Chữ nghĩa làng văn
***
Xoan
Xoan : trẻ
(đang xoan)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Tiếng lóng của dân bụi Hà Nội sau 75
Thế là chúng quăng bừa mũ cối, nạng gỗ xuống nền nhà, ngồi la liệt dưới đất và banh áo ngực quạt phành phạch. Đám khách luống tuổi lẵng lặng chuồn.
-“Lặn” sớm thể ông anh? Ngồi làm với nhau vài chén đã!
- …
Đừng lo, đàn em này trang trải mà… hôm nay “vào câu lửa”. (2)
2. Trúng mánh lớn
(Thế Giang)
Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả
“trọc: tròng trọc. → không viết: chọc”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Viết chuẩn là “chòng chọc”. Từ gợi tả vẻ nhìn thẳng và lâu vào một chỗ mắt không chớp, biểu lộ sự ham muốn hoặc tò mò. Em bé nhìn chòng chọc vào đồ chơi bày trong tủ kính”.
(Hòang Tuấn Công)
Nhuận bút
Ngày xưa người ta viết bằng bút lông, để ngòi bút khô lâu sẽ giòn gãy rụng lông nên thỉnh thoảng phải nhúng nước. Vì thế các báo chí, nhà xuất bản ở Trung Hoa trả tiền thù lao cho tác giả đều gọi là tiền nhuận bút (thấm ướt ngòi bút).
Về sau viết bài bằng bút sắt rồi bút bi, máy đánh chữ cũng được gọi là trả tiền…nhuận bút.
(Cao Tự Thanh)
Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả
Cuốn sách được đặt tiêu đề: Từ điển chính tả tiếng Việt (GS.TS Nguyễn Văn Khang - Đại học Quốc gia Hà Nội, dày 806 trang, khổ lớn. GS.TS Nguyễn Văn Khang hoàn toàn không “xử lí chính tả” theo tài liệu, mà “xử lí” theo cảm tính chủ quan, hoặc căn cứ theo một nguồn tài liệu nào đó, dẫn đến rất nhiều sai sót.
“trứng: trứng quốc, trứng sáo”.
Viết “trứng cuốc” mới đúng.
Chỉ có một dạng chính tả duy nhất: “trứng cuốc” (chuối trứng cuốc – chuối tiêu mùa đông khi chín vỏ chuyển sang màu vàng sẫm và lốm đốm như trứng chim cuốc; Cây trứng cuốc - loại cây có quả hình thù và màu sắc lốm đốm như trứng chim cuốc; hoặc tổ hợp “trứng cuốc” (trứng chim cuốc); “tổ cuốc” (tổ chim cuốc).
(Hòang Tuấn Công)
Chữ nghĩa làng văn
Trong văn chương hiện đại, ta cũng thỉnh thoảng gặp những từ ngữ
mới được sáng tạo khá tài tình. Trong thơ ít nhiều đã có những đóng góp trong
lĩnh vực này, mở rộng đất đai sử dụng, thổi thêm sinh khí cho một số từ ngữ và
như thế cũng có thể gọi là sáng tạo ngôn từ.
Trong truyện ngắn Con gái thủy thần
của Nguyễn Huy Thiệp, đoạn kết có một dòng nghe thật da diết:
"Trước mặt tôi, dòng sông đang thao
thiết chảy".
Một từ đặt vào văn cảnh này thật tuyệt vời. Hình như nó được biến báo từ
"tha thiết", nhưng chỉ thay đi một chút thôi mà nội hàm bỗng bao trùm
hơn rất nhiều, sức biểu cảm cũng mạnh, mạnh mẽ hơn hẳn, nhờ vào sự mù mờ, không
rõ ràng như chính tâm trạng con người vào những giây phút ấy. Sức cuốn hút của
những dòng sông trong văn Nguyễn Huy Thiệp với những từ ngữ đầy chất thơ và
giàu sáng tạo như thế. Phải chăng sức huyễn hoặc ấy đã lôi cuốn được cả một
dòng sông…"thao thiết" mà ta vừa nói tới.
(Anh Ngọc – Tản mạn về từ mới)
Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả
“trừu: trừu mến. → không viết: trìu”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Viết “trìu” mới đúng. Vì “trìu” biến âm của “tríu” nghĩa là thương mến, không muốn rời ra. Biểu lộ tình yêu thương tha thiết. Vuốt ve trìu mến. ánh mắt trìu mến. Giọng trìu mến”.
(Hòang Tuấn Công)
Dự các phiên họp, tiếp bạn
Cũng vào khoảng đó, Đào Duy Anh ở Hà Nội vào, tìm tôi.
Hôm đó,
khoảng bảy giờ, tôi đang ăn sáng thì một ông già tóc râu bạc phơ, mập, lùn, to
xương đứng ở ngoài sân nhìn qua cửa sổ có lưới sắt hỏi tôi.
- Ông Nguyễn Hiến Lê có nhà không?
Tôi không biết là ông, mà không muốn tiếp người lạ, nên đáp
- Không, ông ấy về Long Xuyên rồi. Chưa biết bao giờ về.
Ông ta quay ra. Ít bữa sau ông trở lại, gặp nhà tôi, xưng danh, nhà tôi cho tôi hay, tôi ở trên lầu xuống tiếp liền.
Tôi hỏi
ông:
- Làm sao anh biết tôi mà lại thăm?
Ông đáp:
- Tôi vô đây kiếm tài liệu viết về trí thức tiến bộ miền Nam. Khi tới Huế tôi đã nghe nhiều
người nói về anh; tới Nha Trang, Quách Tấn khuyên tôi vào Sài Gòn nên lại tìm anh.
Năm đó (1975) tôi gặp ông một lần nữa, tặng ông ít cuốn sách, ông
tặng tôi cuốn Tự điển Truyện
Kiều (viết công phu) soạn
xong đã lâu, đưa nhà xuất bản, bị họ dìm cả chục năm, sau họ mới in cho. Sách mới phát hành mấy tháng đã hết. Năm sau ông lại vô Sài Gòn, chúng tôi
gặp nhau vài lần.
Năm 1978 ông trở vô một lần nữa, tôi mời ông ở lại chơi ít ngày, được biết rõ ông hơn.
Ông ân hận rằng có hồi làm chính trị, thất bại, tự xét kỹ không làm chính trị được, nên chuyên về văn hoá. Ông ngại rằng hai ba chục năm nữa, kinh tế vẫn chưa tiến được, và xã hội chủ nghĩa vài trăm năm nữa cũng chưa xây dựng xong, mình sẽ bị phương Tây bỏ lùi lại sau rất xa nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ.
Tôi đọc
được một tập Hồi ký khoảng 50 trang đánh máy, chép lại
những hoạt động chính trị và văn hóa của ông từ hồi trẻ (thời dạy học) đến năm
1970. Cơ hồ ông muốn minh oan rằng suốt đời ông trung thành với cách
mạng.
(Hồi ký Nguyễn Hiến Lê)
Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực
Em ơi ngồi lại gần anh.
Tuy rằng khác phái nhưng chung một bàn.
Góp nhặt phố văn ngõ chữ
Đoàn Kế Tường - Đoàn Thạch Hãn
Đoàn Kế Tường không chỉ viết văn, viết báo mà còn là một nhà thơ với nhiều tác phẩm đã xuất bản từ lâu – ở miền Nam:Mùa Hoa Phượng (thơ, 1971), Ngày Dài Trên Quê Hương (ký, 1972) và Lòng Ta Lá Rụng Ven Đường (thơ, 1974). Ông cũng đã từng trải qua một kiếp nhân sinh với không ít nhọc nhằn:
Anh là một trong số tù nhân chính trị bị bắt sớm nhất.
Anh bị bắt năm 1976, vì tham gia tổ chức phục quốc. Và làm báo trước 75, từng viết nhiều bài phóng sự chiến trường ca ngợi quân đội VNCH.
Đoàn Kế Tường tên thật là Đoàn Văn Tùng, sinh năm 1949 tại làng Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, Quảng Trị.
(Đoàn Kế Tường 1949-2014)
Theo lời Tường, năm 13 tuổi, do bố từng là lính cho Pháp nên Tường được vào học Trường Thiếu Sinh Quân-Vũng Tàu, sau đó vào Trường Bộ Binh Thủ Đức, ra trường chọn Lực Lượng Đặc Biệt, đóng ở Cao Nguyên, rồi đào ngũ về quê Quảng Trị, sau làm lính địa phương quân và do cơ duyên tình cờ, trở thành phóng viên của báo Sóng Thần.
Tường gia nhập làng báo từ 1971 với các bút danh: Đoàn Kế Tường, Đoàn Thạch Hãn, Đoàn Thiên Lý…
(Tưởng Năng Tiến)
Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực
Gọt xoài đừng để xoài chua.
Chọn bạn đừng để bạn cua bồ mình.
Góp nhặt phố văn ngõ chữ
Thầy Đào Mộng Nam
Tôi vừa tìm thấy bài viết về Giáo sư Đào Mộng Nam trên Intenet.
Tóc thường để dài, cột sau gáy, trang phục thường xuề xòa, mắt nhìn ngây thơ, cử chỉ dịu dàng, tính trầm mặc, ưa lặng lẽ, khi lên tiếng thì lời vi diệu, đầy ẩn mật, cho thấy những suy nghĩ lạ lẫm nhưng cổ kính, ngôn ngữ trau chuốt nhưng thơ mộng… và cũng bất ngờ khi anh chợt đến, khi anh chợt đi.
Đó là hình ảnh của thầy giáo, và cũng là nhà thơ Đào Mộng Nam.
Nhà văn Nguyễn Tiến Văn ghi nhận trên mạng Talswas.org hôm 1-9-2006, qua bài “Đào Mộng Nam, về..…” với những dòng chữ mở đầu như sau:
“Đào Mộng Nam vừa qua đời tại California, hoàn toàn đơn độc tại trai phòng chỉ có bồ đoàn, máy vi tính, ấm trà, những bản thảo dịch thơ Cao Bá Quát và những tập bản thảo sưu tập các giai thoại về Bùi Giáng…”
Đào Mộng Nam đã sống một cuộc đời đầy những hồn thơ, kể cả khi lặng lẽ từ trần trong thư phòng, phòng chất đầy quanh tường và các kệ sách là thơ của Cao Bá Quát và Bùi Giáng.
(Hoàng Hải Thủy)
Đừng tưởng
Đừng tưởng cứ lớn là khôn...
Cứ bé là dại, cứ hôn… là chồng
(Bùi Giáng)
Thuở mơ làm văn sĩ
Chắc chắn hắn có tiền. Chỉ cần một bữa ăn xoàng. Nguyễn Đức Sơn rủ tôi dến quán
cơm Anh Vũ ở trên đường Bùi Viện, quán cơm nâng đỡ các sinh viên học sinh. Cơm
ăn thả cửa, ba món ăn, giá chỉ có 3 đồng đến 5 đồng cho một người. Tôi nghe nói
về quán cơm này, nhưng đây mới là lần đầu tiên đến với Sơn. Tôi thú thật với
Sơn điều ấy. Sơn ra người sành sỏi ăn cơm Anh Vũ.
- Vậy thì mi cứ nghe tau, tao làm gì mày làm cách đó.
Khi bước chân vào quán Anh Vũ, quán cơm đông khách, hầu hết là những học sinh.
Chúng tôi ngồi xuống một bàn trống. Những người khác ra quầy mua phiếu rồi đi
ra một bàn khác tự do chọn thức ăn, giỏ cần xé cơm gần đó, ai muốn xúc bao
nhiêu thì xúc.
Tôi
không thấy NĐSơn làm điều đó, anh cắm một cây tăm lên miệng. Tôi ngơ ngác vì
chúng tôi chưa ăn gì mà đã xỉa răng. NĐSơn ra lệnh cho tôi:
- Xỉa răng đi
Tôi làm theo lệnh Sơn như cái máy. Hắn lại ra lệnh:
- Đứng dậy đi theo tau.
Tôi
đi theo Sơn vào bếp. Những cái chảo lớn nấu cơm. Cơm thì rỡ ra những giỏ cần xé
khiêng ra ngoài nhà ăn. Những người nấu cơm dùng cái xẻng lớn cạy những tảng
cháy to hất ra những cái thùng to, có người chạy đến bẻ một miếng. Sơn cũng tới
bẻ một miếng, hối tôi:
- Mi bẻ lấy một miếng đi, mình ăn cơm rồi, bây giờ đét se miếng cơm cháy cho
thơm miệng....
Tôi làm theo Sơn, và bây giờ thì tôi hiểu được việc làm của bạn. Tôi bẻ miếng
cơm cháy hơi to, theo Sơn lên nhà ăn. Hai thằng ngồi ăn đàng hoàng vào bàn ăn,
rắc muối tiêu và xịt nước tương vào miếng cháy, tôi ăn đến loáng hết miếng cháy mà vẫn còn thòm thèm.
Sơn cười:
- Lần sau rút kinh nghiệm nhé, nhưng không sao, chiều mình lại đến. Bây giờ mày ra uống trà cho nó nở ra là vừa bụng.
Chúng tôi ra khỏi quán cơm Anh Vũ…
(Nguyễn Thụy Long)
Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực
Má ơi đừng gả con xa.
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.
Thôi má hãy gả nhà giàu.
Có tiền chỉnh mặt, làm đầu cho con.
Phan Huy Đường
Xin ghi lại một trích đoạn Phan Huy Đường trong bài “Sống và tự do sáng tác”,ca ngợi sự tự do sáng tác:
“Một đặc điểm của chế độ quản lý văn học ở nước ta, chính là xé lẻ, chia rẽ, cô lập con người, biến nó thành một loại thú cô đơn, bất lực, khinh nhau, nghi nhau, rình mò nhau, hại nhau trong bóng tối. Chỉ thế mới mong diệt được văn hoá, nghệ thuật, chính trị.
Chế độ ấy, khi nó không còn sức ngăn cấm tự do sáng tác, không mong muốn gì hơn là nhà văn tự biến thành tháp ngà, hoặc tụ lại thành bộ lạc nho nhỏ. Trong hoàn cảnh ấy, dám tự do sáng tác, dĩ nhiên đáng quý, đáng trọng, đáng được bảo vệ. Nhưng có lẽ cấp bách, quan trọng hơn, là sống tự do vì một cộng đồng người tự do, sống đầy đủ tư cách của con người trong lòng xã hội, của công dân, ngay trong lãnh vực nghệ thuật.
Chính điều ấy mở đường cho những giá trị mới lạ của nghệ thuật, khi có, đi vào cuộc sống, biến thành văn hoá, thành giá trị phổ biến, thành người đời. Không phải tình cờ mà trong văn học của nhân loại, đại bộ phận những nhà văn được yêu mến, quý trọng và, quan trọng hơn cả, được đọc rộng khắp và lâu đời, chính là những nhà văn vừa biết sống tự do, vừa biết sáng tạo.
Ở họ, sống với người đời và sáng tác nghệ thuật là một. Nghệ thuật của họ tô điểm hành động, cuộc sống của họ đến mức, có khi, cuộc sống ấy biến thành nghệ thuật, nghệ thuật làm người, với đầy đủ cá tính và nhân tính của con người.”
(Tưởng nhớ những khuôn mặt văn chương – Trần Dõan Nho)
Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực
Làm trai cho đáng nên trai.
Đi đâu cũng lận cái chai trong người.
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Trần Đăng Khoa từ bộ dạng, cách nói năng (lẫn lộn “n” với “l’), đến thói quen ăn uống đều đặc nông dân: chỉ thích món thịt lợn kho, cá kho, rau muống luộc, lòng lợn chấm mắm tôm, không thích thịt bò, gà vịt, không thích bia...
Từ ngày Khoa học trường viết văn Nguyễn Du, tôi tiếp xúc với Khoa luôn. Khoa đúng là có tài, rất thông minh. Có lẽ Khoa có ý thức mình là thần đồng nên chịu khó đọc sách, đọc sáng tác, đọc phê bình, để có một vốn tri thức đàng hoàng, có thể ăn nói với đời. Khoa tỏ ra rất hoạt bát. Mồm mép ghê gớm, phát biểu rất có chủ kiến, đầy tự tin, có phần kiêu ngạo nữa:
“Văn học đang đổi mới. Không thể viết như cũ được nữa. Tất cả cũ rồi. Các nhà thơ thời chống Mỹ vẫn khá hơn cả, song cũng tắc rồi. Nguyễn Duy triển lãm thơ bằng cách vất thơ vào rổ rá, cối xay là vớ vẩn lắm rồi! NguyễnHuy Thiệp cũng tắc. Vàng Anh cũng hết, một hồi ta đề cao hơi quá. Phạm Thị Hoài có khá hơn.
Hồ Xuân Hương không có. Không có Hồ Xuân Hương!
Đàn bà không tả cái của đàn bà hấp dẫn như thế “Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”, đàn ông mới nói thế: “Cô gái ngủ ngày” là đàn ông viết.
Em đã ghép mười câu thơ của mười nhà thơ lại thành một bài hoàn chỉnh. Chứng tỏ thơ ta một thời rất giống nhau, cùng một gương mặt. Em cũng ghép lại những câu thơ của Huy Cận lại thành một bài thơ về vũ trụ. Lại ghép bốn nhà thơ, mỗi ông bốn câu, thành một bài hoàn chỉnh.
Em không thích bài Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi, cả bài Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm. Chả có gì hay. Cụ phản biện đi, hay ở chỗ nào?”. Tôi nói: “Thơ hay không phân tích, không giảng được”. Khoa: “Không phải thế. Nếu hay là cụ phân tích được hết”.
Khoa khen bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, không có gì mà hay. Tôi nói: “Đấy cậu nói không có gì mà hay đấy thôi!”. Khoa cãi: “Không phải, hai chuyện khác nhau, cụ đánh tráo khái niệm”. Nhật có bài thơ tên là Tiếng thu. Có bốn câu khác hẳn. Nguyễn Vỹ dịch ra giống thơ Lưu Trọng Lư, rồi người ta tưởng là Lưu Trọng Lư ăn cắp. Một vụ án văn học, oan cho Lưu Trọng Lư”.
(Chân dung Trần Đăng Khoa – Nguyễn Đăng Mạnh)
Dịch Truyện Kiều đầu tiên
Trong buổi phỏng vấn, nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc đã “khoe” với chúng tôi khi nói về tài dịch thuật của Nguyễn Văn Vĩnh như sau:
“Cụ Vĩnh không phải chỉ dịch giỏi từ tiếng Pháp sang tiếng Việt đâu, mà cụ còn giỏi cả tiếng Hán và tiếng Nôm. Năm 1909, cụ cùng với cụ Phan Kế Bính dịch Tam Quốc chí diễn nghĩa từ Hán văn ra quốc ngữ, cụ là người sửa bản dịch, xưa các cụ gọi là ‘nhuận sắc’. Cụ không giỏi, làm sao cụ lại “duyệt” được chứ?!
Rồi đến năm 1913, cụ Vĩnh còn dịch cả Kim Vân Kiều từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ. Tôi còn giữ bản in lần đầu đấy!”. Vậy nhưng đến 9 năm sau, tôi mới có may mắn cầm trên tay cuốn Kim Vân Kiều của Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản năm 1915.
Nhớ lại câu chuyện của cố nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc…đọc những trang đầu của cuốn sách in năm 1915, tôi xác định lời nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc nói là chính xác.
***
Sau khi ở Pháp về nước, Nguyễn Văn Vĩnh cùng với một người Pháp tên là Dufour thành lập nhà in. Năm 1909, ông cùng với Phan Kế Bính dịch dịch Tam Quốc và Kim Vân Kiều .
Trong Lời tựa của cuốn Truyện Kiều ông đã đưa ra câu nói nổi tiếng: “Nước Nam ta mai sau này hay hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”. Câu nói này đã trở thành lời kêu gọi của các nhà truyền bá chữ quốc ngữ đầu thế kỷ XX, nó được in trên tất cả các bìa sách do nhà in của Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản.
(Đỗ Huệ)
Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực
Một cây làm chẳng lên non.
Ba cô chụm lại mỏi mòn lỗ tai.
Chiêu Hổ không phải là Phạm Đình Hổ
Phạm Đình Hổ có nhiều trước tác, nhưng nổi tiếng nhất là Vũ trung tùy bút.
Tác phẩm Vũ trung tuy bút, tác phẩm duy nhất Phạm Đình Hổ nói về mình, về chuyện đời mình, cho thấy ông là một ngưởi “trầm lặng, mực thước, khắc khổ, nhạt nhẽo”, đặc biệt, ông “rất ghét thanh sắc, nghề cờ bạc, và những chuyện rủ rê chơi đùa”.
Theo lời của Phạm Đình Hổ - thì không thể có chuyện ông (quan Tế Tửu Quốc Tử giám Thăng Long) là tác giả của các bài thơ tục, như “ghẹo nguyệt giữa ban ngày”, với Hồ Xuân Hương, “cho cả cành đa lẫn củ đa”.
Xin nhớ cho, Bộ luật Gia Long thời Nguyễn ghi rõ:
“Phàm quan văn võ ở đêm với con hát, hay đem con hát vào tiệc rượu, phạt 60 trượng”, nghĩa là giải ra công đường, lột mũ áo, đánh cho 60 gậy rồi đuổi về vườn.
(Trần Nhuận Minh)
Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực
Ta về ta tắm ao
ta.
Nhỡ may chết đuối người nhà còn vớt lên.
Chữ nghĩa làng văn
Quang Dũng, mỗi lần nhà thơ về Đan Phượng đều ghé “thượng gia hạ kiều” uống bát chè xanh, làm cữ thuốc lào, và làm thơ.
Nếu đình làng là nơi chỗ quan viên họp việc làng, thì cầu mái ngói âm dương như mái đình là nơi dân làng nghỉ chân, tránh nắng những trưa hè gay gắt. Bởi thế trong cầu có quán nước chè xanh nên còn được gọi là cầu quán.
Quán có cái chõng tre bày một dãy bát uống nước chè xanh, bánh dầy, bánh gai, vài quả bưởi, dăm nải chuối. Và vài gói thuốc lào nên chả thiếu cái điếu cầy gác bên thành cầu. Tối khuya, khách lỡ đường ghé qua khoèo một giấc, vì vậy mới có câu dân gian “bơ vơ điếm cỏ, cầu sương”, hay “nằm cầu gối đất” là cái cảnh này đây.
Câu đối
Nhân nói đến xóm chị em, chúng tôi nhớ đến bạn Hoàng Tích
Chu, chủ báo Đông Tây, vốn không biết nghe hát và đánh trống nhưng hay lui tới
nơi đây, chỉ vì quen thân với bà Đốc là chủ cô đào, cũng là người không từng
biết xử dụng đến sênh phách.
Có người đặt chuyện diễu: họ Hoàng giơ roi chầu vừa đánh bốn tiếng trống dạo ý
nói
Đông Tây ! Đông Tây !
Bà Đốc gõ dịp phách nghe lát chát như đối lại :
Vắng Khách ! Vắng Khách !
Câu đối dí dỏm ở chỗ dùng khách là khách hàng hay chú khách đối với tây
là phương tây mà cũng là người Pháp.
Đông là phương đông, dùng nghĩa đông là đông đảo để đối
lại bằng chữ vắng, thật là hay .
(Chơi chữ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)
Con gái của Đề Thám
Bà Hoàng Thị Thế là người có số phận chìm nổi. Mẹ mất, cha bị giết hại (năm 1913), bà bị đưa sang Pháp, được những người đứng đầu nước Pháp đỡ đầu.
Hoàng Thị Thế (sinh năm 1901) tại Yên Thế, Bắc Giang. Bà là con của Hoàng Hoa Thám với bà Đặng Thị Nho - người vợ ba đảm đang tháo vát tham gia cuộc khởi nghĩa. Khi khởi nghĩa Yên Thế suy yếu, năm 1909, Hoàng Thị Thế bị thực dân Pháp bắt. Mẹ bà bị đày sang Guyanne (Pháp) và qua đời trên đường đi.
Năm 1917, toàn quyền Đông Dương là Albert Sarraut nhận làm người giám hộ Hoàng Thị Thế và đưa bà sang Pháp. Khi ấy, Hoàng Thị Thế 16 tuổi, lấy tên là Marie Beatrice Destham, theo học tại trường nội trú Jean d’Arc ở Biarritz.
Trong một cuốn sách về Hoàng Thị Thế, tác giả Claude Gendre lý giải việc Albert Sarraut trước đó ra lệnh truy sát Hoàng Hoa Thám, sau lại nhận làm cha đỡ đầu của con gái “Hùm thiêng Yên Thế”. Vì Albert Sarraut muốn đưa Hoàng Thị Thế đi xa khỏi vùng Bắc bộ. Ông ta sợ Hoàng Thị Thế sẽ tiếp bước cha mình, sợ nghĩa quân sẽ hội tụ lại xung quanh hậu duệ của Đề Thám.
Chữ Tàu tiếng Việt
Trò hỏi:
- Thừa thầy, tại sao chồng chết, đàn bà lấy chồng khác gọi là “tái giá”, mà đan ông thì gọi là “tục huyền?”.
Thầy đáp::
- “Tái” là thêm, là hai lần. “Giá” là lấy chồng.
- “Tục” là tiếp nối. “Huyền” là dây đàn.
Đàn ông vợ chết coi như dây đàn bị đứt dây nên lấy vợ khác như nối lại dây đàn.
(trích trong Quan phu – Khuyết danh)
Góp nhặt cát đá
Một hôm, đệ tử hỏi thiền sư Đại Châu:
"Thưa thầy! Thế nào là sắc, thế nào là không?".
Thiền sư trả lời: "Sắc tức là không!".
Đệ tử lại hỏi: "Thưa thầy, thế nào là có, thế nào là không?".
Thiền sư trả lời: "Có tức là không?".
Giai thoại làng văn xóm chữ
Câu đối
Tương truyền rằng vợ ba Cai Vàng khi xưa, hồi còn con gái tên là cô Miên, có ra một vế đối kén chồng:
Cô Miên ngủ một mình.
(Cô là một mình, miên là ngủ. Cô Miên
lại là tên)
Câu cô Miên ngủ một mình trên kia ra đã lâu không ai đối được, mãi sau này mới
có Cai-tổng Thịnh, tức là Cai Vàng, đến đối: Tổng
Thịnh tóm nhiều đứa
(Tổng là tóm, thịnh là số đông, lại cũng là tên).
Vế đối có vẻ bông đùa nhưng lại chỉnh, nên cô Miên ưng thuận lấy ông Tổng
Thịnh, dù là phải làm lẽ thứ ba. Đến khi Cai Vàng trong một cuộc giao tranh với
Pháp, bị trúng đạn bỏ mình, bà ba có câu đối khóc:
Chị thưa chị, một tiếng đùng, kiếp phù
sinh ông lớn đã xong rồi, trị mà chi, loạn mà chi, ngơ ngẩn sống thừa, em với
chị.
Con ơi con, ba đời dõi, gương thế phiệt chúng
bay coi lấy đó, vinh là thế, nhục là thế, ngậm ngùi chết điếng mẹ cùng con
...
Hạ đến chữ “chúng bay” thì
rõ là giọng "bà tướng" có cái hùng khí coi thiên hạ như rơm rác. Có
bạn cho đôi câu đối này là của vợ lẽ ông Cung Khắc Đản, xin khi vào đây để tồn
nghi.
(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc - Chơi chữ 1960)
Giai thọai làng văn xóm chữ
Giai thoại Tú cát - Bọ
hung
Khoảng giữa thế kỷ XVIII, trạng Quỳnh (1677 – 1748)
tên thật là Nguyễn Quỳnh, quê ở
làng Bột Thượng, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hoá. Quỳnh là người học giỏi và thông
minh,láu lỉnh; còn trẻ tuổi đã đậu hương cống, nên thường gọi là cống
Quỳnh.
Quỳnh không đỗ trạng nguyên bao giờ, nhưng người đời vẫn gọi Quỳnh
là trạng, vì ông ứng đối lanh lẹ ít ai bì kịp . Ông khinh mạn và ưa nhạo
báng quan trường, nên đi thi trượt mấy lần Đến nay, nhiều giai
thoại về ông đã được phổ biến trong dân gian.
Khi còn nhỏ,trạng Quỳnh đã nổi
tiếng thông minh và tinh nghịch. Một hôm có khách là ông Tú Cát đến chơi
nhà,ông bố sợ Quỳnh nghịch mới bắt ra hầu trà. Khách thấy ông bố khoe con thông
minh, liền ra một câu đối bắt Quỳnh đối:
Trời sinh ông Tú Cát
Câu này có ý hợm hĩnh, kiêu căng.
Quỳnh nghe bèn đối ngay:
Đất nứt con bọ hung
Vừa hạ khí thế của ông Tú lại vừa chơi chữ rất hay. (Cát là “lành” đối với hung là “dữ” ). Tú Cát thấy Quỳnh quả có tài mẫn tiệp khác thường, nên tuy giận mười mươi mà vẫn yêu,chẳng những không mắng mà còn giúp thêm tiền cho Quỳnh ăn học.
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Giai thọai làng văn xóm chữ
Giai thọai Chó khôn chớ cắn càn
Khi còn nhỏ, Quỳnh vì có khiếu thông minh nên ai cũng có bụng yêu
mến, lại thường hay chọc ghẹo.
Một hôm nhà có giỗ, đang làm thịt lợn, ông Tú Cát đến chơi thấy Quỳnh đứng xem
mổ lợn, liền chạy tới béo tai và ra cho một vế đối, bảo hễ đối được thì mới
tha.
Ông Tú bèn mượn hai quẻ trong bát quái đọc rằng:
Lợn cấn ăn
cám tốn
(Lợn chửa ăn tốn nhiều cám; "cấn" và "tốn"
là tên hai quẻ trong bát quái)
Quỳnh không cần suy nghĩ, đối ngay :
Chó khôn chớ cắn càn
("khôn"
và "càn"
là tên hai quẻ trong bát quái)
Cũng dùng tên quẻ trong bát quái mà lại có ý xược ngầm: bảo ông Tú, này có khôn thì đừng ra câu đối càn nữa.
Tản mạn chuyện chữ Hán-Việt
Bỗng
tôi nhận được email của Pro-HV, anh cho biết:
– Tôi đi tìm lại chữ “bất lực”, tình cờ tìm ra website này, “Trung Hoa Tự Điển
Từ Điển” để tra song song với “Hán Việt Từ Điển” của cụ Đào Duy Anh. Kết quả,
thấy cái nguyên tắc “chữ ‘bất’ không đi trước danh từ” mình vẫn tưởng là đúng,
nhưng thật ra có nhiều ngoại lệ quá: “bất nghĩa”, “bất nhã”, “bất nhân”, “bất
nhất”
Ngay cả “bất lực” 不力 cũng có trong từ điển Tàu, với nghĩa “ineffective”. Trong Trung Hoa Tự Điển cũng còn ghi luôn cả thành ngữ “lãnh đạo bất lực” 領導不力 (ineffective leadership) nữa chứ. Đồng thời cũng có cả chữ “vô năng” 無能 được dùng để dịch nghĩa “powerless”.
– Nhưng tôi dám cá với bác, người mình chỉ nói “đàn ông bất lực”, chả ai nói
“đàn ông vô năng” đâu.
– Ấy, không, không, cái này lại khác nữa bác ơi. Bác nói chữ “bất lực” ở đây là
ý gì? Là “công không ngủ” đó hả. Không được, vì cả từ điển Tàu và từ điển
Hán-Việt đều không ghi “bất lực” với nghĩa “sexually impotent”, không hiểu tại
sao lại thành như thế , theo tôi nghĩ đây có lẽ là một hình thức biến thể của
chữ Hán-Việt – mượn nghĩa trừu tượng của chữ “bất lực” để mô tả một trạng thái
cụ thể về sinh lý, rồi vì được dùng quen lâu ngày trở thành một nghĩa mới
chăng? Nhưng người Tàu dùng chữ khác.
– Vậy à, chữ gì?
–Liệt dương”, “tánh vô năng” hay “dương nuy”.
(Ngũ Phương)
“Ba Tàu” huyễn sử
Lại có người giải thích như vầy:
“…Chữ “ba” ý rằng nhiều không đếm được hoặc không muốn đếm, ví dụ như ta hay nói : Nấu ba hột gạo (ba không có nghĩa là chỉ nấu đúng ba hột, ai ăn ai nhịn). Thằng ấy ba hoa, nhiều chuyện. Nhậu ba sợi, nhậu lai rai. Thằng này ba trợn …
Ba Tàu có thể dùng để chỉ người Tàu khi ấy đi rất nhiều tàu qua mà không đếm được hoặc không muốn đếm. Tuy nhiên khi dùng từ ba, có hàm ý coi thường, không quan tâm. Do đó dùng từ Ba Tàu để chỉ người Hoa còn có hàm ý coi thường….”
Lời giải thích
thật là … ba
trợn.
Một Hoa kiều ở nước ngoài đã cảm thấy bứt xúc: “Không biết xuất phát từ đâu và từ bao giờ, người Việt gọi chúng ta là
“Ba Tàu”, là “thằng chệt” với hàm ý phân biệt đối xử và miệt thị. Có lẽ họ còn
hận cha ông chúng ta ngày xưa đã đặt ách thống trị cả ngàn năm lên đất nước
này. Và cũng có thể họ ghen tức với sự thành công của chúng ta tại miền Nam
trước đây.”
Và có vị giáo sư trả lời câu hỏi của người Hoa kiều “hơi bị khích động” ấy. Nói người Hoa kiều kia bị khích động, vì anh ta nói người Việt gọi người Hoa là “thằng Chệt”.
Trong tiếng Việt không có từ “thằng Chệt”. Không bao giờ có một từ như vậy. Nhưng có từ “chú Chệt”. Các nhà nghiên cứu đã cho biết “Chệc” chỉ là một âm Triều Châu của từ “Thúc” có nghĩa là chú thôi mà. Gọi chú Chệc là gọi “chú Chú”, chỉ sai ở chỗ lập lại từ “chú” thôi. Chuyện này đã có người nói rồi.
(Thiếu Khanh)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Sau một loạt ấn bản “từ điển Vũ Chất” bị “tuýt còi” với lỗi ngô nghê, mới đây, lại có thêm một cuốn từ điển với cách giải nghĩa từ ngữ… giật mình, đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách khoa Hà Nội biên soạn có những định nghĩa gây choáng váng, chẳng hạn như:
“nhà trọ” là “nơi
ở trọ, ngủ trọ”
Thành ngữ tục ngữ sai
Cá chép, hóa rồng
Loại cá chép to, sống lâu năm có vẩy to vàng như vẩy rồng, lúc mắc lưới kêu ộp ộp như động vật trên cạn, khi bắt được những con này ngư dân thường thả trở lại để hy vọng nó hóa thành rồng.
Đây là thành ngữ, Nguyễn Cừ nhận lầm tục ngữ và hiểu sai về cấu trúc (không có dấu phẩy chia làm hai vế). Mặt khác, tác giả đã đem đến cho thành ngữ một nghĩa đen khó chấp nhận. Sự tích “Lý ngư hóa long” (Cá chép hóa rồng) được truyền tụng khá phổ biến trong dân gian.
Đại khái: Trời sai rồng làm mưa chống hạn, nhưng rồng trên trời không đủ. Trời mở cuộc thi cho các loài tôm cá vượt Vũ Môn, truyền rằng: nếu con nào vượt được ba bậc thác Vũ Môn sẽ hóa thành rồng. Duy chỉ có cá chép vượt được ba bậc và hóa thành rồng, bay vút lên mây.
(Hoàng Tuấn Công)
***
Phụ đính I
Chân dung hay chân tướng nhà văn
Nguyên Hồng, ngược lại:
“Nguyên Hồng uống
tạp, rượu nhắm ổi xanh, hành sống, cà pháo muối xổi... Buổi tối,
Nguyên Hồng ngủ lại ở cái gác xép sân sau cơ quan. Chẳng biết cao hứng sao đi
tìm tôi rồi ra chợ chiều cạnh bến xe Kim Liên mua miếng thịt bò, mấy nhánh cần
tây và mớ rau húng. Thịt xào không mỡ với muối, rau húng chỉ cởi lạt, ngắt ăn
cả nhánh. Hàng rau người ta rửa rồi mới đem ra chợ bán chứ ăn cả đất đâu mà lo.
Khéo vẽ vệ sinh lôi thôi…”
Xuân Diệu có vẻ phàm ăn:
“Không phải Xuân Diệu ăn, mà một người nào khoẻ lắm gắp hộ, nhai hộ, biến Xuân
Diệu thành con
ma ăn, trông đến thương. Một chuyến chúng tôi cùng nhau thăm nước
Lào, ở khách sạn Apôlô. Mỗi sáng Xuân Diệu nhắc: cậu không ăn sữa thì để riêng
đấy cho mình, không ăn hết bánh cuốn thì lấy đĩa sẻ ra cho vệ sinh để mình ăn
nốt. Cố lên, ăn phất phơ thế không được. Nhà bàn bưng ra nhiều món, Xuân Diệu
cứ thong thả vừa nhai vừa ngắm từng miếng và ăn đến hết. Đêm ấy đau bụng phải
đi cấp cứu.”
Qua “Cát bụi chân ai” thấy chân dung của phần lớn nhà văn cùng thế hệ tác giả
như Trần Đức Thảo, Nguyễn Bính, Phan Khôi… kể cả những văn thi sĩ ở “phía bên
kia” như Vũ
Hoàng Chương, Doãn Quốc Sĩ, Phan Nhật Nam… tất nhiên với giọng văn không lấy gì làm ưu
ái.
(Nhật Tuấn)
Tác giả:
Nhà văn Nhật Tuấn tên thật là Bùi Nhật Tuấn, sinh ra tại Hà Nội. Ông là hội
viên Hội Nhà văn. Truyện ngắn và tiểu thuyết là hai thể loại nổi bật trong sự
nghiệp văn học của ông. Nhà văn Nhật Tuấn qua đời ngày 6-10-2015 tại bệnh viện
Thống Nhất, Sài Gòn, hưởng thọ 74 tuổi.
Tác phẩm: Con chim biết chọn hạt
Đi về nơi hoang dã (tiểu thuyết, 1988)
Quê nhà Quê người (chung với Nhật Tiến, 1994)
Một cái chết thong thả (tập truyện, 1995)
(Nhà văn Nhật Tuấn là em nhà văn Nhật Tiến)
***
Phụ đính II
Chữ nghĩa làng văn
Hồ Dzếnh
Lần gặp anh ở Sài Gòn là lần cuối. Sau đó chúng tôi cũng không có thư từ, điện thoại cho nhau. Tin nhắn cuối cùng anh gửi cho tôi là bài viết thay cáo phó trên tờ Văn Nghệ.
Tháng 8 năm 1991, tôi ở Warszawa.
Một buổi chiều, sau khi uống cà phê ở quán U Szwejka trên quảng trường Konstytucji, tôi thả bộ tới đường Marszałkowska thì một chiếc taxi trờ tới. Ắt hẳn anh lái nghĩ tôi là một du khách đang lớ ngớ tìm đường. Ngạc nhiên làm sao, ngồi vào xe, lên tôi thấy bên mình một tờ báo tiếng Việt. Một hàng tít lớn đập vào mắt: ”Nhà văn Hồ Dzếnh không còn nữa”.
Xem ngày tháng thì thấy tờ báo mới ra hôm qua. Chắc hẳn người khách trước tôi là người Việt vừa đi từ phi trường Okiecie vào thành phố đã bỏ lại.
Tôi bàng hoàng. Thêm một lần, tôi tin ở tâm linh. Nó có thật hay không có thật tôi không biết. Bằng sự tình cờ hi hữu, Hồ Dzếnh gửi cho tôi lời nhắn cuối cùng:
“Tôi đi đây. Chào nhé”.
(Vũ Thư Hiên)
Vũ Thư Hiên (18 tháng 10 năm 1933) ông là con trai của Vũ Đình Huỳnh, bí thư của ông Hồ (sau đó cha ông bị tù). Trong thời gian dài, sau làm vụ trưởng vụ lễ tân bộ Ngoại giao, vụ trưởng trong ban kiểm tra trung ương đảng.
Ông là một trong những nhân vật của Vụ án xét lại chống đảng. Năm 1997, hồi ký Đêm giữa ban ngày được xuất bản, tiết lộ một số bí mật của vụ án này. Từ năm 1967 đến 1976, trong Vụ án xét lại chốngng đảng, ông bị chính quyền bí mật bắt và giam cầm sau khi đã bắt cha ông (Vũ Ðình Huỳnh) 2 tháng trước đó.
Chữ nghĩa làng văn
Nguyên Hồng đến thăm Nguyễn Tuân. Hai cụ bày rượu ra uống, bày bàn cờ ra chơi. Ngồi cả buổi, hai cụ bàn về chuyện thời thế, chuyện văn chương rất tâm đắc nhưng cả hai không ai đụng đến quân cờ. Nậm rượu ngon đã cạn, thức nhắm đã vơi, bỗng Nguyên Hồng cầm quân cờ đánh chát một cái xuống bàn, hét to:
- Chiếu tướng!
Nguyễn Tuân giơ cả hai tay lên trời:
- Thua!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét