7 thg 8, 2020

Lan man về hút thuốc lá (Blog Hiệu Minh )

Khói thuốc giết người thầm lặng. Ảnh: Internet
Trong nghiện ngập có một thứ dễ từ bỏ nhất đó là bỏ thuốc lá. Sáng hứa sẽ bỏ, chiều lại hút, bỏ được một tuần nhưng đi café với bạn phì phèo, không chịu nổi, lại tái…hút. Đại loại có hàng ngàn lý do giải thích chút lòe lửa trên tay.
Hút làm ảnh hưởng đến người xung quanh cũng hít vào một lượng gần như người hút (second-hand smokers). Hút cạnh trẻ con là tội ác.
Sáng nay đọc trên trang Economist.com có bài “Quitting is so hard – Bỏ hút thuốc khó vậy” bỗng nhớ bài viết của HM Blog trên Tiền phong Online (TPO) hồi tháng 1-2010. Bộ Y tế đã tặng giải khuyến khích 1 triệu VNĐ cho bài này.
Bẵng đi mấy tháng sau bài viết, trong một lần về Hà Nội công tác, anh Việt Hùng, lúc đó là Trưởng ban biên tập TPO, rủ mình đi cafe để cảm ơn vì nhờ bài này mà anh bỏ thuốc. Anh kể, mỗi lần có bài viết của Hiệu Minh, anh in ra, xuống quán café trên phố Hồ Xuân Hương, làm điếu thuốc và nghiền ngẫm xem lão viết báo tay trái này có cài ẩn ý gì không?
Duyệt bài báo về Thuốc lá và nồi  cơm điện anh cũng thói quen thế. Đang cầm điếu thuốc trên tay, định châm lửa, bỗng nghĩ, đăng bài báo chống hút thuốc lá mà chính mình lại hút có công bằng không. Thế là ý nghĩ bỏ thuốc lá từ lúc đó.
Việt Hùng TPO. Ảnh: VH cung cấp.
Sau hai tuần nhớ thuốc “đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”, Việt Hùng bỏ được thói quen ngày một bao và tới nay sau 5 năm, gặp đi café hay ăn tối, không thấy anh hút nữa.
Người thứ hai là giáo sư Phan Đình Diệu từng là sếp cũ của tôi. Anh nghiện thuốc nặng, ngày một hai bao là thường từ những năm 1980 “sông Cầu (thuốc lá) là đầu câu chuyện”. Thấy chồng hút nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe, vợ khuyên bảo mãi không được. Tới cơ quan ai cũng mời, nhân viên đi nước ngoài về làm quà tút ba số (555) là thường, mà thời đó có thể liên hoan phở dốc Tam Đa (Hà Nội) cho 20 người.
Anh chị có hai con gái, ý anh muốn có đứa con trai. Chị Hương đùa, nếu anh bỏ thuốc lá sẽ đẻ con trai. Anh nói chơi “sẽ bỏ”. Năm ấy chị có thai và đẻ ra cậu con trai Phan Dương Hiệu thật. Thế là phải bỏ.
Vật vã mấy tuần, cầm điều thuốc trên tay nhưng nghĩ đến lời hứa với người bạn đời, anh lại bỏ xuống. Lấy tất cả các bao thuốc còn mới, bóc ra để ở những nơi anh hay tới như giá sách, bàn làm việc, chỗ uống nước, ngay cả ở văn phòng tại làng Liễu Giai, nhưng anh nhất định không hút. Các bạn mời anh từ chối, đồng nghiệp vào làm việc, thuốc để trên bàn mọi người phì phèo, anh thì không.
Cuối cùng anh bỏ được thật, đến nỗi phu nhân phải đùa, bỏ được thuốc nghĩa là có thể bỏ được vợ.
Những ai bảo bỏ thuốc lá khó xin hãy đọc lại bài báo của tôi và câu chuyện có thực về hai người tôi từng gặp. Bạn bè bị đen phổi, ung thư vòm họng, ung thư phổi. Có người bị bác sỹ dọa, không bỏ thuốc sẽ chết sớm, sợ quá nên phải bỏ. Có người không kịp sửa chữa nên cuộc đời dừng ở 40 – 50 tuổi.
Theo bài báo trên Economist, giải quyết vấn đề nan giải của thế giới như ung thư hay bệnh run chân tay Alzheimer nằm ngoài tầm của khoa học. Có một cách mà ai cũng làm được là bỏ thuốc lá như giáo sư Diệu hay Việt Hùng.
Trung bình người nghiện hút thuốc lá chết sớm cả chục năm so với người không hút, theo Tiến sỹ Graham Colditz của Đại học Washington ở Hoa Kỳ. Hút thuốc làm giảm sức sáng tạo, chất lượng cuộc sống và liên quan đến rất nhiều bệnh tật chỉ vì thuốc lá, ông cho hay.
Mấy thập niên WHO tuyên truyền chống hút thuốc lá, tỷ lệ người hút giảm ở các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, nhưng các quốc gia khác lại tăng lên như Trung Quốc hay Indonesia. Một số nước phát triển như Đức, Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha sau một thời gian giảm nay có vẻ số người hút vẫn giữ nguyên.
Cấm đoán hút thuốc nơi công cộng có tác dụng rất lớn tại các nước thượng tôn pháp luật nhưng khó thực hiện nổi tại nơi có kẻ ngồi trên pháp luật. Bao giờ lãnh đạo gương mẫu như Việt Hùng của TPO mới mong chuyển động.
Tại Mỹ trong khách sạn, nhà hàng không còn thấy gạt tàn thuốc lá. Văn phòng sang trọng cho phép nhưng gạt tàn thuốc lá để ngoài phố, gần chỗ ra vào để “hạ nhục” người hút. Tôn trọng nhân quyền nhưng lại có ý chế giễu. Ai lên cơn ra đó phì phèo để cho người qua lại nhìn họ như những tội đồ gây nên bệnh cho chính họ và những người xung quanh. Trong bối cảnh đó, số người hút đã bỏ dần.


Tình hình thế giới 2014. Ảnh: Economist.
Có ảnh diễn viên Hollywood phì phèo thuốc lá trước mặt đứa bé vài năm tuổi do bất cẩn đưa lên Facebook, cô bị hàng triệu người lên án và bị phạt rất nặng, dù cô hút trong nhà riêng, trước mặt con của cô.
Tuy nhiên tại các quốc gia như Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc, nơi người có tiền bạc bỗng thấy mình cần phải hút để thể hiện đẳng cấp ở Pub, Bar hay nơi công cộng, lệnh cấm có vẻ khó có tác dụng hơn.
Cách hữu hiệu là đánh thuế vào người hút thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, nên áp ¾ giá thành của bao thuốc là thuế nộp cho nhà nước mà người hút phải trả. Ví dụ bao thuốc Marlboro giá 40 ngàn VNĐ, thuế nộp cho nhà nước là 30 ngàn. Làm như thế, nhà sản xuất sẽ chán nản, người hút sẽ bị kinh tế làm hao mòn. Tại cửa khẩu phải chống buôn lậu thuốc lá. Anh quốc đã giảm thị trường buôn lậu từ 21% xuống 9% do cửa khẩu được bảo vệ chặt chẽ.
Cấm hút thuốc lá nơi công cộng cũng giúp cho châu Âu và Hoa Kỳ làm giảm 17% số người nhập viện vì tim. Tuyên truyền cũng giúp cho người hút bỏ. Tại Mỹ có “Tips from former smokers – lời khuyên của người từng hút” đã giúp cả trăm ngàn người bỏ thuốc. Với trung bình 480$/năm/người, nếu bỏ thuốc lá ở tuổi 35 sẽ giúp tiết kiệm một khoản 27.400$/người, một khoản tiền khá lớn. Philippines, Costa Rica dùng chiến dịch gửi text qua điện thoại cũng có tác dụng nhất định.
Các nhà chính trị phải quyết tâm mới giúp được dân bỏ thuốc lá. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia áp dụng triệt để (cấm, thuế cao, phạt nặng), số đàn ông hút từ 52% xuống 41% trong 8 năm. Tại châu Âu, 30% người từng hút nay đã bỏ hẳn.
Cũng theo Economist, nếu Trung Quốc, nơi hàng năm có 1,4 triệu người chết vì hút thuốc lá, làm tốt công tác chống hút thuốc lá sẽ cứu được 35 triệu người chết sớm vì liên quan đến khói thuốc lá gây nên.
Học từ những bài học đắt giá từ những nước giầu mất bao công sức, tiền của và nhân mạng vì nạn hút thuốc tràn lan trong thế kỷ 20, các nước nghèo không nên đi theo vết xe đổ, cần chống hút thuốc lá càng sớm càng tốt bằng cách áp dụng chính sách ngăn chặn hoặc vận động bỏ thuốc. Việc đó cần ít tiền của mà vẫn cứu được hàng chục triệu người vì cái chết đau đớn, ra đi sớm, để lại nỗi thống khổ cho gia đình và người thân chỉ vì khói thuốc.
Dù ngày 31-5 là ngày thế giới không khói thuốc nhưng bạn đọc hang Cua hãy bỏ hút thuốc lá bất kỳ ngày nào trong năm. Trước khi vào còm cũng không nên bức xúc mà phải châm lửa vì hang này đã chật hẹp và đông người. Quit Smoking, Please.

Smoking Facts – Sự thực về hút thuốc lá. Tranh cổ động của Philippines


HM. 13-7-2015
🌿🌿🌿🌿

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét