6 thg 8, 2020

CẬU BÉ MỸ CHỨNG KIẾN BOM NGUYÊN TỬ RƠI XUỐNG HIROSHIMA


Hôm nay đúng 75 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử “ Little Boy" xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản và 3 hôm sau ngày 09-8 -1945 quả bom mang tên “Fat Man" rơi xuống thành phố Nagasaki.
Howard Kakita, 7 tuổi, đang đứng trên mái nhà chỗ ông bà và thích thú ngắm vệt khói từ chiếc B-29 đang tới gần thì còi báo động không kích rú lên.
Đó là vào buổi sáng trong xanh, ngập nắng ngày 6/8/1945 ở Hiroshima, Nhật Bản. Howard đáng lẽ đã không đứng trên đó, cậu và anh trai đáng lẽ cũng không ở Nhật Bản vào những ngày cuối cùng của Thế chiến II.
Sinh ra ở California, hai anh em Kakita đều là công dân Mỹ, giống như bố mẹ họ. Nhưng cũng như nhiều công dân Mỹ khác, họ có mặt ở Hiroshima vào ngày định mệnh đó, khi quả bom nguyên tử với sức công phá khủng khiếp được ném xuống thành phố này.
Hơn 10 quân nhân, thành viên phi hành đoàn của chiếc máy bay Mỹ bị bắn hạ trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến và bị phía Nhật bắt làm tù binh, đã chết sau khi quả bom hạt nhân phát nổ. Nhưng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn, người Mỹ khác cũng bị chết hoặc chịu tổn thương bởi quả bom.
Nhiều người trong số đó là trẻ em từ Hawaii và Bờ Tây nước Mỹ, trở về Nhật Bản nhiều năm trước chiến tranh để thăm họ hàng hoặc tìm hiểu về nguồn cội. 75 năm kể từ đó, số người còn sống ngày càng ít dần. Người trẻ nhất trong số họ giờ cũng đã ngoài 80.
Dù không có thống kê chính xác về số người Mỹ là hibakusha (từ tiếng Nhật để chỉ người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử), chính phủ Nhật vẫn cam kết chăm lo cuộc sống cho họ suốt đời và thường gửi các đội bác sĩ tới Mỹ để theo dõi sức khỏe định kỳ cho họ.
Trong nhiều thập kỷ, các đội bác sĩ này đã gặp nhiều người sống sót sau vụ ném bom, lấy mẫu máu, kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn, chụp X-quang và hỏi họ về những gì phải chịu đựng, như tác động lâu dài của bức xạ hay biến chứng của tuổi già.
40 người Mỹ đã tham gia cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ như vậy vào tháng 11 năm ngoái, trong đó có Howard Kakita, kỹ sư máy tính nghỉ hưu. "Không còn nhiều người trong chúng tôi còn sống", ông nói.
Yaozo, ông của Howard, là một nông dân và cũng là thành viên đầu tiên trong gia đình tới Mỹ. Khi bắt chuyến tàu tới Mỹ năm 1899, ông Yaozo mới 22 tuổi, không biết tiếng Anh nhưng tin rằng tấm vé này sẽ mở ra cánh cửa hy vọng cho cuộc đời mình.
Tuy nhiên, trái với mong đợi, ông Yaozo đối mặt với nhiều năm khó khăn ở Mỹ vì bị cấm nhập tịch và làn sóng phản đối người Nhật Bản. Ông sau đó trở về Hiroshima nhưng không từ bỏ giấc mơ Mỹ.
Năm 1906, ông một lần nữa tới Mỹ cùng người vợ mới cưới. Họ định cư ở Bakersfield, California và sinh 8 người con. Tất cả 8 đứa trẻ đều được công nhận là công dân Mỹ, theo quy định trong Tu chính án 14 của Hiến pháp Mỹ.
Song cuộc sống của gia đình ông Yaozo cũng không dễ dàng khi luật Mỹ cấm người nhập cư Nhật Bản được sở hữu đất hoặc thuê đất dài hạn. Năm 1927, vợ ông qua đời trong lúc sinh con. Ông trở về Hiroshima và tái hôn sau đó, nhưng các con trai của ông chọn tương lai ở Mỹ thay vì Nhật Bản. Tới năm 1940, ông Yaozo bị trầm cảm nặng và nghiện rượu. Ông dường như sắp chết vào lúc đó.
Đầu năm đó, con trai thứ hai Frank cùng vợ Tomiko đưa hai con của họ tới Hiroshima gặp ông nội Yaozo và quyết định ở lại thành phố này để chờ sinh đứa con thứ ba. Chuyến thăm kéo dài nhiều tháng của vợ chồng Frank giúp ông Yaozo nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Nhưng khi Frank thông báo đưa gia đình trở về California, ông một lần nữa suy sụp. Do đó, Frank và Tomiko quyết định sẽ để hai đứa trẻ Howard, 2 tuổi, và Kenny, 4 tuổi, ở lại cùng ông bà, như lời hứa hẹn rằng họ sẽ trở lại Nhật Bản.
Nhưng năm 1941, trận Trân Châu Cảng nổ ra và mọi thứ thay đổi. Chiến tranh và hậu quả tàn khốc của nó đã chia rẽ gia đình họ gần một thập kỷ.
Sau này Howard mới nhận ra rằng việc ông sống sót sau khi quả bom hạt nhân phát nổ ở Hiroshima là một phép màu. Nhà ông bà của ông chỉ cách địa điểm ném bom hơn một km. Sức ép từ quả bom biến cả ngôi nhà thành đống đổ nát, chôn vùi Howard suốt nhiều giờ.
Howard ngất đi dưới đống đổ nát và khi tỉnh lại, cậu bé phải tự tìm đường thoát ra ngoài. Ông nội Yaozo tìm cách cứu vợ khỏi căn nhà sụp đổ, sau đó cùng với Howard và Kenny chạy về phía dãy núi, tránh xa các đám cháy và vượt qua rất nhiều thi thể không còn nguyên vẹn. Suốt nhiều năm sau đó, Howard không dám ăn các món ăn có màu hồng hoặc đỏ, như bưởi hoặc thịt bò. Món mì spaghetti cũng khiến ông thấy buồn nôn.
"Nó khiến tôi liên tưởng đến máu và xác chết", ông nói.
Khi họ trở lại khu dân cư, không khí tràn ngập mùi hôi thối. Họ cố tìm mọi thứ còn sót lại để dựng tạm một nơi trú ẩn. Cả Howard và Kenny đều bị kiết lỵ và rụng tóc cho nhiễm phóng xạ. Họ nghe tin bà ngoại đã chết trong vụ ném bom và ông ngoại cũng qua đời vài ngày sau đó. Họ là nông dân trồng khoai lang và chỉ đến thành phố này vào phiên chợ hàng tuần.
Trong khi ở phía bên kia Thái Bình Dương, cha mẹ của Howard nghĩ cả hai đứa con của họ đã chết. Như 120.000 người Mỹ gốc Nhật khác, Frank và Tomiko đã sống ba năm trong trại tập trung ở Arizona, nơi chính quyền Mỹ buộc công dân gốc Nhật đến sinh sống do lo ngại nguy cơ họ hợp tác với Nhật. Họ vẫn ở đó khi Hội Chữ thập đỏ Mỹ xác nhận hai đứa con của họ ở Hiroshima vẫn còn sống.
Chiến tranh kết thúc sau đó, nhưng không giúp họ có thể đoàn tụ. Gia đình Kakitas được phép rời khỏi trại tập trung, cùng tấm vé một chiều và 25 USD. Nhưng họ không có tiền để đưa Kenny và Howard trở về từ Nhật Bản. Nhiều tháng rồi tới nhiều năm qua đi, họ vẫn bị chia tách như vậy. Ngày 8/8/1947, ông Yaozo qua đời vì ung thư.
Tháng 3 năm sau, Kenny và Howard được đưa lên tàu tới San Francisco, vùng đất xa lạ với thứ ngôn ngữ lạ lẫm, nơi có bố mẹ mà họ không nhớ rõ, cùng hai đứa em họ chưa từng gặp mặt. Cuộc đoàn tụ của họ diễn ra trong không khí khá căng thẳng.
Gia đình họ sống trong căn hộ ba tầng. Bố mẹ không nói về thời gian sống ở trại tập trung, trong khi hai đứa trẻ cũng không kể về vụ ném bom. Howard, khi đó 9 tuổi, thường hay la hét vì gặp ác mộng vào ban đêm.
Phải mất rất nhiều năm sau đó, Howard mới có thể gạt bỏ ám ảnh và nói về vụ đánh bom Hiroshima, trong khi Kenny vẫn chưa thể chia sẻ về quá khứ.
"Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm", Howard, hiện 82 tuổi, giải thích lý do chia sẻ về câu chuyện của mình. Tại nhà riêng ở Rancho Palos Verdes, bang California, ông đang bận rộng chuẩn bị cho buổi thảo luận về lễ kỷ niệm sắp tới với những người sống sót khác. "Tôi đã ở tuổi xế chiều và là một trong số người trẻ nhất còn nhớ về vụ ném bom Hiroshima. Sau tôi, có lẽ sẽ không còn ai khác. Những người trẻ hơn sẽ không nhớ gì về nó".
Mùa thu năm ngoái, ông đã nói chuyện cùng hàng trăm sinh viên ngành lịch sử tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA), ngôi trường ông từng theo học. Howard cũng từng chia sẻ câu chuyện của mình tại Bảo tàng Quốc gia người Mỹ gốc Nhật, trong khi Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima cũng ghi hình ông để thêm vào bộ sưu tập câu chuyện của những người sống sót sau vụ ném bom.
Câu chuyện của Howard cũng bao gồm quá trình ông dần thoát khỏi bóng ma quá khứ, để bắt đầu cuộc sống và theo đuổi con đường học hành của mình. Ông đã tốt nghiệp và có tấm bằng thạc sĩ về kiến trúc máy tính tại UCLA.
Năm 1960, sau khi tốt nghiệp, Howard gặp Irene Doiwchi, người sau này trở thành vợ ông. Nhưng phải tới khi cân nhắc kết hôn, ông mới đem câu chuyện về Hiroshima kể với bà Irene. "Tôi phải nói với bà ấy rằng tôi từng nhiễm xạ nghiêm trọng và có thể không sống được lâu", ông nói.
Tuy nhiên, điều đó không khiến Irene nản lòng. "Tôi tự nói với mình tôi muốn ở bên người đàn ông này, dù là địa ngục hay khó khăn, hoặc bất kỳ chuyện gì xảy đến", bà nói.
Howard dường như không còn bị ám ảnh bởi quá khứ trong một thời gian dài sau đó. Nhưng bóng đen của vụ ném bom Hiroshima một lần nữa phủ lên cuộc sống của ông khi đứa con 4 tuổi Randy bị chẩn đoán ung thư năm 1968 và qua đời chưa đầy 6 tháng sau đó.
"Liệu đó có phải do tôi không", Howard tự hỏi và cảm thấy sợ hãi về di chứng của nhiễm xạ, dù hai con gái và 4 đứa cháu của ông không gặp phải vấn đề gì.
Gia đình Kakitas từ lâu đã tha thứ cho quá khứ, như cách Nhật và Mỹ đã cố gắng làm. Năm 1988, chính phủ Mỹ cam kết bồi thường 20.000 USD cho mỗi người Mỹ gốc Nhật phải vào trại tập trung và khoảng 82.000 người sống sót cũng nhận được tiền bồi thường. Nhật Bản tiếp tục chuyển các khoản tiền trợ cấp hàng tháng cho các nạn nhân người Mỹ dựa trên khoảng cách tới địa điểm ném bom. Howard đã nhận được 30.000 yen, khoảng 300 USD, cũng như được đội y tế Nhật kiểm tra sức khỏe hai năm một lần.
"Chúng tôi chỉ sống được 5-7 năm nữa thôi", ông nói.
Tháng 9 năm ngoái, Howard và Irene tới thăm Hiroshima và bảo tàng tưởng niệm hòa bình ở đó. Đây là lần thứ tư hoặc năm ông trở lại nơi này.
            Khung cảnh Hiroshima 8 tháng sau vụ ném bom nguyên tử hôm 6/8/1945. Ảnh: AP


(FB.Bích Hải Tran  ST)
🌿🌿🌿🌿

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét