25 thg 8, 2020

Em Dìn, - Hồ Dzếnh 1942

H Dzếnh * 1942
                                        Hà Trung, Thanh Hóa, chánh quán Nguyễn Phước Tộc
Image may contain: 1 person

Trong số những người đọc tôi hôm nay, ít nhất cũng có đến một trăm người quen em gái tôi. Tôi nói một trăm, vì muốn để cho em tôi đỡ tủi, khi mưa xuân lướt về trên những mái nhà đầm ấm, và nắng xuân chợt bừng qua kẽ lá như ánh sáng chiếu lại từ những tấm lòng của các thiếu nữ đương tơ. Ngót bảy năm nay, chúng tôi xa nhau, ai biết em tôi đã qua bao nhiêu cuộc thử thách, người con gái vốn đã gầy yếu sẵn khi còn ở chung với chúng tôi? Và cả em nữa, em anh ạ, biết đâu em sẽ lại chẳng đọc anh, đọc chính em, ngạc nhiên thấy đời em giống in như thiên truyện anh viết, và hết cả hồ nghi khi nhìn đến cái tên ký thân thiết dưới này. Nhưng em sẽ ở đâu đọc anh, gần anh, xa anh, hay không còn gần và xa anh nữa, trên đời này? Xuân đến! Mưa bay! Người ta bảo nhỏ anh rằng trong tháng Giêng tốt lành sẽ có nhiều đám cưới. Anh không tin, mà tin làm sao, vì qua ánh sáng ngày xuân, anh vẫn thấy lòng buồn vô hạn.
* * *
Sau bốn năm ba tôi mất, trước hai năm tôi lên tỉnh học, em gái tôi, tôi nhớ đúng thế, vào đời. Cuộc đón rước đầu tiên ở ngưỡng cửa đời sống là một cuộc hò hẹn giữa em tôi và người bạn trai của em. Năm đó, em tôi mười lăm tuổi. Như thế em tôi còn là chậm biết đời nếu so sánh với những thiếu nữ bây giờ mới mười ba tuổi đã tỏ ra lịch lãm. Những khách nợ lâu đời nhất của dì ghẻ tôi - em tôi và tôi là đôi con cùng cha khác mẹ - được em tôi lục ra và đi đòi hết. Em tôi trang điểm cẩn thận trước khi đi, và đi thật lâu. Tôi còn nhớ mùi nước hoa lần đầu em xịt lên tóc, một thứ hương vị ảo não đặc biệt cho mũi tôi lúc bấy giờ. Dì tôi nhìn em trang điểm thì gắt nhưng không phải là đe nẹt, mà lại ngụ ý khen. Riêng tôi, tôi nhận thấy em tôi đã đổi khác. Người con gái họ Hồ đó có lẽ sắp làm nên chuyện gì phi thường đây. Thành thử, hễ em tôi đi đòi nợ, là tôi trốn học đi theo. Chúng tôi “đuổi” nhau qua nhiều phố, cuối cùng, em tôi đến “đòi nợ” một người con trai nhỏ nhắn, xinh đẹp, đứng đợi em ở một phố vắng vẻ vùng ngoại ô. Ai đã từng có một người em gái tự do, tất hiểu lòng tôi lúc đó, một nửa căm giận, một nửa e thẹn, chỉ sợ em biết được anh tò mò dò theo.

Sự bắt được tang chứng kia càng làm tôi phục ba tôi là thông minh, khi một hôm, no thuốc phiện rồi, người nhắm mắt lại, rồi lại mở mắt ra, bảo với tôi đương loay hoay định ăn cắp một cái bánh ngọt trên khay:
- Ba biết con thèm ăn bánh lắm, nhưng sao con không xin ba? Ba đương mải nghĩ về em Dìn của con. Ba chỉ sợ sau này nó hư. Tướng nó không được tốt lắm. Chỉ có anh Hai con là tử tế thôi.
Tôi nũng nịu bảo ba tôi:
- Thế con không tử tế à ba? Lúc nào ba hút thuốc phiện chẳng có con ở ngay bên là gì. Còn anh Hai thì chỉ biết chạy đi chơi.
- Phải, con tử tế với mấy cái bánh. Nhưng thôi, các con nhờ trời cũng khá cả, cái đứa hư nhất ba sợ là con Dìn.

Và ba tôi đã nói đúng. Tôi cũng nghĩ đúng. Một dịp cho tôi khoe cái tài trinh thám với anh tôi:
- Đố anh biết đi đòi nợ là gì?
- Là đi bắt nợ, là đi thúc nợ.
- Là...
Tôi vít cổ anh tôi xuống, nói khẽ:
- Là đi với trai, em Dìn nó đi với trai đấy.
Anh tôi còn trẻ, nên cũng hăng hái hỏi tôi:
-Thật à? Bé thấy con Dìn ở đâu? Hay ai bảo? Nói mau lên, anh sốt ruột nghe lắm rồi đây!
Tôi kỹ càng thuật lại chuyện và cười bảo anh tôi:
- Anh em mình được như cái thằng cu ấy, cũng thích đấy nhỉ.
Ngày hôm sau, chúng tôi lại đi rình, và lại bắt gặp em gái tôi. Nhưng chúng tôi chỉ trông nhau mà không ai dám ra đánh mắng người con trai như ở nhà đã định. Mãi đến sau này, tôi mới kịp nhận thấy chúng tôi nhát gan và vô lý, nhưng lúc tỉnh ngộ như thế, thì em gái tôi đã vào đời!

Gia đình tôi là cuộc phân tranh ngấm ngầm và ra mặt giữa hai phe. Mẹ tôi và dì ghẻ tôi đánh nhau luôn, nhất là từ ngày ba tôi mất. Dì ghẻ tôi đã nhanh nhẹn chiếm được hết của cải của ba tôi, và khôn khéo sang tên dì ngay từ hồi ba tôi còn sống. Mẹ tôi không có cái gì cả, ngoài ba thằng con trai phải nuôi, và cái bàn thờ của ba tôi phải dọn sửa. Mẹ tôi bảo dì tôi là con một đứa hái củ nâu. Dì tôi chối phắt cái gốc tích ấy đi, và trả lại cho mẹ tôi hai tiếng “lái đò”. Rồi hai người đánh nhau. Anh Cả tôi chạy can hai người ra, anh Hai tôi đóng cửa cho hàng phố khỏi thấy, còn em tôi và tôi thì khóc. Chúng tôi không biết ai phải, ai trái, nhưng chúng tôi người nào bênh mẹ người ấy. Em gái tôi phân bua với tôi:
- Mẹ anh tồi quá, cứ đánh mẹ em luôn.
- Mẹ em tồi ấy. Cậy có của lộng quyền.

Giữa hai chúng tôi có một cái gì ngăn trở. Chúng tôi tuy cùng ở chung một nhà, ăn cùng mâm, nhưng thực ra thì xa cách. Mẹ tôi tìm đủ cơ hội để dìm dì tôi xuống, và cố nhiên, như bắt được một thứ khí giới độc ác và mầu nhiệm, người vin ngay lấy câu chuyện theo trai của em tôi để nói bóng gió. Hôm hai người cãi nhau, tôi được gọi ra làm chứng. Tôi thấy dì tôi ngồi trên sập, trước mặt một cái tráp trầu không vỡ đổ, nghiến răng hỏi tôi:
- Có thực chính mắt anh trông thấy con tôi theo trai không?


Tôi không đáp và đưa mắt nhìn em gái tôi đứng thút thít khóc ở xó nhà vì vừa bị mấy cái tát. Tiếng dì tôi vẫn dằn mạnh:
- Anh cứ nói đi để tôi đánh tan xác nó ra, đồ không có người dạy!
Mẹ tôi xen vào:
- Đừng có nỏ mồm. Bảo ai không có người dạy? Không được chạm đến con tôi!
Giữa lúc tôi chưa biết nói làm sao cả, thì em gái tôi chắp tay đưa lên bụng, kín đáo lạy tôi mấy cái. Lòng thương một người con gái yếu ớt làm tôi quên hẳn sự hiềm khích giữa người trong nhà. Tôi đáp rất gọn:
- Không, con nói dối đấy chứ!
Tức thì dì tôi vênh mặt lên:
- Nghe nữa đi, nghe cái đồ nói dối nữa đi!
Và tức thì hai cái tát của mẹ tôi cháy bỏng trên má tôi:

- Ai dạy mày nói điêu, mày hai lưỡi!

Nhưng tôi lại chỉ còn có một lưỡi, khi ngồi ăn cơm với mẹ tôi:
- Đúng là con Dìn đi với trai, mẹ ạ. Ban nãy nó lạy con đừng nói.
Mẹ tôi lườm tôi và im lặng.

Một chiều kia, đi học về, tôi ngạc nhiên thấy em gái tôi bị trói chặt như con lợn nằm ngoài sân, nhăn mặt dưới những vụt roi mây chập ba lại. Bên cạnh em, những tờ thư vất bừa bãi, cái xanh, cái tím, cái vàng, cái lá mạ. Dì tôi sai anh Hai tôi đọc to lên từng cái một. Mỗi lần một bức thư đọc dứt, là một lần roi mây vụt xuống đít em tôi. Tôi ngẩn người nghe cái giọng nói khôn khéo ngọt ngào mà tôi được biết lần thứ nhất. Nó lọt tai và mát lòng quá. Đôi khi người con trai gọi em tôi là “quý nương” và tự xưng là “kẻ này”. Tôi giấu một bức thư vào túi rồi đem ra học thuộc lòng. Em tôi chắc không muốn nghe lắm, nên nhắm mắt lại. Thực không gì đẹp bằng yêu nhau, xấu bằng yêu nhau!
- Đấy, em anh, anh xử lấy. Bây giờ ba nó đã chết rồi, tùy anh định liệu.
Anh Cả tôi vốn hùng hổ nên đáp:
- Gọt gáy bôi vôi, đem trôi sông nó đi!
Em tôi nghe hai tiếng “trôi sông” thì nức nở khóc. Dì tôi nóng mắt, cúi xuống, giật từng cái áo của em mặc ra. Đột nhiên không ai bảo ai, ba anh em chúng tôi cùng quay mặt đi. Riêng tôi, tôi thấy nổi dậy trong lòng nỗi công phẫn đối với cách giáo dục tàn nhẫn kia. Và suốt đời, tôi không quên được cái thảm cảnh của một người con gái bị xử ngược chỉ vì phạm một tội rất thông thường là yêu vì nhẹ dạ. Sự đó rất có ảnh hưởng đến đời tình ái của tôi, một cuộc đời chỉ toàn thấy những dang dở vì lẽ tôi không biết giữ trong tay những hạnh phúc mau biến.

Sau trận đòn hôm ấy, em tôi trở nên buồn bã. Cuối cùng, dì tôi nhốt em tôi vào một cái buồng tối, khóa kỹ, chỉ cho giao tiếp với bên ngoài qua cái cửa sổ nhỏ. Tôi linh cảm rằng, tuy chúng tôi đã được yên lòng về cách nhốt em tôi như thế, một sự gì nghiêm trọng vẫn lảng vảng quanh nhà chúng tôi. Quả nhiên, một đêm kia thức dậy, tôi đứng ở trên gác nhìn xuống đường phố, chợt thấy một bóng người động đậy trong bóng cây. Ngay lúc đó, cánh cửa dưới nhà kêu lên, và người vú già tay cầm một tờ giấy trắng tiến lại phía cái bóng. Tôi ngẫm nghĩ và hiểu biết. Sáng mai, tôi chạy xuống nhà, lại căn buồng nhốt em gái tôi, bảo em:
- Sao em dám đưa thư cho vú già đem cho cái thằng nào đấy?
Em tôi đáp lại bằng một giọng cương quyết, rắn rỏi, một giọng nói làm tôi rùng mình, không ngờ có thể có được ở trên môi người con gái mới mười lăm tuổi:
- Tại vì... em nhớ người ta quá!
- Thế em không sợ người nhà đánh à?

 Cầu Hàm Rồng xưa, Thanh Hóa
- Trừ phi anh nói. Nhưng em biết anh tử tế, chắc chẳng bao giờ anh muốn em khổ hết; anh còn nhớ ngày nào chúng ta giữ trâu và ăn ổi với nhau không?
Tôi không quên được ngày đó. Nó là cái kỷ niệm đẹp đẽ của đời tôi mà em tôi vừa nhắc lại. Một cánh đồng cỏ xanh mượt nằm ngủ dưới chân đồi, mới ba giờ chiều đã mờ, vì bóng núi che khuất mặt trời đổ lên đó. Chúng tôi thả trâu cho tự do ăn cỏ, lòng thanh thản dưới một bầu trờisáng đẹp. Đôi lúc tiếng sáo của dân 

Mường từ xa vẳng lại, là những thanh âm độc nhất hiu hắt trong cái rộng rãi, cô quạnh của linh hồn. Chúng tôi đánh trâu bò lên đồi vào lúc mờ sáng, và trở về nhà khi nắng vàng chỉ còn nửa đốt ngón tay trên đầu bụi trúc.
Đàn vật nối nhau theo hàng một, từ trên đồi uể oải xuống, làm thành một cái dòng màu xám chảy chầm chậm trong ánh mờ nhạt của hoàng hôn.
Ngoài mấy người con gái mà tôi mến rất nhẹ nhàng và rất kỳ dị, em tôi là người bạn nhỏ hiền hậu của tôi ngày ấy. Chúng tôi cùng để lòng ước mong những chuyện không thể có, em tôi mơ được một căn nhà ngói dựng trên đồi, và tôi khờ khạo hơn, giản dị hơn, được bình yên chăn trâu trọn kiếp. Hai tôi lấy hoa sim cài lên đầu, lên áo, và cùng cho rằng hương hoa sim thơm, tuy thực ra nó vô cùng nhạt nhẽo. Chính ở cái chốn mà mây gió còn giữ nguyên màu dĩ vãng đó, chúng tôi lớn lên hồn nhiên giữa bài thơ tưng bừng của sự sống, hồn nhiên nhận biết cái tang máu mủ lần thứ nhất xảy ra trong cuộc đời chúng tôi: ba tôi mất. Cái chết lặng lẽ của người trái hẳn với tháng ngày sôi nổi người sống, làm nhiều khi tôi sinh lòng ngơ ngẩn trước thiên luật không thể cưỡng lại gieo xuống muôn loài. Đời sống lôi cuốn chúng tôi về những hoàn cảnh khác. Chúng tôi đau đớn thấy mây gió ngày xưa dần dần xa vắng bên những giấc mộng chỉ còn là nỗi thương tiếc nức nở giữa cuộc đời.
Người con gái ngây thơ, vô tội là em tôi ngày xưa, bây giờ đang yêu thắm thiết, yêu mê say và đang phác họa trong óc những bước đường liều lĩnh sau này. Một sáng, giấc mơ của tôi bị cắt đứt vì mấy tiếng kêu hốt hoảng của dì ghẻ tôi:
- Trời ơi, con Dìn nó trốn mất rồi!
Tất cả mọi người cùng chạy vội lại bên dì. Gian buồng nhốt em tôi đã từ bao giờ bật khóa. Rương của em tôi bị nậy nắp, bao nhiêu áo quần cũ, mới đều mất hết. Tôi chợt nhận thấy, trước quang cảnh đó, một sự gì hoang vắng lạ lùng, một nỗi gì lạnh lẽo không hẳn buồn rầu, nhưng kinh ngạc. Dì tôi lăn mình vật vã khắp nhà. Anh Cả tôi suy nghĩ về cách trốn đó. Anh Hai tôi thông minh hơn, chạy tìm em ở khắp các xó giường giăng đầy mạng nhện. Tôi thì chỉ biết yên lặng. Bỗng tôi để ý đến đôi mắt của ba tôi trong bức ảnh đặt trên bàn thờ, đôi mắt như quắc nhìn tôi. Nét mặt người buồn vì sám. Tôi ngờ như có sự trách cứ huyền bí nào đó, sự trách cứ chính đáng gieo xuống tôi, vì tôi là một kẻ phạm tội: tôi đã quá dung thứ sự thầm lén của em gái tôi.

Cuộc trốn đi được ngót ba tháng, thì một hôm, chúng tôi nghe tin em Dìn bị người con trai từ bỏ. Sự đoạn tuyệt đột ngột đó rất phiền phức và khó hiểu với tôi. Nhưng anh Hai tôi lại tỏ ra rất tường tận, kinh nghiệm. Anh giảng cho tôi biết:
- Đại phàm yêu nhau mà lấy nhau là hỏng.
- Thế yêu nhau mà không lấy nhau là không hỏng à anh?
- Cái đó còn tùy mỗi người một duyên số!
Câu triết lý vu vơ của anh tôi thế mà đúng. Người ta yêu nhau chỉ để yêu nhau. Lấy nhau tức là tham lam, ích kỷ. Mà đã yêu nhau, sao lại không thể can đảm xa nhau, không thể cao thượng chịu dứt cái tình đau đớn được? Ái tình, mà cái tên thứ hai ở thế gian này là đau khổ, không bao giờ cho phép người ta được thỏa nguyện. Chỉ có cha mẹ mới có quyền định đoạt được cuộc đời của con, và “Trời” muốn thế, vì các bậc đã phải mang nặng đẻ đau, ắt được đền bằng một bài tính đố chính họ tìm lấy con số đáp! Xa nhau là yêu nhau thêm lên, vì hai trái tim vẫn tưởng nhau đẹp đẽ, nghĩa là vẫn sung sướng đánh lừa được nhau, vẫn mơ hồ và... tưởng tượng! Em gái tôi không hiểu thế sự, dám liều lĩnh đem cái tuổi mười lăm của mình ra thử thách một chuyện vượt lên trí óc, dại dột đem mình làm gương cho người sau, cho tôi.

Em tôi đi được ba tháng thì dì ghẻ tôi cũng đi theo. Người đàn bà này đường hoàng đi ra bằng lối cửa chính, đem theo tất cả những của cải mồ hôi, nước mắt của ba tôi. Người khách thương ba mươi năm trời lăn lộn để gây chút sự nghiệp mong manh, không biết lúc này, ở thế giới bên kia, có thấy rằng, chỉ những cuộc hôn nhân chính đáng mới tạo được nên những người vợ hiền và con chính đáng? Còn những sự lấy nhau vì nhục dục, vì tham vọng, chỉ là cách tự thỏa mãn và không có nghĩa gì?

Từ bao lâu nay, tôi vẫn tin rằng mẹ tôi sung sướng. Nhiệm vụ một người vợ hiền, mẹ đảm Việt Nam đã được làm trọn vẹn, và danh vọng xứng đáng ấy được lấp lánh ở một chỗ cao quý nhất trong trái tim người. Cái phần thưởng đến với người tuy quá chậm và khó, nhưng chính sự khó và chậm ấy đã khiến tôi yêu mến nước Nam của tôi bằng một tấm lòng trọng đại, một mối tình vô song, nhất là quê hương thứ hai của tôi lại không được huy hoàng rực rỡ!

Một năm trôi qua. Mùa xuân đến. Chúng tôi đón Tết trong nhà nhỏ, ba anh em cùng ngồi quây quần bên mẹ, quanh một nồi bánh chưng sôi. Gió bên ngoài rét lắm, lật trái những tấm lá thấp thoáng trong ánh lửa từ bếp chiếu ra. Mưa rơi ngoài cửa. Bàn thờ ba tôi sáng trưng lên dưới một hàng nến đỏ nghiêm chỉnh như một toán quân đi chào cờ. Mắt mẹ tôi long lanh ướt. Người nhìn vào bếp lửa, đầu gối giơ cao để che lấp đôi mắt, chăm chú giở củi, nhưng thực ra là để che sự cảm động. Giữa lúc đó, người vú già ghé vào tai tôi:
- Cậu ra cho cô Dìn hỏi. Cậu ra một mình thôi!
Tôi ngạc nhiên đứng dậy, nói thác với mẹ tôi là đi tiểu rồi mở cửa bên chạy ra đường. Tôi thấy em tôi đứng nép dưới hiên một nhà người hàng xóm, rét run cầm cập. Tuy không trông rõ mặt và người em, nhưng tôi cũng biết được em gầy và yếu đi nhiều lắm. Em tôi nhìn tôi rồi hỏi:
- Anh ra có ai biết không? Mẹ em làm gì đấy?
Tôi giấu chuyện dì tôi bỏ nhà đi, và đáp:
- Không ai biết cả, vì anh nói dối anh đi tiểu. Cả nhà đang nhớ em, sao em không vào?
- Anh đừng nói cho ai biết em về nhé! Em van anh đó. Em xấu hổ lắm. Em lại đây thăm nhà vì em nhớ mẹ, nhớ các anh.
Tôi nghẹn ngào bảo em:
- Thôi em cứ về. Mẹ em năm nay ăn Tết ở nhà ông ngoại. Chả ai đánh em nữa đâu.
Nước mắt em tôi trào ra, em nức giọng:
- Không, em không vào. Em đến chúc Tết anh là đủ. Xong, em đi...
Tôi hốt hoảng:
- Em đi đâu?
- Em vào Sài Gòn. Mười giờ tối hôm nay có tàu. Em chỉ còn ở đây được hai giờ nữa thôi. Năm nay anh có được nhiều tiền phong bao không? Chắc bánh chưng ở nhà ngon lắm nhỉ?
- Ừ ngon lắm, em vào mà ăn!
- Em đã bảo em không vào mà lại! Em lại đây cốt được trông thấy anh, và xin anh... mấy xu mừng tuổi gọi là nhớ lại ngày nào anh mừng tuổi em!

Tôi sờ vào túi, móc ra được năm đồng xu, ngần ngại đưa cho em tôi.
- Anh nghèo lắm em ạ.
Em tôi đón lấy số tiền, và cười đau đớn:
- Thế là nhiều rồi anh ạ. Thôi em đi nhé!
Nói dứt, em tôi lủi vào bóng tối, trong lúc tôi chợt nhớ ra, hỏi với:
- Em... em vào Sài Gòn với ai?

Tôi bước vào nhà buồn bã, sau khi đưa ống tay áo lên quệt nước mắt, giữa lúc mẹ tôi đã đứng dậy thắp hương trên bàn thờ ba tôi, vì tiếng pháo giao thừa bắt đầu nổ. Xuân về!
Mẹ tôi yên lặng khấn khứa, đoạn quay lại phía chúng tôi, giọng nói của người như nhắc lại cả một dĩ vãng thiếu tươi đẹp:
- Không biết con Dìn năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ?
Hồ Dzếnh
🌺🌺🌺🌺
Viết về Hồ Dzếnh
Thái Tú Hp  ***Nhà thơ tài danh Hồ Dzếnh đã nằm xuống vĩnh viễn ngày 13-8-1991, khi tuổi thọ vừa 75. Sau khi được tin ông ra đi, Hà Nội đã rầm rộ mang đầy hoa đến phúng điếu, đăng tin trên khắp nhật báo, tạp san văn học, cùng với những bài viết ca ngợi Hồ Dzếnh như một thiên tài của Đất Nước. Trong lúc ông còn sống, chỉ là một công nhân thợ đúc thép Gia Lâm tầm thường, nghèo khổ, ngày ngày đi về căn gác nhỏ, thầm lặng như một tội đồ, không một ai thương tiếc.*
Mai Tho  ***Trong cái thế giới ngột ngạt bít bưng tức thở của những tháp ngà tiền chiến như những phần mộ lạnh buốt, thơ Hồ Dzếnh hơn cả Xuân Diệu và theo tôi, hơn cả Nguyễn Bính đầu mùa, là những xâu chuỗi lanh lảnh nhạc vàng gõ vui từng nhịp nắng trên mênh mông đài trán thiên nhiên. Tôi nhớ mãi cái cảm giác của tôi, 20 tuổi, tiếp nhận một tập thơ còn trẻ hơn hồn mình phơi phới, một tập thơ cỏ non lả lả, một tập thơ cốm mới đậm đà, một tập thơ mười tám cái xuân đầy, đọc mỗi câu tưởng như có mật, có đường ngọt trong cổ. Thơ Hồ Dzếnh là cái trạng thái ngu ngơ mà chủ đề là tình yêu và ánh sáng. Ngó thật kỹ, Quê Ngoại không hằn một nếp nhăn. Với tôi, một tập thơ đầu tay phải như thế. Phải có cái khí thế vạm vỡ của sức sống như một vươn tới, cái vóc dáng của tình yêu như một kín trùm dào dạt. Dẫu cho lỡ cả thiên đường, thì xin một nửa tấc vườn vắng hoa. Hồ Dzếnh không làm thơ đâu. Thơ đã có, đâu đó, trên mây, trên cành, trong nước chảy dưới chân cầu,trong không khí, thơ một thuyền đầy, thơ một chuyến lớn chở Hồ Dzếnh đi vào thênh thang tiếng nói…” *

🌿🌿🌿🌿🌿
Mời Nghe 1 Bài thơ Của Hồ Dzếnh Do Dương Thiệu Tước Phổ Nhạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét