8 thg 8, 2020

Phù dung ơi! vĩnh biệt!- Vũ Bằng

Phù dung ơi! vĩnh biệt!
… Ông như mất trí. Ông buồn rũ người ra… Ai hỏi bên cạnh tai, ông tưởng người ta quát. Ông thấy ông là thừa. Bụng ông thừa, cả mắt cả mũi, cả tai và đầu ông nữa đều là thừa cả. Ông gắt ngậu nhà lên. Cái gì nhà bếp cũng làm tồi cả. Ông ăn một quả chuối cho đỡ đói: chuối có vị chua. Ông phập phồng hai cánh mũi đánh hơi: ô này lạ! Sao ở trong buồng ngủ lại có hơi thuốc phiện? Thế là thần trí ông đưa ông đi khắp đó thì đây. Ông đến tiệm. Ông mần một câu tuồng: “Đuổi dê ra ải bắc, lòng luống những sầu tây… cảm Hán hoàng còn ngự đài mây, thân chi xá nài bao lao khổ… hà!”. Ông thấy rằng cái tiệm mới chính là nhà ông vậy. Vui lắm! Đẹp lắm! Ông sẽ “sang nam” ngay, nếu lúc ấy tâm can tì phế ông không giục ông cho chúng làm dăm điếu. Không thế, người mệt lắm. Lập tức, ông cởi giày, để nguyên bí tất, nhảy lên giường mà nằm co quắp lại như một con tôm kho. Đệm êm lắm. Ông có rét thì lấy cái chăn mỏng hay cái ba-đờ-suy mà đắp. Nào, ai dám bảo cõi đời này là vô vị? Đời có một vị lạ lắm: nó thơm mà lại béo, mà lại bùi, mà lại bổ. Một điếu chưa mùi gì. Hai điếu. Tiêm nhanh lên một tí, anh Ba! Ba điếu. À, đã khá đấy. Đời lại càng đẹp đẽ. Vạn tuế ả Phù dung! Vạn tuế ả Phù dung! Ông đứng lên trên giường, hét một câu: “Như mỗ đây…”, xoay một vòng, rồi giơ chân phải lên đá vào áo giáp, kiểu một viên tướng nhảy lên lưng ngựa băng mình ra trận…

Than ôi, tôi xin chia buồn: ông rơi đánh bịch một cái từ trên trời xuống. Ông có sống ở thực cảnh đâu? Ông đương tưởng tượng đấy mà. Thực cảnh đây này, tối hôm nay, ông chưa hút. Ông đương nằm ở trên giường ngủ của ông. Ông nhớ đến cái cảnh linh lung ở tiệm, đây đó có mấy ngọn đèn dầu mờ tỏ, đẹp như con đường lên Nam Giao. Cảnh đó “gợi” lòng người nghiện lắm. Thế mà ông không được hưởng. Lòng ông rộn rã như có ai vò xé. Tai ông ùm lên những tiếng trống hộ đê. Thật quả nhà ta không hiểu nước mắt ở đâu cứ bò nhoài ra. Ông nhớ đến tiếng nói của ông chủ tiệm? Đến tên bồi tiêm mỗi khi làm xong điếu thuốc lại cầm tiêm gõ vào độc tẩu mời ông xơi? Đến tiếng hát của bà Lucie mỗi khi no thuốc lại ngân lên như tiếng than thở của Chiêu Quân lúc ở Phiên Bang sầu nhớ cung điện Hán hoàng thuở trước?

Ông nhớ tất cả, nhưng không nhớ rõ một cái gì. Cái gì cũng như phảng phất mung lung trong một màn sương muối. Chán lắm, đời ơi! Ông ngáp. Ông ngáp một cái. Ông không ngáp hai cái. Ông không ngáp ba cái. Ông ngáp một lúc tới hai mươi cái. Rồi ông ngáp nữa. Có ai đã từng ngáp hàng thôi hàng thốc như ông mới hiểu rõ được cái ngáp ra thế nào. Cũng lại. Cái lạ đó như thế này:

Hôm qua ông làm việc đến hai giờ khuya mới ngủ. Sáng nay, ông lại phải đi làm. Mười một giờ về, ông ăn quấy mấy bát cơm. Rồi ngáp. Ngáp một cái. Cùng lắm là hai cái. Ngáp được thế, ông thấy dễ chịu trong người đôi chút, tuy người ông vẫn mệt. Nhưng đến cái ngáp thuốc, ngáp luôn một lúc hàng vài chục cái, thì người ông lại mệt hơn. Ông giữ cho cái ngáp thứ nhất không kêu thành tiếng. Tốt. Cái thứ hai cái thứ ba cũng được. Nhưng đến cái thứ tư, thì tôi đố ông giữ không kêu được đấy. Ông vừa ngáp, vừa vặn mình. Ông vừa ngáp, vừa vươn vai và giơ tay lên trời. Ông vừa ngáp, vừa kêu. Người ta bảo “ngáp hộc lên” là thế. Ông không có một tư tưởng gì nhất định. Mỏi mệt trong mình thì người ta ngáp chứ sao! Lý đó cứng lắm. Nhưng chỉ một lát sau, ông thấy như rờn rợn. Mỗi khi ngáp, chính ông lại nghe thấy hai cái quai hàm kêu đánh “khục”. Thế là gân kêu hay bắp thịt kêu? Hay sai xương vậy? Có phải “ngáp sái quai hàm” là thế không?

Lúc đó, ông thật muốn làm một nhà khoa học để giải phẫu xem cái tiếng “khục” ở đâu ra. Mà không hiểu quai hàm có cái gân gì nối liền với mũi chăng mà cứ mỗi khi ngáp kêu đánh “khục” thì nước mũi lại chảy ra như tưới? Ông vừa chùi nó đã ra rồi. Đồng thời, ở chỗ yết hầu ông, lại có một cái gì vương vướng. Thoạt đầu, ông tưởng là buổi chiều ông xơi cá, mà ăn vội, nên hóc phải cái xương. Rồi ông lại tưởng rằng vừa rồi ông tráng miệng bằng một phẩm oản bánh khảo nên bây giờ cái bột nếp hãy còn mắc trong cuống họng. Mãi về sau mới vỡ lẽ ra rằng bao nhiêu điều ông tưởng đó đều không đúng. Cuống họng ông nghẹn chỉ là để báo hiệu một cơn ho sắp tới. Cơn ho đã tới rồi. Nó tới như một cỗ chiến xa hạng nặng. Nó làm bật cả những làn da mỏng trong cuống họng lên. Ông nuốt nước: vô ích. Ông ngậm gừng: vô ích. Ông nằm ép bụng xuống giường rồi lấy dầu quất thân ra uống: vô ích nốt. Ấy là may mà ông biết trước rằng chỉ có đàn bà chửa mới “ho mọc tóc” thôi. Không thế, tôi cam đoan rằng ông sẽ tưởng là ông ho mọc tóc – mọc tóc trong cuống họng. Cổ rát quá. Hẹ hèm! Hẹ hèm! Ông đứng dậy đi đi lại lại. Mắt ông nảy đom đóm. Tai ông vẫn ù. Ông không thể bình tĩnh nữa. Ông giận hết cả sự vật. Ông giận hết cả mọi người. Và ông giận cả… ông. Ông bịch vào ngực ông. Ông vật ông lăn ra giường. Quái, rõ ràng có ai hút thuốc phiện ở trong buồng ngủ ông. Ông đánh hơi nữa. Ông đánh hơi nữa. Thôi, có lẽ ông Ba Căng bên cạnh, đâm vào cái nghiện từ bao giờ không ai biết, đã đem bàn đèn về nhà rồi, chưa biết chừng. Ông mở cửa ra bao lơn, vọng về cái gác ông Ba Căng y như nhà thơ Đỗ Phủ lúc bị đày ra làm quan Tư Công ở Hoa Châu đêm đêm vọng về Thiếu Lăng. Đỗ Phủ vọng về Thiếu Lăng để làm thơ. Ông vọng về cái gác ông Ba Căng để tìm thuốc phiện, nhưng cần gì! Cái cần là làm thế nào để ngửi được một hơi thuốc phiện. Thế là thoả một kiếp người. Trời hại ông! Chẳng đâu có thuốc phiện cả. Và chỉ cần thiếu một thứ ấy, đời thành ra sa mạc! Ông thở dài. Ông nằm thẳng cẳng ra như chết. Ông nhắm mắt lại và nghe thấy từng bước đi của thằng bếp ở dưới nhà. Vợ ông mắng con: ông thấy tiếng nói của bà ấy như cứa vào gân ông vậy. Giá ông Ba Căng mà hút, lúc này, quyết là ông có thừa can đảm để trèo tường qua, gõ cửa gác ông ta, vào nói chuyện. Nếu ông ta mời ông làm dăm điếu, nhất định là không chê. Làm khách làm gì, phiền lắm! Thôi. Ông hút thuốc lào, thuốc lá, thuốc xì-gà để xem có thể thay được thuốc phiện không. Rồi ông theo phương pháp của các bác sĩ người Âu, tập trung tư tưởng mà nói một trăm lần câu này: “Tôi không nghĩ gì nữa. Tôi ngủ. Tôi phải ngủ”. Từ một trăm ông đã đếm đến một nghìn. Hai con mắt “thất giáo” của ông cứ long lên xòng xóc, không chịu nhắm. Ông vẫn ho. Nước mắt và nước mũi vẫn chảy. Tai vẫn ù. Ấy là ông đã nghiện mất rồi. Bè bạn, vẻ mặt buồn như đi phúng đám ma, bảo với ông như thế. Họ tưởng tượng nhiều chuyện xấu xa, bi đát nữa. Ông hét lên một tiếng, không để cho họ nói dằng dai: “Đời nào!”. Và ông lại nhắm mắt lại, không buồn đuổi muỗi. Cho nó đốt! Ông là tiên đây, ông không thèm để ý đến những cái thấp hèn của thế nhân. Vợ ông lên, thấy thế, cho rằng ông ngủ. Bà ấy rón rén đi nhè nhẹ xuống nhà. Thế là bà ấy bị lừa ông vẫn có ngủ được đâu! Ông đương nghĩ. Ông nghĩ rằng: “Mình hôm nay dở giời, chứ có phải lên cơn nghiện, cơn thuốc gì đâu! Khó lắm! Mình thế này mà lại nghiện? Còn sơi!”.

Đánh cho chết, chúng ta vẫn không chừa tự phụ. Biết bao nhiêu đêm trằn trọc không ngủ được, tôi cũng nghĩ như ông. Tôi tự bảo “Không, nghiện không phải là chuyện dễ như đàn bà vẫn tưởng. Có thế nào mới nghiện được chứ! Hút chơi hút bời như mình thì mỗi lúc đã việc gì! Chẳng qua là họ doạ”. Nghĩ thế xong, tôi giơ tay lên tập võ. Nhìn xuống, thấy ngực mình và bắp đùi mình cũng khá, tôi cũng thấy nở lên trong lòng một mối tự phụ không tên. Tôi cho rằng tôi khoẻ lắm. Và khôn nữa. Tôi chơi thuốc phiện chứ thuốc phiện không chơi tôi được. Tôi còn đi xa hơn thế nữa. Nằm bên bàn đèn, biết bao lần tôi quắc mắc lên nhìn vào dọc tẩu mà tự nhủ với mình rằng: “Ta không nghiện được. Nếu vạn nhất, trời có bắt tội ta nghiện, xin chào cõi đời này! Mà sông Cái! Mày sẽ thấy ta đâm đầu xuống lòng mày để cho sóng nước của mày cuốn ta đi mất tích. Chứ không ư? Một kẻ như ta mà nghiện! Không đời nào!”.


Vũ Bằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét