16 thg 9, 2022

Vui Trong Kỷ Niệm Trần thị Lệ Dung

 

Tốt nghiệp trung học Đệ nhất cấp tại trường Gia Long rồi đậu Tú Tài II ban toán, tôi trở lại trường ngày 06 tháng 12 năm 1954 để nhận công tác giảng dạy. Lúc bấy giờ hiệu trưởng là bà Huỳnh Hữu Hội . Bà Hội bảo tôi còn quá trẻ ( tuổi 19 ) nên xếp cho tôi dạy Sử Địa lớp Đệ thất và Đệ lục ( tức là lớp 6,7 cấp 2 bây giờ ). Ở thời điểm này, người có bằng Tú Tài 2 được phép dạy Trung học Đệ nhất cấp và được gọi giáo sư mà không cần tốt nghiệp Sư phạm, lúc đó trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội vừa mới được dời về Sài Gòn sau hiệp định Genève. Tôi nghiểm nhiên trở thành giáo sư Sử Địa trẻ nhất trường, hành trang vào nghề là sự giáo dục của gia đình, phương pháp dạy là do được học hỏi từ thầy cô giáo của tôi.
 
Thấm thoát đã tới ngày thi Đệ nhất lục cá nguyệt ( học kỳ I bây giờ ) . Tại lớp Đệ lục D là lớp tôi bước chân về đầu tiên trong đời “ gỏ đầu trẻ “, lúc đang coi thi, tình cờ tôi phát hiện một học sinh ngồi đầu bàn đã in sẳn một cách tinh vi bản đồ trên giấy trắng, tôi không kết tội nó được.Đến tuần lể sau, trước khi trả bài thi tôi trình bày trước lớp về vấn đề gian lận, giải thích hành động lừa thầy dối bạn , đồng thời cho biết rằng các em không thể qua mặt tôi được. Thế rồi, một kết quả bất ngờ làm tôi vô cùng xúc động là 3 em lên trước mặt tôi và các bạn, can đảm thú nhận cách gian lận của mình, khẩn thiết yêu cầu tôi bớt điểm bài thi và phạt các em. Bấy giờ tôi chẳng những không phạt mà còn long trọng tuyên dương tinh thần phục thiện của ba học sinh lở dại này . Từ đó về sau tôi không cần phòng gian ở lớp này nữa. Điều đáng nói là học sinh lúc ấy trẻ nhất cũng là 14 tuổi, thậm chí có nhiều em tuổi thật còn lớn hơn tôi nữa, thế mà lời nói chân thành của tôi đã cản hóa được các em. Sự việc đó tạo cho tôi một niềm tin vững chắcvề quan niệm “ trừng phạt hay la mắng không phải là phương pháp giáo dục tốt “.
 
Thời gian sau, một kinh nghiệm khác không kém thú vị xảy ra, lần nầy chính tôi phải “ dự thi “ trường đời.
Trong lớp Đệ thất F , sau bài giảng lịch sử, một học sinh đứng lên nói: “ Thưa cô, trong giờ vạn vật, chúng em học cây rau muống, giáo sư vạn vật bảo có một sự tích lịch sử về rau muống, thầy bảo các em hãy hỏi lại giáo sư sử địa thì rõ. “ !
Bấy giờ tiếng trống chấm dứt giờ học giải nguy nhất thời giùm tôi . Tôi bình tĩnh đáp : “ Được, kỳ tới cô sẽ trả lời câu hỏi của các em. “ , mặc dù tôi vô cùng bối rối. Từ nhỏ tôi học chương trình Pháp, lịch sử Việt Nam được giảng bằng tiếng Pháp, ra trường chuyên môn toán, kẹt phải dạy sử địa, thì làm sao tôi biết được sự tích cây rau muống !
  
Trưa hôm đó, tôi về nhà kể lại cho cha tôi nghe, tuy thấy nghịch lý, nhưng ông vẫn chịu khó đi tìm khắp Sài Gòn những văn nhân , thi sĩ, nhà báo… bạn của ông để hỏi qua về sự tích cây rau muống. Ai cũng lắc đầu không thể đáp được câu hỏi cắc cớ ấy. Rồi sau ba ngày tìm kiếm, cha tôi mới gặp được một vị nghiên cứu lịch sử. Ông này bảo rằng không có sự tích mà chỉ có một chuyện bên lề lịch sử về cây rau muống như thế này :
“ Ngày xưa, lúc ông Cống Quỳnh được cử đi cống sứ bên Tàu, vua Tàu bắt các sứ thần nhược tiểu phải vẽ hình vua mà không được phép nhìn mặt vua. Trớ trêu thật, nhưng ông Cống Quỳnh không chịu thua, bèn nghĩ ra mưu kế trình với các quan Tàu là ông có thói quen khi vẽ hình thì phải ăn rau muống, nhưng ngặt hai tay kẹt lo vẽ nên không cầm được. Vậy phiền các quan cho treo cọng rau muống trên nóc nhà thòng xuống ông mới ăn được. Thế là khi ngước mặt lên để ăn rau muống, ông đã thấy mặt vua nên hình vẽ được hoàn thành . Lúc ấy ông Cống Quỳnh đọat giải và được vua Tàu khen là chỉ có sứ thần Việt Nam thông minh tài giỏi nhất . “
… Rồi lật bật đến ngày trả lời cho học sinh, cuối bài giảng chính thức, còn vài phút chót, tôi kể lại nội dung câu chuyện trên và kết luận bằng câu ca dao :
Chờ trông cho hết sức chờ
Chờ cây rau muống lên bờ trổ bông .
Thế thì tại sao cây rau muống phải chờ lên bờ mới trổ bông ? Điều này cô không được rõ, vậy phiền các em hỏi lại giáo sư vạn vật ! “. Tôi thản nhiên bước ra khỏi lớp trong tiếng cười rần ý nhị của học sinh .
 
Tôi vẫn tiếp tục vừa học đại học vừa đi dạy để nuôi gia đình, đến năm 1956 tôi được trả về với chuyên môn của mình . Những vui buồn trong quá trình dạy toán đều được các học sinh ghi lại cho tôi từng quyển nhật ký rất dễ thương .
Có một thời gian nhà trường tổ chức văn nghệ lấy tiền gây quỹ Hiệu đoàn. Với chút ít hiểu biết về cổ nhạc, tôi lại phải hành nghề tay trái nữa, nào là đệm đàn tranh cho kịch thơ, nào là lên sân khấu cùng với học trò hòa đàn tranh, đàn tỳ bà cho học sinh ca vọng cổ…..Công tác lý thú này thành công khá tốt . Cho đến năm 1976, nhân ngày Nhà giáo 20 tháng 11 , cô Lan Phương ( dạy vạn vật ) và tôi cùng lên sân khấu trường Taberd biểu diễn một màn ngâm thơ tự biên tự diễn để thi đua với các trường bạn . Giữa lúc chúng tôi đang biểu diễn đến lúc đắc ý nhất thì không hiểu dưới hàng ghế khán giả nào có “ Tử Kỳ “ chiếu cố hay không mà tự nhiên sợi dây mùi nhất của đàn tranh bị đứt ngang, thế là kể như “ rồi đời “! Lanh trí tôi phải mượn một dây tương tự để thế cho dây bị đứt, chúng tôi vẫn bình tĩnh tiếp tục đàn coi như không có gì xảy ra, cho đến khi chấm dứt màn diễn, mặc dù đã mất hứng và tất nhiên là “ rơi đài “ !
 
Dấu hiệu hết thời này chứng tỏ cuộc đời tôi phải gắn liền với phấn trắng bảng đen chớ không phải sân khấu .
Và đúng như vậy, năm 1981 tôi bị bịnh nặng phải nghỉ dạy. Tình nghĩa thân thương của các bạn đồng nghiệp , nhân viên, của các học sinh Gia Long ở hải ngoại và tại quê nhà thể hiện trong từng lọ thuốc lao, từng chai thuốc bổ, tiền bạc , thức ăn…đã giúp tôi vượt qua cơn bạo bịnh để sống đến ngày nay .
Trong lúc nghỉ dưỡng bịnh hơn một năm trời, tôi tình cờ tìm lại được các bài thơ mà em Nguyễn thị Điệu đã sáng tác để tặng tôi năm 1969 như sau :
( Gồm có bốn bài thơ là : - Một kẻ qua đò.
- Ông lái với con đò.
- Nghề đưa đò bạc bẽo .
- Nhắn khách đi sau . )
Ân tình thâm sâu, tình Gia Long muôn thuở đã gợi cảm hứng cho tôi họa lại những bài thơ trên .
( Gồm có bốn bài thơ họa lại là : - Một lão đưa đò .
- Ông lái với con đò .
- Nghề đưa đò cao quý .
- Nhắn bạn đồng song .)
Tâm sự lão đưa đò Gia Long này chắc chắn cũng là tâm sự của các bạn đồng nghiệp của tôi đã và đứng trên bục giảng !

Trần thị Lệ Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét