Truyện Phùng Hi
Người là kẻ lữ hành, nghĩa là người được hình thành trong
quãng đường phải đi và không nên quên phận lữ hành của mình.
Gabriel Marcel
Năm mười tám tuổi tôi ra khỏi nhà, và đi, theo cách người lớn nói: “Hãy tự lập, tự bươn chải trên đường đời”. Người lớn còn dẫn lời Lão Tử, vô cớ vô bằng, rằng: "Con đường vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân”.
Tôi mang ba lô đứng lơ ngơ trên đường đời. Bóng tôi in liêu xiêu trên đường như dự báo gian truân.
Con đường một chiều, rộng mênh mông, xa hun hút. Đích cuộc đời của mỗi người nằm ở phía trước. Con đường chia thành nhiều làn đường. Có làn đường lồi lõm ổ gà nhưng có làn đường được dát bạc, dát vàng. Làn đường cuối cùng về bên phải, theo hướng đi tới, đính cả kim cương. Những người trên làn đường này họ không đi, họ nằm trên xe cho chó kéo, họ tin chó bởi chó có gen trung thành. Họ không tin ngựa, không tin người, không tin các loại động cơ ngay cả của Nhật, Đức.
Tôi hăm hở bước lại vọng gác trình giấy tờ. Người xem giấy tờ bảo:
“Cậu không có tiêu chuẩn đi trên đường. Lại đằng kia đi trên lề đường”.
“Toàn gai góc, có là đường đâu mà bảo tôi đi.”
“Mọi người vẫn đang đi đó. Ai bảo lề đường không là đường? Ở đây tôi nói hay cậu được quyền nói?”.
Người xem giấy tờ trừng mắt nhìn tôi từ đầu đến chân rồi quay mặt. Tôi lùn xuống từ cái nhìn của ông. Bất thần ông ta đá "giò lái", tôi văng ra lề đường.
Tôi hòa vào dòng người đông đúc, người đi mòn đường chết cỏ. Những kẻ mới nhập cuộc như tôi hay ngó về bên phải, phía những làn đường óng ả thưa người, thèm thuồng. Bên lề đường những người lớn tuổi an nhiên đi, mím môi đi, trừng mắt đi, cười cợt đi… Nhưng tôi thì phẫn nộ, thù ghét và muốn nổi loạn. Tôi định lao vào làn đường thì có người nắm cổ áo tôi, bảo đừng dại.
Tôi thôi, không phải vì vâng lời mà vì không đủ sức mạnh. Đám loi choi mười tám đôi mươi như tôi gầm gừ: "Đặc quyền đặc lợi cho lắm rồi có ngày".
***
Lề đường luân phiên thay đổi hình trạng. Đám cỏ tranh. Những bụi gai. Bãi đá. Vực sâu. Đồi cao. Rừng. Suối. Sông… Có những đoạn đoàn người đông đảo chúng tôi dò từng bước một. Khi đường đời chui vô núi thì chúng tôi trèo đèo, gió thổi vi vu. Chúng tôi đang ngắm mây trời thì nghe có tiếng rú ghê rợn, thê lương dưới đường hầm. Chúng tôi lội suối, chúng tôi bơi qua sông, bởi lề đường làm gì có cầu. Người đi trên các làn đường cười vui khi nhìn chúng tôi. Họ bảo: “Nhìn kìa, khốn khổ”.
Chúng tôi đôi lúc không vội đi. Có đoạn chúng tôi nhẩn nha, thơ thẩn, trai gái nhau. Đường không rõ đích hoặc đích chả ra gì thì đi nhanh chậm đâu có quan trọng. Người sóng bước cùng tôi là cô bé xinh đẹp. Đến những đoạn rừng cây hay ngọn đồi hoang vu chúng tôi dừng lại nghỉ mát. Cô bé khen tôi đẹp trai, cả dẻo dai nữa, để trả ơn những lúc tôi cõng nàng.
Chúng tôi nhìn người trên các làn đường, họ chạy nước rút, chạy marathon, chạy tiếp sức, tranh nhau chen tới trước, tranh nhau đi trên những làn đường sang trọng, chơi nhau tàn bạo. Chúng tôi bảo: “Nhìn kìa, khốn nạn”.
Cứ vài ba năm trên đường đời, chúng tôi gặp một vọng gác. Vài người xin được đi trên làn đường cho đỡ cực, có người được, có người không. Chúng tôi nằm lòng câu: “Nhất thế, nhì thân, tam ngân, tứ sắc”. Cô gái đi cùng tôi dùng "sắc", bỏ tôi sang làn đường dát vàng, đi cùng một người đàn ông mập trắng, bóng mượt. Nhưng cô lấy cớ rằng tôi đã không đồng quan điểm về việc sử dụng số tiền trúng số độc đắc giả định, rằng tôi coi thường ý kiến của cô ấy, rằng tôi không khen cách cô ấy đi trên lề đường vừa nhẹ nhàng vừa kiêu hãnh. Để tôi bớt đau khổ, cô ấy còn bảo vì tránh cho tôi khỏi cõng cô ấy.
Nàng xứng đáng được sướng với nhan sắc của mình. Tôi biết, nhưng vẫn buồn đến mấy năm trời mới nguôi. Tôi theo dõi đường đời cô ấy, có khi cô đi trên làn đường đính kim cương nhưng có khi đi làn đường nhiều ổ gà, ổ chó sát lề đường với tôi. Chúng tôi có chạm tay nhau, cảm thông. Cô đi trên làn đường nào là phụ thuộc người đàn ông kia có thế lực vượt trội hay bị đập bẹp bởi phe nhóm. Tôi nghĩ nàng như bị trời hành, còn nàng tội nghiệp tôi nhân thân chẳng ra gì mà còn ương ngạnh, khinh người nữa.
Tôi nhớ lời cụ Phan Bội Châu, một người hình như cũng đi bên lề đường đời, tự thán: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Tiếc là nơi chúng tôi đi tới không phải đường đúng nghĩa, chúng tôi đông đảo một đám ô hợp khó lòng nổi loạn, nói chi đến hào kiệt anh hùng. Những kẻ gác đường hăm he: “Coi chừng đến lề đường cũng không có mà đi bây giờ”. Tôi suy nghĩ vẩn vơ như một kẻ tâm thần: “Không có lề đường thì sao tạo ra con đường được nhỉ?”.
Có người từ lề đường vô được làn đường. Có người từ làn đường bị hất ra lề đường một cách thô bạo và họ nhập cuộc cùng chúng tôi. Tôi chưa thấy ai tự nguyện rời bỏ làn đường, họ toàn bị đá đít. Cũng chưa thấy ai nhường làn đường cho một kẻ bên lề. Những kẻ bị đá đít rỉ tai chúng tôi, nói xấu bọn đang đi trên các làn đường kia chẳng ra gì. Họ hùa với chúng tôi, bảo: “Bọn chúng hợm hĩnh, dối trá và ngu dốt không thể tưởng tượng”. Chúng tôi thông cảm cho những kẻ bị thất sủng. Nào, cứ chửi đi, chúng tôi nghe và rồi tự sướng.
Đích của đường đời thế nào? Chừng nào chúng tôi tới nơi? Vô vọng lời đáp. Kierkegaard triết gia người Đan Mạch, nói: "Khi con đường chỉ là cách tiến tới mà lại muốn biết con đường đưa về đâu thì đó là sự sai lầm". Vâng, chúng tôi cứ đi. Dẫu sao vẫn còn đường để đi và huyễn hoặc: “Nếu cái đích cao cả thì dẫu có đi trên lề đường cũng chẳng đáng bận tâm”. Rảnh, chúng tôi cãi nhau về đích cuộc đời của mỗi người nằm ở đâu. Có người bảo đích đời người nằm trong suy nghĩ của mỗi người. Người khác bảo đích đời người nằm ở cuối đường đời, cứ đi rồi sẽ thấy. Vậy là cãi nhau. Có người dừng lại, bất lực, bảo: “Tôi tới đích rồi, không đi nữa”.
Hại nhau là hành động của kẻ đi trên các làn đường, còn cãi nhau xảy ra như cơm bữa là của những kẻ đi trên lề đường. Đơn cử một cuộc cãi nhau:
“Bảy năm nữa tôi tới đích”.
“Tới đích không phụ thuộc thời gian đi, nó phụ thuộc sự toan tính. Riêng tôi, nếu cần thì ngày mai tôi tới đích”.
“Đích của cậu nằm dưới lưng quần chắc”.
“Này, ăn nói cho cẩn thận”. Gã nọ trừng mắt.
Một cuộc cãi nhau khác:
“Đi trên làn đường, đi trên lề đường cuối cùng rồi cũng tới đích, như nhau cả thôi”.
"Hạnh phúc nằm ở hành trình chứ không ở đích. Nên lề đường và làn đường không thể tương đồng, tương thong”.
"Sáo rỗng”.
“Đúng, anh ăn ngày ba bữa, thằng trên đường dát vàng kia cũng ăn ngày ba bữa, như nhau à?”.
“Tôi thấy như nhau, cùng no cả”.
“Tâm thần rồi”.
“Anh thì chưa tâm thần chắc?” – Gã đó gào lên, định xông đánh đối phương.
“Thôi, tất cả chúng ta đều một lũ điên”. Người thứ sáu chen vào để hạ hỏa.
Những ngày mưa lướt thướt, chúng tôi vừa đói vừa ướt, rách rưới và lạnh. Nhiều người bỏ xác dọc đường. Những nấm mồ hoang đông đúc, lô nhô rải suốt đường đời. Lề đường mới có chỗ chôn, thành ra những kẻ đi trên các làn đường khi chết hay bị tiêu diệt đều được quẳng sang. Sống thì riêng mà chết là chung. Linh hồn những người chết nắm tay nhau bay là là trên đường đời, oan thì kêu khóc, ngộ thì cười nói om sòm. Không ai còn muốn đầu thai làm kiếp người, cả những người từng đi trên làn đường dát vàng.
Ngày nọ tôi bị đá đè gãy một chân. Những người đồng hành xin gác đường cho tôi vô làn đường cho bớt khổ. Họ hỏi tôi: “Anh đã làm gì cho tổ quốc chưa?”. Tôi la lên mình có họ hàng xa (đại bác bắn tới) với một ông đang đi trên làn đường dát vàng. Họ trừng mắt đòi cạo khô tôi, gô cổ tôi. Họ bảo ông đó đang bị điều tra, tín nhiệm thấp, sắp bị hất sang lề đường. Tôi đành dừng chân mấy năm, quen dần với nạng gỗ, mới tiếp tục đi trên lề của đường đời. Những người đồng hành với tôi đi xa óng, về phía trước.
Thỉnh thoảng qua những vọng gác, người gác đường khen tôi có phấn đấu đấy. Tôi chửi thầm: “Phấn đấu cái thằng cha mày”.
***
Mười năm, hai mươi năm rồi ba mươi năm bên lề, tôi già và mỏi. Tất nhiên nếu đường đời bằng phẳng tôi sẽ lâu già và đỡ mỏi hơn. Một kẻ đi bên lề suốt bao năm, đôi khi thấy mình không là mình nữa, thú rừng chẳng hạn. Thú rừng đâu có dám đi trên đường, cùng lắm chỉ liều một cú băng ngang.
Mọi người đồng ý là hãy điên nhẹ trước để chống cái điên nặng, dĩ độc trị độc, tránh tụt quần đi rông trên lề đường là bản lãnh lắm rồi.
Tôi không muốn nhìn vào các làn đường nữa, tôi không còn cảm thấy bất công. Những kiểu nói: kiếp dân đen, phận bên lề, phó thường dân, đời là thế, có tác dụng như một liều thuốc an thần mạnh, và tôi dần trở thành tấm gương già nua của sự nhẫn nhịn cho các bạn trẻ học tập và làm theo.
Tôi định dừng lại vì bây giờ có đi tiếp cũng chẳng ích gì, nhưng người sau cứ ẩy vai tôi. Khi tôi chống cự thì họ công kênh tôi một đoạn.
Lúc này tôi nằm ngửa ngó lên trời nhìn mây bay nên mây bay tự do..
Trời không chia làn đường nên mây bay tự do..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét