♦ Chuyển ngữ: Trần C. Trí
Lời giới thiệu của người dịch: Miguel Gomes sinh năm 1964. Ông theo học các Đại Học Coimbra (Bồ Đào Nha), Đại Học Trung Ương Venezuela và Đại Học Stony Brook ở New York, nơi ông nhận bằng tiến sĩ văn chương Mỹ La Tinh. Từ năm 1993, ông giảng dạy tại Đại Học Connecticut. Trong các dự án văn chương, ông cố tình không bao giờ viết một cuốn tiểu thuyết nào, mặc dầu bạn bè hay đồng nghiệp vẫn thắc mắc khi nào ông mới thực hiện việc đó. Đối với ông, truyện ngắn tự nó đã là một cứu cánh, vì cách ông viết truyện ngắn rất gần gũi với thi ca. Truyện ngắn dưới đây được viết bằng tiếng Tây Ban Nha, pha lẫn một phần bằng tiếng Bồ Đào Nha, kể cả tựa đề Um fantasma português, com certeza, được trích trong tập truyện De fantasmas y destierros (tạm dịch: Bóng Ma Và Lưu Đày), xuất bản lần đầu vào năm 2003. Người dịch giữ lại những phần đối thoại, thơ và từ ngữ bằng tiếng Bồ Đào Nha trong nguyên tác (kèm theo phần dịch ra tiếng Việt) để tôn trọng chủ ý muốn diễn tả không khí tách biệt về ngôn ngữ và văn hoá giữa tác giả và người cha của mình. – Trần C. Trí
Hồn ma của ba tôi hiện ra trước mặt chúng tôi lần đầu tiên là ba giờ đồng hồ sau khi ông được chôn cất. Ông ngồi trên chiếc sofa trong phòng đọc sách với một cuốn sách đang mở ra, đặt trong lòng, bên cạnh là ngọn đèn đang bật sáng (tôi cũng không hiểu vì sao: lúc đó mới năm giờ chiều, và ba tôi khi sinh tiền lúc nào cũng rất tằn tiện). Nghe tiếng ông kéo tẩu sòng sọc, tôi tiến về phía phòng đọc sách, nghĩ rằng chắc mình sẽ thấy ông trong đó: thú tiêu khiển ưng ý nhất của ông là ngồi trong một góc để hút thuốc.
– Quando voltamos à Madeira? ‘Stou farto desta terra e desta gentaça: barulho e calor é o único que têm. Além disso, as ruas estão a ficar cheias de toirões e ratazanas. Caracas já não é cidade… é uma toca. (Chừng nào chúng ta trở về Madeira đây? Ba chán cái nơi chốn hôi hám này lắm rồi, lúc nào cũng ồn ào và nóng nực. Đường phố thì đầy dẫy lũ chồn chuột. Caracas không còn là một thành phố nữa… mà chỉ là một cái hang thú).
Lũ chồn chuột mà ba tôi nói đến là một số chính trị gia, nhưng tôi hẵng gác chuyện này qua một bên đã. Má tôi đi theo tôi vào phòng. Bà đã sẵn sàng cho một cuộc tranh cãi rất thường xuyên xảy ra với ba tôi. Lần này là về việc ông hút thuốc trước mặt Rui, đứa con trai mới lên tám tuổi của tôi:
– Joga fora o cachimbo! (Ông vứt ngay cái tẩu thuốc coi!)
– A certidão de casamento é que vou deitar no lixo… (Tôi sắp sửa vứt tờ hôn thú thì có…)
Mặc dầu những va chạm trong cuộc sống hôn nhân chưa bao giờ được giải quyết, chỉ năm phút sau là chúng đã tan biến. Ba mới chết đây thôi, nhưng gặp ông má vui lắm. Tất nhiên là bà không để cho ông biết được, e rằng ông sẽ thừa thế mà ngang tàng hơn.
– A sua bênçoa, vovô. (Ông nội ơi, ông chúc lành cho cháu đi!)
– Deus te abençoe. (Ừ, xin Chúa chúc lành cho cháu của ông).
Rui đã lẻn vào phòng tự lúc nào và như mọi lần, nó xin ông nội chúc lành. Ba tôi—một người vô thần chính hiệu—đành phải miễn cưỡng chúc lành cho nó, một phần có lẽ vì chiều cháu, một phần khác—vốn là một người cộng sản trung kiên— có lẽ vì ông muốn che giấu một cách vụng về những hấp dẫn của thần quyền. Theo chỗ tôi biết, ba tôi quê ở Bragança, nơi những lời chúc lành không còn dùng để chào hỏi nhau nữa. Thói quen này chắc ông đã nhiễm trong thời kỳ hoạt động bí mật ở Madeira, đồng thời cũng từ má tôi, một người gốc miền đảo, cố chấp và cổ hủ, suốt đời chỉ ép ông học kinh thánh.
Gia đình tôi đến Caracas năm tôi mười một tuổi. Mật vụ Salazar1 buộc ba tôi làm giả giấy tờ tuỳ thân để rời đất liền trốn ra miền đảo. Thời gian trôi qua, ba tôi lập nghiệp, cưới vợ, mua nhà và tôi ra chào đời. Sau đó, ông nảy ra sáng kiến thảo ra và phân phát những tờ truyền đơn bí mật. Chẳng bao lâu ông đã bị theo dõi và—o Guilherme bragantino (ông Guilherme xứ Bragança)—như bạn bè thường gọi ông, phải đào thoát bằng một chuyến hải trình. Con tàu chở những người Tây Ban Nha và Ý trực chỉ Venezuela, lúc ấy đang là thời thượng, vừa ghé bến Funchal2 để chất thêm nhiều giọng địa phương, những loại rượu nho khác nhau và nhất là những con cá tuyết muối. Lúc đó, con tàu cũng chở thao một anh chàng Guilherme vừa thay đổi danh tính lần thứ ba, giờ đây mang tên Lourenço (một thời gian sau tôi mới khám phá ra rằng đó là chữ lót của ông. Còn về tên thật của ba, tôi không chắc khi nào mình mới biết được. Thành phố Bragança đối với tôi xa vời vợi, và theo như ba tôi, gia tộc chúng tôi đã tàn lụi từ lâu lắm rồi. Ngoài ra thì ông không cho biết gì thêm nữa).
Ngoài đời, Guilherme, Lourenço, hay là tên gì gì đi nữa, là một con người tổng hợp bằng rất nhiều ám ảnh. Một trong những điều ám ảnh đó của ông là luôn phàn nàn về Venezuela, nhất là về Caracas, về thời tiết, tình trạng hỗn loạn, sự hãnh tiến, sự hoang phí, sự bẩn thỉu, sự dốt nát của thủ đô này: ông sẵn sàng tìm bất cứ duyên cớ nào để lên án nó. Ông cảm thấy bất an khi thấy tôi thích nghi với những điều tốt đẹp, và càng bất an hơn khi tôi cưới một cô gái bản xứ làm vợ. Vài năm sau, Rui ra đời. Ngoài cái tên bằng tiếng Bồ Đào Nha, thằng bé chẳng có vẻ muốn đóng góp gì thêm vào kho từ vựng của thứ tiếng này. Don Lorenzo, như mọi người thường gọi ba tôi ở nơi lưu đày mới, cảm thấy tuyệt vọng với những điều bất hạnh nho nhỏ càng ngày càng chồng chất. Ông thường tuyên bố về những dự định của mình, và một trong những dự định đó là trở về Bồ Đào Nha khi nào có cơ hội. Ông chắt bóp từng đồng từng cắc cho chuyến hồi hương đó. Không phải ông keo kiệt hay bủn xỉn gì, mà chính là vì ông lạc quan: Tương lai là điều tốt đẹp nhất nên phải sẵn sàng để hưởng thụ nó.
Cũng lạ—sau cuộc Cách Mạng Hoa Cẩm Chướng3—là lúc nền dân chủ đã được khôi phục và cánh tả Bồ Đào Nha cuối cùng đã ra khỏi thời kỳ hoạt động bí mật, ba tôi lại không tỏ vẻ hào hứng gì với việc chuẩn bị hồi hương. Ông bảo đó là một cuộc cách mạng giả tạo gây nhiều thất vọng. Trong khi theo dõi các trận túc cầu trên các đài truyền hình của cộng đồng di dân, ông thường lầu bầu về việc Mário Soares4 là một tên phát-xít trá hình và vô số những điều phi lý khác. Trong lúc đó, thời gian vẫn không dừng lại, ba tôi về hưu; rồi ông nội tôi qua đời ở Funchal năm 1990. Chúng tôi được thừa hưởng một căn nhà và một vài thứ khác. Tuy nhiên, ba tôi đã không chộp lấy cơ hội bằng vàng đó mà chỉ cùng má tôi về lại đảo mỗi mùa đông, để ít nhất cũng trốn được o calor medonho, horrível (cái nóng kinh hoàng và khủng khiếp) của Caracas trong vài tháng.
Mỗi lần trở về từ những chuyến đi đó, ba tôi thường vào ngay phòng đọc sách, khoan khoái với cái dọc tẩu trên miệng, nhưng vẫn càu nhàu, thói quen mà tôi cho là do ảnh hưởng của miền nhiệt đới:
– O ano que vem fico de vez em Portugal (Sang năm ba sẽ về Bồ Đào Nha ở luôn).
Điệp khúc quen thuộc đó không làm cho tôi quan tâm mấy, thậm chí tôi còn nói thách ông:
– Ba à, ba muốn về đó ở thì ba cứ về, có ai bắt ba trở lại đây đâu!—tôi nói bằng tiếng Tây Ban Nha nên càng làm ông tức giận hơn, vì đó là thứ tiếng mà ông từ chối không chịu nói.
Vậy là ông lại tiếp tục càu nhàu tưởng như không bao giờ chịu ngưng. Tôi không thể hiểu được tình cảm thật sự của ba tôi đối với Venezuela ra sao; tôi e rằng chính ông cũng không hiểu nổi. Có lần tôi đọc được ở đâu đó rằng những người vô tổ quốc không thể nào vào khuôn phép, và đây quả là một điều gây sợ hãi và sự khinh bỉ. Có lẽ ba tôi có linh cảm rằng sống quá xa Bồ Đào Nha và quá gần những nơi khác đày ông vào một không gian vô định. Có lẽ sự chơi vơi này đã buộc ông phải tìm nơi ẩn náu trong sự khẳng định. Để trấn an ông, hay cũng có lẽ để chọc giận ông một cách thân mật, tôi thường ngâm nga cho ông nghe mấy câu thơ của Jorge de Sena5:
Coleccionarei nacionalidades como camisasse despem, se usam e se deitam fora,com todo o respeito necessárioà roupa que se veste e que prestou serviço.
(Tôi sẽ sưu tập quốc tịch như những cái áo,
Cởi cái này ra, mặc cái khác vào, rồi vứt bỏ,Bằng tất cả lòng trân trọng cần cóĐối với những bộ y phục đã giúp tôi che thân.)
Cởi cái này ra, mặc cái khác vào, rồi vứt bỏ,Bằng tất cả lòng trân trọng cần cóĐối với những bộ y phục đã giúp tôi che thân.)
Vừa vỗ vào lưng ông, tôi vừa nói với ông rằng chủ nghĩa dân tộc chỉ là một sự lừa dối của bọn tư sản để đánh lạc hướng năng lực của những người vô sản ra khỏi cuộc đấu tranh giai cấp. Nhưng vô ích, sự cố chấp của ông đã chiến thắng bất cứ học thuyết nào.
Khi ba tôi mất, tôi ngỡ rằng những lời độc thoại tiếng được tiếng mất của ông sẽ làm tôi thấy thiếu vắng và khiến căn chung cư trở nên trống trải. Nhưng khi điều đó đã không xảy ra, tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm. Ba tôi không thể nào thình lình vắng mặt như thế. Cuộc sống của ông ở Venezuela phần lớn chỉ quanh quẩn trong nhà, ở trong phòng đọc sách hết giờ này qua giờ khác, nơi ông thường cặm cụi biên tập cho tờ báo tiếng Bồ Đào Nha của ông, hay viết những bài báo ký bằng nhiều cái tên khác nhau mà ông gởi đến các tờ báo của di dân ở Hoa Kỳ và Canada, hay những tạp chí ở Bồ Đào Nha, Brasil, Mozambique, Cape Verde, Angola, Macao, Timor… Ông chưa sẵn sàng từ bỏ những lề thói mà ông đã cần mẫn hun đúc nên như thế. Hồn ma của ông là sự tiếp nối của chính con người đó, ngay đến những niềm đam mê, cái dọc tẩu, những trang sách, và câu hỏi:
– Quando voltamos à Madeira? ‘Stou farto desta terra e desta gentaça… (Chừng nào chúng ta mới trở về Madeira đây? Ba chán cái nơi chốn hôi hám này lắm rồi…)
Trong đời tôi đã bao nhiêu lần tôi nghe câu hỏi đó? Giờ đây, khi ba tôi chết đi như một người công giáo—nói theo kiểu vị linh mục, vì ngài không hay biết rằng mình vừa cấp tờ thông hành thiên sứ cho một người cộng sản—những niềm đam mê hay ám ảnh của ông cuối cùng đã lậm sâu vào tôi. Má tôi và tôi trở thành hai kẻ côi cút, bơ vơ. Hoàn cảnh của riêng tôi còn tệ hơn nhiều: đến hồn ma của Cecilia tôi cũng không thấy được. Gia dĩ, ở Venezuela tất cả đều tiêu tán: tiền bạc dành dụm dần dần hao hớt, cho dù có cố không đụng đến cách mấy đi nữa; đồng lương của trường đại học là một trò cười, ngay cả khi nhìn bằng con mắt khắc kỷ. Tình hình chính trị thì rối ren; mới cách đây ba tuần, nhân một trong vô số các cuộc biểu tình chống chính phủ, vài tên bắn tỉa—mà chắc chắn không ai sẽ đưa ra ánh sáng công lý—đã bắn vào đầu một đồng nghiệp của tôi. Anh là một kẻ hiếu hoà, dạy môn siêu hình học, một trong số bạn thân ít ỏi của tôi. Để dập tắt những đám hoả hoạn, từ vài năm nay, dụng cụ duy nhất được dùng là những khẩu súng phun lửa—những con thú mà ba tôi nhắc đến, những tổng thống toirões (chồn) và những bộ trưởng ratazanas (chuột), hay ngược lại, tuỳ theo ngày nào hay tâm trạng khôi hài của don Lorenzo trong khi đọc qua những cái tít lớn. Về con chồn lớn và cảm tình mà ông ta dành cho vì chủ nghĩa Mác-xít, ba tôi tỏ ra rất kiên quyết và không bao giờ chấp nhận những lý lẽ của tôi, vì theo ông, tôi chẳng hiểu gì cả:
– Estes vadios estão a confundir pândega e folia com revolução. (Những kẻ lầm đường lạc lối đó đang nhầm lẫn những buổi tiệc tùng và hội hè với cách mạng).
Không ngày nào đưa Rui đi học mà tôi lại không thoáng có ý nghĩ sẽ có chuyện gì xảy ra cho con mình: kẻ nào đó sẽ đâm vào cổ Rui chỉ để cướp đi đôi giày xoàng xĩnh của nó, như đã xảy ra cho đứa bé trong xóm; hay thằng bé có thể bị bắt cóc để gia đình phải nộp số tiền chuộc mà mình không có, hay chỉ vì chúng tôi là người Bồ Đào Nha nên thừa tiền lắm bạc, hoặc chẳng vì lý do nào cả mà kẻ xấu vẫn có thể hại con tôi như đã từng hại Cecilia.
Trong các chuyến tàu điện ngầm đã bắt đầu có những tờ truyền đơn đổ hết những xấu xa vào các di dân từ Âu châu vào thập niên 50, 60, những kẻ mà—với các công ty xe buýt, nhà hàng, quán cà-phê, tiệm bánh—đã làm băng hoại và nhấn chìm cả dân tộc anh hùng của Bolívar6 vào muôn vàn thống khổ.
– Então, quando voltamos à Madeira? (Sao? Chừng nào chúng ta sẽ trở về Madeira đây?)
Mặc dầu vẫn lập lại câu hỏi cố hữu, bây giờ hồn ma của ba tôi đã có một thần thái tự tin mà kẻ lưu đày cáu kỉnh ngày nào chưa bao giờ có. Bỏ qua những lần tranh cãi giữa chúng tôi, những giận hờn hay buồn khổ, tôi thương ông đến nỗi đã bắt chước cả niềm đam mê viết lách của ông —thậm chí còn đam mê hơn cả ông nữa (để chọc giận ông, tất nhiên, tôi viết bằng tiếng Tây Ban Nha; nhưng chắc ông không lấy thế làm quan trọng: ninguém é perfeito (không ai hoàn hảo cả). Sau lễ an táng, tôi lại nghe những lời ông nói; tôi nhìn cuốn sách và ngọn đèn giờ đây đã trở thành vô dụng, cái dọc tẩu toả ra làn khói với những hình thù ma quái. Đứng một mình ở bao lơn trong buổi hoàng hôn, tôi bật lên khóc như một đứa trẻ, thầm hỏi tại sao tôi đã không chịu nghe lời don Lorenzo. Chúng tôi còn mong đợi những tia sáng hy vọng nào ở cái thành phố đang vỡ ra từng mảng từ trong ra ngoài này? Tôi thấy thương ba, ngay cả bây giờ ông chỉ còn là một hồn ma, đến nỗi cảm thấy bị khuất phục; nếu điều đó một ngày nào sẽ xảy ra, thì tại sao không ngay lúc này chứ? Tôi phải trở lại. Chúng tôi phải trở lại: ngay cả trở lại với những người đã chết.
Đêm hôm đó tôi chưa quyết định ngay được; nhưng mấy ngày sau, tôi nghe tiếng ba tôi nhắc ra lấy thư cho ông vì người đưa thư sắp đến. Tôi đợi cho ông ta bỏ thư vào thùng xong là đến mở ra ngay. Trong đó có một bức thư của cậu tôi. Bắt đầu lá thư như mọi lần ông viết cho chúng tôi, đến đoạn thứ tư thì cậu tôi mới dành cho tôi một sự ngạc nhiên. Ông đã tuổi già sức yếu, lại càng chịu không nổi khi tưởng tượng ra cảnh phải bán đi tiệm sách ở Funchal mà ông đã gầy dựng bằng mồ hôi nước mắt trong suốt năm mươi năm trời. Ông không có người nào thừa kế ngoài mẹ con tôi. Tại sai chúng tôi lại không dám trở về luôn bên đó? Ngoài tôi ra, còn ai thích hợp hơn để cáng đáng việc này? Lợi tức trung bình trong một tháng mà cậu tôi cho biết còn hơn cả một năm lương ở đây của tôi. Để làm mạnh thêm các lý lẽ của mình, ông kèm theo một mẩu thống kê cắt ra trong báo: ngay trong lúc này ở Madeira có nhiều người gốc Venezuela hơn là người gốc Bồ Đào Nha ở Venezuela. Và đó không phải chỉ là con cái của những di dân. Tình trạng trù phú mới trên đảo cũng như phần còn lại của Bồ Đào Nha đã hấp dẫn di dân không những từ Phi châu như từ trước đến giờ, mà còn từ Á châu, Brasil và cả Venezuela nữa.
Ba tôi đứng sau lưng, đọc lá thư qua vai tôi. Tôi không còn lập luận nào để chống lại ông cả. Nhân tiện, phải chua thêm vào đây cái tên quái ác của phòng đọc sách: Esperança (Hy Vọng).
– ‘Stás a ver? (Con thấy chưa?)
– ‘Stou, sim. (Dạ thấy)—tôi đáp, không còn biết nói gì hơn sau bao nhiêu năm trời, và những việc còn lại chỉ là thu xếp hành lý, giải thích cho Rui mọi việc, vỗ về cho nó nín khóc, đi thăm mồ mả, làm giấy tờ, bán đồ đạc trong nhà, và kiếm một người hàng xóm tin cậy để gởi chìa khoá của căn chung cư, chờ có người nào muốn mua đến xem (khó khăn quá: đến tận hôm nay vẫn chưa bán được).
Gia đình của Cecilia tất nhiên là rất buồn khi biết Rui sẽ ra đi, nhưng ông nhạc của tôi cũng thú nhận với tôi rằng nếu gia đình ông đi được thì cũng không chối từ. Tôi thì không nỡ thấy ông phải xa nấm mồ của con gái mình. Còn ba tôi cứ thúc hối tôi ra đi và muốn tôi đừng để ông nằm lại trên mảnh đất này.
Nhưng tôi không muốn phải đau đầu về việc chuyển quan tài bằng đường hàng không quốc tế, nhất là từ Caracas.
Câu chuyện đến đây cũng không còn gì mấy để kể nữa. Mấy tháng đầu ở Funchal không dễ dàng cho Rui chút nào; nhưng đứa bé nào cuối cùng rồi cũng thích nghi với những đổi thay, những ngôn ngữ một cách nhanh chóng, y như lúc chúng lấy lại phong độ sau những cú đấm hay những lần vấp ngã. Cuộc sống của má tôi lại tiếp nối; bà vẫn mạnh khoẻ nhờ những vụ cãi nhau hằng ngày với hồn ma của ba. Phần tôi thì không có gì để phàn nàn. Ngày trước tôi làm giáo sư, bây giờ tôi thành anh bán sách. Cũng như trước đây, công việc mới vẫn cho tôi có thì giờ viết lách vào ban đêm. Và cũng như bất cứ ai khác, tôi biết mình vẫn còn thiếu một cái gì đó. Tất nhiên là tôi cố gắng không than vãn, cố không thường xuyên than vãn, hay nếu phải than vãn thì chỉ nên vắn tắt. Vì có một lần trong đời, tôi đã gặp Cecilia.
Tôi đọc lại những trang này và nhận ra tôi đã diễn tả tâm trạng mình như thể là tôi chưa hề rời Caracas. Tôi tin rằng cho dù có ở góc biển chân trời nào, tôi vẫn suy nghĩ và nói năng cùng một cách như nhau. Nhưng tôi cũng không thể tự lừa dối mình: thành phố này không bao giờ thuộc về tôi; cũng như không có thành phố nào khác thuộc về tôi cả. Có lẽ vì thế mà tôi vẫn tiếp tục viết, và viết bằng một ngoại ngữ.
Về phần ba tôi, Guilherme, Lourenço, hay bất cứ cái tên nào mà ông muốn dùng: ngay trong tuần lễ đầu tiên về với quê nhà, ông đã bắt đầu càu nhàu lại như trước. Ông ngồi đó, hút cái dọc tẩu, ông đứng dậy, rồi lại ngồi xuống đọc sách, rồi trăn trở, rồi thở dài thở vắn. Ông không dám mở miệng ra nói với tôi tiếng nào, chắc là vì sợ phản ứng của tôi. Phải đợi một thời gian dài, rồi cách đây không lâu tôi mới chịu khó nghe ông thốt lên những câu chải chuốt hơn tất cả những gì mà ông từng nói bằng tiếng Tây Ban Nha khi còn sống ở Venezuela. Tôi ngờ rằng ông sẽ còn lặp lại những câu ấy với tôi trong nhiều năm tháng nữa: đó chính là những dòng chữ mà tôi đang ghi lại nơi đây.
Trần C. Trí chuyển ngữ từ tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha
Xin kính dâng hương hồn của Ba tôi.
Chú thích của người dịch:
1 Chỉ chế độ độc tài Estado Novo (‘Tân Quốc Gia’) ở Bồ Đào Nha (1933-1974) mang tên người thành lập là tổng thống António de Oliveira Salazar (1889-1970).
2 Thủ phủ của đảo Madeira, thuộc Đại Tây Dương, nằm về hướng tây nam của đất liền Bồ Đào Nha.
3 Tên tiếng Bồ Đào Nha là Revolução dos Cravos, hay còn được gọi là Revolução de Abril (‘Cách Mạng Tháng Tư’), 25 tháng 4, 1974, cuộc đảo chính quân sự lật đổ chế độ độc tài Estado Novo.
4 Tổng thống thứ 17 của Bồ Đào Nha (nhiệm kỳ 1986-1996), tổng bí thư đầu tiên của Đảng Xã Hội.
5 Nhà thơ, nhà văn, giáo sư, nhà phê bình gốc Bồ Đào Nha (1919-1978). Ông sống ở và dạy học ở Santa Barbara, California, từ năm 1965 cho đến lúc qua đời.
6 Simón Bolívar (1783-1830), thường được gọi là El Libertador (‘Chiến Sĩ Tự Do’), người Venezuela, đã đấu tranh giành độc lập từ thực dân Tây Ban Nha cho những phần lãnh thổ mà ngày nay là các nước Venezuela, Bolivia, Colombia, Ecuador, Peru và Panama.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét