21 thg 8, 2020

COVID-19 đợt hai đang đến, cần chuẩn bị những gì?

Phỏng vấn GS TS Nguyễn Sĩ Huyên
Thực hiện: Nhóm Diễn Đàn Khai Phóng
Dịch COVID-19 chưa thuyên giảm, và xem ra có chiều tăng lên. Nguy cơ của làn sóng thứ hai đã dần dần trở thành hiện thực. Thêm vào đó, cuộc đua nước rút về nghiên cứu và sản xuất vắc-xin đang trong giai đoạn chung kết, cho nên tin tức liên hệ trở nên nhiều đến mức lạm phát. Bao giờ thì chúng ta sẵn sàng chích ngừa? Thuốc chủng nào chúng ta nên chọn? Tiêu chuẩn nào để chọn thuốc? Đó là những câu hỏi mỗi người nên biết. Vì thế, chúng tôi rất vui mừng được phỏng vấn GS TS Nguyễn Sĩ Huyên, người đã có những tiếp cận hàng ngày với đồng nghiệp chữa trị COVID-19 cũng như đồng nghiệp nghiên cứu vắc-xin bệnh truyền nhiễm. Ý kiến của GS Nguyễn Sĩ Huyên chắc chắn sẽ vô cùng có ích cho mọi người.  
***
COVID-Second-Wave
DĐKP hỏiTình hình phát triển dịch COVID-19 hiện nay trên thế giới vẫn còn lan rộng ở nhiều nước, đặc biệt ở Mỹ, Ba Tư, Ấn Độ, Nga v.v… Ở châu Âu, sau một thời gian lắng dịu qua việc giới hạn tối đa đi lại và tiếp xúc xã hội (Lockdown), bây giờ dịch COVID-19 dần dần bộc phát trở lại, đặc biệt ngay cả trong những nước được xem là đi hàng đầu trong việc phòng chống lây nhiễm COVID-19 như CHLB Đức ở châu Âu và  tại châu Á như Nam Hàn, Đài Loan, Hongkong, Trung Quốc, Singapore và cả Việt Nam cũng đang chịu chung số phận. Người ta đang lo ngại đại dịch COVID-19 đợt 2 có thể đã đến. Ông có nhận xét gì về tình hình này?
GS Huyên đáp: Tình hình phát triển dịch COVID-19 hiện nay trên thế giới cho ta có cảm tưởng có một sự rối loạn ngoài tầm kiểm soát, nhưng trên thực tế thì không hẳn như vậy. Liệu dịch COVID-19 có thể lan rộng ngoài vòng kiểm soát hay không, điều này còn lệ thuộc rất nhiều vào những nhận thức về dịch COVID-19 từ những trải nghiệm với COVID-19 trong hơn 6 tháng qua và việc thực hiện nghiêm túc những biện pháp phòng chống lây nhiễm hiệu quả của các quốc gia liên quan.
Điều cần thiết trước tiên là làm cho mọi người am hiểu những chuyện căn bản về COVID-19, nhất là hiểu rõ con đường lây nhiễm và tác động của vi-rút trong cơ thể:
Thứ nhất, COVID-19 là một bệnh viêm đường hô hấp có mức độ lây nhiễm rất nhanh và gây tử vong cao hơn các bệnh cúm mùa từ trước đến nay
Thứ hai, bệnh lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp: nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Các giọt nhỏ cũng như sol khí (Aerosol: các hạt chất lỏng cực nhỏ trong không khí và lõi giọt nhỏ hơn 5 µm), có thể trôi nổi trong không khí trong một thời gian dài, đóng một vai trò nguy hiểm trong quá trình truyền nhiễm. Giữ khoảng cách hơn 1,5 m có thể giảm tiếp xúc với các giọt nhỏ và ở một mức độ nhất định với sol khí. Tuy nhiên, sự lây truyền SARS-CoV-2 qua các giọt nhỏ và sol khí, trong một số tình huống nhất định, trong dạng bình xịt (hắt hơi) cho phép lây nhiễm ở khoảng cách lớn hơn, ví dụ: khi nhiều người ở cùng nhau trong phòng không được thông gió đầy đủ và có sự gia tăng sản xuất và tích tụ sol khí lây nhiễm. Điều này xảy ra đặc biệt khi nói với âm lượng càng lớn, nhưng cũng có thể xảy ra khi hát hoặc trong hoạt động thể thao. Mức độ lan truyền có thể xảy ra vẫn chưa được kết luận dứt khoát, nhưng đã có trường hợp truyền nhiễm COVID-19 liên quan đến các buổi diễn tập của dàn hợp xướng,  trong một khóa học thể dục, nhất là những dịp tụ họp đông đảo. Do đó, trong bối cảnh đang có đại dịch COVID-19, nên tránh những tình huống như vậy [nguồn: Viện Robert Koch, CHLB Đức].
Thứ ba, về sinh lý bệnh học: Vi-rút SARS-CoV-2 kết hợp với “Enzyme chuyển đổi Angiotensin” loại 2 (ACE2) xâm nhập vào biểu mô đường hô hấp, sau đó qua đường máu vào phổi. Ở đây chúng chủ yếu xâm nhập và gây tổn thương lớp nội mạc của hệ thống mạch máu phổi. Sự tổn thương này có thể do vi-rút gây nên, nhưng cũng có thể là hậu quả của phản ứng thái quá của hệ miễn dịch hay cả hai. Theo sau đó là sự gia tăng kích hoạt đông máu với sự tạo thành cục máu đông khu trú dẫn đến thuyên tắc mạch. Bằng chứng mô học cho thấy tổn thương phế nang chủ yếu bị gây nên do sự thuyên tắc mao mạch khu trú, gây xơ hóa nhu mô phổi dẫn đến tử vong. SARS-CoV-2 đồng thời cũng có thể qua đường máu xâm nhập và gây tổn thương nội mạc những cơ quan khác như: hệ tim mạch, thần kinh, thận, đường ruột (ví dụ như nhồi máu mạc treo ruột, một nguyên nhân tử vong cũng thường gặp cần nghĩ tới ở COVID-19) … Những nhận thức này, theo giáo sư Welte, đại học y khoa Hannover đã dẫn đến liệu pháp điều trị sớm với thuốc kháng đông cho bệnh nhân COVID-19 cần chăm sóc đặc biệt. Ở những bệnh nhân này, dấu hiệu giảm tử vong thật sự có hiệu quả.
DĐKP: Người ta tranh luận nhiều về nguồn gốc của SARS-CoV-2, nhưng chưa có một kết luận dứt khoát. Xin ông cho biết nguồn gốc và lộ trình lây nhiễm nào có thể xem là hợp lý, tin cậy được.
GS Huyên: Theo GS Paul Robert Vogt, Đại Học Y Khoa Zürich ở Thụy Sĩ, có 4 giả thuyết liên quan đến câu hỏi, là SARS-CoV-2 đã lây nhiễm qua người như thế nào [Xem P. R. Vogt]:
Giả thuyết 1: Vi rút COVID-19 được truyền trực tiếp sang người từ một loài dơi. Tuy nhiên, loại vi rút này chỉ giống 96% về mặt di truyền với vi rút “COVID-19” hiện nay, nhưng không có được liên kết cấu trúc với “Enzyme chuyển đổi Angiotensin” loại 2 (ACE2) để có thể thâm nhập vào các tế bào phổi cũng như các tế bào tim, thận và ruột ở người.
Giả thuyết 2: Một loại vi rút COVID-19 đã nhảy từ tê tê, một loài động vật có vú có vảy của Mã Lai được nhập khẩu bất hợp pháp vào Trung Quốc, lây sang người nhưng ban đầu không gây bệnh. Tuy nhiên, là một phần của quá trình lây truyền từ người sang người liên tục, loại vi-rút này đã thích nghi với các điều kiện phổ biến ở người nhờ biến thể hoặc thích nghi và cuối cùng đã có thể gắn vào thụ thể ACE2 để xâm nhập vào các tế bào. Đại dịch “khởi đầu” như thế.
Giả thuyết 3: Có một dòng cha mẹ của hai loại vi rút COVID-19 nói trên, nhưng thật không may là, cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
Giả thuyết 4: Nó là một loại vi rút tổng hợp trong phòng thí nghiệm, vì đây chính xác là những gì đang được nghiên cứu và cơ chế sinh học của sự kích thích bệnh tật đã được mô tả chi tiết vào năm 2016. Nhiều nhà vi trùng học được phỏng vấn không đồng ý với giả thuyết này, nhưng họ cũng không thể loại trừ nó, như bạn có thể đọc trong cuốn “Nature Medicine” được xuất bản gần đây: “Nguồn gốc gần của SARS-CoV-2” của Kristian Andersen.
DĐKP: Xin ông cho biết những trải nghiệm về COVID-19, cũng như những biện pháp phòng chống dịch đã được áp dụng.
GS Huyên: Ở đây chúng ta có thể ghi nhận một số dữ kiện như sau:
Thứ nhất, chẩn đoán xác nghiệm COVID-19 còn nhiều chỗ yếu: người ta không thể phát hiện hết những bệnh nhân không có hoặc có ít triệu chứng. Test SARS-CoV-2 thường không cho kết quả dương tính trong thời gian ủ bệnh trước khi xuất hiện triệu chứng (trung bình khoảng 5-7 ngày sau khi bi nhiễm SARS-CoV-2) và khoảng một tuần sau khi có triệu chứng.
Thứ hai, diễn tiến lâm sàng: Khoảng 85% bệnh nhân không có triệu chứng hay chỉ có triệu chứng nhẹ không đáng kể, 15% cần theo dõi lâm sàng, trong đó 5% cần chăm sóc đặc biệt. Tỉ lệ tử vong phỏng chừng 2-3% trong những điều kiện y tế chuẩn và không bị quá tải (đây chỉ là con số phỏng đoán, chưa có nước nào có thống kê chính xác trong điều kiện hiện nay).
Thứ ba, bệnh gây đặc biệt tử vong cao trong những tình huống quá tải về y tế (tiêu biểu là ở các nước Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Mỹ…) hay điều kiện y tế công cộng thấp (tiêu biểu là Ba Tư, Ấn Độ, Mexicô …). Tỉ lệ tử vong cao chủ yếu là ở người cao tuổi (khoảng 90% tử vong là người lớn hơn 60 tuổi, tử vong trung bình là ở tuổi 75-80).
Thứ tư, di chứng của bệnh về hệ hô hấp, thần kinh, tim mạch, thận được gom lại trong “Hội chứng sau khi nhiễm COVID-19” là điều đang còn phải được theo dõi và kiểm nghiệm.
Thứ năm, sự lây nhiễm COVID-19 chỉ giảm đi khi đã có tình trạng miễn dịch cộng đồng (sau khi 60-70% dân số đã bị lây nhiễm và có tình trạng miễn dịch) hoặc đã tìm được thuốc trị liệu hay thuốc chủng ngừa COVID-19 hiệu quả.
Thứ sáu, các biện pháp đơn giản nhưng có hiệu quả trong việc phòng chống COVID-19 đã được xác minh: giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu 1,5 m, đeo khẩu trang khi khoảng cách tiếp xúc tối thiểu không giữ được, vệ sinh rửa tay hay khử trùng thường xuyên khi đến chỗ tiếp xúc mới hay khi về nhà.
Thứ bảy, Lockdown là biện pháp tối hậu để phong tỏa, định vị ổ dịch, cách ly, theo dõi và kiểm dịch hiệu quả. Nhưng những hệ lụy của Lockdown về kinh tế và xã hội thì chưa lường hết được, nhất là những nước nghèo thì hệ lụy càng lớn, vì hệ thống bảo hiểm xã hội cũng như hỗ trợ thất nghiệp không đầy đủ và nhà nước không có nhiều tiền cho chế độ xã hội.
DĐKP: có nhiều người phê phán các biện pháp lochdown quá đáng, thí dụ chỉ vì vài ca nhiễm mà phong tỏa cả một khu vực có hàng vạn người sinh sống. Xin GS cho biết thêm một cách tóm tắt thiệt hại nào đáng chú ý về lockdown.
GS Huyên: Hệ lụy trước mắt của tình trạng Lockdown là:
Thứ nhất, kinh tế bất ổn đi kèm với gia tăng tình trạng thất nghiệp, giảm thu nhập của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Lâu dài là nguy cơ suy thoái kinh tế về nhiều mặt.
Thứ hai, ảnh hưởng nặng nề về giáo dục (xáo trộn chương trình giảng dạy, thi cử, cải tổ phương pháp giảng dạy thích hợp, biện pháp đối phó và phòng chống dịch tại cơ sở, con cái nghỉ học, phần lớn ở nhà bố mẹ không biết phải kèm con cái học như thế nào…) và đời sống nghề nghiệp (phải làm việc tại nhà, nguy cơ thất nghiệp, không biết là tạm thời hay lâu dài, tâm lý mệt mỏi…).
Thứ ba, đời sống tâm lý bị rối loạn bởi một cuộc sống gò bó, sinh hoạt đời sống xã hội tập trung chỉ còn chung đụng với người trong gia đình đưa đến căng thẳng và xung đột. Tình trạng ly dị và bạo lực trong gia đình có vẻ tăng, gây rối loạn tâm lý gia đình và xã hội.
Thứ tư, lâu dài đưa đến những bất mãn và quá khích trong đời sống xã hội (những chuyện này đã có xuất hiện ở nhiều nước, biểu tình chống đối những hạn chế cần thiết trong phòng chống lây nhiễm COVID-19, mầm mống cho việc nuôi dưỡng những thuyết âm mưu).
Thứ năm, điều vô cùng tai hại là khi kinh tế suy thoái, có nguy cơ người dân không còn tin tưởng vào nhà nước và sẽ không còn tuân thủ những nguyên tắc phòng chống COVID-19 nghiêm túc.
Về những đợt dịch tái phát mới đây, chúng ta thấy phần lớn những tình huống lây nhiễm COVID-19 hiện nay là: nhiều quốc gia trên thế giới như Đức, Nam Hàn, Hongkong, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Việt Nam… đã chứng minh rằng, họ đã có những biện pháp ngăn chận lây nhiễm COVID-19 lan rộng hiệu quả mà cả thế giới cần học hỏi, nhưng đồng thời cũng chính họ đã chứng minh rằng, sự kiện dịch bùng nổ trở lại nhiều nơi trên đất nước họ là hậu quả tất yếu của việc không tuân thủ nghiêm chỉnh những biện pháp của họ đã đề ra. Sự bùng nổ tái phát dịch COVID-19 cùng một lúc nhiều nơi trong nước là một sự kiện khá tiêu biểu của dạng lan rộng lây nhiễm COVID-19 theo khuôn mẫu này. Nguyên nhân chính của tình trạng bộc phát làn sóng dịch COVID-19 thứ hai hiện nay là biểu hiện của sự  không tuân thủ những nguyên tắc cơ bản phòng chống COVID-19 và không kiểm dịch tốt vì nhiều lý do: khách du lịch, người dân đi du lịch về lại nước mình, nhập cư trái phép, không chịu sự kiểm soát y tế v.v…
DĐKPSau một thời gian yên tĩnh khá dài, dịch đã tái phát ở Việt Nam và từ ngày 25.7.2020 cho đến hôm nay kể từ khi phát hiện bệnh nhân 416 tại cộng đồng thành phố Đà Nẵng đã có hơn 500 ca nhiễm mới. Chi trong vòng vài tuần, số người bị lây nhiễm đã tăng gấp đôi tổng số người lây nhiễm trong đợt dịch 4 tháng đầu năm nay. Lây nhiễm COVID-19 lần này chủ yếu là từ TP Đà Nẵng và rải rác ở TP HCM, Hà Nội, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Bình và nhiều vài nơi khác [xem tài liệu bộ Y tế]. Ông nhận định tình huống này như thế nào?
GS Huyên: Tình hình bộc phát dịch COVID-19 trở lại ở Việt Nam hiện nay cho thấy có nhiều khả năng lây nhiễm COVID-19 thầm lặng cần được ghi nhận, trong đó có lượng người Việt ở nước ngoài về nước và người ngoại quốc có quan hệ làm việc với Việt Nam. Nhưng lượng người này chịu sự kiểm tra rất chu đáo về y tế với những biện pháp cách ly và kiểm dịch 14 ngày khi đặt chân vào Việt Nam, cho đến nay đã không cho thấy có dấu hiệu gì đáng lưu ý, mặc dầu không thể loại bỏ nguy cơ này 100% được. Nhưng một lượng người dân Trung Quốc được phát hiện vào Việt Nam từ những cửa ngõ không chính thức trong thời gian gần đây, đã không chịu sự kiểm soát y tế của nhà nước Việt Nam và mới đây đã có phát hiện SARS-CoV-2 dương tính ở nhóm người này và đó là điều nghiêm trọng cần được hết sức quan tâm theo dõi để có những biện pháp y tế và hình sự thích nghi cần thiết. Từ nhóm người mà điều kiện nhập cư không bị kiểm soát dịch COVID-19 thì nguy cơ ổ dịch bộc phát ở nhiều nơi cùng một lúc sẽ gây cực kỳ khó khăn cho việc truy lùng dập dịch và khả năng phải Lockdown cô lập từng vùng trên đất nước để định vị ổ dịch và kiểm tra dịch hiệu quả là điều sẽ không tránh khỏi, đi kèm theo đó là những hệ lụy về xã hội và kinh tế  cũng không thể tránh được.
Một nguyên nhân khác cũng  không kém phần nghiêm trọng, cũng như phần lớn những người dân khác trên thế giới, người dân Việt Nam sau một thời gian bị giới hạn sinh hoạt xã hội nghiêm ngặt (Lockdown) cũng đã phát sinh nhu cầu thoải mái quá đáng trong sinh hoạt xã hội thường ngày, không tôn trọng nghiêm túc những nguyên tắc phòng chống COVID-19 (giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, vệ sinh rửa tay thường xuyên), như tình trạng du lịch Đà Nẵng-Hôi An vừa qua, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lây nhiễm COVID-19 lan rộng, khởi đầu cho việc tái phát dịch. Có lẽ cần nhấn mạnh ở đây là mọi người dân Việt Nam nên nghiêm túc tuân thủ những nguyên tắc này để tự bảo vệ mình và bảo vệ người tiếp xúc chung quanh. Bởi vì, để dịch tái phát với mức độ nghiêm trọng, thì sẽ không tránh khỏi Lockdown lần thứ 2 hay 3 với những hệ lụy về kinh tế  và xã hội không lường trước được.
DĐKP:Với tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam hiện nay, ta còn có thể làm gì tốt hơn?
GS Huyên: Với những biện pháp mà Việt Nam đã áp dụng trong phòng chống COVID-19 trong điều kiện Việt Nam: phát hiện, truy lùng ổ dịch, cách ly và kiểm dịch nghiêm túc cho thấy trong thời gian qua rất hiệu quả. Tuy thế, trong điều kiện hiện nay:
Thứ nhất, cần có những biện pháp tích cực để chặn đường dây nhập cư bất hợp pháp
Thứ hai, cần làm test SARS-CoV-2 định hướng, không để rơi vào tình trạng thụ động,đặc biệt ở những nơi nghi ngờ có khả năng dịch bộc phát ví dụ như ở cơ sở làm ăn đông người mà những nguyên tắc phòng chống dịch không được tuân thủ.
Thứ ba, việc nâng cao ý thức của người dân rất cần thiết, nhưng tốt hơn là cần có những qui định về luật pháp cụ thể cho những tụ điểm muốn hoạt động sinh sống trong thời COVID-19. Thí dụ: phải có đơn xin phép hoạt động lại với một đề nghị kế hoạch phòng chống COVID-19 cụ thể cho tụ điểm của mình: trường học, nhà hàng, khách sạn, các nơi buôn bán, hãng, xưởng… ví dụ cách thức tổ chức, sắp đặt bàn ghế thích hợp với khoảng cách qui định, qui định số người vào tụ điểm hay công xưởng… có kiểm tra thường xuyên của sở y tế hay cơ quan khác của nhà nước.
Thứ bốn, cần có chính sách quan tâm đặc biệt cho trường học, qui định sinh họat của học sinh và giáo viên sao cho trong điều kiện có vài ca lây nhiễm thì chỉ cần cách ly và kiểm dịch cho một lớp học, thay vì đóng cửa cả trường.
Thứ năm, nhưng còn một điểm mang tính chất chiến lược cần thiết cần phải có một câu trả lời sớm. Đó là, cần đánh giá chính xác tình trạng miễn dịch COVID-19 của người dân Việt Nam đang ở mức độ nào.
DĐKP: Xin ông cho biết, việc xác định tình trạng miễn dịch trong cộng đồng giúp gì cho việc hoạch định chiến lược đối phó với dịch?
GS Huyên: Để trả lời câu hỏi này, như tôi đã có trao đổi với DĐKP trong lần phỏng vấn trước [xem ở đây]. Để có thể đưa ra chiến lược chống dịch hiệu quả, Việt Nam cần nhanh chóng làm xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 rộng rãi để biết tình trạng thực tế:
Nếu tình trạng miễn dịch cao: ta có thể an tâm với những biện pháp đang thực hiện, bởi phát triển dịch sẽ nằm trên đường biểu diễn theo chiều đi xuống và khả năng lây nhiễm COVID-19 lan rộng đưa đến quá tải về y tế sẽ không xảy ra, với điều kiện là vi-rút COVID-19 chưa bị biến thể. Cuộc sống của người dân có thể trở lại bình thường, chỉ cần tuân thủ những biện pháp cơ bản phòng chống COVID-19 là đủ. Ở đây, vai trò làm lá chắn của người đã được miễn dịch nên được lưu tâm.
Nếu tình trạng miễn dịch thấp: thì nguy cơ lây nhiễm COVID-19 lan rộng đưa đến quá tải về y tế vẫn còn là khả năng thường trực có thể xảy ra, như vậy, ta cần có dự phòng những biện pháp đối phó thích nghi trong một phạm vi lớn (dự trữ giường bệnh, máy thở, thành phần nhân viên y tế thích hợp). Trong trường hợp cần thiết thì ban hành lệnh phong tỏa giới hạn sinh hoạt xã hội “Lockdown” kịp thời để ngăn chận lây nhiễm COVID-19 lan rộng quá mức. Một mặt khác, trong trường hợp Lockdown kéo dài, nhà nước cũng phải nghĩ đến những biện pháp dự phòng hỗ trợ khẩn cấp cho người dân có thu nhập thấp bị mất công ăn việc làm trong thời gian này, đồng thời công bố chính thức chính sách, kế hoạch cho chương trình hỗ trợ ổn định kinh tế trong nước.
DĐKP: Xin GS cập nhật cho độc giả những thông tin mới về thuốc điều trị, nhất là vắc-xin ngừa COVID-19.
GS Huyên: Về thuốc điều trị COVID-19, hiện nay nghiên cứu SOLIDARITY của WHO với nhiều loại thuốc khác nhau đang được thực hiện. Kết quả còn phải chờ đợi. Nhưng tạm thời có thể nói, về thuốc điều trị tóm gọn là chưa có dấu hiệu gì đột phá.
Về vắc-xin, hiện nay chúng ta đang chứng kiến một cuộc chạy đua để có thể sản xuất thuốc chủng sớm nhanh chưa từng có. Trên toàn thế giới, có tổng cộng khoảng hơn 150 loại thuốc chủng ngừa trong đang ở thời kỳ thử nghiệm trên lâm sàng.
Để thuốc được công nhận, cần có 3 giai đoạn thử nghiệm, tóm tắt như sau:
Giai đoạn 1: bảo đảm mức độ an toàn của thuốc. Trong giai đoạn này, thuốc chủng thường chỉ được tiêm cho một nhóm nhỏ tình nguyện viên khỏe mạnh, vì chúng được thử nghiệm lần đầu trên người.
Giai đoạn 2: xác định hiệu quả và liều lượng. Ở giai đoạn này, hiệu quả của thuốc được kiểm tra với sự trợ giúp bằng cách so sánh các nhóm bệnh nhân.
Giai đoạn 3: chứng minh tính an toàn và hiệu quả của thuốc ở các nhóm bệnh nhân tiêu biểu. Những công trình nghiên cứu cho giai đoạn 3 này có thể kéo dài nhiều năm.
Hiện nay, các nơi nghiên cứu tập trung vào 3 hướng phát triển vắc-xin chính:
  • Vắc-xin sống với vector của vi rút
  • Vắc-xin chết với protein của vi rút
  • Vắc-xin dựa trên gen mRNA/DNA
Về loại vắc-xin ngừa COVID-19 đời mới là vắc-xin dựa trên gen nên có thể rút ngắn được rất nhiều thời gian cho công đoạn sản xuất thuốc, và giá thành sẽ thấp. Dầu vậy, cũng không tránh khỏi phải cần nhiều thời gian để thử nghiệm thuốc trên lâm sàng cho giai đoạn 3 như những thuốc chủng ngừa khác. Quan trọng hơn nữa, đây là thuốc chủng ngừa đầu tiên sử dụng phương pháp mới, nên cần được hết sức quan tâm đặc biệt về mức độ an toàn của thuốc.
DĐKP: Xin ông cho biết, chúng ta đang ở đâu trên đường nghiên cứu vắc-xin, và có thể dự kiến bao giờ thì chúng ta sẽ có thuốc chủng ngừa COVID-19?
GS Huyên: Trong số hơn 150 loại thuốc đang nghiên cứu, hiện nay có 5 công ty nghiên cứu đã bước qua giai đoạn 3, là giai đoạn cuối cùng trước khi xin giấy phép sử dụng: BioNTech (Đức), Moderna (Mỹ), SinoPharm (Trung Quốc), SinoVac (Trung Quốc) và Uni Oxford (Anh) [xem zdf.de].
Đây là một thị trường quá lớn và mang lại lợi nhuận cao, cho nên các hãng dược phẩm chạy đua nghiên cứu và sản xuất. Nhưng thuốc chủng ngừa cũng cần phải có thời gian để chứng minh hiệu quả của nó. Điều rất quan trọng là phải chứng minh rằng, vắc-xin không để lại những di chứng gì trầm trọng cho người được chủng ngừa. Chúng ta biết là khoảng 90% bệnh nhân vượt qua bệnh không cần một điều trị gì đặc biệt. Vì vậy, thuốc chủng ngừa cho toàn bộ dân chúng chỉ ích lợi khi nó bảo đảm an toàn cao cho người được chủng ngừa. Theo những nguồn tin y học tin cậy thì phỏng chừng chúng ta sẽ còn phải chờ đợi thuốc chủng ngừa ít nhất là một năm, nhưng đó cũng không phải là điều chắc chắn.
Theo nguồn tin mới nhất từ viện Paul Ehrlich của CHLB Đức, cơ quan trách nhiệm phê duyệt cho vắc-xin thì khả năng một vắc-xin chủng ngừa COVID-19 của CHLB Đức sẽ được phê duyệt sớm nhất là vào cuối năm nay hay đầu năm 2021, nếu kết quả của nghiên cứu trên lâm sàng cho thấy là có hiệu quả tốt.
DĐKP: Vừa mới đây Tổng thống Nga, ông Putin tuyên bố là nước Nga đã phê duyệt thông qua thuốc chủng ngừa COVID-19 và đang tích cực đi vào sản xuất để đầu tháng 10 năm nay có thể chính thức chủng ngừa COVID-19 đại trà cho người dân Nga. Ông nghĩ thế nào về trường hợp này?
GS Huyên: Trung bình để có một thuốc chủng ngừa cần phải liên tục thử nghiệm từ 8-10 năm. Việc nghiên cứu và thử nghiệm vắc-xin cho COVID-19 hiện nay được thực hiện với tốc độ nhanh chưa từng có, đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc rút ngắn thời gian thử nghiệm và sản xuất thuốc chủng ngừa một cách vội vã làm chúng ta phải đặt câu hỏi về chất lượng của thuốc.
Cho đến nay chưa thấy Nga công bố chính thức kết quả thử nghiệm lâm sàng của giai đoạn 3. Bình thường thì cũng không ai có thể thực hiện việc thử nghiệm trong một thời gian ngắn như vậy. Điều này làm ông Putin đang bị giới y học nước Nga, các nước phương Tây và tổ chức y tế thế giới lên tiếng công kích. Nga chưa thử giai đoạn 3, là giai đoạn quan trọng cuối cho việc phê duyệt thuốc, cho nên, hiệu quả và tính an toàn của thuốc thế nào thì chưa biết. Dù vậy, ông Putin đã cho sử dụng đại trà, theo tôi quyết định đó rất liều lĩnh và … nếu không may, có thể phát sinh di chứng khó lường cho người được tiêm chủng.
DĐKP: Những điều ở trên chắc hẳn không lạ gì trong giới y tế Việt Nam. Thế nhưng chính phủ VN dự tính mua 50-100 triệu liều thuốc chủng của Nga. Ông nghĩ gì về quyết định đó, và những rủi ro nào có thể xảy ra cho dân VN?
GS Huyên: Tôi nghĩ điều này các chuyên gia y tế củaViệt Nam chắc chắn cũng đã biết. Nhưng đây không phải là vấn đề y tế, mà là chính trị và lợi nhuận. Từ những thông tin báo chí gần đây, tôi nghĩ là Tổng thống Putin đã tìm đồng minh bằng cách vừa „tặng thuốc“ chủng ngừa cho các „nước bạn nhỏ“ và „vừa ép mua“. Quả thật cũng là điều khó xử cho Việt Nam và những nước nhỏ khác. Tôi không trả lời được là ta phải hành xử chính trị như thế nào, nhưng về mặt y tế thì tôi nghĩ, bài đối thoại của chúng ta cũng đã làm rõ, không thể chích ngừa COVID-19 cho hàng chục triệu dân Việt Nam, khi ta chưa biết thuốc chủng ngừa có bảo đảm an toàn cho người được chủng hay không (Nga không công bố công trình nghiên cứu khoa học trên lâm sàng chứng minh hiệu quả và tính an toàn của thuốc ở giai đoạn 3).
Ngoài ra, trên 90% dân số, nếu họ bị lây nhiễm COVID-19, thì không cần điều trị chuyên biệt cũng vượt qua bệnh không để lại tổn hại gì nghiêm trọng. Vả lại, con số người lây nhiễm và tử vong hiện nay ở VN đang thấp nhất trong so sánh với những nước có mật độ dân số tương tự. Tóm lại, việc đợi và sử dụng đại trà một vắc-xin có tính hiệu quả và độ an toàn cao là chuyện nên làm, thay vì sử dụng loại thuốc chưa được thử nghiệm thấu đáo.
DĐKP: Và cuối cùng, xin ông phác họa một cái nhìn tổng quát về COVID-19 trong tương lai?
GS Huyên: Tôi nghĩ là với những gì chúng ta vừa trao đổi trên có thể cho chúng ta hình dung được phần nào về viễn tượng của COVID-19 trong tương lai:
Trước hết, không nên chờ đợi là sẽ có thuốc điều trị hay chủng ngừa COVID-19 hiệu quả trong một thời gian gần.
Thứ hai, chưa ai biết rõ là tình trạng sau khi nhiễm COVID-19 có miễn dịch 100% hay không và miễn dịch sẽ kéo dài bao lâu? Đến nay chưa có chứng cớ y học xác minh. Nhưng các nghiên cứu ban đầu đã chỉ ra rằng những người đã bị nhiễm SARS-CoV-2 phát triển các kháng thể đặc hiệu có thể vô hiệu hóa vi rút trong các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ tình trạng miễn dịch này được xây dựng mạnh mẽ và lâu dài như thế nào và liệu có thể có sự khác biệt ở mỗi người hay không. Nhưng kinh nghiệm với các bệnh do Vi-rút Corona khác như SARS và MERS cho thấy, tình trạng miễn dịch có thể kéo dài đến ba năm [nguồn: viện Robert Koch, Germany].
Thứ ba, số lượng vi rút trên mỗi quần thể càng lớn thì khả năng xảy ra biến thể ngẫu nhiên càng lớn khiến vi rút càng hung hãn hơn. Vì vậy, chúng ta chắc chắn không nên giúp đỡ để tăng số lượng vi rút trên mỗi cộng đồng, có nghĩa là phải tránh lây nhiễm [xem P.R. Vogt].
Thứ tư, không ai có thể tiên đoán được, dịch COVID-19 sẽ trở lại với mức độ nào vào mùa thu năm nay.  Những tình huống có khả năng xảy ra:
Tình huống 1: không có gì mới, COVID-19 không thay đổi, dịch bộc phát tụ điểm. Biện pháp phòng chống không thay đổi.
Tình huống 2: COVID-19 mới, biến thể nhẹ “dạng lành tính”, không có gì mới, trở thành như một loại dịch Corona theo mùa (saisonal). Thuốc chủng ngừa trong tương lai có hiệu quả hay không còn hiệu quả sẽ lệ thuộc  theo dạng biến thể của COVID-19-vi rút và tính chất chuyên biệt của loại thuốc chủng ngừa.
Tình huống 3: COVID-19 mới, biến thể ”dạng ác tính” (thích nghi tốt hơn với con người và trở nên độc hại hơn). Thuốc chủng ngừa trong tương lai có hiệu quả hay không còn hiệu quả sẽ lệ thuộc theo dạng biến thể của vi-rút COVID-19 và tính chất chuyên biệt của loại thuốc chủng ngừa, nhưng ở đây có khả năng lớn là thuốc sẽ không còn hiệu quả (nhưng đó cũng chỉ là một điều phỏng đoán).
Đặc biệt đối với Việt Nam, một điều không thể không nói đến: có những „yếu tố tự nhiên có tính bảo vệ„ cho Việt Nam trong đại dịch COVID-19, so sánh với những nước khác, đó là Việt Nam có một dân số trẻ trung (thành phần người cao tuổi trên 65 tuổi 6,35 %; độ tuổi trung vị 29,6 tuổi) và những phong tục tập quán truyền thống tạo nên một „giãn cách tiếp xúc tự nhiên với người cao tuổi“ [xem thêm Diễn Đàn Khai Phóng]. Điều này, cũng có thể quan sát thấy được ở nước Nhật Bản. Mặc dù, thành phần người cao tuổi ở Nhật  hơn 65 tuổi là 28,38 %; độ tuổi trung vị 46,5 [xem ở đây] cao hơn nhiều nước phương tây, Nhật Bản với những truyền thống tập quán tương tự của đất nước họ và chỉ với những biện pháp cơ bản phòng chống COVID-19 đã giới hạn số người lây nhiễm và tử vong rất hiệu quả.
DĐKP: Xin GS phát biểu một kết luận chung quanh đề tài COVID trong những đợt sắp tới có thể xảy ra?
GS Huyên: Nhìn tình hình chung, dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài không biết đến khi nào. Do đó:
  1. Phải tính chuyện sống lâu dài với dịch COVID-19 và những loại vi-rút tương tự.
  2. Tổ chức và sinh hoạt xã hội theo những điều kiện mới. Trước mắt là tuân thủ tuyệt đối những nguyên tắc phòng chống COVID-19 (giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu là 1,5 m, đeo khẩu trang khi không còn giữ được khoảng cách qui định, vệ sinh rửa tay thường xuyên).
  3. Nhất thiết là đòi hỏi người dân phải có ý thức trách nhiệm tối đa.
  4. Dầu vậy cần có chính sách kiểm tra thường xuyên của nhà nước.
  5. Không tụ họp chỗ đông người. Không đến những tụ điểm như hãng, xưởng, văn phòng, nhà hàng, khách sạn, chợ … nếu như ở đó không có những qui định của sở y tế, trong trường hợp này cũng nên phản ảnh để cải thiện.
  6. Phải tính đến chuyện “tình huống 3” sẽ xảy ra và nếu xảy ra thì khả năng “Lockdown” lâu dài phải tính đến. Và như vậy, nhà nước cần phải có dự phòng trước những biện pháp kinh tế và xã hội thích nghi hỗ trợ cho người dân.
DĐKP: Thay mặt độc giả, xin cám ơn Giáo sư đã giành thì giờ cho cuộc phỏng vấn bổ ích này.
20.08.2020
./.
Độc giả nào cần trao đổi thêm, xin liên lạc với GS Huyên theo địa chỉ dưới đây:
Prof. Dr. Si Huyen Nguyen, Vice Dean
Vietnamese German Faculty of Medicine (VGFM)
PHAM NGOC THACH UNIVERSITY OF MEDICINE HO CHI MINH CITY
Hoặc:
President of German Vietnamese Association of Cardiology/
Deutsch-Vietnamesischer Förderkreis für Kardiologie e.V. (DVFK)
German-Office: Langer Kamp 6, D-38350 Helmstedt, Germany
Tel.:+49 5351 141434, Mobil: +49 17682650366, Email: dvfk@gmx.de
Hoặc:
HELIOS St. Marienberg Klinik Helmstedt
Innere Medizin II/Kardiologie/Intensivmedizin/Schlafmedizin
Conringstraße 26, 38350 Helmstedt, GERMANY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét