25 thg 8, 2020

Hơn 100 năm trước trẻ em Mỹ đến trường như thế nào trong đại dịch?

Có nên mở cửa trường học hay không trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành là câu hỏi khiến giới chức trách Mỹ đau đầu hiện nay. Trước đó, năm 1918 khi dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát Mỹ cũng phải đối mặt với hoàn cảnh tương tự.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), dịch cúm năm 1918 đã khiến khoảng 50 triệu người tử vong trên toàn cầu, trong đó có 675.000 người Mỹ.
Các nhà sử học Mỹ cho biết, trong khi phần lớn các thành phố trên cả nước đóng cửa trường học để phòng dịch, thì vẫn có 3 thành phố cho phép học sinh đi học là New York, Chicago và New Haven. Quyết định này của chính quyền thành phố phần lớn dựa trên giả thuyết của các quan chức y tế công cộng cho rằng, học sinh tới trường sẽ an toàn hơn, theo CNN
Theo một bài báo trên tạp chí Public Health Reports của Mỹ xuất bản năm 2010, thời điểm đó, New York có gần 1 triệu trẻ em đi học và khoảng 75% trong số đó sống tại các khu tập thể đông dân cư với môi trường sống mất vệ sinh. Các quan chức thành phố nhận định, việc cho các em đến trường sẽ an toàn hơn vì các em sẽ có môi trường tốt hơn ở nhà.


Học sinh lớp 5 học đan cho chiến dịch “Chữ Thập đỏ nhí” tại New Jersey năm 1918 (Ảnh chụp màn hình: CNN)

“Vào thời điểm đó, trẻ em đi học sẽ không phải sống trong các ngôi nhà thường xuyên không được vệ sinh mà thay vào đó là đến một không gian rộng lớn, sạch sẽ và thoáng mát với đội ngũ kiểm tra y tế luôn túc trực bên cạnh”, ủy viên y tế của New York lúc đó, Tiến sĩ Royal S. Copeland trả lời tờ New York Times.
Tiến sĩ Howard Markel, một nhà sử học y khoa kiêm Giám đốc Trung tâm lịch sử Y khoa tại Đại học Michigan cho biết, thành phố New York là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và sớm nhất do dịch cúm Tây Ban Nha.
Chuyên gia Copeland cho biết, học sinh không được phép tụ tập bên ngoài trường học và phải báo cáo với giáo viên của mình ngay lập tức nếu có triệu chứng mắc bệnh. Tất cả những học sinh có triệu chứng sẽ được cách ly ngay sau đó. Nếu học sinh bị sốt, bộ phận y tế sẽ đưa các em về nhà và nhân viên y tế sẽ đánh giá xem các điều kiện tại gia đình có phù hợp để cách ly và chăm sóc hay không. Nếu không, các em sẽ được đưa đến bệnh viện.
Bài báo của Public Health Report cho biết: “Bộ Y tế yêu cầu gia đình của những đứa trẻ đang phục hồi tại nhà phải có bác sĩ gia đình hoặc sử dụng dịch vụ của bác sĩ y tế công cộng miễn phí”.


Bệnh nhân cúm ở Lawrence, Massachusetts, năm 1918 (Ảnh chụp màn hình: CNN)

Thành phố Chicago khi đó, cũng có chung quan điểm với New York. Giới chức Chicago cho rằng, mở cửa trường học thực chất là giúp trẻ em không ra đường và tránh xa những người có biểu hiện mắc bệnh.
Một phần trong chiến lược của Chicago là đảm bảo các phòng học lưu thông không khí. Theo một báo cáo năm 1918 của Bộ Y tế Chicago, các phòng học được sưởi nóng hơn trong mùa đông để có thể mở cửa sổ mọi lúc.
Bài báo kết luận rằng, “một phân tích dữ liệu cho thấy quyết định để cho các trường học của thành phố Chicago mở cửa trong đợt dịch cúm là chính đáng”.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Howard Markel, người cùng các nhà khoa học khác nghiên cứu dữ liệu và hồ sơ của 43 thành phố tại Mỹ trong đại dịch năm 1918 lại không cảm thấy thuyết phục trước những ý kiến trên.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Markel cho rằng: “những thành phố thực hiện cách ly, đóng cửa trường học và cấm tụ tập nơi công cộng là tốt nhất”.
An Liên (DKN )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét