Áo xưa dù nhàu
Cũng xin bạc đầu
Gọi mãi tên nhau
(Trịnh Công Sơn)
Cũng xin bạc đầu
Gọi mãi tên nhau
(Trịnh Công Sơn)
Áo xưa là áo cũ, chứ không phải áo của vua quan triều Nguyễn ngày xưa, bày ra khoe cho Tây mũi lõ lé mắt coi chơi. Cũng không phải chiếc áo của anh dân quê hôm qua tát nước đầu đình/ bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen/ em được thì cho anh xin/ hay là em để làm tin trong nhà. Lại càng không phải chiếc áo yêu nhau cởi áo cho nhau/ về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay!
Đó chỉ là những chiếc áo đơn sơ bình thường của những người thân trong gia đình và của chính tôi đã mặc trong những ngày tháng cũ.
Cha tôi mất sớm, nên tôi không nhớ ông mặc gì: áo trắng, áo nâu, áo vạt hò hay áo sơ mi, chỉ nhớ có mỗi chiếc áo dài lương đen ông mặc một lần khi cúng khai tâm cho tôi.
Cúng khai tâm là cái lễ của những người ngày xưa học chữ nho. Đến thời chữ quốc ngữ, vì ông và cha tôi đều biết chút ít chữ nho nên vẫn giữ lễ để mở cái tâm đang đóng kín của tôi ra, như cách những người làm tượng khai quang điểm nhãn hay vẽ mắt sau khi đóng xong thuyền. Cũng nghiêm trang trịnh trọng lắm. Nghe đâu cha mẹ tôi trước đó không được “gần” nhau, còn tôi được cúp tóc ca rê, tắm rửa sạch sẽ, thay áo mới, đứng trước bàn thờ bày giữa sân lạy ba lạy, chẳng biết lạy thần gì chỉ thấy trước mặt một con gà luộc tươm mỡ đang nằm bẹp trên một cái đĩa to tướng, cùng với mấy tô cháo và đĩa xôi giữa làn khói nhang trầm đang uốn éo bay lờ đờ.
Rồi tôi được ăn nguyên một cái đầu gà, để học cho được sáng trí và mau tấn bộ. Còn cha tôi, áo dài cũng đã cởi, đang ngồi uống rượu cùng ông tôi và bạn của ông có chòm râu dài tới ngực. Dường như họ đang cầm cái chân gà không phải để nhậu mà để coi xem thần phán thế nào về tương lai học vấn của tôi. Có lẽ đó là cái chân của con gà ăn quẩn cối xay hay bị què, nên chuyện học của tôi chẳng đi đến đầu đến đũa, cứ lẹt đẹt gần chót bảng!
Mấy tháng sau, cha tôi bệnh thương hàn mà ngày đó chưa có thuốc chữa, ông tôi chỉ biết xì xụp lạy cầu xin tổ tiên cứu giúp, còn bà tôi thì niệm quán thế âm bồ tát xin phù hộ, nên ông không qua khỏi! Chiếc áo để lại cho ông tôi mặc trong những dịp tết, cúng giỗ hay cúng đình. Áo lương đen rất mỏng và thưa, nếu chỉ mặc một mình nó thôi thì người khác thấy cà da lẫn thịt (kiểu như quý bà quý cô sành điệu bây giờ mặc áo xuyên thấu! may mà không có mốt quần xuyên thấu!) Chiếc áo mỏng quá, sợ rách không giặt nên bị dán nhấm càng lúc càng nhiều, đến một lúc nào đó không thể mặc được nữa, bà tôi đem cất kỹ trong rương, coi như kỷ vật của đứa con trai duy nhất.
Chiếc áo quen thuộc thường ngày của ông tôi lại là một chiếc áo bành tô của hải quân Pháp, được ông anh họ có một bà vợ đầm lai, khi tản cư về làng, cho. Áo dệt bằng len thô trộn với tóc, dày gấp chục lần áo lương, mùa hè mặc rất xót, nhưng mùa đông lại rất ấm. Áo có cả chục hạt nút bằng đồng đen xỉn, mỗi hạt đều có hình mỏ neo.
Ông mặc chiếc áo đó từ năm 1945 đến 1965 vẫn chưa rách. Nó chỉ bị đốt cháy cùng với ngôi nhà. Sau đó, khi làng bị đốt trụi biến thành vành đai trắng, ông lén trở về và bị trực thăng bắn chết bên hàng dậu. Phải chi còn chiếc áo ấy đắp lên mình, chắc ông đỡ lạnh khi phải nằm dưới mộ sâu!
Chiếc áo mà tôi lúc nào nhớ tới cũng muốn khóc, là chiếc áo của mẹ tôi.
Mẹ là người đàn bà khổ cực nhất trên đời mà con được biết. Cha con chết lúc em mới 3 tháng tuổi, con nghe mẹ gào chứ không khóc, rồi mẹ thảy em cho con bồng, tập buôn tập bán, chạy chợ trên xuống chợ dưới, kiếm từng hạt cơm manh áo để nuôi chúng con.
Có lần mẹ đi chợ về, trông thấy con bế em vụng về như mèo tha dưa cải, mẹ đã quăng cả gánh hàng, nhào tới bế em, mẹ thì khóc còn em và con đều cười toe vì em có sữa và con có quà!
Một lần khác, chưa kịp vào nhà mẹ đã hối “múc cho mẹ gáo nước, đi con”. Cầm gáo nước, mẹ uống như người sắp chết khát, nước vừa chảy vào miệng mẹ vừa chảy trên ngực áo cũng đang ướt vì căng sữa, trong khi lưng mẹ cũng ướt đẫm mồ hôi vì phải chạy trên đường xa dưới cái nắng đổ lửa.
Chiếc áo bạc màu ấy, không chỉ một mà rất nhiều vì cả đời mẹ tôi luôn mặc như thế, và lúc này đây tôi đang khóc vì đang viết về những chiếc áo xưa cũ của mẹ.
Một chiếc áo khác, cũng rất đơn sơ, là áo của bà tôi. Áo nhuộm màu nâu, tay áo dính vôi và nhựa cau, vì bà thường lau miệng khi ăn trầu. Chiếc áo ấy làm tôi vui mà cũng nhiều khi làm tôi sợ, mỗi khi bà leo cau bẻ buồng và bắt chim sáo cho tôi. Trên cao tít, cái dáng mong manh của bà in lên nền trời xanh, là hình ảnh xúc động nhất thường hiện ra trong những giấc mơ của tôi.
Từ khi con trai chết, bà gần như chìm khuất dưới sắc màu toàn là nâu: áo nâu quần nâu, khăn bịt đầu cũng nâu, một màu nâu mộc mạc thật buồn.
Tôi cũng hãy còn giữ một chiếc áo sơ mi, nút xương bò nhưng dệt bằng tơ tằm, gọi là đũi, rất chắc. Đó là chiếc áo được may bằng máy chứ không may bằng tay như áo mặc thường ngày. Bà đã đem bao nhiêu kén do bà nuôi đổi cho người ươm tơ để lấy đũi về may áo cho tôi, khi tôi thi đậu vào lớp 5 tức là lớp 6 cấp hai bây giờ. Kiệt Tấn được mẹ may cho chiếc quần có hai túi trông cũng le lói lắm, tôi thì áo đũi nhuộm nâu, cũng rất sang chảnh đâu có thua gì.
Đây đúng là áo xưa vì đũi lúc nào cũng nhàu nhò, hãy còn được vợ tôi cất kỹ để khoe với mấy đứa cháu nội.
Vợ tôi cũng có một chiếc áo mà tôi rất thích, áo lụa màu tím than, mặc trong dịp vợ chồng cùng được mời đi họ trong lễ cưới cháu trai một người bạn. Ngày ấy, ba vòng chưa bằng nhau, nàng 50 xúng xính bên một ông chồng già 60, trông cũng nhỏ nhắn dễ thương, nhiều người cứ tưởng lầm là gái Huế.
Không phải áo của Bác, cũng không phải áo của hoàng hậu Nam Phương, nên chẳng chiếc áo nào được cho vào viện bảo tàng. Chỉ có trái tim tôi coi như một bảo tàng tư nhân sống, được cho vào một cách nâng niu đầy thương nhớ thương mà thôi.
Khuất Đẩu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét