25 thg 8, 2020

Nguyên Lạc: VÀI Ý VỀ THƠ HAY TỨ TUYỆT (T.Vấn & Bạn Hửu )

Mê Cung – Tranh: Thanh Châu
THƠ TỨ TUYỆT
 Thơ tứ tuyệt bàn ở đây theo nghĩa những bài thơ 4 câu – không giới hạn số chữ trong câu- diễn đạt trọn vẹn những gì thi sĩ muốn nói.
Để bàn về thơ tứ tuyệt, tôi xin giới thiệu những lời của thiền sư Muju (Japan), chúng sẽ giải thích và minh họa hầu các bạn:
– Người ta hỏi một thi sĩ Nhật nổi danh rằng làm thế nào viết được một bài thơ tứ tuyệt của Trung Hoa. Thi sĩ giảng giải: Câu đầu chứa phần khởi nhập; câu hai là phần chuyển tiếp của câu đầu; câu ba chuyển từ đề mục và bắt đầu một ý mới; và câu bốn gồm ba câu trước hợp lại với nhau. Một khúc dân ca Nhật minh họa ý này:
“Hai cô con gái của một người bán lụa ở Kyoto,
Cô chị hai mươi, cô em mười tám.
Một anh lính có thể giết người với lưỡi kiếm của anh ta,
Nhưng hai cô gái này giết đàn ông với đôi mắt của các nàng.” [*]
.
THƠ HAY TỨ TUYỆT
  1. Thơ Hay là thơ đọc qua liền nghe lòng mình thổn thức, thuộc và nhớ rất lâu; như người nữ đẹp (giai nhân), gặp qua một lần là suốt đời không quên.
Đọc một bài tứ tuyệt, muốn biết nó đáng được gọi là Thơ Hay hay không, thì phải thẩm xem câu cuối (câu kết) có mang lại cho ta bất ngờ tự nhiên, sảng khoái không? Nếu không thì hỏng.
  1. Nét độc của bài Thơ Hay là phải đảm bảo được nguyên tắc “mạch kỵ lộ” của thi pháp thơ Đường: Nghĩa là mạch thơ tối kỵ bị để lộ ra. Nhà thơ phải cách nào để đến câu cuối cùng, điều mình muốn nói, muốn nhắn nhủ mới lộ ra; gây bất ngờ cho người đọc. Bất ngờ càng lớn, ngược lại được những đoán định, thì sức lay động sẽ càng mãnh liệt. Vì thế, câu cuối cùng thường là câu gánh vác nhiệm vụ thể hiện chủ đề của bài thơ. Những câu đầu dù nói nhiều điều, tả nhiều thứ vẫn chỉ là sự chuẩn bị cho sự xuất hiện của câu cuối.
  2. Giới thiệu vài bài thơ tứ tuyệt hay:
Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba thức lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thức nào hay thức nấy:
– Họa chăng chừa rượu với chừa trà! 
(Chừa ruợu – Trần Tế Xương)
.
Chớm chừng đã chợt bỏ ra
Đừng say mút chỉ rầy rà tít mây
Chơi mà mút chỉ đứt dây
Còn chi mà nói thang mây phiêu bồng
( Uống Rượu Yêu Đời – Bùi Giáng)
.
Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn
(Cúng dường – Tuệ Sỹ)[**]
.
Rồi mai huyệt lạnh anh về
Ru nhau gió thổi bốn bề biển xưa
Trăng tà đổ bóng cây thưa
Mộng trần gian đã hái vừa chưa em?
(Tịch mạc – Nguyễn Đức Sơn)
.
Che một mắt thấy trời vừa tối
bịt hai mắt trời lặn mất rồi
tay quờ quạng tìm tay hấp hối
chẳng thấy gì chỉ thấy . . . trời ơi!
(Che Bên Nào- Hoàng Xuân Sơn)
.
Đêm nở trắng ngần bông thược dược
những cánh hoa đánh thức vầng trăng
em về vạt áo sương mùa hạ
vàng đẫm trên vai một mảnh rằm
(Thược Dược – Trần Mộng Tú)
.
Nhận xét các bài tứ tuyệt trên, ta thấy đúng theo giải thích của thiền sư Muju: Câu đầu chứa phần khởi nhập; câu hai là phần chuyển tiếp của câu đầu; câu ba chuyển từ đề mục và bắt đầu một ý mới; và câu bốn gồm ba câu trước hợp lại với nhau,
.
Nguyên Lạc
…………….
(*) Thạch sa tập – Thiền sư Muju  (bản dịch của Đỗ Đình Đồng – Góp nhặt cát đá)
[**] Tác giả bài viết tạm phóng dịch:
Cơm tù hẩm kính Thế Tôn
Lòng thành đảnh lễ cúng dường Tôn sư
Thế gian không dứt hận thù
Ôm bình bát lệ xuân thu không lời



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét