24 thg 9, 2022

Chỗ khuất trong cuộc đời Nguyễn Du đã tới lúc sáng tỏ (Từ NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ)


Hà Văn Thùy

Còn nhớ, năm 1965, đám học trò trên dưới 20 tập tọng văn chương chúng tôi hồ hởi thế nào trước Lễ kỷ niệm 200 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Mua thơ, mua Kỷ yếu Hội thảo đọc như nuốt lấy từng lời vàng ngọc của những bậc thầy để thêm chút vốn liếng cho cuộc đua trường kỳ. Sau này khi có dịp tra cứu, chúng tôi nhận ra, đến nay, trên dòng chính thống, những gì được viết từ nửa thế kỷ trước hầu như không thay đổi, nhất thành bất biến.

Nhưng thật bất ngờ, khoảng năm 2010 chúng tôi nhận được cuốn Nguyễn Du, mười năm gió bụi của ông Phạm Trọng Chánh từ Paris gửi về. Đọc sách, chúng tôi bừng tỉnh trước những khám phá mới mẻ, tuyệt vời mà chỉ có vậy, mới đủ sức cắt nghĩa về cuộc đời và tác phẩm Nguyễn. Dù rời bỏ văn chương lâu rồi nhưng nhờ xúc cảm với khám phá mới, chúng tôi viết được bài Nguyễn Du viết Độc Tiểu Thanh ký ở đâu? Trong thâm tâm chúng tôi đinh ninh rằng, cũng như mình, những nhà nghiên cứu trong nước sẽ đón nhận cuốn sách như ngọc quý để viết lại tiểu sử và từ đó nâng cao thêm giá trị trước tác của thi hào.

Nhưng khi đọc bài Nhận xét bài viết “Nguyễn Du và chuyến Bắc hành lần đầu – qua khảo sát một bài thơ cụ thể: Nhạc Vũ Mục mộ” (*) của ông Mai An Nguyễn Anh Tuấn của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi thì thất vọng vì những phát hiện quý giá của ông Phạm Trong Chánh hoàn toàn bị phủ định. Do vậy, chúng tôi buộc lòng phải lên tiếng.

Sự thực là, nửa thế kỷ qua, chúng ta đã làm được nhiều việc để vinh danh đại thi hào dân tộc như đề nghị UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới, tôn tạo mộ phần ông và nhiều sách về ông được xuất bản… Nhưng người đọc hầu như không biết gì thêm về cuộc đời ông. Ngay việc sắp xếp các bài trong từng tập thơ có những bất thông gây hoài nghi thì vẫn cứ được tin là “cách sắp xếp các bài trong bản chép tay này đã ổn” (!) Dù có hàng chục luận văn và nhiều công trình nghiên cứu của học giả trong và ngoài nước về Nguyễn Du được xuất bản thì nhìn chung, mọi thứ, như chiếc cối xay cùn chỉ xoay quanh những tư liệu được dùng tới cũ mòn!

Thông thường, với một nhân vật thì gia phả được coi là tài liệu chính thức, đáng tin cậy nhất. Vì vậy, gia phả họ Nguyễn Tiên Điền được Nguyễn Y là con Nguyễn Nhưng, em khác mẹ Nguyễn Du, chưa hề ra khỏi Tiên Điền Hà Tĩnh, viết một trăm năm sau, vẫn làm cho nhiều người tin rằng Nguyễn Du được phong tước hầu là nhờ tập ấm của bố nuôi họ Hà và “mười năm gió bụi” thì ông « về quê vợ ở Quỳnh Hải họp cùng anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn khởi nghĩa chống Tây Sơn »… Một nghi vấn khác: “Nguyễn Đại Lang là ai mà Nguyễn Du phải viết đến ba bài Biệt Nguyễn Đại Lang, và một bài Lưu Biệt Nguyễn Đại Lang,” chưa có lời giải! Chưa biết là ai nhưng rõ ràng, đó phải là nhân vật quan trọng đối với nhà thơ. Nhưng sau 50 năm, hiểu biết của chúng ta chỉ dừng lại ở dòng chữ vô hồn: “Ông bạn họ Nguyễn. Chưa rõ là ai”. Phải chăng các tiền bối của chúng ta cũng thấy điều này nhưng không trả lời được, đành nói cho qua!? Và rồi các “nhà Kiều học” cũng cho qua hơn nửa thế kỷ!

Vấn đề mấu chốt ở đây là có cuộc “giang hồ” đất Bắc của Nguyễn Du không? Ông Nguyễn Huệ Chi viết: “Muốn giải quyết được việc chuyển từ hệ quy chiếu địa-văn hóa Việt Nam sang địa-văn hóa Trung Quốc, ông Chánh phải làm một việc không tài nào làm nổi, đó là giải đáp cho được hai câu hỏi: (1) Điều kiện tài chính của chuyến “hành trình giang hồ” của Nguyễn Du trong tình thế nhà họ Nguyễn Tiên Điền đang suy thoái từ “quan sang” xuống đất đen (bần đáo cốt); và (2). Điều kiện giao tiếp thiết yếu đối với nhóm xuất ngoại trong tư cách giang hồ trên đất Trung Quốc hàng ngày (vì ngôn ngữ bất thông).

Viết như thế chứng tỏ ông không đọc hay đọc không kỹ công trình khảo cứu của ông Phạm Trọng Chánh. Vì vậy ông không hề biết hoàn cảnh xuất ngoại của Nguyễn Du. Không phải Nguyễn Du Bắc hành “trong tình thế nhà họ Nguyễn Tiên Điền đang suy thoái từ “quan sang” xuống đất đen (bần đáo cốt)” mà trong tình huống hoàn toàn khác.

Muốn giải đáp được hai “vấn nạn” mà ông Huệ Chi đặt ra, điều tiên quyết là phải xác định được nhân vật Nguyễn Đai Lang là ai? Cho đến nay, tài liệu chính thống của các bậc thầy cho rằng “không biết Nguyễn Đai Lang là ai.” Thậm chí còn nói đó là một ẩn sỹ vô danh! Trong khi đó, Phạm Trọng Chánh chỉ ra rất tường tận: ông là Nguyễn Đăng Tiến trong Lê Quý kỷ sự, còn gọi là Cai Gia trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Cai Già trong Lịch Triều Tạp Kỷ, những cuốn sách thông dụng. Cũng là tay giặc già phản Thanh phục Minh. Từ tài liệu ông Phạm Trọng Chánh dẫn, ta có thể hình dung ra đó là một kỳ nhân, vừa là hóa thân của một Từ Hải, vừa là tiền nhân của một Lưu Vĩnh Phúc sau này. Một vị tướng “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” nuôi chí lớn phục quốc, buộc phải lưu vong, làm gia tướng cho Nguyễn Khản. Phải có tài năng và công trạng đặc biệt mới được phong hầu. Là anh kết nghĩa sinh tử của Nguyễn Du nhưng với tuổi tác và sự từng trải, ông cũng như người cha tinh thần của nhà thơ tương lai. Dạy võ cho anh em Nguyễn Du nhưng có thể, với khả năng nhìn người của mình, ông đoán được vận mệnh của người em kết nghĩa. Có thể, trong thâm tâm, ông đã hoạch định một kế hoạch đưa Nguyễn Du “đi thực tế” phương Bắc để mở mang tầm mắt. Và việc Tây Sơn ra Bắc là cơ hội. Sau khi được Vũ Văn Nhậm tha chết, ông đã đưa anh em Nguyễn Du sang Vân Nam. Câu hỏi đặt ra: họ có tiền không? Muốn trả lời, phải thấy rằng, ba người không phải thường dân áo vải mà là công hầu khanh tướng, ở vị trí cao trong xã hội. Trước đó không lâu, Cai Gia là quyền Trấn Thủ Thái Nguyên, thay thế Thượng Thư Nguyễn Khản. Nắm binh quyền cố nhiên phải nắm binh lương. Nếu không thì lấy tiền đâu nuôi quân cho cuộc nổi dậy ở Tư Nông để rồi bị bắt? Có thể, trong ba người lúc đó, Nguyễn Du và Sỹ Hữu là nai tơ ngơ ngác. Nhưng là tay giang hồ, là giặc già, là tay tướng cướp người Hoa hai lần mất nước, Cai Gia nhất thiết không chịu để tay trắng rời nước Nam. Không dám nói ông tham ô tham nhũng nhưng hẳn phải có số bạc chắc tay dằn túi. Thêm nữa, như tài liệu của Phạm Trọng Chánh cho biết, khi sang Vân Nam họ mang theo một con ngựa bạch, Nguyễn Du dùng cưỡi đi đường. Trước khi chia tay đã bán đi lấy tiền thuốc thang cho Nguyễn Du. Như vậy, trước khi xuất hành, không phải Nguyễn Du tay trắng. Không chỉ vậy, rất có thể, chính Nguyễn Đăng Tiến là người thông thạo phong tục Trung Quốc, đã bày kế sách hóa thân Nguyễn Du thành nhà sư Chí Hiên với áo vàng, mũ vàng, kiếm dài trên vai, kinh Kim Cương trong túi. Trong vai nhà sư Thiếu Lâm, Nguyễn Du mặc sức tung hoành khắp Trung Quốc vừa không tốn tiền vừa an toàn, nhàn nhã.

Vấn nạn thứ hai là tiếng nói. Trước hết, cần phải biết rằng, thổ ngữ vùng Giang Nam khi đó vốn là tiếng Việt cổ, dù có đọc trại đi thì cũng rất gần tiếng Việt. Thêm nữa, là người có tư chất thông minh, khi sống với Cai Gia, hẳn Nguyễn Du cũng học được ở ông thầy võ ít nhiều. Tại Vân Nam, suốt ba tháng chữa bệnh cũng là thời gian quá đủ cho Nguyễn Du học tiếng trong khi vốn chữ Hán của ông có thừa. Rồi trên đường “đi một ngày đàng học một sàng khôn.” Trong cái sàng khôn ấy tất có tiếng nói. Phân tích trên cho thấy, nỗi lo không tiền, không biết tiếng, vốn là nỗi lo lớn của người ta thường tình trước khi xuất ngoại thì với Nguyễn Du, chuyến Bắc hành này được chuẩn bị quá chu đáo nên nỗi lo lớn của người thường với nhà thơ chỉ là chuyện vặt.

Nguyễn Du Bắc hành không phải như cánh nhạn mù sương vô mục đích, không phải kẻ tha hương cầu thực mà như cách nói hôm nay, là đã được “lập trình” của cuộc “đi thực tế” lớn: thời gian ba năm và đích gặp lại Nguyễn Đại Lang là Miếu Nhạc Phi Hàng Châu. Sau cuộc vân du sơn thủy, ở cuối cuộc hành trình, gặp lại người anh kết nghĩa, Nguyễn Du đã đổi đời, ở trong khách quán, đi xe song mã kẻ hầu người hạ. Thơ của Đoàn Nguyễn Tuấn trong sứ bộ Tây Sơn trên đường đi Bắc Kinh gặp Nguyễn Du đang trở về Nam ghi rõ điều này. Đi để “thu vào tầm mắt muôn trùng nước non” cho một mục đích lớn lao. Có thể nói chắc rằng, chính cuộc giang hồ này góp phần quan trọng làm nên con người và tác phẩm Nguyễn Du. Trước đây mọi người đinh ninh là có được cuốn sách của Thanh Tâm Tài Nhân ở Hà Nội rồi ông thợ chữ cao tay nghề diễn ca thành văn vần. Chi tiết trong truyện phần nhiều là do trưởng tượng. Cảnh “buồn trông cửa bể chiều hôm…” nhà thơ có được là nhờ mấy năm làm Cai bạ ở Quảng Bình… Nhưng nay thì ta biết, tới Hàng Châu khi cuốn sách Thanh Tâm Tài Nhân đang nổi như cồn, ông đã đọc và cảm thông với thân phận nàng Kiều. Ý định sáng tác Truyện Kiều nảy sinh từ đây. Nấm mồ đơn côi của Tiểu Thanh phải chăng là hình ảnh sau này của mộ Đam Tiên? Chính Nguyễn Du cũng tá túc trong chùa Hổ Pháo, nơi tu hành của Từ Hải xưa. Ông cũng thấy thanh lâu cùng những nàng Kiều. Bên cạnh đó còn biết bao danh lam thắng cảnh ông từng du ngoạn… Chính những cảnh đời thực được thu vào tầm mắt trong chuyến giang hồ là cái vốn sống quý giá để Nguyễn Du làm nên sự sinh động của Truyện Kiều. Mọi khảo cứu về con người và tác phẩm Nguyễn Du mà không biết đến những năm tháng giang hồ này là chưa biết Nguyễn Du!

Như nói ở trên, do xúc cảm với khám phá của TS Phạm Trọng Chánh, tôi đã viết Bài Độc Tiểu Thanh ký được Nguyễn Du viết ở đâu? Bài viết có đoạn:

“Sinh thời, thơ Nguyễn Du chưa được khắc in. Điều này có nghĩa, chúng ta không có được một văn bản cố định, “văn bản hóa thạch” để đối chiếu. Mặt khác, các tập thơ hiện có của Nguyễn Du cũng không được sao lục từ bản gốc, mang thủ bút Nguyễn Du mà nó được chép lại từ nhiều nguồn. Điều này dẫn tới tình trạng là mọi câu thơ, nhất là vị trí bài thơ trong các tập thơ của Nguyễn Du mặc nhiên bị hoài nghi về tính xác thực. Mặt khác, với việc phát hiện mới về tiểu sử Nguyễn Du, ta thấy quan niệm hiện nay: “Cả ba cuốn Thanh Hiên thi tập (viết trong khoảng 1785-1802, khi Nguyễn Du lánh ẩn ở quê vợ, Thái Bình, rồi trở về Hồng Lĩnh và ra lại Bắc Hà làm quan triều Gia Long), Nam trung tạp ngâm (1805-1812, khi Nguyễn Du làm quan ở Huế rồi làm cai bạ Quảng Bình) và Bắc hành tạp lục (1813-1814, thơ viết trên đường đi sứ Trung Hoa)” như lời giới thiệu Thơ chữ Hán Nguyễn Du in năm 2000 do Vũ Quần Phương viết không còn chính xác. Rõ ràng nhiều bài được viết trên đất Trung Hoa: bốn bài Biệt Nguyễn đại lang, bài Sơn thôn… lại được cho vào Thanh Hiên thi tập mà không được xếp vào Bắc hành tạp lục. Điều này theo tôi có hai khả năng. Hoặc là, Nguyễn Du xếp thơ mình vào từng tập không theo quy chuẩn thời gian chặt chẽ. Hoặc là người sau, khi chép lại thơ Nguyễn Du đã thay đổi vị trí. Phải chăng bài Độc Tiểu Thanh ký được người sau xếp vào Thanh Hiên thi tập dựa theo địa danh Tây Hồ?” (hết trích)

Có người nói “bài Độc Tiểu Thanh ký không thể bó buộc chúng ta phải hiểu là tác giả đã đến Tây hồ, đối cảnh sinh tình mà làm ra. Đây chỉ là từ xa ngưỡng vọng về Tây hồ.” Nói vậy là chính xác về ngữ nghĩa trong văn cảnh cụ thể. Nhưng như tâm lý sáng tác cho thấy, một người sáng tác có thể hình dung ra chàng trai 24 tuổi, trong cảnh nhà tan nước mất lưu lạc phương trời. Buổi chiều, có thể là chiều thu mưa gió sụt sùi, đi viếng mộ Tiểu Thanh, đêm về một mình trên gác trọ, đọc thơ, tức cảnh sinh tình viết nên bài thơ hay nhất của đời mình? Một khung cảnh ra đời như vậy của bài thơ có vẻ hợp lý hơn khi viết từ Hà Nội! Vâng, đồng cảm hay linh cảm dù mùi mẫn đến mấy thì cũng không phải “vật chứng trình tòa.” Rất may là chúng ta có bài Chơi Hồ Tây nhớ bạn tặng Nguyễn Du của Hồ Xuân Hương:

“Phong cảnh Tây Hồ chẳng khác xưa,

Người đồng châu trước biết bao giờ.

Nhật Tân đê lở nhưng còn lối,

Trấn Quốc rêu phong vẫn ngấn thơ

Nọ vực trâu vàng trăng lọt bóng,

Kìa non Phượng đất khói tuôn mờ

Hồ kia thăm thẳm sâu nhường ấy,

So dạ hoài nhân dễ chửa vừa.

Không chỉ câu đầu “Phong cảnh Tây Hồ chẳng khác xưa” mà toàn bộ bài thơ gợi lại tất cả những cảnh cũ của Hồ Tây 10 năm từ khi Nguyễn Du ra đi không thay đổi. Từ đó khiến người ta đặt câu hỏi: Vì sao cùng một cảnh Hồ Tây mà hai bài thơ mô tả trái ngược nhau? Rõ ràng, cảnh trong bài thơ tả thực của Xuân Hương không thể sai. Vậy cái sai thuộc về Nguyễn Du và cái sai này chỉ có thể giải thích bằng việc nhà thơ mô tả một Tây Hồ khác. Do lẽ Hồ Tây hôm nay so với cảnh hơn 10 năm trước, khi Nguyễn Du ra đi không thay đổi nên Tây Hồ hoa uyển Tẫn thành khư không thể là của Hồ Tây Hà Nội được! Bài này Hồ Xuân Hương viết để trả lời bài Độc Tiểu Thanh ký được Nguyễn Du tặng. Chúng tôi cho rằng, nhiều khả năng năm đó ra Hà Nội không gặp người cũ, Nguyễn Du đã để lại Phần dư tập của Tiểu Thanh và bài Độc Tiểu Thanh ký của mình tặng Xuân Hương. Khi về nhận thơ, Xuân Hương viết thơ này.”

Có một điều cũng cần phải nói ở đây là ông PGS.TS Đoàn Lê Giang, sau khi ủng hộ ý tưởng “không tiền không biết tiếng” nên không thể có chuyện giang hồ, đã viết lời phi lộ “Cái hại của học thuật tay ngang”, với giọng kẻ cả khinh thị, mục hạ vô nhân, chê ông Phạm Trọng Chánh gây ra tai họa cho văn hóa, kèm vào tham luận của học giả người Nhật:

 “Gần đây có loạt bài viết của tác giả tên là Phạm Trọng Chánh về việc Nguyễn Du từng đi Trung Quốc trước chuyến đi sứ 1813-1814. Ông ấy cho rằng Nguyễn Du đã “vân du” đến nhiều nơi khác ngoài con đường đi sứ ra. Ông nói khơi khơi vậy, cứ làm như ngày xưa muốn đi thì đi dễ dàng. Cụ Nguyễn không thèm biết tiếng Hoa, đường đi Trung Quốc xa xôi dặm thẳm, tiền không có, mà chẳng có “công ty du lịch” nào biết đến cụ để đưa cụ đi chơi miễn phí, thế thì cụ đi làm sao? Câu chuyện hoang đường ấy của Phạm Trọng Chánh thế mà được khối người tin, nhất là nghiên cứu sinh, học viên cao học.

Có cả tờ báo giấy, báo mạng đăng nữa, làm cái hại càng thêm hại. Tìm thông tin tác giả Phạm Trọng Chánh trên mạng, tôi thấy ông ấy chẳng liên quan gì đến nghề nghiên cứu văn sử, ông làm nghề khác, có lẽ giờ về hưu đâm rảnh rỗi, nghiên cứu tay ngang. Văn bản Bắc hành tạp lục ông không tìm hiểu kỹ, hàng mấy chục luận văn, luận án, bài nghiên cứu của học giới Trung Quốc về con đường đi sứ của sứ bộ Việt Nam ông không tham khảo. Chữ Nôm chữ Hán ông không rành, không biết ông có tự học không và tự học tới cỡ nào mà nói toàn chuyện động trời. Tôi đang lo các nhà xuất bản thích sách giật gân sẽ in sách của ông thì cái hại còn nhân lên ghê gớm và cơ hồ không xoá được nữa (tương tự như câu chuyện hão về Quang Trung mặt choắt 80 tuổi đích thân vào chầu Càn Long mà có ông nào đấy tung lên hôm trước, được một NXB bập vào, in hàng chục đầu sách).”

Phải hiểu thế nào là tay ngang đây? Theo thuyền thống, ở xứ An Nam này, thông thường ông đồ hay những vị từ Tú tài trở lên, tự làm thơ, tự khảo cứu rồi thành tác giả, chả có trường lớp nào đào tạo cả. Theo cái nghĩa mà ông Giang định ra thì bọn họ tất cả đều là tay ngang. Đám tay ngang làm nên văn học Trung đại. Cũng là dân “tay ngang” như thế, nhưng Tiến sỹ Phạm Trong Chánh lại là học trò ruột của Hoàng Xuân Hãn, nhà bác học và nhà giáo dục lớn nhất Việt Nam cận đại. Bên cạnh việc được dìu dắt bởi nhà Hán Nôm bậc thầy này, họ Phạm lại có tủ sách vĩ đại của Viễn Đông Bác cổ thỏa sức lùng sục tư liệu. Chính vì vậy, ông đã có những phát hiện độc lạ về Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương mà hơn nửa thế kỷ học “giả” trong nước chỉ ăn theo nói leo! Ông cũng dịch và chú giải nhiều thơ chữ Hán mà theo thiển ý, những bài thơ dịch chưa thật hay nhưng phải nói là chuẩn, cái chuẩn của một nhà nghiên cứu nghiêm cẩn. Vì Nguyễn Du, vì văn hóa dân tộc, ông Phạm Trọng Chánh đã bỏ công và của đi lại quãng đường hành tẩu giang hồ của tiền nhân hơn 200 năm trước rồi nói sự thật với đồng bào mà nhận được những lời khinh mạn như vậy thật xót xa! Còn nói về bằng cấp, lẽ nào bằng Tiến sỹ Giáo dục học của Trường Sorbonne lại thua cái bằng lá nho của nhiều tiến sỹ Việt Nam?

Ông PGS cũng thật bất cẩn khi khinh thường những học sinh, sinh viên cao học hưởng ứng Phạm Trọng Chánh. Chắc ông không quên câu hậu sinh khả úy! Họ là tương lai của học thuật Việt Nam. Rất có thể và hẳn là như vậy, vào dịp kỷ niệm 260 hay 270 năm sinh thi hào, có người trong bọn “học trò mặt trắng” hôm nay, sẽ dõng dạc nói trên diễn đàn: “Việc tìm ra ba năm giang hồ trên đất Trung Hoa là khám phá lớn nhất giúp ta hiểu biết đầy đủ về tiểu sử và nâng cao tầm vóc sự nghiêp của nhà thơ.” Tới lúc đó, họ sẽ làm ba việc: 1. Viết lại tiểu sử Nguyễn Du. 2. Sắp xếp lại thơ ông trong các tập. Riêng tập Bắc hành chắc có một phần gồm những bài làm thời giang hồ. Và 3. Dịch và chú giải lại thơ Nguyễn Du theo phát hiện mới. Bởi lẽ cũng bài thơ ấy, khi thời gian và hoàn cảnh sáng tác thay đổi thì ý nghĩa cũng khác đi. Và điều thứ tư tôi nghĩ họ sẽ làm là tạc bức tượng Nguyễn Đại Lang đặt ở vị trí trang trọng trong Bảo tàng của Nguyễn để ghi công “người anh cả” có vai trò quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ. Và cố nhiên, họ sẽ nói những lời biết ơn tới nhà nghiên cứu tay ngang Phạm Trọng Chánh. Và chắc rằng, trong kỷ yếu xuất bản khi đó không có chỗ cho những học “giả” ăn theo nói leo đầy rẫy hôm nay.


Sài Gòn, Thu 2022.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét