Hôm nay 15 tháng 8, đúng 75 năm ngày Nhật hoàng Hirohito qua sóng radio tuyên bố chấp nhận mọi yêu sách của quân lực Đồng minh thể hiện qua Tối hậu thư Potsdam ngày 26 tháng 7 năm 1945. Thế chiến thứ II chấm dứt, đại diện Nhật ký vào văn bản "đầu hàng vô điều kiện" trước đại diện lực lượng Đồng minh trên chiến hạm Missouri của Mỹ neo trong vịnh Tokyo ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Đại diện "lực lượng Đồng minh", ngoài Mỹ là Thủy sư Đô đốc (tướng 5 sao) Chester Nimitz, còn có các tướng lãnh đại diện của Trung Hoa Dân quốc, Anh, Liên xô, Úc, Canada, Pháp, Hòa Lan và Tân Tây Lan.
Thống chế Tưởng giới Thạch, đại diện Trung Hoa Dân quốc, sau khi thỏa thuận các điều kiện với đồng minh Mỹ và Anh tại Cairo tháng 11 năm 1943 (qua Tuyên bố Cairo), chính thức ra "tuyên bố chiến tranh" với Nhật.
Nội dung Tuyên bố Cairo tháng 11 năm 1943 nhìn nhận yêu sách của Tưởng Giới Thạch về chủ quyền của TQ ở các lãnh thổ Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ.
Bởi lý do "có tuyên bố tình trạnh chiến tranh" giữa hai nhà nước Nhật và Trung Hoa Dân quốc, do đó Nhật đã ký với chính quyền Trung Hoa ở Đài Loan (mà không ký với chính quyền cộng sản ở Bắc kinh) 28 tháng 4 năm 1952 "Hiệp ước hòa bình".
Dĩ nhiên, tất cả những vấn đề liên quan đến lãnh thổ giữa Nhật và Trung Hoa, như các tài liệu "có hiệu lực pháp lý", phải đến từ hai bên "liên quan", đó là Trung Hoa Dân quốc với đại diện ở Đài Loan và Nhật.
Năm 1972 Trung Hoa lục địa và Nhật ký lại "Hiệp ước Hòa bình và hữu nghị". Từ cái tên đã có vấn đề. Nhà nước Trung Hoa đại diện ở Bắc kinh chưa hề có "tuyên bố chiến tranh" với Nhật. Trong suốt cuộc chiến Trung-Nhật 1937-1945, lực lượng cộng sản của Mao Trạch Đông chỉ tập trung đánh với quân Quốc Dân đảng của Tưởng Giới Thạch.
Cộng sản TQ không đánh Nhật, cũng không tuyên bố chiến tranh với Nhật. Ký "hiệp ước hòa bình" với Nhật là điều trái khoáy.
Lại càng "ngang ngược" khi nhà cầm quyền Bắc Kinh loại bỏ các văn bản pháp lý ký kết giữa Nhật và Trung Hoa Dân quốc, thế vào đó yêu sách "bành trướng lãnh thổ" của Bắc kinh.
Các yêu sách về "quyền lịch sử", quyền kinh tế và tài phán đối với "vùng nước chung quanh", cũng như "chủ quyền tứ sa" giới hạn bởi "đường chín đoạn" hiện nay của Bắc Kinh, bắt nguồn từ một bản đồ vẽ năm 1948. Vấn đề là bản đồ này phát hành bởi nhà nước cộng hòa của Tưởng Giới Thạch.
Hiển nhiên nhà nước "có thẩm quyền" diễn giải bản đồ này là nhà nước Dân quốc ở Đài Loan. Bản đồ này chỉ có giá trị pháp lý khi nó được qui chiếu vào nội dung các hiệp ước quốc tế mà Trung Hoa Dân quốc đã ký, như Tuyên bố Cairo 1943, Tối hậu thư Potdam tháng 7/1945 và sau đó là Hòa ước 28 tháng 4 năm 1952.
Tất cả các văn bản pháp lý vừa kể không có nội dung nào nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Hoa. Nội dung Hòa ước San Francisco năm 1951 không chỉ định số phận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về nước nào. Tức là HS và TS trở thành "đất vô chủ", các quốc gia có thể chiếm hữu và tuyên bố chủ quyền. Hành vi của Pháp trên thực địa từ tháng 3 năm 1946 và Tuyên bố của Thủ tướng Trần Văn Hữu trong Hội nghị San Francisco về vấn đề HS và TS, là các hành vi phù hợp với luật lệ và tập quán quốc tế về việc khẳng định chủ quyền HS và TS thuộc VN.
Các điều này nói lên rằng tất cả các tuyên bố cũng như các hành vi của Bắc Kinh liên quan đến HS và TS từ trước đến nay đều không hợp lệ.
Trở lại Tối hậu thư Potsdam tháng 7 năm 1945, đưa đến sự chấp nhận vô điều kiện của Nhật Hoàng 15 tháng 8 năm 1945. Có một yêu sách của phe Đồng minh ghi trong nội dung mà rất ít khi các sử gia, nhà nghiên cứu... để ý tới. Đó là điều kiện ghi ở đoạn thứ 6:
"Phải loại bỏ vĩnh viễn quyền lực và ảnh hưởng của những kẻ đã lừa dối và đưa người dân Nhật Bản vào sai lầm trong việc chinh phục thế giới. Chúng tôi khẳng định rằng một trật tự mới của hòa bình, an ninh và công lý sẽ không được thiết lập nếu chủ nghĩa quân phiệt vô trách nhiệm không bị tiêu diệt".
Điều ít khi thấy nói tới là dân Nhật đã bị ai "lừa dối" và "lừa dối" về cái gì?
Nếu ta truy tìm nguồn gốc vì đâu Nhật đổ công của để xây dựng một "đế quốc" trên nền tảng "quân phiệt" thì sẽ thấy rằng "tự ái chủng tộc" là một lý do.
Sau Thế chiến thứ Nhứt, bên thắng trận, trong đó có Nhật, họp nhau lại ký hiệp ước với Đức, gọi là Hòa ước Versailles. Nội dung hòa ước, phần quan trọng là bắt nước Đức thua trận phải bồi thường. Một điều bên lề trong hội nghị Versailles 1919 là Nhật có yêu sách "ngoại lệ", từ nay dân Nhật được hưởng những "quyền" tương đương với dân da trắng. Trong đó có quyền đi lại ở các quốc gia khác. Thời đó dân "da màu" bị xem là một giống dân "hạ đẳng". Yêu sách của Nhật bị các cường quốc bác bỏ.
Điều này làm cho Nhật phật lòng. Lãnh đạo Nhật xem đó là một sự xúc phạm đến dân Nhật. Từ đó ý chí quyết tâm phục thù trỗi dậy trong hàng ngũ trí thức Nhật. Điều này trở thành hành động qua chính sách "Đại Đông Á" và việc gây chiến với Mỹ qua trận Trân Châu cảng.
Thời gian sau này ta thấy TQ của Tập Cận Bình cũng có những hành vi tương tự như Nhật, sau khi bị "tổn thương" bởi những "tấn công" bằng ngôn từ của dân tộc các nước, nhứt là từ TT Trump nước Mỹ. Chắc chắn là trong khối dân tộc Hoa, không kể đảng viên CSTQ, từ tài phiệt cho tới trí thức, một số lớn cảm thấy bị tổn thương, danh dự bị xúc phạm.
Chủ nghĩa da trắng ưu việt của Trump đang lên ở Mỹ cùng với chủ nghĩa quân phiệt bành trướng của TQ. Chắc chắn thế giới sẽ bước vào một giai đoạn biến động mới, khốc liệt, không khác hai cuộc đại thế chiến trong qua khứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét