23 thg 9, 2022

CHUYỆN VUA GIA LONG VÀ GIÁM MỤC BÁ ĐA LỘC - Tác giả: Tôn Thất Thông


Trong tuần qua, Diễn Đàn Khai Phóng có đăng bài :

 Đi tìm sự thực lịch sử về vua Gia Long - Thụy Khuê

Đi tìm sự thực lịch sử về Vua Gia Long 

 của Thụy Khuê. Bài viết là một phần của cuốn sách trong đó Thụy Khuê sử dụng tư liệu của triều Nguyễn, đối chiếu với tư liệu của Pháp thời thuộc địa, có mục đích đưa ra những phân tích lịch sử mang tính chất phản bác lại những luận cứ mà chúng ta đã học nằm lòng từ thời trung học, những luận cứ đã tồn tại và bám rễ ở Việt Nam qua nhiều thế hệ, lại được tăng cường sức ảnh hưởng bởi những thần tượng như Trương Vĩnh Ký ở miền Nam, và thần tượng xã hội chủ nghĩa như Trần Huy Liệu, vốn cũng đã hưởng ánh hào quang của những cây đại thụ ngành sử học Pháp như Maybon, Cadière, những người đã ảnh hưởng lên nhiều sử gia Pháp khi viết về Việt Nam, và chi phối nội dung các sách giáo khoa chương trình trung học Pháp ở Đông Dương.

Dù bao nhiêu búa rìu dư luận, nhưng chúng tôi thấy cũng có ích khi giới thiệu những tư liệu loại này cho công luận để tham gia vào việc làm sáng tỏ một số nghi vấn về lịch sử triều Nguyễn. Chắc hẳn không ai muốn dựng lại một nền quân chủ phong kiến, nhưng lịch sử dù sao cũng là ký ức của một dân tộc cho nên cần được viết một cách trung thực. Về khía cạnh này, chúng ta không lạ gì một phương pháp quen thuộc của Anh, Pháp, Tây Ban Nha trước đây trong chính sách thuộc địa: xóa bỏ ký ức văn hóa lịch sử của người bản địa.

Quả thật sau khi đăng, chúng tôi nhận khá nhiều ý kiến công kích, nhưng cũng không ít ý kiến khích lệ, đại loại như “bài viết đặt ra những câu hỏi lịch sử cần được nghiên cứu thêm để làm sáng tỏ”. Tiếc là những ý kiến phản hồi đều ngắn, rời rạc, chứ chưa phải là những phản biện có kèm dữ liệu chứng minh để có thể đưa lên báo. Thực tế là, những luận cứ của Thụy Khuê chỉ mới được đưa ra công luận vài năm nay, mà lại là những luận cứ dùng để phản bác một truyền thống suy nghĩ lâu đời từ hơn một thế kỷ, cho nên tất nhiên sẽ gặp nhiều ý kiến chống đối, điều đó không có gì để ngạc nhiên. Tạm gác qua một bên những phê bình về cá nhân, về phong cách của Thụy Khuê lúc phê bình văn học để trở về với đề tài vua Gia Long và Giám mục Bá Đa Lộc, thiết tưởng cũng là điều có ích để bổ sung một số tin tức liên quan.

Bài viết “Đi tìm sự thực lịch sử về Vua Gia Long” nguyên ủy là một bài tham luận khoảng 15 phút, viết cho một buổi toạ đàm về vua Gia Long được tổ chức ở Huế. Trong vòng 15 phút mà Thụy Khuê dám đưa ra một kết luận phản bác lại suy nghĩ truyền thống đã có từ hơn 100 năm, thì quả thật tác giả cũng có “gan to bằng trời”. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu đó là cú hích cần thiết cho những cuộc tranh luận cần thiết tiếp theo. Trong bài tham luận, tác giả đã nhắc đến một tác phẩm liên quan đến đề tài nói trên, và chính nơi đây mới hàm chứa đầy đủ tư liệu và cơ sở lý luận nào dẫn đến những kết luận của Thụy Khuê chung quanh Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc, bên cạnh những đề tài khác:

Report this ad

Trong tác phẩm này, bên cạnh các tài liệu khác, Thụy Khuê sử dụng tư liệu mà các giáo sĩ thừa sai báo cáo cho cấp trên của họ trong Hội Thừa sai Roma (cuốn Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823 của Andrien Launay – Lịch sử truyền giáo ở Nam Hà 1658-1823) để – bên cạnh các đề tài khác – phân tích về hoạt động của Nguyễn Ánh vào cuối thế kỷ 18, mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh – Bá Đa Lộc và kết luận về vai trò thực sự của Bá Đa Lộc trong suốt thời gian trước và sau khi vua Gia Long lên ngôi. Theo Thụy Khuê, Bá Đa Lộc đã song hành với Nguyễn Ánh một thời gia dài và có nhiều hỗ trợ đáng trân trọng, nhưng gọi là hỗ trợ “chiến lược” để đạt đến thắng lợi quyết định cho sự nghiệp vua Gia Long thì tác giả khẳng định là không có. Ngoài ra, căn cứ vào các bức thư của giáo sĩ thừa sai, Thụy Khuê quả quyết rằng, Bá Đa Lộc không phải là người đã cứu Nguyễn Ánh thoát khỏi sự truy lùng của Tây Sơn năm 1777, hoặc lập luận “không có Bá Đa Lộc thì không có triều Nguyễn” cũng thiếu căn cứ.

Về giá trị thực sự của những kết luận và của cả cuốn sách thì tùy cách nhìn của mỗi người đọc, nhưng giá trị tư liệu thì không thể phủ nhận, và phong cách viết sử của Thụy Khuê cũng không có gì để phàn nàn. Nếu như bố cục không gọn gàng hoặc đây đó có những ngôn từ “không nhẹ nhàng” thì điều đó cũng không làm suy giảm giá trị của các biện giải lịch sử.

Báo Văn Việt vào tháng 3/2016 trong bài phát biểu lúc phát giải cho các công trình nghiên cứu lịch sử của Thụy Khuê chung quanh tác phẩm nói trên như sau: “… tác giả biết dựa chắc vào sử triều Nguyễn, đặc biệt là Đại Nam thực lục. Đây là cuốn sử bắt đầu in khi Minh Mạng qua đời, do chính nhà vua cho soạn nhưng không duyệt, và có chứng cứ cho thấy các sử thần được tự do trong viết sử. Thứ hai, là nhờ tác giả đối chiếu các sử liệu, tỉ mỉ và cẩn thận, với tinh thần phản biện cao, giữa Đại Nam thực lục và tư liệu của Pháp và giữa các tư liệu của Pháp với nhau, chứ không vội vàng tin một chiều vào tư liệu của một phía. Đó là cả một cuộc điều tra lịch sử công phu và nghiêm ngặt, được gợi hứng từ công trình Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn của Nguyễn Quốc Trị (tác giả tự xuất bản, 2013, Maryland, Hoa Kỳ), nhưng đi xa hơn rất nhiều. Kết quả, là những kết luận có tính chất lật đổ, phá tan tành cái mà bà gọi là huyễn sử” [Văn Việt].

Sách có thể mua online, thí dụ ở: https://tiki.vn/vua-gia-long-va-nguoi-phap-p579641.html (Hoặc xem từng chương ở đây: http://thuykhue.free.fr/thumucindex.html, thư mục 2016. Người nào giỏi săn lùng Free Download trên mạng cũng có thể tìm được PDF để đọc).

Những bài viết khác liên quan có thể xem ở đây: http://thuykhue.free.fr/

Trong tác phẩm nói trên, Thụy Khuê đã dùng nguyên chương hai để giới thiệu một tác phẩm đồ sộ hơn của Nguyễn Quốc Trị, vốn đã gây cảm hứng cho Thụy Khuê nghiên cứu đề tài lịch sử này. Đó là tác phẩm dưới đây:

Giáo sư Nguyễn Quốc Trị sinh năm 1929, là viện trưởng cuối cùng của Học viện Quốc gia Hành chánh (trước 1975), là cháu ba đời của Phụ Chính đại thần Nguyễn Văn Tường. Từ năm 2003, Nguyễn Quốc Trị bắt đầu thu thập tài liệu trong các thư viện quốc hội Mỹ, các thư khố Paris, Aix-en-Provence ở Pháp kết hợp với tư liệu triều Nguyễn để viết cuốn sách này, xuất bản lần đầu năm 2013 tại Mỹ (1100 trang khổ lớn), sau đó tái bản năm 2020 do nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM và công ty Khai Tâm phát hành tại Việt Nam (1800 trang khổ A5, giá bìa 800.000 ĐVN).

Động cơ để Nguyễn Quốc Trị làm một tác phẩm vĩ đại, tốn công sức hơn 10 năm như cuốn này, trước tiên là để hoàn thành tâm nguyện từ lúc còn trẻ, minh oan cho Ông Cố của mình là Phụ Chính đại thần Nguyễn Văn Tường, vốn đã bị bôi nhọ, xuyên tạc trắng trợn bởi hầu hết các sử gia – sử thuộc địa cũng như sử Việt Nam. Rồi khi tiến hành công việc và thu thập khá nhiều tài liệu, ông mới nhận thấy là: “Không phải một mình cố tôi mà cả vua quan nhà Nguyễn và nền văn hóa Việt Nam nói chung đã bị sử thuộc địa bôi nhọ một cách bất công” [Tuổi Trẻ 8/2020]. Từ đó, Nguyễn Quốc Trị mở rộng đề tài, nghiên cứu cả giai đoạn trước khi vua Gia Long lên ngôi, và tất nhiên không thiếu việc nghiên cứu hoạt động và vai trò của Giám mục Bá Đa Lộc. Mặc dù đề tài này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tác phẩm, nhưng cũng đủ để người đọc có một cái nhìn tỉnh táo, công bằng hơn về vua Gia Long và vai trò thực sự của Bá Đa Lộc.

Báo Thanh Niên tháng 3/2021 trích lời GS Cao Huy Thuần nhận xét về tác phẩm như sau: “Chi li, thấu đáo, lịch sử mất nước kể trong quyển sách này không phải chỉ là mất về binh bị, mất về chính trị, mà còn mất cả về văn hóa cho các thế hệ tiếp theo, nghĩa là mất cả cái phương hướng để ta nhìn cho rõ ta và hiểu ta đúng đắn. Trên lĩnh vực sử học, cho đến gần đây, ta chỉ bú mớm một nguồn sữa không phải là sữa mẹ, cũng không phải là sữa khoa học, mà cứ tưởng ta được nuôi trong chân lý. Quyển sách này đem lại một cái giật mình vô cùng cần thiết về sự trung thực. Đây là một tác phẩm sử học không thể thiếu cho bất cứ ai nghiên cứu và dạy học về giai đoạn lịch sử đau thương này – Cao Huy Thuần, nguyên giáo sư émérite Đại học Picardie, Pháp” [Thanh Niên]. Một người đã từng nghiên cứu lâu năm về hoạt động các giáo sĩ thừa sai tại Việt Nam trong thế kỷ 19 phát biểu như thế, thì chắc hẳn giá trị của tác phẩm này không hề thấp về mặt lịch sử Việt Nam trong thời thuộc địa Pháp.

Sau khi tái bản ở Việt Nam, tác phẩm của Nguyễn Quốc Trị được đón nhận nồng nhiệt trong giới nghiên cứu dân sự (không thuộc hệ thống nghiên cứu của nhà nước), được giới thiệu nhiều lần trước công chúng từ Bắc xuống Nam. Tác phẩm cũng được trao giải nhất của “Giải sách hay lần thứ X năm 2020” do IRED tổ chức, hạng mục “Phát hiện mới”, thể loại “Sách viết” [IRED]. Trong lúc chủ trì một buổi giới thiệu sách vào tháng 9/2020, TS sử học Bùi Trân Phượng có một phát biểu phản ảnh rất trung thực ý nghĩ của nhiều người: “Đây là ‘một tiếng nói khác của lịch sử’, mở ra một hướng tiếp cận khác về triều đình nhà Nguyễn với những nỗ lực nhất định trong việc chống xâm lăng” [Giác Ngộ].

TS Nguyễn Xuân Xanh, một khuôn mặt quen thuộc trong giới nghiên cứu lịch sử khoa học ở Việt Nam, nhận xét khúc chiết hơn: “Đây không phải là những tuyên bố ‘cảm tính’, mà là những kết luận chặt chẽ được tác giả chứng minh dựa trên các chứng cứ được ông tìm kiếm công phu và rất khoa học trong các kho tư liệu quốc tế. Với bộ đại sử của tác giả Nguyễn Quốc Trị, lịch sử của một giai đoạn đau thương như vừa bước ra ánh sáng, với tất cả sự thật của nó, và rũ sạch bao uẩn khúc của mình. Tác phẩm hy vọng đã trả lại được cho lịch sử những món nợ trăm năm, và sẵn sàng chấp nhận mọi sự kiểm tra nghiêm ngặt trong tinh thần học thuật cởi mở. Mọi sự kiểm tra, hay cả phản biện, nếu có, sẽ chỉ làm cho công trình phong phú và sâu sắc thêm hơn” [Nguyễn Xuân Xanh].

Với sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng và những nhận xét chân thành của những người mà chúng ta biết là nghiêm túc, thì giá trị của tác phẩm không hề thấp, và những kết luận đưa ra trong tác phẩm cũng có thể cho phép chúng ta yên tâm tham khảo.

Sách có thể mua online, thí dụ ở đây: https://tiki.vn/nguyen-van-tuong-va-cuoc-chien-chong-do-ho-phap-cua-nha-nguyen-bo-2-quyen-p58718718.html?spid=58718719

***

Chúng tôi không có ý định so sánh hai tác phẩm của Nguyễn Quốc Trị và Thụy Khuê. Đó là điều bất khả thi, vì hai tác phẩm có hai trọng điểm khác nhau. Nhìn chung, tác phẩm của Nguyễn Quốc Trị công phu hơn, tư liệu phong phú hơn, bố cục mạch lạc hơn, khung thời gian lịch sử dài hơn. Nhưng xét riêng về đề tài vua Gia Long và Bá Đa Lộc mà chúng ta đang bàn đến, thì cả hai tác phẩm có những điểm tương đồng có thể bổ sung cho nhau.

Điều giống nhau thú vị nhất là thái độ phản biện thẳng thắn và cương quyết đối với những luận điểm của điều mà họ gọi là “sử thuộc địa” (lời Nguyễn Quốc Trị) hoặc “huyễn sử” (lời Thụy Khuê). Cả hai đều đi lên tận thượng nguồn để phản bác những cây đại thụ trong ngành sử học Pháp cách đây hơn 100 năm, những người được hầu hết sử gia đời sau trích dẫn và chi phối nội dung các giáo trình lịch sử Đông Dương, chi phối tư tưởng của những sử gia lớn đầu tiên của Việt Nam. Nếu những phản bác đó là có cơ sở thì chúng ta có thể suy đoán tiếp hậu quả cho Việt Nam: những thế hệ trí thức Việt Nam phi-nho-học vào đầu thế kỷ 20 là nạn nhân đầu tiên hấp thụ nền lịch sử bôi bác đó, và cũng chính họ là những người soạn nên giáo trình lịch sử cho chúng ta học mà chúng ta chưa có cơ hội để phê phán.

Nói như GS Cao Huy Thuần đâu có sai: Việt Nam từ đó “mất cả về văn hóa cho nhiều thế hệ tiếp theo”. Sau khi đuổi Pháp đi, miền Nam có nền học thuật tự do, nhưng chỉ tồn tại 20 năm, chưa kịp chỉnh sửa điều gì. Miền Bắc và cả nước sau 1975 thì viết sử theo quan điểm ý thức hệ, triều đình nhà Nguyễn là một thực thể phản động ở trong tư thế người thua cuộc, có gì để minh oan? Cho nên, giáo trình lịch sử trước sau vẫn như nhau không có gì thay đổi, và tình trạng này chắc hẳn còn kéo dài thêm vài thập niên nếu chúng ta chưa bắt đầu từ bây giờ. Thêm vài thế hệ nữa sẽ còn tiếp tục được học loại lịch sử thiên vị như trước nay.

Lịch sử cần được thường xuyên chỉnh sửa để sự thật ngày càng được sáng tỏ. Khi có một phát hiện khảo cổ mới, hay một tư liệu mới vô tình bị đóng rêu bỏ quên trong những thư khố sách cổ, hoặc bị cố tình che dấu vì lý do chính trị xã hội thường có ở những nước chuyên chế, thì nhiệm vụ của người viết sử là phải mang nó ra ánh sáng. Phản biện một luồng tư tưởng vốn đã trở thành truyền thống cố hữu là việc làm vô cùng gian nan, mất rất nhiều công sức và thời gian để được đón nhận, giống như chuyện lội ngược dòng sẽ hứng chịu sóng nước táp vào mặt, đấy là chưa kể còn bị trù dập, nói xấu, bôi nhọ để hết đường ngoi lên. Nhưng nếu không có những tiếng nói phản biện cất lên, thì nền lịch sử thiên vị vẫn tiếp tục là những thứ tri thức độc hại cho nhiều thế hệ tiếp theo. Trong ý nghĩa đó, những tiếng nói hiếm hoi như Nguyễn Quốc Trị, Thụy Khuê thật quý báu dường nào? Đúng hay sai, hãy để các nhà nghiên cứu đứng đắn phán xét. Nhưng việc bắt đầu đã là bước đi cần thiết đáng ca ngợi.

./.   

Bổ sung hôm nay (18.9.2022) về tác phẩm của Nguyễn Quốc Trị: Ngay sau khi đọc bài viết này, một độc giả trong thân quyến của tác giả Nguyễn Quốc Trị cho chúng tôi biết rằng, nhà sử học Dương Trung Quốc, tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí “Xưa và Nay”, cũng đã có gửi thư cho tác giả đề nghị dành cho tạp chí « Xưa và Nay » của Hội xuất bản tác phẩm của ông. Rất tiếc, đề nghị quý báu này đến quá trễ, sau khi sách đã sắp in xong với nhà sách Khai Tâm. Nhà sách Khai Tâm cũng biết việc này. Đó là một tin vui, chứng tỏ một số nhà nghiên cứu thuộc hệ thống nhà nước cũng bắt đầu quan tâm đến vấn đề.

Tham Khảo

  1. Giác Ngộ, tháng 9/2020: Lịch sử đa chiều (Giao lưu giới thiệu bộ sách lịch sử của GS Nguyễn Quốc Trị).
  2. IRED: Kết quả giải sách hay lần thứ X, 2020 (Xem bảng danh mục bên dưới, mục thứ 7).
  3. Khai Tâm: Nguyễn Văn Tường – Lịch sử được viết lại.
  4. Nguyễn Xuân Xanh, tháng 8/2020: Đại sử về Nguyễn Văn Tường của học giả Nguyễn Quốc Trị.
  5. Thanh Niên, tháng 3/2021: Nguyễn Quang Diệu – Giáo sư Nguyễn Quốc Trị và hành trình minh oan cho Phụ chính Nguyễn Văn Tường.
  6. Thanh Niên, tháng 2/2017: Vua Gia Long và người Pháp: Những ân nhân của nhà vua. (Trích từ tác phẩm “Vua Gia Long và Người Pháp” của Thụy Khuê.
  7. Thụy Khuê: Đi tìm sự thực lịch sử về vua Gia Long.
  8. Tuổi Trẻ, tháng 8/2020: Tập sách minh oan Nguyễn Văn Tường làm lộ sáng nhiều sử liệu triều Nguyễn.
  9. Tuổi Trẻ, tháng 10/2020: Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của triều Nguyễn.
  10. Văn Việt, số đặc biệt tháng 3/2016: Phát biểu của Ban Giám khảo về giải Nghiên cứu – Phê Bình (xem phần 2).

Xem thêm: Những bài viết khác của Tôn Thất Thông


Report this ad

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét