24 thg 8, 2020

Phân biệt Bài với Bản và Ca với Hát

Xưa nay ta thường nói "ca một bài vọng cổ" hay "hát một bản cải lương", thì các từ "ca", "hát", "bài", "bản" có ý nghĩa như nhau, nhưng đọc trong sách khảo cứu về âm nhạc dân tộc*, thấy Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê viết:

VÀI NHẬN XÉT VỀ BÀI "DẠ CỔ HOÀI LANG" MỘT HIỆN TƯỢNG TRONG CỔ NHẠC VIỆT NAM

Trước hết tôi xin mở ngoặc về hai chữ "bài" và "bản" chúng tôi đã dùng phía trên. Chúng tôi viết bài "Dạ cổ hoài lang" mà bản "Dạ bán chung thinh" vì lẽ ông Sáu Lầu, chẳng những đặt nhạc mà đặt lời ca cho bài "Dạ cổ hoài lang". Bài ca và bản nhạc. Bản "Dạ bán chung thinh" chỉ có nhạc mà không có lời. Mấy bài của ông Nguyễn Tri Khương sáng tác đều có nhạc lẫn lời, nên tôi tôi dùng chữ "bài".

Trong vọng cổ, cải lương, theo GS. TS Trần Văn Khê thì "bản" chỉ có nhạc mà không có lời, còn "bài" thì có cả nhạc lẫn lời.


GS. TS Trần Văn Khê viết tiếp:

Luôn dịp tôi xin các bạn độc giả lưu ý đến hai chữ "ca" và "hát".

"Ca" là tiếng Hán Việt, còn "hát" là tiếng Nôm. Những từ như "quốc ca", "thánh ca", "dân ca", "ca khúc", "ca trù" là những từ Hán Việt. "Hát" là tiếng Nôm. Những từ "hát bội", "hát tuồng", "hát chèo", "hát cải lương", "hát đúm", "hát ghẹo", "hát xoan" là tiếng Nôm. Chữ "ca", có thể dùng trong tiếng nói thông thường, như tôi "ca" một bài Vọng cổ, tôi "hát" một bài Quan họ. Thì hai chữ "ca" và "hát" có nghĩa hơi khác nhau một chút.

"Ca" dùng cho những bài ca có làn điệu nhất định, thường thì nhạc có trước lời ca, và lời ca phải đặt theo làn điệu. Như bài Hành vân, Tứ đại, có nét nhạc cố định, nên chúng ta nói Tôi "ca" bài Hành vân, bài Tứ đại, chớ không nói tôi "hát" bài Hành vân.

"Hát" dùng cho những bài trong đó nét nhạc không cố định mà tùy theo lời, như trong hát tuồng, hát bội, người ta dùng từ "hát khách", "hát Nam" vì các bài hát khách, hát Nam không có một nét nhạc cố định mà nét nhạc tùy theo thanh giọng của lời thơ, lời phú. Lời trong các bài Quan họ là thơ lục bát hay lục bát biến thể, lời trong mấy bài "hát nói" cũng được đặt trước rồi nét nhạc tùy theo lời thơ mà lên xuống bổng trầm.

Khi "ca" người ca ngồi yên một chỗ. Khi thêm một vài "bộ điệu" thì "ca tài tử" đã biến thành "ca ra bộ". Nếu ngồi yên mà ca người ta dùng chữ "ca tài tử". Mà khi lên sân khấu, có cử động nhiều, từ dùng là "hát cải lương".

Khi "ca" thì có đờn phụ họa, thường là loại ti trúc, đờn dây tơ, sáo trúc, chớ không có kèn thổi. Nhịp chỉ có phách, song lan (hay song loan), sanh, nhịp đều theo trường canh chớ không có tiếng trống, chiêng. Trong khi "hát" thì tiết tấu không đơn giản mà rất phức tạp, như nhịp phách hát Ả đào, nhịp hát Chèo so trống đé, mõ, thanh la v.v... phụ họa. Hát Bội, hát Tuồng thì có kèn thổi bao, trống chiến "đầu đường" hay "đồ đường" (tức là đồng la) đánh theo nhịp, theo những "chu kỳ", những "quận" rất phức tạp.

Thường thì chúng ta dùng các từ rất đúng, nhưng cũng có khi không để ý tưởng rằng, "bài" cũng như "bản", "ca" cũng như "hát", nên chúng tôi giải thích cho những bạn nào đặt câu hỏi tại sao khi tôi dùng chữ "bài", khi tôi dùng chữ "bản".

Đọc những ý kiến của một bậc thày về âm nhạc dân tộc trên đây, ta mới hay, tuy ngày xưa xã hội đã coi nghề ca hát, diễn tuồng tích là "xướng ca vô loại", nhưng mà để đạt được, hay hiểu được cái "vô loại" của "xướng ca" cũng toát mồ hôi và không phải là điều đơn giản.

Phạm Ngọc Hiệp blogspot

(H.Phi chuyển)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét