11 thg 9, 2022

NHỮNG CÂU ĐỐI TRONG LỊCH SỬ


Thời kỳ độc lập nhà nước phong kiến, những câu đối nêu cao chủ quyền dân tộc với các triều đại phong kiến phương Bắc, được đặt vào ngòi bút, tấc lưỡi của các vị sứ giả có văn tài mẫn tiệp.
 
Quan trạng Mạc Đĩnh Chi (1280-1350), hai lần đi sứ sang triều Nguyên (1308-1324) đã phải “xung trận” đối đáp hàng chục lần, khiến vua quan nhà Nguyên phải vị nể. Trong một buổi tiệc chiêu đãi, một thượng quan nhà Nguyên giở giọng “thiên triều”:
 
Nhật hoả, vân yên, bạch chủ thiêu tàn ngọc thỏ
(Lửa trời, khói mây, buổi sớm đốt tan mặt trăng).
Trạng Mạc của ta đã đối lại:
Nguyệt cung, tinh đạn, hoàng hôn xa lạc kim ô
(Cung trăng, đạn sao ban tối bắn rụng mặt trời).
 
Đời Hậu Lê, Chánh sứ, Tiến sĩ Giang Văn Minh (1582-1639), năm 1673, dẫn sứ đoàn sang kinh đô Yên Kinh. Vua quan Đại Minh muốn làm nhục quốc thể nước ta, ra vế đối:
Đồng trụ chí kim, đài dĩ lục.
(Cột đồng đến nay đã (bị phủ) rêu xanh).
 
Vế đối có ý nhắc lại chuyện Mã Viện đã đánh thắng Hai Bà Trưng, dựng lên cột mốc với lời yểm: Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt ( cột đồng trụ đổ, nước Giao Chỉ mất).
Chánh sứ nước ta điềm nhiên đáp lại:
Đằng Giang tự cổ, huyết lai hồng.
(Sông Bạch Đằng, từ xưa (đã) hoen máu đỏ).
 
Luôn giữ thế chủ động “đứng trên đầu thù” cũng nên nhắc đến chuyện vui của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748), khi giả làm cô hàng nước ở Thăng Long, tiếp sứ nhà Thanh. Sứ vừa tỏ lời bỡn cợt, vừa ra vẻ khinh chê:
An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh.
(Một tấc đất An Nam, không biết bao người cày).
Đoàn Thị Điểm cười, không ngần ngại đáp lại:
Bắc Quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất.
(Đại trượng phu Bắc Quốc, cũng từ đó mà ra).
 
Sang thời cận đại, những câu đối thể hiện tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc thật là phong phú. Đó là những lời tuyệt mệnh của những người con trung hiếu, anh dũng hy sinh vì nước, là những lời viếng nung nấu ý chí chiến đấu của những người còn sống, về những cái chết làm rạng rỡ vinh quang của giống nòi.
 
Hai gương tử tiết của Nguyễn Tri Phương (1873) và Hoàng Diệu (1882) khi không giữ được thành Hà Nội đã nhận được câu đối của nhóm Văn Thân ở Hà Thành, lưu ở đền Trung Liệt (gò Đống Đa – Hà Nội):
Xương đồng, da sắt, ngẫm nghĩ nhớ người xưa, hương lửa còn ghi đài chiến trận.
Thỏ bạc, ác vàng, lần lữa xem cuộc thế, gió mưa chợt tỉnh khách qua đường.
 
Thủ Khoa Huân (1813-1875), trước khi bị giặc xử chết chém ở Mỹ Tho, đã đọc lên câu đối tuyệt mệnh:
Hữu chí nan thân, không uổng bách niên chiêu vật nghị,
Tuy công bất tựu, diệc tương nhất tử báo quân ân.
(Chí cả chẳng thành, đành để trăm năm chờ luận định,
Công trình không đạt, cũng liều một chết báo ơn vua).
 
Ở phia Bắc, sĩ phu yêu nước Nguyễn Cao (1828-1887), tụ hội nghĩa quân ở Bắc Ninh toan lấy lại thành Hà Nội bị thất thủ. Pháp bắt được ông ra sức dụ dỗ. Ông tự mổ vụng rồi cắn lưỡi tự vẫn. Đồng đội nghĩa sĩ đã viếng ông:
Thệ tâm, thiên địa lưu trường xích,
Thiết xỉ, giang sơn thổ thiệt hồng.
(Xé ruột, lòng son, trời đất thấy,
Nghiến răng, lưỡi đỏ, nước non hay).
 
Nhà ái quốc Phan Bội Châu (1867-1940) ở tuổi thiếu niên, thầy học thử một vế đối:
Nhật nguyệt, hai vừng treo trước mặt.
Chàng thư sinh họ Phan đã sớm biểu lộ hoài bão lớn:
Giang sơn, một gánh nặng trên vai.
Sau này, cụ Phan đã viết nhiều câu đối thống thiết viếng nhiều nhà yêu nước: Ngô Đức Kế, Nguyễn Tuyển, Chu Thư Đồng, Phan Văn Trường…
Đây là câu đối của cụ viếng Phan Châu Trinh:
Thương hải vi điền, Tinh Vệ hàm thạch,
Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền.
(Biển thẳm lấp chưa bằng, Tinh Vệ còn ngập đá.
Chung Kỳ nay đã chết, Bá Nha đứt dây đàn).
 
Cụ Huỳnh Thúc kháng cũng viết nhiều câu đối viếng nhiều người cùng chí hướng. Câu đối chữ Hán viếng Sào Nam Phan Bội Châu chết được cụ Huỳnh tự dịch ra Nôm:
Rồng bay sang Bắc, gây làng Đông học (1), năm xưa để thế giới biết ta có người, cho hay nước được vẻ vang vì Bác.
Chim đậu cành Nam, về với Tây Hồ (2) bạn cũ vì đồng bào cất cao tiếng khóc, rằng sao trời không để hai già.
Ở một đất nước “ra ngõ gặp anh hùng”, mọi miền của đất nước đều hiển linh, những lăng miếu, đền thờ những anh hùng dân tộc, lưu giữ nhiều câu đối được nhập tâm trong lòng con Hồng cháu Lạc.
Viếng đền Hùng (Phú Thọ), người hành hương về nguồn đồng cảm sâu xa với câu đối của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu:
Có tôn, có tổ, có tổ, có tôn, tôn tổ, tổ tôn. Tôn tổ cũ.
Còn nước, còn non, còn non, còn nước,nước non, non nước, nước non nhà.
Viếng đền thờ Phù Đổng Thiên Vương, lòng tự hào của người Việt được nâng cao với câu đối của danh sĩ Cao Bá Quát:
Đánh giặc, lên ba, hiềm đã muộn,
Lên mây, tầng chín hận chưa cao.
Viếng đền Ngọc Sơn (Hà Nội), ta cũng cảm thụ câu đối về Hồ Gươm:
Vạn kim bảo kiếm tàng thu thuỷ,
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.
(Gươm quý ngàn vàng, thu thuỷ giữ
Tấm lòng trong trắng, ngọc hồ in).
 
Ở đền Kiếp Bạc (Hải Dương), có nhiều câu đối về Đức Thánh Trần. Đây là câu đối ở cửa chính của đền:
Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí,
Lục Đầu vô thuỷ bất thu thanh.
(Vạn Kiếp, núi non, hơi kiếm tỏa,
Lục Đầu, sông nước, tiếng thu reo).
 
Trở về miền Tây Nam bộ, nhiều người dân thuộc lòng câu đối của nhà thơ yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1883) viếng Nguyễn Trung Trực (1838-1868) được lưu tại các đền thờ cụ Nguyễn tại Rạch Giá, Long Xuyên, Cà Mau, Tân An,…
Hoả hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.
(Lửa hồng Nhật Tảo long trời đất,
Gươm sáng Kiên Giang khiếp thủy thần).
 
Câu đối nhắc đến hai chiến công vang dội: Đánh chìm pháo hạm Experence ngày 10-12-1851 ở sông Vàm Cỏ Đông, thuộc làng Nhật Tảo và trận tiêu diệt quân Pháp ở Kiên Giang ngày 16-6-1868.
Xin được khép lại với câu đối dân gian của làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) nhân xuân Mậu Tý. Có viên sứ thần nhà Thanh xem tranh Đám cưới chuột vẫn quen lời trịnh thượng:
Tý tận, Thủ tống Mão
(Cuối năm Chuột, Chuột lễ Mèo).
 
Một nghệ nhân đưa ra bức tranh Trâu gặm cỏ bờ ruộng và đối:
Sửu đầu, Ngưu thốn Thìn
(Đầu năm Trâu, Trâu nuốt Rồng).
Quả là nghệ nhân đưa ra câu đối khá thâm thuý.
______________
Chú thích:
(1) Phong trào Đông Du.
(2) Biệt hiệu của Phan Châu Trinh.



FB VuiLethi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét