17 thg 8, 2020

Cao đàm khoát luận- Ngộ Không Phi Ngoc Hùng

  Cao đàm khoát luận

Đang khảo chữ để khảo văn bỗng không vồ được trong buổi nói chuyện của một ông đồ có mảng chữ “cao đàm khoát luận”. Rửa óc chả hiểu nghĩa lý gì? Tra tự điển Hán Việt cao đàm khoát luận là: “phiếm đàm suông, mà không thiết với sự thật”.
Nghe hơi chữ lạ, bèn lấy làm tựa đề cho bài viết về những ông đồ.

Thế nhưng khốn khổ với ngữ nghĩa là nghĩa của chữ Hán, thì “phiếm” gồm bộ thủy và bộ phạt, thủy nghĩa nổi trôi, phạt là vô định. Vì vậy bài khảo văn về những ông đồ dưới đây lại lan man vô chừng tới...cụ Nguyễn Tuân, ông Vũ Trọng Phụng.
Ấy là chưa kể lau lắt tới Cành đào Nguyễn Huệ với...tuồng chèo.

Chuyện dây cà ra dây muống thế này…
“Mỗi năm khi hoa đào nở, tôi (Hà Sĩ Phu) lại đến thăm nhà thơ Tú Sót, một ông đồ. Trong cái thanh tịnh của một sớm đầu xuân, ông đồ Tú Sót kể lại cho tôi nghe buổi "hầu chuyện" thơ của ông với cụ Vũ Đình Liên. Đây cũng là buổi "hầu chuyện" cuối cùng của Tú Sót với tác giả Ông đồ vì sau đó vài năm, thi sĩ tài hoa này đã về nơi vĩnh hằng. Một buổi chiều nhạt nắng, sau khi thắp hương viếng mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhà thơ Tú Sót đã mời ông đồ Vũ Đình Liên lại nhà mình để được "hầu chuyện".

Ông kể lại kỷ niệm này: "Ít người biết bài thơ Ông đồ của cụ Vũ Đình Liên nặng kỷ niệm về người vợ tảo tần. Cụ gọi đó là cái tình tri âm, tri kỷ đã theo cụ trọn cuộc đời. Bà chỉ là cô hàng xén ở phố Hàng Bồ. Cụ Liên khi đó là anh thư sinh học trường Bưởi, ngày nào cũng đi qua con phố có cô hàng xén dễ thương đó và chẳng biết tự bao giờ, anh đồ trẻ thi sĩ đã phải lòng. Phải lòng gánh hàng chỉ có kim, chỉ, đèn dầu, phải lòng người bán hàng nhu mì, đôi má ửng hồng e thẹn mà sau này là vợ. Nhưng anh đồ trẻ Vũ Đình Liên còn phải lòng cả cái khung cảnh bên cạnh gánh hàng xén.
Vì bên cạnh cô hàng xén còn có một ông đồ già ngồi viết chữ. Ông đồ nghèo đến nỗi phải ngồi ở vỉa hè để “hàn nho mãi tự”, mà không có cả tiền mua giấy nên phải ngồi bên cô hàng xén. Để khi có khách đến thuê viết, ông đồ chỉ cần với tay về phía cô hàng xén: "Này, này, cô cho tôi nhờ tờ giấy, nhờ cái bút", vậy là được cả đôi bên! Họ cứ dung dị sống, dung dị gắn bó mưu sinh với nhau trên một góc vỉa hè chật chội mà đâu có biết rằng, có một anh chàng thư sinh nho nhã đã khắc ghi hình ảnh đó trong lòng.
Tâm sự điều này với ông đồ Tú Sót, cụ Vũ Đình Liên mắt ngấn nước: "Nhưng cụ ạ, có lúc tôi cảm thấy bài thơ Ông đồ hình như không phải của mình mà là tiếng nói từ ngàn xưa vọng lại".. Chuyện này được ông đồ Tú Sót ghi lại vào một chiếc băng cassette cũ kỹ, thỉnh thoảng, nhớ bạn nhớ cảnh, ông lại mang ra nghe, đủ thấy mối thâm tình của hai tâm hồn hoài cổ đồng điệu như thế nào”.

Với ông Tú Sót, mót chữ tôi kỳ óc nghĩ ông (1) là ai. Chỉ đồ chừng “sót” là bị bỏ…sót chăng. Học theo cụ Nguyễn Du thi nhân bất đắc kiến, kiến thi như kiến nhân, tức khách thơ nào thấy được, đọc thơ như thấy người. Bèn đi tìm ông đồ Tú Sót.

Gặp buổi nắng không ưa mưa không chịu, lại tới tuổi tịch dương vô hạn hảo, bỗng dưng mang cái tâm trạng sĩ tử Văn Miếu của một thời văn học. Trong cái tâm thái đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi qua một thời nghiên bút. Hoặc tìm về với nghìn năm gương cũ soi kim cổ, cảnh đấy người đây luống đoạn trường cùng nước còn cau mặt với tang thương…Cùng tang thương ngẫu lục, bến ngộ đâu không thấy chỉ thấy bờ mê bến lú, mót chữ tôi…lú lẫn đi tìm đi tìm khoảnh thời gian đã mất với chi, hồ, gỉa, dã qua những ông đồ sa cơ lỡ vận. Thì lại gặp….“ông đồ Phồn” bên phố đông người qua để thành chuyện dây cà ra dây muống.
Vì ông đồ Phồn lại lây dây đến….tuồng chèo như dưới đây.
***

Chuyện là nhà sử học Lê Văn Lan​ có một bài giới thiệu về chùa Bộc ở Hà Nội.

“Cảnh vật chùa làm tôi nhớ đến chuyện tình cảm động của công chúa Thăng Long Lê Ngọc Hân với Hoàng đế Quang Trung, sau chiến thắng quân Thanh, nhà vua cho mang cành đào về báo tin thắng trận cho vợ, mang cả mùa xuân Thăng Long về Phú Xuân”.
Theo một nhà làm văn học miền Nam ở ngòai nước thì…

“Chi tiết cành đào ngon lành này đắt giá đến nỗi đã được chính thức đưa vào lễ hội Đống Đa hàng năm. Được các văn nghệ sĩ khai thác tối đa sau này, lâu ngày chày tháng, nó được nhìn nhận là sự thật trong tâm tưởng của không ít người dễ tin.

Sách sử trước kia không hề có ghi chép nào về “cành đào Nguyễn Huệ”, vậy chi tiết này từ đâu ra? Thưa rằng, từ trí tưởng tượng bay bổng của một kịch tác gia miền Bắc xã hội chủ nghĩa viết về tuồng chèo. Nghệ thuật tuồng, chèo ở ta gần như mai một, việc tìm kịch bản chèo về “Quang Trung” là vô phương. Tuy nhiên, nhờ chi tiết cành đào Quang Trung tặng vợ quá “đắt”, nên vẫn còn có người ghi nhớ và chứng thực. Nhưng Nguyễn Đình Thi, Văn Chinh cho rằng nó do ai đó hư cấu.

Đồng tình với Nguyễn Đình Thi, Văn Chinh, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: “Một lần tôi nói chuyện với nhà văn Văn Chinh về cành đào Nguyễn Huệ gửi công chúa Ngọc Hân. Tôi nghe nói nhà viết chèo, hình như là Việt Dung thì phải, chi tiết ấy là do ông bịa ra trong vở chèo chứ không có chuyện đó trong thực tế. Phải ghi nhận sáng tạo rất có ý nghĩa, nhưng ghép nó vào lịch sử thì tôi e là mình lại nhầm lẫn đấy”.
Qua mảng rối chữ trên, mót chữ tôi góp nhóp chữ nghiã về vở chèo cành đào Nguyễn Huệ và những tác giả viết chèo khác. Ý đồ là mai này ngày rộng tháng dài, mót chữ tôi sẽ viết ngành chèo cổ đang mai một. Thảng như hàng ngày, hàng năm, qua từng khúc, từng đoạn, mót chữ tôi năng nhặt chặt bị được dưới đây….

Hát chèo xưa
Chèo có lịch sử hình thành từ thế kỷ X, dưới thời nhà Đinh với Hoa Lư là đất tổ của sân khấu chèo. Đến thế kỷ 14, trước kia chèo chỉ có phần nói và ngâm, sau nhờ bắt được một tù binh Mông Cổ, ông tù binh này đưa “Kinh kịch” vào chèo nên chèo có thêm phần hát. Tới thế kỷ 15, Lê Thánh Tông không cho diễn chèo trong cung đình, vì ảnh hưởng đạo Khổng. Chèo trở về với đình làng với Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, v…v….

Chèo sân đình sân khấu chèo chỉ là một chiếc chiếu trải ngoài sân, đằng sau treo chiếc màn nhỏ, diễn viên và nhạc công ngồi hai bên mép chiếu tạo dàn đế. Vì vậy mới có “chiếu chèo” chỉ gánh hát chèo (hay phường chèo). "Hề chèo" là vai diễn thường có trong các vở diễn chèo. Các cảnh diễn có vai hề là nơi để cho người dân bóng gió xa gần những thói hư tật xấu của vua quan, những nhố nhăng trong làng xã. Từ nhố nhăng, dân gian mới có câu “đồ phường chèo”.

Chèo cụ là đàn nguyệt, đàn nhịđàn bầu. Ngoài ra, còn thêm trốngchũm chọe. Bộ gõ nếu đầy đủ có trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, . Trống con dùng để giữ nhịp cho hát, cho múa và đệm cho câu hát. Vì chưng mới có câu nói "phi trống bất thành chèo" chỉ việc quan trọng của chiếc trống trong đêm diễn chèo.

Chèo khác tuồng vì tuồng chỉ ca tụng những anh hùng vua quan của triều đình. Trong khi chèo miêu tả cuộc sống bình dị của dân quê. Các làn điệu chèo chịu những ảnh hưởng từ hát chầu văn, hát xẩm, hát ca trù, hát xoan, hát quan họ. Chèo không cố định năm hồi một kịch như kịch hay tuồng, người diễn chèo được ngẫu hứng bẻ làn, nắn điệu để thể hiện cá tính của nhân vật. Đặc điểm của chèo là trò nhại từ thế kỷ 10, nhại từ các truyện cổ tích, điển cố, vì dựa trên các trò nhại này nên các vở diễn dài hơn. Đặc điểm nữa của chèo là yếu tố kịch tính với tự sự, vì vậy ngôn ngữ chèo có những đoạn câu thơ chữ Hán, ca dao thể lục bát phóng khoáng về câu chữ. Do vậy, chèo kéo dài hay cắt ngắn tuỳ thuộc vào cảm hứng của người trình diễn hay của khán giả.

Ây vậy mà cả đời mót chữ tôi chả thấy “chiếu chèo” ở sân đình đâu. Trong tâm thái nhĩ văn mục đồ nôm là tai nghe mắt thấy…lại thấy cụ Nguyễn Đăng Thục viết ở đâu đó: “Những đóng góp của Tào Mạt đã tạo nên một sức sống mới cho nghệ thuật chèo trên cả ba mặt: triết học, nghệ thuật và nhân văn”. Thế là mót chữ tôi khát chữ đi tìm người viết chèo Tào Mạt. Đang hẻo chữ thì vớ bẩm được cái thú xem chèo…
Ăn no rồi lại nằm khoèo
Nghe giục trống chèo vỗ bụng đi xem
Chẳng thèm ăn chả ăn nem
Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo
Không hẹn mà gặp, cũng như nhà sử học Lê Văn Lan​ viết về chùa Bộc ở Hà Nội. Mót chữ tôi gặp ông Tào Mạt với chùa Vĩnh Phúc…

(…) Tào Mạt (2), người cùng làng, cùng thời với tôi (Phan Lạc Tiếp), vừa mới lớn đã hăng say theo mặt trận Việt Minh chống Pháp. Nhưng khi mặt trận Việt Minh ra lệnh phá ngôi chùa Vĩnh Phúc của làng theo chủ trương vườn không nhà trống thì cán bộ huyện Tào Mạt ngầm ra tay ngăn cản. Ngôi chùa được giữ nguyên nhưng Tào Mạt bị đi học tập một thời gian dài. Năm 1950, Việt Minh ra mặt tận diệt những ai không phải là người của họ, một đêm bên bờ sông Thao, Tào Mạt nói với anh em tôi: “Các anh đi đi. Đây không phải là đất của các anh đâu. Đi ngay trước khi quá trễ". Anh em tôi sau đó di cư vào Nam chống lại cộng sản, trong đó có người bạn thân, người ân nghĩa Tào Mạt. (…)

Phải gió phải giăng gì đâu chả biết nữa, bạn đọc gọ gạy rằng ông Tào Mạt này ắt hẳn là…mạt vận nên chả dậu đổ bìm leo đến cành đào gì sất. Ấy đấy, thưa bạn đọc, chuyện nhè ở ngay đây, số là mót chữ tôi đang khảo chữ thì vớ được câu: “Với Tào Mạt và một vài tác giả hát chèo khác như ông đồ Phồn, chèo có thêm mảnh đất vô cùng phong phú lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc”.
Là người mẫn cảm với hơi hám nên thấy ai đánh rắm to ở đâu là tìm đến. Mót chữ tôi tìm đến làng Đình, quê ông đồ Phồn, từ câu hát dân gian về làng chèo từ xa xưa…
Bữa ấy mùa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đình đi ngang ngõ
Mẹ bảo thôn Đoàn hát tối nay

Dựa vào câu “Đồ Phồn, chèo có thêm một mảnh đất (…) lịch sử bốn ngàn năm (…). Ở đất địa linh nhân kiệt, lại được người ngự sử văn đàn ở trên cõng thêm câu: “Nghệ thuật tuồng chèo ở ta gần như mai một, việc tìm kịch bản chèo về Quang Trung là vô phương”, vì vậy trộm nghĩ bất thế kỳ nhân phải là…ông. Vì vậy mót chữ tôi chắc như đinh đóng cột người viết chèo lịch sử là ông. Bởi ông đồ Phồn viết “Trần Hưng Đạo diễn ca”, ắt ông là người viết vở chèo kịch “Cành đào Nguyễn Huệ”.

Sau đấy mót chữ tôi rối chữ về ông đồ của làng chèo từ một thời xa xưa:

Ông Đồ Phồn tên thật là Bùi Huy Phồn, sinh ngày 16-12-1911 tại Phố Đầm, tỉnh Bắc Giang. Ông mất ngày 31-10-1990 tại Hà Nội, hưởng thọ 78 tuổi. Cha ông là một nhà nho, chi trưởng họ "Đại Bùi". Ông thi cử không đỗ, bỏ làng phiêu bạt lên Bắc Giang làm thầy đồ. Ông học chữ Hán hết chương trình tú tài và thông thạo tiếng Pháp. Ông dạy học, viết văn, làm thơ, cộng tác với báo Hà Nội báo, Phong hóa, Tiểu thuyết thứ năm... Để bước được vào làng văn và có được một bề dày văn phẩm, thi phẩm, thì những ngày đầu “chập chững” vào làng văn, ông phải bỏ làng ra đi...

Năm ấy, khi ông mới 15, 16 tuổi, thấy mẹ đi chợ mua giấy hồng điều mang sang nhà cụ đồ Hai trong làng nhờ viết cho dăm câu đối bằng chữ Nho mấy ngày Tết. Thấy có giấy hồng điều, ông tự nghĩ ra đôi câu đối dán vào hai cột cổng ngoài nhà thờ họ "Đại Bùi". Những chức sắc làng không nổi giận sao được khi đọc câu đối ông viết thế này:
Mồng một Tết người đội mũ cánh chuồn khoe mẽ
Ba ngày xuân tớ trùm nơm mẹ đĩ ngâm thơ

Mặc dù chưa có vợ nhưng Bùi Huy Phồn vẫn “mượn tạm” cái nơm mẹ đĩ để đối với mũ cánh chuồn. Thật là hả hê quá, mũ cánh chuồn đối với cái váy đàn bà.
Nhân ngày giỗ tổ họ Bùi.là dịp để cụ tuần Anh nói với mẹ Phồn: “Phải đưa thằng Phồn ra nhà thờ họ ngay”. Phồn vừa bước đến cửa, cụ tuần Anh quay sang nói với mọi người trong họ: “Mồng một Tết, tôi vận phẩm phục triều đình đi hành ngơi trong thôn, xóm, cho dân làng được ra bái yết lấy may. Thế mà thằng này dám làm câu đối nói láo”.
Phồn lắp bắp định cãi thì cụ tuần Anh đập tay xuống tráp, thét lớn:
- Câm! Tao lại sai nó nọc cổ mày xuống trước từ đường, đánh cho tan xác bây giờ.
Mày muốn làm cộng sản thì mày ra Hà Nội. Thôi cút!

Vẫn cái tật đến chết không chừa là thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào. Mót chữ tôi đào xới khi ông làm hiệu trưởng đầu tiên của trường viết văn Nguyễn Du. Một lần ông đăng đàn nói chuyện phiếm và ngâm thơ

Khi vui đọc truyện Đồ Phồn
Khi buồn lại giỏ (bỏ 2 chữ) ra xem

Ai nấy bò lăn ra cười, ngồi ở dưới, Quang Dũng sửa lại là…“lọ cồn”. Rồi cái vạ văn chương đến với ông, năm 1961 ông viết tiểu thuyết “Phất” hưởng ứng phong trào cải tạo tư doanh ở Hà Nội. Trong vụ Nhân văn Giai phẩm ông viết bài “đánh” Trương Tửu. Xuân Sách viết chân dung ông gọi trệch “đồ phồn” thành “đồ phấn”, “đồ vôi”:

“Phất” rồi ông mới ăn “Khao”
“Thơ ngang” chạy dọc bán rao một thời
Ông đồ phấn, ông đồ vôi
Bao giờ xé xác cho tôi ăn mừng
Mót chữ tôi thu vén chữ nghĩa với Nguyễn Tuân, qua tập thơ Chân Dung nhà văn của Xuân Sách. Nguyễn Tuân trước nổi đình đám với Vang bóng một thời, nhưng sau ông tự tước bỏ gai góc, xù xì để trở thành một nhà văn chỉ “ngợi ca chế độ”:

“Vang bóng một thời” đâu dễ quên
Sông Đà cũng muốn đẩy thuyền lên
“Chén rượu” tình rừng cay đắng lắm
“Tờ hoa” lại chút lệ ưu phiền
Ừ thì chuyện đánh đấm của đám sĩ phu Bắc Hà đông như quân Nguyên. Thảng như qua bài viết Nhớ và nghĩ về Vũ Trọng Phụng của ông Đồ Phồn dưới đây:
“Tôi hơn Vũ Trọng Phụng một tuổi, nhưng vào làng văn sau anh vài ba năm. Tôi nhớ lần đầu tiên gặp anh ở một tiệm thuốc phiện của mụ Đốc Trịnh, sau đền Bà Kiệu, bờ hồ Hoàn Kiếm, do một người bạn giới thiệu: “Vũ Trọng Phụng nó nói tới mày luôn sau khi đọc mấy bài thơ và truyện ngắn của mày. Hôm nào, tao dẫn đến gặp nó”.

Năm 1962, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tổ chức cuộc hội thảo về nhà văn Vũ Trọng Phụng mà về sau này tôi mới biết những cuộc họp này do Hoàng Văn Hoan đứng giật dây bên trong. Có người tâu với Hoàng Văn Hoan rằng Vũ Trọng Phụng viết bài “chửi cộng sản” ở Đông Dương tạp chí . Thật ra, đấy chỉ là một bài báo khen chê lung tung cả đệ tam, đệ tứ. Hoàng Văn Hoan đọc bài báo này, đánh Vũ Trọng Phụng là “văn gian”.

Phe thứ nhất có Tố Hữu, đánh Vũ Trọng Phụng là tay sai đế quốc thực dân, là tờrốtkit. Phe thứ hai chống lại có Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, và tôi”.
Trong chốn làng văn ông có những người bạn chữ nghĩa như Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng...Đến như Bùi Xuân Phái cũng vẽ tranh bìa thơ cho ông.


Bìa tập “Thơ ngang”của Đồ Phồn tranh Bùi Xuân Phái
Theo mót chữ tôi bòn vót ông chẳng đến nỗi nào để mang cái vạ chữ nghĩa, nên búi bấn cho là với định mệnh tại thiên thư. Vì thư kinh có câu tùy ngộ nhi an mà mót chữ tôi hiểu là tùy hoàn cảnh sống sao cho yên ổn với thời thời thế thế, thế thời phải thế..
Mót chữ tôi hặm hụi bắt qua cụ Nguyễn Tuân. Một ngày, trong buổi cao đàm khoát luận, cụ Nguyễn uống rượu với ông và nói: “Ừ thì như bác biết đấy. Chẳng ai có dũng khí được đâu, kể cả Phan Khôi. Chẳng sợ rượu vào nói cà khịa, phiền, nên tôi đã nói với bác: Không phải tôi sợ nói sai mà sợ nói đúng mới gay. Tôi vẫn được tiếng là ngang bướng”. Lần uống rượu với ông Đồ Phồn ấy, cụ Nguyễn Tuân đã khóc:
- Tôi được như thế này là vì biết sợ.
Vì vậy mới có chuyện thời trước thế đấy, thời nay thế đó với Nguyễn Khải: “Tôi nhát lắm”. Với Tô Hải: “Tôi là thằng hèn”. Thêm nhật ký “Ghi 1954-1960”, cụ Trần Dần thổ lộ những chuyện chẳng đặng đừng của mình thời Nhân văn Giai phẩm.
Sau đó có ai đó đã viết:
- Không ai có quyền bắt người khác làm anh hùng…thay mình với cái chết.

Với cái chết, với khôn văn tế dại văn bia, mót chữ không phải cứ đội ông Đồ Phồn lên đàu mà vái…vái lấy vái để ví với câu đối về cụ Nguyễn Tuân, hay ông Vũ Trọng Phụng của ông Đồ Phồn. (xem tr 6).
Với cái chết Vũ Trọng Phụng, ông Vũ Trọng Khanh con trai ông kể lại:

” Do lao tâm quá sức bố tôi mắc phải chứng lao phổi và lìa đời vào lúc 2 giờ sáng ngày 13-10-1939. Thời bấy giờ ai mắc phải bệnh lao đều bắt buộc phải chôn cất ngay trong ngày. Bởi lẽ đó mà 7 giờ sáng cùng ngày, bà nội và kế mẫu tôi phải đem xác bố tôi đi chôn tại nghĩa trang Quảng Thiện thuộc huyện Ngã Tư Sở tỉnh Hà Đông”.

Vẫn chưa hết, theo cụ Nguyễn Tuân thì:
”Người bạn tội nghiệp của chúng tôi chết. Ngày hôm sau, đưa đám buổi sớm. Nhận cái tin buồn ấy, chúng tôi đi hút thuốc phiện. Đêm ấy, nhà hát lạnh như nhà mồ…Ngọn đèn dầu lạc giống ngọn đèn thờ. Anh kép hát như nhạc công phường bát âm cho nổi lên một bản nhạc chết khi người ta dâng cơm cúng…Khoảng 5 giờ sáng bọn tôi từ Thượng Cát kéo bộ về Hà Nội. Qua cầu Bồ Đề, tôi nói:
- Đám đi sớm quá nhỉ. 7 giờ đã cất đám rồi. Đi hết cầu, về đến bờ bên kia sông ít ra mất 45 phút. Và từ đấy vào Cầu Mới. Nhanh bước lên! Các anh.
Thế mà cả bọn đến nơi, nhà đám đã khởi hành được mấy phút”.

Mót chữ tôi buôn chữ chuyện nhà văn Vũ Trọng Phụng mất, lúc hạ huyệt, Lưu Trọng Lư thay mặt giới nhà văn, đọc lời ai điếu: “Anh là một nhà văn xứng đáng với sự tôn sùng của tất cả văn hữu. Những người hôm qua đây, còn không ưa anh, còn thù ghét anh, nhưng hôm nay họ cũng phải cúi đầu trước mộ anh” ….
Bài điếu văn chấm dứt, ông Đồ Phồn ứa hai hàng lệ đọc đôi câu đối:
“Cạm bẫy người tạo hóa khéo căng chi, qua “Giông tố” tưởng nên “Số đỏ”.
“Số độc đắc” văn chương vừa trúng thế, bỗng “Dứt tình”, “Không một tiếng vang”.

Nhà văn "xê dịch" Nguyễn Tuân mất, ông đồ Phồn có câu đối viếng cụ Nguyễn:
“Vang bóng một thời” tàn, khéo gợi thêm nao lòng lãng tử.
“Quê hương” đâu hẳn thiếu, mải đi cho trọn kiếp giang hồ.
Với chuyện chửi người sống mắng người chết trong làng văn xóm chữ của sĩ phu Bắc Hà ở trên. Thôi thì đành phải nhờ vả sĩ phu Nam Hà luận chữ…

Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người
Sên bò nát óc máu thầm rơi
Chiều nay một dấu than buông xuống
Đinh đóng vào săng tiếng trả lời

Mót chữ tôi mài óc nghĩ không ra “Sên bò nát óc…“ là lý sự gì? Hốt nhiên con chuột của máy “còm-píu-tơ” đụng vào cái nút nào đó, màn ảnh hiện lên bài viết của một nhà phê bình văn học trong nước chỉ rõ một số điểm chưa hoàn thiện ở kịch bản chèo vốn được coi là tiêu biểu về lịch sử. Đơn cử là: “Có thể lấy chuyện vua Quang Trung đánh tan quân Mãn Thanh và tiến vào Thăng Long làm ví dụ”.
Và ông nhận xét:

“Khi viết kịch bản chèo, tác giả Trúc Đường đã hư cấu chi tiết vua Quang Trung qua làng Ngọc Hà, thân hành lấy một cành đào đầy nụ để sai người chuyển về Phú Xuân cho công chúa Ngọc Hân. Chi tiết này vừa đẹp, vừa mang nhiều lớp nghĩa nên được đề cao tới mức nhiều nhà sử học coi đó là chuyện thật”.

Vậy là ông Trúc Đường, anh của Nguyễn Bính viết Cành đào Nguyễn Huệ. Đến đây, vì hẻo chữ nên đành dựa dẫm vào sĩ phu Nam Hà Vũ Hoàng Chương với đinh đóng vào săng tiếng trả lời để cái quan định luận ông Đồ Phồn. Rồi đốt lò hương cũ tới những ông đồ đã khuất nẻo như ông Tú Sót, cụ Vũ Đình Liên và còn ai nữa.

Thạch trúc gia trang
Bính Thân 2016
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


(viết lại 2020)





Nguồn: Vân Long, Tất Thắng, Ngô Thảo, Trần Nhuận Minh, Lê Hồng Bảo Uyên.





(1) Tú Sót tức Chu Thành, hay Chu Thành Thi tạ thế ngày 27-3-2006, thọ 77 tuổi.


(2) Tào Mạt tên thật là Nguyễn Duy Thục, sinh ngày 23-11-1930, tại huyện Thạch Thất, Sơn Tây. Ông mất ngày 13-4-1993, tại Hà Nội.


Ông yêu thích văn học Hán-Nôm và tự học để nghiên cứu nghệ thuật chèo. Ông để lại khoảng 20 kịch bản, chính là chèo. Các tác phẩm: “Chị Tâm bến Cốc” (chèo, 1960); Bộ chèo “Bài ca giữ nước” (1979-1985), “Thơ chữ Hán Tào Mạt” (1994).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét