhân sưng đại danh từ ngôi thứ ba số ít giống cái). Việt ngữ chị chỉ chung đàn bà, con gái lớn tuổi hơn mình. Anh ngữ sister, chị có nguồn cội từ gốc tái tạo Ấn-Âu ngữ *swesor có *swe- “one’s own” + *ser- “woman”.Used of a woman in general from 1906 (Etymyology Dictionary online).
Ta thấy * ser-, woman ruột thịt với she, chế, chị, tỉ, chỉ chung đàn bà.
Như vậy tỉ rõ ràng chỉ chung đàn bà cùng nghĩa với từ nái, gái, mái, Mường ngữ mãi, con gái, cái, gái, nữ, đàn bà.
Ta có Tỉ = Nái.
-Ti
Hán Việt Ti có một nghĩa là Tơ.
Như vậy đoạn Tỉ Ti này hiểu theo nghĩa khái quát là Nái Tơ, Nàng tơ, Nường tơ (non trẻ) giống nghĩa đoạn đầu Nái Tơ.
Tóm lại ta có thể tính sổ điểm như sau:
1. Người đối với người.
Ta có 1 điểm.
2. Tỉ Ti vừa thuần nôm vừa Hán Việt nôm hóa.
Thêm 1 điểm là 2.
3.Tỉ Ti là một từ vừa tượng thanh (khóc) vừa tượng hình (gái non) vừa là tượng sắc.
Như đã nói ở trên Hán Việt Ti là Tơ. Tơ dùng dưới dạng tính từ có nghĩa là Vàng: Tơ vàng (tơ mầu vàng), tóc tơ (tóc vàng), lụa vàng (làm bằng tơ vàng). Tỉ ti nường vàng đối với Bì Bạch nường trắng.
Thêm 1 điểm nữa là 3.
4. Tỉ Ti cùng nghĩa với Nái Tơ ở dạng chơi chữ. Được thêm 1 điểm là 4.
5. Đối vần hay thanh bằng trắc rất chỉnh. Thêm 1 điểm nữa là 5.
6. Cấu trúc hai câu đối là chủ từ động từ và trạng từ (adverb) giống nhau.
Thêm 1 điểm nữa là 6.
7. Đối từ loại: các loại từ ngữ đối với nhau rất chỉnh. Động từ Than có một nghĩa là khóc. Khóc than.
Thêm 1 điểm nữa là 7.
8. Nội dung Thanh và Tục.
Ở đây ta thấy nái tơ, nàng tơ, nường tơ (có nường non, có chỗ da trắng bì bạch nõn nà). Nường tơ ‘nõn nà’ khóc tỉ ti vì nhớ nhung nõ cọc hay bị Sở Khanh lường gạt. Tỉ ti dính dáng tới yêu. Tơ là yêu (Từ Điển Việt Bồ La, Alexandre de Rhodes). Tỉ ti liên hệ tới mối tơ, đứt dây tơ…
Chiều buồn con nhện giăng tơ,
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai.
(ca dao).
Khóc tỉ ti vì tình, vì đứt dây tơ, ngồi chờ như con nhện chờ mối ai…
Và
Sợi buồn con nhện giăng mau,
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.
(Huy Cận, Ngậm Ngùi).
Tỉ Ti hiểu theo nghĩa Nái Tơ là Nường Non có lông tóc tơ vàng là Nàng Tơ có nường tơ vàng đối với Bì Bạch nõn nường.
Thêm 1 điểm nữa là 8.
9. Cả hai vế đều có 5 từ.
Thêm 1 điểm nữa là 9.
10. Hành văn
Cách hành văn vế đối của tôi tự nhiên như nói, trong sáng, ý nghĩa rành mạch, còn có động từ Than trội hơn động từ Vỗ ở vế Da Trắng Vỗ Bì Bạch như đã nói ở trên.
Thêm 1 điểm nữa là 10.
Đối chiếu ta thấy:
. Câu đối lại Nái Tơ Than Tỉ Ti đáp ứng trọn vẹn các qui luật về câu đối nói ở trên và đối lại rất chỉnh với câu Da Trắng Vỗ Bì Bạch: 10 điểm trên 10, Ưu hạng.
. Nái Tơ (Nường Vàng) Than (khóc) Tỉ Ti (Nái Tơ, Nường Vàng). Nái Tơ Nường Vàng, Nang (Túi, Ví) Vàng đối với Da Trắng (Da cũng là túi Nang như Thái ngữ Nang là Da). Tỉ Ti (Nái Tơ, Nường Vàng) đối với Bì Bạch (Da trắng, Nang Trắng, Nường Trắng).
Đối rất chỉnh!
Lưu Ý
Gần cận âm với Tỉ Ti là Tỉ Tê nhưng Tỉ Tê có nghĩa khác. Tỉ Tê là nói nhỏ nhẹ, kể lể tâm tình, không phải là từ tượng hình, tượng sắc.
+ Chim với Người.
*Bổ Câu Gù Cúc Cu.
Bây giờ đi vào chi tiết.
Đoạn đầu: Bổ câu.
Chim Bổ câu là loài chim cu thuộc bộ Columbidae gồm chim câu, chim cu, chim gầm ghì, chim cưu (tu hú).
Ta thường nghe nói là chim bồ câu. Có khi nói là chim bổ câu. Sở dĩ nói khác nhau như thế là nói theo giống phái của chim. Như đã biết tiếng Việt cũng có giống phái, cái đực, một yếu tố nhỏ của tính nòng nọc (âm dương), của tính dịch trong Việt ngữ (Tiếng Việt Huyền Diệu).
Chim đực gọi là bổ câu.
Bổ là búa. Từ đôi điệp nghĩa búa bổ tức búa = bổ. Đầu đau như búa bổ. Búa, bổ là vật nhọn là nọc, dương, đực, nõ. Bổ là búa, là buồi. Bố có bổ, có buồi. Dòng tộc nọc, dương Chim Hồng Việt Âu Cơ nói bổ câu đại diện cho loài chim cu. Chim cái gọi là bồ câu. Bồ là bào, bao, bọc là nang, là nàng, là nường. Dòng nòng, âm Rắn Lạc Việt Lạc Long Quân nói bồ câu.
Bổ câu, bồ câu tương tự như bổ cắt (bổ cu), bồ cắt (bồ cu), bổ nông, bồ nông (Tiếng Việt Huyền Diệu). Ở đây tôi dùng Bổ Câu vì Bổ là Búa mang tính dương, nọc vần trắc đối với Da là Nang, Bao, Bọc mang tính âm, nòng, vần bằng (xem dưới).
Cũng nên lưu ý là ta có biến âm câu = cu nên bổ câu đôi khi cũng gọi là bổ cu. Nhưng thật ra phải phân biệt với bổ cu là một loài chim khác. Bổ cu, bồ cu này là chim bổ cắt, bồ cắt, chim cao cát, Mường ngữ là chim khướng (biến âm của khương, sừng), chim chàng (đục), Việt ngữ chim rìu, chim Việt, Hán Việt là chim hồng hoàng, Anh ngữ chim mỏ sừng (Hornbill).
Bổ cu bổ cắt,
Tha rác lên cây,
Gió đánh lung lay,
Là ông Cao Tổ…
(ca dao).
Hay trong bài đồng dao Đám Ma Cò:
Con cò chết rũ trên cây,
Bổ cu mở lịch xem ngày làm ma…
Chim này là chim biểu tượng của Thần mặt trời Viêm Đế họ Khương (Sừng), là chim mặt trời. Người trên trống Ngọc Lũ I hóa trang thành người mặt trời chim Bổ Cu hồng hoàng.
Vì thế từ cu có một nghĩa mặt trời mầu đỏ, mầu hồng (Hồng hoàng).
Như vậy ta có hai từ Bổ Câu có nghĩa đen là chim cu buồi, cu cặc (chim đực).
Để vắn tắt tôi vừa giải thích vừ tính điểm định giá.
1. Chim Bồ câu là động vật đối với Da người động vật.
Được 1 điểm.
2. Cúc Cu và Bổ Câu vừa là từ thuần Việt vừa là từ Hán Việt nôm hóat.
-Thuần Việt.
.Bổ là búa thuần Việt. Câu là biến âm của cu là một từ thuần Việt. Như đã biết chim câu thuộc họ chim cu cu là loài có tên ở mỗi quốc gia gọi theo tiếng gù: Mường ngữ là cù, Việt ngữ cu, Phạn ngữ kuku, Thái ku-r, Lào khâu. Pháp ngữ coucou,
Việt ngữ Cu nôm hóa thành Câu để tránh thô tục. Bổ Câu là thuần Việt.
.Cúc Cu gọi theo tiếng gù hiển nhiên là thuần Việt.
-Hán Việt nôm hóa.
Cúc Cu có một khuôn mặt là Hán Việt Nôm hóa.
Nhìn theo diện từ Hán Việt nôm hóa thì:
.Cúc là từ Hán Việt dùng như chữ nôm có nghĩa là nút nhỏ, búp nhỏ (Paulus Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam Quốc Âm Tự Vị).
Cúc (cài áo) nguyên thủy là một cây que, cọng cây, móc gai dùng cài áo. Cúc ruột thịt với Anh ngữ hook. Theo c = h như cùi = hủi ta có cúc = hook /húc/.
Cúc là que là nọc cùng nghĩa với Bổ, Búa và đối rất chỉnh với Bì là bao bọc là nòng.
Hán Việt Cu biến âm với Hán Việt Câu như bóng cu (ngựa) = bóng câu (qua cửa sổ). Hán Việt Câu có một nghĩa là móc cong. Như vậy Cúc Cu có một khuôn mặt là từ Hán Việt nôm hóa.
Cúc Cu vừa là tiếng thuần Việt vừa là tiếng Hán Việt nôm hóa giống như Da Trắng với Bì Bạch.
Ta có thêm một điểm nữa là 2.
3. Cúc Cu vừa tượng thanh vừa tượng hình vừa tượng sắc (biểu hiện mầu sắc).
-Tượng thanh.
Cúc cu là tiếng gù là từ tượng thanh.
-Tượng hình
Cúc Cu có một khuôn mặt với Cúc (Hán dùng như nôm) là que, gai (cài áo) và Cu biến âm Câu là cong, móc cong là một từ tượng hình.
-Tượng sắc.
Chim Cúc Cu gắn bó với mầu sắc.
Ta thấy ngay là Cúc Cu có Hán Việt Cúc là hoa cúc có một nghĩa là vàng (Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc). Cúc là hoa của thu vàng (Xuân lan, Thu cúc…).
Cúc cu có một nghĩa là con câu, con cu vàng.
Cúc cu có một nghĩa biểu hiện mầu sắc.
Tiến xa hơn nữa thì Cu hàm nghĩa son, đỏ đối với Bạch chỉnh hơn.
.Về loài chim.
Chim cu, chim câu gắn bó với mầu sắc. Họ chim cu chia ra nhiều giống gọi theo mầu lông như cu lửa lông đỏ, cu xanh lông xanh, chim (cu) ngói lông mầu gạch ngói, cu đất lông mầu nâu, cu gấm mầu gấm…
.Về người.
-/Cu chóp đỏ
Đầu đội nón da loe chóp đỏ.
Lưng mang bị đạn rủ thao đen.
(Hồ Xuân Hương, Vịnh Dương Vật).
-/Cu đen
Dân ngu cu đen.
Cu đen dùng phân biệt giai cấp xã hội: cu den chỉ tầng lớp dân đen.
.Về ngôn ngữ học.
Ở trên ta đã thấy ‘chim cu’ vốn đã có mầu. Tiến xa thêm xét qua ngôn ngữ học.
Cu liên hệ với mầu son, đỏ.
+ Cúc cu có:
Cu biến âm với chu. Cu đọc thêm hơi vào thành chu hay chu với h câm trở thanh cu. Vì thế mà một loài chim cu cu lớn gọi là chim chu chu (Paulus Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam Quốc Âm Tự Vị). Không biết rõ lông loài chim chu chu này mầu gì? Có phải mầu lông đỏ như cu lửa không?
Như vậy chim cu cu gù cúc cu thì chim chu chu gù chúc chu.Ta thấy rõ:
.Cúc và chúc có nghĩa như nhau (vì cu cu và chu chu cùng chung một họ chim bồ câu). Thật vậy, như đã biết cúc là que, nọc nhọn, gai cong, nói chung là nọc que dương dùng cài áo. Cúc biến âm với cọc. Cọc dương có móc có một khuôn mặt biểu tượng mặt trời, mặt sáng đỏ.
Còn chúc là que lửa, là đuốc (động phòng hoa chúc) cũng là một thứ nọc que dương cũng có một khuôn mặt biểu tượng mặt trời. Cúc và chúc cùng nọc đỏ, cọc đỏ, nõ đỏ nghĩa như nhau.
Cúc là cúi xuống (cúc cung) và chúc là nghiêng xuống (chúc đầu xuống). Cúc, cúi xuống = chúc, chúi xuống.
.Cu và Chu cũng vậy. Chu biến âm với Mường ngữ chu, chù, tlù (trù) là trù, trầu (không). Tlù, trầu có một nghĩa là đỏ, son (mầu nước trầu) thấy rõ qua Phạn ngữ trù, trầu gọi là pan có nghĩa là đỏ. Pan ruột thịt với Việt ngữ ban (sởi). Nguyên thủy ban chỉ da nổi đốm, mần đỏ do sốt nóng (từ sởi biến âm với sưởi, làm ấm bằng than lửa, vật nóng) và các bệnh nổi mần da còn gọi là lên ban có nghĩa đỏ. Về sau dùng từ ban nới rộng ra gọi chung mần da như ban cua chỉ ban có mầu gạch cua, ban trắng do các tuyền mồ hôi nổi thành hột trắng như rôm xẩy vì sốt cao thấy ở bệnh thương hàn… Dân dã Việt Nam gọi bệnh thương hàn là Ban Trắng. Pan, ban liên hệ với Việt ngữ bàng là đỏ (Cây bàng lá đỏ), với Nam Dương ngữ bang bang là đỏ.
Như vậy chim cu, chu liên hệ với chu, chù, chầu (trầu) mầu son, đỏ. Cũng nên biết từ chu, trầu là từ thuần Việt vì người Trung Hoa không ăn trầu.
Ta cũng có từ gù (của chim cu): theo g = c như gài = cài, ta có gù = cù, cu. Chim gù, chim gáy, chim gầm ghì là chim họ nhà cu. Gù ruột thịt với gụ, mầu đỏ nâu của cây gụ. Như vậy cu hàm nghĩa mầu đỏ nâu gụ.
Thêm nữa chu (chu) cùng âm với Hán Việt chu (biến âm với châu) là mầu đỏ,son, chu sa (硃砂, một thứ đá đỏ dùng làm thuốc, dùng thủy ngân mà chế ra gọi là ngân chu (Hán Việt Từ Điển Thiều Chửu).
Cuối cùng, như đã nói ở trên, chim bổ cu (bổ cắt) là chim biểu của thần mặt trời Viêm Đế, là chim mặt trời. Nghĩa là chim bổ cu có một khuôn mặt là Cu búa chim, bộ phận sinh dục nam là Nõ chim mặt trời đỏ. Như vậy chúc chu và cúc cu có một nghĩa là cọc đỏ, đuốc lửa tương đương với bổ cu (bổ cắt, rìu lửa). Nói một cách khác cu và chu hàm nghĩa đỏ của mặt trời.
Như thế Cu, Chu hàm nghĩa biểu hiện mầu đỏ, son.
Trong câu đối lại câu Da Trắng Vỗ Bì Bạch tôi chọn Cúc Cu là loài cu lửa, cu son cùng loài cu cu Chu Chu này.
Cúc Cu Chúc Chu là que, cọc đỏ có một nghĩa là nõ đỏ đối rất chỉnh với Bì Bạch (da trắng) nường trắng.
+ Bổ Câu có:
Câu với nghĩa móc nhọn có một khuôn mặt biểu tượng mặt trời. Mặt trời là tỏ là đỏ.
Như đã nói ở trên bổ câu cùng âm với bổ cu chim mặt trời đỏ.
Câu đọc thêm hơi vào thành châu, Lào ngữ khâu (chim cu). Châu là mầu đỏ, son, châu sa, một thứ đá đỏ như đã nói ở trên.
Câu, khâu, châu với nghĩa son, đỏ đối với trắng.
Tóm lại
Cúc cu, bổ câu rõ ràng mang tính biểu hiện mầu sắc.
Ta có thêm một điểm nữa là 3.
4. Chơi chữ.
Hiển nhiên cúc cu và bổ câu có cùng nghĩa như nhau ở dạng chơi chữ giống như Da Trắng với Bì Bạch.
Ta có thêm một điểm nữa là 4.
5. Thanh và Tục.
Bổ Câu có một nghĩa mang ý tục.
Ở đây bổ câu/cúc cu có một nghĩa rõ ra là con cu đực, cu nõ, là cu là cặc.
Mù u ba lá mù u,
Vợ chồng cãi lộn, con cu giải hòa.
(ca dao).
Bổ câu gù cúc cu, gật gù cù tình, dụ tình, gạ tình, đòi tình chim mái.
Bà Đoàn diễn đạt một cách ẩn dụ vỗ nường, ở đây chim bổ câu gật gù cu nõ gù chim mái không che dấu.
Ta có thêm một điểm nữa là 5.
6. Đối Vần hay Thanh
Qui luật bằng trắc rất chỉnh.
Ta có thêm một điểm nữa là 6.
7. Cấu trúc của câu.
Thứ tự chức vụ của từ trong câu: chủ từ, động từ, túc từ của hai vế đối với nhau.
Đặc biệt là động từ Gù. Gù là tiếng đòi “tình”, gạ tình của chim câu, cu đực. Gù là dụ, gạ tình thường dùng cho phái nam như gù gái. Gù biến âm với gò: gò gái. Gò biến âm với cồ có một nghĩa đực, với cò có một nghĩa là cu. Gù biến âm với cù, ruột thịt với tiếng cúc cu. Theo g = c, ta có gù = cù, cu.
Cù là cu thấy qua Mường ngữ cù là chim cu, cù nhà là bồ câu.
Chim cu khi gù mái gật gù khiến Gù liên tưởng tới cu (nõ) gật gù tương tụ như Hồ Xuân Hương ví “con cò mấp máy suốt đêm thâu” (Dệt Cửi Đêm).
Từ Gù là động từ đối với động từ Vỗ nhưng ruột thịt với cu, đi với bổ cu, cúc cu thật tuyệt vời. Trong khi ở câu Da Trắng vỗ Bì Bạch từ Vỗ không ruột thịt với nường (vì vỗ có thể vỗ bất cứ thứ gì) kém thua từ Gù ruột thịt với cu, nõ.
Ta có thêm một điểm nữa là 7.
8. Đối Từ loại.
Các từ loại đối với nhau rất chỉnh
Ta có thêm một điểm nữa là 8.
9. Số chữ
Có 5 từ giống nhau.
Ta có thêm một điểm nữa là 9.
10. Hành văn
Cách hành văn vế đối của tôi tự nhiên như nói, trong sáng, ý nghĩa rành mạch, còn có động từ Gù trội hơn động từ Vỗ ở vế Da Trắng Vỗ Bì Bạch như đã nói ở trên.
Ta có thêm một điểm nữa là 10.
Tóm lại
Đối chiếu ta thấy:
. Câu đối lại Bổ Câu Gù Cúc Cu này đáp ứng trọn vẹn các qui luật về câu đối nói ở trên và đối lại rất chỉnh với câu Da Trắng Vỗ Bì Bạch.
. Bổ Câu (Búa Son, Nõ Son) Gủ Cúc Cu (Que Son, Nõ Son). Nõ Son đối với Da Trắng, Nường Trắng, Bì Bạch. Dạng đối này tuyệt hảo thấy rõ qua trò chơi trẻ em ‘Oẳn Tù Tì” (One Two Three): bàn tay xòe ra làm Bao, Bì bọc bàn tay nắm lại làm Búa, Bổ. Tay nòng Bao, nang, Nường bọc nắm tay Búa, Nõ. Nường thắng Nõ. Nường nắm bắt, nhốt nõ: “Con chim (nõ) vào lồng (nường) mấy thuở nào ra!” (ca dao).
…..
Đây là hai vế đối của tôi và tự chấm điểm lấy có thể còn chút ít chủ quan. Tính điểm có thể được 9, hơn 9 hay 10 điểm. Hy vọng được các độc giả làm giám khảo cho điểm lại.
Dựa vào hướng dẫn theo mười điểm chính nêu trên của tôi chắc chắn sẽ có nhiều người tìm ra được một vế đối với Da Trắng Vỗ Bì Bạch hoàn chỉnh trong tương lai.
XIN ĐƯA RA MỘT VÀI VẾ ĐỐI KHÁC CỦA TÔI.
Xin đưa ra một vài vế đối khác của riêng tôi, hy vọng được nhiều người đáp ứng.
-Cốc! Cốc! Cốc! Thằng Cộc Cốc vào Cốc Kêu Cồng Cộc, Lốc Cốc.
Cốc là tiếng gõ và cũng là loài chim Cốc (cormorants). Cốc, cốc, cốc là ba tiếng gõ và cũng là ba con cốc. Thằng cộc là tên gọi chim cốc. Cốc là gõ như cốc (cú, kí) đầu. Cốc là ly (cup). Cồng cộc là tiếng gõ và cũng là tên chim cốc.
Cồng cộc bắt cá dưới sông,
Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ.
(ca dao).
Tất cả các từ trong vế đối này của tôi đều có nghĩa chim cốc và tiếng gõ cốc cốc, cồng cộc, lốc cốc (ngoại trừ từ Thằng và kêu).
-Tí Tèo Ăn Tẻo Teo.
Tí cùng nghĩa với Tẻo thấy qua từ đôi điệp nghĩa tí tẻo nghĩa là ta có Tí = Tẻo.
Tèo cùng nghĩa với teo thấy qua từ đôi điệp nghĩa tèo teo nghĩa là ta có Tèo = teo.
Tóm lại ta có Tí Tèo = Tẻo Teo.
-Chị Tí Khóc Tỉ Ti
Chị Hán Việt là Tỉ. Tí và Ti cùng có nghĩa nhỏ.
Chị Tí = Tỉ Ti.
-Mắt Mù Vì Sáng Lòa.
.Mắt
Mắt có một nghĩa là sáng, mặt trời (mặt sáng). Người có mắt là người sáng, người không có mắt sáng là người mù. Chữ Nòng Nọc Vòng Tròn-Que chấm vòng tròn có nghĩa là mặt trời, con mắt.
.Mù có một nghĩa là lòa.
.Lòa
Lòa là mù. Mù lòa. Sáng lòa: sáng làm loá mắt, lòa mắt, mù mắt.
Mắt mù = sáng lòa.
-Cọc Dương Treo Nõ Dê.
Cọc là cược, cặc. Dương là cây dương và dương là dê, cọc dương có một nghĩa là dương vật. Nõ là cặc. Dê là dương là cọc, cặc.
Cọc dương treo nõ dê = Cọc (cây) dương treo cọc (cặc) dê và cũng có nghĩa Cặc dê treo cặc dê.
– Hoàng Thiên hỡi! Thiên Kim Mất Ngàn Vàng ở Ngàn Mai.
Hoàng Thiên là Trời Vàng. Thiên Kim có một nghĩa theo Hán Việt nôm hóa Trời Vàng. Ngàn Vàng là Thiên Kim. Ngàn vàng còn có một nghĩa bóng là trinh tiết. Ngàn Mai là rừng mai (Chẻ tre chém nứa trên ngàn, Trấn Thủ Lưu Đồn) cũng có nghĩa là ngàn vàng (mai là mầu vàng).
-Họng Vàng Vang Cổ Kim.
Họng chỗ phát ra Giọng. Cổ Kim có một nghĩa cổ (chỗ có họng) Vàng.
Cả câu có một nghĩa là Giọng (oanh) Vàng Vang (dội) từ Cổ (chí) Kim.
Và còn nhiều nữa…
(Tết Nhâm Dần 2022).
Mời Xem BÀN VỀ CÂU ĐỐI "DA TRẮNG VỖ BÌ BẠCH" - Bs Phan Thượng Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét